Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nam Bộ có 03 khu vực: Khu Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười và Cà Mau được chọn là các điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong vòng 300 ngày.
Công tác tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam ra Bắc tập kết được tiến hành nhanh chóng, chặt chẽ. Chỉ trong vòng một tháng,lực lượng tập kết chuyển quân đã hành quân an toàn về các khu vực tập kết theo quy định.
Là một trong những người được lên chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào, cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc, ông Lê Bửu nhớ rất rõ khí thế của những đoàn quân tập kết ngày ấy. Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Người ở lại giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Lê Bửu nhớ lại khi xuống Cà Mau được ra Bắc trên chuyến tàu Ba Lan, chuyến tàu đó chở như vậy khoảng 7.000 người, trong đó riêng con em miền Nam là 3.400. Lúc đó ông là trưởng đoàn. Lúc đó đi 4 ngày 4 đêm, chuyến tàu đó là tỉnh thương mến thương ghê gớm lắm.
Trên những chuyến tàu tập kết ngày ấy, có rất nhiều trẻ em còn thơ dại, được sinh ra từ dòng máu cách mạng miền Nam. Đồng bào miền Nam đã gửi gắm những "núm ruột" ra miền Bắc cho Đảng, Bác Hồ, cho hậu phương lớn Xã hội chủ nghĩa với hoài bão lớn lao và lòng tin tuyệt đối.
Ký ức xa xôi bỗng ùa về trong tâm trí của bà Nguyễn Hồng Sương. Năm xưa khi rời ba má, quê hương theo những chuyến tàu tập kết ra Bắc, lúc đó bà mới tròn 8 tuổi. Cô gái bé nhỏ, ngây ngô đã sớm phải xa ba má và được cơ sở cách mạng nuôi dưỡng từ lúc 5 tuổi. Do vậy, khi được ba má gửi ra Bắc, cô bé nghĩ sẽ được gặp Bác Hồ nên rất háo hức.
Suy nghĩ đơn giản của trẻ thơ mà đâu biết rằng cuộc chia ly ấy lại biền biệt tới 21 năm. Ngày cô bé Sương ra Bắc chỉ có ông nội đưa tiễn, ngày trở về Nam đoàn tụ thì ông nội đã thành người thiên cổ.
Thời gian trôi xa thăm thẳm khiến những đứa trẻ mới ngày nào náo nức, bịn rịn chia tay người thân nơi dòng kênh Chắc Băng, Cà Mau để lên chuyến tàu ra Bắc giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Dòng kênh vẫn chảy trôi như một quy luật tất yếu, chỉ có những chứng nhân của lịch sử đã trải qua biết bao ngã rẽ của cuộc đời. Dẫu vậy mảng kí ức về giai đoạn lịch sử gắn số phận của mỗi người dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của bao người.
Bà Nguyễn Bích Lan, cựu học sinh miền Nam tại thành phố Cần Thơ cho biết: nơi bà ở có rất nhiều lán trại, nhiều thiếu niên ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được đưa về đây chăm sóc ở các lán trại. Sống ở đây để chờ ngày lên tàu tập kết ra Bắc. Mọi người đều nhận được sự chăm sóc của ban tổ chức, các chú bô đội để chờ ngày lên tàu. Mọi người chăm sóc nhau một gia đình. Kể từ đó đến khi sống trên đất Bắc mọi người vẫn gắn bó với nhau.
Thời điểm đó, ngoài những người tập kết ra Bắc tập trung ở đây còn có rất nhiều người thân tới thăm, đưa tiễn, nên dọc kênh Chắc Băng đông vui, nhộn nhịp như ngày hội. Những con tàu trung chuyển đưa người tập kết theo các con kênh ra tàu lớn của Nga và Ba Lan ngoài cửa biển. Người đi và người ở đều giơ 2 ngón tay chào nhau thay cho lời hẹn ước 2 năm sau sẽ trở về đoàn tụ.
Khu vực tập kết Giá Rai - Cà Mau là nơi chuyển quân tập kết thời gian 200 ngày của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà và quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
70 năm trước, từ Cửa biển Sông Ðốc, nhà giáo ưu tú Đàm Ngọc Thơ cùng với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam lên tàu tập kết ra Bắc. Lúc đó, bà chỉ mới 13 tuổi, còn nhỏ nên bà suy nghĩ đơn giản chỉ là xa quê hương, người thân tạm thời. Nhưng ngờ đâu, phải hơn 20 năm sau cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong thế kỷ XX của dân tộc, bà mới được trở về đoàn tụ cùng người thân trên quê hương.
Nhà giáo ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ, cựu học sinh miền Nam thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau nhớ lại: "Những con tàu chở người đi tập kết nó lớn lắm, nó to lắm. Những con tàu nhỏ đưa ra con tàu đó. Hồi đó tôi còn nhỏ không leo lên tàu được thế nên tôi còn nhớ lúc đó các thủy thủy đứng trên bom tàu, chúng tôi như những cái bao được thảy từ tay người này sang tay người khác để lên tàu chứ bé thế làm sao mà leo bằng dây lên tàu được".
Cùng với 2 tỉnh Cà Mau và Bình Định, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa tức thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp ngày nay cũng đuợc chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội nhân dân Việt Nam ở các tỉnh khu 8 và một số tỉnh Miền Đông Nam Bộ. Thời điểm đó có khoảng hơn 13.000 cán bộ, chiến sỹ từ Tân An - Long An, Mỹ Tho - Tiền Giang, Sa Đéc - Đồng Tháp, Gò Công - Tiền Giang, Vĩnh Long và một phần của Bến Tre, Châu Đốc - An Giang được triệu tập về điểm tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh.
Bến phà Cao Lãnh năm xưa giờ đã được thay thế bằng một chiếc cầu hiện đại nối hai bờ sông Tiền. Một bến phà, một địa danh đã đi cùng năm tháng, để lại trong lòng nhiều thế hệ những tình cảm, luyến lưu, hoài niệm... Và với những nhân chứng tập kết từ địa danh lịch sử này, cảm xúc ngày chia tay 70 năm về trước vẫn còn nguyên vẹn. Ngày ấy, hàng nghìn đồng bào từ khắp các làng xã, các thị xã, thị trấn xa xôi kéo về bến bắc Cao Lãnh để tiễn đưa con em xuống tàu tập kết ra Bắc.
Từ bến phà Bắc Cao Lãng nhìn ra dòng sông Tiền mênh mang sóng nước, hình ảnh mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, con tiễn cha trong những ngày lịch sử lại ùa về trong tâm trí của những cựu học sinh miền Nam này. Những cuộc chia ly mang theo lời thề sắt son: "Đi vinh quang - Ở anh dũng" đã cổ vũ, động viên cả người ra đi và người ở lại.
Có rất nhiều bịn rịn, lưu luyến và nhớ thương, người trên tàu và người đứng hai bờ sông đều giơ hai ngón tay chào nhau, hàm ý sẽ gặp lại sau hai năm xa cách. Hình ảnh chào nhau đơn giản thế thôi nhưng lại chất chứa niềm tin, khát vọng mãnh liệt về một ngày mà cả 2 miền Nam - Bắc được sum họp một nhà. Ông Nguyễn Trung Cang, cựu học sinh miền Nam, nguyên Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Tháp nhớ lại: "Khi đi ấy có cái luyến tiếc, mừng vui nhưng có nhớ quê. Bà con tiễn mình đi xuống tàu đông nhưng không có người quen. Chào nhau tạm biệt, đi vinh quang ở anh dũng. Giơ 2 ngón tay chào nhau để đợi tổng tuyển cử thống nhất đất nước".
Cảm giác bồng bềnh trên con thuyền chạy dọc sông Đốc như đưa những người con tập kết trở về những ngày tháng lênh đênh trên biển ra Bắc cách đây 7 thập niên. Trên những con tàu viễn dương Kilinki của Ba Lan, Stavropol, Arkhangles của Liên Xô năm xưa, những người con miền Nam luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của thủy thủ đoàn, từ nơi ăn nghỉ cho đến chăm sóc sức khỏe trên cả chặng đường. Tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em đã khiến cho hành trình vượt trùng khơi tiến ra Bắc của đồng bào miền Nam trở nên nhẹ nhàng hơn.
Ông Nguyễn Anh Sơn, cựu học sinh miền Nam tại thành phố Cà Mau nhớ lại: trên tàu có bộ phận riêng nấu ăn, y tế. Có đoàn đi thăm buổi sáng, buổi chiều. Ăn uống ngày 3 bữa cứ chia về lãnh về ăn. Ai khỏe bưng lên ăn đến giờ cơm báo cho biết bạn nào say sóng có bạn khác mang về cho ăn. Bà Nguyễn Bích Lan, cựu học sinh miền Nam tại thành phố Cần Thơ cũng hồi tưởng lại: "Người nước ngoài nấu cơm bằng cái chảo lớn, rồi có những ổ bánh mì gối bột đen. Hồi đó tàu Liên Xô được ăn bánh mì, được xem chiếu phim có những bạn nhỏ ló đầu ra bị các chú kéo vào. Đi trên biển rất thích thú".
Trong vòng chưa đầy 300 ngày tập kết theo hiệp định Giơ- ne- vơ, trên 7 vạn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam từ các điểm tập kết đã lần lượt lên tàu vượt biển ra ngoài Bắc. Tạm xa miền Nam thành đồng đau thương mà anh dũng, các thế hệ học sinh miền Nam được đón chào trong vòng tay thương yêu của đồng bào miền Bắc, của Đảng, Bác Hồ và được vun trồng nên một thế hệ mới để bước vào cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ 2 của dân tộc.
Sau năm 1955, việc đưa con em miền Nam ra Bắc học tập công khai đã không thể thực hiện được. Với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chiến lược, Trung ương Đảng đã quyết định tổ chức đưa một bộ phận con em miền Nam sang Cam Pu Chia, sau đó bằng nhiều cách khác nhau đi bằng đường hàng không ra miền Bắc.
Ông Võ Minh Trí, cựu học sinh miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Đến năm 1961, gần tết ta thì cái đoàn của tụi tôi được đi. Trước đó có nhiều đoàn rồi mỗi đoàn khoảng chừng chục hơn gì đó hoặc là dưới chục, giống như là có hai người lớn dẫn con cháu đi du lịch Hồng Kông. Các cán bộ đã lo rồi cho nên mình chỉ biết đi theo thôi, ăn bận đàng hoàng nghiêm chỉnh lắm". Bà Vũ Phương Mai, Cựu học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng xúc động cho biết: "Hồi đó mình cũng còn nhỏ, tôi có 9 tuổi, tôi cũng không am hiểu lắm, sau này tôi mới biết là có một tổ chức như vậy, nhưng mà phải nói là tổ chức đấy rất là tuyệt vời".
Từ năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả 2 miền Nam - Bắc diễn ra rất ác liệt, song Trung ương Đảng, Bác Hồ vẫn quyết tâm đưa thêm con em đồng bào miền Nam ra Bắc học tập. Ngày ấy, trên dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, bên cạnh những đoàn quân trùng trùng, điệp điệp vượt mưa bom, bão đạn từ miền Bắc chi việ n cho chiến trường miền Nam, có những đoàn thanh thiếu niên chia thành từng tốp nhỏ hành quân ngược ra Bắc. Đó là những học sinh các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên vượt tuyến lửa ra Bắc để học tập.
Những bước chân bé nhỏ với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai vượt núi cao, thác ghềnh, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù ban đầu từ lạ lẫm trở thành thân thuộc đối với bộ đội, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các tuyến đường Trường Sơn. Những búp"măng non" gan dạ, dũng cảm vượt tuyến lửa ra Bắc học tập đã để lại dấu ấn trên tuyến đường huyền thoại này.
Ông Nguyễn Thành Nhân, cựu học sinh miền Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhớ lại: "Đi Trường Sơn, đoàn đi khoản hơn 20 người, đi từng nhóm 3-5 người. Đi với nhóm nhỏ vừa có thể hỗ trợ nhau, vừa hạn chế gây tiếng động. Đường giao nhau gặp nhau bộ đội mang vũ khí, nồi xoong sẽ tạo tiếng va nhau, có tiếng động máy bay đến bỏ bom, cho nên chào bồ đội rồi phải chạy thật nhanh".
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên là trưởng đoàn K124 đưa 22 học sinh miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Thời điểm đó ông bị thương nặng phải vượt Trường Sơn ra Bắc để điều trị. Nhưng cả một hành trình dài đầy nguy nan trên tuyến đường Trường Sơn, ông phải nén đau đớn để chăm lo, bảo vệ đàn em nhỏ. Sau này, kỉ niệm vượt Trường Sơn ngày ấy được ông ghi lại đầy xúc động trong tập truyện kí "Tôi được sống" của chính tác giả.
Hành trình tập kết ra Bắc dù ở thời điểm lịch sử nào, bằng con đường nào cũng thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của đồng bào miền Nam dành cho Trung ương Đảng, Bác Hồ và miền Bắc ruột thịt.
Hành trình ấy đã thôi thúc cả dân tộc đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy để đến ngày toàn thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.