Longform
img
Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 1.

Trong những chuyến tàu tập kết ra Bắc cách đây tròn 70 năm, bên cạnh các lực lượng quân đội, cán bộ dân chính, có rất đông những thanh thiếu niên, nhi đồng với đủ các lứa tuổi theo chân cha mẹ, anh chị em hoặc một mình rời quê hương ra Bắc theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Những "đoàn chim non" miền Nam ngày ấy đã lần lượt rời tổ ấm theo những con tàu tập kết bay về miền Bắc thân yêu.

Thời điểm đó, miền Bắc vừa phải dồn sức, dồn lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ và ác liệt, cái đói, cái rét vẫn thường trực, nhưng với tình cảm dành cho đồng bào miền Nam, đồng bào miền Bắc đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chắt chiu, nuôi dạy những người con miền Nam với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tất cả vì miền Nam thân yêu".

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 2.

Bà Lê Thị Thịnh, học sinh miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ: "Tình cảm của đồng bào miền Bắc đậm đà lắm, cảm động lắm, tới bây giờ mình vẫn không quên được. Hồi đó người ta ăn bắp ngô khoai trong khi mình ăn cơm trắng. Mỗi lần tác động đến tôi, mỗi lần cầm bát cơm lên thấy bà con trong nhà ăn vầy là khóc". Bà Võ Thị Kim Hoàn, học sinh miền Nam tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng luôn nhớ ơn người dân Thanh Hóa nói riêng và đồng bào miền Bắc nói chung dành cho học sinh miền Nam. Đây là điều mà bà mong muốn sẽ tiếp tục truyền đạt lại để con cháu biết và hiểu được Nam - Bắc là một nhà.

Học sinh miền Nam phần lớn đều được sinh ra và nuôi dưỡng trong nền tảng gia đình cách mạng nên mang trong mình ý chí và quyết tâm rất cao. Sống trong sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ, được nuôi dưỡng bởi tình cảm chân thành, yêu thương, đùm bọc của đồng bào miền Bắc, các thế hệ học sinh miền Nam luôn coi việc học, rèn luyện là nhiệm vụ, trách nhiệm trước đồng bào của mình đang chiến đấu hy sinh ở quê hương. "Nhớ miền Nam, ơn miền Bắc" là tâm tư chung của học sinh miền Nam lúc bấy giờ.

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Đực, cựu học sinh miền Nam tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Đối với học sinh miền Nam chúng tôi nói chung là ra ngoài Bắc, đa số quyết tâm học tập theo lời dặn của mấy chú, mấy bác trước khi ra đi, đó là học tập tốt để sau này về xây dựng quê hương đất nước. Và với ý chí căm thù giặc có từ trong lòng từ trước khi ra đi, nên sự quyết tâm của tất cả các bạn học sinh miền Nam đều rất là tốt".

Ông Nguyễn Trung Dũng, cựu học sinh miền Nam - Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết: "Trong những năm tôi sống ở trên đất Bắc, trong môi trường học sinh miền Nam học nội trú, nhiều anh em ra ngoài đó  thương yêu và đùm bọc với nhau ghê gớm lắm, ai cũng xa nhà, ai cũng nhớ quê hương, ai cũng mong mỏi sớm trở về Nam để gặp sum họp với gia đình và trở về chiến đấu trong miền Nam. Nhiều anh em không có đợi đến năm 1975 đâu, trước năm 1972, 1973 người ta đã tình nguyện trở về miền Nam để chiến đấu".

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 4.

Ngày ấy, trừ một số học sinh miền Nam có cha mẹ, người thân ra Bắc tập kết còn lại rất đông học sinh ra Bắc chỉ có một mình. Hầu hết sợi dây kết nối với gia đình các em chỉ là những kỷ niệm và nỗi thương nhớ dằng dặc theo năm tháng. Câu cửa miệng "ngày Bắc, đêm Nam" diễn tả rất đúng tâm trạng của đa phần học sinh miền Nam lúc bấy giờ.

Ban ngày học tập, vui chơi cùng bạn bè, thầy cô là vậy nhưng đêm về tâm hồn các em lại thao thức, nhớ thương về quê hương nơi có ba má và người thân đang oằn mình trong khói lửa bom đạn chiến tranh. Bà Nguyễn Thị Minh Kính, cựu học sinh miền Nam tại thành phố Cần Thơ nhớ lại: học sinh miền Nam lúc đó ý chí lắm vì miền Nam mà cố gắng phấn đấu học tập, mà cố gắng trưởng thành, bởi vì biết cha mẹ anh chị em mình đang ở trong vùng nước sôi lửa bỏng, không biết còn hay mất. Nỗi nhớ đau đáu không thể nào nguôi được, những luôn nén lòng lại, ban ngày cố gắng học tập, tham gia các hoạt động cho tốt, tối đến thì lại nhớ miền Nam.


Học sinh miền Nam lúc đó ý chí lắm vì miền Nam mà học tập, mà cố gắng trưởng thành. Vì mình biết cha mẹ anh chị em trong đó nước sôi lửa bỏng. Phải nén lòng, ban ngày học tập nhưng ban đêm nhớ miền Nam lắm, muốn nghe một giọng hò. Trời lạnh rét đem chiếu để nghe loa công cộng

Mỗi lần nghe tin dữ về những cuộc đàn áp, ném bom thảm sát ở quê hương những trái tim nhỏ bé ấy lại thổn thức, đau đớn không nguôi. Nỗi đau ấy càng được nhân khi nhiều học sinh miền Nam có ba mẹ, anh chị em bị hi sinh hoặc bị kẻ thù giết hại. Học sinh miền Nam đã biến nỗi đau thành động lực để mà cố gắng học tập với quyết tâm sớm được trở về chiến đấu và phục vụ quê hương.

Là người con gái duy nhất, năm 13 tuổi bà Nguyễn Thị Hồng Hiệp tạm biệt ba má và quê hương Giồng Trôm, Bến Tre lên tàu ra tập kết ra Bắc. Ngày đi chỉ có má đưa đến nơi tập kết, còn ba bận tham gia kháng chiến nên không kịp về tiễn. Lá thư ba viết tay dặn dò con gái ra Bắc có Đảng và Bác Hồ chăm lo nên gắng học tập cho tốt, hẹn con 2 năm sau trở về. Lời hẹn ước 2 năm trở về đoàn tụ cùng ba má thôi mà vì chiến tranh kéo dài đằng đẵng tới 21 năm với rất nhiều thương nhớ, khắc khoải khôn nguôi.

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 5.

Chiến tranh loạn lạc mang lại bi thương cho biết bao gia đình Việt Nam, có những cuộc chia ly với người thân yêu ngỡ như chỉ tạm thời mà trở thành vĩnh viễn. Năm 1967, bà Hiệp nhận được tin ba hi sinh cũng như các bạn cùng cảnh ngộ, cô gái nhỏ ngày ấy đã nén đau thương nỗ lực học tập và phấn đấu xứng đáng với sự hi sinh của ba má như của toàn thể quê hương miền Nam anh dũng, kiên cường đang ngày đêm chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù.

Lúc sinh thời Bác Hồ luôn tha thiết: "Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi". Vì lẽ đó, Bác canh cánh bên lòng nỗi lo về các cháu thiếu nhi - "núm ruột" của miền Nam đau thương, ngoan cường, bất khuất. Bác nhiều lần trực tiếp nhắc nhở các lãnh đạo hai miền cố gắng đưa con em cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc, nuôi dưỡng, cho ăn học thành người để về chiến đấu và xây dựng lại quê hương.

Mặc dù là lãnh tụ bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian để thăm các trường học miền Nam trên đất Bắc hoặc viết thư, hoặc trực tiếp xuống thăm các cháu học sinh ở trường học miền Nam. Mỗi lần xuống thăm Bác đều nhắc nhở các thầy cô giáo, cán bộ quản lý tại các trường phải thương yêu, giúp đỡ con em miền Nam như chính người thân, ruột thịt của mình.

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 6.

Trong hành trang kỉ niệm của học sinh miền Nam, ngoài tình cảm thầy trò, tình bạn, nghĩa tình sâu nặng với đồng bào miền Bắc nơi họ được nuôi dưỡng và trưởng thành còn có một thứ tình cảm đặc biệt và thiêng liêng dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Với những người từng được gặp Bác Hồ thì những kỉ niệm thiêng liêng, sâu sắc đó đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ để họ dồn sức học tập vì tương lai phục vụ quê hương, đất nước. Bà Nguyễn Bích Lan, học sinh miền Nam tại thành phố Cần Thơ hồi tưởng lại: Lúc đó bà có 15 tuổi. Có những đứa bé nó bò qua dưới gầm bàn để được gặp Bác. Đứa nào cũng quý Bác, đứa sờ râu, đứa rờ dép Bác. Tình cảm của học sinh miền Nam đối với Bác Hồ vừa yêu, vừa kính lại vừa rất biết ơn.

Rời xa miền Nam thành đồng anh dũng ra Bắc, học sinh miền Nam được Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc chăm lo nuôi dưỡng, dạy dỗ và học tập trong điều kiện tốt nhất. Mặc dù thời điểm này, miền Bắc mới được giải phóng, nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề; nguồn lực của Nhà nước cũng như của Nhân dân còn rất nhiều hạn chế, song với quyết tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống các trường dành cho con em đồng bào miền Nam vẫn ra đời.

Từ năm 1954 đến năm 1958, đã có 28 trường Học sinh miền Nam được thành lập tại hơn 10 tỉnh, thành miền Bắc, bao gồm các trường cấp I, II, III, trường bổ túc văn hóa, chưa kể các trại nhi đồng miền Nam và số học sinh được gửi học ở các nước Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức. Những ngôi trường học sinh miền Nam trên đất Bắc được thành lập là một quyết định mang tính lịch sử và có nhiều sáng tạo phù hợp với thực tiễn của lịch sử dân tộc lúc bấy giờ.

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 7.

Ông Phạm Minh Hiền, cựu học sinh miền Nam thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Phải nói rằng đây là những ngôi trường đặc biệt. Thứ nhất là học sinh rất đặc biệt, học sinh ở đây không có gia đình, không có phụ huynh mà đều là những đứa con, những thanh niên, thiếu niên xa nhà, xa quê hương sống tập trung với nhau trong môi trường tập thể hết sức chặt chẽ. Thứ 2 là miền Bắc đã dành cho những điều kiện, tiện nghi tốt đẹp nhất có thể được trong thời kỳ đó để thành lập các ngôi trường nội trú cho học sinh miền Nam".

Với tinh thần "Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu", đội ngũ giáo viên giảng dạy tại các trường miền Nam được lựa chọn kỹ càng, đào tạo bài bản, có trình độ và khả năng sư phạm. Phần lớn các thầy cô cũng phải hi sinh niềm riêng, tạm xa gia đình vào sinh hoạt nội trú với học trò. Không chỉ hết lòng thương yêu, chăm sóc, dậy dỗ, những người thầy, người cô ngày ấy phải thay cha mẹ để thấu hiểu, bao dung và dìu dắt các em nên người. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Hưởng, cựu giáo viên Trường miền Nam số 8 Vĩnh Phúc cũng xúc động nhớ lại: "Nhận được quyết định về trường miền Nam công tác rất là mừng. Mừng vì mình được về với mái ấm gia đình lớn của mình, trong đó có các em học sinh cùng quê hương với mình. Mình coi các em như là em, là người bạn, là người đồng chí nữa, rất gần gũi và rất thương quý các em". Nhà giáo ưu tú Đàm Ngọc Thơ, cựu giáo viên trường miền Nam số 1 Đông Triều cũng chia sẻ: "Ngày xưa tôi hòa đồng với bạn bè, giờ hòa đồng với các em, thuyết phục các em trong vấn đề rèn luyện tốt về đạo đức, tư tưởng, tình cảm và xác định học để là gì. Cho nên có nhiều em ngổ ngáo tính phá lại mình, nhưng mình thuyết phục bằng tình cảm rồi dần dần chúng cũng nghe theo".

Một sáng thanh bình trong khuôn viên của Dinh Độc Lập diễn ra cuộc gặp gỡ chân tình, ấm áp của thầy giáo Nguyễn Việt Bắc và học sinh miền Nam Nguyễn Mười. Cả thầy và trò mái tóc đều đã pha sương nhưng vẫn sôi nổi, rạo rực khi nhớ về những năm tháng dạy và học trên đất Bắc. Nghĩa tình thầy Bắc trò Nam ngày ấy vẫn nối dài theo năm tháng.

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 8.

Thầy giáo Nguyễn Việt Bắc, cựu giáo viên Trường miền Nam số 1 Đông Triều chia sẻ: "Đoạn đời sống ở trường học sinh miền Nam Đông Triều cho đến ngày miền Nam giải phóng, đó là một đoạn đời đẹp nhất trong quãng đời dạy học của tôi. Điều thứ 2 quan trọng nữa là giữa bản thân thầy cô với học sinh trong trường học sinh miền Nam như một gia đình lớn, giữa các em và chúng tôi vừa là tình cảm thầy trò, nhưng bên cạnh đó lại là tình cảm của anh, em, chú, bác, cô, dì, tất cả những gì các bạn thiếu chúng tôi đều cố gắng giữ tình cảm tốt đẹp". 

Ông Nguyễn Mười, Trưởng ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cho biết: "Công lao mà thầy cô giáo đã giảng dậy cho chúng tôi, chúng tôi càng lớn càng biết ơn những điều đó. Và chúng tôi luôn luôn có một mối liên hệ rất chặt chẽ với thầy cô giáo đã từng dậy mình hoặc không dậy mình, nhưng hễ là dậy ở trường miền Nam tức là thầy của tôi và chúng tôi luôn luôn đối xử với thầy cô đúng như đối xử với cha mẹ của mình".

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 9.

Các thế hệ học sinh miền Nam được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là sản phẩm giáo dục được đào tạo toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Ngoài giờ học tập trên lớp, các trường học sinh miền Nam đều có giờ sinh hoạt vui chơi, ca hát, thể thao… rất sôi nổi, hấp dẫn. Qua đó tạo điều kiện để các em bộc lộ hết năng khiếu, sở trường và tài năng của mình trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều học sinh miền Nam sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nghệ sĩ; nhiều người trở về Nam tiếp tục chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Trung Cang, cựu học sinh miền Nam, nguyên Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Trường học sinh miền Nam là một mô hình rất tốt. Bởi vì ở đây đã chọn những thầy cô có trình độ rất giỏi để giáo dục dạy dỗ các em học sinh miền Nam. Các em được sống ở trong một tổ chức rất chặt chẽ, có sự quản lý, có tính tập thể, tính đồng đội, anh em coi nhau như là một gia đình".

Từ "vườn ươm" đặc biệt của Bác Hồ, các thể hệ "hạt giống đỏ" của miền Nam đã trưởng thành và cống hiến xứng đáng với niềm tin, công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ kính yêu và đồng bào miền Bắc dành cho trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.


Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 10.

Có những thế hệ được sinh ra trên quê hương miền Nam khói lửa nhưng lại được chăm sóc, nuôi dưỡng và trưởng thành bởi tình yêu thương và trách nhiệm vô cùng lớn lao của Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc. Những tâm hồn thơ trẻ đã nương tựa, gắn kết với nhau bằng những tình cảm rất đặc biệt, là tình bạn, tình thân như ruột thịt. Họ xem trường học là nhà, miền Bắc là quê hương, thầy cô là cha mẹ đã nâng đỡ, dìu dắt họ vượt lên muôn ngàn xa cách, khó khăn để trưởng thành và cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước,

Năm tháng dù trôi xa đến đâu, các thế hệ học sinh miền Nam vẫn luôn thủy chung, vẹn toàn ân nghĩa với bạn bè, thầy cô và đồng bào miền Bắc ruột thịt. Học sinh miền Nam không chỉ một thời mà mãi mãi là những lớp người giàu lý tưởng cách mạng, luôn mang trong mình ý chí, khát vọng sẵn sàng hi sinh, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước.

Tập 3: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi- Ảnh 11.

Mai Ngọc
Xuân Quang - Đức Tình - Thanh Sơn - Hữu Dần - Việt Đức
Nhật Anh
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận