Longform
img
Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 1.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 2.

Trên đây là những lời trần thuật đẫm nước mắt và hối hận của những nạn nhân và người liên quan tới những vụ việc bạo lực học đường đã diễn ra trong thực tế.

Chị Lê Thị Thảo, mẹ của nạn nhân Nguyễn Thị B kể lại: "Bố cháu bỏ đi khi cháu mới được sinh ra. Một mình tôi nuôi hai con nhỏ. Tôi suốt ngày đi làm, hoàn cảnh lại khó khăn, nên cũng không quan tâm nhiều đến các cháu được...

... Cái hôm cháu bị đánh, tôi không hề biết. Đến khi mọi người xem trên mạng, thấy clip bị tung lên, tôi mới biết. Làm mẹ mà thấy con mình bị đánh đập, lột cả quần áo ra như vậy, tôi đau xót vô cùng…"

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 3.

Chị Lê Thị Thảo vẫn rưng rưng nước mắt mỗi khi nghĩ đến những hình ảnh con gái mình bị bạo lực học đường.

Mặc dù sự việc đã trôi qua gần một năm, nhưng trong trái tim của người mẹ, nỗi đau vẫn còn dai dẳng. Con gái của chị, cháu Nguyễn Thị B là nạn nhân trong vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận tại thành phố Thanh Hóa vào tháng 10 năm 2023.

Thời điểm ấy, B mới 13 tuổi, đang là học sinh lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Do hiểu nhẩm B nói xấu bạn bè, một nhóm nữ sinh lớp 8, lớp 9 tại thành phố Thanh Hóa và huyện Quảng Xương đã gọi B đến nhà, đánh đập, lột đồ, quay clip và tung lên mạng xã hội.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 4.

Em Nguyễn Thị B kể lại sự việc trong ám ảnh và sợ hãi

Vụ việc đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Dư luận cũng dần chìm vào quên lãng. Nhưng ký ức về trận đòn oan thì vẫn luôn ám ảnh, như một vết rạn vỡ đầu đời trong tâm hồn thơ ngây, non nớt của cô bé Nguyễn Thị B.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 5.

Trên đây là lời kể của Lê Xuân T với nhóm phóng viên về hoàn cảnh của mình trước khi trở thành nạn nhân của vụ bạo lực học đường. Giờ đây, bà nội T vẫn lo lắng dặn dò T mỗi khi ra đồng rằng nếu thấy đau nhức vết thương cũ thì phải nói với bà ngay.

Lê Xuân T năm nay 16 tuổi, đang là học sinh tại một trường THPT trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cách đây không lâu, T là nạn nhân của một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Hôm ấy, T và người bạn cùng lớp xảy ra mâu thuẫn trong lúc chơi thể thao.

Cứ ngỡ, đó chỉ là khúc mắc, hờn giận nhỏ nhặt của tuổi học trò. T không thể ngờ, nguồn cơn ấy lại dẫn đến sự việc đau lòng. Ngay buổi sáng hôm sau, người bạn đã mang hung khí, tấn công T ngay tại trường, khiến em bị thương nặng, phải đi cấp cứu.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 6.

Sau sự việc đau lòng trên, sức khỏe của Lê Xuân T dần ổn định, có thể tiếp tục đến trường. Nhưng hung thủ, cũng là một cậu bé tuổi vị thành niên như em, đã bị kết án với tội danh giết người, và phải trả giá bằng những năm tháng sau cánh cổng trại giam.

Gần 2 năm đã trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ. Nhưng những vết sẹo trên cơ thể của cậu bé Lê Xuân T thì vẫn còn đó, hằn lên ký ức đau lòng. Vết sẹo ấy nhắc nhở, bạo lực học đường đã, đang là một vấn nạn nhức nhối trong toàn xã hội, làm vẩn đục môi trường học đường của các thế hệ học sinh.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Kim Sơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Phiên Trả lời chất vấn chiều ngày 7/11/2023 của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 8.

Những con số trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy vấn nạn bạo lực học đường chưa bao giờ thôi nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Tại Thanh Hóa, trong những năm gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra, trong đó, hàng chục vụ nghiêm trọng, gây rúng động dư luận cả nước. Một số vụ, nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có thể đến từ gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, một điểm chung ở hầu hết các vụ bạo lực học đường, đó là, khi mâu thuẫn xảy ra, các em học sinh thường không dám chia sẻ với thầy cô, cha mẹ.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 9.

Im lặng, không dám sẻ chia, lại thiếu kỹ năng xử lý tình huống, nên nhiều học sinh có hành vi bộc phát, gây ra bạo lực học đường nghiêm trọng, và phải trả giá bằng những tháng năm tù tội khi tuổi đời còn rất trẻ.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 10.

Phạm Nhân Nguyễn Hữu Duy thể hiện sự hối hận về hành vi của mình trong lá thư gửi bố mẹ.

"Bố mẹ kính yêu! Hôm nay, con tranh thủ viết lá thư này về thăm bố mẹ. Dạo này bố mẹ khỏe không? Con mong bố mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng buồn khi nghĩ về con. Ở trong này, mỗi ngày con đều nghĩ về bố mẹ. Con cảm thấy hối hận vô cùng. Chỉ vì một phút nông nổi không làm chủ được bản thân, con đã gây ra sự việc đau lòng. Con xin lỗi bố mẹ, xin lỗi người bạn đã bị con gây thương tích. Con sẽ cố gắng cải tạo thật tốt, để sớm được trở về với gia đình. Con mong bố mẹ hãy yên lòng vì con. Con chúc bố mẹ luôn mạnh khỏe."

Nguyễn Hữu Duy có lẽ là một trong những phạm nhân trẻ nhất của phân trại 5, trại giam Thanh Phong. Mới hơn 18 tuổi, Duy đã có hơn 1 năm ở trong trại cải tạo. Xa gia đình, cha mẹ, xa bạn bè, thầy cô, và phải tạm dừng con đường học tập. Ít ai ngờ, phạm nhân có khuôn mặt trẻ măng ấy, lại là thủ phạm trong một vụ án bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng.

Mâu thuẫn với bạn học, từng bị bạn đánh đến mức nhập viện, Duy mang tổn thương, ấm ức trong lòng, nhưng không chia sẻ với ai. Một ngày cuối tháng 4 năm 2023, trong lúc không kiểm soát được hành vi, Duy đã mang theo hung khí, tấn công bạn học ngay tại lớp, khiến bạn bị thương nặng.

Với hành vi phạm tội của mình, Nguyễn Hữu Duy bị truy tố và xét xử tội danh giết người, hình phạt hơn 4 năm tù giam. Ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, khi bạn bè đang học tập và thực hiện bao hoài bão, Duy đã phải tạm khép lại ước mơ của mình sau song sắt trại giam.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 11.

Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra việc chấp hành pháp luật của học sinh khi đến trường, thu giữ hàng ngàn hung khí, vật liệu sắc nhọn.

Để giảm thiểu vấn nạn bạo lực học đường, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS, THPT, Trung tâm GDTX - dạy nghề trên địa bàn tỉnh, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật của học sinh khi đến trường, thu giữ hàng ngàn hung khí, vật liệu sắc nhọn; qua đó chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời không để học sinh vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, đồng thời ngăn chặn tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học.

Ngành Giáo dục và đạo tạo tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh trong phòng chống bạo lực học đường.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 12.

Trường THCS Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa tăng cường tổ chức các hoạt động dưới cờ thiết thực, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác hại của bạo lực học đường.

Trường THCS Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là nơi từng xảy ra vụ án bạo lực học đường. Kể từ sau sự việc, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động dưới cờ thiết thực, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác hại của bạo lực học đường; đồng thời, có kĩ năng xử lý tình huống mỗi khi đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 13.

Đài phát thanh măng non của Liên đội trường THCS Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa thường xuyên phát đi những bản tin tuyên truyền về bạo lực học đường.

Tuần nào, Đài phát thanh măng non của Liên đội trường THCS Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa cũng phát đi những bản tin tuyên truyền về bạo lực học đường. Thông qua những bản tin này, các đội viên, đoàn viên của nhà trường có thêm kiến thức, kĩ năng trong phòng, chống bạo lực học đường.

Các giáo viên cũng thường xuyên lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực học đường vào các tiết học, tạo sự gần gũi, tin cậy để học sinh có thể thoải mái chia sẻ những vấn đề gặp phải, những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình…

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 14.

Quay trở lại trại giam Thanh Phong, Nguyễn Hữu Duy giờ đây đang nỗ lực cải tạo, với sự giúp đỡ tận tình của các quản giáo trong trại. Duy hy vọng sẽ sớm được trở về với gia đình, để chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra. Cánh cổng trại giam là nơi giữ lại năm tháng thanh xuân, nhưng cũng mở ra những ước mơ trưởng thành trong lòng phạm nhân trẻ tuổi này.

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 15.

Còn ở một nơi khác, khi câu chuyện bạo lực học đường qua đi, em Nguyễn Thị B trở lại trường học như bao bạn bè đồng trang lứa.

Ký ức về nỗi đau trong em có thể vẫn còn, nhưng đã lùi lại phía sau. Giờ đây, B lại viết tiếp những ước mơ của cuộc đời mình….

Phim tài liệu: Đừng im lặng- Ảnh 16.

An Thư
Thanh Sơn - Minh Tâm
Nhật Anh
Khánh Linh



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận