Longform
img

55 năm trước đây, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, con đường chi viện trên bộ chưa thể đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến trường miền Nam, những chuyến tàu nhỏ bé thường gọi là "Tàu Không Số" đã bí mật vượt sóng biển Đông, vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của quân thù, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Đoàn vận tải thủy 759 (thành lập ngày 23/10/1961) là tiền thân của Đoàn 125 Hải quân đã mở đầu cho một hành trình đầy gian khó, hi sinh nhưng mang ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên Đoàn tàu Không Số có không ít những người con quê hương Thanh Hóa đã tham gia hành trình mở đường trên sóng nước biển Đông.
Con đường huyền thoại, đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu của nó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 1.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã vận dụng những đường lối chiến lược táo bạo và nghệ thuật quân sự vô cùng sáng tạo để dẫn dắt cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc đi đến ngày toàn thắng. "Đường Hồ Chí Minh trên biển" là con đường có một không hai trên thế giới, là sự vận dụng độc đáo trong chiến tranh nhân dân Việt Nam, là niềm kiêu hãnh của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần đánh đuổi tên Đế quốc sừng sỏ nhất thế giới.

Trên hành trình thăm lại chiến trường xưa, những cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số mong muốn tìm lại những dấu tích của con đường huyền thoại trên biển Đông.

Một con đường nằm trên đầu sóng ngọn gió, không ai thấy được hình hài, dáng vóc của nó.

Một con đường bí mật, bất ngờ, mà những con người này đã xây nên giữa bão tố phong ba, giữa những vòng kiềm tỏa gắt gao của địch.

Một con đường họ đã vượt qua bằng ánh sao trời, bằng màu lân tinh của biển, bằng con nước thủy triều, và bằng lòng mưu trí, dũng cảm, cùng ý chí sắt đá, niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng.

Vào những năm đầu thập kỷ 60, tuyến đường vận chuyển của ta trên dãy Trường Sơn đã mở, nhưng chưa vươn tới được các tỉnh Nam Bộ. Trước yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam và sự đòi hỏi cấp bách về nhu cầu cung cấp vũ khí, đạn dược cho quân dân các địa phương ven biển và Nam Bộ, tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị và Quân ủy TW đã quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược bằng đường biển vào chiến trường miền Nam.

Thực hiện ý đồ quân sự chiến lược ấy, Tiểu đoàn 603 được thành lập và hoạt động dưới cái tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh, nhằm nghiên cứu, hiện thực hóa con đường chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của Tiểu đoàn 603 đưa vũ khí vào Khu 5 thời điểm Tết Canh Tý năm 1960 bất thành. Do điều kiện thời tiết xấu và gặp địch, anh em phải hủy hàng hóa và sau đó bị địch bắt. Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động để tìm phương thức vận chuyển mới.

Trong khi đó, ngọn lửa đấu tranh cách mạng của miền Nam ngày càng sục sôi và bùng cháy thành phong trào đồng khởi ở Bến Tre và lan ra các tỉnh Nam Bộ. Vũ khí phục vụ chiến trường Nam Bộ càng trở nên cấp bách, có tính sống còn đối với phong trào cách mạng nơi đây. Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra miền Bắc thăm dò, tiếp tục ý đồ mở đường trên biển Đông.

Sau đồng khởi, yêu cầu cấp thiết nếu không có vũ khí hiện đại thì không thể đối đầu với địch nên Trung ương chỉ thị phải tổ chức ngay những chuyến tàu ra Bắc xin vũ khí. Vì đường Trường Sơn không thể vào tới đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có bằng đường biển mới chở thêm nhiều vũ khí nhanh, nhiều, tốt...
Anh hùng lực lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Đức - Trưởng ban Liên lạc Hội truyền thống đường HCM trên biển khu vực phía Nam

Bến Tre, vùng đất nổi tiếng cả nước với đặc sản dừa, và cũng là quê hương của phong trào đồng khởi. Đây là vùng đất từng nếm trải nhiều đau thương, với những cuộc càn quét đẫm máu của giặc trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Từ năm 1946, tại Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), bà Nguyễn Thị Định cùng đoàn cán bộ Khu 8 xuống tàu, bí mật vượt biển ra Bắc để báo cáo với TW Đảng và Bác Hồ về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin tài liệu, vũ khí mang về Nam đánh Pháp. Khi trở về, bà Nguyễn Thị Định cùng đồng đội đã đưa một chuyến tàu đầy ắp vũ khí về Bến Tre. Chuyến đi thắng lợi còn mang ý nghĩa mở đường, là tiền đề tạo nên con đường tiếp tế Bắc – Nam trên biển. Như vậy, con đường chiến lược chở vũ khí bằng đường biển từ Bắc vào Nam đã được manh nha từ thời chống Pháp. Bước sang thời kỳ chống Mỹ, con đường ấy tiếp tục được phát triển ở tầm cao hơn trong chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân. Tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, một trong những căn cứ cách mạng của miền Nam, những địa danh như Vàm Khâu Băng, Cồn Bửng, Cồn Lợi… đã đi vào lịch sử bởi đây chính là các bến vào ra của những con tàu không số.

Năm 1961, nhận chỉ thị của Quân ủy Trung ương, các Tỉnh ủy Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút chuẩn bị các đội tàu để vượt biển ra Bắc. Tính từ cuối 1961 đến đầu 1962 có 5 thuyền của Nam Bộ ra đến hậu phương lớn. Trong đó, đội tàu thứ nhất do đồng chí Đặng Bá Tiên (còn gọi là Sáu Giáo) quê ở Thanh Hóa, được tổ chức bố trí di cư cùng bà con giáo dân vào Bến Tre từ trước, làm đội trưởng. Đội tàu thứ 2 cũng của Bến Tre do đồng chí Lê Công Cẩn, còn gọi là Năm Công phụ trách sau 10 ngày thì cập vào Thanh Hóa, và được đưa về Hà Nội.

Các cán bộ chiến sỹ đã được gặp Bác Hồ và bày tỏ nguyện vọng của cách mạng miền Nam muốn xin vũ khí về đánh giặc. Theo nguyện vọng của quân dân miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chủ trương mở đường biển vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam.

Có một câu chuyện cảm động liên quan tới chuyến tàu cuối cùng của miền Nam ra Bắc vào tháng 2/1962. Đó là chuyện về một gia đình cách mạng kiên trung ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hồi ấy, tỉnh Bà Rịa phân công cho Đơn vị 555 tổ chức lực lượng đi mua sắm phương tiện ra Bắc xin vũ khí. Trên đường mang tiền mua thuyền về căn cứ, không may người cầm tiền bị phục kích, toàn bộ số tiền bị mất. Trước tình thế khó khăn của tổ chức, Má Mười Riều (tên thật là Nguyễn Thị Mười) đã quyết định hiến 10 cây vàng của gia đình và nhận luôn nhiệm vụ đi mua thuyền, bất chấp nguy hiểm dưới sự kiểm soát gắt gao của địch. Ông Lê Hà – người con trai của má Mười – cũng chính là đội phó của đội thuyền tỉnh Bà Rịa, trực tiếp đưa thuyền vượt biển ra Bắc.

Ông Lê Hà – Con trai Má Mười Riều bồi hồi nhớ lại những năm tháng ấy: "Năm 1961, theo chỉ đạo của Trung ương cục Miền Nam, các bến ở Nam Bộ đưa thuyền ra miền Bắc nhằm mục đích trinh sát, và sau này dẫn đường đưa vũ khí vào Miền Nam. Lúc đó rất khó khăn vè tài chính. Bác Nam Đông than thở chuyện khó khăn tiền bạc. Má  suy nghĩ và nói anh hổng lo, gia đình tôi đóng góp vốn liếng cho cách mạng. Má đóng góp được 10 cây vàng, mua một chiếc ghe đưa anh em 6 người trong đơn vị ra miền Bắc, trong đó có tôi là con của má.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Sơn - lúc bấy giờ là xã đội trưởng xã Phước Hải –là đội trưởng của chuyến tàu tỉnh Bà Rịa ra Bắc năm ấy. Gặp lại những đồng chí, đồng đội của mình từ Bắc vào thăm, ông vô cùng xúc động. Ký ức về những ngày tháng gian nan gắn bó với Đoàn Tàu Không Số trên con đường tiếp vận vũ khí vào Nam vẫn không phai mờ trong ông. Bản thân ông đã trực tiếp tham gia 23 chuyến tàu chở vũ khí vào Nam.

Từ thành công ban đầu của những đội tàu vượt biển ra Bắc, việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam càng được tiến hành khẩn trương. Ngày 23/10/1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập, tiền thân của lữ đoàn 125, có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, là ngày truyền thống chính thức của Đoàn 759 trước đây và đoàn 125 sau này.

Người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi "Đường Hồ Chí Minh trên biển" chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trên hành trình thăm lại chiến trường xưa, những cán bộ chiến sỹ Đoàn Tàu Không Số đã đến Vũng Chùa - Đảo Yến để dâng hương cho người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Đoàn nói riêng và toàn quân nói chung, đều coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "linh hồn" của Đoàn tàu Không Số. Bởi Đại tướng là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên cổ vũ cán bộ chiến sỹ đoàn tàu không số trong suốt những năm tháng chiến đấu đầy hi sinh gian khổ và vô cùng vẻ vang của Đoàn. Ngay khi thành lập, Đại tướng đã căn dặn: "Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn... Phải dốc sức chi viện cho miền Nam, nhất là Nam Bộ và Khu 5 về cán bộ, phương tiện vật chất, chủ yếu là vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men, để anh em chiến đấu…"

Như vậy, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đoàn 759 đã mở đường Hồ Chí Minh trên biển, một con đường chỉ có thể nhìn thấy trên bản đồ quân sự thời chiến. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, nét sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, đã từng có những "tiểu đội xe không kính" mà cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cắt nghĩa : "Xe không kính không phải vì xe không có kính – Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi". Thì ở đường Hồ Chí Minh trên biển, có một Đoàn Tàu Không Số.

Tàu Không Số không phải vì không có số

Giấu số đi che mắt quân thù

Ra đi khi sóng gầm bão tố

Ra đi khi sương gió mịt mù

Tàu không số, mở tuyến đường không dấu

Những con người tài trí vô song

Giặc ngăn cản trăm phương ngàn kế

Vẫn tung hoành ngang dọc biển Đông…

Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí Bắc Nam thuộc xã Thạnh Phong, gồm Vàm Khâu Băng, Cồn Bửng, Cồn Lợi…, nằm cách thị trấn Thạnh Phú 25 km, cách thành phố Bến Tre khoảng 70 km. Trở về nơi xuất phát của chiếc tàu đầu tiên ra Bắc đưa vũ khí vào Nam đánh giặc, những cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số lại được gặp gỡ những người đồng đội, đồng chí của mình, họ cùng ôn lại những tháng ngày lịch sử đã qua và trao nhau những kỷ vật thiêng liêng. Từ năm 1946 đến năm 1970, đã có trên 20 chuyến tàu của những đoàn tàu không số, chở hàng ngàn tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cập bến vùng căn cứ Thạnh Phong và được chuyển tiếp đến các chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Vì vậy, khu di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam ở xã Thạnh Phong được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23/12/1995 và xã Thạnh Phong cũng đã được Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Ngày nay, tại khu vực Cồn Bửng, thuộc xã Thạnh Hải và Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nơi những con tàu Không Số đầu tiên xuất phát và trở về an toàn, dự án Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được triển khai xây dựng. Công trình có ý nghĩa tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sỹ và đồng bào đã hy sinh trên con đường huyền thoại trên biển Đông.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Đức - Trưởng Ban Liên lạc Hội truyền thống đường HCM trên biển khu vực phía Nam rưng rưng chia sẻ: "Hiện nay, tàu Không số còn nhiều người nằm trên biển Đông chưa được trở về với đất mẹ. Công trình này được xây dựng nhằm làm mái nhà chung, thỉnh các đồng chí về đây an nghỉ vĩnh hằng... "

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 5.

Đầu năm 1962, Mỹ áp dụng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", tăng viện trợ và cố vấn, tăng quân ngụy, đẩy mạnh bình định, lập ấp chiến lược, tăng cường ngăn chặn biên giới nhằm cô lập miền Nam Việt Nam. Điều đó gây khó khăn cho cách mạng miền Nam, làm cho cuộc chiến ngày càng gay go, ác liệt. Thời kỳ này, tuyến chi viện đường bộ của Đoàn 559 đã vào đến Khu 5, nhưng chiến trường Đông Nam Bộ vẫn còn bỏ ngỏ, cho thấy tính chất bức thiết cần đẩy mạnh tuyến vận tải biển. Nhận rõ trách nhiệm của mình, Đoàn 759 vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực chuẩn bị tàu thuyền cho những chuyến đi mới. Chuyến đi trinh sát mở đường đầu tiên của Đoàn 759 do Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa phụ trách.

Tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở tuyến đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, đoàn 759 bước vào một giai đoạn hoạt động đặc biệt, làm nên con đường huyền thoại trên biển Đông với những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.  Và cũng từ đây, lịch sử dân tộc ghi thêm một nét độc đáo, sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh chống đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Công việc đóng tàu, chuẩn bị bến bãi cho những chuyến đi được nhanh chóng tiến hành. Tháng 8/1962, Đoàn 759 nhận 4 chiếc tàu gỗ mang tên Phương Đông 1, 2,3,4 từ xưởng đóng tàu 1, Hải Phòng. Nhận chỉ thị của trên, Bộ đội công binh và Hải quân được Bộ quốc phòng giao nhiệm vụ sửa chữa gấp cầu cảng K15 ở Đồ Sơn để phục vụ những con tàu của Đoàn 759 vào ăn hàng; Bộ đội quân khí có nhiệm vụ đóng gói súng đạn sao cho không có một dấu vết nào chứng tỏ chúng xuất phát từ miền Bắc; Bộ Nội vụ có nhiệm vụ bảo vệ bí mật, an toàn khu nghỉ mát Đồ Sơn...

Khu vực cầu cảng có bí danh K15 (còn gọi là H.10), thuộc địa phận Đồ Sơn, Hải Phòng, một trong những di tích  bến xuất phát của đoàn tàu Không Số ở miền Bắc. Từ địa điểm này, những con tàu Không Số bắt đầu ra đi, và điểm đến là những bến đỗ từ Quảng Bình, Quảng Trị vào đến chót mũi Cà Mau. Tất cả có gần 100 tàu thuyền với tổng số 168 chuyến đi xuất phát tại đây, để bắt đầu hành trình trên con đường được mệnh danh là "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển". K15 - Bến tàu "không số" - điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2008.

Cùng với bến K15, bến Nghiêng ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn cũng là một trong những Di tích lịch sử của Tàu Không Số, đã được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia. Bến Nghiêng là nơi chứng kiến thời khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc: Ngày 15/5/1955, tại đây, tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ - Hiệp định đình chiến giữa chính phủ thực dân Pháp và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sau 9 năm kháng chiến gian khổ. Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Bến Nghiêng - nơi tống tiễn đoàn quân thất trận - trở thành bến tàu phục vụ vận tải tiếp tế hàng hoá cho cuộc chiến đấu bảo vệ đảo đèn Hòn Dấu, nơi được coi là "mắt ngọc" của Tổ quốc, có nhiệm vụ soi sáng, dẫn đường cho các chuyến tàu ra vào, cập bến cảng Hải Phòng, trong đó có những con tàu Không Số. Sau ngày đất nước thống nhất, Bến Nghiêng lại phát huy vai trò phục vụ sản xuất, đánh bắt hải sản và nay là bến tàu du lịch đưa du khách đi tham quan Hòn Dấu, Cát Bà, Hạ Long... Bến Nghiêng & Bến tàu Không số K15 là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong quần thể Khu du lịch Đồ Sơn, thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Cựu chiến bình Nguyễn Văn Mậu một người con của quê hương Thanh Hóa đã từng phục vụ nhiều năm ở Đoàn tàu Không Số. Ông đã có nhiều chuyến đi xuất phát từ bến này. Cũng như những đồng đội của mình từng gắn bó với nơi đây, ông không khỏi xúc động và tự hào khi trở về thăm lại di tích bến xuất phát của Tàu Không Số.

Tại Đồ Sơn, ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy lên đường về Nam. Đây là chuyến đi đầu tiên mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Đến ngày 16/10 tàu vào cửa Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tin vui thắng lợi của chuyến đi đầu tiên được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người gửi điện biểu dương. Con đường biển nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn không chỉ là một dự định, một mong ước mà đã trở thành hiện thực. Chuyến đi đầu tiên thắng lợi đã làm tiền đề cho những chuyến đi tiếp đó thành công.

Trở lại  Vàm Lũng - Cà Mau, các cán bộ chiến sỹ của Đoàn Tàu Không Số cùng dâng hương tưởng nhớ đồng chí Bông Văn Dĩa, người con sinh ra từ rừng đước Cà Mau, một tấm gương sáng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông từng tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày đi Côn Đảo, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công mới được trở về. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tổ chức 2 lần ra nước ngoài mua 16 tấn vũ khí cung cấp cho các chiến trường Nam Bộ. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông cũng là một trong những người đầu tiên khai phá con đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam. Với những thành tích và công lao đặc biệt, năm 1967 ông được phong danh hiệu Anh hùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Để tưởng nhớ người anh hùng với những chiến công hiển hách, năm 2012, huyện Ngọc Hiển đã xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa trên quê hương ông tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, nơi có địa danh Vàm Lũng đã trở thành huyền thoại "Bến cảng lòng dân". Công trình này là nơi  thờ phụng, đồng thời trưng bày các tư liệu, kỷ vật có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đoàn 759 đã đưa những chuyến hàng đầu tiên vào Nam an toàn bằng sự mưu lược, dũng cảm, khẳng định việc mở con đường chiến lược trên biển là chủ trương đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả. Vào thời điểm ấy, Mỹ ngụy mở cuộc càn quét "sóng tình thương" vào Năm Căn (tức huyện Ngọc Hiển ngày nay). Nhờ có vũ khí đưa vào kịp thời, quân và dân nam Bộ đã đập tan cuộc càn quét đó của giặc. Việc đưa được vũ khí vào vùng đất tận cùng của Tổ quốc có ý nghĩa rất đặc biệt. Nó củng cố niềm tin cho đồng chí đồng bào đang chiến đấu, củng cố quyết tâm cho nhân dân miền Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức chia sẻ: "Tháng 10/1962 có 4 tàu Phương Đông bằng gỗ chở được 30 tấn hàng/ chiếc xuất phát. Đến tháng 12/1962 chở 120 tấn hàng vào miền Nam, trang bị súng đạn cho chiến trường, mở nhiều chiến dịch thắng lợi. Từ đó, rút kinh ngiệm cho hàng loạt tàu sắt, ngày đêm nào cũng có tàu không số hoạt động, càng gió to sóng to đi càng an toàn hơn…nhưng đi không phải đơn giản, phải đối chọi với kẻ thù trực tiếp… tất cả các cán bộ chiến sỹ trên tàu đều được rèn luyện  sóng gió nhưng cũng không ít đồng chí say sóng khi sóng to gió lớn… Hạm đội 7 của Mỹ rình rập nhưng với lòng dũng cảm và được rèn luyện của Đảng, nhà nước, anh em vẫn chịu đựng vượt qua".

Do hàng hóa vận chuyển vào Nam Bộ được ngày càng nhiều, cần có lực lượng tại chỗ để mở thêm bến, đón nhận, cất giữ, bảo quản và chuyển giao cho các địa phương, nên cấp trên quyết định thành lập Đoàn 962. Các cụm bến thuộc Đoàn 962 nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong gần 10 năm từ 1962 – 1971, các bến tàu của Đoàn 962 đã đón nhận 124 chuyến tàu chở vũ khí; trong đó nhiều nhất là bến Cà Mau đã đón 76 chuyến, với gần hàng chục ngàn tấn vũ khí. Từ đây vũ khí được chuyển đi nhiều nơi trên khắp chiến trường miền Nam; góp phần củng cố và tăng cường khả năng chủ động đi đến thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân năm 1975.

Chúng tôi đã cùng các cán bộ chiến sỹ Đoàn tàu Không Số và Đoàn 962 về thăm lại địa danh Vàm Lũng, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, với chiếc "vỏ lãi"- một phương tiện đường thủy thông dụng nơi đây, lướt nhẹ trên những dòng kênh… Địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí. Bên cạnh đó, nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân như những "luỹ sắt, thành đồng",  trong hơn 10 năm hoạt động (1962 -1972) các cơ sở hoạt động của ta đã được bảo vệ an toàn, mặc dù nơi đây nằm không xa chi khu quân sự của địch ở Năm Căn. Lịch sử Bến Vàm Lũng gắn liền với sự kiện ra đời của đơn vị quân đội mang phiên hiệu "Ðoàn 962" (được thành lập vào ngày 19/9/1962) với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào ra, bí mật tiếp nhận, cất giấu và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân".

Bà Tiết Thị Đào là một y sỹ của Đoàn 962, gắn bó với đơn vị từ những ngày đầu thành lập. Bà là người trực tiếp chăm sóc anh em cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số, cứu chữa thương binh sau mỗi lần quần thảo với địch. Bà chia sẻ: "Tôi đi học lớp y tá về phục vụ đoàn 962, tiếp đón tàu Không Số vào Vàm Lũng. Tôi làm 2 nhiệm vụ: chuyên môn và phục vụ cơm nước cho tàu Không Số. Lúc nào cũng gắn bó với đoàn 962, tình cảm của Tàu Không Số không thể nào tách rời. Trong chiến tranh ác liệt của miền Nam, được sự hỗ trợ của miền Bắc chở vũ khí giải phóng miền Nam, chiến tranh du kích mình ko có sung đạn, mình có vũ khí hùng mạnh mới tiêu diệt được. Tàu Không số chở vũ khí vô rất phấn khởi…"

Hiện nay, Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng đã được xây dựng khang trang tại xã Tân Ân (nay thuộc thị trấn Rạch Gốc) với hệ thống tượng đài, vườn hoa, nhà trưng bày… trở thành địa điểm tham quan, du lịch về nguồn cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hiên nay, nhà trưng bày của Khu di tích có hệ thống tư liệu khá phong phú, thể hiện bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, giai thoại về những chiến công thầm lặng của "Ðoàn tàu không số", dấu ấn về những cống hiến, hi sinh của quân, dân Rạch Gốc, của các chiến sĩ Ðoàn 962 anh hùng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Sau những chuyến đi thành công và kinh nghiệm rút ra, cho thấy cần có những phương tiện tốt hơn, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển vũ khí và điều kiện thực tế của hành trình, Quân ủy Trung ương có chủ trương sản xuất loại tàu vỏ sắt từ 50 - 100 tấn thay thế tàu vỏ gỗ.

Cựu chiến binh Lê Hà - Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu kể lại: "Năm 1963, tôi được đi chuyến tàu sắt đầu tiên, khi vào Trà Vinh bị tay lái đánh gãy… Sau khi thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng, miền nam không có vũ khí, khi mình đưa vũ khí của mình vào mừng vô cùng, giảm bớt phần đổ máu cho anh em quân giải phóng".

Trở về thăm lại địa điểm xưởng đóng tàu năm xưa, các cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số không khỏi bồi hồi xúc động. Xưởng đóng tàu 3 - một trong những nơi đã tạc nên hình hài những con tàu Không Số,  nay đã là nơi đóng chân của Cty CP Công nghiệp tàu thủy Tam Bạc, thuộc địa chỉ 157 Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Xưởng đóng tàu 3 đã đóng 11 chiếc tàu sắt cho Đoàn 759. Tàu 41 có trọng tải 50 tấn là chiếc tàu sắt đầu tiên do xưởng đóng tàu 3 sản xuất. Tập thể CBCS Tàu 41 đã lập nhiều chiến công vang dội và hai lần được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân . Ông Vũ Trung Tính là một trong những người từng gắn bó với Tàu 41 trong nhiều chuyến đi.

Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã có 28 chuyến tàu ra đi rồi trở về an toàn, chở được 1.318 tấn vũ khí cho chiến trường miền Nam. Trong 2 năm đã có hơn 1 ngàn tấn vũ khí vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Vũ khí đưa vào kịp thời đã góp phần làm nên chiến thắng Ấp Bắc của quân dân Mỹ Tho, đánh bại chiến thuật "trực thăng vận, thiết xa vận" của Mỹ ngụy. Năm 1963, Đoàn đã được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 2.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 759 hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giao đoàn 759 cho Quân chủng hải quân. Ngày 24/1/1964, Bộ Tổng tham mưu đồng ý với đề nghị của Hải quân đổi tên đoàn 759 thành Đoàn 125. Và cũng từ đây, Đoàn tàu Không Số bước sang giai đoạn vận chuyển hiệu quả nhất, góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Ngụy.

Có nhiều chuyến đi đã góp phần tạo nên chiến thắng lớn, như chuyến đi của Tàu 56 vào Bà Rịa tháng 11/1964, đã kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Sài Gòn. Đây là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Nhận được vũ khí từ đoàn tàu Không Số vận chuyển bằng đường biển trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, quân giải phóng miền Nam đã chiến đấu trong chiến dịch Bình Giã, diệt gọn hai tiểu đoàn ngụy và một chi đoàn xe bọc thép địch. Đây là một đòn góp phần quyết định làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Ngụy. Bộ chỉ huy chiến dịch đã gửi điện đến Đoàn 125 nhiệt liệt biểu dương sự chi viện kịp thời và có hiệu quả của Đoàn, góp nên chiến thắng lịch sử này.

Đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TW Đảng đánh giá: "Trong quá trình chiến tranh giải phóng miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt. Nếu trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) địch thấy khó thắng ta, sau trận Bình Giã, địch thấy thua ta".

Bến Lộc An thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm bên cửa sông Ray. Hai bên sông Ray là rừng nguyên sinh ngập mặn, nối liền với rừng Bình Châu, Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc. Lộc An cách cửa Cần Giờ chừng 20 km - một trong những cửa sông có vị trí chiến lược quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ. Lộc An có ưu thế vượt trội là biển liền rừng, núi hiểm trở, luồng lạch sông sâu. Do địa hình rừng núi ngăn cách nên mạng lưới bố phòng của địch mỏng. Nhân dân vùng Xuyên Mộc, Long Đất có truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường chiến đấu, một lòng một dạ phục vụ kháng chiến đến cùng. Bến Lộc An đã đi vào lịch sử những con tàu không số, trở thành điểm tiếp nhận 3 chuyến hàng chiến lược quan trọng, vận chuyển được 109 tấn vũ khí, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội. Bến Lộc An là niềm tự hào, là truyền thống cách mạng anh hùng của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Tính từ chuyến đi đầu tiên đến tháng 2 năm 1965, Đoàn 125 đã huy động 20 chiếc tàu, tổ chức 88 chuyến, vận chuyển 4.719 tấn hàng hóa và cả những cán bộ của Đảng và Quân đội vào tiếp ứng cho chiến trường Miền Nam.

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 7.

Cuối năm 1964, tại Khu 5, phong trào đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phát triển rầm rộ, quần chúng nhân dân nổi dậy phá hàng loạt ấp chiến lược, nhu cầu vũ khí phục vụ chiến đấu càng trở nên bức thiết. Bộ Quốc phòng có chỉ thị nghiên cứu mở thêm bến mới ở chiến trường Khu 5 để đưa vũ khí vào.

Vũng Rô nằm sát Quốc lộ 1, dưới chân Đèo Cả, thuộc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Đá Bia và mũi Mác như hai càng cua bao lấy một vùng biển. Đèo Cả khá cao, hiểm trở, một bên nối liền với Trường Sơn điệp trùng, một bên là biển. Từ Đèo Cả nhìn xuống, Vũng Rô bao bọc ba chiều là núi. Đưa tàu vào Vũng Rô là sự táo bạo, dám mạo hiểm để đạt mục đích, khai thác triệt để yếu tố bất ngờ, sơ hở của địch, bởi nơi nguy hiểm nhất là nơi kẻ địch không ngờ nhất. Tại bến Vũng Rô, Tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy đã ba lần cập bến thành công, chi viện hàng trăm tấn vũ khí, kịp thời giúp quân dân địa phương đánh bại những cuộc càn quét của địch, mở rộng vùng giải phóng ở Phú Yên, Khánh Hòa.

Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh, Nguyên thuyền trưởng tàu 41 nhớ lại những năm tháng ấy: "Nhu cầu vũ khí khu 5 rất bức xúc. Vũ khí vào Vũng Rô sẽ chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc. Chỗ nào nguy hiểm nhất chính là nơi sơ hở của địch. Vùng giải phóng được mở rộng, thay đổi thế trận trên chiến trường. Du kích xã Hòa Hiệp Tây được trang bị AK, bắn rơi cả trực thăng. Sức mạnh nhân lên gấp bội."

Khi vũ khí vào đến Vũng Rô, lực lượng tại bến đã tổ chức vận chuyển bằng cả đường bộ và đường thủy vào sâu trong đất liền. Những con thuyền nhỏ được sử dụng để chở vũ khí theo các dòng sông tỏa đi khắp các vùng trong địa bàn chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên.

Cựu chiến binh Ngô Văn Định, Phó Ban liên lạc Bến Tàu Không Số Vũng Rô hồi tưởng lại: "Khi chuyến tàu Không Số đầu tiên vào Vũng Rô, chúng ta điều động tất cả nhân công chuyên chở vũ khí…Từ đây là nơi vận chuyển vũ khí đi vào Tây Nguyên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Gia Lai…"

Theo lời kể của Anh hùng lực lượng vũ trang  Nguyễn Văn Đức, trong 3 năm liên tục tàu không số hoạt động ngày đêm, có những bến một đêm có 3 tàu cập. Từ 1963 đến 1964, 1965, Tàu không số vận chuyển rất nhiều dự trữ cho những cuộc chiến đấu sau này.

Từ ngày đi chuyến đầu tiên vào tháng 10/1962 đến tháng 2/1965, Đoàn 125 đã sử dụng tất cả 3 tàu gỗ, 17 tàu sắt, tổ chức 88 chuyến đi, vận chuyển được 4.719 tấn vũ khí cho chiến trường, cùng thuốc men và các trang thiết bị quân sự khác. Tàu của Đoàn đã cập bến Bạc Liêu 45 lần, Bến Tre 23 lần, Trà Vinh 12 lần, Bà Rịa 3 lần, Phú Yên 4 lần, Bình Định 1 lần. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện ly kỳ về lòng dũng cảm, tài trí vô song của cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số trước sóng to gió cả và sự rình rập của quân thù.

Đầu tháng 2/1965 xảy ra sự kiện Vũng Rô. Tàu 143 sau khi cập bến Vũng Rô, giao hàng xong thì bị địch phát hiện. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, ta bắt buộc phải đánh bộc phá hủy tàu, hủy hàng và phá vòng vây rút lui.

Sự kiện Vũng Rô là một tổn thất lớn của ta, đồng thời cũng khiến địch hoang mang khi phát hiện ra sự thâm nhập của Bắc Việt vào Nam bằng đường biển. Chúng tăng cường phong tỏa vùng biển và lấy cớ để tấn công miền Bắc, hòng ngăn chặn sự tiếp viện. Nhận xét của báo chí Mỹ đã biểu lộ sự lo sợ của chúng: "Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện vượt xa hải quân Việt Nam Cộng Hòa 20 năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào".

Việc Tàu 143 bị bại lộ ở Vũng Rô là một tổn thất quan trọng, yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch đã phát hiện ra tuyến đường vận chuyển của ta trên biển. Việc tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát của địch khiến cho những chuyến đi của Tàu Không Số càng khó khăn, hiểm nghèo và ít thành công.

Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh – Nguyên thuyền trưởng tàu 41 cho biết: "Sự kiện  Vũng Rô diễn ra khi địch phát hiện ta một cách ngẫu nhiên, máy bay địch chụp không ảnh. Chúng bắn rốc két cháy ngụy trang tàu… Đây là một tổn thất lớn. Bắt đầu từ đó chúng giăng bẫy. Chúng tôi phải tìm mọi cách như đi vào bãi ngang, hoặc đi vòng vèo…"

Sau sự kiện Vũng Rô, đoàn 125 tạm ngừng hoạt động một thời gian để nghiên cứu hướng mới. Tám tháng sau, Tàu 42 đã thực hiện thành công chuyến đi mở đường sau sự kiện Vũng Rô. Tàu 42 gồm 16 thủy thủ do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Trần Ngọc Ẩn chỉ huy, nhổ neo đêm 15/10/1965, mang theo 60 tấn vũ khí vào rạch Kiến Vàng (Cà Mau) thành công. Ông Vũ Trung Tính là người tham gia chuyến đi của Tàu 42 sau sự kiện Vũng Rô. Ông vẫn còn nhớ như in cuộc đấu trí vô cùng cam go với kẻ địch trên hành trình này: "Chuyến đi mở đường sau sư kiện Vũng Rô chúng tôi bị địch theo dõi. Tàu địch áp sát. Máy bay bay phía trên. Đồng chí Lưu Đình Lừng đánh lừa địch. Tàu phải đi qua 5 nước… "

Câu chuyện chiến sỹ hải quân Bắc Việt đóng giả "Tây" để đánh lừa địch quả là "có một không hai" trong lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điều đó cho thấy con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông luôn phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy, mỗi chuyến tàu xuất bến là bắt đầu một trận đấu trí quyết liệt với kẻ thù. Và các cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số đã khôn khéo vượt qua những tình huống nguy hiểm bằng những cách rất sáng tạo và bản lĩnh.

Trở về rừng đước Cà Mau, ông Vũ Trung Tính cùng đồng đội đã viếng mộ người chỉ huy của mình năm xưa: Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cứng do tuổi cao sức yếu đã về với tiên tổ từ năm 1995. Bên ban thờ, phần mộ và di ảnh của ông, những câu chuyện về người chỉ huy mưu lược, dũng cảm đã được ông Tính kể lại với niềm cảm phục sâu sắc. Tình cảm của vị chỉ huy đối với ông gần gũi, gắn bó như cha con.

Vợ cùng các con, cháu của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cứng hiện sống ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ông Tính còn nhớ một kỷ niệm, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng đã hứa gả con gái cho mình, nhưng vì điều kiện công tác và chiến tranh kéo dài nên ông chưa từng được gặp người con gái ấy. Cho mãi tới chuyến đi này, trở lại Vàm Lũng- Cà Mau, lần đầu tiên ông mới được gặp con gái của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, nhưng không còn được gặp vị chỉ huy đáng kính của mình nữa…

Thắng lợi trong chuyến đi mở đường của tàu 42 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó chứng minh quyết tâm của ta tiếp tục chi viện cho miền Nam bằng đường biển là hoàn toàn đúng đắn. Nó cũng chứng minh nhận định của cán bộ lãnh đạo quân chủng và Đoàn 125 về tình hình địch, thế mạnh của ta là hoàn toàn chính xác.

Bước sang giai đoạn vận chuyển khó khăn ác liệt nhất, Mỹ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm để đối phó, ngăn chặn con đường tiếp tế, chi viện trên biển của ta. Đòi hỏi cán bộ chiến sỹ đoàn 125 càng phải mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Đáng kể lại: "Tháng 4/1965, tôi chính thức được biên chế xuống tàu, sau khi tàu 42 đi sau sự kiện Vũng Rô, tháng 12/65 tàu 100 đi vào Nam. Sau hơn 10 ngày, đến đảo hòn khoai bị tàu địch phát hiện ngăn chặn, chúng đem tàu chiến và máy bay đến. Tàu bình tĩnh chuyển hướng trở ra, đánh lạc hướng địch là tàu đánh cá Đài Loan. Khi ra đến ngoài Côn Đảo có 2 khu trục hạm của Mỹ và máy bay trinh sát bám liên tục. Sau đó, chúng tôi xin ý kiến chỉ huy quay trở vào, nhưng ở nhà không đồng ý. Quay ra đi về hướng Philippin, Đài Loan. Đi thêm 7 ngày nữa. Chiều hôm đó máy bau lại đến trinh sát khiêu khích thăm dò. Tàu làm công tác ngụy trang, nổi lửa đốt dầu để chúng khỏi nghi ngờ. Sau đó tàu mất lái lao vào tàu địch, địch phải tránh. Đêm hôm đó lọt vào đội hình tàu địch nhưng chúng không phát hiện ra."

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tìm ra những sơ hở của địch để tận dụng, những con tàu vẫn lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ. Những con tàu Không số vượt qua những cơn bão tố, cải dạng tàu đánh cá, tàu nước ngoài đánh lừa sự theo dõi của địch, dò đường bằng phương pháp thiên văn…

Cựu chiến binh Vũ Trung Tính là một trong những nhà hàng hải cừ khôi của Đoàn Tàu Không Số, bởi ông có biệt tài "ngắm sao trời dò đường đi", như lời khen tặng của đồng đội dành cho ông:

"Không phương vị, hải đồ

Sao mọc tàu nhổ neo,

Trăng lên tàu vượt sóng

Chỉ ngắm ánh sao trời

Bao chuyến tàu cập bến" …

Bởi vậy, dù đã đảm nhiệm chức danh Thuyền trưởng, nhưng trong những chuyến đi quan trọng mang tính mở đường, ông luôn được điều động vào vị trí Thuyền phó phụ trách hàng hải. Trở về Cầu Đá Bạc trên dòng sông Tam Bạc, nơi mà Tàu 42 xuất phát sau sự kiện Vũng Rô và tổ chức chuyến đi thành công, ông Vũ Trung Tính không khỏi bồi hồi xúc động. Từ bến xuất phát này, trên Tàu 42, ông Tính cùng đồng đội đã phải đi qua rất nhiều nước, nhiều vùng biển mới đến được Cà Mau và giao hàng an toàn.

Cứ như vậy, xuyên qua không gian và thời gian, dù gian khổ hi sinh, nhưng cán bộ chiến sĩ  Đoàn 125 vẫn tiếp tục mở đường mới, mở bến mới, lập thêm những chiến cộng hiển hách. Luôn luôn đương đầu với địch và vật lộn với sóng to gió lớn, càng gặp khó khăn nguy hiểm, cán bộ càng dũng cảm mưu trí, chiến sỹ càng ngoan cường linh hoạt.

Trải qua 6 năm làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường bằng đường biển, đoàn 125 đã tổ chức 117 chuyến vận chuyển, chở hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam. Ngày 30/4/1966, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương quân công hạng nhất cho đoàn.

Với những chiến công to lớn và sự sáng tạo trong hoạt động vận tải trên biển, tháng 1/1967, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đoàn 125 danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là tin vui làm nức lòng cán bộ chiến sỹ Đoàn tàu Không Số. Suốt 6 năm, anh em đã kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu trên vùng biển của Tổ quốc, đương đầu với địch và vật lộn với sóng to gió lớn, càng gặp nguy hiểm, càng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, chiến sỹ càng ngoan cường linh hoạt, trên dưới đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tuyên dương danh hiệu anh hùng cho đoàn 125, Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao công lao của những người lính vận tải biển. Và theo đó, mỗi cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn đối với Tổ quốc, nhân dân.

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 9.


Dù đã có những chuyến đi thành công sau sự kiện Vũng Rô nhưng việc vận chuyển hàng vào Nam vẫn có rất nhiều khó khăn tổn thất. Đặc biệt năm 1966 có nhiều chuyến tàu gặp nạn. Như Tàu 69 đi theo hành trình của tàu 42 trước đó, vòng vèo trên biển tới 8 ngày vẫn bị địch bám theo phải quay về; sau đó đi chuyến thứ 2 vào được nhưng gặp địch phải chiến đấu ác liệt, tàu bị hư hỏng nặng và mãi mãi nằm lại ở rạch Xẻo Già, trong rừng đước Rạch Gốc. Tàu 100 đi sau tàu 69 vào đến Cà Mau cũng gặp địch, bị đánh chìm ở Rạch Già. Tiếp đó tàu 187 vào Trà Vinh, trên đường gặp địch, anh em kịp rút lên bờ nhưng tàu và vũ khí bị địch thu giữ. Tàu 41 đưa vũ khí vào Quảng Ngãi, giao hàng xong quay ra bị mắc cạn nên phải hủy tàu để đảm bảo bí mật, 2 đồng chí hi sinh cùng tàu, số anh em còn lại phải vượt Trường Sơn 4 tháng trời mới về đến miền Bắc. Tàu 43 đi Khu 5, giữa đường gặp địch cũng phải quay về.

Năm 1967, Đoàn 125 tổ chức 5 chuyến đi vào Khu 5, nhưng hầu hết bị địch chặn, phải quay về hoặc phải chiến đấu với địch.

Dù phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy hơn, sự hi sinh cũng to lớn hơn, song con đường vận tải biển Đông vẫn tiếp tục được duy trì. Mỗi chuyến tàu xuất bến là bắt đầu một trận đấu trí vô cùng gay go, quyết liệt với kẻ thù. Nhiều chuyến đi đã phải đổi bằng máu, phải hi sinh toàn bộ người, vũ khí và tàu để đảm bảo bí mật. Mỗi chuyến đi, dù trở về hay không trở về, cũng đều ghi thêm một huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tết Mậu Thân 1968, quân dân miền Nam đồng loạt nổi dậy thực hiện cuộc Tổng tấn công. Để tiếp tế vũ khí đạn dược cho quân dân ta chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền, Quân chủng Hải  quân đã tổ chức đợt vận chuyển mới vào chiến trường. Từ ngày 23-27/2/1968, lần lượt 4 tàu 165, 56, 43, 235 lên đường vào 4 bến khác nhau. Tàu 165 bị địch bao vây, cả tàu và 18 cán bộ chiến sỹ hi sinh. Tàu 56 gặp địch phải quay lại. Tàu 43 gặp địch tại Quảng Ngãi, trong cuộc chiến đấu không cân sức, anh em quyết định hủy tàu và rút lên bờ.

Trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, các cựu chiến binh Tàu Không Số đã tới thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng, là thuyền trưởng của Tàu 43 tham gia chuyến đi vào Quảng Ngãi đầu năm 1968. Hiện ông sống ở Phường An Thới, quận Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ. Gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng có tới 12 người tham gia cách mạng và hi sinh trong kháng chiến. Và câu chuyện tình giữa ông và người vợ của mình cũng khá đặc biệt. Thời chống Mỹ, bà Huỳnh Biên Thùy là y sỹ của Đoàn 962 - Cà Mau. Họ đã gặp nhau trong chiến đấu và đem lòng yêu nhau, đã báo cáo tổ chức nhưng chưa kịp làm đám cưới. Chính trong trận chiến đấu với địch năm 1968, bà Thùy nghe tin ông Thắng hi sinh thì rất đau khổ, bà đã làm lễ truy điệu, và biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục lao vào công tác. Mãi sau này, tổ chức mới bí mật sắp xếp để họ bất ngờ hội ngộ sau rất nhiều năm xa cách. Mối tình của họ được đồng đội gọi là "mối tình xuyên biển Đông".

Trong khi nữ y tá Huỳnh Biên Thùy ở Đoàn 962 - Cà Mau phải truy điệu người chồng chưa cưới của mình, thì tại Quảng Ngãi, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng cùng 13 đồng đội còn sống của Tàu 43 may mắn gặp được du kích và bà con xã Phổ Thiện, anh em được đưa lên căn cứ Ba Tơ, vào bệnh xá của bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại huyện Đức Phổ.

Các Cựu chiến binh Tàu Không Số đã trở lại Quảng Ngãi, ghé thăm bệnh viện – Bảo tàng Đặng Thùy Trâm tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Năm xưa, những đồng đội của họ đã may mắn được Bác sỹ- liệt sỹ Đặng Thùy Trâm cứu sống, chăm sóc tận tình để có ngày trở về với quê hương, gia đình. Qua chuyện kể của các CCB đã được cứu chữa tại bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ngày ấy dù anh chị em ở bệnh xá đều rất thiếu đói, nhưng vẫn chăm nuôi thương binh chu đáo, đầy đủ. Sau khi được chữa lành vết thương, anh em Tàu 43 lại vượt Trường Sơn ra Bắc, tiếp tục những chuyến đi mới của Đoàn Tàu Không Số.

Sau này, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm hi sinh trong một trận càn của địch; cuốn nhật ký của chị được một cựu binh Mỹ thu giữ và sau hàng chục năm  mới trả về Việt Nam. Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được in thành sách và trở thành một hiện tượng truyền thông đặc biệt, làm khơi dậy tình cảm cách mạng sâu đậm trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lấy hình tượng người con gái anh hùng Đặng Thùy Trâm để xây dựng bộ phim mang tên "Đừng Đốt", phim đạt  giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010. Trong cuốn nhật ký của mình, Đặng Thùy Trâm đã có những dòng lưu bút thắm thiết nghĩa tình dành cho một chiến sỹ của Tàu 43, mà chị xem như một người em trai.

Chuyến tàu thứ tư vào Nam thời điểm tết Mậu Thân 1968 là Tàu 235 do Thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy. Cựu chiến binh Lê Duy Mai, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa có mặt trong chuyến đi ấy với vai trò máy trưởng. Tàu 235 xuất phát đêm 27/2/1968, khi tiến vào Hòn Hèo - Khánh Hòa, đã bị 7 tàu địch bao vây. Thuyền trưởng Phan Vinh đã anh dũng chỉ huy chiến đấu, rồi cho anh em rời tàu, còn mình ở lại điểm hỏa để phá hủy con tàu, xóa dấu vết, sau đó bơi vào bờ. Khối bộc phá làm con tàu đứt làm đôi, một nửa chìm xuống nước, một nửa văng lên vách núi. Anh em chiến sỹ của tàu lên bờ, tiếp tục bị địch truy lùng. Thuyền trưởng Phan Vinh đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu ngăn chặn địch, mở vòng vây cho đồng đội. Đội tàu gồm 20 người, 14 đồng chí đã mãi mãi nằm lại ở Hòn Hèo, chỉ còn 5 người sống sót.

Ông Lê Duy Mai là một trong số 5 chiến sỹ đã may mắn trở về sau hành trình khốc liệt ấy. Và hôm nay, có mặt ở chính cái nơi mà mình cùng động đội đã chiến đấu để giành giật sự sống, ông không khỏi nghẹn ngào, xúc động. Ông Cossio Nevio, một khách du lịch người Ý đã vô cùng cảm phục  khi được nghe câu chuyện về Tàu 235 và sự hi sinh của các cán bộ chiến sỹ hải quân Việt Nam trong chiến tranh, và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng người kể chuyện lại chính là nhân chứng sống, người trực tiếp đối mặt với kẻ thù trong trận chiến đấu ấy.

Việt Nam là một đất nước rất nhỏ bé nhưng có những người lãnh đạo, có ý chí rất cao, có thể chiến thắng một nước lớn để ngày hôm nay Việt Nam hòa bình. Tất cả mọi người Châu Âu đều biết được câu chuyện chiến tranh của người Việt Nam và cảm thấy rất thán phục nhân dân Việt Nam.
Ông Cossio Nevio, du khách Italia

Tạp chí "Lướt sóng" của Hải quân quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ đã bình luận về sự kiện tàu 235 anh hùng: "Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực chất chỉ có 20 thủy thủ), gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập và tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hi sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết".

Mỗi lần về thăm chiến trường xưa, những cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số lại ghé thăm gia đình ông Nguyễn Bá Cường và bà Phạm Thị Hường ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Những năm kháng chiến, ông Cường là trạm trưởng trạm xá căn cứ Hòn Hèo, sau này làm Bí thư huyện ủy Ninh Hòa; bà Hường là y tá phục vụ tại Bến Ninh Vân, sau này là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ninh Diêm. Khi xảy ra sự kiện Tàu 235 chiến đấu với địch tại Hòn Hèo, anh em du kích ở Bến Ninh Vân đã ngày đêm luồn rừng tìm kiếm những anh em còn sống, tới tận ngày thứ 13 mới tìm được 5 đồng chí của Tàu 235. Vợ chồng ông Cường, bà Hường đã trực tiếp chăm sóc, chữa lành những vết thương cho anh em.

Chính kẻ thù cũng phải công nhận sự dũng cảm và khí phách kiên cường của những cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số, và không khỏi bàng hoàng run sợ trước sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần xả thân của những cán bộ chiến sỹ tàu 235, trong đó có thuyền trưởng anh hùng Phan Vinh. Tên tuổi của anh đã gắn liền với đất đai biển đảo quê hương. Ngày nay, một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa đã mang tên anh: Đảo Phan Vinh. Và câu chuyện về Tàu 235 anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử như một huyền thoại về lòng dũng cảm, dám hi sinh vì Tổ quốc của những người lính Hải quân Việt Nam.

Từ đầu năm 1965 đến 1968, kết thúc một giai đoạn vận chuyển cực kỳ gian truân ác liệt, Đoàn 125 đã tổ chức 28 chuyến đi, trong đó có 7 chuyến thành công, chở được 410 tấn vũ khí cho chiến trường, 7 chuyến gặp địch phải chiến đấu, ta phá hủy 4 chiếc, địch lấy 3 chiếc. Ta chủ động phá 2 tàu khi mắc cạn ở Hoàng Sa không thể trở về, những chuyến còn lại gặp địch nên phải quay về. Đây là giai đoạn khó khăn song cũng là giai đoạn hào hùng, thể hiện ý chí ngoan cường của cán bộ chiến sỹ Đoàn 125, chiến công và sự hi sinh thần lặng, cao cả của họ đã góp phần viết nên những trang sử huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ông Nguyễn Hữu Tuần, nguyên trưởng tiểu ban tác chiến, Đoàn 125 vẫn tự hào khi nhớ lại: "Trong giai đoạn 1965 - 1968, có những lúc đi 25, 30 chuyến chỉ vào được 5, 10 chuyến. Thời kỳ ấy, anh em biết đi là chết, đi là khó khăn nhưng vẫn vui vẻ, xin đi bằng được. Anh em 34 tỉnh thành luôn giữ vững tinh thần chiến đấu hi sinh vì dân phục vụ, vì miền Nam chiến thắng..."

Và từ những năm tháng gắn bó với Đoàn Tàu Không Số, những người con của các miền duyên hải Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… đã trở thành anh em một nhà. Mỗi lần gặp nhau, những hồi ức về chiến tranh, về tình đồng chí, đồng đội luôn tràn đầy trong tâm trí họ. Và những giây phút ấy, họ lại nhớ đến những đồng đội đã nằm lại trên biển, trong những trận chiến đấu một mất một còn với kẻ thù.

Sóng không thể ghi dấu đường đi của những con tàu Không Số, nhưng ẩn sâu trong lòng đại dương bao la là xương máu của những đồng đội mãi mãi không thể trở về. Linh hồn họ hóa thân trong màu cờ đỏ, trong ánh sáng của những ngọn hải đăng, ngày đêm dẫn đường đi cho những con tàu ra khơi vào lộng. Họ đã viết nên những thiên hùng ca trên biển cả quê hương.

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 12.

Tàu Không số những chiến binh cảm tử

Truy điệu mình trước lúc ra đi

Cả con tàu như trái tim rực lửa

Vì miền nam hiến cả cuộc đời…

Bao linh hồn đã hóa vào biển cả

Để làm nên kỳ tích phi thường…

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 13.


Sau Tết Mậu Thân 1968, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tạm ngừng việc vận chuyển trực tiếp cho chiến trường, đoàn 125 chuyển sang phương thức vận chuyển mới: chủ yếu phục vụ trên các tuyến miền Bắc và các tuyến gián tiếp chi viện chiến trường, đồng thời nghiên cứu phương thức phù hợp để khi có điều kiện sẽ tiếp tục chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam.

Chiến dịch VT5 được thực hiện, nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào sông Gianh (Quảng Bình), sau đó hàng tiếp tục được vận chuyển bằng đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn. Chiến dịch VT5 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tăng tiềm lực cho tiền tuyến đánh to thắng lớn, đặc biệt là Thừa Thiên, Quảng Trị và bắc Khu 5, làm hậu thuẫn vững chắc trên bàn đàm phán ở Pa-ri.

Trong 2 đợt vận chuyển của chiến dịch VT5, Đoàn 125 đã huy động 551 lượt tàu, vận chuyển 32.626 tấn hàng. Đoàn 125 đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm, chúc tết.

Giai đoạn này Mỹ thực hiện chiến dịch phong tỏa, thả thủy lôi xuống các bến sông, bến cảng, cầu phà, hòng làm tắc nghẽn giao thông đường thủy phía Bắc, ngăn chặn từ xa con đường tiếp vận cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đoàn 125 vừa nghiên cứu đối sách chống phong tỏa ở miền Bắc, vừa tìm phương thức vận chuyển mới.

Tháng 8/1969, Tàu 42 được lệnh thực hiện chuyến đi trinh sát để nắm tình hình. Sau chuyến đi trinh sát thành công, Đoàn 125 tiếp tục cử tàu 154 đưa 58 tấn vũ khí và 5 cán bộ chiến sỹ đặc công nước vào Bạc Liêu. Và đây chính là chuyến đi tái mở đường sau sự kiện Tàu 235 hi sinh ở Hòn Hèo, Khánh Hòa.

Trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, hai cựu chiến binh Phạm Văn Bát và Vũ Trung Tính đã trở lại Gành Hào, khu vực tiếp giáp giữa Bạc Liêu và Cà Mau, nơi họ đã thực hiện chuyến đi lịch sử đưa Tàu 154 vào giữa ban ngày mà vẫn rút ra an toàn. Thời điểm đó, ông Bát là Chính trị viên của tàu, ông Tính là Thuyền phó hàng hải. Họ đã cùng anh em chiến sỹ Tàu 154 mưu trí, gan dạ vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, đưa tàu vào bến trả hàng ở vị trí chỉ cách đồn địch chưa đầy 1 km, ghi thêm một kỳ tích cho Đoàn Tàu Không Số. Cựu chiến binh Vũ Trung Tính đã tham gia tới 18 chuyến đi đưa hàng vào Nam thành công. Trong 18 chuyến đi ấy, có những chuyến đi mở đường mang tính chất quyết định. Đây có lẽ là con số kỷ lục của một chiến sỹ hải quân Tàu Không Số. Trong số 3 con tàu mà ông gắn bó trên hành trình biển Đông (từ tháng 6 năm 1964 đến tháng 3/1971), đã có 2 tàu được vinh dự tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, đó là tàu 42 và tàu 154; riêng tàu 42 ông tham gia tới 14 chuyến trong vòng 3 năm liên tục.

Để đảm bảo cho những con tàu đưa được hàng vào bến an toàn, phải kể đến công lao của những cán bộ chiến sỹ, du kích làm nhiệm vụ ở các Bến. Đoàn 962 là đơn vị có nhiệm vụ tổ chức các bến bãi, làm hoa tiêu đón tàu vào, nhận và cất giấu, vận chuyển vũ khí vào sâu đất liền. Tính từ chuyến tàu đầu tiên (Phương Đông I) vào bến Vàm Lũng ngày 16/10/1962 đến chuyến tàu cuối cùng (69B) vào bến Vàm Hố ngày 5/4/1071, các cụm bến thuộc Đoàn 962 quản lý đã tiếp nhận 124 chuyến tàu, với 6613 tấn vũ khí.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Đoàn 962 kể lại: "Năm 1969, tàu 154 lạc vào cửa Gành Hào. Khoảng 500 thước có đồn địch. Tàu lạc vừa sáng, máy bay phát hiện tàu Bắc Việt xâm nhập vào. Nhân dân địa phương chặt cây ngụy trang, chiều hôm sau địa phương tổ chức cho 2 người đưa tàu ra Vàm Hố. Tôi trực tiếp ra đón vào bến. Kỷ niệm sâu sắc mình từng đưa rước anh em. Nhân dân ở kế đồn địch nhưng rất giác ngộ cách mạng. Tôi dẫn tàu vô tới bến là tôi ở tàu luôn, anh em đi trên tàu vào ăn nghỉ, tôi chém mấy trăm cây ngụy trang. Ở chiến trường miền tây Nam Bộ có vũ khí gì là mình đem ra dùng trước."

Cựu chiến binh Lê Minh Trí, Bến 962 còn nhớ như in kỷ niệm năm nào: "Chúng tôi ở bến đón tàu, tổ chức bốc hàng, vận chuyển hàng, tinh thần làm việc không sợ gian khổ hi sinh.Tàu vào, anh em chủ yếu ở bến tiếp nhận, không cho bà con biết vì dễ lộ. Quan hệ giữa bến với dân rất bí mật..."

Qua thăm dò, địch biết được tàu ta lại vào được chiến trường, Mỹ ngụy rất cay cú. Chúng tăng cường tàu thuyền, máy bay tuần tra gắt gao trên biển. Vì vậy cuối năm 1969 đầu 1970, ta tổ chức 4 chuyến đi đều phải quay lại. Trong khi đó, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Mỹ - ngụy đã chiếm lại hầu hết các vùng nông thôn, đồng bằng, kể cả các vùng ta đã giải phóng từ lâu. Khu vực Tây Nam Bộ, vùng giải phóng chỉ còn rừng đước Cà Mau và căn cứ U Minh. Địch liên tục mở các trận càn để trấn áp ta.

Cựu chiến binh Phùng Văn Quý hiện sống ở Thành phố Cà Mau từng tham dự một trận chiến đấu vô cùng khốc liệt với kẻ thù tại địa bàn Vàm Lũng năm 1969. Ông cùng đồng đội đã chiến đấu dũng cảm, dùng súng B40 bắn chìm và bị thương nặng 4 tàu địch: "Địch mở trận càn , kéo dài 10 tiếng đồng hồ, băn phá ác liệt, chúng tôi bắn chìm tại chỗ 3 chiếc, băn bị thương 1 chiếc, tiêu diệt nhiều Mỹ và thu nhiều vũ khí. Trận đánh đó  2 đồng chí hi sinh, tôi bị thương. Sau đó địch mở nhiều trận càn hơn nữa…"

Tàu không vào được, vũ khí cho chiến trường thiếu trầm trọng. Nhiều bức điện từ quân khu 8, quân khu 9 gửi ra đầy khẩn thiết: "Chúng tôi không thể lấy cùi tay để đánh giặc!". Không thể để máu và nước mắt của chiến sỹ đồng bào miền Nam chảy mãi, việc tiếp tục vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam trở thành mệnh lệnh của những trái tim yêu nước. Tháng 5/1970, Tàu 41 tiếp tục hành trình đưa vũ khí vào Cà Mau. Chuyến đi đã diễn ra an toàn, kịp thời cung cấp vũ khí cho quân dân Khu 9 chống càn hiệu quả, đánh chìm nhiều tàu thuyền của địch, làm phá sản chiến thuật "hạm đội nổi trên sông" của chúng.

Trong năm 1970, Đoàn 125 tổ chức 15 chuyến đi nhưng chỉ có 5 chuyến vào được bến, số còn lại đều phải quay về. Chưa kể trên biển các tàu còn phải chống chọi những cơn bão lớn.

Bước sang năm 1971, Mỹ ráo riết xúc tiến chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", dùng người Việt đánh người Việt. Nhưng Mỹ vẫn nắm giữ việc tuần tiễu, cảnh giới xa bờ. Những tháng đầu năm 1971, Đoàn 125 tổ chức 4 chuyến đi, song tất cả đều bị địch theo dõi, phải quay trở lại. Tàu 69 lên đường lần thứ 2, vào Bạc Liêu đã bị địch bao vây, phải chiến đấu và hủy tàu. Cựu chiến binh Nguyễn Minh Châu, quê xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa hiện đang sinh sống tại thành phố Cần Thơ là người có mặt trong chuyến đi đó.

Từ tháng 10/1971 đến tháng 4 năm 1972, Đoàn 125 tổ chức 20 chuyến đi, song chỉ có duy nhất một tàu đến đích là tàu 656, trả hàng tại Đảo Cô Công - Campuchia tiếp tế vũ khí cho bộ đội tình nguyện và lực lượng kháng chiến của nước bạn.

Cố Anh hùng Đỗ Văn Sạn là người có mặt trong rất nhiều chuyến tàu chở vũ khí vào Nam thành công, trong đó có chuyến đi cùng tàu 656 thả hàng tại Đảo Cô Công - Cam-pu-chia, và đây cũng là chuyến thắng lợi cuối cùng của đoàn 125 trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam. Khi ấy ông Sạn là Chính trị viên của tàu. Trong lần gặp gỡ này, ông đã kể rất nhiều chuyện lý thú về những con tàu Không Số trên tuyến đường vận tải quân sự biển Đông, trong đó có câu chuyện ông đã lấy tấm gương nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển ở mặt trận Hàm Rồng để động viên anh em chiến sỹ.

Cố Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Văn Sạn chia sẻ: "Chuyến tàu năm 1972 đi khó khăn lắm, đi đường dài nhất. Đi qua Trường Sa Chúng tôi vào đến nơi đã 3700 hải lý, đi ngược trở lại hơn 7000 hải lý. Tàu 70 tấn hàng nhưng chỉ có 16 người. Tôi lấy tinh thần vác đạn của chị Tuyển để động viên anh em. Chỉ có hào khí cách mạng thì mới thành công".

Năm 1971 - 1972 là giai đoạn vận chuyển đầy gian truân, cực nhọc nhưng hiệu quả thấp. Đây cũng là giai đoạn cán bộ chiến sỹ đoàn 125 đấu tranh gay go, quyết liệt nhất với địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ này, nổi lên tấm gương hi sinh cao đẹp của đồng chí Nguyễn Văn Hiệu - Chính trị viên của tàu 645. Khi tàu 645 vào đến vùng đất cực Nam của Tổ quốc, địch phát hiện ra tàu Bắc Việt, chúng bao vây định bắt sống. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã cho anh em rời tàu bơi vào bờ, một mình điểm hỏa và hi sinh cùng con tàu. Trận chiến đấu của Tàu 645 kết thúc một phương thức, một giai đoạn vận chuyển oanh liệt, vẻ vang của Đoàn 125.

Tính từ tháng 4/1965 đến tháng 4/1972, đoàn tàu không số đã tổ chức 168 chuyến đi (trong đó có 6 chuyến đi trinh sát); vận chuyển vào 19 bến trên địa bàn 9 tỉnh miền Nam, với tổng số 6.105 tấn vũ khí, đã góp phần cùng quân dân miền Nam mở nhiều chiến dịch thắng lợi, đánh bại nhiều âm mưu xảo quyệt của Mỹ - ngụy.

Mỗi chuyến tàu Không Số ra khơi phải đối mặt với muôn vàn gian khó: bão tố nổi lên bất kỳ lúc nào; máy bay, tàu chiến của địch luôn rình rập đe dọa; nếu bị lộ có thể phải sẵn sàng hi sinh cả người và tàu để đảm bảo bí mật về tuyến đường vận chuyển chiến lược trên biển… Bởi vậy, những cán bộ chiến sỹ trên đoàn tàu Không Số phải là những ngư phủ có sức chịu đựng sóng gió tốt, là những nhà hàng hải tài ba, đồng thời, phải là những người dám xả thân vì Tổ quốc, phải mưu lược đối phó với mọi tình huống, hiểm nguy để những chuyến hàng vào Nam luôn luôn đảm bảo an toàn và bí mật.

Cho mãi tới sau này, những nhà chiến lược sừng sỏ nhất của Mỹ vẫn không thể nào lý giải nổi vì nguyên cớ gì, bằng chiến thuật, kỹ thuật gì, và bằng phép nhiệm màu nào mà những con tàu thô sơ bé nhỏ của Bắc Việt có thể vượt qua bão tố, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của một hạm đội hùng mạnh với trang bị kỹ thuật tối tân, hiện đại để tới được các bến bờ miền Nam.

Con đường xuyên Trường Sơn và con đường trên biển Đông là kỳ tích vượt qua cả sự tưởng tượng và trí thông minh của người Mỹ. Và chỉ có người Việt Nam dạ sắt gan vàng, chỉ có quân đội Việt Nam mưu lược dũng cảm, chỉ có lòng yêu nước bất diệt mới sáng tạo ra những con đường kỳ vĩ đến như vậy.

Theo dấu những con tàu không số - Ảnh 15.

Năm 1971 -1972, tình hình trên biển rất căng thẳng, địch tăng cường phong tỏa, ngăn chặn, các chuyến đi của Đoàn 125 đưa vũ khí vào Nam hầu hết phải quay lại. Quân khu 9 chủ động đề nghị Quân ủy TW cho mở một phương thức vận chuyển mới: chở vũ khí trên những con tàu đánh cá hợp pháp.

Tháng 4/1971, Bộ tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ đóng 10 thuyền 2 đáy, phía dưới cất giấu vũ khí, phía trên ngụy trang như thuyền đánh cá, bổ sung những anh em quê miền Nam, chuẩn bị giấy tờ hợp pháp để vào Nam. Sau chuyến đi thí điểm, Quân khu 9 thành lập đoàn vận tải bí mật có mật hiệu S950, sau đổi tên thành đoàn 371, phối hợp với Đoàn 125 tổ chức được 31 chuyến đi trong 2 năm 71-72, vận chuyển được 520 tấn vũ khí vào Khu 9.

Đoàn 125, Đoàn 962 và Đoàn 371 thuộc Quân chủng Hải quân là ba anh em cùng làm chung một nhiệm vụ: kết nối con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Những con tàu không chỉ vận chuyển vũ khí mà còn đưa đón các đồng chí lãnh đạo cấp cao vào Nam, ra Bắc để chỉ đạo kháng chiến. Anh hùng lực lượng vuc trang Nguyễn Sơn vẫn còn nhớ kỷ niệm chuyến đi năm 1973, trên chuyến tàu đưa đ/c Lê Đức Anh ra Bắc mà ông làm thuyền trưởng. Do có một kẻ phản bội đầu hàng nên cơ sở của Đoàn 371 bị triệt phá, địch truy lùng tung tích chiếc tàu chở đồng chí Lê Đức Anh, nhưng tàu đã kịp thời ra Bắc an toàn.

Có một câu chuyện huyền thoại về anh hùng Tư Mao (tên thật là Phan Văn Nhờ), người chỉ huy của đội thuyền đưa đồng chí Lê Đức Anh ra Bắc. Dù thoát vòng vây kẻ thù nhưng do cơ sở ở miền Nam bị lộ, ông không thể trở về hoạt động công khai. Ông đề xuất với tổ chức cho phẫu thuật để cải dạng khuôn mặt. Qua 2 lần phẫu thuật tại Viện 108, ba tháng sau, với gương mặt khác hẳn và cái tên mới, ông theo đường bộ trở lại miền Nam tiếp tục làm nhiệm vụ cách mạng.

Năm 1972, Mỹ sử dụng "ngón bài" cuối cùng trong canh bạc chiến tranh Việt Nam: thả thủy lôi phong tỏa các cửa sông cửa biển với quy mô lớn, tập kích chiến lược bằng máy bay B52 ra miền Bắc. Nhưng với sự chống trả quyết liệt của quân dân ta, Mỹ đã thất bại nặng nề  và phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27/1/1973, Đế quốc Mỹ buộc phải cúi đầu ký Hiệp định Pa ri chấp nhận chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam.

Mặc dù cuốn cờ rút khỏi Việt Nam nhưng Mỹ vẫn ngầm chỉ huy Ngụy quân ngụy quyền ở miền Nam. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy được thời cơ thống nhất nước nhà đang rất gần, với một quyết tâm cao, cả nước dồn sức cho thắng lợi cuối cùng. Hòa chung khí thế của quân và dân cả nước, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 Hải quân tiếp tục đẩy mạnh công tác vận chuyển phục vụ chiến trường. Trong 2 năm 1973 - 1974, Đoàn đã huy động 380 lượt tàu xuất bến, chuyên chở hàng chục ngàn tấn hàng, đưa hơn 2.000 lượt người từ hậu phương ra tiền tuyến, vượt gần 160.000 hải lý với biết bao gian khổ, khó khăn.

Đến năm 1975, Đoàn 125 tiếp tục phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong hai tháng 3 và 4/1975, Đoàn 125 chở được 17.473 cán bộ chiến sỹ, 40 xe tăng, 7.786 tấn vũ khí, nhiên liệu vào miền Nam, góp phần làm nên mùa xuân chiến thắng. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng đảo Trường Sa, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc… góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 3/6/1976, Đoàn 125 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2.

Những bến xuất phát của Tàu Không Số năm xưa, nay đã trở thành những khu du lịch nổi tiếng. Bến Vạn Hoa thuộc huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh là nơi tàu 154 xuất phát vào thời điểm sau khi Bác Hồ mất, lúc đó quân dân ta không khỏi nảy sinh tâm trạng lo lắng về con đường đấu tranh cách mạng trước mắt. Tuy nhiên, tàu 154 thực hiện chuyến đi thành công đã góp phần củng cố tinh thần cán bộ chiến sỹ tàu Không Số, tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng miền Nam, giữ vững niềm tin về ngày thống nhất đất nước. 

Ẩn giấu trong lòng những hòn đảo nằm rải rác trên Vịnh Hạ Long là những hang động tự nhiên với vẻ đẹp kỳ thú. Ngày nay, hệ thống hang động này đang được khai thác để phục vụ du lịch, nhưng có lẽ ít người biết rằng đây chính là những kho tàng bí mật cất giấu vũ khí để những con tàu Không Số vận chuyển vào Nam.

Ông Tô Hải Nam - Nguyên Tổng Biên tập báo Hải Quân cho biết: "Trên Vịnh Hạ Long, các hòn đảo là nơi giấu vũ khí của các con tàu Không số: hang Đầu Gỗ và hang Bồ Nâu. Nhân dân biết các nhiệm vụ và nơi chở vũ khí nhưng có tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn giữ bí mật, thực hiện không nói không biết".

Sau hàng chục năm trở lại thăm những vùng đất ghi dấu kỷ niệm thời chiến tranh, những cựu chiến binh Tàu Không Số không khỏi bồi hồi xúc động. Giờ đây non sông đã liền một dải, không còn phải lênh đênh trên sóng nước, trên chuyến xe họ có một cuộc hành trình thông suốt từ Bắc vào Nam…

Đến đâu, cũng có những cuộc gặp gỡ ân tình với đồng đội. Mừng rỡ, cảm động… Kỷ niệm về những năm tháng đồng cam cộng khổ trong bão tố, đạn bom ùa về. Tình đồng chí đồng đội vẫn sắt son bền chặt…

Đến đâu, cũng có những cuộc tiếp đón trọng thị của "lớp cha trước lớp con sau"... Những kỷ vật trao tay, tình cảm Bắc - Nam một nhà thêm đậm đà, ấm cúng…

Trong chuyến đi trở lại chiến trường xưa, những cựu chiến binh Tàu Không Số đã ghé thăm hầu hết những Khu di tích Tàu Không Số ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Địa điểm đặt chân đầu tiên là Bến Vũng Rô thuộc tỉnh Phú Yên. Nơi đây, đã có 4 chuyến tàu không số vào cập bến, 3 chuyến trả hàng an toàn nhưng một chuyến bị địch phát hiện phải hi sinh. Dù ta chịu tổn thất nặng nề nhưng "Sự kiện Vũng Rô" đã khiến địch vô cùng hoang mang lo sợ trước con đường vận tải quân sự chiến lược trên biển Đông của "cộng sản Bắc Việt" mà chúng rất khó lần ra dấu vết. Có những con người đã mãi mãi nằm lại nơi đây, góp phần dệt nên màu xanh của non nước biển trời Phú Yên…

Trên đỉnh núi Nhạn – nơi cao nhất của Thành phố Phú Yên, hằng đêm vẫn bừng lên quầng sáng linh thiêng. Đây là Nhà tưởng niệm liệt sỹ - nơi an nghỉ của những hương hồn đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc còn nằm lại trên mảnh đất Phú Yên. Trong số những liệt sỹ ghi danh trên những bia đá này, có những cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số, có những người con của xứ Thanh…

Trải qua đạn bom, Tháp Nhạn – một di tích lịch sử văn hóa của Phú Yên vẫn mãi trường tồn cùng năm tháng… Những tối cuối tuần, các nghệ sỹ phục vụ khách du lịch đến Phú Yên bằng những điệu múa mang đậm cốt cách văn hóa Chăm. Nhưng hôm nay, thật bất ngờ, khi biết trong số những khán giả có Đoàn cựu chiến binh Tàu Không Số, các nghệ sỹ đã trân trọng gửi tặng các bác bài ca cách mạng "Vũng Rô huyền thoại Tàu Không Số".

Rời Khu di tích tàu Không Số Vũng Rô, các Cựu chiến binh tiếp tục đến thăm Khu di tích Hòn Hèo thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chính tại nơi đây, Tàu 235 đã chiến đấu với 7 tàu chiến và 2 liên đoàn biệt động Mỹ - Ngụy, vẫn thả hàng an toàn và kịp thời hủy tàu. Mười bốn liệt sỹ đã nằm lại nơi đây. Cựu chiến binh Lê Duy Mai - Máy trưởng của Tàu 235 là người may mắn sống sót trong trận chiến đấu ấy. Trở về với nén hương thơm, ông không khỏi nghẹn ngào vì thương nhớ những đồng đội đã khuất…

Bến Tre trung dũng kiên cường, cái nôi của phong trào Đồng Khởi những năm 60 - 61, cũng là vùng đất gánh chịu nhiều đau thương mất mát. Các Cựu chiến binh Tàu Không Số đã tới viếng phần mộ tập thể của gia đình Anh hùng lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Đức ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Đầu năm 1964, trong khi ông Đức thực hiện nhiệm vụ đưa những con tàu chở vũ khí vào Nam, thì ở quê nhà, địch "đánh hơi" có Tàu Bắc Việt xâm nhập nên đã mở một trận càn đẫm máu kéo dài 21 ngày. Chúng ném bom napal thiêu cháy 19 người trong đó có 2 phụ nữ đang mang thai, tổng số là 21 sinh linh bị thiệt mạng. Gia đình ông Đức có tới 7 người chết trong trận đó, gồm mẹ, hai em, hai cháu, chị gái và bào thai trong bụng chị...

Những cơn mưa của vùng đất phương Nam cứ chợt đến, chợt đi… dường như càng gợi thêm nhiều kỷ niệm trong tâm tư cựu chiến binh Vũ Trung Tính. Ông nhớ cái cửa lạch mang tên Gành Hào, nơi tàu 154 mạo hiểm vào giữa ban ngày mà vẫn trả hàng và thoát ra an toàn. Ông nhớ những người con gái Nam Bộ nết na, hiền dịu mà vô cùng kiên cường, dũng cảm ở miền rừng đước Cà Mau. Và lần này thì ông đã có dịp gặp lại "cô gái" Trần Kim Khuông, thường gọi là Năm Khuông, một nữ y tá đã từng chăm sóc ông và đồng đội mỗi lúc tàu vào bến Vàm Vũng.

Tại nhà vợ chồng bà Năm Khuông - ông Ba Hùng, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Cà Mau, hàng chục năm sau chiến tranh, những cựu chiến binh này mới có dịp gặp nhau để hàn huyên chuyện chiến đấu, hỏi thăm chuyện gia đình, cuộc sống… Mừng lắm, vì họ không chỉ được sống và trở về sau cuộc chiến, mà giờ đây họ vẫn có đủ sức khỏe, sự minh mẫn để còn có thể  trở lại thăm nhau.

Trong khi những chàng lính hải quân của Đoàn 125 và đoàn 962  năm xưa quây quần bên  nhau trong niềm vui hội ngộ, thì "cô gái Vàm Lũng" Nguyễn Thị Danh mang bí danh Tuyết Hồng chọn một góc riêng để tiếp khách, chia sẻ những câu chuyện thời kháng chiến. Bà Tuyết Hồng tham gia Đoàn 962 từ năm 1963, lúc mới chỉ 19 tuổi. Bà đảm nhiệm việc may quân phục cho bộ đội, sau đó làm y tá. Bà đã gặp gỡ và nên duyên chồng vợ với một chiến sỹ Tàu Không Số - ông Nguyễn Văn Sỹ. Người lênh đênh trên biển cả, người chờ đợi nơi bến bờ, suốt những năm tháng tuổi trẻ, ông bà đã cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm nên tuyến đường huyền thoại trên biển Đông.

Từ những năm tháng gắn bó với Đoàn Tàu Không Số, tuy mỗi người một quê hương, nhưng các cán bộ chiến sỹ đã coi nhau như anh em ruột thịt, sống chết có nhau, và thậm chí những lúc cần có thể nhường nhau cả sự sống.

Cựu chiến binh  Nguyễn Đình Sin, Thành phố Vinh, Nghệ An bồi hồi xúc động kể lại: "Qua những năm tháng ở đơn vị, không đơn giản có 50 ngàn tấn vũ khí và hàng ngàn ngàn lượt người được chi viện cho chiến trường. Chuyển thành công được số hàng và vũ khí như vậy phải trải qua rất gian khổ và hy sinh. Phải nói công lớn chung của toàn đơn vị, trong đó người Thanh Hóa chiếm phần đa."

Những năm tháng kháng chiến hầu hết là lênh đênh trên biển, nay trở lại miền Nam bằng con đường bộ, đến thăm những vùng đất từng chìm đắm trong máu lửa chiến tranh, những cựu chiến binh Tàu Không Số càng thấm thía nỗi đớn đau mà đồng bào miền Nam phải chịu đựng. Điều đó cho thấy việc mở con đường chở vũ khí vào Nam là vô cùng cần thiết trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; và những chuyến Tàu Không Số đã giúp cán bộ đồng bào miền Nam bớt đổ máu, để ngày chiến thắng tới gần hơn. 

Báo chí trong và ngoài nước, những chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự ở cả hai phía cũng như những tướng lĩnh quân đội, nguyên thủ quốc gia đều khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Đường Hồ Chí Minh trên biển trong chiến tranh chống Mỹ. 

Đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Chỉ với phương tiện thô sơ, lòng dũng cảm tình nguyện hi sinh cùng sự khôn khéo, linh hoạt, những chiến sỹ "đoàn tàu Không Số" đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của dân tộc ta.

Đánh giá về sự vĩ đại của con đường, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã khẳng định: "Năm tháng sẽ qua đi, những chiến công anh hùng và sự hi sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông của những con tàu "Không số", của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại , sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh. Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển".

Ông Tô Hải Nam – Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải quân Việt Nam đánh giá: "Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, con đường vận chuyển đạt hiệu quả rất cao. Trên đường Trường Sơn, đeo ba lô không được nhiều. Nhưng nếu đi tàu biển sẽ được 30 -100 tấn, đến được những bến bãi rất xa cách mạng miền Nam đang cần. 14 năm đã vận chuyển trên 15 vạn tấn vũ khí đạn dược, trên 8 vạn lượt cán bộ chiến sỹ, trong đó chở nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ  miền Bắc vào miền Nam để chỉ đạo cách mạng miền Nam, từ Nam ra Bắc để nhận nhiệm. Đây là kỳ tích, sự sáng tạo của nền văn hóa quân sự Việt Nam".

Gần nửa thế kỷ kể từ mùa xuân giải phóng 1975.

Những cựu chiến binh không nằm trong đoàn quân tiến về Sài Gòn năm ấy. Nhưng để có được giây phút thiêng liêng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thì ngoài biển khơi, họ - những chiến binh ngư phủ cùng những con tàu Không Số, cũng chiến đấu không kém phần oanh liệt. Biết bao máu xương đã đổ xuống trên đất liền, biển cả để đổi lấy độc lập tự do. 

Ngày nay, đất nước trong thời đổi mới và hội nhập, từ Bắc tới Nam đều có những bến cảng rộng lớn, những con tàu hiện đại, ra khơi vào lộng thênh thang. Quân chủng Hải quân ngày càng phát triển hùng mạnh cả về lực lượng và vũ khí khí tài. Nhớ lại thời chiến tranh, những bến cảng ẩn trong rừng đước rừng dừa, những con tàu thô sơ nhỏ bé luôn lách trong bão tố và sự rình rập của kẻ thù, vậy mà những cán bộ chiến sỹ hải quân vẫn vượt qua hàng ngàn hải lý đưa vũ khí vào Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao phó.

Trên hành trình từ Bắc vào Nam, đến mỗi tỉnh thành, những cán bộ chiến sỹ Tàu Không Số đều thành kính dâng hương ở những Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải bao gian lao, họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trên con đường biển Đông mang tên Bác. Những người lính hải quân vẫn ghi nhớ lời Bác dạy: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường có một không hai trên thế giới, chỉ xuất hiện trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cùng với những con đường trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa dân tộc ta đến mùa xuân toàn thắng. Huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của nhân dân ta, của Quân đội và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả: Mai Hương - Tiến Dũng - Xuân Sơn - Lê Quang
Trình bày: Linh Phượng

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận