Trong đời sống của người Thái, không biết rượu cần có từ bao giờ, chỉ biết rằng đám cưới không có vò rượu cần thì cô dâu chưa về nhà chồng, ngày Tết không có vò rượu cần thì chưa nên xuân, cuộc vui nào cũng không thể thiếu rượu cần. Rượu cần thơm ngon và cách uống rượu cũng thật thú vị, độc đáo. Khi được thưởng thức hương vị rượu cần, nhiều thực khách luôn muốn tìm hiểu về nguồn gốc và bí quyết làm ra nó. Bởi đó không chỉ là một thức uống ngon mà còn mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Bà Lương Thị Nhã được nhắc đến là người "nhóm lửa" cho nghề làm rượu cần ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa. Bà cho biết, để làm được rượu cần, phải có sự kiên trì, niềm đam mê, gửi trọn cái tâm, cái tình của mình vào công việc này thì mới thực sự thành công.
Năm 12 tuổi, bà Nhã được kế thừa công thức và kinh nghiệm làm rượu cần từ mẹ mình. Ban đầu bà chỉ nấu rượu cần cho gia đình dùng. Trong lễ cúng lúa mới, hàng xóm đến uống rượu cần của bà thấy ngon nên thường đến nhà bà đặt hàng. Từ đó, bà làm rượu cần số lượng nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Đặc biệt, từ khi bản Bút được công nhận là bản du lịch cộng đồng, rượu cần của bà lại càng được du khách gần xa biết đến nhiều hơn.
Để làm được một chum rượu cần ngon, việc đầu tiên là phải lên rừng tìm nguyên liệu về làm men ủ rượu. Sau khi có được loại men đạt chất lượng, những cục men khô được giã thành bột, rắc đều vào các nguyên liệu dùng để ủ rượu như sắn gạc nai, gạo nếp… đã được nấu chín, sau đó, cho vào bình để ủ, đậy kín miệng. Khoảng 1 tháng sau là có thể uống được. Tuy nhiên, rượu cần càng ủ lâu càng đượm vị và ngon. Với bà con, làm rượu cần là đam mê, tình yêu của người Thái đối với văn hóa truyền thống dân tộc, chứ không đơn thuần là vì kế sinh nhai. Chế biến rượu cần thì không quá khó nhưng để đạt đúng hương vị đặc trưng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì phải có bí quyết riêng của mỗi người.
Rượu cần được ủ trong những vò sành hay ché. Vò và ché là những tài sản rất quý giá của người Thái. Rượu ủ càng lâu thì hương vị càng ngon. Khi uống rượu, chỉ việc múc nước suối đổ vào đầy vò, cắm những chiếc cần trúc vào, rồi hút. Rượu cần là thức uống cao cấp, thường chỉ được dùng khi tiếp đãi khách quý hoặc các lễ tiệc quan trọng. Rượu cần có vị ngọt ngọt chua chua nhưng uống nhiều sẽ say. Khách đến nhà bao giờ cũng được chủ nhân mời uống rượu cần.
Trước nguy cơ nghề truyền thống bị lãng quên, thất truyền, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa đã vận động, tuyên truyền người dân giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, trong đó rượu cần được chọn là một trong những sản phẩm ẩm thực cần được bảo tồn.
Nhiều nghề truyền thống tại bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa đã hình thành và tồn tại hàng bao đời nay. Tuy quy mô không lớn nhưng các nghề hiện vẫn được gìn giữ, tạo nên giá trị, thương hiệu của sản phẩm và được khách du lịch đón nhận rộng rãi. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống là hết sức cần thiết, thể hiện sự trân trọng di sản quý giá ông cha để lại, đồng thời lưu giữ vốn tri thức, kỹ năng, bí quyết nghề cho các thế hệ mai sau, tạo nên chiều sâu văn hóa, tín ngưỡng của một bản làng và rộng hơn là một vùng, phản ánh đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, sự phong phú và đa dạng của sản vật địa phương.
Trước đây, làm rượu cần được xem là công việc phụ lúc nông nhàn và chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, làng bản mỗi dịp lễ, Tết, hội hè và các sinh hoạt cộng đồng khác. Đến nay, rượu cần đã trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng, mời gọi níu chân du khách đến với địa phương.
Chẳng ai biết rượu cần có từ khi nào, chỉ biết từ xưa đến nay phụ nữ Thái đều biết làm rượu cần. Với họ, rượu cần chính là "cầu nối" để mọi người giao đãi, gắn kết cùng nhau trong mối quan hệ cộng đồng, rượu cần cũng là món ẩm thực sang quý, bắt buộc phải có trong các sự kiện trọng đại và là thức uống không thể thiếu trong mỗi gia đình của người dân vùng cao. Rượu cần còn là thước đo sự đảm đang của những người phụ nữ Thái. Nhà nào có nhiều rượu cần, chứng tỏ phụ nữ nhà ấy biết chăm sóc, vun vén cho gia đình.
Nhiều khách đến tham quan các điểm du lịch cộng đồng, đều "hỏi thăm" về rượu cần của đồng bào Thái. Ai cũng muốn trải nghiệm, thưởng thức hương vị rượu cần truyền thống. Có một thực tế là những người tâm huyết với nghề làm rượu cần đang ngày càng già đi, cần phải có những người kế tục để bảo tồn, phát huy nét văn hóa ẩm thực này của quê hương. Bởi vậy, trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải duy trì nghề truyền thống của cha ông, quảng bá được nét văn hóa rượu cần độc đáo đến với du khách, để mở ra hướng đi tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình, bản làng ấm no.
Ở nhiều bản làng vùng cao xứ Thanh, bà con các dân tộc đã và đang nỗ lực, chủ động làm tốt vai trò của mỗi cá nhân và tập thể trong kế thừa, phát triển bền vững những nghề truyền thống như chế biến rượu cần, dệt thổ cẩm... Đây là những việc làm thiết thực, để nhịp cầu văn hóa được trao truyền, nối dài qua nhiều thế hệ và ngày càng phát huy giá trị trong đời sống hôm nay và mai sau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.