Longform
img

Y Mụi và Minh Tuấn là 2 chị em có hoàn cảnh khá đặc biệt tại bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi làm xa không trở về, 2 chị em phải sống cùng gia đình người bác. Cuộc sống cùng người thân, không phải bố mẹ, ở tại căn nhà vốn không phải nhà của mình, chưa bao giờ là dễ dàng với 2 đứa trẻ. Dẫu bác vẫn quan tâm, vẫn cho 2 chị em đi học, nhưng sâu trong tiềm thức của cả 2 đứa trẻ vẫn là sự khuyết thiếu tình yêu thương từ cha mẹ mà chẳng điều gì thay thế được. Có lẽ, cũng bởi hoàn cảnh đặc biệt như vậy mà tính cách cô chị Y Mụi cũng lầm lũi, ít nói, ít cười hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Sự học nơi bản nghèo- Ảnh 1.

Còn với em Giàng A Dơ, mỗi ngày được đến trường có lẽ là niềm vui lớn nhất lúc này. Cả bố và mẹ em đều vướng vào vòng lao lý do liên quan đến ma tuý. A Dơ hiện sống với ông bà, nhưng do ông bà tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức lo cho cháu nhỏ, nên Dơ sống cảnh "nay ở nhà này, mai ở nhà khác". Những người thân thay nhau nuôi dưỡng em. Điều khiến Dơ sợ nhất là không biết đến lúc nào sự học của mình sẽ phải dừng lại.

Thầy giáo Hà Văn Nghiến, giáo viên điểm trường Ón, trường Tiểu học Tam Chung, huyện Mường Lát chia sẻ: "Ở điểm trường này có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có cháu mồ côi cha, có cháu mồ côi mẹ, các cháu phải sống với ông bà, người thân. Hoàn cảnh các cháu như vậy nên giáo viên chúng tôi luôn quan tâm, động viên các em cố gắng theo học. Vào năm học chúng tôi cũng góp tiền mua sách, bút, vở cho các em".

Sự học nơi bản nghèo- Ảnh 2.

Ở các bản nghèo của huyện Mường Lát, những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như Y Mụi, Minh Tuấn hay A Dơ không phải là hiếm gặp. Sự học, với các em, chính là được ngày nào hay ngày đó. Chẳng những học hành trong thấp thỏm, mà những đứa trẻ này còn thiếu thốn sự quan tâm, sát sao từ gia đình. Đây cũng là khó khăn rất lớn cho những người làm giáo dục tại địa phương này.

Thầy giáo Ngân Văn Ân, giáo viên điểm trường Ón, trường Tiểu học Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết: "Đa số các em đều là hộ nghèo, bố mẹ cũng ít quan tâm đến việc học hành của con cái, nên chất lượng học của các em không đều đặn, còn một số em mức độ tiến bộ đang còn chậm". Thầy giáo Hơ Văn Chá, giáo viên điểm trường Suối Lóng, trường tiểu học Trung lý 1, huyện Mường Lát cũng cho biết: "Nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm đến con cái. Anh em chúng tôi còn phải đến tận nhà để đón các cháu đến lớp. Chúng tôi vẫn cố gắng dạy cho các con các cháu sao cho biết đọc, biết viết để sau này có trình độ, có hướng làm ăn đảm bảo điều kiện kinh tế, xoá đói giảm nghèo".

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của huyện Mường Lát mới đạt 65,3%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo đạt yêu cầu về giáo dục đạt 91%. Tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị nghỉ học vẫn còn cao.

Sự học nơi bản nghèo- Ảnh 3.

Thương học trò ở bản nghèo, các thầy cô giáo công tác ở huyện Mường Lát đã tìm đủ cách, xoay xở đủ đường, kêu gọi hỗ trợ từ khắp nơi, để các em có thể được bước xa hơn trong hành trình đi tìm con chữ.

Ở khu vực biên giới, cùng với các thầy giáo, cô giáo, các chiến sỹ Biên phòng cũng chung tay vào sự nghiệp gieo chữ, trồng người. Những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục của người lính mang quân hàm xanh đã góp phần xoá tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại uý Đào Nguyên Túc, Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát chia sẻ: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Nhưng bây giờ kiêm nghiệm nhiệm vụ làm thầy giáo, chúng tôi cũng rất lo vì thiếu kinh nghiệm giảng dậy và kiến thức sư phạm cũng hạn chế" .

Nhiều năm qua, lực lượng bộ đội Biên phòng Thanh Hóa không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới mà còn trực tiếp tham gia có hiệu quả vào công tác xóa tái mù chữ, lồng ghép tuyên truyền pháp luật. Cùng với đó, mô hình "lớp học biên cương", "lớp học đặc biệt", "Con nuôi đồn biên phòng"… của các thầy giáo mang quân hàm xanh được nhân rộng, đã giúp xóa mù chữ cho hàng nghìn lượt người dân tại các khu vực biên giới.

Sự học nơi bản nghèo- Ảnh 4.

Đại úy Lê Văn Tuấn,  Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát chia sẻ: "Thấu hiểu khó khăn của các cháu vùng biên giới, trong những năm qua cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Tam Chung đã làm tốt và hiệu quả chương trình "nâng bước em đến trường", cũng như "con nuôi biên phòng", đã giúp cho các cháu có cơ hội quay về trường học tập. Cá nhân chúng tôi không sợ khó khăn vất vả ở khu biên giới, mà chỉ sợ những tình cảm chúng tôi mang lại cho bà con chưa đủ để giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, giúp đỡ các em nơi đây có tương lai tươi sáng hơn".

Ngoài sự chung tay của lực lượng Biên phòng, hiện nay tại Mường Lát, hàng trăm học sinh đã được tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đi học nhờ vào sự hỗ trợ của dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát". Đây là dự án phi lợi nhuận, do Đoàn Thanh niên Khối Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Huyện Đoàn Mường Lát và Câu lạc bộ thiện nguyện Ngọc Lặc xây dựng và phát triển từ tháng 9/2022. Dự án giúp các em học sinh của huyện Mường Lát có những bữa cơm ngon ngay tại điểm trường của mình.

Trong năm học 2022 - 2023, dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" đã vận động để hơn 500 trẻ em có bữa trưa khi đến trường. Từ 3 điểm trường đầu tiên, dự án đã lan toả đến 10 điểm trường với gần 500 học sinh được hỗ trợ nuôi cơm. Trong năm học 2023 -2024, dự án "Cùng nhau nuôi em Mường Lát" sẽ hỗ trợ 831 học sinh tại 15 điểm trường. Trong số này sẽ có 5 điểm trường mới so với năm học 2022 - 2023.

Sự học nơi bản nghèo- Ảnh 5.

Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: "Dự án nuôi em đến trường có ý nghĩa đối với địa bàn huyện Mường Lát. Giúp cho số lượng học sinh được ăn bữa trưa ở trường tăng lên, đây cũng là cơ hội để các em có nhiều thời gian để nghỉ nghơi  cũng như học tập đảm bảo thời lượng chương trình đề ra của Bộ Giáo dục.

Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Mường Lát đặc biệt quan tâm. Trong năm học vừa qua, huyện đã huy động được hơn 1,2 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất cho các nhà trường, hỗ trợ học bổng và đồ dùng cá nhân cho học sinh nghèo vượt khó. Với thầy giáo Lê Đình Thới, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Lý 1, huyện Mường Lát, mong muốn lớn nhất của thầy là sẽ lan tỏa thông điệp để các cấp các ngành, các đoàn thể tiếp tục quan tâm tới vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ các em học sinh vùng cao được đến trường.

Mặc dù chặng đường nối dài sự học nơi vùng đất biên cương Mường Lát vẫn còn lắm gian nan. Nhưng với sự chung tay, góp sức của chính quyền, Nhân dân và cộng đồng, những em bé nơi đây sẽ tiếp tục được cắp sách đến trường, ấp ủ ước mơ về ngày mai tươi sáng hơn.

Sự học nơi bản nghèo- Ảnh 6.


Hương Quỳnh
Xuân Quang - Hữu Dần
Đức Anh
Minh Hương
Sự học nơi bản nghèo

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận