Truyện ngắn “Đời phải thế” - Phần cuối | Nguyễn Huy Súc | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Đời phải thế - Phần cuối” của tác giả Nguyễn Huy Súc qua giọng đọc Minh Hồng.
… Một hôm tôi đi dạy về, thằng thứ hai nhà Túy hôm đó lại ghé về thăm nhà, hắn thấy bà về khoe ngay: "Ông nội về bà ơi! Ông đang nằm trong buồng nhà trên!". Nghe thằng cháu nói, tôi không nói gì, cất đồ đạc, cắm cơm rồi ra vườn hái rau. Một lúc sau vợ thằng Túy về, thấy ông ấy về, hắn rỉ tai cho tôi biết là có chuyện không lành ở công ty Thủy Loan từ mấy tuần nay. Con Loan trước kia học cùng lớp với vợ thằng Túy nên mọi chuyện của bố chồng và con Loan nó biết, có điều là nó không giám nói với tôi.
Từ khi vợ chồng Túy phá cái nhà dưới làm cái nhà kiểu mới, tầng một bốn phòng: Phòng khách, phòng ăn, một cho tôi, là phòng này đây; Trước, tôi vừa ngủ vừa làm việc; một phòng ngủ cho vợ chồng nhà Túy. Tầng trên một phòng khách, một phòng làm việc của anh Túy, hai buồng khép kín giành cho các cháu thứ bảy chủ nhật hay mỗi khi giỗ, tết chúng đưa vợ con về. Nhà trên, ba gian ngoài vẫn như ngày xưa. Có thay đổi là hai buổng hai đầu nhà. Buồng bên trái, phía sát nhà chú Tới, xưa các cụ kê mấy cái chum kiệu giờ một số đồ gỗ sắm trước kia còn dùng được, nhà mới đồ dùng đồ mới nên cho những đồ cũ vào đó. Buồng bên phải, rộng hơn, giờ làm buồng ngủ mỗi khi nhà có khách xa ở lại. Ở cửa sổ nhìn ra vườn hồi nhà kê bộ salon trước ở phòng khách dưới nhà, một cái gường đôi, một cái tủ đứng, bắt quạt trần. Giờ ông ấy về nằm trong đó. Đến bữa, vợ thằng Túy lên mời ông ấy xuống ăn cơm, ông ấy nói ông ấy đã ăn rồi. Tôi và vợ chồng nhà Túy ngồi vào bàn ăn, không khí im lặng chứ không như trước. Ăn xong ai về phòng nấy. Đèn phòng khách nhà trên vẫn sáng. Sáng hôm sau ông ấy đi khi chúng tôi chưa dậy!..
Tôi bàn với vợ chồng anh Túy: "Con Loan đã mất hút mẹ hàng lươn rồi nên chiều nay bố anh về, anh lên thưa chuyện để ông ấy xuống ăn cơm. Nếu bố anh không xuống thì chi Túy chịu khó đưa cơm lên phòng. Để bố anh bữa ăn bữa không ốm ra lại khổ! Anh chị cũng suy nghĩ đi, theo tôi nên bảo cho con Nhung về đây. Nhà trên đó Ngân hàng đã niêm phong rồi mà con bé lại đang ở năm cuối cấp. Hắn tuổi thân, xấu hổ đâm ra làm liều thì nguy!". Chiều tối ông ấy lại về, nhà chưa ăn cơm. Chị Túy lên mời ông ấy xuống ăn cơm ông ấy cũng bảo đã ăn rồi. Ăn cơm xong, anh Túy lên nhà nói chuyện với ông ấy rất lâu. Khi xuống nhà, anh Túy thở dài nói với tôi: "Thày bảo không ăn uống chi cho phiền phức. Ngày mai thày lên cơ quan thày ở!". Thế là ông ấy lên cơ quan.
Ông ấy có với con Loan một con gái. Nó tên là Nhung, kém con Hương hai tuổi. Khi con Nhung lên cấp III thường hay về nhà dưới này chơi. Người thanh thoát. Nói năng khôn ngoan. Thấy nhà bụi bẩn, sân vườn lá rụng là quét tước sạch sẽ. Nhiều hôm tôi bảo ở lại ăn cơm nó cũng ở. Những hôm có bài khó, cần hỏi, tôi bảo nó ngủ lai thì nó gọi điện cho ông ấy. Nó bảo đẻ (Nhung gọi Loan là đẻ) phải chạy hàng, có khi đi biên giới cả tuần nên có điện về nhà hay cửa hàng cũng chưa chắc đã gặp được đẻ. Nó lân la vào xem tôi chấm bài, dở những cuốn tôi chưa chấm ra xem. Có những cuốn nó nói bài giải chưa hay. Tôi hỏi, theo Nhung thì nên giải thế nào? Thưa mẹ cả theo con thì nên giải thế này. Thế là nó giải cách gọn hơn, chứa đựng sự thông minh hơn mà ra đáp số giống nhau. Tôi khen nó giỏi. Nó phấn khởi lắm. Thế là chủ nhật nào nó cũng về. Hồi tôi chưa là Hiệu trưởng nên cũng có dạy thêm. Nó xin vào ngồi học. Tôi đồng ý. Học xong, đêm ngủ lại, sáng mai ăn sáng rồi từ đây đến thẳng trường. Tôi bảo nó nên xưng hô với tôi là cô giáo. Có nghĩa là tôi không chấp nhận mối quan hệ của ông ấy và người đẻ ra nó là chính đáng. Nhưng rồi nó quen miệng gọi nên tôi không nhắc lại nữa, đành cho nó một đặc ân. Nó bảo ở trên nhà nhiều hôm bố phải đi công tác, đẻ phải chạy hàng, nó nấu ăn một mình nó buồn lắm nên nó nói tôi xin được chuyển về trường tôi học. Tôi bảo không được. Tốt hơn là cứ ở trường cũ, cố gằng học, phần nào chưa hiểu về đây tôi sẽ giảng thêm. Ở trên đó về còn nấu nướng cho bố ăn chứ, không lẽ bố ăn một nơi con ăn một nẻo những ngày đẻ nó vắng nhà! Nhưng rồi ngày đẻ nó bỏ đi, tôi bàn với anh chị Túy cho nó về đây. Tôi nghĩ, tuổi nó, ở vào hoàn cảnh ấy không sớm thì muộn cũng trở thành con người hư hỏng. Trước nó xin về thì mình không cho, giờ mình bảo nó về mặt nó lại buồn rười rượi. Thế là tự nó đã biết suy nghĩ về số phận của nó. Tôi bảo anh Túy kê thêm cái giường một vào phòng tôi cho nó ngủ, kê thêm cái bàn cho nó học.
Năm cuối phải học nhiều. Tôi khuyên nó phải cố quên mọi sự việc phiền nhiễu đi, tập trung vào học để thi tốt nghiệp và thi đại học. Nó vốn là đứa thông minh, phần toán trống chỗ nào tôi phụ đạo. Môn hóa tôi nhờ anh Thúy, môn lý tôi nhờ chị Hoan, môn văn tôi nhờ anh Tiến. Các môn khác tự nó phải cố gắng. Nó lo học, có đêm thức đến một, hai giờ sáng. Tôi bảo thế không được, Mười một giờ, chậm nhất là mười một rưỡi phải đi ngủ. Chị Túy không để cho nó nấu nướng và dọn vặt nữa. Về sau anh Túy nhờ được người giúp việc để chị Túy đỡ vất mà tôi tập trung vào ôn luyện thi cho học sinh, con Nhung tập trung vào học. Thế rồi con Nhung thi tốt nghiệp lớp 10 đạt điểm cao, thi đậu vào khoa toán Đại học sư phạm Vinh. Ra trường được về dạy Toán ở Trường cấp III huyện Lang Chánh. Ở đấy nó yêu Viết, giáo viên dạy Hóa. Nó có đưa về hỏi ý kiến ông ấy rồi về đây hỏi ý kiến tôi, anh chị Túy, vợ chồng cô Hương. Cưới xong thì cả hai vợ chồng hết nghĩa vụ đi miền núi theo quy định bên giáo dục. Nhung về dạy ở trường tôi. Viết dạy ở trường Một. Vợ chồng Nhung có hai con, một trai, một gái. Thằng anh học Đại học quân sự, con em học Đại học Tài chính kế toán. Không đứa mô theo nghề của bố mẹ. Giờ nhà còn hai vợ chồng, gấp nghé tuổi về hưu. Ngày ông ấy về hưu, theo ý ông ấy muốn về ở cùng vợ chồng con Nhung. Vợ chồng nó sang xin ý kiến tôi và anh chị Túy. Tôi và vợ chồng nhà Túy nói với vợ chồng nó là làm theo nguyện vọng của ông ấy cho yên nhà.
…
"Ông ấy bị ung thư phổi. Phát hiện bệnh hơi muộn. Con Nhung kể: Cha bị ho, kêu đau mỏi vùng lưng và vai phải. Bảo cha di viện. Cha nói ho là do hút thuốc lào. Đau là do tuổi già xương khớp bị thoái hóa. Cha bỏ thuốc lào. Ho không giảm. Đến khi khó thở con Nhung sang nói với tôi và anh chị Túy. Chị Túy và vợ chông Nhung đưa ông ấy đến Bệnh viện. Qua thăm khám mới biết ông ấy có u trong phổi.
Các con đưa ông ấy ra Hà Nội. Bệnh viện K chẩn đoán xác định bệnh của ông ấy không khác với chẩn đoán của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bệnh viện K nhận ông ấy vào viện. Khi có kết quả xét nghiệm giải mã gen, bệnh viện cho ông ấy dùng loại thuốc hướng tế bào đích để khóa những gen đột biến, ngăn chặn phát triển tế bào u. Ở viện một tháng, về sau ông ấy xuất viện về chỗ vợ chồng thằng đầu nhà Túy ở Hà Nội. Định kỳ vào tiêm thuốc. Bệnh ổn định. Bệnh viện cho xuất viện về điều trị theo đơn. Ý ông ấy vẫn ở bên nhà con Nhung. Dăm bữa, con Nhung lại đưa ông ấy về bên này. Hơn một năm nay thấy người khỏe hơn. Nhưng tháng trước bệnh tình của ông ấy phát lại. Các con lại đưa ông ấy trở ra bệnh viện K. Bác sỹ điều trị trực tiếp cho ông ấy nói: "Do các tế bào ung thư trở nên kháng thuốc điều trị tế bào đích. Nếu có nguyện vọng điều trị ở đây cũng được, muốn về điều trị ở Bệnh viên ung bướu tỉnh nhà cũng được. Đã có chẩn đoán xác định rồi thì phác đồ điều trị ở trung ương hay địa phương đều như nhau!". Ông ấy xin được về Bệnh viện ung bướu tỉnh điều trị.
Các con lại thay nhau túc trực chăm sóc ông ấy. Tôi bảo cho mẹ lên thức với bố bay một vài đêm. Chúng bảo đưa tôi lên thăm nhưng không cho tôi ở qua đêm. Tôi phải thuyết phục chúng nó: "Nghĩa tử là nghĩa tận. Dù trước đây giữa bố và mẹ có những khúc mắc. Nhưng đạo làm người, nghĩa vợ chồng, mẹ phải ở lại với bố!". Thế là chúng nó đành phải cho tôi ở lại với ông ấy cùng chúng nó. Tôi vẫn hỏi han nói chuyện với ông ấy bình thường; vẫn đưa nước nôi, bóc hoa qua cho ông ấy ăn. Đến đêm thứ ba, cũng là phiên trực của con Hương, đang trong câu chuyện về anh em làng xóm cho vui thì ông ấy đưa tay ra nắm lấy tay tôi nói: "Tôi có nhiều lầm lỗi với bà, với các con, với dòng họ, giờ tôi xin bà và các con bỏ qua cho tôi. Tôi biết bà và các con cố gắng để chữa trị cho tôi, nhưng cái bệnh này khoa học điều trị đang dừng lại ở đó chứ không phải vì bà và các con không nhiệt tình hay thiếu tiền. Tôi đã xác định bệnh của tôi không thể qua khỏi nên tôi muốn sữa lại nhà thờ trong khi tôi còn sống!.Trước, tôi có ý định làm lại cái nhà thờ theo kiểu mới và sửa lại cái khuôn viên cho khang trang. Nhưng anh Túy và tôi không cùng một suy nghĩ. Anh Túy muốn giữ lại nếp nhà gỗ của các cụ ngày xưa. Theo anh Túy, chỉ thay đòn tay luồng, rui luồng bằng hoành tải, rui lim; thay toàn bộ ngói liệt, vẫn giữ lại ngói mũi hài cũ, dồn cho mái trước, thiếu thì bù ngói mũi hài mới cho mái sau. Như vậy, có tu sửa nhưng nhìn vào ngôi nhà mà vẫn giữ được nét cổ kính. Bây giờ tôi nhận ra là anh Túy nói đúng!.. Tôi có cái sổ tiết kiệm 5 tỷ, tôi cho vào cái đầu đòn tay thứ tư, kể từ dưới lên, trong cái dĩ, phía nhà chú Tới, giành để sửa nhà thờ. Giờ không may tôi bị bạo bệnh, vào ra bệnh viện nhiều lần chắc là tốn kém lắm. Hôm hết đợt điều trị thứ nhất, về với vợ chồng thằng cả nhà Túy ở Hà Nội, tôi đã viết cái giấy ủy quyền cho anh Túy rút 5 tỷ bạc đó. Giấy ủy nhiệm tôi dắt sau cái khung ảnh cưới của vợ chồng cháu. Bà hay con Hương biểu cháu lấy cái giấy đó về đưa cho bố nó. Bà biểu anh Túy đùng 2 tỷ sửa nhà thờ và tu bổ khuôn viên; hai tỷ gửi vào tiết kiệm cho bà dưỡng già; một tỷ dùng để thanh toán các chi phí thuốc men trong thời gian tôi ra vô bệnh viện!.."
Ba chúng tôi đều khóc. Tôi nói với ông ấy: "Cám ơn những điều ông nghĩ về Tổ tiên và nghĩ đến tôi theo nghĩa vợ chồng. Nguyện vọng của ông thế nào, chúng tôi xin làm theo ý ông! Mai anh chị Túy đến đây, bố con bàn thêm về thời gian tiến hành sao cho thuận ý vừa lòng. Bề nổi của các con, các cháu trong nhà như ông đã biết. Còn phần tôi, tôi cũng nói để ông an tâm: Cách đây mấy năm, anh chị Túy và vợ chồng con Hương có bàn soạn góp lại làm cho tôi một cái sổ tiết kiệm một tỷ. Bảo để tôi lấy lãi, tiêu pha trong cuộc sống. Nhưng tôi có tiêu gì đâu. Ăn thì tôi ăn với anh chị Túy. Giỗ chạp vợ chồng anh chị Túy đứng ra đảm nhiệm. Vợ chồng con Hương, vợ chồng con Nhung có gửi giỗ tết cho phải đạo đều đúng. Mấy năm nay, cứ vào cuối năm học cũ sang năm học mới, tôi đều rút một ít tiền lãi ra để góp vào quỹ khuyến học của cành họ để thưởng các cháu, gọi là khuyến khích các cháu học hành cho tiến tới. Một chút góp với Hội khuyến học của thôn, của làng. Thỉnh thoảng một chút đi chùa với Hội từ thiện. Vừa rồi vợ chồng anh Túy đứng ra xin sửa nhà thờ. Tôi cho là anh chị ấy đúng. Anh chị Túy được tu sửa nhà thờ Tổ tiên là được làm chức phận anh cả trong nhà, hơn nữa là được làm chức phận ngừời đứng đầu cành, đầu phái, đầu chi họ. Mới dàm dạm thôi! Anh Túy bảo để anh ấy xin ý kiến ông thì không may ông lại bị bệnh nên mọi việc đành phải đình lại để lo cho sức khỏe của ông. Ông chuyển về đây, chị Túy đã đăng ký để ông nằm phòng dịch vụ đặc biệt này. Thuốc gì cần chữa cho ông mà bảo hiểm y tế không có anh chị Túy mua. Ông cứ an tâm! Người còn thì của còn!..".
Thế là hôm họp gia đình bàn về hậu sự, theo nguyện vọng của của ông ấy chúng tôi đành phải sửa nhà thờ trong giai đọan ông đang nằm viện. Việc sửa nhà thờ vợ chồng anh Túy đã chuẩn bị tiển nên anh chi Túy muốn đứng ra chi toàn bộ. Vợ chồng nhà Hương, vợ chồng nhà Nhung không nghe. Chúng muốn đóng góp. Cuối cùng anh Túy nói: "Nếu thế thì anh chị chi tám phần, còn hai phần chia đều cho các em. Tuyệt đối không cho bố biết chuyện góp tiền sửa nhà thờ, vì anh chị đã nói với bố là sẽ dùng số tiền của bố sửa nhà thờ rồi. Còn cái sổ tiết kiệm 5 tỷ của bố để lại, theo bàn bạc giữa mẹ và vợ chồng anh và với chồng em Hương, gửi lại cuốn sổ này cho vợ chồng em Nhung. Hai em xin với công an để xem sổ sách kế toán công ty Thủy Loan. Liệt kê công nợ của những ai thì trả vốn cho họ, xin họ phần lãi. Nếu số nợ vốn quá 5 tỷ thì xin họ trả một phần theo tỷ lệ nợ ai nhiều trả nhiều, ít trả tít. Nợ không sổ sách thì chịu, chờ đẻ em về hẵng hay! Ngân hàng họ sẽ mãi giá các cây xăng, các cửa hàng và khu nhà ở để thu hồi nợ.".
Bây giờ nhà thờ đã xong ngày mai ngày kia là đón ông ấy về đây. Anh chị Túy đã liên hệ với dịch vụ 115, hợp đồng một bác sỹ, một kỹ thuật viên săn sóc chuyên môn cho đến khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng…".
Bà Thương thở dài, ôm chặt lấy bà Liên mà khóc. "Đáng ghét cái lão chó đá! Vì lão tôi đã phải tha hương! Vì lão bà khổ cả một đời! Có lẽ tôi xin bà sáng ra tôi đi. Tôi không về nhà tôi nữa! Cha mẹ tôi đã qua đời. Anh chị tôi cũng đã chuyển lên vùng kinh tế mới. Thằng Stomy Nguyễn đã có cha Jax Mind của nó! Với lão, tình nghĩa gì mà tôi phải gặp!". "Đời mà bà..! Suy cho cùng, trên đời này, cái gắn kết giữa con người với con người không chỉ là máu mủ ruột thịt mà còn là tình người! Tình người khiến người ta bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, bỏ qua hận thù để xích lại gần nhau, dù quá khứ tốt, xấu như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là cái vạch nối giữa hiện tại và tương lai để con người ta nhìn vào nó, ngẫm từ nó mà tránh những lỗi lầm để sống tốt hơn! Đi hay chưa đi thì tùy bà!. Nhưng người Việt ta có câu "nghĩa tử là nghĩa tận" và, thằng Stomy Nguyễn có thể chọn ông Jax là cha nuôi của nó; nhưng cha đẻ nó vẫn là ông Tuyến chứ không thể ai khác! Không biết Stomy Nguyễn sẽ nghĩ về bà thế nào khi bà bảo về thăm quê mà lại đùng đùng ra đi? Khi biết bà phải ra đi vì ông ấy tôi còn điên tiết hơn bà bây giờ. Nhưng vì con cháu, vì cha mẹ, vì họ hàng, vì các thế hệ học trò… mà tôi phải chôn chặt những dằn vặt trong lương tâm mà sống!..
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.