Thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3% trở lên trong năm 2025, ngay từ đầu năm các địa phương và ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm có lợi thế. Mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Giảm dần các cây trồng truyền thống, thay thế các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao... Đó là những giải pháp mà huyện Hoằng Hóa đã và đang triển khai để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giá trị sản xuất đạt 220 triệu đồng/ 1 ha trở lên trong năm nay.

Ông Lê Bá Duy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện đã tập trung kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp sản xuất hàng hóa… gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm".
Năm 2025, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản 3% trở lên, sản lượng lương thực giữ mức ổn định 1,5 triệu tấn...
Trên cơ sở định hướng của ngành, các địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút thêm các doanh nghiệp vào chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, việc ngay từ đầu năm, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản đi vào hòat động, sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Vòng Ân Hiển, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Will, tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: "Năm nay là năm đầu tiên công ty về phát triển cây cà rốt ở Thanh Hóa, được cơ quan địa phương tạo điều kiện thuận lợi. Vụ tới công ty sẽ mở rộng ở Hậu lộc, Hoằng Hóa 60-70 ha".
Cùng với thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh để tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đặt mục tiêu trong năm 2025, tích tụ tập trung thêm hơn 4.300 ha đất nông nghiệp, lũy kế giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa sẽ có trên 33.800 ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Đây cũng là điều kiện quan trọng thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hoạt động chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Thay vì sản xuất những gì mình có chuyển sang sản xuất thị trường cần, đầu vào ít đi để đạt giá trị cao hơn. Quan tâm sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tuần hoàn, hữu cơ, tạo sản phẩm có giá trị hướng tới xuất khẩu".
Năm 2025, nông nghiệp Thanh Hóa tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng đạt 4,17% trong năm 2024, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất từ trước đến nay cùng với những chính sách hỗ trợ hợp lý, sự nỗ lực của người nông dân và sự đồng hành của doanh nghiệp thực sự là động lực để ngành nông nghiệp Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025.

Thường Xuân có 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chương trình OCOP cho các đơn vị, chủ thể sản xuất; tổ chức cho các chủ thể đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Nạo vét, khơi thông kênh thủy lợi mùa khô đạt 107,7%
Tính đến đầu tháng 4 năm 2025, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thanh Hóa đã nạo vét hơn 1,3 triệu m3 kênh mương, đạt 107,7% kế hoạch. Trong đó, khối lượng nạo vét kênh liên huyện, liên xã là 447.000 m3; kênh nội đồng là 858.000 m3.

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 5,1%
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, quý 1 năm 2025, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 86,14 triệu USD, tăng hơn 5,1% so với cùng kỳ.

Hơn 102.580 tỷ đồng phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới
Tính đến đầu tháng 4 năm 2025, dư nợ tín dụng phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 102.580 tỷ đồng với gần 462.440 khách hàng còn dư nợ.

Khẩn trương giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng
Cục Thuế vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các chi cục thuế khẩn trương giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Bí quyết đầu tư và kinh doanh trong kỷ nguyên mới
Chiều ngày 15/4, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Thanh Hoá đã phối hợp với Tập đoàn Cen Group, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức diễn đàn doanh nhân số đặc biệt với chủ đề “Bí quyết đầu tư và Kinh doanh trong kỷ nguyên mới”.

Sacombank khánh thành trụ sở mới Phòng giao dịch Hoằng Hóa
Sáng ngày 15/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – Chi nhánh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ khánh thành trụ sở mới Phòng giao dịch Hoằng Hóa tại địa chỉ Phố Trung Sơn, Tỉnh lộ 510, Thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa.

Xây dựng công trình trên đất lúa không quá 0,1% diện tích và tối đa 500m2
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định quy định về diện tích, vị trí và mục đích sử dụng của công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2025.

Gần 80% phương tiện thủy nội địa hết hạn đăng kiểm
Để đảm bảo trật tự giao thông đường thủy, lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý phương tiện thủy nội địa không có đăng ký, đăng kiểm, quá hạn kiểm định... Tuy nhiên, hiện nay Thanh Hóa vẫn còn gần 80% phương tiện thủy nội địa không có đăng kiểm, hoặc đã quá hạn kiểm định.

Đánh giá diễn biến triều - mặn phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2025
Mùa khô năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tích cực chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai điều tra triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Qua đó đánh giá diễn biến triều - mặn, bổ sung chuỗi số liệu để dự báo xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.