Thành phố Thanh Hoá – Vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử
Thành Hạc xưa – thành phố Thanh Hoá ngày nay - đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hoá không chỉ là nơi được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan vừa tươi đẹp, vừa hùng vĩ với núi cao, sông dài… mà còn là nơi hội tụ nhiều giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, tạo nên bản sắc riêng, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Mặc dù gần bước sang tuổi 75 nhưng ông Hoàng Kiên Cường, ở phố Cửa Tả, thành phố Thanh Hoá vẫn nhớ như in từng con đường, góc phố, từng lối mòn nhỏ quanh co bên Hồ Thành xanh rợp bóng cây… của thị xã Thanh Hoá xưa kia. Ông cũng rất đỗi tự hào về khu phố - nơi gia đình ông đang sinh sống - được mang tên Cửa Tả - cái tên gắn liền với lịch sử Thành Hạc hơn 200 năm trước.

Ông Hoàng Kiên Cường chia sẻ: "Dấu tích thành cũ xưa chỉ còn một số nơi. Trong tâm trí của chúng tôi muốn khôi phục lại ít nhiều di tích lịch sử của cha ông, để con cháu biết được thế nào là Thành Hạc, thế nào là thành cổ của người Thanh Hoá; cha ông ta đánh giặc như thế nào… để con cháu lấy tấm gương đó phát triển đất nước giàu mạnh hơn".
Mùa xuân năm 1804, Vua Gia Long chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, gọi là Hạc Thành và cho xây dựng thành theo hình lục lăng, có hào bao quanh mặt ngoài với 4 cửa. Năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên trấn thành Thanh Hoa thành Thanh Hóa. Đến nay, những công trình, dấu tích của trấn thành Thanh Hoa không còn nữa nhưng những tên đường, tên phố Cửa Tiền, Cửa Hậu, Cửa Tả, Hàng Đồng… vẫn gợi lại lịch sử vàng son của Thành Hạc xưa.

Dưới thời thuộc Pháp, năm 1929, người Pháp quyết định thành lập thành phố Thanh Hóa, là một thành phố cấp 3; sau Cách mạng tháng 8 thành công, năm 1945, chuyển thành thị xã Thanh Hóa. Năm 1994, thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố Thanh Hóa với 15 phường; và đến năm 2014, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I.

Hành trình phát triển từ Thành Hạc – thị xã Thanh Hoá đến thành phố Thanh Hoá ngày nay vừa tròn 220 năm. Nhưng những trầm tích văn hoá, lịch sử của đô thị tỉnh lỵ này được bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước. Đây là cái nôi của người Việt cổ với di tích núi Đọ, nay thuộc địa phận xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa và phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hoá, là nơi xuất hiện và chứng kiến buổi bình minh của lịch sử dân tộc; cũng là nơi khai sinh nền văn hóa Đông Sơn - một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của nhân loại, với đỉnh cao là kỹ nghệ chế tác đồng thau, mà tiêu biểu phải kể đến di vật trống đồng Đông Sơn.

PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: "Văn minh, văn hoá và không gian văn hóa ở đây kết hợp với những giá trị cổ xưa từ văn minh núi Đọ với văn minh Đông Sơn, làm nên cái cốt cách của người Thanh Hoá. Theo bản thân tôi thì bản sắc của cốt cách con người Thanh Hóa ở đây chính là bản sắc của sự tín nghĩa, sáng tạo, cố kết và ý thức giữ gìn, bảo tồn những gì đã có và đang có". PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng cho biết: "Tôi quen các bạn nước ngoài, khi hỏi các bạn ấy, các bạn ấy chỉ nói mấy câu thôi: Việt Nam - Văn hoá Hoà Bình, Văn hoá Đông Sơn. Hai nền văn hoá nổi tiếng nhất của Việt Nam; chúng ta đã tuyên truyền để các nước bạn, ngày nay cần tiếp tục tuyên truyền để các bạn trẻ thấy yêu mảnh đất này hơn, quý trọng mảnh đất này hơn và bằng mọi giá phải bảo vệ mảnh đất này".

Phát triển từ nền văn hóa cổ, các thế hệ người dân thành phố Thanh Hoá đã dựng xây nên bề dày lịch sử, cách mạng vẻ vang; thời kỳ nào cũng có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng ngời của chí anh hùng, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Thành phố có trên 230 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, có gần 100 di tích được xếp hạng; tiêu biểu như Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; Thái miếu nhà Hậu Lê… Trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với khai thác, phát triển du lịch; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc và luôn xem đây là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Độc đáo ngôi Nghè cổ Nguyệt Viên
Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn hàng chục ngôi Nghè cổ kính, có giá trị lịch sử và văn hóa. Trong đó, Nghè Nguyệt Viên ở Làng Nguyệt Viên phường Hoằng Quang, thành phố Thanh Hoá là một trong những ngôi Nghè cổ, có giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, được bảo tồn, gìn giữ khá nguyên vẹn sau hơn 400 năm khởi dựng.

Tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát"
Tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa vừa mở lớp tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát" năm 2025.

Về làng cổ Tường Vân
Nằm bên dòng sông Cầu Chày, làng Tường Vân xã Định Thành, huyện Yên Định có lịch sử lập làng và phát triển cách đây hàng nghìn năm. Ngôi làng này cũng là quê hương của hai anh em Tiến sĩ họ Khương nổi danh trong lịch sử: Khương Công Phụ và Khương Công Phục.

Tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường
Trung tâm Văn hóa điện ảnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thạch Thành vừa tổ chức 2 lớp tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường và biên đạo, dàn dựng các tiết mục văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lâm.

Sẵn sàng cho Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian năm 2025
Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân năm 2025 được tổ chức theo hình thức đại tế 5 năm 1 lần. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/2/2025 (tức ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực phong phú, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái và Thổ. Hiện nay, huyện Như Xuân đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lễ hội.

Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Ngày 17/2 (tức ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ), UBND thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn tổ chức Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Trung Quốc miễn thị thực cho khách Việt đến Tây Song Bản Nạp
Trung Quốc sẽ miễn thị thực cho đoàn du lịch từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đến thăm Tây Song Bản Nạp - một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - nếu du lịch trong vòng tối đa 6 ngày.

Mùa du lịch văn hóa
Với sự đa dạng về văn hóa và thiên nhiên, du lịch văn hóa xứ Thanh đang là “điểm hẹn mùa xuân” hấp dẫn du khách gần xa. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 675 nghìn lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình du lịch này.

Về nơi cửa biển
Với hơn 102km đường bờ biển, từ lâu, tỉnh Thanh Hóa lưu dấu ấn đậm nét của các cửa biển lớn…

Triển lãm sinh vật cảnh huyện Hoằng Hóa năm 2025
Sáng 15/2, Hội Sinh vật cảnh huyện Hoằng Hóa phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Medipha đã tổ chức triển lãm sinh vật cảnh năm 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.