Longform
img


Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 2.

Trong 2 năm 2021, 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, và mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, du lịch Thanh Hóa vẫn đạt những kết quả khả quan. Thanh Hóa đã đón 14,46 triệu lượt khách du lịch, bằng 22,7% mục tiêu giai đoạn 2021-2025; trong đó khách quốc tế đạt hơn 266 nghìn lượt. Tổng thu du lịch đạt 25.066 tỷ đồng, bằng 17,5% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025; thu từ khách du lịch quốc tế đạt 76,4 triệu USD. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch được nâng lên; toàn tỉnh hiện có 47.500 lao động trong lĩnh vực du lịch, bằng 76,6% mục tiêu đến năm 2025

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được tăng cường; Thanh Hóa hiện có 55 quy hoạch các khu, điểm du lịch, trong đó: có 45 quy hoạch đã được phê duyệt; 10 quy hoạch đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch được đẩy mạnh; toàn tỉnh hiện có 80 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng du lịch đang triển khai, tổng vốn đầu tư đăng ký 145.500 tỷ đồng;  hơn 1.000 khách sạn, nhà nghỉ; 350 căn hộ, biệt thự du lịch; 192 homestay….

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 3.

Năm 2020, ngành du lịch lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19. Các chỉ tiêu của "Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020" đều không đạt. Cụ thể, chỉ tiêu về lượt khách và tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2020 lần lượt giảm 8,9% và 16,8%.

Ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Du lịch Thanh Hoá đã bật dậy mạnh mẽ, chào đón lượng khách du lịch đạt kỷ lục với trên 11 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch và tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Bên cạnh thuận lợi do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt sau quý 1 năm 2022 và những nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này, việc tổ chức hơn 50 sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được xem là một trong những yếu tố khiến Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam năm 2022.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch – Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Chỉ tính riêng thành phố biển Sầm Sơn, năm 2022 thành phố đã đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 14.134 tỷ đồng, bằng 182 % kế hoạch. Với mục tiêu tận dụng tốt nhất cơ hội phục hồi và phát triển, Sầm Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch để trở thành "thành phố của lễ hội", nhằm tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài tỉnh với hơn 20 sự kiện văn hoá, thể thao. Đồng thời, Sầm Sơn cũng đã triển khai nhiều giải pháp về chính sách và đầu tư để thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 5.

Bên cạnh sức hút của các khu du lịch biển, các khu, điểm du lịch khác của Thanh Hoá cũng có đà phục hồi mạnh mẽ, với sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượt khách, số ngày phục vụ khách và doanh thu từ dịch vụ du lịch. Điển hình như: khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón được 380.000 lượt khách; Thành nhà Hồ đón được gần 200.000 lượt khách; Các bản làng du lịch Cộng đồng Pù Luông đón gần 100.000 lượt khách… Lượng khách đến các khu, điểm du lịch này trong năm 2022 đều cao gấp 6 – 9 lần so với năm 2021. 

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 6.

 

Để du lịch Thanh Hóa có được kết quả nổi bật trong suốt 2 năm qua, trước tiên đó là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thanh Hóa, sự vào cuộc tích cực trách nhiệm của các địa phương trong tỉnh sự nỗ lực của toàn ngành du lịch. Từ Nghị quyết của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, hầu hết các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đều có các Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Do vậy  ngay sau khi mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai đón và phục vụ khách theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".

Sau sự kiện mở đầu là lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa, năm 2022, Thanh Hóa đã tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quy mô lớn. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh và đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đưa ra các chính sách kích cầu nhằm thu hút du khách đến với Thanh Hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp du lịch, vận tải hành khách lớn trong nước và quốc tế. 

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 7.

Đặc biệt, Thanh Hoá tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch, nhất là các khu vui chơi giải trí quy mô lớn, tổ hợp nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế đêm, tiêu biểu như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Dự án Flamingo Linh Trường Khu B, (Hoằng Hóa)…


Ông Nguyễn Văn Thi - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá

Năm 2023 - được xem là năm bản lề thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Ngành Du lịch Thanh Hóa và các địa phương đều nỗ lực nhận diện đúng những thuận lợi, khó khăn, chủ động có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để du lịch đạt được những muc tiêu đề ra cho cả giai đoạn.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 9.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2022 vẫn có những hạn chế chưa được khắc phục. Tăng trưởng du lịch vẫn dựa nhiều vào sản phẩm thế mạnh là du lịch biển, và du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng chưa khắc phục được tính mùa vụ. Cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch có chuyển biến nhưng chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường và mục tiêu phát triển. Tốc độ tăng tổng lượt khách cao hơn so với tăng doanh thu từ dịch vụ du lịch. Nguyên nhân là vẫn chưa có các sản phẩm, dịch vụ kéo dài thời gian lưu trú của khách và tăng chi tiêu cho du lịch. Chưa có các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, khả năng cạnh tranh cao, nhằm đáp ứng thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 10.

Với những tiềm năng lợi thế về tự nhiên, di sản văn hóa, với khát vọng và quyết tâm vươn lên, nhận thức rõ những hạn chế, yếu kém của mình, đây sẽ là những yếu tố quan trọng để Du lịch Thanh Hóa có linh hoạt, sáng tạo, có giải pháp hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 11.

 

Mai Phương
Sỹ Thảo
Công Huân
Minh Hương
Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày 6.4.2023



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận