Truyện ngắn "Chiếc khăn rằn'' | Vũ Duy Hòa | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn thưởng thức truyện ngắn “Chiếc khăn rằn” của tác giả Vũ Duy Hòa qua giọng đọc của An Thư.
Đã thật lâu rồi, ông Cung không trở lại thủ phủ Miền Tây. Lần này đi họp tổng kết, kỷ niệm cứ ùa về dồn dập trên suốt chặng đường xa. Ông Cung dự định sau khi họp xong sẽ ở lại mấy ngày tìm về chiến trường xưa.
Trong giờ giải lao, ông Cung đang trò chuyện với các đại biểu tại hành lang thì một cô phóng viên trẻ đến chào ông:
- Con chào chú. Con xin tự giới thiệu con là phóng viên, chú làm ơn cho con xin bài viết mà chú vừa phát biểu được không ạ?
Ông Cung hỏi:
- Cháu là phóng viên của báo nào?
- Dạ, thưa chú, con ở Báo Thanh Niên ạ.
- Thế à. Quê cháu ở đâu?
- Dạ, con ở Lai Vung ạ.
- Lai Vung? Cháu ở huyện nào?- Ông Cung hỏi lại.
- Dạ, gia đình con ở Tràm Cây ạ.
- Tràm cây? Cháu ở xã nào?- Ông Cung lại hỏi.
- Dạ, con ở Vũng Liêm.
- Vũng Liêm?- Ông Cung như muốn hỏi thêm nhưng đã đến giờ vào họp nên ông Cung hẹn cô phóng viên vào buổi tối.
Sau khi ăn tối xong, ông Cung tìm đến phòng ở của cô phóng viên tên là Nam. Nam kể:
- Từ bé ở với má, con đã thấy má một mình nuôi con trong căn nhà lá nhỏ ven kênh rồi. Con có hỏi ba và ông bà đâu thì má nói đã mất hết rồi. Khi đó còn bé nên con cũng chỉ biết vậy. Sau này con vào đại học rồi đi làm má mới cho con hay là má vẫn chờ ba ngoài Miền Bắc. Những hôm mưa gió, má nhớ ba nên thủ thỉ kể cho con nghe về chuyện của ba. Má kể rằng, ngày chiến tranh, ba bị thương chém vè dưới kênh, má chèo xuồng đi tiếp tế cho giải phóng bắt gặp nên đưa ba về cứu chữa. Khi lành vết thương, má đưa ba trở về đơn vị. Từ đó má bặt tin ba cho đến nay luôn, nhưng má vẫn tin là ba còn sống và thế nào cũng đến tìm má...
Nghe Nam kể, ông Cung thấy lạnh hết sống lưng, một cảm giác khó tả trào dâng:
- Vậy má cháu có nói tên ba cháu là gì không?- Ông Cung hỏi.
- Không ạ. Mà con cũng đâu có hỏi - Nam đáp.
- Thế, má có cho cháu hay quê của ba cháu ở đâu không?
Suy nghĩ một lúc, Nam đáp:
- Má có nói là...À - Nam reo lên - Nam Hà, đúng rồi, vì má đặt tên con là Nam để nhớ quê của ba mà?
- Sao lại thế...- Ông Cung nói như hỏi chính mình rồi hỏi tiếp:
- Vậy cháu sinh năm nào? Bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, con sinh năm tám mươi. Nghe má nói là má ruột con sanh con ra thì bị bệnh qua đời nên má Thắm nuôi con luôn.
- Đúng thế sao?- Ông Cung thốt lên rồi vội đứng dậy để giấu đôi mắt đang ngân ngấn nước chỉ chực trào ra.
Sau hội nghị, ông Cung gặp lại cô gái để trao đổi số điện thoại. Nam nói:
- Nếu có dịp mời chú xuống quê con nghen, con sẽ đãi chú món cá nướng thật tuyệt đó.
Ông Cung gật gật đầu tỏ ý nhận lời và dặn Nam giữ liên lạc với ông.
Sau khi kết thúc hội nghị, ông Cung lặng lẽ tìm xuống Vũng Liêm, nơi ông đã từng chiến đấu, đã từng bị thương, đã từng được bà con địa phương cứu sống...Những ký ức mới như ngày nào còn hiện hữu ngay trước mắt.
Khi nhận được tín hiệu rút khỏi Vũng Liêm, không may ông Cung bị trúng đạn, một viên đạn AR15 găm thẳng vào bắp chân làm máu chảy lênh láng. Phía trước là tàu tuần tiễu, phía sau là những tốp lính ngụy đang thi nhau lùng sục và nhả đạn, không còn cách nào khác, ông Cung phải chém vè xuống dòng kênh lạnh ngắt rồi tấp vào đám lục bình lớn, nhiều tán lá đã gãy nát do đạn bắn. Không biết ông ngâm mình dưới nước bao nhiêu lâu rồi cố lết vào ven bờ trước khi ngất đi. Tỉnh lại, ông Cung thấy mình đang nằm trong căn nhà lá, một bà má ngồi kế bên:
- Tỉnh rồi hả con. Trời đất, làm mọi cách mới lấy được đầu đạn ra, chỉ sợ con hổng chịu nổi.
Ông Cung thều thào:
- Cám ơn má. Đây là đâu vậy má?
- Đây là nhà má nè. Con cứ bình tâm ở đây, để con Thắm đi hái thuốc về rồi má đắp cho, chỉ năm bảy bữa gì là khỏi liền hà.
Vài hôm sau, ông Cung mới biết chuyện má con Thắm đã cứu sống mình. Cô Thắm thủ thỉ kể lại;
- Em đang chèo xuồng đi bắt mối với cơ sở bỗng phát hiện thấy xác người bên mép kênh. Em lại gần thì nhận ra quân của mình dính đạn trong trận đánh hồi hôm, vậy là em đưa anh về đây. Lúc đó, em không tin là anh còn sống vì vết thương quá nặng, mất rất nhiều máu mà anh lại dầm nước rất lâu rồi...;
Nghe cô Thắm kể, ông Cung thấy mình thật may mắn đã bước qua lưỡi hái của thần chết trong gang tấc. Ông nắm chặt tay cô Thắm thể hiện lòng biết ơn vô bờ mà muốn khóc.
- Hổng có chi anh, tụi em có nhiệm vụ lo cho các anh chủ lực mà; anh đừng buồn, chỉ ít hôm anh sẽ khỏe trở lại thôi...
Được mẹ con cô Thắm lo thuốc thang và động viên, vết thương của ông Cung đã bắt đầu lành miệng, sức khỏe cũng dần được phục hồi. Ông Cung nhờ Thắm tìm cách liên lạc qua cơ sở để trở về đơn vị chiến đấu.
Một đêm, bất chợt hai bên bờ kênh đạn nổ đỏ trời, tiếng máy tàu tuần tiễu xé nước ào ạt. Ông Cung vội choàng tỉnh dậy thì một làn đạn rèn rẹt xuyên qua mái nhà, căn nhà lá bốc cháy đùng đùng. Cô Thắm vội vã ào vô kéo ông Cung xuống xuồng chèo vội sang bờ bên kia để tránh pháo giặc. Khi đã ngớt tiếng súng, cô đưa ông trở lại. Nhưng cả hai người đứng chết lặng trước đống tro tàn mà vừa đây là nơi trú ngụ của ba người nhưng không thấy má của Thắm đâu. Hai người ra sức tìm kiếm nhưng cả ông Cung và Thắm đã không cầm được nước mắt trước cảnh đau lòng, khi lửa cháy má Thắm đã cố chạy ra khỏi nhà để nép xuống bờ kênh, nhưng không may một viên đạn đã găm vào ngực má, má ngã vật xuống, trên tay còn cầm chiếc khăn rằn.
Đêm về khuya, tiếng súng thưa dần rồi tắt hẳn, chỉ còn lại những đám cháy rải rác khắp bờ kênh. Ông Cung và Thắm lặng lẽ chôn cất má Thắm, nước mắt Thắm ướt đầm gò má còn nhem nhuốc khói bụi. Ông Cung thắp nhang rồi chắp tay cầu khấn. Thỉnh thoảng phía chân trời những ánh chớp lóe lên soi rõ bóng hai người trên bờ kênh bên ngôi mộ lạnh lẽo của người quá cố.
- Thắm à, không may má mất rồi, em cùng anh tìm về đơn vị với anh nghe. Ông Cung bàn với Thắm.
Nghe xong, một hồi, Thắm mới trả lời:
- Em cũng muốn vậy, nhưng kẹt là còn cơ sở anh à. Thôi, anh cứ tìm về đơn vị đi, khi nào có dịp lại về đây nghen.
- Anh chỉ sợ một thân một mình em ở đây liệu có ổn không?- Ông Cung tỏ ra lo lắng.
Thắm đáp:
- Hổng sao đâu anh. Tụi em hoạt động quen rồi mà. Với lại ở đây vốn là địa bàn của em. Anh cứ yên tâm.
Thấy Thắm tự tin, ông Cung cũng đỡ lo. Ít ngày sau, qua bắt mối, ông Cung trở về đơn vị chủ lực.
Không biết nói gì để cảm ơn hai mẹ con Thắm đã cứu sống và cưu mang mình, ông Cung ôm chặt Thắm vào lòng:
- Giải phóng rồi, anh sẽ trở lại với em.
- Thiệt không anh?- Cô Thắm hỏi trong nước mắt.
- Nhất định mà, nhất định anh trở lại.
- Nhất định nghe anh, em sẽ chờ...
Tiếng Thắm thảng thốt trong màn đêm bên bờ kênh buổi tiễn ông Cung trở về đơn vị như lời ước hẹn thật thiết tha. Cô nhè nhẹ choàng chiếc khăn rằn - Kỷ vật của má - lên vai ông Cung, ông nghe rõ những nhịp đập thổn thức từ lồng ngực của cô.
Rồi đến buổi chia tay, khi chiếc xuồng đã nổ máy lao đi, ông Cung vẫn thấy Thắm đứng trên bờ kênh dõi theo, giơ tay vẫy vẫy, mái tóc dài bay bay trong gió chiều man mác.
Những thước phim ký ức cứ lần lượt hiện lên làm ông Cung bước đến đầu con kênh lúc nào không hay. Ôi chao, đây rồi, bờ kênh năm nào đã chứng kiến bao cuộc đọ súng quyết liệt giữa quân giải phóng và Mỹ - Ngụy. Nơi máu xương đồng đội ông đã nhuộm đỏ dòng kênh, nơi bà con cô bác đã che chở đùm bọc cho bộ đội trong những ngày gian khổ, ác liệt và nơi ông vượt qua tử thần bởi tình thương bao la của hai mẹ con cô Thắm để ra đi với lời hẹn trở về..; Ấy vậy mà mấy chục năm trôi qua, chưa một lần ông trở lại. Kia rồi, mái nhà lá ngày xưa nay đã được thay bằng những tấm tôn và ông khựng lại khi thấy một phụ nữ bước ra từ căn nhà. Đúng rồi, đúng là Thắm rồi, không thể là ai khác. Vẫn mái tóc dài ấy, vẫn dáng đi thon thả dù tuổi tác đã làm cho bước chân cô nặng nề đôi chút. Trời ơi, mình thật là có tội - Ông Cung thầm kêu lên - mình còn có thể gặp được cô ấy nữa hay sao? Thà rằng cô ấy không biết tin của mình còn hơn sự thật phũ phàng phơi bày trước mắt; liệu cô ấy có tha thứ cho mình không? Đứng lại thật lâu để tự thanh minh, tự trách móc, tự cật vấn, tự dày vò nhưng ông vẫn không đủ can đảm bước đến căn nhà trước mặt, dù chỉ còn rất gần. " Thắm ơi! Em tha tội cho anh", ông Cung lầm rầm một mình rồi ngân ngấn nước mắt quay đi trở về thành phố, trong tay nắm chặt chiếc khăn rằn đã bạc màu.
Ngày ấy, sau khi chia tay Thắm, ông Cung tiếp tục trở về đơn vị để chiến đấu và bị thương vài lần nữa. Trong một trận đọ súng quyết liệt với hải đoàn của ngụy, do bị thương quá nặng, ông được chuyển ra tuyến sau rồi trở về Miền Bắc an dưỡng sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong những ngày ở trại an dưỡng, không lúc nào ông Cung không nhớ đến Thắm, nhưng không có địa chỉ cụ thể để liên lạc. Ông Cung cũng nhờ Đoàn an dưỡng để gửi thư vào Vũng Liêm nhưng không có hồi âm. Có những đêm, một mình ông thơ thẩn ra bờ sông ngồi nhớ Vũng Liêm. Ông cố hình dung xem sau giải phóng, Thắm làm gì, ở đâu và bồi hồi mân mê chiếc chiếc khăn rằn cũ như níu giữ những kỷ niệm luôn đau đáu trong lòng.
Hết đợt an dưỡng, vết thương cũng tạm lành, ông Cung xin về quê. Thấy ông trở về, gia đình ông mừng rơn, anh em kéo đến chúc mừng đầy nhà.
- Thế là trời có mắt. Hồng phúc họ này còn lớn lắm. Có thằng cháu đích tôn còn sống trở về là tốt lắm rồi, cô chú lo vợ cho nó ngay thôi.- Ông bác trưởng họ bỗ bã nói.
Mẹ ông Cung cũng vui ra mặt:
- Dạ, bác dạy phải. Vợ chồng tôi hiếm hoi chỉ có một cậu con trai nên cũng phải lo gia thất cho nó sớm đấy ạ.
Ông Cung thưa với gia đình:
- Bố mẹ cho con thư thư để xem có việc gì xin đi làm đã rồi hẵng lo chuyện vợ con ạ.
Bố ông Cung tuyên bố chắc nịch:
- Không sao, việc làm anh cứ lo, còn lấy vợ cứ lấy, có sao đâu.
Thế rồi, cả nhà, cả họ xúm vào lo việc hỏi vợ cho ông Cung. Họ coi đó là việc nối dõi tông đường, là việc của gia tộc chứ không phải riêng của ông. Cô Tình ở xóm trên là người nết na, khỏe mạnh, có tiếng đảm đang đang bán hàng tại hợp tác xã mua bán của xã, gia đình thuộc loại khấm khá trong làng, được mọi người lựa chọn làm vợ ông Cung, không cần hỏi xem ông có đồng ý hay không. Tiến thoái lưỡng nan, ông Cung đành âm thầm vận động cô Tình:
- Cùng làng với nhau, tôi và Tình không lạ gì nhau. Thật tình tôi cũng rất quý Tình, nhưng Tình biết đấy, tôi là thương binh nặng, chưa có nghề ngỗng gì, nếu xây dựng gia đình với tôi chắc Tình sẽ không hạnh phúc đâu...
Nghe ông Cung nói thế, cô Tình chỉ biết đỏ mặt ấp úng:
- Em thì...
Nhưng việc vận động của ông Cung không thành. Họ hàng hai bên vẫn khẩn trương tiến hành hôn lễ cho hai người theo đúng thủ tục, lễ nghi của làng. Đám cưới được Chi đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xúm vào góp vui thật rôm rả. Chỉ có ông Cung cả đêm mất ngủ. Mặc cho Tình e ấp chờ đợi, đêm tân hôn ông Cung lặng lẽ nhớ về Vũng Liêm, nhớ bờ kênh cháy xém vì bom đạn, nơi có một người con gái đã hẹn ông trở lại. Ông thẫn thờ gấp chiếc khăn rằn vào đáy ba lô rồi cất kín vào góc tủ.
Thế rồi năm tháng trôi qua, ông Cung thi đậu đại học, ra trường công tác. Những năm tháng bao cấp vất vả đeo đẳng cùng những vết thương thời chiến tranh để lại trên thân thể buộc ông phải gồng mình vượt qua để hoàn nhiệm vụ được giao đồng thời làm tròn bổn phận người con, người chồng, người cha trong gia đình. Mỗi khi gian nan ông lại nhớ đến má con Thắm kèm theo là nỗi buồn vô tận không thể nói ra. Ông mang theo chiếc khăn rằn bên mình như là nỗi nhớ, như là kỷ vật, như là một bí mật sâu thẳm của cuộc đời ông.
***
Vào buổi chiều, bên bờ kênh Vũng Liêm, một người đàn ông tóc bạc thơ thẩn đi tìm.
- Ông à, ông cho hỏi thăm, cô Thắm có còn ở đây không?
- Thắm nào hè? Phải hai Thắm không?
- Dạ, đúng ạ, cô Thắm có bà má hy sinh bên bờ kênh này hồi chiến tranh.
- Ừa, đúng rồi. Vậy ông là sao với cô ấy?
- Dạ, tôi là người quen.
- Vậy hả, cô ấy đi khỏi lâu rồi, nghe nói lên Sài Gòn ở với con gái rồi.
- Dạ, cám ơn ông.
Ông Cung cảm ơn người nông dân đang neo ghe bên mép kênh rồi tìm ra nơi chôn cất má của Thắm. Thật may, mấy chục năm qua, dù chiến tranh khốc liệt nhưng trước ngôi mộ của má Thắm vẫn còn lại miếng vỏ đạn ngày xưa do ông và Thắm đã làm dấu. Rưng rưng trước ngôi mộ cũ xưa, ông Cung quàng chiếc khăn rằn rồi thầm thì: " Thưa má, con đã trở về viếng má. Trên trời cao linh thiêng má tha thứ cho con, con có tội với má, có tội với em Thắm...". Gió nhẹ lay làn khói mỏng từ nắm nhang trên mộ vấn vít bay lên không gian thăm thẳm. Ông Cung như thấy thấp thoáng bóng áo bà ba và chiếc khăn rằn quấn trên đầu của má đang chèo ghe chở ông băng qua lửa đạn trên dòng kênh ngày nào.
Sực nhớ ra điều gì, ông Cung lấy điện thoại gọi cho cô Nam - Phóng viên - Từ bên kia vọng lên tiếng nói: " Số máy quý khách vừa gọi có thể ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy...".
Ông Cung thẫn thờ nhìn ra dòng kênh, những khóm lục bình nở hoa tím ngắt hững hờ trôi theo dòng nước./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.