ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 01/10/2022 17:25

Truyện ngắn "Ông lão đi câu'' | Trịnh Tuyên | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Ông lão đi câu” của nhà văn Trịnh Tuyên qua giọng đọc của BTV Nguyễn Hường.

Từ ngày nhập nhóm câu cá, lão Vận như khỏe ra. Mọi sự trên đời chẳng còn ý nghĩa gì với lão, hay nói cách khác là lão chả còn thời gian mà để ý đến nữa. Đi câu là đỉnh cao của nghệ thuật  im lặng, kiên nhẫn và khéo léo. Đời người, ai cũng tìm cho mình một đam mê?   Lão Vận không có thú ăn thịt cá, nhưng mỗi khi giật được một con, lão sướng rơn như vớ cục vàng. Suốt ngày lão bận bịu với lưỡi, với dây, với cần, với ống. Có hôm, nửa đêm rồi mà lão còn hì hụi trong bếp rang bột thính, xong, nhón tí đưa lên mũi, lão chậc chậc, món này đến Thượng đế còn muốn ăn, huống chi cá đói?

Cất kỹ đám mồi câu lên gác, đề phòng con chó mực đánh hơi thấy mồi ngon xơi mất, lão mới lò mò lên giường, sánh đôi cùng bà vợ già đang rên rẩm vì căn bệnh thấp khớp quái ác hành hạ. Tưởng là xong đám mồi cá rồi thì lão nằm yên, nhưng chưa! Tay lão lại vung lên như đang giật cần câu khiến mụ vợ phải gắt: ông có nằm yên đi không? Tôi đang đau nhức khắp người, không cựa nổi cái thân già đây này. Không bóp cho người ta thì thôi, lại còn giật giật. Tôi không phải cá đâu nhé! Lão cười khà khà: Ngày mai rồi bà sẽ thấy, tôi gặp một con cá cực kỳ tinh khôn. Tôi chưa từng gặp con cá nào như thế. Ba ký rưỡi, bốn ký là ít. Nhất định nó sẽ dính câu của tôi. Tay lão lại vung lên, lúc sang phải, lúc sang trái, lúc thẳng đứng, theo óc tưởng tượng của lão. Lão hình dung con cá chuối tổ to như bắp đùi đang lừ lừ bơi đến, há cái miệng đầy răng nhọn hoắt, ngửi ngửi vào cái mồi câu mà lão dày công chế biến cả tuần nay. Thơm quá đi chứ, ăn đi con! Ngậm rồi! Bập! Chết cha mày! Lão vung tay sang phải. Bộp, bàn tay lão bập trúng vầng trán nhăn nheo, gồ ghề đầy dấu vết thời gian, bão bùng sương gió của mụ vợ già, vợ lão rú lên như sói rừng, ối trời ơi, ông đập vỡ mặt tôi rồi… …

Bấy lâu nay, cũng cần, cũng giỏ đi câu mà đêm về, lão có thế đâu? Mới chỉ nửa mới hơn nửa tháng nay thôi, tự nhiên lão trở chứng. Cứ theo như lời lão nói thì lão đã gặp một con cá khôn thành tinh, lão đang đấu trí với nó. Nhưng cứ mỗi lần đối mặt, lão đều thất bại. Lão đã nhìn thấy cả hai con mắt có viền trắng xung quanh, điềm tĩnh và khôn ngoan khi nó nổi lên mặt nước nhìn lão. Đúng là giống cá chuối tổ. Lão khẳng định. Giống này khôn và sống dai nhất trong các loài cá. Lão đã từng nghe, cá chuối tổ sống ở ao hồ, gặp khi nước cạn, nó có cách riêng, nằm yên trong bùn, đợi mưa. Có người vét ao, đã tóm được những con cá chuối tổ "nằm ngủ" ngon lành qua vụ hạn. Trời khô hạn, nắng như nung nhưng xung quanh chỗ nó nằm, vẫn lóng lánh nước, mặc dù bùn trong ao đã khô cứng. Khi biết ao sắp cạn, nó hút một lượng nước dự trữ giữ trong miệng, dùng đầu thúc và sức mạnh của eo thân, vừa thúc, vừa quẫy, ép cho chỗ bùn nằm rộng ra như thể một cái hang nhỏ, đợi cho bùn khô dần, đến lúc ấy, nó mới phì cho nước chảy ra, tạo nên một màng nước xung quanh, vừa cách nhiệt, vừa mát mẻ lại an toàn, vì nước không thể bay hơi trong lớp bùn đặc quánh, đủ thời gian chờ cơn mưa đầu mùa trút xuống. Có hôm lão ngồi từ sáng đến trưa, rồi trưa sang chiều, trời nắng chang chang, trên người buộc cành buộc lá, giả là cái cây, đám kiến lửa ngửi thấy mùi tanh kéo đến chỗ lão ngồi, châm vào chân lão nhoi nhói, lão vẫn cố chịu đựng vì đối thủ của lão đã xuất hiện. Con cá chuối tổ đen bóng, toàn thân điểm xuyến hoa ngâu, nghếch mõm hít hít, ngửi ngửi vào cục mồi câu nắn hình chị nhái, lão nín thở chờ nó bập vào. Nhưng không, nó xì hơi cho mặt nước xủi tăm lúc búc trêu tức lão rồi quay ngoắt, đuôi xòe ra như cái quạt nan đưa đi đưa lại, vẻ khinh ra mặt. Con cá thoắt biến vào lòng hồ xanh thẳm, để lại trên mặt hồ một vũng xoáy lênh loang. Lão như chết đứng, tim đập thình thịch, chưng hững, nhìn theo hút con cá, chẹp chẹp cái miệng rộng ngoác. Thật tiếc của giời! 

Đã năm bảy lần như thế, con cá vẫn không đớp mồi của lão. Không bỏ cuộc! Biết con cá khôn ngoan, lần này lão dùng biện pháp câu chùm. Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết. Theo phương pháp này, mồi câu móc ở giữa, xung quanh treo nhũng nhẳng từng chùm lưỡi câu cực sắc, có ngạnh. Chỉ cần con cá chui vào ngửi vào mồi câu thôi, khi phóng ra, những lưỡi câu kia sẽ đóng vào bất kể chỗ nào thân cá chạm tới. Thế thì chết đứt còn gì?

Hôm sau, lão ngồi không xa chỗ cũ là mấy. Thường mỗi loài cá quen kiếm ăn theo vùng. Những con cá đã trưởng thành, khi đã "lập gia đình" mỗi con chiếm giữ một lãnh thổ riêng. Con cá chuối tổ cũng thế, nó cũng chỉ quanh quẩn trong vũng nước trong sâu thẳm gần hang Thủy Thần. (Lão đặt cho cái hang đá ngày xưa, khi chưa ngập nước, ngày lão còn đang là một gã trai tơ, nhập với đoàn dân công của ba huyện đi đắp đập ngăn mấy con suối, để tạo thành hồ nước sâu thẳm này) Lão thả chùm lưỡi câu có móc con mồi thơm nức ở giữa và ung dung ngồi đợi. Ba mươi phút, rồi một tiếng, con cá chuối tổ vẫn chưa xuất hiện. Lão đã định di chuyển đến một vị trí khác thì nó đến. Từ xa đã nghe rõ tiếng nó đớp nước bập bập vẻ ngạo mạn và tự tin. Nó lượn một vòng khiến cho mặt nước phía trên nó gợn thành lớp sóng nhỏ. Lão nín thở. Vào đi con! Vào đi, mồi thơm lắm. Con cá chắc đã lặn sâu vì không có gợn sóng nào. Sao im lặng thế? Không lẽ nó chê? Lão đã nặn cục bột giống y nguyên con nhái tơ, đặc sản mà nó khoái khẩu. Chỉ cần nó chui vào giữa cái đám dây buộc lưỡi câu bùng nhùng kia thôi, sẽ biết. Hình như đám giây câu đụng đậy? Biết chắc là con cá đã chui vào, nóng ruột, lão nhặt một hòn lớn, ném đánh tùm! (Ý định là làm cho con cá giật mình phóng ra là dính lưỡi câu) Chùm lưỡi câu im lặng, lão từ từ nâng lên. Lão không tin vào mắt mình, con mồi biến mất, chỉ còn trơ lại chiếc lưỡi câu bằng thép đung đưa… Con cá tinh khôn, đã lặn sâu, ngoi lên theo phương thẳng đứng, tránh không đụng đến các sợi dây có treo lưỡi câu, thận trọng kéo con mồi xuông, chứ không phóng ngang. Lại một lần nữa, lão thất bại.

Sau mấy tuần đối mặt với con cá chuối tổ và liên tiếp thua cuộc, lão đổ bệnh. Lão sốt, nằm rên suốt hai ngày ba đêm. Mặc dù bị khớp nặng, bước đi đau nhói, mụ vợ già vẫn luôn bên cạnh lão. Lắm lúc sốt cao, lão lên cơn mê sảng, vậy mà tay lão vẫn cứ giật giật. Hàng xóm đến thăm, ngỡ lão trở buồn, nhưng chỉ có vợ lão là hiểu lão, lão đang mơ giật cần câu đấy!

Khi lão hồi phục thì trời sắp chuyển sang thu. Vẫn còn những đám mây màu chì và những trận mưa rào nặng hạt. Sau cơn mưa, mặt hồ trong leo lẻo. Nhớ nghề câu, lão lại theo bạn lên hồ. Lão trở lại vị trí mặt hồ bên hang Thủy thần. Lão tròn mắt khi nhận ra con cá chuối tổ đã sinh hạ một đàn con. Trên mặt nước ven bờ, lắp nhắp hàng ngàn con cá chuối tổ con màu đỏ, nhỏ như đầu tăm, bám bơi theo mẹ, nhoi lên nhoi xuống như sao sa. Thi thoảng lại nghe tiếng bập bập của cá mẹ, đang đe dọa các con cá khác nếu có ý định đến ăn thịt những đứa con yêu của nó.

Lão lẩm bẩm: Chuyến này thì mày chết với ông rồi! " cá chuối đắm đuối vì con"!

Sáng hôm sau, bạn câu của lão rất ngạc nhiên vì lão không  ống câu và cần ngắn như mọi hôm mà lão vác theo cần câu rê. Cái cần câu bằng trúc dài đến năm mét, trên đầu cần có lắp ròng rọc để luồn sợi cước. Lão kẹp cần câu vào đùi, tay phải cầm cần, tay trái, ống câu, móc vào lưng con nhái đang còn sống, lão thản nhiên đến lạnh lùng, rê qua, rê lại bên đám cá con đang đang bơi bên mẹ nó như thách thức, trêu ngươi cá mẹ. Đầu tiên thì con cá chuối tổ chỉ đớp dọa, cảnh cáo. Nhưng không kết quả! Nó đã bắt đầu nổi nóng. Nó lao vào, dùng đầu hất tung con nhái mồi lên cao, há miệng đớp nhẹ vào hai chân con nhái, kéo xuống sâu nhưng lại thả ra. Nó không có ý định ăn thịt con nhái. Người ta bảo, cá chuối tổ khi đang nuôi con rất ít ăn. Nó muốn nhịn đói cho bản năng khao khát con mồi tăng lên, tạo thêm dũng khí và sức mạnh để khi đàn con nó bị tấn công, nó sẵn sàng lao vào cắn nuốt bất kẻ con vật nào.

Đúng là con cá chuối tổ đận này có vẻ gầy đi. Người nó dài ra, bụng thót lại. Nó thực hiện những động tác uốn lượn, vòng vèo, lúc xa, lúc gần, rất điêu luyện. Cả một vùng nước rộng bằng cái nong phơi lúa, liên tục có những vòng sóng gợn lên, báo hiệu mức độ nguy hiểm cho các loài thủy tộc xung quanh.

Lão Vận ngồi trên bờ, quan sát hoạt động của nó không rời mắt. Lão muốn tìm điểm yếu nhất trong bản năng làm mẹ của con cá. Lão thừa nhận từ ngày có đàn con, nó trở nên rất dữ tợn. " Sự dữ tợn hung hăng", có khi lại là một điểm yếu nhất của nó. Đến người, mà còn " nóng giận mất khôn" nữa là?

Được! Biết thế đã. Lão Vận ra về, trong đầu đã xuất hiện một âm mưu. 

Đêm hôm đó, lão lấy bột mì có tẩm bột củ nhóc. Củ nhóc là loài cây lá nhọn, thân mềm, đặc biệt là gây ngứa. Lá của nó đã ngứa, củ còn ngứa gấp bội. Ai đã trót ăn nhầm phải loại củ này, chỉ có cách lột da họng mới khỏi ngứa. Lão bôi đen con cá, cố tạo cho miệng con cá ngoác ra như đang đớp mồi. Một con cá chuối tổ con có đầu, có mắt như thật. Người ta bảo " uốn câu cho vừa miệng cá", đúng là vậy. Lần ày lão luồn vào con cá chuối một chiếc lưỡi câu đặc biệt, đầu lưỡi và ngạnh móc lút vào con cá, chỉ hở ra một tí ở phần đuôi con cá. Lão biết, con cá chuối tổ rất cảnh giác. Nó sẽ đớp vào đuôi con cá, vừa để xua đuổi, vừa để tránh lưỡi câu. Ngày hôm sau, lão đợi mặt trời lên tầm cây sào mới vác cần câu đi. Giờ này, các loài thủy tộc săn mồi nhộn nhịp nhất. Lão nhón chân nhẹ nhàng, căng mắt quan sát. Kia rồi! Mặt nước sủi tăm lắp nhắp, ánh lên màu đỏ của lũ cá chuối con. Lão biết thừa ra, con cá chuối mẹ đang ẩn mình ở đâu đó nhưng khoảng cách rất gần đủ để kịp phóng ra bảo vệ đàn con nếu không may bị tấn công. Lão nhẹ nhàng thả con cá mồi xuống và rê con cá phóng thẳng vào đám cá con. Con cá mẹ lập tức từ vị trí ẩn nấp lao ra. Bập! bập! Nó chỉ đớp nhẹ vào con cá như cảnh báo rằng, mày khôn hồn thì xéo ngay khỏi đàn con của tao, nếu không muốn thân xác bẹp dí như cái bã trầu. Lão điều khiển cho con cá lặn xuống rồi lại ngoi lên. Con cá chuối tổ đã nhận ra kẻ  thù của lũ con nó. Đó là con cá chuối tổ con, cùng dòng họ với nó và vì thế mà nó biết, rất hung bạo và háu ăn. Nó đã bắt đầu tức giận và lao vào tấn công con cá mồi. Lão Vận đắc ý. Mày mắc mưu ông mày rồi! Lão tiếp tục cho con cá mồi lặn xuống, ngoi lên như đang đớp những con cá con. Cái miệng rộng ngoác của con cá mồi đã khiến con cá mẹ biết rằng không thể nương tay. Con cá mẹ lao vào đớp liên tục nhưng không trúng vì con cá mồi dưới bàn tay diệu nghệ của lão Vận chuyển động rất linh hoạt. Con cá mẹ đã bắt đầu nổi điên, một phần vì miệng nó bỗng ngứa ngáy khó chịu do bột củ nhóc đã phát tác, một phần vì đám con nó đã bắt đầu rối loạn, tan tác. Thiên chức làm mẹ đã thôi thúc nó không còn nghĩ đến bản thân. Sự khôn ngoan cũng thế, bởi có kẻ đang ăn thịt con nó. Nhưng nó vẫn kiềm chế, vì nó biết, mỗi khi đớp vào con mồi, sẽ phải đối mặt với nhiều rủi do. Nhưng hình như con cá kia có vẻ không biết điều, cố tình coi thường nó. Sự kiên nhẫn đã quá giới hạn. Bâp! Con cá mẹ miệng há to hết cỡ, đớp ngập vào đuôi con cá mồi. Chỉ đợi có thế, lão Vận nghiêng cần câu,  giật vát, hướng cho lưỡi câu ngoắc xuống phía dưới. Đóng rồi! Con cá mẹ đã dính lưỡi câu. Nó giật lên đùng đùng, tăng tốc lao ra mặt hồ. Nó khỏe lắm. Cuộn cước xoay tít trong tay lão Vận. Cho mày chạy. Lão ghìm  dần ống câu. Từ ngoài xa, con cá chuối nổi lên quẫy cựa lùng bùng rồi lại lặn xuống cố thoát khỏi lưỡi câu. Lão Vận tay như múa trước bụng. Sợi cước căng đét di chuyển liên tục do con cá luôn thay đổi hướng bơi. Lão Vận di chuyển mau lẹ, tránh cho dây câu quấn vào cành cây hay khúc củi chìm, vì vướng vào, coi như mất toi con cá. Vì có điểm cố định, nó sẽ giật đứt phăng sợi cước. Giằng co chừng mươi lăm phút, cuối cùng, con cá chuối mẹ đã thấm mệt, lừ đừ bơi theo sợi dây câu vào bờ. Nó vừa nhìn thấy bóng lão, vội lặn sâu xuống rồi lao vút ra mặt hồ trong một sự cố gắng cuối cùng, nhưng nó tuyệt vọng. Lão Vận đã nhìn rõ cái đầu to tướng với cái miệng rộng màu nâu đen của con cá chuối tổ. Nó ngúng nguẫy thân mình, cái đuôi xòe ra, ve vẫy thụ động, chấp nhận kẻ thua cuộc. Khéo nó lại vụt ra, lão Vận cảnh giác, vội lấy cây vợt chuyên dụng vợt nó lên. Con cá chuối mẹ nằm chườn ườn yên thở. Nó trở nên hiền lành hơn nhiều so với mấy phút trước đây khi còn dưới nước. Lão Vận hể hả. Chuyến này thì mụ vợ lão phải biết tài năng của lão. Lão ngồi lặng lẽ ngắm chiến lợi phẩm của mình. Mười mấy ngày trôi qua, công sức của lão đã được đền đáp. Lão cứ ngồi như thế, chờ bạn câu gọi về. Giờ thì còn câu kéo gì nữa, con cá này mang chợ, mụ vợ kiếm vài chục ký thóc là cái chắc! Dưới ánh nắng chiều sắp tàn, đột nhiên lão nhìn sâu vào hai con mắt màu vàng nâu của nó, mắt con cá mẹ lóng lánh như đang khóc, chớp chớp  có vẻ như van xin lão, như muốn nói với lão rằng, ông lão  đi câu ơi, cái thân tôi, tôi có xá gì? Tôi chỉ thương đàn con thơ dại, yếu ớt kia thôi. Chúng làm sao có thể sống sót  khi thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của mẹ nó. Chỉ tối nay thôi, chúng đâu còn đôi vòm mang ấm áp và an toàn của mẹ mà chui vào? Chúng sẽ tan tác bơ vơ,  bị các loài khác ăn thịt dần cho đến con cuối cùng trước khi chưa kịp lớn.

Ngay lúc ấy, sự việc đau lòng diễn ra trước mắt lão Vận. Đàn cá con mất mẹ đang bị lũ cá khác tấn công. Chúng chạy cuống cuồng, cố tránh những cái miệng của những con cá chuối  tổ choai choai. Thật đúng là "cá lớn nuốt cá bé". Lão vội nhặt đá ném xuống tùm tùm đuổi lũ cá kia để cứu cá con. Nước bắn lên  tung tóe nhưng vẫn không ngăn được đàn cá háu đói đang lao vào. Lão Vận như nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của lũ cá con khi bị những hàm đầy răng nhọn cắn phập. Không do dự, tức khắc, lão Vận lấy hai tay nhẹ nhàng nâng con cá mẹ, (con cá nặng thật, đến  bốn ký rưỡi, năm  ký chứ không kém, lão thoáng ước lượng trong đầu), đặt xuống nước rồi giục: Mau lên! Xuống mà cứu những đứa con thân yêu  của mày!

Con cá chuối mẹ nằm yên dưới nước vài giây như cảm nhận được tình cảm của lão Vận qua đôi bàn tay ấm nóng. Nó muốn cất lời nói, nhưng không thể. Nó nằm yên như không muốn xa rời cái con người vừa mới đây thôi đã tốn bao nhiêu sức lực để chinh phúc nó, mà  bây giờ  lại trở thành ân nhân, không những với nó mà với cả hàng ngàn đứa con thân yêu của nó. Ơn này, nó, con  nó, phải trả bao nhiêu đời mới hết? Nó chớp chớp hai mắt màu nâu vàng như  cảm kích lắm.

Nhưng rồi hình như tiếng kêu cứu của lũ con đã thấu đến tai nó qua sóng âm thanh đặc biệt của loài cá. Ngay tức khắc, thiên chức làm mẹ đã khiến nó quên tất cả. Chỉ còn biết lao tới nơi đang diễn ra cuộc săn mồi mà phần thảm khốc nghiêng hẳn về đàn con nó. Nó quẫy mạnh, cái đuôi to như quạt nan, tạo thành một lực đẩy ghê gớm. Nó đã xuất hiện rất kịp thời trước khi những đứa con của nó nằm trong bụng trong lũ cá háu đói kia.

Phút chốc nó đã lấy lại trật tự. Hòa bình đã trở lại với những đứa con yêu của nó, theo quy luật của muôn đời, chân lý thuộc về kẻ mạnh . Thấy con cá mẹ xuất hiện, bọn cá choai choai kia lập tức biến mất. Đàn cá con nhanh chóng tập hợp quanh mẹ. Phía dưới, mẹ nó đang thả ra vô số bong bóng nước như nói với chúng rằng, hãy tự tin các con! Mẹ đã trở về, hãy hít nhanh những cái bong bóng kia, chính là hơi thở của mẹ đấy! Hơi thở của mẹ theo cách nghĩ của các con, còn trên bờ kia, xã hội loài người, họ gọi là tăm cá đấy các con ạ!

Đột nhiên lão Vận rơm rớm nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, lão thấu cảm được tình mẹ của con cá chuối tổ. Những ngày sau đó, người dân trong làng không còn thấy lão Vận vác cần đi câu cá nữa.

Trịnh Tuyên


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận