TTV Podcast: Mối tình chàng Lung mù | Từ Nguyên Tĩnh
Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe truyện ngắn “Mối tình chàng Lung mù” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua giọng đọc của Huyền Linh
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh tên thật là Lê Văn Tĩnh. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang (nay là xã Xuân Sinh), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.Ông tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là Nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh.
Ông là tác giả của hơn 20 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, ký và thơ. Tiêu biểu như: Ký sự 2 tập Hàm Rồng …ngày ấy (viết chung cùng nhà văn Lê Xuân Giang); Mối tình chàng Lung mù, Gã nhà quê, Mảnh vụ chiến tranh, Không thành người lớn, Mùa yêu đương, Trường ca Hàm Rồng, Người tình của cha, Kiếp cầm ca, Con thuyền mồ côi, Cõi người, Chuyện lạ trên núi mắt Rồng, Truyền thuyết sông Thu Bồn, Đời côi cút….Với số lượng tác phẩm nhiều như vậy đủ để khẳng định, Từ Nguyên Tĩnh không chỉ là nhà văn tầm cỡ xứ Thanh mà còn xứng đáng là cây bút có tên tuổi trong giới văn đàn cả nước.
"Mối tình chàng Lung mù" là một truyện ngắn hay và chua xót. Truyện ngắn cho thấy nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã "nhìn vào cuộc đời thật, luôn khắc khoải không yên cho số phận đầy trắc trở của con người". "Mối tình chàng Lung mù" là chuyện cọc cạch về nồi tròn úp vung méo. Truyện kể về cô thanh niên xung phong xinh đẹp nhưng chẳng may "đã rồi" với một khẩu đội trưởng đẹp trai vừa hy sinh ở trận địa. Cô thanh niên xung phong ấy sinh được 1 bé trai, mới hết ngày ở cữ lại cũng rời ra cõi đời sau một trận bom của giặc Mỹ. Trước khi mất, cô đã ôm chàng Lung mù gửi con cho anh và nói lời trăng trối "Trời và anh thương mẹ con em…". Vậy là, chàng Lung mù trở thành cha của cậu bé trai tội nghiệp. Hòa bình lập lại, Lung mù dẫn con hát rong trên những chuyến tàu…để mưu sinh. Chàng Lung mù vẫn luôn đau đáu tìm lại họ hàng, người thân của cha đứa bé. Đọc truyên, người ta thấp thỏm không yên về những số phận thời hậu chiến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.