Truyện ngắn “Đời phải thế” - Phần 1 | Nguyễn Huy Súc | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Đời phải thế - Phần 1” của tác giả Nguyễn Huy Súc qua giọng đọc Minh Hồng.
Đêm đã về khuya. Bà Liên hỏi bà Thương: "Sao bảo đưa thằng Stomy Nguyễn và cái ông Mỹ ấy cùng về?". "Có chứ! Nhưng hai bố con đang dự "Hội thảo về đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khí hóa lỏng ở Q T. Thứ sáu kết thúc. Thứ Bảy mới về được!". "Thế bà hẹn đón ở đâu?". "Không phải đón. Đã biết địa chỉ, trên xe có bản đồ định vị. Khó là từ đầu làng về nhà này thì hai bố con đều sỏi tiếng Việt".
***
Thương vượt biển vào Nam làm Liên như sống dở chết dở. Thương, Liên, Tuyến gắn bó với nhau từ nhỏ, giờ đang cùng ôn thi đại học thì Thương vượt biển theo giặc! Liên và Tuyến trải qua bao cuộc cật vấn của cha mẹ, của nhà trường. Công an khi thì đến nhà Liên, khi thì đến nhà Tuyến, yêu cầu hai người viết tới viết lui những bản tường trình. Trả lời những câu hỏi như: Thương có nói ý định đi đâu trước lúc đi không? Thương có rủ cùng đi không? Liên và Tuyến trả lời thành thực như nhau: "Không!". Sau nhiều cấp rà soát, cả hai đều được thoát nạn. Tuyến được vào bộ đội. Liên thi đậu vào Đại học sư phạm. Cùng cảnh bị rắc rối do Thương đưa đến nên Liên và Tuyến càng thân thiết hơn. Cả hai đều như kim đâm, dao chọc vào ruột mỗi khi nghe tiếng Thương trả lời phỏng vấn của người phía bên kia từ máy bay vọng xuống xóm làng!
Họ cưới nhau khi Liên đã thành cô giáo và Tuyến trở thành một chỉ huy cấp đại đội.
Gần hai mươi năm sau hòa bình thống nhất, cả hai đứa con đã vào đại học, Liên mới được một bà người làng, vượt biển trên chiếc thuyền cùng Thương đêm hôm ấy về thăm quê kể lại: "Đêm đã khuya lắm, tôi và ông Trì đang xuống thuyền ra chỗ tàu hẹn đón vô Nam thì gặp Thương, ở ngay mép nước. Ông Trì định dìm chết Thương cho khỏi lộ. Nhưng tôi đã phải van xin cho Thương thoát chết, và Thương đã đi theo chúng tôi. Trên thuyền, Thương thú nhận Thương ra biển để chết. Chết để rửa nhục cho gia đình, Thương đã có thai vì Tuyến cưỡng bức. Vào Nam, Thương phải đọc những câu trả lời phỏng vấn họ đã viết sẵn, sau những câu hỏi của họ để họ thu băng, đưa lên máy bay phát cho dân chúng miền Bắc nghe. Những ngày sau đó, Thương sống vất vưởng bằng đồng lương chiêu hồi. Khi con của Thương được hai tuổi, một sỹ quan Mỹ bảo lãnh cho Thương vào phục vụ tại canteen của một doanh trại lính Mỹ. Thương đã chấp nhận làm vợ người Mỹ đó. Rồi sau một trận đụng độ với quân Giải phóng, chồng Thương bị cụt một tay nên được hồi hương. Mẹ con Thương theo chồng về Mỹ!..".
***
Bà Liên nói với bà Thương sau tiếng thở dài: "Khi biết bà bỏ làng ra đi vì bị ông Tuyến cưỡng bức tôi điên tiết lên, định chạy đến nơi ông ấy đang sống làm một trận lôi đình cho hả dạ! Nhưng không được! Không thể được! Vì như vậy người ta nghĩ tôi đánh ghen với con Loan kế toán đang sống với ông ấy.". Bà Liên khóc…
Bà Thương ngồi dậy. Một tay bà đặt lên vai, một tay vỗ nhẹ vào lưng bà Liên, nước mắt trào ra, rớt xuống cổ bà Liên. Bà Liên nghẹn ngào:
"… Ông ấy bỏ mẹ con, bà cháu tôi đến ở với con Loan, kế toán công ty ông ấy làm giám đốc, năm thằng Túy đang học lớp 6, con Hương còn nhỏ. Tôi sinh con Hương sau khi ông ấy được quân đội cho chuyển ngành về làm giám đốc Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Sông Luồng. Ngày tôi có thai con Hương, nghe người ta mách thứ gì tốt cho người có thai là ông ấy tầm cho bằng được về cho tôi dùng. Khi sinh con Hương, chiều nào đi làm về, ông ấy chỉ kịp dựng cái xe vào bờ hè là nhào vô nhà ôm lấy con bé vừa hôn vừa nựng: "Để bố thơm con gái rượu của bố một tý nào!".. Nhiều hôm tôi phải nhắc khéo để ông ấy nhận ra là phải rửa tay chân mặt muĩ sạch sẽ mới được bế con. Rồi vừa trao con cho tôi, ông ấy vừa nói với cả hai mẹ con: "Nào, con gái yêu của bố! Con đi với mẹ để bố còn tuân lệnh mẹ rửa ráy chân tay đã nhé!". Tối tối, ông ấy bảo ban cho thằng Túy học bài, sọan gường cho mẹ già nằm để tôi lo việc soạn bài, chấm bài…
Một cuộc sống hạnh phúc viên mãn đến với gia đình tôi khi ông ấy được chuyển từ bộ đội ra dân sự!
… Nhưng rồi con Hương chưa đầy hai năm, những hôm đi làm về không thấy ông ấy còn vồ vập con nhỏ như trước nữa. Không nhắc cho thằng Túy học bài. Chuyện soạn giường chiếu cho mẹ già cũng sao nhãng dần. Ông ấy thường gắt tôi vô cớ. Vớ toàn những chuyện đâu đâu về đổ lên đầu tôi. Công việc ở trường đã nhiều, công việc ở nhà lại thiếu vắng sự đỡ đần của ông ấy. Khó nhọc thì tôi còn chịu được nhưng cái cách ông ấy đối xử với các con, với mẹ già, với tôi làm tôi rất khó chịu. Chiều nào đi làm về ông ấy cũng ngà ngà say. Hôm thì ông ấy ăn một vếch cơm lấy lệ, hôm thì không ăn. Ông ấy nằm gác chân lên thành trường kỷ, ngáy như kéo gỗ. Mùi rượu lẫn với mùi tỏi tỏa ra từ hơi thở của ông ấy nồng nặc cả gian nhà. Có hôm, thằng Túy không chịu nổi, cứ bà và mẹ mà la.
Tôi phải lôi Túy ra sân, khuyên: "Cha đi làm về cha mệt, để yên cho cha ngủ!". Túy ấm ứ, rồi ôm sách xuống nhà dưới học bài. Cơm nước cho mẹ già, ru cho con Hương ngủ, dọn dẹp vội vàng, tôi ngồi vào bàn soạn bài. Ông ấy tỉnh rượu, ngồi dậy pha trà uống rồi bảo tôi: "Mày hãy bỏ cái đống sách vở hổ lốn đó ra đây nghe tau giải quyết chuyện đời đã!". Tôi đành phải bỏ bút ra ngồi bên trường kỷ đối diện nghe ông ấy lải nhải. Hôm nào cũng chỉ một chuyện, như một băng cassette phát đi phát lại: "Ngày đó, vì bố mẹ tau mà tau phải lấy mi. Tau khổ! Tau nhục! Tau không giám ngẩng mặt lên nhìn bạn bè, họ hàng, làng xóm!..". Những bữa đầu, tôi cứ ngồi yên nghe, mặc cho ông ấy kể lể, nhiếc móc. Ông ấy nói chán rồi lại lê sang phản ngựa ngủ. Thấy tôi cứ im lặng ngồi nghe ông ấy lè nhè, mẹ chồng tôi có hôm phải gắt lên: "Mồm mẹ thằng Túy để đâu mà cứ ngồi như phỗng rứa! Nói cho hắn biết. Đi biền biệt, có biết chi cả trăm thứ chuyện sảy ra ở nhà đâu! Giờ về còn vẽ chuyện..!". Nghe mẹ chồng nói vậy, tôi vẫn phải ngồi im. Lựa khi chỉ có tôi và mẹ, tôi phải cố rỉ tai: "Nói với người say như vay không trả! Ngồi nghe cho yên nhà, mà mẹ!..". "Cũng vừa vừa phai phải thôi chứ! Không lẽ cứ như gỗ đá mãi. Hắn làm răng biết được những nguồn cơn ở nhà những năm hắn đi xa mà còn lên nước!".
Nhưng rồi bữa sau, bữa sau nữa.., ông ấy cứ bắt tôi ra ngồi nghe ông ấy lè nhè làm tôi không còn thời gian soạn bài, chấm bài cho học sinh. Càng ngày càng quá đáng. Tôi không chịu nổi. Tôi đành phải lên tiếng: "Ô hay! Anh không nhớ hay anh cố quên? Chính anh đã nhiều lần nói với tôi là anh muốn làm bạn trăm năm với tôi. Sống bên nhau đến đầu bạc răng long! Năm tôi đang còn bù đầu vào ôn thi tốt nghiệp ra trường, chưa biết nên trả lời anh như thế nào thì anh đã nhờ bà Hường đánh tiếng để bố anh, chú anh, bà cô anh mang trầu cau đến nhà tôi, hỏi tôi về làm vợ anh. Tôi với anh có hôn thú tử tế. Có cưới xin đàng hoảng chứ đâu phải tôi theo không anh?". "Thì cứ cho là rứa đi, cô giáo à! Nhưng trước khác. Bây giờ khác. Tau khổ mãi rồi! Tau không thể sống với một con giáo củ mỉ cù mì suốt ngày cặm cụi với đống sách vở, với bọn trẻ rỉ mũi chưa sạch được nữa. Tau phải đổi đơ…ời! Tau để cả cái gia tài ni cho mi. Tau ra đi tay không. Tay kho..ông! Được chưa? co..ô gi..áo?". "Anh nói tôi thế nào thì nói, nhưng anh không được đụng đến hai tiếng cô giáo!". "Ái chà chà! Lại còn rứa nữa kia? Không được đụng đến giáo mác hả? Mi có muốn tau quăng mớ sách vở chữ nghĩa hổ lốn ấy đi không? Hãy con củ lẫn cù lần?". "Thì cứ cho là tôi cù lẩn cù lần, cặm cụi với chữ nghĩa với trẻ con đi, nhưng tôi đã chăm sóc cha mẹ anh. Sớm tối phụng dưỡng cơm nước. Ốm đau thuốc thang chạy chữa. Cha anh qua đời, tôi lo mồ yên mã đẹp. Giỗ chạp họ hàng tôi chu tất. Các con, tôi nuôi dạy ngoan ngoãn, lễ phép!". "Thì cứ cho là rứa đi cô giáo ơi là con..ô gi..áo! Bây giờ khác rồi.., khác lắm ro..ồi!.."."Tôi tên là Liên, là mẹ thằng Túy, mẹ con Hương. Là con dâu của mẹ anh. Anh không được đụng đến danh xưng cô giáo!". "Được thôi! Thế thì tau gọi mi là con mẹ Li..ên mất da..ạy! Được chưa?". "Khi ở nhà tôi, tôi được cha mẹ tôi dạy dỗ tử tế, về nhà anh tôi được bố mẹ anh uốn nắn, bảo ban thành người có phép tăc, nền nếp. Tôi không phải là người mất dạy!". "Mất dạy rồi sẽ mất nghề gõ đầu trẻ! Hiểu chưa? Tau đủ sức để cho mi về nhìn đít con trâu và cắm mặt xuống đâ..ất, nghe chư..ưa?".
Tôi thật sự đau lòng! Các con tôi, thằng Túy chưa hiểu được nhiều. Thấy cha chửi bới mẹ chỉ ôm lấy mẹ mà khóc, rồi quỳ xuống mà xin cha; Con Hương thì còn quá nhỏ. Mẹ chồng thì tai nghễnh ngãng, lúc đầu chưa rõ nếp tẻ cho lắm, về sau mẹ chồng tôi mới hiểu ra. Bà can ngăn không được, bà bắt đầu mắng ông ấy, ông ấy vẫn cứ lấn tới. Rồi mẹ chồng tôi khóc, van lơn: "Con ơi! Mẹ chả còn được mấy gang nữa mà đi với bố con. Con đừng làm khổ mẹ nữa! Những năm con xa nhà, con làm sao biết hết những chuyện thiếu thốn, đói no ở nhà. Không có mẹ thằng Túy thì mẹ, rồi cha, rồi thằng cu Túy có đâu đủ cơm ăn, áo mặc? Không có mẹ thằng Túy thì cha con khi lâm bệnh lấy đâu ra thuốc thang, cơm cháo chu tất? Khi cha con về với tổ tiên đâu được mồ yên mả đẹp. Không có mẹ con thằng Túy thì mẹ ra cồn từ lâu rồi..!". Ông ấy vẫn bỏ ngoài tai những lời mẹ nói. Mẹ lên cơn ho rũ rượi, vừa thở vừa nói: "Tau tưởng mi về thì cái nhà ni phải sung sướng hơn, họ hàng phải rạng rỡ hơn. Ai ngờ bây giờ mi lại ruồng bỏ vợ con; toan bỏ bàn thờ bát hương, bỏ con thơ mẹ già, bỏ anh em họ hàng mà đi với đĩ thỏa! Làm người như rứa răng được! Người ta có năm có mười thì tốt. Tôi có một mà hư! Trời ơi là trờ..ời!..". "Tôi đi rồi tôi đón bà đi. Trời chi mà trời!". "Tau không đi đâu hết! Sống tau làm dâu họ ni, chết tau là ma họ ni! Sống tau là mẹ chồng con Liên, là bà thằng Túy, bà con Hương. Chết tau cũng là mẹ, là bà chúng hắn!".
Ông ấy làu bàu không thành tiếng. Lê người lên phản nằm xoài ra. Ngáy!..
Sáng dậy, ông ấy đi làm sớm. Đã lâu ông ấy không ăn sáng ở nhà. Mẹ đi xuống nhà dưới, rồi ra gian bếp ngồi cạnh tôi đang nấu bữa sáng. Mẹ thủ thỉ: "Bố thằng Túy hắn say hắn nói rứa thôi. Mẹ thằng Túy cũng đừng chấp làm chi. Hắn nói rứa mà không giám làm rứa đâu! Hắn cũng là thằng có học! Là bộ đội! Là giám đốc cơ quan! Hắn không giám làm như hắn nói đâu!". Tôi rút bớt củi cho lửa cháy nhỏ lại để nồi cơm đang sôi khỏi trào. Tôi nói với mẹ: "Con cũng nghĩ, giờ nhà con đang rứa, nói với nhà con rất khó. Từ khi chúng con làm bạn với nhau, đến bây giờ đã có hai mặt con, anh ấy vẫn là con người biết kính trọng cha mẹ; thương vợ, thương con. Gần đây, tại chén rượu mà anh ấy ra nông nỗi thế. Để có thời gian anh ấy suy nghĩ lại chứ biết làm sao được, mẹ!". "Mẹ cũng nghĩ nát ruột nát gan ra. Suốt đêm không ngủ được, mẹ định sáng nay sang nói chuyện ni với chú Tới, có câu: "Chết cha còn chú!", để chú Tới nói mới xong!". "Hượm xem sao đã, mẹ! Sợ nói với chú Tới, tính chú nóng, tính nhà con cũng nóng; chú nói, nhà con lại làm tung bành lên, không biết đâu mà gỡ!".
Mẹ chồng tôi an tâm với những lời của tôi.
.. Rồi chồng tôi bỏ nhà đi thật.
Chiều hôm đó ông ấy về sớm hơn mọi ngày. Ông ấy thu dọn đồ dùng buộc lên sau xe. Nói trống không cố cho tôi nghe: "Tau phải thoát khỏi cái nhà ny cho đời khỏi khổ!". Mẹ chồng tôi thấy vậy, bà nấc lên. Tôi đang ôm con Hương, bà ôm chặt lấy mẹ con tôi. Nước mắt bà dàn dụa trên khuôn mặt nhăn nheo. Không hiểu sao khi đó tôi không khóc mà chỉ nghèn nghẹn ở cổ!.. Một tay tôi bế con Hương, một tay vuốt lên lưng mẹ như có bữa đang ăn bà bị nghẹn. Ngoài sân, thằng Túy níu lấy tay bố, cố lôi bố lại. Nhưng bố nó đã đạp cho cái xe nổ máy và phóng đi, để lại sau làn khói mù mịt, khét lẹt. Bấy giờ mặt thằng Túy xám nghoét, giật giật, nó không khóc mà nước mắt ứa ra nhoe nhoẹt!..
Mẹ chồng tôi nằm bẹp ba, bốn ngày, có lúc lại hối lên, khó thở. Gia đình như có tang. Thằng Túy buồn bã xin với tôi: "Mẹ cho con nghỉ học! Chậm đi một năm, ở nhà chăm bà nội và em Hương!". Tôi ôm lấy con, nghẹn ngào: "Mẹ là cô giáo, để cho con bỏ học thì có còn là cô giáo nữa không! Con không được nghỉ học!". Nghe tôi nói thế, Thằng Túy và mẹ chồng tôi đều khóc. Tôi sang thưa chuyện với chú Tới và ra xin với thầy Hiệu trưởng cho tôi nghỉ mấy hôm để ở nhà chăm mẹ.
Sáng đi trường, tôi vòng qua nhà trẻ gửi cháu Hương, có trái nẻo nhưng cũng chỉ cần phải đi sớm mươi mười lăm phút so với trước. Có hai sào ruộng khoán và mấy thước năm phần trăm tiêu chuẩn của bà khi đông vụ chí kỳ các con của chú Tới tập trung cày cấy. Việc bắc mạ và cỏ nhả chú bảo anh con cả của chú làm, sau tập dần cho thằng Túy. Chú nói như ra lệnh: "Chị Liên cứ lo vô việc dạy học. Từ nay bác gái (mẹ chồng tôi) không ra đồng nữa. Đường trơn, lởm khởm, không may ngã gãy xương bai như bà Ngãi, giờ nằm một chỗ lại khổ. Thằng cháu đi học về, giúp bà lo cơm nước, lợn gà. Con bò trả cho Hợp tác để người ta chuyển cho nhà khác nuôi… Mẹ cha cái thằng bố bay! Để tau coi hắn có bỏ mẹ già, bỏ con nhỏ, bỏ họ hàng, bỏ làng xóm mà đi được mãi không!".
Ba năm sau mẹ chồng tôi qua đời.
Năm thằng Túy tốt nghiệp lớp 10, thi đỗ vào Trường đại học xây dựng. Ra trường vào phục vụ trong quân đội. Sau được chuyển ngành về công tác ở tỉnh nhà. Được cái nết chịu khó học hỏi, lăn lộn trăn trở với công việc. Giờ là Giám đốc sở xây dựng. Vợ là bác sỹ cấp II, làm việc ở Bệnh viện đa khoa. Hai đứa đứa con nhà Túy, thằng đầu học Bách khoa ra công tác ở Tập đoàn điện lực hai năm, lại thi được học bổng sang học thêm ở Ý ba năm. Giờ về lại cơ quan cũ. Vợ cháu cùng lớp đại học với nhau, giờ làm ở FPT Software. Năm ngoái mới sinh được một cháu trai. Thế là tôi đã có chắt rồi bà nhá!
Thằng thứ hai nhà Túy, giờ làm Trưởng phòng tổ chức Sở điện lực, vợ làm bên Agribank. Năm ngoái, chúng bảo tạm thời không đi buổi về đây, ở cái nhà trên thành phố để tiện cho hai thằng con đi học.
Con Hương học hết lớp 10, đậu vào Đại học sư phạm Vinh, ra trường được phân công về dạy trường cấp III trên thành phố. Chồng nó giờ là phó giám đốc sở Thủy lợi. Vợ chồng hắn có hai con. Đứa đầu là gái, học Trường y. Ra công tác ở Bệnh viên sản Trung ương. Cháu vừa bảo vệ xong luận án Tiến sỹ. Thằng em học Trường Bách khoa, ngành tự động hóa. Nay công tác ở Tổng công ty Sông Đà.
… Vì sống bất chính với con Loan nên ông ấy bị kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức giám đốc xuống làm Trưởng phòng. Trong kháng chiến ông ấy có nhiều thành tích, được nhà nước thưởng huân chương. Là thương binh. Thời ấy tuy không qua trường lớp kinh tế nào, nhưng do năng động, lăn lộn trên thương trường nên khi là giám đốc, Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Sông Luồng của ông ấy thực sự ăn nên làm ra!.. Sau mấy năm ông ấy không làm giám đốc, thị trường của xí nghiệp bị thu hẹp, doanh thu giảm sút, nên trên lại bổ nhiệm ông ấy làm giám đốc. Con Loan, bị khai trừ ra khỏi Đảng. Cách chức Trưởng phòng Kế toán- tài vụ xuống kế toán viên, hắn xin nghỉ việc, lĩnh trợ cấp một lần. Về nhà, mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, sau mở thêm kinh doanh xăng dầu.
Do giá xăng dầu có lúc tăng vọt từ hai cửa hàng xăng dầu và buôn bán vật liệu xây dựng phát đạt. Loan thế chấp ngân hàng nhà ở, hai cây xăng và cửa hàng bán vật liệu xây dựng để vay vốn cùng với tay Thủy, chủ thầu xây dựng mở Công ty TNHH Thủy Loan, nhận thầu xây dựng các công trình, buôn bán tổng hợp: xăng dầu, sắt thép, ciment, đồ điện, thiết bị nội thất… Một hệ thống cửa hàng mua vào bán ra tấp nập. Loan quan hệ rộng nên đã huy động được vốn từ nhiều bạn bè, có cả những người là nhân viên của công ty ông ấy, với lãi xuất cao gấp bốn năm lần lãi xuất ngân hàng cùng thời điểm. Người này rỉ tai người khác, chỉ sau một thời gian đã hình thành cả một hệ thống vận động góp vốn cho công ty Thủy Loan. Những tháng đầu, Loan trả lãi đúng kỳ hạn nên nhiều người góp. Có người còn thế chấp nhà cửa cho ngân hàng để vay tiền góp vốn vào công ty; nhiều người còn vay của anh em trong nhà, bạn bè thân thuộc lên hàng tỷ đồng góp vào công ty của Loan để lấy chênh lệch lãi xuất…
Rồi các mặt hàng trong hệ thống cửa hàng của công ty ít dần. Giám đốc công ty Thủy Loan cùng ông chủ thầu xây dựng mất hút, còn lại các nhân viên bán hàng, kế toán, thủ kho… Hai cây xăng, hai cửa hàng và khu nhà ở đã thế chấp ngân hàng. Những người cho Loan vay, những người góp vốn vào công ty kéo đến nhà ở của ông ấy và giám đốc Thủy Loan ở như đi biểu tình. Nhưng nào ai có lấy được gì. Hàng họ gần như trống rỗng vì những thứ đáng tiền thì mấy cô bán hàng, kế toán, thủ quỹ và thủ kho đã khuân về nhà coi như trừ vào lương mấy tháng gần đó công ty chưa trả và trừ vào một phần vốn đã góp!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.