ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 20/09/2022 08:16

Truyện ngắn "Hai chiếc lắc bạc" | An Thư | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Hai chiếc lắc bạc" của An Thư qua giọng đọc Nguyễn Hường.

Chùa Nam Thiên nằm dưới chân núi Lam, tách biệt hẳn với thôn làng bằng một thung lũng lúa xanh biêng biếc. Trong chùa chỉ có sư Tuệ Mẫn và tiểu Chính. Sư Tuệ Mẫn vốn người vùng khác, tuổi còn trẻ mà đã nổi danh trí tuệ mẫn tiệp, về làm trụ trì từ năm năm trước.

Ngày về, sư đã thấy cây đào cổ thụ vươn cành xòa ra một góc sân chùa. Dân trong làng kể lại, cây đào ấy vốn thuộc giống đào đá, mang từ núi cao về. Hơn ba mươi năm trước, có người phụ nữ lên rừng hái thuốc, đi ngang chùa vào đêm mưa gió lớn. Đường vào thôn lầy lội, sức đã lả đi sau chuyến đi vất vả, người ấy bèn đập cửa tam quan xin trú nhờ. Sư trụ trì Tuệ Trí đội tơi ra mở cửa, thấy người gõ cửa là nữ, mặc áo lam, vai gùi đủ thứ thuốc lá thì ngần ngại. Nhưng vì khuôn mặt ướt đầm của người phụ nữ trẻ đã dại đi, chân tay lẩy bẩy, tưởng muốn quỵ đến nơi, nhà sư thương tình đành để người ấy vào chùa, sai chú tiểu dọn phòng, rồi đem thuốc cho uống, đem cơm chay cho ăn. Người phụ nữ xúc động, có mấy trái đào núi chín đỏ, bèn đem cúng dường (Sau này, không hiểu ai ăn trái đào, làm rơi hột xuống vườn chùa, cây đào mọc lên từ ấy).

Vì bị cảm nặng sau đêm mưa, người phụ nữ ở lại chùa dưỡng bệnh, ít lâu sau mới rời đi, không biết phiêu dạt nơi đâu. Sư Tuệ Trí viên tịch năm bảy mươi tuổi, được dân làng yêu kính. Nghe nói, trước khi mất, sư có hỏi tung tích người phụ nữ trẻ hái thuốc năm nào, mà dân trong làng không ai biết.

Mùa xuân, hoa đào nở hồng một góc sân chùa Nam Thiên. Giống đào núi cánh mỏng, trông mong manh như phiến lụa phấp phới. Mỗi khi có ngọn đông phong thổi ào qua, hoa rơi tan tác, như trận mưa hồng…

Năm đầu về chùa, sư Tuệ Mẫn nhân ngày xuân tạnh ráo, sai tiểu Chính mang ghế tre ra ngồi uống trà dưới gốc đào. Nhìn cánh hoa rung rung trong tiết gió xuân, sư hỏi chú tiểu: "Con có biết chuyện thiền sư Linh Vân không". Tiểu Chính áo nâu, mắt mở to đen tròn như hạt nhãn, khẽ lắc đầu. Sư mỉm cười: "Ngài Linh Vân ngồi tu thiền trên núi Vi Sơn, giữa cánh rừng hoa đào đang nở rộ. Nhìn cánh đào bay, ngài buông áo đứng dậy, từ đó mà ngộ ra chân đạo".

Chú tiểu mắt vẫn đen tròn: "Thầy ơi, sao chỉ nhìn cánh hoa mà ngài Linh Vân ngộ ra chân đạo được". Sư Tuệ Mẫn khẽ cười không nói. Là vì, đã lâu lắm rồi, chính nhà sư cũng luôn tự vấn mình bằng câu hỏi ấy. Mãi rồi, câu hỏi trở thành chấp niệm ám ảnh lòng Tuệ Mẫn. Trong buổi sáng xuân hôm ấy, Tuệ Mẫn tự đặt mình vào vị trí của ngài Linh Vân, huyễn tưởng mình đang ngồi trước một rừng đào mênh mông, đôi mắt khép hờ, tay lần tràng hạt. Nghe thoảng mùi nhựa đào ngòn ngọt bay trong gió, sư Tuệ Mẫn tự hỏi: "Khi Linh Vân ngộ ra chân đạo, cảm giác của ngài thế nào?"

Sư Tuệ Mẫn vốn là một đứa trẻ bị bỏ lại trong vườn chùa Linh Tự, ở bên kia núi Lam. Một sáng sớm, bà vãi già quét chùa Linh Tự nghe tiếng khóc oe oe của đứa trẻ. Mọi người bảo nhau đi tìm. Tìm mãi mới thấy bọc vải nằm dưới gốc cây bồ đề trong góc Nam vườn chùa. Cái bọc vải màu lam, bên trong quấn đứa trẻ trai trắng trẻo, khôi ngô, tầm hơn tháng tuổi. Chân đứa trẻ có đeo một chiếc lắc bạc to, được làm từ thứ bạc nén sáng xanh, trong veo, bên trong khắc hình bán nguyệt.

Tuệ Mẫn lớn lên trong chùa Linh Tự, thông minh, sáng láng, ngày đi học cùng chúng bạn trong trường làng, tối về tụng kinh, gõ mõ. Năm mười tám tuổi, xong cấp III, Tuệ Mẫn muốn hoàn tục đi tìm cha mẹ. Đại Đức Tuệ Nhẫn, trụ trì chùa Linh Tự nhìn đệ tử hồi lâu, rồi hiền từ bảo: "Ta không cản con hoàn tục. Có điều, trong đời này, ý muốn thoáng qua thì nhiều, còn nhân duyên thực sự đến thì ít. Phật ở trong tâm con, không ở trên màu áo tu hành. Nếu có duyên, con nhất định sẽ gặp lại cha mẹ mình. Con đã lớn, tự ngẫm xem mình nên thế nào thì hãy làm như thế".

Tuệ Mẫn nghe xong, trở về phòng, nắm chặt chiếc lắc bạc trong tay. Từ đó, không nhắc lại chuyện xuất gia thêm lần nào nữa mà chuyên tâm rèn mình, việc theo học Phật Pháp ngày càng tấn tới. Đến năm hai mươi tám tuổi, đã có uy tín trong tăng chúng và Phật tử, được cử về chùa Nam Thiên làm trụ trì.

Năm thứ hai sư Mẫn về chùa Nam Thiên, lại có người phụ nữ lên chùa xin làm vãi. Bà không phải người trong vùng này. Tuy tuổi đã cao, đôi tay chai sần vất vả, nhưng khuôn mặt có đôi mắt buồn của bà thì vẫn lưu giữ được chút xuân sắc tuổi trẻ.

"Tôi nhìn bác có nét quen quen, hình như đã gặp ở đầu rồi".

"Dạ, bạch thầy, con là tín nữ cửa Phật, chùa nào ở vùng này cũng từng đến thắp nhang, cúng dường".

Tuệ Mẫn khẽ à lên. Người đàn bà kể mình không chồng con, tuổi trẻ vất vả nhiều, nay về già, dù tiền bạc không khó khăn gì, nhưng lại chỉ muốn được ghé mình vào cửa Phật từ bi. Sư Mẫn lúc đầu còn e ngại, nhưng thấy việc chùa bận bịu, lại thương người đàn bà tuổi trọng mà cô quạnh, nên bằng lòng.

Bà vãi Khuê vào chùa từ ấy. Từ ngày có bà, sân chùa lúc nào cũng sạch sẽ, đồ cúng dường sắp xếp gọn gàng, bữa cơm chay của sư Mẫn và tiểu Chính cũng có phần tươm tất hơn.

Cũng từ ngày sư Tuệ Mẫn về chùa Nam Thiên, vườn thuốc phía Tây chùa ngày một xanh tốt. Sư Tuệ Mẫn không chỉ giỏi Phật pháp mà còn là lương y. Y thuật sư học được từ đại đức Tuệ Nhẫn bên chùa Linh Tự - vốn cũng là một người bắt mạch bốc thuốc nổi tiếng. Mảnhvườn đủ loại thuốc Nam thuốc Bắc cùng tài bốc thuốc của sư Tuệ Mẫn đã giúp được bao nhiêu người nghèo trong làng. Nhà chùa không bao giờ lấy tiền của bệnh nhân. Ai có lòng, thì trả ơn chùa bằng việc năng lên chùa dọn dẹp, đọc kinh niệm phật, hay cúng dường dăm bảy cành hoa mẫu đơn, hoa vạn thọ, đĩa trái cây tươi hái trong vườn nhà để thắp hương ngày tuần.

Năm ấy, trời rét cắt thịt. Mấy cành đào sắt lại vì lạnh giá. Đêm giữa tháng Chạp, có người phụ nữ lớn tuổi từ trong làng hốt hoảng vào chùa. Chị gái của bà, cũng là Phật tử của nhà chùa, lên cơn cảm hàn, đau bụng dữ dội, trước nay vẫn dùng thuốc sắc của chùa, thấy công hiệu. Năm hết Tết đến bệnh lại tái phát, nhà nghèo không biết kêu đâu, dùng thuốc Tây cũng không quen, nên đến chùa xin thuốc. Sư Tuệ Mẫn nghe vậy, bèn kêu bà vãi Khuê trông chùa, mình với tiểu Chính đến nhà con bệnh.

Nhà người bệnh nằm cuối làng, giáp với cánh đồng, vắng người qua lại. Căn nhà ngói đơn sơ, phảng phất mùi hoa thơm nồng ngát trong gió lạnh. Con bệnh nằm trên giường, cơn đau khiến mặt bà tái dại. Ban thờ Phật sáng lấp lánh ánh nến. Bài kinh Pháp Hoa thâu trong chiếc đài radio nhỏ vang lên trầm mặc. Sư Tuệ Mẫn bắt mạch, rồi bảo người em gái đem thuốc sắc. Người bệnh uống thuốc được một lát, tuy điệu bộ vẫn còn mệt mỏi, nhưng sắc diện đã không còn xanh xao nữa. Trước khi về chùa, sư lưu lại uống chèn trà nóng. Nhân hỏi chuyện, mới biết chồng bệnh nhân mất sớm, cô con gái duy nhất đi học xa, chưa kịp về nghỉ Tết với mẹ.

Mùa xuân năm thứ ba sư Tuệ Mẫn về chùa Nam Thiên, trời ấm lắm. Cuối tháng 11 Âm lịch, hoa đào đã nở rộ, bung hết cánh. Đến sáng 29 Tết, hoa rụng gần hết. "Thầy ơi, năm nay không có đào cắm trên ban thờ Phật rồi", tiểu Chính thất vọng nhìn những cành đào trơ khấc chỉ còn vài bông hoa lưa thưa. Năm nào, vào đêm ba mươi, chùa Nam Thiên cũng đều cắt một cành đào rất nhỏ, cắm vào chiếc bình sứ cổ màu trắng để trên ban thờ, rồi mới thắp hương giao thừa. Lâu dần, nếp ấy trở thành một nghi lễ. Năm nay, khắp vùng, đào đều tàn sớm, chẳng mua được ở đâu, nên lệ ấy phải bỏ.

Chiều 29, sư Tuệ Mẫn đang ngồi lặng lẽ đọc kinh trong phòng, nghe bên ngoài sân tiếng tiểu Chính reo rối rít: "A, hoa đào. Chị Lê kiếm đâu ra cành hoa còn nguyên nụ hàm tiếu thế này". Giọng con gái thanh thanh cất lên: "Nhà tôi có người từ trên miền ngược về mang biếu. Trên đó trời lạnh, đào nở muộn. Mẹ tôi sai tôi mang cành đào này đến cúng dường". Tiếng guốc của bà vãi Khuê loẹt quẹt trên sân gạch nghe như tiếng phách rộn ràng. "Quý hóa quá! Cô Lê hẵng ngồi uống nước đã".

Sư Tuệ Mẫn khẽ gấp cuốn sách, đặt mục kính xuống rồi bước ra sân. Thấy cành đào phai nhỏ nhắn, duyên dáng trên tay bà vãi Khuê, lòng nhà sư cũng rạng rỡ. Nghe tiếng bước chân rất nhẹ của sư trụ trì, cô gái quay đầu lại, theo lẽ thường chắp tay định vái chào. Bất chợt, đôi mắt to tròn của cô khẽ dừng lại vài giây trên khuôn mặt cương nghị và tuấn tú của nhà sư trẻ, rồi cúi xuống rất nhanh. Lúc này, sư Tuệ Mẫn cũng chợt nhận ra cô rất xinh trong chiếc áo len màu nâu và chiếc khăn quàng đỏ thắm. Khuôn mặt thanh thuần, có chiếc mũi nhỏ hơi hếch lên vừa dễ thương, vừa tinh nghịch. Chút xao động trần tục khiến đôi mắt nhà sư thoáng bối rối.

"Bạch thầy. Mẹ con dặn con đem biếu nhà chùa cành đào để cắm bình trưng Tết".

"Nhà chùa cảm ơn gia đình ta. Chẳng hay cô ở làng nào mà hiện thời tôi chưa nhận ra".

"Thưa thầy" - bà vãi Khuê đỡ lời - "Đây là cô Lê, con bà Thu ở cuối làng, đang học trên thành phố. Cô ấy có đến chùa một vài lần nấu cơm chay, dọn vườn. Chẳng qua thầy chưa gặp nên không nhớ đấy thôi".

Sư Tuệ Mẫn chợt à lên khe khẽ. Bà Thu chính là Phật tử nghèo mà sư đến bắt mạch trong đêm năm ngoái. Hóa ra, người con gái duy nhất đang đi học của bà ấy là cô gái này. Trời đã sẫm tối, mùi nhang đâu đó vắt vẻo trong không khí. Lê chào sư Tuệ Mẫn và bà vãi Khuê rồi về. Nhà sư trẻ hướng mắt nhìn theo chiếc khăn đỏ ra tới ngoài cổng chùa, rồi mới lặng lẽ trở về phòng. Đêm ấy, tiếng gõ mõ tụng kinh có đôi nhịp lạc. Bà vãi Khuê ngồi vê tràng hạt bên khung cửa sổ, khẽ giật mình.

Năm ấy là năm cuối đại học, Lê về quê thực tập ở trường cấp II trong xã. Vì vậy, cứ thứ 7, chủ nhật, cô lại cùng mẹ và mấy bà phật tử già trong làng lên chăm sóc vườn thuốc nam. Lê có giọng nói đặc biệt, nghe như tiếng kim khánh, nhẹ và trong veo. Mỗi khi nghe giọng nói ấy ríu rít ngoài vườn, hay trong căn bếp nấu đồ chay nghi ngút khói của chùa, sư Tuệ Mẫn đã không còn cảm thấy lòng mình thanh tịnh như trước nữa. Cái cảm giác chộn rộn khi gặp Lê khiến nhà sư vừa hạnh phúc, vừa khổ đau. Ban đầu, sư cố tỏ ra bình thản, xem như không có chuyện gì. Nhưng một ngày, sư sợ hãi nhận ra, mình đang mong nhớ cô gái xinh đẹp có nụ cười rất hiền ấy. Đôi lần, trái tim Tuệ Mẫn như ngừng đập, khi bắt gặp ánh mắt Lê giao nhau với ánh mắt mình...

"Tội lỗi. Mình thật là tội lỗi". Tuệ Mẫn tự dằn vặt mình mỗi khi ý nghĩ về cô gái trẻ ào về trong buổi đêm, xâm chiếm đầu óc rồi lan ra thân xác. Đêm cuối xuân, trời vẫn còn rất lạnh, vãi Khuê nghe thấy tiếng nước ào ào ngoài khuôn viên chùa. Bà khẽ lần cửa. Trong ánh sáng mờ ảo của mảnh trăng lưỡi liềm, bà nhận ra sư Tuệ Mẫn đang vục từng gầu nước lạnh dội lên mình. Bộ áo nâu ướt đẫm. Lòng bà nhói đau.

Hôm sau, sư Tuệ Mẫn lên cơn nóng lạnh. Cơn sốt khiến nhà sư nằm ly bì mấy ngày trên giường. Bệnh nhà sư đã bớt, tiểu Chính bê lên tô cháo nấm nấu chay nóng hổi. Khi nhấm nháp thìa chào đầu tiên, nhà sư khẽ hỏi: "Tiểu Chính, ai nấu cháo này cho thầy, có phải vãi Khuê không?". Tiểu Chính hồn nhiên: "Dạ, thưa thầy không ạ. Chị Lê nghe tin thầy ốm nên nấu cháo rồi bảo con mang lên cho thầy từ sớm". Sư Tuệ Mẫn để chiếc thìa con xuống, cố ngăn niềm hân hoan chợt đến. Vị cháo chay ngọt ngào nơi đầu lưỡi, xua đi cái vị đắng sít trong cổ họng của người đang ốm nặng.

Cuối tháng tư, Lê lên chùa tìm sư Tuệ Mẫn. Hai người thong dong dạo trong vườn chùa vắng lặng. "Thầy ơi, Lê thực tập xong rồi. Ngày mai Lê quay trở lại trường". Lê đã không còn xưng "con". Giọng cô trở nên tha thiết, và ánh mắt cô nhìn Tuệ Mẫn đăm đăm: "Lê sẽ nhớ… nhà chùa lắm".

Tuệ Mẫn nghe như cơn gió cuối xuân đang ào ào thổi trong lòng mình. Sư hiểu ánh mắt của Lê nói lên điều gì. Nhưng mà… Sư khẽ cúi mặt… Biết phải làm sao đây? Nhìn vào đôi mắt đẹp long lanh đã bắt đầu ngân ngấn nước của Lê, nhà sư muốn thả trôi tất cả thanh quy giới luật vào trong ấy. Ánh mắt Tuệ Mẫn thăm thẳm, khẽ đậu lên đôi má đang ửng dần của Lê.

"Thầy… có thể vì Lê mà hoàn tục không"? Câu hỏi của Lê thốt ra với biết bao nhiêu chất chứa ẩn ức, mà hẳn người con gái nhỏ bé ấy đã kìm giữ lâu rồi. Có thể vì Lê mà hoàn tục không ư? Sư Tuệ Mẫn thấy lòng mình chới với. Đúng lúc ấy, tiếng chuông buổi sáng ngân lên thánh thót.

"Trong đời này, ý muốn thoáng qua thì nhiều, còn nhân duyên thực sự thì ít. Phật ở trong tâm con, không phải trên màu áo tu hành".

Lời bổn sư phụ Tuệ Nhẫn vọng lên trong tâm tưởng Tuệ Mẫn. Ánh mắt Tuệ Mẫn nhìn Lê thật trìu mến, đoạn nhà sư quay lưng bước đi, để lại đằng sau câu nói nhẹ nhàng: "Cô Lê. Nhà chùa cảm ơn tấm lòng của cô. Cô lên thành phố bảo trọng nhé". Bà vãi Khuê đứng từ xa quan sát hai người, đôi mắt lênh loang nước.

Mấy hôm sau, vãi Khuê rời chùa mà không nói trước một lời. Bà chỉ để lại chiếc bọc nhỏ màu lam. Khi sư Tuệ Mẫn mở ra, trái tim ngài khẽ thắt lại. Bên trong có một chiếc vòng màu bạc và một lá thư tay. Chiếc vòng bạc giống hệt chiếc vòng mà Tuệ Mẫn bao năm vẫn giữ bên mình, mặt bên trong khắc nửa vầng trăng rất đẹp.

"Sư thầy! Người đàn bà nhỡ độ đường ghé chùa này trong đêm mưa của hơn ba mươi năm năm trước là ta. Ta đã phạm một sai lầm duy nhất trong đời này, khi trót yêu nhà sư ra mở cửa cho ta ngay trong phút giây đầu gặp gỡ. Chúng ta vì yêu mà phạm vào sắc giới. Ta bỏ đi khi cái thai hoài hình trong bụng mình. Đứa trẻ ấy được để lại trong ngôi chùa bên kia núi, rồi, như một nhân duyên, lại trở lại ngôi chùa này làm trụ trì. Ba mươi mấy năm qua, người mẹ tội lỗi vẫn luôn dõi theo nó, lúc ở xa, khi ở gần. Mong nó hãy tu hành trọn đạo, thay mẹ cha chuộc lại lỗi lầm năm xưa…"

Sư Tuệ Mẫn gấp trang thư lại, nước mắt nhòa đi. Hai chiếc lắc bạc trên tay sáng lấp loáng. Ngoài sân, mùi quả đào non tơ phả vào buổi sớm cửa thiền hương thơm dìu dịu.

Mùa xuân năm nay, đã gần hai năm kể từ khi bà vãi Khuê ra đi, cây đào cổ thụ góc sân chùa Nam Thiên lại nở hoa rực rỡ. Tết xong, hoa mãn khai, sắc hồng tươi thắm mà tao nhã. Như lệ thường, sư Tuệ Mẫn sai tiểu Chính mang ghế tre ra sân ngồi thưởng hoa uống trà. Có tiếng đàn hát rộn ràng cuối làng vọng vào.

"Tiếng hát ở đâu thế nhỉ", sư Mẫn nâng chén trà, khẽ hỏi. Tiểu Chính mắt đen lay láy tủm tỉm cười: "Hôm nay đám cưới chị Lê thầy ạ. Chị ấy lấy chồng trên phố".

Lại một ngọn gió thổi ào qua lòng sư Tuệ Mẫn. Hoa đào rơi tan tác. Sư nhìn tiểu Chính, im lặng rất lâu. Mãi sau, sư khẽ hỏi: "Này, con có nhớ mấy năm trước thầy hỏi con về chuyện của thiền sư Linh Vân không". "Dạ nhớ". "Thật ra, ta nghĩ không phải nhờ có hoa đào rơi mà ngài ngộ ra chân đạo. Mà kỳ thực, trong lòng ngài, chân đạo đã đến từ trước đó rồi. Hoa rơi, chỉ là cái cớ mà thôi". Tiểu Chính vẫn mở đôi mắt to đen láy, chừng như không hiểu, mà cũng chừng như đã hiểu rồi.

Phía trên, những đóa hoa xuân vẫn rung rinh trong gió dịu dàng…


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận