tin ảnh

Phiên chợ vùng cao

Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Chợ phiên không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ, gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng.

Minh Quyên - Xuân Quang - Thanh Sơn - Thanh Thư

24/11/2023 15:28

Bởi thế, vào mỗi buổi chợ phiên, khi mặt trời còn chưa ló rạng, từ trẻ cho đến người già khắp mường trên bản dưới xúng xính trong trang phục truyền thống náo nức xuống chợ. Chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, nam nữ thanh niên; các bà, các mẹ đi chợ để trao đổi, mua bán; cánh đàn ông đi chợ để giao lưu uống rượu, thổi khèn... Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu. Người dân vùng cao đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán, mà còn để gặp nhau trò chuyện sau những ngày lao động sản xuất vất vả.

Phiên chợ vùng cao- Ảnh 1.

Để đi chợ phiên, người dân phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với những sản phẩm, sản vật của địa phương là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù chịu thương chịu khó, là những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra. Cách bày bán cũng mộc mạc, tuy đơn sơ nhưng lại là nơi bày đủ thứ của ngon vật lạ từ núi rừng, với những đặc sản nổi tiếng mang đậm phong vị nguyên bản tạo nên một bức tranh sinh động về bản sắc, nét văn hóa riêng của phiên chợ vùng cao.

Chợ phiên vùng cao xứ Thanh là nơi mà ai đến một lần cũng được sống trong không khí rộn ràng, thân thiện, vô tư và cực kỳ mến khách của người dân địa phương, nơi khám phá những nét đẹp về truyền thống văn hóa đã tồn tại lâu đời và được gìn giữ đến ngày nay.

Phiên chợ vùng cao- Ảnh 2.

Là hoạt động thường kỳ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi xứ Thanh hội tụ, cùng nhau khoe sắc, hoạt động chợ phiên tại Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao", Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao 2023 đã tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền núi xứ Thanh. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa, du khách gần xa được dịp giao lưu chia sẻ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Mang đến "Phiên chợ vùng cao" năm 2023 là các sản vật của đồng bào 11 huyện miền núi xứ Thanh. "Phiên chợ vùng cao" năm nay được bài trí khá đẹp mắt, đa dạng và phong phú sản phẩm, phản ánh đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương.

"Phiên chợ vùng cao" năm nay tập trung nhiều nhất là nông sản của bà con 11 huyện miền núi. Đó là quýt hoi của đồng bào Thái ở huyện vùng cao Bá Thước, ổi và bưởi đến từ huyện Thạch Thành, dưa vàng và dưa baby đến từ Thường Xuân… Đây là những sản phẩm nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, chuẩn hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, đã đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến tháng 6 năm 2023, 11 huyện miền núi đã có 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. "Phiên chợ vùng cao" cũng là một dịp để những sản phẩm này đến với khách hàng.

Phiên chợ vùng cao- Ảnh 3.
Phiên chợ vùng cao- Ảnh 4.
Phiên chợ vùng cao- Ảnh 5.

Cùng với đó, nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống cũng hội tụ về "Phiên chợ vùng cao" như: các sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, dân tộc Mường; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, luồng ở các huyện Quan Hóa, Lang Chánh…

Không chỉ có những không gian giao thương, trao đổi hàng hóa, khi đến với "Chợ phiên vùng cao" tại Liên hoan Văn nghệ dân gian – Phiên chợ vùng cao và Lễ hội Văn hóa "Hương sắc vùng cao", du khách còn được thưởng thức các chương trình dân ca, dân vũ... mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Phiên chợ vùng cao- Ảnh 6.
Phiên chợ vùng cao- Ảnh 7.
Phiên chợ vùng cao- Ảnh 8.

Chương trình Văn nghệ dân gian các dân tộc tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại sân khấu trung tâm huyện Thường Xuân, thu hút hàng vạn khán giả đến xem. Chương trình nghệ thuật tái hiện "Danh nhân Cầm Bá Thước – Rạng ngời đất Châu Thường" với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân và Nhân dân, đã đưa khán giả trở về với không khí hào hùng, bất khuất của đồng bào Thái mường Trịnh Vạn xưa, đã hưởng ứng cờ nghĩa Cần Vương chống lại thực dân Pháp. Tiếp đến là phần thi trình diễn sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Thanh và trình diễn trang phục truyền thống. Đây là dịp để các nam thanh nữ tú miền sơn cước "khoe sắc đua tài", góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chợ phiên vùng cao luôn là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc, là nơi mà những phong tục tập quán của nhiều dân tộc được tái hiện làm cho phiên chợ ấm hơi thở cuộc sống, nhiều nét thi vị.

Nguồn: Chuyên mục Văn hóa văn nghệ, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận