Mường Xia - Mường Chu Sàn, tổng Hữu Thủy, là một trong những mường lớn của dân tộc Thái nằm ở khu vực biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa (phía Nam sông Mã từ Mường Chanh, huyện Mường Lát kéo dài đến mường Chự, huyện Quan Sơn và một phần mường Ca Da, huyện Quan Hóa). Ngày nay, khu vực Mường Xia bao gồm các xã: Sơn Thủy, Na Mèo, Sơn Điện… huyện Quan Sơn.
Truyền thuyết kể lại rằng: Trước kia, ngọn núi Pha Dùa và Pha Hén là một, có tên chung là Pha Dùa, nơi gắn liền với câu chuyện tình đẫm lệ giữa con gái nhà Tạo xinh đẹp, nết na ở Mường Mìn (Mường ngoài) và chàng trai khỏe khoắn, giỏi giang nhưng nhà nghèo ở Mường Xia (Mường trong). Không lấy được nhau, họ nguyện chết cùng nhau vào ngày ông Tạo Mường gả nàng Lá Nọi cho nhà giàu sang. Đó là ngày mặt đất chuyển mình trong giông gió, Pha Dùa tách làm hai, tạo thành hai dãy núi Pha Dùa và Pha Hén sóng đôi, ngày đêm soi bóng bên dòng sông Luồng.
Lên với Mường Xia, mọi người có thể tham quan, khám phá động Bo Cúng, một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nơi miền tây xứ Thanh. Trước khi vào động, du khách có thể dừng chân ngắm cảnh dòng suối Xia trong xanh uốn lượn quanh dãy núi Bo Cúng. Từ dòng suối Xia đi tiếp lên chừng 50m là đến cửa động. Lách qua cửa động hẹp, vào bên trong khoảng 10m xuôi xuống theo những bậc thang với độ sâu chừng 5m là một khoảng không gian rộng phía trước.
Bước vào lòng động, du khách sẽ ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng những khối thạch nhũ lấp lánh nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau… Giữa các phòng động ngăn cách bởi những khối thạch nhũ, với đủ hình dáng và cỏ cây hoa lá theo trí tưởng tượng của mỗi người…trông như một cung điện lung linh huyền ảo. Động Bo Cúng có độ sâu khoảng 800m, rộng từ 20 – 50m, trần động cao thấp khác nhau khoảng từ 20 – 30m. Toàn bộ lòng động được chia thành 10 khoang lớn nhỏ.
Tại mỗi khoang là tập hợp hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ thú của tạo hóa ban tặng cho con người. Những người vãn cảnh nơi đây sẽ được chứng kiến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, bởi nét đẹp toát ra từ những bức phù điêu do tạo hóa tạc nên và có mặt khắp nơi trong động Bo Cúng. Ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, huyện Quan Sơn cho biết: "Động Bo Cúng được phát hiện từ năm 1989. Tuy nhiên, thời ấy điều kiện còn khó khăn, chưa có đường vào. Năm 2009, huyện đã tiến hành xây dựng đường giao thông, xây dựng đường điện phục vụ du khách phám phá động. Phòng văn hóa cũng đã thực hiện công tác tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện về bảo vệ cảnh quan; đề xuất xây dựng hệ thống hạ tầng, thu hút du khách đến với địa phương".
Không chỉ có núi Pha Dùa, động Bo Cúng, xã Sơn Thủy được nhắc đến nhiều với Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào. Sách cổ ghi lại rằng, vào khoảng thế kỷ 17, Tướng quân Tư Mã Hai Đào sau khi đánh tan giặc nơi biên cương, đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống đến cuối đời. Từ khi Tướng quân Hai Đào lập thủ phủ tại Mường Xia, hàng đêm, dưới những nếp nhà sàn đầm ấm của người Thái lại nhịp nhàng vang lên tiếng chày khua luống, những lời khặp của đôi lứa trao duyên nơi bến sông đầu nguồn tươi đẹp.
Nhớ ơn người đã có công gìn giữ biên cương, mang lại no ấm, phồn thịnh và trù phú cho vùng đất này, sau khi Tư Mã Hai Đào mất, bà con các dân tộc trên địa bàn lập Đền thờ để hương khói thờ phụng và coi ông như một người giữ vía cho cả Mường. Bởi từ khi có ông, bà con bỏ Mường đi trước đây đều lần lượt trở về, cùng nhau xây dựng nên đất Mường Xia trở thành vùng đất tươi đẹp.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", sau gần 60 năm bị lãng quên, từ năm 2010, huyện Quan Sơn đã phục dựng và tổ chức Lễ hội Mường Xia để tri ân công đức của các bậc hiền tài đã có công sáng lập mảnh đất này, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây với du khách thập phương:"Mở cổng Mường Xia anh/Mời Mường bạn em bước vào lễ hội/ Bối rối tua còn Mường em/Cho Mường Xia anh xin gỡ hộ/Để em còn vào gửi "vía" đất Mường Xia...
Mở đầu lễ hội Mường Xia, các thầy mo sẽ cùng với thanh niên trai tráng trong bản rước hòn "đá vía" về Đền thờ chính. Tiếp đó là những hoạt động tái hiện lại những năm tháng mà Tướng quân Tư mã Hai Đào cùng Nhân dân dẹp giặc nơi biên cương, khởi nguồn cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi đất mường Chu Sàn. Trong lễ hội, bắt buộc phải có 22 mâm lễ cúng, trong đó gồm có 13 mâm cỗ mặn, 2 mâm vải cuộn, vòng tay và 7 mâm hoa quả, các mâm cỗ này sẽ được các nam thanh nữ tú rước về đền chính, sau đó các "Mo Mường" bắt đầu vào lễ cúng, xin phép tổ tiên, thần núi, thần sông cho phép con cháu được khai hội Mường Xia.
Tham gia Lễ hội Mường Xia, với mỗi người dân nơi đây, cũng là cách để tri ân thế hệ cha ông đã có công dựng xây, giữ yên bờ cõi cho con cháu hôm nay được sống trong bình yên, hạnh phúc. Chị Lữ Thị Dương, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn chia sẻ: "Là một người con của đất Mường Xia, được tham gia Lễ hội, bản thân em thấy rất tự hào vì đã góp phần vào việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Thái, của đất Mường Xia".
Trải qua gần 60 năm, Lễ hội Mường Xia đã trở thành một lễ hội lớn của cả vùng biên giới phía Tây của Xứ Thanh. Mới đây, Lễ hội Mường Xia đã được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là: "Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia". Lễ hội không những thu hút người dân trên đất Mường Xia, mà rất nhiều người từ các vùng Mường phụ cận của huyện vùng cao Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước… cũng tới tham gia, là một trong những tiềm năng, lợi thế để huyện Quan Sơn thực hiện: "Đề án Phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025".
Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm 2023, việc phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban chấp hành Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo để phát triển xây dựng. Đối với du lịch huyện Quan Sơn hiện nay, địa phương cũng đã rất cố gắng và có những đầu tư, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn, trong đó nổi bật là động Bo Cúng. Vừa qua, huyện cũng đã phát hiện thêm một ngách mới sâu, nhìn rất đẹp. Trước mắt, chúng tôi đang cho tạm dừng chưa đưa vào khai thác để báo cáo lên cấp trên về khảo sát và sẽ có kế hoạch đưa vào phát triển tiềm năng du lịch trong thời gian tới".
Văn hoá Mường Xia, trải qua hàng trăm năm đã thực sự ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây, như là một sự nhắc nhở, những lời răn dạy cho con cháu hãy biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những giá trị lịch sử của một vùng đất với những con người đã trở thành huyền thoại. Không gian văn hoá Mường Xia được xem là cơ sở để mỗi làng, bản xây dựng nên những quy ước, hương ước về nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư; là động lực để mỗi người dân, mỗi địa phương cùng nhau phấn đấu, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, để huyện Quan Sơn vững bước đi lên trong thời kỳ mới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.