Sự học ở vùng cao "Sáu Thanh"
Vùng “Sáu Thanh” trước đây được mệnh danh là vùng đất khó của huyện Như Xuân. Khi điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, sự học ở vùng cao "Sáu Thanh" cũng rất gian nan. Tuy nhiên những năm trở lại đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh và huyện thông qua nhiều chương trình, dự án, đời sống kinh tế, xã hội nói chung và sự học vùng cao "Sáu Thanh" nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Việc đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây cũng vơi bớt đi những khó khăn.
"Sáu Thanh" là cách gọi về vùng đất gồm 6 xã của huyện Như Xuân: Thanh Xuân, Thanh Quân, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Hòa, Thanh Sơn... Đây là những xã vùng cao, vùng sâu và cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Như Xuân. Ai đã từng một lần đến vùng đất Sáu Thanh nhiều năm về trước, chắc hẳn sẽ không quên được những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, tỷ lệ hộ nghèo cao... Thế nhưng giờ đây, nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được phát huy hiệu quả, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới..., vùng "Sáu Thanh" đã khoác lên mình màu áo mới. Và sự học của con em nơi đây vì vậy cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn cùng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ, trường mầm non Thanh Lâm được công nhận Trường chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2023. Hiện nay, nhà trường có 160 học sinh, với các nhóm lớp nhà trẻ và mầm non. Tuy nhiên, Thanh Lâm có đặc thù là địa bàn vùng cao, dân cư phân bố rộng, nhiều thôn bản cách xa trung tâm xã. Để tạo điều kiện thuận lợi cho con trẻ tới trường, ngoài điểm trường chính, trường mầm non Thanh Lâm còn bố trí điểm trường lẻ ở làng Chảo với 24 học sinh theo học.
Điều kiện ở khu lẻ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất như: phòng học phải mượn tạm, trang thiết bị dạy học đơn sơ và khó khăn, nhất là điểm lẻ này không có bếp bán trú. Không để hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ bị gián đoạn, đồng thời để các bậc phụ huynh yên tâm đưa trẻ đến trường, trong suốt 3 năm qua, ban giám hiệu và các thầy cô giáo trường mầm non Thanh Lâm đã quyết tâm thực hiện bếp bán trú ở điểm trường làng Chảo. Ngày nào cũng vậy, cứ 10 giờ sáng, các cô nuôi lại chia các suất ăn từ bếp trường chính đến điểm trường lẻ. Dẫu nắng hay mưa, phải vượt qua những đập tràn ngập nước, các cô cũng không quản ngại khó khăn, chỉ mong sao con trẻ có những bữa ăn ngon, tinh thần thoải mái, hào hứng tới trường, tới lớp.
Là người gắn bó với điểm trường Chảo suốt 3 năm qua, từ khi nhà trường thực hiện ăn bán trú, cô giáo Lương Thị Đông đã chứng kiến những đổi thay lớn trong việc học tập của học sinh và phụ huynh nơi đây.
Hiện nay, ở các trường mầm non khu vực "Sáu Thanh", về cơ bản trường, lớp học đã được đầu tư khang trang. Tuy nhiên, tại một số điểm trường lẻ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi... Nhưng với tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô vẫn luôn nỗ lực không ngừng để bám lớp bám trường.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trường Mầm non Thanh Xuân là trường thuộc xã vùng khó khăn của huyện Như Xuân. Ngoài điểm trường chính, nhà trường còn có nhiều điểm trường lẻ. Những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh cho đến huyện, xã, phụ huynh... Từ đó cơ sở vật chất nhà trường ngày càng khang trang, hiện đại, học sinh đến trường ngày càng nhiều hơn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao".
Để góp phần nâng cao sự học ở vùng "Sáu Thanh", đồng thời làm giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, năm 2021 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân đã ra Nghị quyết 04 về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện Như Xuân, giai đoạn 2021 - 2025". Với mục tiêu Nghị quyết đề ra, cùng sự quan tâm của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, vùng "Sáu Thanh" từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng điều kiện dạy và học của giáo viên và học sinh. Hiện nay, vùng "Sáu Thanh" có 17 trường, trong đó có 6 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở, 1 trường tiểu học và trung học cơ sở, 1 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, với 12 điểm trường lẻ của bậc mầm non và tiểu học. Tổng số học sinh của các bậc học là gần 4.200 học sinh. Kết thúc năm học 2022 - 2023, vùng "Sáu Thanh" mới chỉ có 7/17 trường đạt chuẩn quốc gia, thì đến năm học 2023 – 2024, số trường đạt chuẩn đã tăng lên 12/17 trường.
Tháng 11/2023 là dấu mốc quan trọng, đồng thời là niềm tự hào của tập thể cán bộ giáo viên và học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân, khi nhà trường được công nhận là Trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Việc phải học trong những phòng học cũ xuống cấp, thiếu thốn đồ dùng, trang thiết bị chỉ còn là quá khứ. Bây giờ, với hệ thống trường lớp khang trang, trang thiết bị đồng bộ cùng với sự nhiệt huyết của giáo viên trong công tác giảng dạy, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao. Kết thúc năm học 2023 – 2024, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt chiếm 33%; số học sinh hoàn thành chiếm 67%; số lượng học sinh khối 3,4,5 tham gia các cuộc thi học sinh giỏi của huyện đạt 13 giải; khối 1, 2 đạt 10 giải. Đây là những kết quả minh chứng cho nỗ lực của nhà trường, sự cố gắng của các em học sinh và sự quan tâm, chăm lo của các bậc phụ huynh đối với việc học tập của con em nơi vùng cao này.
Thầy giáo Lê Hữa Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trường Tiểu học Thanh Xuân những năm trở lại đây đã có những chuyển biến rất rõ nét, tích cực như chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng học sinh được tăng lên rất nhiều. Đặc biệt phải kể đến đó là những đổi thay trong nhận thức của của bậc phụ huynh về việc học của con em mình. Trước hết, các trẻ đủ tuổi được tới trường; các bậc phụ huynh đã mua sắm đầy đủ đồ dùng, sách vở; quan tâm xã hội hóa cơ sở vật chất để các con có môi trường học tập tốt nhất".
Sự học ở vùng cao "Sáu Thanh" có sự đổi thay vượt bậc, không chỉ nhờ được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa, mà còn phải kể đến những thay đổi trong nhận thức, tư duy của các bậc phụ huynh đối với việc học của con em mình. Những buổi gặp gỡ, tuyên truyền, chia sẻ với các bậc phụ huynh thường xuyên được ban giám hiệu và giáo viên các nhà trường triển khai. Qua đó, không chỉ giúp giáo viên nắm bắt được tâm tư của học sinh, mà còn gắn kết gia đình với nhà trường trong việc nuôi dạy con cái. Vì vậy, ở vùng "Sáu Thanh" hiện nay không còn tình trạng học sinh bỏ bọc giữa chừng, 100% học sinh đủ tuổi được đến trường.
Chị Hà Thị Hoa, thôn Lâm Chính, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Gia đình tôi chồng mất sớm, chỉ còn hai mẹ con nên hoàn cảnh rất khó khăn. Được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, nhà trường nên con tôi vẫn tới trường".
Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để có được những kết quả hôm nay trong sự học ở vùng "Sáu Thanh", trước hết là Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là trong giai đoạn 2021 - 2025 huyện đã ban hành riêng nghị quyết để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn huyện, trong đó có vùng "Sáu Thanh". Trên tinh thần Nghị quyết của huyện và bám sát thực tiễn, đã đề ra các mục tiêu lớn như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Đối với vùng "Sáu Thanh" hiện nay không còn nhà tạm, phòng học được kiên cố hóa, nhà chức năng được xây dựng".
Những ngôi trường mới khang trang được mọc lên, cùng với sự quan tâm của các bậc phụ huynh, sự nỗ lực của các em học sinh, sự tận tâm của các thầy cô giáo... Đó chính là những yếu tố quyết định, tạo nên sự chuyển biến của sự học vùng cao "Sáu Thanh", góp phần đưa nền giáo dục Như Xuân ngày càng phát triển.
Lễ ra quân các đội tuyển dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024- 2025
Sáng ngày 19/12, trường THPT Chuyên Lam Sơn đã tổ chức Lễ ra quân các đội tuyển dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024 - 2025.
Đại học Phenikaa đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo
Trong tầm nhìn chiến lược của mình, trường Đại học Phenikaa đặt mục tiêu lọt vào top 100 trường đại học tốt nhất châu Á vào năm 2035. Để làm được điều này, nhà trường tập trung vào công tác đào tạo, nghiên cứu nhằm tạo ra môi trường thực hành tốt nhất cho các sinh viên khi đang theo học tại đây.
Thi viết thư UPU - bồi đắp giá trị nhân văn trong tâm hồn
Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU được Liên minh Bưu chính thế giới phối hợp với UNESCO tổ chức thường niên dành cho thiếu niên trên toàn Thế giới từ 1971 đến nay, được phát động lần đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa vào năm 1990. Qua 34 năm tổ chức, với nhiều đề tài viết thư phong phú, phù hợp với lứa tuổi học sinh, cuộc thi đã có sức lan toả mạnh mẽ, tạo thành một đợt sinh hoạt văn hoá, giáo dục đạo đức, lối sống ý nghĩa trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
Phenikaa giành giải Nhì tại cuộc thi Olympic Vật lý toàn quốc 2024
Tại cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXVI, diễn ra tại Đại học Thái Nguyên, đội tuyển trường Đại học Phenikaa đã giành Giải Nhì toàn đoàn.
Từ năm 2025 sẽ có thêm tiêu chí xếp loại hạnh kiểm học sinh
Nghị định số 151/2024 của Chính phủ quy định: Từ ngày 1/1/2025, nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh.
Trường Đại học Hồng Đức trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2024
Sáng ngày 15/12, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2024 cho 349 nghiên cứu sinh và học viên tốt nghiệp năm 2024.
Huyện Quảng Xương gặp mặt động viên các học sinh đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024 – 2025
Chiều 13/12, huyện Quảng Xương tổ chức buổi gặp mặt các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9, năm học 2024 - 2025.
6/6 học sinh Việt Nam giành huy chương tại Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2024
Thông tin từ đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế lần thứ 21 năm 2024 (IJSO 2024) tại Rumania cho biết, cả 6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải với 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Cơ sở vật chất hiện đại – nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo
Trong cuộc cách mạng giáo dục hiện đại, việc đầu tư cho cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ là yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học. Đây cũng là lý do để trường đại học Phenikaa, Hà Nội nỗ lực đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập và nghiên cứu tuyệt vời, truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên.
Tỉnh Thanh Hóa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Năm 2024, ngành Giáo dục Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực giữ vững vị trí trong tốp đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn và nâng cao chất lượng đại trà, hoàn thành vượt chỉ tiêu đến năm 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.