Nhà văn Đào Hữu Phương là Hội viên Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Hiện ông đang sinh sống tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, truyện dài có giá trị, tiêu biểu như: Những người bạn chí thân, Chuyện nơi phố nhỏ, Chiếc cối xay thần, Mèo hoang, Con sáo nâu, Báu vật trở về, Thành hoàng quê ngoại, Truyền thuyết trong mây, Con nuôi ngựa thần, Chuyên án cuối năm, Màu nắng, Tiếng vọng rừng xanh, Vọng phu hai mặt.
"Chuyện nhà" là truyện ngắn xoay quanh câu chuyện tình yêu của 3 nhân vật Chiến, Lan và Đông. Đông yêu Lan say đắm, còn người chị yêu lại không phải là anh mà là Chiến. Nhưng rồi Chiến đi bộ đội, Lan ở nhà nhận được tin anh đã hy sinh. Vì có ơn với gia đình Đông nên Lan nên duyên chồng vợ cùng Đông. Liệu lấy Đông, Lan có hạnh phúc không? Và, khi Chiến không hy sinh mà lại trở về làng, Chiến và Lan có nối lại tình xưa không? Mời quí vị và các bạn cùng nghe truyện ngắn "Chuyện nhà" của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc của An Thư
***
Cầm trong tay cái giấy mời lĩnh bưu phẩm tôi cứ phân vân. Hẳn có sự nhầm lẫn gì đây chứ tôi có quen ai ở Đăk-Lăk. Quen thân đến độ gửi quà như thế này lại càng không có. Hay là họ? Không thể được! Anh Chiến nhập ngũ, huấn luyện xong là vào thẳng chiến trường biên giới Tây Nam rồi sang Căm-pu-chia trong đoàn quân tình nguyện. Điểm đến của họ chỉ có thể là vùng đất ấy. Vả lại hôm lên tàu anh cũng chẳng đã nói với tôi là vào An Giang đấy sao? Tôi tìm bưu tá xã định gửi lại cái giấy mời, nhưng ông gạt đi:
- Cậu cứ cầm chứng minh thư xuống Bưu điện xem, chắc là không có sự nhầm lẫn gì đâu.
Ông bưu tá xã đã nói đúng. Gói bưu phẩm nặng ba ki lô đúng là gửi cho tôi. Và thật bất ngờ, người gửi lại chính là anh: Lê Văn Chiến. Làm xong thủ tục trả bưu phẩm cho tôi, cô nhân viên Bưu điện bảo:
- Chúng tôi vừa mới nhận được số tiền hai triệu đồng, cũng của Lê Văn Chiến gửi từ Đăk-Lăk cho anh. Sáng mai mời anh xuống lĩnh.
Tôi lao vội về nhà, hồi hộp mở bưu phẩm ra xem. Bưu phầm gồm một bịch cà phê bột kèm một phong bì để ngỏ. Trong phong bì ngoài thư còn một tấm ảnh màu chụp hai vợ chồng và một bé trai chừng năm, sáu tuổi đứng trước ngôi nhà mái bằng khá đẹp. Bao quanh ngôi nhà là vườn cà phê sai trĩu quả. Thư viết:
"Đăk -Lăk, ngày…
Cậu Giang! Cho phép vợ chồng tôi được gọi như vậy cho thân mật. Ngày bỏ làng ra đi chúng tôi định vào An Giang, vùng đất tôi đã có thời gian chiến đấu và an dưỡng trước ngày ra quân. Dự định thế chứ cũng chưa biết vào đấy rồi sẽ sống bằng cách nào. Nhưng trên tàu hôm ấy may sao tôi lại gặp một người bạn là đồng đội cũ. Anh đưa vợ mới cưới vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thế là chúng tôi quyết định xuống ga Nha Trang để lên Đăk-Lăk trồng cà phê cùng họ. Sau hơn sáu năm bây giờ chúng tôi đã có cuộc sống ổn định, đầy đủ và rất hạnh phúc. Cháu Việt Anh đã gần sáu tuổi, năm học tới sẽ vào lớp một. Chúng tôi vẫn cứ chùng chình chưa dám về quê vì làng mình phong tục còn nặng nề lắm, nhất là định kiến với những cặp vợ chồng bất hợp pháp như chúng tôi. Cùng với món quà nhỏ này tôi gửi cậu hai triệu đồng để chi phí đi đường. Mong cậu thu xếp vào thăm chúng tôi một chuyến, Chỉ khi nào gặp cậu, nắm sơ qua tình hình rồi chúng tôi mới quyết định có về thăm quê hay không.
Chúc cậu luôn vui, mạnh.
Chiến, Lan."
Tôi thở phào như trút được gánh nặng. Vậy là sau hơn sáu năm gần như biệt tích bây giờ họ mới xuất hiện. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ chắc đã có chuyện gì xảy ra nơi họ đến, hoặc do cuộc sống không được thuận buồm xuôi gió lắm nên họ mới không thư từ liên lạc về quê. Mẹ và em trai chị Lan sau đó mấy tháng đã được vợ chồng người chị cả đón sang Lương Ngọc. Anh Đông tôi hai năm sau cũng đã trở về, kết thúc hợp đồng lao động trước thời hạn vì tình hình Liên Xô có nhiều bất ổn. Anh không tiếc, chỉ hậm hực vì cái ý định trả thù chị Lan đã không thực hiện được. Anh đã làm đúng như dự định viết trong thư gửi cho tôi: Lên phố mua đất làm nhà rồi cưới chị Hòa. Đám cưới rất to. Vợ chồng anh sống trong sự giàu sang nhưng hình như không mấy hạnh phúc. Bác tôi làm chủ nhiệm hợp tác xã thêm một nhiệm kì nữa rồi cũng nghỉ. Tôi đi học một lớp Trung cấp Địa chính về làm chuyên môn ở xã. Sắp tới sẽ cưới vợ. Tôi có ý định xin đất làm nhà ở riêng, nhưng hai bác khuyên tôi nên ở chung cùng họ vì từ ngày lấy nhau đến giờ vợ chồng anh Đông không mấy đoái hoài đến bố mẹ. Việc này tôi sẽ quyết định sau. Trước mắt có dễ ăn tết xong tôi phải thu xếp vào Tây Nguyên ít ngày thăm họ một chuyến.
Quê tôi ở bên bờ hữu ngạn sông Chu. Con sông mùa khô nước cạn rặc, nhiều chỗ chỉ còn lại những cái lạch nhỏ, trẻ con cũng xắn quần lội qua được. Nhưng mùa mưa nước nguồn đổ về dòng sông thật dữ dằn, người yếu bóng vía chỉ đứng nhìn dòng nước chảy thôi cũng thấy chóng mặt. Khúc sông chảy qua làng tôi một bên thì bồi, một bên thì lở. Làng tôi nằm bên lở, bờ sông nhiều nơi dựng đứng như bức tường thành, nham nhở rễ cây và gạch đá, vết tích của những cái móng nhà đã bị xói lở. Cha tôi hi sinh lúc tôi chưa đầy một tuổi. Mấy năm sau mẹ tôi mắc bạo bệnh cũng qua đời. Tôi được người bác đưa về cưu mang nuôi nấng. Bác tôi làm phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm hợp tác xã mấy khóa liền, nhà lại ít người nên mức sống khá đầy đủ. Anh Đông, anh họ tôi hơn tôi sáu tuổi, là con trai độc nhất nên thuộc diện không phải làm nghĩa vụ quân sự, nhưng sức học của anh rất kém. Hết cấp ba anh không thi đỗ vào một trường đại học nào. Bác tôi chọn cho anh con đường xuất khẩu lao động. Trước ngày sang Liên Xô ít tháng anh đã kịp cưới vợ. Chị dâu tôi tên Lan, là một thôn nữ nết na, xinh đẹp. Anh chị thật xứng đôi. Nhưng những gì tôi biết thì cuộc hôn nhân ấy hình như có điều gì gượng ép. Từ hồi còn đi học anh Đông đã yêu chị Lan say đắm, còn người chị yêu lại không phải là anh mà là anh Chiến. Anh Chiến bằng tuổi anh Đông, người cùng làng, học cùng lớp. Anh học giỏi, đã thi đỗ trường Đại học Nông nghiệp nhưng nhà nghèo, không có khả năng theo học. Cùng năm ấy gặp đợt tuyển quân anh ghi tên nhập ngũ rồi trở thành chiến sĩ tình nguyện ở Căm-pu-chia. Sáu tháng trước ngày chị Lan lấy chồng có tin anh hi sinh, còn hoàn cảnh gia đình chị Lan lúc ấy cũng rất khó khăn, Suốt mấy năm liền vụ nào nhà chị cũng nợ sản hợp tác xã, lại thêm việc khu đất đang ở bị lở vào đến sân nên mẹ chị phải nhờ cậy sự giúp đỡ của ban quản trị, mà thực ra là nhờ cậy bác tôi để được cấp đất dựng nhà và khoanh nợ. Người ta bàn tán việc chị chấp nhận lấy anh Đông là làm theo ý nguyện của mẹ để trả cái ơn lớn ấy. Vì vậy mà trong lễ cưới và sau này khi đã là thành viên trong gia đình tôi thấy chị lúc nào cũng buồn. Anh Đông, ngược lại với suy nghĩ của mọi người, khi đã đạt nguyện vọng cưới được người mình mất bao năm theo đuổi hẳn sẽ rất lấy làm mãn nguyện thì lại có thái độ khá thờ ơ, lạnh nhạt. Anh không mấy mặn mà với vợ, thậm chí đêm đêm còn bỏ lên phố đi chơi, nhiều hôm khuya mới về, gọi cửa rồi chui vào giường tôi ngủ. Bác gái tỏ ra rất sốt ruột. Có lần bác gọi anh hỏi: "Con cứ ham mê chơi bời như vậy thì liệu bao giờ mẹ mới có cháu bế?" Anh cười hì hì: "Mẹ cứ lo. Bọn con còn trẻ, con cái sớm làm gì cho bận chân bận cẳng. Con đi xuất khẩu lao động, kiếm ít vốn làm ăn, về rồi đẻ cũng được!" Nghe anh nói thế bác tôi chỉ thở dài.
Sang Liên Xô được ít tuần, ổn định công việc anh đã có thư về. Thư viết dài, kể chuyện nước người, hỏi thăm và chúc sức khỏe tất cả bạn bè là cán bộ của bác trai từ hợp tác xã lên xã, thăm tất cả họ hàng nội ngoại, chỉ có chị Lan là không thấy anh nhắc đến. Tôi nghĩ chắc anh đã có thư riêng cho vợ nhưng vì một lí do nào đấy thư chưa về kịp, bởi tôi cũng được anh viết cho một lá thư, chỉ khác là thư của tôi được gửi chung phong bì với xấp thư của gia đinh.
Chờ thêm ít hôm không thấy gì chị Lan buồn lắm. Bác gái tôi thì luôn miệng trách: "Cái thằng thật đoãng!" Rồi bác an ủi chị: "Chắc là nó viết riêng cho con nhưng quên không bỏ vào phong bì, chứ lẽ nào đến thằng Giang nó còn có thư nữa là con."
Tôi thấy chị Lan khẽ cười rồi lặng lẽ đi tìm việc làm.
Cái thư anh Đông viết riêng cho tôi chỉ dài hơn nửa trang giấy. Hỏi sơ qua đôi điều lúc ở nhà hai anh em vẫn thường quan tâm và chốt lại một câu: "Có nhiều chuyện cần tâm sự với em nhưng bận quá chưa viết được. Thư sau anh sẽ nói cụ thể." Tôi cố đoán mà không nghĩ ra điều anh định nói là gì nên từ hôm ấy ngày nào cũng phấp phỏng ngóng chờ thư anh.
Một tháng sau mới có thư về. Lần này tên người nhận ngoài phong bì là tôi. Tôi linh cảm có điều gì đấy rất nghiêm trọng nên tìm chỗ vắng bóc thư xem luôn. Đúng là có chuyện nghiêm trọng thật. Trong lá thư dài ba trang giấy anh giải thích lí do vì sao từ ngày cưới nhau anh và chị Lan chưa hề làm "chuyện ấy". Theo anh việc chị Lan từ chối tình yêu của anh và quyết tâm chờ đợi anh Chiến đã làm anh bị xúc phạm và bẽ mặt với bạn bè. "Nó đã vượt quá sức chịu đựng của anh". Chị Lan nhận lời lấy anh, đồng ý để bố mẹ anh đến nhà ăn hỏi và tổ chức lễ cưới là do hoàn cảnh gia đình quá bức bách và lúc ấy trong làng đã có tin anh Chiến hi sinh. Tóm lại anh chấp nhận cưới chị chỉ để làm một viêc duy nhất là trả mối hận tình ấy. Còn "mục tiêu" mới của anh bây giờ là chị Hòa thợ may trên phố, nơi anh thường xuyên lui tới mỗi đêm từ sau ngày cưới cho đến lúc lên đường sang Liên Xô. Anh bảo: "Việc chị Lan bây giờ cứ "treo" đấy, khi nào chán sẽ phải tự bỏ về chứ anh không chủ động li dị. Ta sẽ làm cho nàng khốn đốn, cuộc đời nàng sẽ không có mùa xuân!" Ba năm nữa, hết thời gian lao động trở về anh sẽ lên phố mua đất làm nhà và cưới chị Hòa. Đó mới là mối tình đích thực của anh.
Đọc thư anh tôi thật sự bàng hoàng. Không ngờ anh lại có suy nghĩ và kiểu trả thù vợ mới cưới của mình kì quái như vậy. Trước nay tôi rất nể trọng và thương chị Lan, bây giờ tôi càng thương chị hơn. Liệu chị có biết mình đang là nạn nhân của một âm mưu? Để thoát khỏi cái gia đình này chắc chắn chị chỉ còn nước khăn gói bỏ về nhà mẹ đẻ, cũng tức là chuốc lấy cái tiếng gái bỏ chồng. Đấy là điều chưa bao giờ xảy ra ở làng tôi. Rồi chị sẽ rất khó lấy chồng, sẽ không một chàng trai nào tin suốt mấy tháng trời chung sống với anh Đông chị vẫn chưa một lần làm vợ.
Cả nhà không ai hay biết ý định của anh Đông. Bác trai tôi do yêu cầu của công việc hợp tác xã rất ít bữa ăn cơm với gia đinh. Chị Lan vẫn cần cù thức khuya dậy sớm, hết việc đồng lại việc nhà, lúc nào cũng luôn tay. Bác gái tôi thường xuyên nhắc chị giữ gìn sức khỏe và động viên chị cố gắng chờ đợi anh Đông trong thời gian anh lao động ở nước người.
Làng tôi những năm nửa sau thập niên tám mươi lúc nào cũng như cái nồi nước sôi bị đậy vung chật. Các khoản đóng góp quá nhiều và quá cao đã khiến nhiều nhà lao đao, cuối vụ không đủ tiền nộp sản, Không khí bất bình diễn ra ở khắp mọi nơi. Đúng lúc ấy trong làng xảy ra một sự kiện quan trọng: Liệt sĩ Lê Văn Chiến trở về với cái ba lô lép kẹp và một bên chân giả. Thì ra tin anh hi sinh chỉ đúng một phần. Trong một trận truy kích bọn Khơ me đỏ anh bị lạc rừng và đạp phải mìn dập nát cả bàn chân trái. Anh nằm mê man bất tỉnh giữa rừng già Căm-pu-chia gần một ngày, sau đó tỉnh dậy mới tự băng bó vết thương và lần tìm đường về đơn vị. Nhưng càng đi anh càng bị lạc sâu vào rừng. Khi đã kiệt sức, may sao có mấy người dân bản địa đi lấy mật ong nhìn thấy. Họ đưa anh về phum chăm sóc, chữa chạy. Gần ba tháng sau vết thương mới thành sẹo và cũng phải mất hai tháng nữa sức khỏe anh mới hồi phục. Cả phum chỉ có mấy nóc nhà và tất cả cư dân ở đây đều là những người mắc bệnh cùi. Họ bị gom từ nhiều nơi về đây sống biệt lập từ trước thời Khơ me đỏ lên nắm quyền nên may mắn thoát khỏi họa diệt chủng. Anh ở lại trong phum cùng làm nương, hái lượm và chung sống với những người dân Căm-pu-chia bất hạnh và tốt bụng ấy…Sáu tháng sau, nhờ sự giúp đỡ của họ anh mới bắt được liên lạc với đơn vị và được đưa về nước. Sau một thời gian an dưỡng anh được giải quyết chế độ thương binh và được ra quân.
Việc anh Chiến trở về mang lại niềm vui lớn không chỉ cho gia đình mà cả làng ai cũng mừng. Nhưng điều người ta bàn tán nhiều lại là chuyện của anh và chị Lan. Bởi trước đây trong làng không ít người, nhất là đám thanh niên biết mối tình tay ba giữa anh, chị Lan và anh Đông. Nhưng có lẽ người quan tâm đến sự kiện này nhiều hơn cả là hai bác tôi, đặc biệt là bác gái. Tôi thấy hình như từ hôm anh Chiến về làng rất ít khi bác sai chị Lan làm những việc trước nay chị vẫn làm như đi chợ hoặc lên phố mua hàng. Thành thử suốt ngày chỉ thấy chị quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn. Nhận xét này của tôi đã được khẳng định. Một hôm bác sai tôi ra vườn bắt lụy cho mấy gốc cam rồi theo luôn ra chỗ tôi làm nói nhỏ:
- Này Giang, bác dặn cháu việc này. Mày có nghe làng xóm người ta đàm tiếu chuyện anh Chiến với chị Lan và anh Đông ngày xưa không? Anh mày giờ đang làm lụng cực nhọc ở xứ người, bây giờ anh Chiến về, mày đi đâu, làm gì cũng phải để mắt đến chị Lan giúp bác nghe chưa? Người ta bảo tình cũ không rủ cũng đến. Để xảy ra chuyện gì vừa mang tiếng, vừa có tội với anh mày đấy.
Thế là từ hôm ấy tôi được bác giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát chị dâu mình. Trừ thời gian ngày một buổi đến trường, tôi gần như không phải làm gì ngoài việc hễ chị Lan ra khỏi nhà, đi đâu, làm gì tôi đều phải đi theo với lí do giúp chị làm tốt công việc ấy, thực ra là để ngăn ngừa khả năng chị đến nhà anh Chiến hoặc hai người có thể gặp nhau nói chuyện giữa đường. Hình như chị Lan cũng đã nhận ra điều ấy, nhưng mỗi lần như vậy chị chỉ nhìn tôi cười buồn. Rồi một hôm chị hỏi khẽ tôi:
- Giang mà cũng không tin chị à?
Tôi đỏ mặt, thật sự lúng túng trước câu hỏi của chị.
Đêm ấy tôi không sao ngủ được. Tôi nhớ lại ánh mắt lúc chiều khi chị nhìn tôi. Có cái gì đấy như oán trách tôi đang là kẻ đồng lõa để giam cầm tình duyên của chị. Và tôi cũng đã nhận ra sự vô lí trong việc làm của mình. Thà như tôi không biết những khúc mắc trong chuyện tình cảm giữa anh Đông và chị Lan thì thôi, đằng này…anh Đông có yêu chị đâu, thậm chí anh còn coi chị như kẻ thù đáng phải trừng phạt nữa là khác. Anh đã có người tinh mới. Còn chị Lan, một hai năm nữa khi anh Đông trở về chắc chắn chị sẽ phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã: Bị chồng bỏ rơi trong sự ghẻ lạnh. Lúc ấy chị chỉ còn nước khăn gói trở về với mẹ đẻ. Thà như anh Chiến đã hi sinh thật, đằng này anh đã trở về. Tại sao hai con người khốn khổ ấy lại không thể gặp nhau, thậm chí nối lại mối tình đã bị gián đọan ngày xưa? Tôi có lí do gì để ngăn trở họ. Và tôi đi đến quyết định sẽ tạo điều kiện để chị Lan và anh Chiến có thể gặp nhau trò chuyện nếu họ muốn. Rồi cơ hội để tôi thực hiện ý định của mình đã đến. Mẹ chị Lan ốm nặng, chị xin phép hai bác tôi về chăm sóc mẹ một buổi. Bác gái lấy cân đường, hộp sữa bảo tôi đi cùng chị và dặn chiều cả hai bác sẽ đến thăm bà sau.
Tôi cùng chị về nhà mẹ đẻ. Vào nhà thấy bên giường người ốm chỉ có mình anh Chiến đang ngồi nói chuyện và pha sữa cho bà. Thời cơ thuận lợi đã đến. Tôi đặt gói quà, chuyển lời hai bác dặn rồi xin chị Lan cho mình và thằng Quân lên phố xem đá bóng. Cũng không đợi chị trả lời, tôi kéo thằng em chị chạy biến khỏi nhà luôn.
Cái gì phải đến rồi sẽ đến. Chuyện động trời cuối cùng cũng đã xảy ra. Chị Lan và anh Chiến đã bỏ làng trốn đi. Thời điểm họ ra đi khá bất ngờ. Đó là vào ngày cả làng tập trung đại hội hợp tác xã. Anh Chiến trước đó đã được đề cử vào danh sách bầu ban quản trị. Không ai nghĩ anh lại bỏ làng ra đi khi tương lai sẽ là một phó chủ nhiệm. Còn chị Lan người ta càng xì xào bàn tán nhiều hơn vì bỗng chốc một con người nết na, một nàng dâu hiền thảo như chị lại bỏ chồng để theo người tình cũ. Nguyên nhân họ quyết định bỏ làng đưa nhau đi lập nghiệp ở một vùng đất mới chỉ có mình tôi biết và chắc chắn chỉ có mình tôi hiểu và thông cảm với họ. Họ đón và lên xe ở đâu, lúc nào cả làng không ai hay biết. Tin do một thương nhân trên phố nói lại là thoáng gặp hai người ở ga Thanh Hóa lúc trưa. Thông tin này mãi năm giờ chiều bác trai tôi mới biết. Từ hội trường hợp tác xã trở về, miệng còn đầy hơi rượu, bác gọi bác gái và tôi lại nói:
- Khốn nạn thật! Thằng Chiến và con Lan quắp nhau bỏ trốn rồi. Có người gặp hai đứa ở ga Thanh Hóa. Chắc là chúng nó sẽ lấy vé tàu đi Nam.
Bác gái tôi lặng đi vì sửng sốt:
- Trời đất! Vậy mà tôi cứ nghĩ cả ngày hôm nay con Lan ở ngoài hội trường giúp các ông nấu nướng dọn dẹp? Bác quay ra chì chiết bác trai - Tôi đã nói ông có nghe đâu. Tình cũ không rủ cũng đến. Con mình thì ở xa, làm sao mà giữ được? Gìơ thì vừa mất người lại mang tiếng với làng xã. Nhục ơi là nhục!
Bác trai móc ví đưa cho tôi tờ một trăm đồng, bảo:
- Tối nay có cuộc họp quan trọng để phân công ban quản trị bác không thể vắng mặt được. Cháu lên phố đón xe xuống ga tìm, nếu thấy thì ngăn không cho chúng nó lên tàu hoặc báo công an giữ lại. Sáng sớm bác sẽ xuống sau.
- Bắt được chúng nó ông định xử thế nào? Bác gái hỏi.
- Đến nước này thì cũng khó mà giữ. Nhưng bằng mọi giá phải lôi được con Lan về để làm cho ra nhẽ rồi trả lại cho mẹ nó. Thật là một lũ vô ơn. Mình đã phải chịu bao điều tiếng để tìm cách xóa nợ và cấp đất làm nhà cho mẹ con nó mà giờ nó lại xử xự với mình như vậy. Bác trai nói một hồi rồi lại giường nằm vật ra thở.
Tôi về phòng chuẩn bị mấy thứ để đi. Sự việc xảy ra quá đột ngột nhưng không thật bất ngờ đối với tôi. Trong tôi lúc này vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì hai con người khốn khổ ấy họ đã tìm lại với nhau, theo tôi như vậy là hợp lí. Lo vì họ bỏ làng ra đi với đôi bàn tay trắng như vậy rồi sẽ sống ra sao. Anh Chiến nhà nghèo lại mới rời quân ngũ chắc tiền nong không có mấy. Còn chị Lan như chỗ tôi biết thì từ ngày bước chân về nhà chồng chị làm gì có được chút vốn riêng. Tiền nong trong nhà chi tiêu cái gì bác gái tôi đều quản lí cả. Tôi chợt nhớ đến số tiền mình để dành lâu nay. Hai ngàn đồng! Đó là một món tiền khá lớn đối với tôi. Tôi quyết định sẽ mang tất cả số tiền ấy cùng lá thư anh Đông gửi hồi trước cho tôi đi. Số tiền này sẽ có ích cho họ. Còn lá thư sẽ giúp họ hiểu rõ lòng dạ anh Đông mà xóa đi mặc cảm tội lỗi của mình.
Tôi đã đi kịp chuyến xe cuối cùng trong ngày nhưng cũng mãi mười gìơ tối mới về đến thị xã. Tôi bắt xe ôm tức tốc ra ga luôn. Sắp đến giờ đoàn tàu Thống Nhất vào ga đón khách. Tôi phải nói khó mãi người gác cổng mới cho vào và cũng đôn đáo mãi mới tìm thấy hai người. Họ giật mình như kẻ trộm bị bắt quả tang. Chị Lan nhìn tôi rồi nhìn ra xung quanh run run hỏi:
- Em…em xuống một mình hay cả bố mẹ chị cùng đi?
- Em đi chỉ có một mình. Sáng mai bác trai mới xuống. Anh chị định lên chuyến tàu đêm nay à?
Cả hai cùng gật đầu. Anh Chiến nhìn tôi nói:
- Tất cả là tại tôi. Lan không có lỗi gì cả. Chúng tôi yêu nhau, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác! Trong mắt anh vừa như có sự thanh minh vừa ánh lên vẻ cương quyết, sẵn sàng hành động nếu có người ngăn trở cuộc ra đi của mình. Từ xa đã vang lên tiếng còi tàu rồi đoàn tàu từ từ tiến vào sân ga. Thời gian không còn mấy. Tôi kéo chị Lan lại, dúi gói tiền và lá thư vào tay chị, nói:
- Anh chị cứ yên tâm mà đi. Chỗ tiền này là của em chị cầm lấy có thể sẽ phải dùng đến. Trong này có cả lá thư anh Đông gứi cho em. Nó sẽ giúp chị và anh Chiến hiểu mọi điều. Chúc anh chị hạnh phúc.
Chị Lan vụt ôm lấy tôi, òa khóc nức nở.
Tôi giúp họ chuyển số hành lí ít ỏi lên tàu. Anh Chiến đứng ở bực lên xuống nắm chặt tay tôi, xúc động nói:
- Cậu Giang! Suốt đời bọn tôi sẽ không quên ơn cậu.
- Anh chị định vào tỉnh nào trong ấy? Tôi hỏi vội.
- An Giang! Anh đáp sau cái giật đột ngột của đoàn tàu và tiếng bánh sắt rào rào nghiến trên đường ray...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.