rong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào luôn chung lưng, đấu cật cùng chống giặc ngoại xâm và có mối bang giao tốt đẹp, hòa hiếu. Là một phần trong mối quan hệ quốc tế hữu nghị, thủy chung, trong sáng hiếm có giữa 2 nước, hai tỉnh láng giềng Thanh Hóa- Hủa Phăn cũng đã sớm thiết lập mối quan hệ hữu nghị, keo sơn gắn bó như anh em một nhà. Ngay từ những năm đầu cách mạng, nhiều chiến sĩ cộng sản người Thanh Hóa đã sang Lào tham gia xây dựng dựng Đảng bộ Ai Lao và tổ chức các phong trào cách mạng, tổ chức khởi nghĩa đánh đổ chế độ thực dân phong kiến ở Lào.
Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, hai nước Việt - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn tiếp tục đồng cam cộng khổ, kề vai sát cách bên nhau chung một chiến hào đánh đuổi thực dân Pháp. Trong giai đoạn lịch sử đó, Thanh Hóa trở thành hậu phương chiến lược, đóng góp to lớn sức người và sức của để nuôi dưỡng, bảo vệ và giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng và mở rộng căn cứ Lào Bắc, cung cấp lương thực và vũ khí đảm bảo cho chiến thắng của chiến dịch Thượng Lào, góp phần mở rộng căn cứ kháng chiến của Lào với vùng Tây Bắc Việt Nam.
Bước vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và các liệt, hai nước Việt- Lào, hai tỉnh Thanh Hóa- Hủa Phăn lại tiếp tục kề vai sát cánh bên nhau trên cùng một chiến tuyến diệt giặc thù. Một lần nữa Thanh Hóa lại tiếp tục đảm nhiệm và thực hiện xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương chiến lược cho cách mạng Lào. Những năm đầu chống Mỹ, Thanh Hóa là căn cứ địa vững chắn để Đảng và chính phủ Lào tổ chức hàng loạt các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nuôi dưỡng các lực lượng kháng chiến, đào tạo cán bộ y tế và văn hóa cho con em dân tộc Lào. Thanh Hóa cũng đã chi viện hàng nghìn lượt bộ đội, công an để phối hợp với lực lượng quân giải phóng Pha Thét Lào xây dựng, chiến đấu, bảo vệ thủ đô kháng chiến của Lào tại Viêng Xay và mở rộng vùng giải phóng ở khắp các vùng của tỉnh Hủa Phăn. Nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có con em Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh hiện đang còn nằm lại trên xứ sở hoa Chăm Pa.
CCB Phăn Xỉ Phin Mạ Vông - Trại trưởng trại thương binh Na Thé - huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào nhớ lại: Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và gian khổ những người lính tình nguyện Việt Nam đã không ngại hi sinh, kề vai sát cánh cùng bộ đội Pha Thét Lào chúng tôi chiến đấu anh dũng ở Mường Hiềm, Pha Thí nhiều người đã hi sinh anh dũng để giải phóng hoàn toàn nước Lào và chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn những người lính tình nguyện đã hi sinh vì dân tộc chúng tôi, để con cháu chúng tôi được sống trong hòa bình, tự do hôm nay.
Không chỉ chi viện sức người, Thanh Hóa còn chi viện cho tỉnh bạn Hủa Phăn hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn muối; nhiều công cụ, tư liệu phục vụ sản xuất và chiến đấu. Thanh Hóa cũng đã huy động hơn 1 vạn lượt thanh niên xung phong để xây dựng cầu cống và các tuyến đường huyết mạch cho bạn, trong đó có công trình đường 217A, 217B nối liền vùng hậu phương rộng lớn Thanh Hóa, vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng Thượng Lào; con đường này đã tô thắm thêm tình nghĩa keo sơn, gắn bó Thanh Hóa – Hủa Phăn. Có thể nói, mỗi một chiến thắng, mỗi thành tựu đạt được trên các mặt trận, các lĩnh vực của tỉnh Hủa Phăn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đều có sự đóng góp không nhỏ của tỉnh Thanh Hóa anh em.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 tiếp tục mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt- Lào, hai tỉnh Thanh Hóa- Hủa Phăn, từ chỗ cùng chiến đấu chung một chiến hào để giành độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, tiến lên mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau chiến tranh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục dành cho tỉnh Hủa Phăn sự giúp đỡ, hỗ trợ chí nghĩa chí tình. Nhiều công trình cầu đường, nhiều nhà máy xí nghiệp được xây dựng trên đất tỉnh Hủa Phăn từ bàn tay của những người thợ Thanh Hóa, nhiều chương trình hợp tác về nông nghiệp của Thanh Hóa giúp Hủa Phăn không chỉ ổn định về an ninh lương thực, mà còn tạo ra những bước tiến mới trong lĩnh vực này.
Ông Khăm Phăn Phin Mạ Vông - Nguyên Phó bí thư tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào
Trong xu thế hội nhập và phát triển của khu vực và thế giới ngày nay, truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện Thanh Hóa - Hủa Phăn đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh tiếp tục chăm lo vun đắp, ngày càng phát triển tốt đẹp. Hàng năm, 2 bên đều trao đổi đoàn cấp cao luân phiên để thống nhất chương trình hợp tác. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang cấp tỉnh và các địa phương cấp huyện của 2 tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu thiết thực, ý nghĩa. Từ năm 2016 đến năm 2020 đã có 247 đoàn đại biểu của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn gặp gỡ, học tập, trao đổi kinh nghiệm, triển khai các nội dung thỏa thuận và phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ giữa hai tỉnh, hai địa phương, đơn vị. Có 35 đơn vị của tỉnh Thanh Hóa ký kết các chương trình hợp tác với các đơn vị của tỉnh Hủa Phăn nhằm triển khai thực hiện thỏa thuận của 2 tỉnh, giúp đỡ nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các công việc liên quan đến việc bảo vệ biên giới quốc gia của mỗi bên.
Các chương trình hợp tác về chính trị thường xuyên và sâu sắc đang là tiền đề vững chắc cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng có hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Kim ngạch xuất,nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đạt gần 57,77 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011 – 2015. Những năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, do bùng phát của đại dịch COVID-19, song hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn vẫn tích cực triển khai thực hiện các văn bản hợp tác về thương mại được hai Chính phủ ký kết, áp dụng cơ chế ưu đãi thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước, đồng thời tổ chức các hoạt động trao đổi thương mại, hàng hóa linh hoạt, phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai tỉnh đạt 28,72 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa sang tỉnh Hủa Phăn đạt 23,95 triệu USD, tăng 5% so với năm 2020. Giá trị nhập khẩu từ tỉnh Hủa Phăn về tỉnh Thanh Hóa năm 2021 đạt 4,77 triệu USD.
Ông Khon Thong Manivon - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào
Cùng với hợp tác về kinh tế, hoạt động viện trợ cũng là một "điểm sáng" góp phần khẳng định mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đã viện trợ giúp tỉnh Hủa Phăn hơn 295 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ gia đình chính sách và nâng cao dân trí, trong đó một số dự án lớn như: Nhà tiếp khách hữu nghị Hủa Phăn - Thanh Hóa với tổng giá trị hơn 132 tỷ đồng; Quảng trường hữu nghị Hủa Phăn - Thanh Hóa và Kè sông Nặm Xăm với tổng giá trị gần 38 tỷ đồng; đào tạo giáo dục với tổng giá trị khoảng 76 tỷ đồng…Riêng năm 2022, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục viện trợ cho tỉnh Hủa Phăn 53 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 35 tỷ đồng đầu tư xây dựng văn phòng huyện Sầm Nưa và 26 tỉ đồng để xây văn phòng huyện Sầm Tớ; dự án xây dựng tuyến đường trải nhựa từ bản Cang Không, huyện Viêng Xay đến Trạm kiểm soát bản Bó, huyện Mường Lát; dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp khu vực Đài tưởng niệm quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Đặc biệt, Thanh Hóa cũng được chính phủ Việt Nam giao cho làm chủ đầu tư các công trình hữu nghị trong đó điển hình là dự án đầu tư Bệnh viện Hữu nghị Lào - Việt tại tỉnh Hủa Phăn do Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Lào và do tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư với quy mô 200 giường bệnh và tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng. Các chương trình hợp tác, viện trợ chí nghĩa, chí tình của tỉnh Thanh Hóa anh em đã góp phần tạo nên bước phát triển toàn diện về mọi mặt, đưa Hủa Phăn trở thành điểm sáng về sự năng động trong thu hút đầu tư tại khu vực Đông Bắc Lào.
Những năm gần đây, việc hợp tác kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn cũng được tăng cường. Hai bên đã tập trung hợp tác, nghiên cứu và trao đổi kỹ thuật công nghệ, dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm và kiểm soát dịch bệnh cây trồng vật nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân. Phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực biên giới. Đặc biệt, năm 2016 huyện Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ huyện Viêng Xay xây dựng mô hình trồng cam Cao Phong, đến nay hơn 900 cây cam đã cho thu hoạch, năng suất trung bình mỗi năm trên 5 tấn, cho thu nhập trên 44 triệu kíp Lào.
Anh Phiêng Sone Say Nha Son - Trưởng trung tâm nông nghiệp Huội Sá, huyện Viêng Xay, tỉnh Sầm Nưa, nước CHDCND Lào
Sự hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục của 2 tỉnh Thanh Hóa- Hủa Phăn cũng có những dấu ấn quan trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế Thanh Hóa cũng đã đón tiếp, chăm sóc sức khỏe cho khoảng 9.858 lượt cán bộ, nhân dân Lào với số tiền hỗ trợ gần 19 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; hỗ trợ về y tế, phòng chống dịch Covid-19 hơn gần 20 tỷ đồng, tổ chức các đoàn y tế sang khám và điều trị bệnh cho Nhân dân các huyện biên giới tỉnh Hủa Phăn.Trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 788 lưu học sang theo học các chuyên ngành chủ yếu ở trình độ đại học mà các tỉnh có nhu cầu cao như: kinh tế, tài chính, sư phạm, ngoại ngữ, nông nghiệp, y tế… trong đó có 293 em thuộc diện được hỗ trợ kinh phí và 495 em tự túc kinh phí. Bên cạnh đó, tỉnh Hủa Phăn đã tiếp nhận 17 học sinh tỉnh Thanh Hóa sang theo học ở trình độ đại học tại các chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Lào. Nhiều học sinh Lào sau khi tốt nghiệp các trường ở Thanh Hóa trở về nước đã phát huy được kiến thức, có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hủa Phăn.
Hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn có chung đường biên giới dài 213km, có 15 xã thuộc 5 huyện biên giới tỉnh Thanh Hóa tiếp giáp với 33 bản, thuộc 10 cụm của 3 huyện tỉnh Hủa Phăn. Trên cơ sở Hiệp định về quy chế biên giới và các hiệp định, thỏa ước đã ký giữa 2 nước Việt Nam - Lào, các lực lượng vũ trang của 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn cũng đã tăng cường chế độ tuần tra, kiểm tra song phương hai bên biên giới, từ đó kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm nhập biên giới trái phép; phối hợp thực hiện thành công nhiều chuyên án đấu tranh trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy và các hoạt động âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn địn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn.
Thượng tá Lê Như Giang - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo
Để đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị gắn bó keo sơn, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bền vững, hai tỉnh Thanh Hóa- Hủa Phăn đã chỉ đạo các lực lượng, phòng, ban chức năng và các xã biên giới làm tốt công tác tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tích cực hưởng ứng chủ trương "tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên". Từ năm 2014 đến nay, bộ đội biên phòng hai tỉnh phối hợp với các huyện miền núi tổ chức kết nghĩa 17 cặp bản dọc biên giới hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. Thông qua hoạt động kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới ngày càng thể hiện được ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.
Trong suốt những năm qua, công tác phối hợp tìm kiếm, cất bốc và quy tập liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Lào giữa 2 nước Việt- Lào được diễn ra thuận lợi.Tỉnh bạn cũng đã thành lập Ban công tác đặc biệt, gọi tắt là Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hủa Phăn, để chỉ đạo công tác phối hợp, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, đồng thời tạo mọi điều kiện về cả vật chất và tinh thần để phục vụ công tác tìm kiếm, hồi hương liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại đây. Nhờ sự giúp sức đầy nghĩa tình và trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân các bộ tộc Lào tại tỉnh Hủa Phăn, từ năm 1985-2021, lực lượng công tác đặc biệt đã tìm kiếm, quy tập được 2.259 hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hi sinh ở Lào đưa về Việt Nam.
Đại tá Ponsy Xonexay - Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào
Có thể khẳng định rằng, hơn nửa thế kỉ qua, quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt, toàn diện giữa hai tỉnh kết nghĩa Thanh Hóa - Hủa Phăn đã không ngừng phát triển, song hành cùng với sự lớn mạnh không ngừng của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Lào. Hiện nay, Đảng bộ Chính quyền và nhân dân hai tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, nhất là thế hệ trẻ của hai tỉnh nhận thức sâu sắc mối quan hệ truyền thống lâu đời, tình đoàn kết và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào nói chung, Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Đồng chí Văn Xay Pheng Xum Ma - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào
Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thủy chung, trong sáng giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn được rèn luyện, thử thách trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt càng trở nên sâu nặng, son sắt, vững bền, trở thành biểu tượng cao đẹp trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nhà nước, hai dân tộc Việt- Lào, là tài sản vô giá mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh luôn nâng niu, gìn giữ và phát triển lên tầm cao mới, vì sự phát triển phồn thịnh của 2 tỉnh và đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng chung của 2 nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.