"Nhất Gia, nhì Xương", tức là ở Thanh Hoá, nghèo nhất là Tĩnh Gia, thứ nhì là Quảng Xương, câu thành ngữ này đã ám ảnh bao đời người dân Tĩnh Gia xưa, nay là thị xã Nghi Sơn. Có đầy đủ tiềm lực để trở thành đầu tàu kinh tế cho Thanh Hoá, nhưng làm thế nào để biến tiềm lực đó thành hiện thực? Câu hỏi đó luôn là trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2006, Khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập, đã tạo bàn đạp quan trọng để giải quyết vấn đề này. Từng là vùng đất rất khó khăn về nhiều mặt, nhưng chỉ trong 17 năm kể từ khi được thành lập, Tĩnh Gia xưa - Nghi Sơn nay đã đổi thay ngoạn mục, trở thành 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, là động lực quan trọng, một trong những cực tăng trưởng của Thanh Hoá.
Ông Hoàng Bá Bộ, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia giai đoạn 1994 – 2004, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn cho biết: trong những ngày đầu thành lập Khu Kinh tế, muôn vàn những khó khăn, vướng mắc bủa vây, nhất là việc tạo được mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.
Ông Hoàng Bá Bộ, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia giai đoạn 1994 – 2004
Với đường hướng đúng, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong việc tự nguyện di dời, tạo mặt bằng sạch, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã trở thành đầu tàu kinh tế của cả tỉnh Thanh Hoá. Đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký hàng chục tỷ USD. Trong đó, có những dự án rất lớn, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá, mà còn với cả nước, như Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Xi măng Đại Dương, Xi măng Công Thanh, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 1, 2, các nhà máy may mặc, giầy da xuất khẩu; giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Từ diện tích ban đầu hơn 18.600 ha, bao gồm 12 xã phía nam của huyện Tĩnh Gia, đến năm 2018, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được mở rộng lên tới 106.000 ha, bao gồm toàn bộ huyện Tĩnh Gia và 6 xã thuộc các huyện Như Thanh, Nông Cống. Đến năm 2020, Quốc hội quyết định thành lập thị xã Nghi Sơn, tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Tĩnh Gia xưa – Nghi Sơn ngày nay đối với sự phát triển của Thanh Hoá.
Sầm Sơn đang từng ngày vươn mình, trỗi dậy, trở thành đô thị du lịch biển trọng điểm của Thanh Hoá, một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách. Sự thay đổi, lột xác ngoạn mục của Sầm Sơn trong những năm gần đây không phải diễn ra trong một sớm, một chiều. Đây là kết quả của sự trăn trở và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Sầm Sơn nói riêng, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói chung.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện; là đô thị du lịch vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; nhiều quyết sách, đường lối, chiến lược phát triển đúng đắn được đề ra và thực hiện. Thảm đỏ được trải rộng để đón các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, làm thay đổi kết cấu hạ tầng du lịch cho Sầm Sơn. Các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng và phát huy hiệu quả, từng bước biến Sầm Sơn trở thành địa điểm du lịch bốn mùa với nhiều dịch vụ hấp dẫn.
Sau đại dịch Covid-19, khi du lịch được mở cửa, 6 tháng đầu năm 2022, Sầm Sơn đã vượt qua cả những địa phương nổi tiếng về du lịch của Việt Nam, khi đón 4,1 triệu lượt khách. 6 tháng năm 2023, Sầm Sơn tiếp tục lập kỷ lục mới, với 5,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, đưa Thanh Hoá vào top những địa phương thu hút khách du lịch nhất cả nước.
Sự thay đổi, trỗi dậy của Sầm Sơn đã góp phần quan trọng đưa du lịch Thanh Hoá ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2022, Thanh Hoá đã đón được hơn 11 triệu lượt khách, xếp thứ 3 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hoá đón được 8,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 15.000 tỷ đồng, xếp thứ tư cả nước.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hoá – Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho rằng: có được những kết quả trên là do có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã xác định du lịch là 1 trong 5 chương trình trọng tâm; triển khai nhiều chính sách đầu tư du lịch, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào Thanh Hoá.
Bước ra khỏi chiến tranh, Thanh Hoá là một tỉnh thuần nông và nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất cả nước. Nhưng bằng tất cả tinh thần và lực lượng, Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, từng bước vượt qua gian khó, khôi phục phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu... Để ngày hôm nay, Thanh Hoá có thể tự hào với truyền thống của một vùng đất địa linh nhân kiệt, không chỉ là phên dậu, là hậu phương lớn của đất nước, mà còn là minh chứng cho sự vươn mình trỗi dậy với tiềm lực và khát vọng mạnh mẽ về một vùng đất thịnh vượng.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã xuất hiện các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng mới, một trong những trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, y tế, thể thao, du lịch của khu vực và cả nước. Điều này đã được Bộ Chính trị khoá XII khẳng định bằng Nghị quyết số 58, xác định mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Với những lợi thế nổi trội, cùng tư duy và tầm nhìn chiến lược đúng đắn, Thanh Hóa đang dần được khẳng định là một trung tâm kinh tế lớn của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Trong những năm gần đây, Thanh Hoá luôn nằm trong top các tỉnh có tốc độ phát triển cao nhất cả nước. Năm 2022, quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; tốc độ tăng trưởng đứng thứ 7 cả nước.
Làm một phép so sánh, nếu năm 2003, Thanh Hoá lần đầu tiên lọt vào "Câu lạc bộ 500 tỷ", tức là những địa phương thu ngân sách nhà nước đạt từ 500 tỷ trở lên; thì đến năm 2022, thu ngân sách đã vượt mốc 50.000 tỷ đồng; tức là sau 20 năm, thu ngân sách của tỉnh đã tăng 100 lần. Điều này khẳng định quy mô và sự lớn mạnh không ngừng của nền kinh tế Thanh Hoá. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển đúng hướng và tăng trưởng đều qua mỗi năm. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Thanh Hoá là một trong số ít các tỉnh có đầy đủ các loại hình giao thông, gồm cảng hàng không, cảng biển quốc tế, đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chỉ tiêu đứng đầu cả nước.
Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề an sinh xã hội cho người dân luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện. Những chương trình, đề án như: đưa đồng bào nghèo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống; sắp xếp lại dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đã tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn về tính nhân văn sâu sắc của cấp uỷ Đảng, chính quyền với quan điểm nhất quán: không bỏ ai ở lại phía sau, nhất là những người yếu thế, trong quá trình phát triển.
Những chia sẻ về hành trình vượt lên số phận của cô bé không tay Lê Thị Thắm tại Hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023, một lần nữa đã làm rất nhiều người cảm phục về nghị lực phi thường của em. Ngay tại hội nghị đó, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo huyện Đông Sơn xem xét đưa em Thắm vào công tác tại một ngôi trường gần nhà, tạo điều kiện để em ổn định, bớt khó khăn hơn trong cuộc sống. Sự quan tâm của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã khẳng định một điều: Đảng luôn vì hạnh phúc của người dân từ những việc nhỏ nhất, từ những người yếu thế nhất.
Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng, Thanh Hóa còn là vùng đất có bản sắc văn hoá đậm đà, nơi có nhiều di sản văn hóa đa dạng, góp phần quan trọng làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam. Thấu suốt quan điểm "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển", trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện; khơi dậy niềm tự hào và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó biến niềm tự hào thành động lực quan trọng để Thanh Hóa phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước; góp phần xây dựng và hoàn thiện con người xứ Thanh ở cả lý tưởng, năng lực và đạo đức; từ đó, nhân lên niềm tin và khát vọng thịnh vượng.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước; nhưng với đường hướng đã mở, với chiến lược đúng đắn và với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Thanh Hoá, nền tảng và những phác hoạ đầu tiên về một tỉnh Thanh Hoá thịnh vượng đã và đang dần hình thành. Những khó khăn, vướng mắc được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại. Thanh Hoá đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Sự thống nhất, đoàn kết trong toàn Đảng bộ, trong các tầng lớp Nhân dân ngày càng được củng cố, bồi đắp. Vai trò, vị thế của Thanh Hoá đối với Trung ương và các tỉnh thành bạn ngày càng được nâng lên. Điều này càng củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền.
93 năm xây dựng và phát triển, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Thanh Hóa đã huy động sức người, sức của, cùng cả nước đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của kẻ thù, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới của Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn là một bộ phận trung thành và gan góc, góp phần hun đúc nên bản lĩnh, trí tuệ và khí phách của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; đồng thời làm cao dày hơn truyền thống vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng. Từ 11 đảng viên ban đầu được triệu tập tại Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930, đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có trên 230.000 đảng viên
93 năm xây dựng và phát triển là 93 mùa xuân thắng lợi của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Truyền thống cách mạng hào hùng đó là niềm tin, là nền tảng rất quan trọng để mỗi đảng viên trong Đảng bộ tỉnh tự hào và kiên định con đường đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Truyền thống đó cũng là nền tảng cho những thành tựu mà Thanh Hoá đạt được trong thời gian qua.
Ông Đinh Viết Ba, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa
93 năm ra đời và phát triển đã tạo nên những trang sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Trong suốt hành trình vẻ vang ấy, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn phát huy vai trò tiên phong, là lực lượng lãnh đạo Nhân dân Thanh Hóa vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, xây dựng và gặt hái những thành tựu to lớn, rực rỡ.
Chặng đường 93 năm là nền tảng vững chắc để Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân lên khát vọng thịnh vượng, khẳng định vị thế của Thanh Hóa đối với bạn bè trong nước và quốc tế, để Thanh Hóa xứng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.