Thanh Hóa thí điểm thành công mô hình “3 không”
Với mục tiêu cụ thể hóa chủ trương người dân, doanh nghiệp là trung tâm và là người trực tiếp thụ hưởng thành quả của công cuộc chuyển đổi số, tháng 5/2023, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “3 không” trên địa bàn tỉnh gồm: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; Không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền. Sau 3 tháng triển khai bài bản, mô hình “3 không” bước đầu đã giúp chính quyền cơ sở và người dân hình dung rõ hơn về tiện ích của công nghệ số cũng như quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Để thực hiện cùng lúc được 3 nội dung: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; Không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền, yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là rất cao. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông quyết định lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm là những đơn vị có tiềm lực về con người, được trang bị khá đầy đủ về cơ sở vật chất, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin gồm: phường Điện Biên (thành phố Thanh Hóa), xã Quảng Lưu (huyện Quảng Xương), xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân), xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) và xã Nga Liên (huyện Nga Sơn).

Ngay khi nhận được kế hoạch, các đơn vị đã khẩn trương tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ công chức địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng tại khu dân cư, công an xã/phường/thị trấn cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác trên địa bàn về nội dung mô hình, cách thức triển khai, đồng thời chia tổ công tác, thực hiện rà soát, tổng hợp các hộ dân, cá nhân có căn cước công dân, điện thoại thông minh, thẻ Bảo hiểm xã hội và số điện thoại chính chủ để lập danh sách, làm cơ sở dữ liệu bước đầu, cơ bản để triển khai các bước tiếp theo của mô hình 3 không.

Ông Lê Đình Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân
Ông Lê Đình Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân cho biết: "Chúng tôi cắt cử cán bộ rà soát kỹ lưỡng số công dân đủ 14 tuổi trở lên, có sử dụng điện thoại thông minh, phối hợp cùng lực lượng Công an để hướng dẫn cài đặt ứng dụng định danh điện tử, các ứng dụng thiết yếu khác, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng như phục vụ đời sống hằng ngày".
Bên cạnh sự chủ động của các địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng tích cực tập huấn và tham mưu quy trình triển khai mô hình phù hợp với thực tế của từng đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ kết nối địa phương với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ như chữ ký số, ứng dụng bảo vệ người dân trên môi trường mạng; các ngân hàng trong khâu tạo lập tài khoản, hướng dẫn thanh toán online cũng như tạo QR Code thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm chợ, trung tâm thương mại.

Các chương trình tập huấn đều thực hiện theo hướng "cầm tay chỉ việc", đảm bảo từng cán bộ cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng nắm sâu, hiểu kỹ về hệ thống ứng dụng cần cài đặt và cách sử dụng hiệu quả, an toàn.

Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa
Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết: "Để giúp cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện Mô hình, Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ công tác cấp tỉnh, gồm thành phần các ngành, đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông, Công An tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Các Doanh nghiệp VT-CNTT. Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các địa phương rà soát, lựa chọn dịch vụ công trực tuyến để thực hiện toàn trình theo quy định; triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng cho người dân/doanh nghiệp".
Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi được tập huấn, 100% cán bộ công chức các địa phương, lực lượng Công an xã/phường, thị trấn và tổ công nghệ số cộng đồng đã được huy động đến nhà văn hóa các thôn để hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng cần thiết, bất kể là ngày nghỉ hay đêm tối.

Với cách làm này, đến cuối tháng 7/2023, đã có khoảng 30 – 40% người dân các địa phương được chọn triển khai mô hình "3 không" cài đặt đủ 6 ứng dụng cần thiết gồm: ứng dụng định danh điện tử VNeID, ứng dụng chữ ký số cá nhân, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thanh Hóa để thực hiện thủ tục hành chính toàn trình; các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, tạo mã QR phục vụ cho giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt và một số ứng dụng khác như Phản hồi Thanh Hóa, Smart Thanh Hóa và bảo vệ người dùng trên không gian mạng.

Ông Lê Công Hảo, Thôn Đống Nãi, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Công Hảo, Thôn Đống Nãi, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Được hỗ trợ tận nơi thế này chúng tôi mừng lắm, vì toàn ứng dụng cần thiết nhưng mà đi lại nhiều thì cũng vất vả".
Tiện ích của việc triển khai mô hình "3 không" đã thúc đẩy nhanh tiến trình hình thành công dân số, từ đó hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo nên sức lan tỏa khá mạnh mẽ trên phạm vi toàn tỉnh. Do đó, không dừng lại ở 5 địa phương được chọn triển khai thí điểm, đến tháng 7/2023, toàn tỉnh đã có thêm 10 đơn vị ở các huyện Thọ Xuân, Như Thanh, Yên Định, Hoằng Hóa… chủ động đăng ký triển khai mô hình.

Tại xã Hải Long, huyện Như Thanh, một cuốn tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng trên thiết bị thông minh để thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch thiết yếu đã được chính quyền địa phương biên soạn và gửi đến tận tay người dân. Những thao tác điện tử vốn khó hiểu, khó tiếp cận, đặc biệt là với người lớn tuổi giờ đây trở nên dễ tiếp thu và dễ thực hiện, nên được nhân dân hết sức ủng hộ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng vận động 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là hàng tạp hóa, quán cà phê trên địa bàn triển khai cung cấp mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại tiện ích 2 chiều cho cả người bán hàng và người mua hàng.

Anh Lê Văn Trung, Quản lý Bắp Coffee, xã Hải Long, huyện Như Thanh
Anh Lê Văn Trung, Quản lý Bắp Coffee, xã Hải Long, huyện Như Thanh cho biết: "Từ lúc có QR code thì số giao dịch tăng hơn so với trước. Đối với quán thì cũng tiện lợi vì có thể quản lý được nguồn thu chi, đồng thời là giảm rủi ro mất mát tiền mặt hoặc là tiền giả".
Theo kết quả tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông, đến đầu tháng 9/2023, trung bình đã có 80 – 90% người dân các địa phương triển khai mô hình "3 không" cài đặt đủ các nhóm ứng dụng cần thiết. Hầu hết các địa phương đều lựa chọn thủ tục hành chính toàn trình là nhóm thủ tục khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và nhóm thủ tục khai tử - xóa đăng ký thường trú – quyết định hưởng chế độ mai táng phí.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng chữ ký số và thực hiện hồ sơ toàn trình không nhiều do người dân vẫn duy trì thói quen làm các thủ tục hành chính trực tiếp như trước. Số lượng hồ sơ toàn trình chỉ chiếm từ 3 – 5% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Do đó, để có thể nhân rộng và duy trì mô hình 3 không thật sự hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới, cần nhiều hơn những nỗ lực từ phía chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở Thông tin và Truyền thông cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ.

Ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty Cổ phần Misa, thành phố Hà Nội
Ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty Cổ phần Misa, thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi có ê kíp hỗ trợ tư vấn 24/7 với khách hàng, đồng thời cũng ứng dụng công nghệ AI để khi mà người dân cần thì có thể xử lý được ngay".
Dự kiến, mô hình "3 không" sẽ chính thức tổng kết, rút kinh nghiệm và ra mắt trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia tại Thanh Hóa được tổ chức vào ngày 4, 5/10 sắp tới.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa tham gia hiến máu tình nguyện
Hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện", sáng ngày 3/4, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức phát động Lễ hội hiến máu tình nguyện năm 2025 với chủ đề "Giọt hồng an ninh – vì hạnh phúc Nhân dân" lần thứ V.

Cảnh báo mất an toàn giao thông tại nút giao xã Vạn Thiện, Nông Cống
Nút giao Vạn Thiện thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam, tuyến quốc lộ 45 - Nghi Sơn là một trong 7 nút giao tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa được chính thức đưa vào khai thác từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường được đưa vào khai thác, tại đây thường xuyên xảy ra các vụ va chạm và tai nạn giao thông, khiến nhiều người cảm thấy bất an khi lưu thông trên tuyến đường.

Đề nghị hỗ trợ công tác đăng kiểm xe quá khổ, quá tải
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp, hỗ trợ trong công tác kiểm định xe quá khổ, quá tải.

Tạm dừng cấp giấy phép lái xe quốc tế
Bộ Công an vừa có thông báo sẽ tạm dừng cấp online bằng lái xe quốc tế (IDP) để xây dựng hệ thống mới sau khi tiếp nhận chức năng này từ ngành giao thông vận tải. Thời gian tạm dừng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6/2025.

Tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng hành động về an toàn thực phẩm 2025
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5), Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh thành phố trong cả nước.

Quan Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huyện Quan Sơn đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là những công trình trường học phải bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học tới đây; đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Dự báo thời tiết 4/4/2025: Bắc Bộ sắp có không khí lạnh, Nam Bộ nắng nóng
Dự báo thời tiết 4/4/2025, miền Bắc có thêm 1 ngày tăng nhiệt trước khi đón không khí lạnh lệch đông. Khu vực Nam Bộ bước vào đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ.

Không khí chào mừng kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng tại thành phố Thanh Hóa
Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Và đối với người dân thành phố Thanh Hóa, mảnh đất nằm bên núi Rồng, sông Mã, nơi hình thành trận địa Hàm Rồng lịch sử, những ngày qua, các hoạt động chào mừng diễn ra trong bầu không khí sôi nổi nhưng cũng không kém phần xúc động.

Hàm Rồng chiến thắng trong ký ức những cựu pháo thủ
Năm 1965, Trung đoàn pháo cao xạ 228 – thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhận nhiệm vụ thay thế Trung đoàn 234 bảo vệ cầu Hàm Rồng. Lúc bấy giờ, biên chế trong các đơn vị của Trung đoàn phần lớn là con em Hà Nội và tỉnh Hà Bắc cũ, tuổi vừa mười tám, đôi mươi. Những năm tháng chiến đấu ở Hàm Rồng đã trở thành quãng đời đẹp nhất, ý nghĩa nhất đối với mỗi người. 60 năm đã trôi qua, ký ức về Hàm Rồng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những pháo thủ năm xưa.

Triển lãm “Hàm Rồng - Bản anh hùng ca bất tử”
Nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, Trung tâm Triển lãm, Hội chợ - Quảng cáo – Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hoá phối hợp cùng Trung tâm văn hoá, thông tin, thể thao và du lịch thành phố Thanh Hoá đã tổ chức trưng bày triển lãm ảnh “Hàm Rồng - Bản anh hùng ca bất diệt” tại Công viên Hội An, thành phố Thanh Hóa. Triển lãm thu hút được đông đảo Nhân dân và du khách tới tham quan.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.