Thanh Hóa là một trong số các tỉnh miền Bắc được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ đón tiếp và chăm sóc cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết. Trong suốt 9 năm trường kì kháng chiến chống Pháp, hậu phương lớn Thanh Hóa đã phải dốc toàn bộ sức người, sức của cho chiến trường nên cuộc sống của người dân lúc đó hết sức khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Nhưng với tình cảm ruột thịt "Bắc - Nam chung một nhà", Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết, tốt nhất để đón tiếp đoàn cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn.
Trở lại thăm Cảng Hới, thành phố Sầm Sơn - nơi đặt biểu tượng con tàu tập kết, ông Trần Trí Trác vẫn hình dung rõ nét về những ngày tháng chuẩn bị đón tiếp đồng bào miền Nam. Không khí lúc đó tấp nập và khẩn trương. Hàng trăm công nhân và Nhân dân, hàng vạn cây nứa, cây luồng, hàng trăm tấn củi… từ miền núi Thanh Hóa đưa xuống để kịp thời làm những căn nhà đón tiếp đồng bào miền Nam. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được các huyện đưa về tập kết ở đây.
Khi những chuyến tàu chở hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam lần lượt rời bến Cà Mau, Cao Lãnh - Đồng Tháp và Quy Nhơn - Bình Định ra Bắc thì cũng là lúc công tác chuẩn bị đón tiếp ở các địa phương miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã hoàn tất trong điều kiện tốt nhất có thể.
Trong 300 ngày chuyển quân lịch sử những chuyến tàu đưa đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam vượt muôn trùng sóng khơi ra đến Cảng Hới thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thông thường thì 3 ngày 3 đêm cập bến nhưng có những con thuyền gặp gió to, sóng lớn tới 9 ngày đêm mới cập bến.
Trong chuyến công tác tại phương Nam, đoàn làm phim đã được hội ngộ cùng thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trên những chuyến tàu của Liên Xô, Ba Lan vào những năm 1954 - 1955. Những mái đầu xanh của 70 năm trước nay đã bạc màu thời gian, dẫu vậy khi gặp lại nhau vẫn rất hào hứng, sôi nổi khi hồi tưởng lại kỉ niệm của những tháng năm được nuôi dạy và trưởng thành trên đất Bắc.
Ngày ấy, trên những con tàu tập kết, nhiều người lần đầu tiên đi tàu biển say sóng mệt lử, nhưng tình cảm ấm áp và tràn đầy yêu thương mà đồng bào Thanh Hóa dành cho đồng bào miền Nam khi cập bến Cảng Hới, Sầm Sơn đã khiến mọi người quên đi mệt mỏi. Sự đón tiếp chu đáo và tình cảm đằm thắm của Nhân dân Sầm Sơn đã làm ấm lòng những người con miền Nam.
Những ngày tháng lưu lại Thanh Hóa của học sinh miền Nam tuy không dài, nhưng đối với họ đó là quãng thời gian đẹp đẽ và đầy lưu luyến, mến thương.
Ngày ấy, làng quê nghèo ven biển đầy nắng gió này đã đón những bước chân nhỏ bé, những tâm hồn thơ dại vừa rời khỏi vòng tay cha mẹ để tập kết ra Bắc. Nhân dân Thanh Hóa đã dành trọn vẹn tình yêu thương để chăm lo cho những đàn "chim non" sớm rời tổ ấm như chăm lo cho chính người thân của mình.
Với cựu học sinh miền Nam Võ Kim Cương, vùng đất quê Thanh luôn nặng nghĩa ân tình đối với gia đình ông. Năm 1954, gia đình ông lên tàu tập kết ra Bắc trong hoàn cảnh rất éo le, má ông bị bệnh thập tử nhất sinh, còn em trai đi cùng mới chưa đầy 4 tuổi. Vậy mà khi cập bến tàu Cảng Hới, má ông được y bác sĩ Thanh Hóa tận tình cứu chữa, chăm sóc ổn định trước khi chuyển ra Hà Nội. Còn em trai bé nhỏ được đưa vào chăm sóc trong trại nhi đồng.
Sau này, gia đình đoàn tụ trên đất Bắc, ông càng thấm thía hơn cái tình dân tộc, nghĩa đồng bào của 2 miền Nam - Bắc. Ông Võ Kim Cương, Cựu học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh xúc động nhớ lại: "Ở ngoài Thanh Hóa lúc đó đã chuẩn bị một bệnh viện miền Nam Thanh Hóa. Được chăm sóc chu đáo nên mẹ đã ổn định và được chuyển ra bệnh viện A, Hà Nội. Em út lúc đó có 4 tuổi thôi cũng được gửi vào trại Nhi đồng miền nam Thanh Hóa".
Trên chuyến tàu áp chót rời bến Sông Đốc, Cà Mau đúng vào ngày 30 Tết năm 1954, khi cập bến Cảng Hới - Sầm Sơn, chiếc áo len mang theo không thể giúp bà Nguyễn Thị Yến Thu khi ấy là cô bé 15 tuổi đủ ấm trước cái rét của miền Bắc như cắt da cắt thịt.
Bà Thu vẫn nhớ như in lúc đó người dân Thanh Hóa nghèo lắm, phải ăn khoai, sắn hoặc củ chuối thay cơm nhưng với tinh thần tất cả vì "những núm ruột miền Nam", bà con vẫn dành những gì tốt nhất cho đồng bào miền Nam.
Mùa đông miền Bắc lạnh giá, học sinh miền Nam vẫn có chăn bông, áo ấm, còn đồng bào phong phanh chăn đụp, áo tơi ra đồng... Trong những ngôi nhà tranh vách đất, chỗ ngủ sạch sẽ, ấm áp nhất được ưu tiên dành cho các cháu học sinh miền Nam.
Sự quan tâm, sẻ chia với tất cả tấm lòng của đồng bào Thanh Hóa ngày ấy đã sưởi ấm tâm hồn của những cậu bé, cô bé xa nhà. Lần giở lại kí ức, những cựu học sinh miền Nam luôn biết ơn tình cảm và sự hy sinh của người dân Thanh Hóa dành cho đồng bào miền Nam.
Ông Phạm Minh Hiền, Cựu học sinh miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh xúc động cho biết: "Năm đầu tiên chúng tôi ra Bắc là gặp rét, lúc ấy đồng bào miền Bắc đã nhường lại cho chúng tôi những tiện nghi, bây giờ có thể nói rằng rất là thô sơ, nhưng mà lúc đó rất là quý báu, đó là những ổ rơm. Ở trong những căn nhà đất vách đất, nhà tranh nhưng chúng tôi được sưởi ấm bằng tình cảm rất sâu đậm của đồng bào miền Bắc, đồng bào Thanh Hóa".
Với tình cảm và trách nhiệm lớn lao với đồng bào miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó. Từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955, Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có hơn 47.300 cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam đã được phân công ra các khắp các tỉnh của miền Bắc như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… để lao động, học tập và công tác.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hậu phương lớn Thanh Hóa vẫn tiếp tục đón tiếp, nuôi dưỡng học sinh miền Nam từ Vĩ tuyến 17 trở vào vượt tuyến ra Bắc để học tập. Những núm ruột của miền Nam đau thương, ngoan cường, bất khuất đã được những nếp nhà, vòng tay của các bà, các mẹ, người cha, người ông ở nhiều địa phương tỉnh Thanh Hóa nâng niu, đùm bọc như máu mủ, ruột thịt.
Sống trong sự yêu thương của Nhân dân Thanh Hóa, những người con miền Nam xa quê hương như được tiếp thêm tinh thần và sức mạnh. Hàng ngàn con em miền Nam luôn thấy họ đã thuộc về nơi mà họ đã xem là quê hương. Họ đã sát cánh cùng quân dân Thanh Hóa, Nhân dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau này, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã tình nguyện ở lại gắn bó cả cuộc đời mình với quê hương thứ 2 sâu đậm nghĩa tình.
Năm 1954, từ quê hương Châu Thành, Bến Tre, ông Trần Văn Be lên tàu tập kết ra Bắc. Từ tình chung Nam - Bắc một nhà dẫn tới mối tình riêng của ông dành người vợ quê Thanh tảo tần. Những ân tình chung riêng cứ vậy dày lên theo năm tháng để níu giữ gần trọn đời ông với mảnh đất này. Dẫu vậy, nỗi nhớ quê hương miền Nam vẫn luôn đan bện, vấn vương theo năm tháng.
Chỉ 2 năm sau ngày tập kết ra Bắc, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, bộ đội miền Nam đã được phân công về xây dựng các nông lâm trường ở miền núi, trung du Thanh Hóa. Những người chiến sĩ miền Nam tạm thời gác súng để bước vào mặt trận mới, biến những vùng rừng rú hoang vu thành những nông lâm trường trù phú, tốt tươi.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Lê Văn Thọ là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc thuộc Trung đoàn 26, Sư đoàn 330 được chuyển vùng, về xây dựng nông trường Lam Sơn. Xác định việc ở lại làm kinh tế hay về Nam trực tiếp chiến đấu thì cũng đều đóng góp cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên gác lại nỗi niềm riêng tư, ông Đạt và ông Thọ cùng những người lính lại bước vào trận tuyến mới.
Nơi rừng thiêng, nước độc, gian khổ, thiếu thốn trăm bề, nhưng những người con miền Nam đã phát huy đức tính cần cù, chịu đựng gian khổ, hăng say lao động. Cuộc sống trên các nông trường trở thành niềm vui, niềm lạc quan yêu đời trong thế hệ thanh niên miền Nam khi ấy.
Thời kì phát triển rực rỡ của các nông lâm trường đã qua, nhưng đi giữa màu xanh ngút ngàn của cây trái, chỉ những người như ông Đạt, ông Thọ mới thấm thía hết những gian lao, vất vả. Có biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của những người con miền Nam đi khai mở nông lâm trường, biến những vùng rừng núi hoang vu thành những vùng hoa thơm trái ngọt. Và cũng từ vùng đất ân tình này đã tạo nên những mối lương duyên tốt đẹp, những " tổ ấm" với những đứa con mang cả 2 dòng máu Bắc - Nam lần lượt ra đời, là minh chứng cho nghĩa tình son sắt ấy.
Anh Lê Văn Hùng, con bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 chia sẻ: "Tôi rất tự hào là người con có ba là người miền Nam, má là người miền Bắc. Ba tôi đã tham gia xây dựng vùng kinh tế, tôi cũng tiếp nối đời cha xây dựng nông trường Lam Sơn một màu xanh ngút".
Tròn 70 năm sau chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới, Sầm Sơn nay là thành phố Sầm Sơn. Để ghi dấu sự kiện lịch sử thiêng liêng này, một khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã được dựng lên với sự chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Ban liên lạc học sinh miền Nam. Công trình biểu tượng này sẽ góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về một giai đoạn lịch đầy biến động nhưng cũng tràn đầy niềm tin, khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.