ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 22/10/2022 09:15

Truyện ngắn: Chú thuyền chài | TTV Podcast

Tác giả: Nhà văn Viên Lan Anh

Bố mẹ cô dâu sốt ruột đi vào, đi ra vì không hiểu nhà trai gần đến giờ cô dâu ra khỏi nhà rồi nhưng nhà chú rể chưa thấy xuất hiện. Con đường vẫn đông đúc xe cộ qua lại, không thấy những chiếc xe nào dán chữ song hỉ. Điện thoại cho nhà chú rể không ai trả lời. Ruột gan ông bà cô dâu nóng như lửa đốt. Cô dâu nước mắt lưng tròng. Nhưng so với nhà cô dâu thì bố mẹ chú rể còn không đứng ngồi nổi vì gọi vào máy chú rể, máy cậu ta lại để ở nhà, chuông đang rung bần bật, duy chỉ có cái xe máy là cùng cậu ta mất hút.

Chả nhẽ ngày hợp hôn của con lại đi gọi công an hỗ trợ, ai cũng động viên mọi người trong nhà cần bình tĩnh, nhưng nhìn nét mặt ai cũng có tâm trạng căng như dây đàn với ánh mắt thảng thốt, lo lắng. Mẹ chú rể đành lên hương, khấn vái ông bà tổ tiên linh thiêng thấy cháu ở đâu thì bảo vệ cho cháu vạn sự bình an. Mồm bà khấn, mà tay bà run rẩy, lòng rối như tơ. Nhưng rồi bà lại nghĩ, thằng con trai bà vốn là tay kiến trúc tài hoa, nhưng có máu nghệ sỹ, đôi khi nó làm những việc không như người bình thường. Ví như nó thiết kế cho ông bà cái nhà ba tầng găm toàn cây xanh xung quanh tường, gạch xây mộc thòi cả viên ra như quán bán cà phê chứ không thẳng tưng để sơn các màu xanh, đỏ, tím, vàng, sang trọng như các nhà khác. Hắn lý luận nhà như thế là hướng đến thế kỷ mới với môi trường xanh và tiết kiệm. Nhưng bà ngại nhất là những lần có hắn kèm bà đi chợ.

Điều đầu tiên là hắn đi một vòng quanh chợ, sau đó định hướng một vài chỗ rồi lôi bà đến tận nơi hắn chỉ điểm để ép bà phải mua cho bằng được. Mua càng nhiều càng tốt. Một lần hắn phát hiện ra một bà cụ lưng còng, ngồi bên đôi quang gánh bán hai rổ rau cải ngồng. Hắn lôi mẹ đến cầm từng cọng rau phân tích đây là rau sạch, rồi ép mẹ mua hết cho cụ, đem về xào, muối dưa, biếu hàng xóm. Chị khó khăn lắm mới tha được từng ấy rau cải ngồng về nhà, vừa ăn, vừa cho hàng xóm. Chị chia sẻ câu chuyện này với con dâu tương lai, con dâu chị cười vỡ òa như gặp được đồng minh rồi kể tiếp một câu chuyện khác.

Lần ấy tới gần một tháng hai đứa mới gặp nhau vì chàng phải đi xa giám sát công trình xây dựng, hai kẻ yêu nhau sau thời gian dài không gặp, đến hôm gặp lại nàng mời chàng đi ăn quán, cải thiện một bữa. Hai người hí hửng dong xe vừa đi vừa hát. Mùa đông rét mướt, đi đến cổng trường đại học Luật, chàng thấy mấy em sinh viên ngồi quạt than bán ngô nướng thơm mùi than hồng, thế là chàng bắt dừng xe để mua một bắp ăn cho ấm bụng. Chiều chàng, nàng hỏi mua một bắp, mấy em chào mua thêm, giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó. Nàng ghé nhỏ vào tai chàng nói "anh đừng tin, chúng hay giả nai để gợi lòng thương hại đấy". "Anh không phải trẻ con mà em phải dạy". Tưởng chàng nói rồi thôi, ai ngờ chàng hỏi luôn:

– Còn chỗ ấy, tất cả hết bao nhiêu, anh mua.

– Dạ, để các em đếm ạ. Bán từ đầu tối nên em phải đếm lại. Còn ba mươi bắp ạ.

– Anh mua tất!

– Thấy nàng định mở miệng can ngăn, chàng đưa tay lên môi ra hiệu im lặng, rồi chàng ghé tai nàng nói: "Em phải biết tin vào sức lao động đích thực. Rẻ lắm em ạ, anh mua lại kỷ niệm một thời ra đê sông Hồng buôn ngô về chợ Xanh bán, kiếm thêm để lấy tiền trang trải thuở sinh viên,… hí… hí".

Mặc chiếc váy đẹp đến chỗ đông người với bì ngô kẹp ở khung xe thật chả giống ai, chỉ muốn đá đít cho chàng một phát cho bõ tức. Đã thế tay bảo vệ còn đưa đón:

– Dạ, mời anh chị đưa xe vào đây ạ, vợ chồng anh chị mới về quê lên ạ.

Bữa ăn hôm đó chẳng vui vẻ gì.

Mẹ chú rể bóp trán suy nghĩ,  thằng này không biết nó đi đâu…

Hưng nhìn đồng hồ rồi mắt tìm liên láo trong nhà, ngoài sân, ngoài cổng, không thấy một người. Hỏi ai cũng bảo không thấy đến. Hưng nghĩ… có biết mình để ý một chút, hoặc lẽ ra mình phải quan tâm hơn thì đâu đến nỗi này. Một ý nghĩ ân hận dâng lên trong lòng. Quyết định rất nhanh, Hưng lặng lẽ dắt xe ra cổng, không kịp cất bông hoa hồng đỏ cài lên ngực chú rể, cứ thế Hưng lao xe đi trong làn mưa xuân lây rây về phía ngoại ô. Chỉ mười lăm phút là ra đến con sông dài vắt qua cánh đồng hiện dần trước mắt, Hưng cho xe chạy lên đê rồi dừng lại nơi có mấy con thuyền đánh cá đang neo đậu gần bờ, khum tay gọi vọng xuống sông: "Chú thuyền chài ơi?"

– Chú đây, ra đây làm chi? Hôm nay rước dâu mà?

– Sao hẹn rồi mà cô chú không đến, chú nhanh lên cháu chở đến, đám cưới không thể thiếu chú được.

Vừa nói, Hưng vừa lao xuống rìa đê, rồi nhảy vội lên thuyền khiến con chó nhảy dựng lên,  kêu ăng ẳng, con thuyền tròng trành.

– Chú không đi mô!

– Chú phải đi chứ?

Vợ chú thuyền chài cười mỉm,  rồi đỏ mặt nói: "Không có quần áo đẹp,  nên giục mãi mà không chịu đi".

– À… Bây giờ thì Hưng lại là người đỏ mặt, Càng ân hận khi lo nhiều thủ tục cho đám cưới nên lú lẫn không nghĩ đến chú rất hoàn cảnh… Không, chú cứ lên xe theo cháu. Chú thuyền chài gần như bị Hưng dìu đi. Hai người đi nhanh về một con phố,  nơi có cửa hàng bán quần áo, dầy dép và Hưng ép chú phải mặc bộ com lê vừa như in, cùng đôi dày da bóng láng. Với làn da rám nắng, dáng vóc cơ thể cao lớn của một người quanh năm sống cùng sóng nước, nếu không nhìn kỹ vào đôi bàn tay thô bè, thì trông chú như một chính khách.

Nhà trai thấy hai chú cháu lao xe vào sân thì ai cũng òa lên vui mừng. Tuy có chậm so với thời gian quy định đón dâu ít phút, nhưng khi nhìn thấy chú rể, cô dâu thở phào rồi nói với bố mẹ: Con hiểu anh ấy mà, chuyện giờ giấc không quan trọng bằng hiểu nhau đâu bố mẹ ạ.

Khi bố chú rể giới thiệu thành phần nhà trai, ông hướng về chú thuyền chài giới thiệu rất trân trọng: "Đây là bố nuôi của cháu Hưng" khiến chú thuyền chài đỏ cả mặt, còn bác ruột của Hưng đã kịp chia sẻ với ông bác cô dâu đang ngồi bên cạnh, câu chuyện xảy ra từ hai mươi năm trước.

Hưng khi đó chừng hơn mười tuổi, tha thẩn ra con sông chơi bắt dế thả bơ. Không biết thế nào trượt chân ngã xuống sông. May sao chú thuyền chài nghe tiếng cứu…cứu, vội buông lưới từ bờ bên này bơi tới bờ bên kia. Sông sộng, sóng lớn, bơi tức ngực mới tới thì thấy thằng Hưng đang ở thế giã gạo rồi. Chú lôi được thằng Hưng vào bờ, dốc ngược người nó phía sau lưng, túm lấy hai chân vắt trên vai chạy dọc bờ đê đến khi hắn ọc hết nước ra rồi chú mới ép ngực, thổi ô xi vào mồm cấp cứu. Thằng Hưng sống trong thuyền chú hai ngày, gia đình mới tìm thấy và xin về nhà… Cả họ nhà tôi mang ơn chú ấy!

Hai ông ngồi nói chuyện với nhau say mê không để ý cuộc vui đã gần đến hồi kết thúc, cả hôn trường đang vỗ tay cổ vũ cho đôi uyên ương hôn nhau, chú thuyền chài thấy hạnh phúc dâng tràn đến trào nước mắt khi ký ức cứ dội về náo động tâm can.

Biển Nha Trang ồn ào sóng vỗ, Huyền tắm tráng trong phòng tắm khách sạn rồi chân trần bước ra:

– Chồng ơi, lấy giúp em cái máy sấy tóc.

– ….

– Chồng ơi… chồng ơi…

Chết, không biết anh ấy lại nghĩ ra cái gì rồi. Tính khí thất thường như trẻ con, tài đi với tật, mệt quá cơ. Lục tìm khắp phòng không thấy, điện thoại lại trong túi đang đổ chuông. Huyền chải vội tóc, cột lại rồi chạy ra bờ biển. Biển Nha Trang trong đêm huyền ảo, mộng mị bởi những ánh điện nhấp nháy lung linh như ngàn vì sao thật liêu trai chí dị, nhưng cô còn tâm trạng nào mà ngắm nữa. Cô chạy dọc bờ cát, đôi chân lướt qua bao người,  ngược lên chỗ họ ngồi ngắm biển khi chiều. Cô thở phào… Chàng kia rồi. Đang ngồi bất động trước những ngọn sóng tung bọt trắng xóa. Cô nhón nhẹ chân lại gần, ôm lấy Hưng từ phía sau, dịu dàng hỏi:

– Sao mình ra đây mà không chờ em ra cùng?

Hưng đưa mắt nhìn ra xa và trong đáy mắt như đang giấu những giọt nước.

– Những ngày trăng mật bên nhau, anh thấy vô cùng hạnh phúc, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, có một nỗi niềm còn canh cánh. Anh thấy mình cần phải có trách nhiệm với gia đình chú thuyền chài, họ đang rất khó khăn. Anh muốn đền đáp mà không biết bằng cách nào, vì biếu tiền lần nào chú ấy cũng từ chối.

– Em hiểu rồi. Em biết mình là người trọng ân tình, công ty tuy mới thành lập nhưng mình xem, rất may mắn, hợp đồng về liên tục, làm không xuể, nhiều khâu phải thuê thêm nhân công, trong khi thu nhập từ nguồn đánh cá của chú không đủ cho bọn trẻ đi học…

– Nhưng để chú ấy làm và nhận lương lâu dài với mình là khó, chú ấy giúp ít hôm thì được, tính chú ấy tự trọng lắm.

– Em sẽ thuyết phục chú ấy là em có bầu bí, cần chú ấy hỗ trợ nhiều việc lâu dài cho công ty như quản lý giờ giấc công nhân và bảo vệ, chấm công… để em yên tâm nghỉ ngơi sinh cháu, rồi ta giữ chú ấy từng bước,  bằng cách động viên cho đứa lớn thi vào các trường đại học Hà Nội. Chả nhẽ "ông nuôi" không thương cháu, không muốn con đỗ đại học sao?

– Ừ nhỉ, có thế mà anh không nghĩ ra, vợ anh đúng là "đỉnh" thật.

Hưng hôn vợ thật dài rồi bế bổng lên  chạy dọc bờ biển. Hình dáng cao to của Hưng và bé nhỏ của Huyền chặp lại in lên bãi cát đẹp như bức tượng thần Hy lạp. Họ lẫn vào trăng, vào gió và những ánh điện nhấp nháy như muôn vì sao của đêm trần thế.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận