TTV Podcast: Truyện ngắn "Kiếp phận" | Vũ Duy Hòa
Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Kiếp phận” của tác giả Vũ Duy Hòa qua giọng đọc của Huyền Linh!
Liên đứng lặng trên triền đê nhìn theo bóng Hân nhòa dần trong nước mắt, mặc cho gió thổi rối bời mái tóc dài đen mượt. Thế là anh ấy ra đi ngay sau đám cưới mấy ngày, khi hai người chưa kịp bén hơi nhau.
Mặc dù nhà nghèo, ăn mặc tuyềnh toàng nhưng Liên dịu dàng, nết na và duyên dáng nhất nhì làng Hạ nên có nhiều trai làng để ý.Vừa học xong lớp bảy thì bố mất, Liên nghỉ học ở nhà phụ với mẹ để nuôi các em nên Liên chưa nghĩ đến việc chồng con. Đột nhiên, một tối, mẹ gọi Liên rồi thủ thỉ:
- Con ạ, mẹ biết con thương mẹ, thương em, chưa muốn lấy chồng; nhưng nhà bà Hoa con một, lại đi bộ đội vào dịp này nên ngỏ lời muốn xin con về làm dâu bên ấy, con thấy thế nào?
- Không ạ, con chưa lấy chồng đâu - Liên từ chối.
- Mẹ thì đau yếu, các em còn đi học, con phải ở nhà giúp mẹ chứ - Liên nói thêm.
- Con ạ, mẹ vẫn biết thế, nhưng ông bên ấy và bố con là bạn nối khố với nhau, hai ông đã hứa gả con cho nhau, nay hai ông đều đã đi xa, bên bà Hoa muốn các con kết thân với nhau trước khi thằng Hân nhập ngũ, mẹ biết nói thế nào với vong linh hai ông hả con?
Nhìn mẹ nước mắt lưng tròng, Liên không dám nói gì thêm, chỉ biết ôm chặt lấy mẹ.
Là hàng xóm láng giềng, hai gia đình vốn đi lại thân tình, lâu nay, Liên vẫn cư xử với Hân như người anh trai. Hân hơn Liên vài tuổi, hiền lành, học giỏi và cũng quý Liên như em gái. Thương mẹ, Hân không phản đối việc mẹ muốn hỏi Liên về làm dâu vì Hân cũng rất mến Liên, nhưng chỉ ngại Liên từ chối. Mẹ Hân cười:
- Đã hỏi đâu mà biết người ta từ chối, anh cứ để mẹ lo…
Thế rồi không chờ Hân và Liên bày tỏ, hai bà mẹ đã gặp nhau bàn bạc, lo liệu cùng họ hàng rồi tổ chức một đám cưới đơn giản, gọn nhẹ nhưng đầy đủ thủ tục theo tập quán trước ngày Hân lên đường.
Mẹ Hân sắm cho hai vợ chồng một chiếc chiếu, một chiếc màn mới rồi thu xếp cho đôi vợ chồng trẻ ở trong gian buồng chật hẹp vốn là nơi ở của bố mẹ Hân cho đến khi bố Hân qua đời. Vừa lạ, vừa nhớ nhà, những ngày về nhà chồng, Liên không tài nào ngủ được. Thấy thế, Hân cứ dỗ dành Liên như dỗ em gái. Hân kiếm đâu được chiếc cặp tóc bằng nhựa hình con bướm rồi ấp úng:
- Anh cài lên tóc cho Liên nhé.
Liên cười, không nói gì, nhưng thấy nóng ran. Hân nhẹ nhàng cài cặp tóc cho Liên rồi ngồi xuống thủ thỉ:
- Anh đi bộ đội nhỡ mà...
- Sao anh lại nói thế, anh cứ yên tâm lên đường, ở nhà có em lo.
- Các cụ phù hộ để anh bình yên trở về mà - Liên động viên chồng, mặc dù trong lòng rối bời, không biết mình sẽ đảm đương vai trò dâu con thế nào và Hân ra đi có xảy ra chuyện gì hay không.
Ở với nhau vài ngày, chưa kịp hiểu thi vị của tình yêu, Hân lên đường. Ban ngày lui cui đi làm, tối về Liên thấy trống vắng vô cùng; đêm đêm một mình trong gian buồng lạnh lẽo, Liên thầm thì cầu mong cho Hân bình yên và mau được trở về. Không thể nào tả hết niềm vui khi gia đình nhận được thư của Hân. Hân báo tin đang huấn luyện tại một đơn vị bộ binh trước khi vào chiến trường. Liên vội vã viết thư ngay để kể cho anh nghe về tình hình gia đình, làng xóm và không quên dặn anh giữ gìn sức khỏe. Ba tháng sau, Liên lại nhận được thư của Hân, anh báo tin sẽ vào chiến trường và dặn Liên đừng gửi thư cho anh nữa, sợ không nhận được. Thế là, ngày ngày, Liên lại sống trong chờ đợi và hy vọng. Bà mẹ chồng, thương con trai một thì thương con dâu gấp nhiều lần; đều là phụ nữ, bà thấu hiểu nỗi khổ day dứt mà Liên đang chịu đựng, nên bà tìm mọi cách để động viên con dâu; nhưng đêm đêm, khi thức giấc, bà vẫn cảm nhận được con dâu đang trằn trọc cùng chiếc gối ướt đầm nước mắt. Bà vẫn thầm cầu khấn ông bà tổ tiên phù hộ cho Hân - đứa con độc nhất của vợ chồng bà - may mắn trở về để bà có cháu nội nối dõi tổ tông. Bà có ngờ đâu tai ương liên tiếp đổ xuống đầu Liên.Vào một chiều, Liên vừa đi cấy về thì đứa em chạy đến gọi thất thanh; Liên vội vã chạy về nhà mẹ đẻ nhưng mẹ Liên chỉ còn là cái xác không hồn, xám xịt. Mẹ Liên lội xuống cánh đồng trũng để cấy lúa, nhưng nhiễm cảm lạnh, không ai biết; khi có người đi qua phát hiện thì mẹ Liên đã trút hơi thở cuối cùng từ lúc nào rồi. Đội khăn trắng đưa tang, lòng Liên thắt lại khi nhìn mấy đứa em nheo nhóc, cô lại tự trách mình sao vội chuyện chồng con, để một mình mẹ đèo bòng nên xảy ra nông nổi này. Thế rồi từ đấy, vừa lo công việc nhà chồng, vừa chạy qua chạy lại giúp các em bên nhà nên Liên gầy tóp lại và ngã bệnh. Bà mẹ chồng chạy vạy thầy lang bốc thuốc cho Liên cả tháng mà không chuyển; mái tóc dài và đen nhánh của Liên cứ rụng dần, đôi mắt thâm quầng, da vàng như nghệ. Thấy thế, bà mẹ chồng bán cả đàn gà và mấy thúng lúa để đưa Liên xuống bệnh viện huyện; người ta bảo con dâu bà mắc chứng cảm hàn nên kéo theo một số bệnh khác. Bà sụt sùi năn nỉ bác sỹ cố gắng chữa bệnh cho Liên, nếu con dâu bà có làm sao, khi con trai trở về bà biết ăn nói thế nào! Không biết do lòng thành của bà hay do bệnh viện hết lòng với bệnh nhân nên bệnh tình của Liên cứ lui dần, da dẻ dần trở lại hồng hào. Nhưng chưa kịp mừng thì tai họa một lần nữa lại dội xuống đầu Liên khi mẹ chồng đổ bệnh và bệnh viện chẩn đoán là ung thư. Thế là Liên tong tả chạy đi chạy về vừa lo việc đồng áng, vừa lo chạy chữa cho mẹ chồng; tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi; bà mẹ chồng ngày càng yếu và bà trút hơi thở cuối cùng trên tay Liên trong một đêm mưa gió não nề, không trăng trối được điều gì. Lại thêm một vành khăn tang phủ trắng trên đầu Liên. Một mình Liên thui thủi trong căn nhà trống vắng. Đêm đêm cô lặng lẽ thắp hương trên bàn thờ bố mẹ chồng rồi khấn vái cầu mong cho chồng được bình yên trở về.
Một chiều gió lạnh, Liên đang nấu cơm trong bếp thì nghe tiếng ông bưu tá gọi ngoài sân; vừa mừng vừa lo, Liên thầm đoán thế nào cũng có tin của Hân, thế mà có tin của Hân thật, nhưng là tin sét đánh ngang tai: Hân đã hy sinh. Cầm tờ giấy báo tử, Liên thấy ngôi nhà tranh đảo qua đảo lại như trong trận cuồng phong; tim Liên như ngừng đập, tay chân tê cứng, cô ngã vật giữa sân, bất tỉnh. Khi tỉnh lại, Liên thấy mình đang nằm trên gường, mấy bà hàng xóm và đứa em của cô đang lo lắng vây quanh. Những ngày sau đó là quãng thời gian đầy u uất và bi đát. Liên không thể gượng dậy được. Mọi việc trong nhà đều do mấy đứa em chạy sang lo giúp, kể cả việc cơm cháo cho cô. Đêm đêm cô vẫn thấy Hân về, người bê bết máu, quần áo rách như xơ mướp, đứng nhìn cô hồi lâu rồi lẳng lặng bỏ đi; cô bừng tỉnh, vội vàng vùng dậy chạy theo, nhưng chẳng thấy gì, ngoài bóng đêm nặng như chì đang phủ kín ngôi nhà. Thế rồi, Liên lại phải nhập viện vì bệnh cũ tái phát. Những ngày ở viện, chỉ có đứa em chạy qua chạy lại với Liên.
Liên vừa ở phòng xét nghiệm bước ra thì nghe tiếng gọi:
- Cô Liên, chào cô.
Liên thấy Thanh đang dắt theo một cháu nhỏ:
- Anh và cháu đi đâu vào đây?
- Vợ tôi đang điều trị ở đây cô ạ, cô cũng vào chữa bệnh à?- Thanh hỏi
- Vâng, em điều trị được ít ngày rồi. Chị bị làm sao anh?
Thanh đáp buồn thiu:
- Cô ấy nằm viện cả năm rồi nhưng bệnh tình không chuyển; ở nhà không có ai, tôi phải mang cả cháu vào đây để tiện chăm sóc cho mẹ nó.
Liên nhìn Thanh ái ngại; tưởng chỉ có mình gieo neo, hóa ra còn có người cũng vất vả không kém. Nhà Thanh ở xóm trên, bố Thanh vốn là người tỉnh khác, vào đây công tác rồi đưa cả vợ con vào cùng; sau khi tốt nghiệp cấp ba, Thanh đi học trung cấp sư phạm rồi về dạy ở trường làng; không biết quen từ khi nào mà Thanh lấy vợ người tỉnh ngoài; cô vợ bỏ nghề dệt lụa ở quê để theo Thanh về đây làm ruộng; sau khi sinh con gái được hơn ba năm thì đau ốm triền miên do bạo bệnh rồi đi khắp các bệnh viện trong vùng để chạy chữa ; một mình Thanh nheo nhóc nuôi con nhỏ và chăm vợ ốm.
Biết vợ Thanh đang điều trị cùng bệnh viện, thỉnh thoảng Liên lại thăm; có hôm Thanh gửi cháu nhỏ nhờ Liên trông giúp để lo thuốc thang cho vợ. Bẵng đi cả tuần, không thấy Thanh và cháu nhỏ, Liên sang khoa điều trị nơi vợ Thanh nằm nhưng không thấy đâu. Liên hỏi thăm mấy bệnh nhân cùng phòng mới hay tin.
- Vợ anh Thanh đi rồi cô ạ. Thật tội hai bố con anh ấy…
Hay tin, Liên thấy bàng hoàng, sao số phận con người lại ngắn ngủi thế! Vài hôm trước, khi Liên đến thăm còn thấy con bé ngồi chải tóc cho mẹ nó, thế mà…
Sau khi ra viện được ít ngày, Liên lên nhà Thanh để chia buồn. Hai gian nhà tranh xiêu vẹo, gió lùa tứ phía, trên bàn thờ là di ảnh bố mẹ và vợ Thanh lạnh ngắt. Thanh ủ rũ như tàu lá, cháu bé thấy Liên đến chạy ào ra ôm lấy Liên mà khóc làm Liên cũng trào nước mắt. Từ đấy, thỉnh thoảng Liên lại lên thăm cháu; có hôm bận việc đi vài ngày, Thanh gửi con nhờ Liên trông giúp. Bén hơi Liên, cháu bé gọi Liên bằng dì; đêm giá lạnh, nó cụi cụi đầu vào ngực Liên thật dễ thương.
- Lan vào nhà chơi , để dì dọn kẻo trời sắp mưa to nhé.
- Vâng ạ - Cháu bé ngoan ngoãn đáp rồi chạy vào nhà.
Trời nổi giông đen kịt, gió cuốn ào ào rồi mưa như trút nước, bão đến. Mái nhà tranh oằn mình chắn gió nhưng không thể gượng được đã bật tung để mặc cho nước mưa chảy xối xả vào nhà. Bé Lan sợ hãi co rúm trên góc giường. Liên lập cập vơ tất cả những thứ có thể che mưa để dằng díu góc nhà có chiếc giường. Bất ngờ, Thanh xuất hiện, người ướt sũng, chạy ào vào để giúp Liên
- Sao anh không ở nhà chống bão lại chạy xuống đây?- Liên hỏi.
Thanh vừa chằng buộc, vừa đáp:
- Nhà tôi có gì đâu mà lo chống bão..;
- Anh xuống đây để trên nhà mưa bão hỏng hết thì làm sao?
Vớ chậu thau tát nước ra ngoài, Thanh nói:
- Bão lớn thế này, tôi lo cho hai dì cháu quá nên chạy xuống đây, trên nhà tính sau.
Cơn bão dịu đi khì đã khuya, Thanh trùm áo mưa bước ra cửa để về thì Liên kéo lại:
- Mưa gió, khuya khoắt thế này anh còn đi đâu?
Thanh nhìn Liên ái ngại, rồi bước vội ra ngoài:
- Tôi còn phải về xem mấy bát hương ở nhà thế nào chứ.
Nhìn Thanh bước đi liêu xiêu trong gió bão, ruột gan Liên như thắt lại.
Sau trận bão, Thanh ốm nặng, nhà cửa đổ nát, xiêu vẹo rồi tai họa ập xuống. Một đêm tối đen như mực thì đột nhiên, những quầng sáng màu da cam xé toang bầu trời yên tĩnh; máy bay Mỹ gầm rú, liên tiếp thả những chùm bom dọc bờ đê; tiếng nổ inh tai, khói lửa mù mịt. Căn nhà của Thanh bén lửa bốc cháy đùng đùng; khi bà con lối xóm chạy đến thấy Thanh quằn quại ngoài góc vườn, bên cạnh là cháu Lan rúm ró sợ sệt, khóc không ra hơi. Do bị sức ép, Thanh điếc cả hai tai, ốm li bì trong bệnh viện, Liên đành đưa bé Lan về nhà mình để tong tả chạy đi chạy lại bệnh viện chăm sóc Thanh. Điều trị kéo dài, nhưng bệnh của Thanh không chuyển mà ngày càng nặng thêm, bệnh viện trao đổi để người nhà đưa Thanh về. Hôm Liên vào thăm, Thanh nắm lấy tay Liên lào thào: " Tôi ơn cô nhiều lắm, nếu có mệnh hệ gì, tôi nhờ cô chăm sóc cháu hộ tôi..". Nhìn nước mắt trào ra trên khuôn mặt nhăn nheo, khô đét của Thanh, Liên không nói được gì mà khóe mắt rưng rưng. Sau mấy đêm mất ngủ, Liên quyết định đưa Thanh về nhà mình để chạy chữa vì không biết ra viện Thanh sẽ ở đâu; căn nhà tranh của Thanh qua trận bão vốn xiêu vẹo, dột nát, hôm máy bay ném bom đã cháy thành đống tro tàn, họ hàng bên nội của Thanh ở tỉnh xa, chỉ có bố mẹ Thanh vào trong này định cư, nên Liên cũng chưa biết địa chỉ cụ thể để báo cho họ vào đón Thanh được, còn anh em bên vợ của Thanh cũng ở nơi khác, vốn đã thờ ơ với hai bố con anh từ khi vợ Thanh mất được một thời gian. Thế là ngõ trên, xóm dưới người ta đàm tiếu đủ chuyện; có người ái ngại cho hoàn cảnh của Liên: "Ốc không mang nổi ốc lại đèo thêm rêu". " Biết đâu hai anh chị đã tình ý với nhau lâu rồi", có người suy đoán thế. Em gái của Liên lấy chồng xa cũng tìm về hỏi cho ra nhẽ. Liên cười: " Không có gì đâu, người ta khó khăn cũng như mình khó khăn mà". Em Liên không tin, bèn trực tiếp lại bên Thanh, khi anh đang nằm li bì trên giường bệnh, kể lể một hồi, nhưng chẳng thấy Thanh động cựa gì, cô bèn giở chăn ra thì trời ơi, Thanh đã ra đi từ lúc nào. Bên thân hình khô đét, bất động của Thanh, Liên không còn nước mắt để khóc nữa khi cháu Lan gào thét thảm thiết bên xác cha lạnh ngắt. Làng xóm hay tin mỗi người một tay lo cùng Liên để làm tang cho Thanh. Từ đấy, cái Lan ở hẳn với Liên, anh em họ hàng nội ngoại của Thanh dỗ dành thế nào, cháu vẫn một mực đòi ở với Liên; hai dì cháu quấn quýt với nhau trong căn nhà lụp xụp, bạc thếch nắng mưa.
Thời gian đằng đẵng trôi qua, Lan đang lúi húi trong bếp nhìn ra, thấy một người khoác ba lô, chống nạng gỗ, bước vào nhà mình. Lan hỏi:
- Bác hỏi ai ạ?
- Đây có phải là nhà cô Liên không cháu?
- Dạ đúng ạ - Lan nhanh nhảu trả lời
- Vậy cháu là...
- Dạ, cháu là con mẹ Liên , bác hỏi dì cháu ạ?
Người khách không nói gì, lẳng lặng tiến lại phía bàn thờ. Trời ơi, trên bàn thờ là bài vị của bố mẹ và tấm ảnh thờ của Hân. Nạng gỗ run lên, người khách như chới với khi nhìn thấy trên bàn thờ một chiếc cặp cài tóc cũ kỹ đã đổ màu loang lổ, cáu bẩn xỉn đen được đựng trong chiếc đĩa nhỏ.
- Anh Hân!
Người khách quay lại khi nghe tiếng gọi tắt nghẹn ngay sau lưng. Liên đổ khụy xuống.
Đúng là Hân trở về. Liên như từ cõi chết được sống lại, nhìn chồng bằng da bằng thịt mà Liên tưởng nằm mơ.
Trong căn nhà tranh đơn sơ, những ngày ấy, Liên và Hân mới thực sự có đời sống vợ chồng. Liên thủ thỉ:
- Sao lại quái ác vậy anh. Anh còn sống mà lại có giấy báo tử gửi về?
- Chiến tranh mà, mọi điều có thể diễn ra, huống hồ anh bị thương rồi lạc đơn vị ...
Trong một trận chiến đấu ác liệt trong rừng , Hân bị thương rất nặng rồi mê man bất tỉnh không biết gì. Khi tỉnh lại, thấy một bà má đang ngồi bên cạnh trong một căn chòi.Vừa nhấp từng giọt nước cho Hân, má vừa động viên:
- Cố gắng nghen, con bị thương nặng lắm, tỉnh lại là may rồi, trời phật phù hộ đó..;
Nghe má kể lại, trận đó, cả hai bên đều thiệt hại nặng. Mấy ngày sau lên rừng, không ai dám đi qua khu vực còn ngổn ngang xác chết. Má đang đi vòng qua bờ suối bỗng đứa con gái gọi thất thanh:
- Má, má, có người.
- Người đâu, má có thấy ai đâu?
Cô con gái giật tay má chỉ về bên trái rệ suối một xác người bê bết máu và đất, nhưng hai tay còn cử động như muốn bò lên. Hai mẹ con vội vàng chạy lại và nhận ra một anh giải phóng bị thương rất nặng; họ vội vã kéo anh vào rừng, buộc tạm vết thương rồi hôm sau đưa Hân vào căn chòi sâu trong rừng. Hằng ngày, hai mẹ con má Ba luân phiên nhau tiếp tế cơm cháo và lo chạy chữa cho Hân. Má Ba hỏi Hân về quê quán, gia đình rồi thổ lộ:
- Chồng má cũng đi giải phóng, nhưng ổng hy sinh dịp Mậu Thân rồi; ông để lại cho má con Hai đó; lớn vậy rồi mà có được học hành chi; thời buổi giặc dã mà, cực quá, biết vậy mà hổng làm sao được.
- Con cám ơn má và em Hai nhiều lắm; con chỉ mong chóng lành bệnh để tìm về đơn vị má à.
- Ừa, má cũng mong vậy, cố gắng nghen con.
Ngày tháng trôi qua, vừa chữa vết thương vừa đề phòng địch phát hiện nên má con bà Ba di chuyển Hân vào sâu trong rừng; Hân càng mong được trở về đơn vị. Một hôm, Hân thấy Hai te tái chạy vào, vừa thở vừa nói:
- Anh Hai, có bộ đội giải phóng đó.
Hân mừng quá:
- Đâu, họ ở đâu?
- Em nói rồi, lát nữa họ vào.
Đúng là quân giải phóng thật. Má Ba dẫn họ vào nơi Hân đang trú. Một người hỏi họ tên, quê quán, đơn vị của Hân rồi hẹn ngày mai quay lại đón anh. Hân mừng lắm, nhưng mắt Hai đỏ hoe:
- Anh Hai đi rồi, có nhớ má con em nữa không?
- Hai à, làm sao anh quên được má con em. Khi nào giải phóng, nhất định anh quay về tìm em nha.
- Xạo à, anh Hai nói thiệt không đó..;
Nhưng má về, buồn thiu báo tin:
- Bay à, mấy anh hôm rồi gặp thám báo phục giữa đường, hi sinh hết rồi.
Thế là hằng ngày, Hân lại thấp thỏm đợi chờ.
Một ngày, hai ngày rồi cả tuần trôi qua, không thấy má Ba hoặc Hai vào như thường lệ; linh tính có điều không lành xảy ra, Hân gắng gượng men ra ven suối.
- Giơ tay lên!
Một tiếng quát to kèm theo là họng súng lạnh toát dí sát mang tai của Hân. Hân nhanh chóng ngồi thụp xuống để tự vệ thì bị một người khác quật ngã, trói ghì lại. Sau một hồi cật vấn, hóa ra họ là du kích địa phương; Hân vội vàng hỏi tin về mẹ con má Ba.
- Hôm rồi, địch bất ngờ đổ quân vây ráp khu vực đó, bà con chạy vào rừng sâu rồi, chắc là ít bữa mới tìm về được. Thôi anh cứ theo tụi tôi đánh giặc đi.
Thấy Hân tỏ vẻ ngần ngừ, một anh nói tiếp:
- Ở đâu mà chẳng đánh địch; anh đi cùng tụi này đi, khi nào gặp được đơn vị tính sau mà.
Nghe họ nói có lý, Hân theo du kích địa phương từ dạo đó. Ít hôm, gặp lại má Ba, bà mừng lắm:
- Hai à cố lên con, con nhỏ cứ nhắc mày hoài đó.
- Dạ, con sẽ cố gắng, má yên tâm - Hân đáp và không quên gửi má Ba mang miếng vải dù về cho Hai.
Đang cài mìn dọc đường để đón lỏng thám báo địch, bỗng nghe tiếng động lạ, Hân ngẩng đầu lên thì ba bốn người đã vây quanh, súng lăm lăm trong tay. Nhìn trang phục của họ, Hân reo lên:
- Chào các đồng chí, tôi cũng là quân chủ lực đây.
Nghe thế, mấy anh phì cười:
- Chủ lực à, chủ lực nào? Chủ lực gì mà lem nhem thế này?
Hân đang giãi bày thì mấy anh du kích đi đến, nghe thấy thế vội thanh minh dùm cho Hân; hóa ra, họ biết nhau. Hân nhập vào đơn vị của khu Bảy từ dạo đó. Mải miết hành quân, giằng co từng tấc đất với địch, đơn vị chỉ biết gọi Hân là anh Hai. Sau đó ít lâu, trong một trận chiến đấu không cân sức, Hân lại bị thương rất nặng và được anh em đưa về trạm phẫu khu Bảy. Anh em dặn Hân:
- Anh Hai cứ yên tâm điều trị, hồi nữa tụi tôi quay về tìm nghen!
Dặn dò thế, nhưng Hân cứ chờ mãi không thấy ai quay lại. Những ngày ở trạm phẫu là những ngày đau đớn tột cùng, khi Hân phải cắt bỏ một chân do vết thương quá trầm trọng. Thế rồi, đau ốm, bệnh tật hành hạ, chẳng thể đi đâu, Hân trở thành lính nhà bếp bất đắc dĩ của trạm phẫu. Hân cứ lui cui với công việc giữa rừng trong trạm phẫu cho đến ngày đơn vị kéo quân về giải phóng Sài Gòn, còn Hân và một số người ở lại trông coi cứ. Ở rừng sâu, Hân cũng không biết Miền Nam đã giải phóng, cho đến một hôm có xe đến đón anh em thương binh ra Bắc thì Hân mới biết mình được trở về. Cả đêm, Hân thao thức cứ tưởng chiêm bao, không ngờ mình còn sống để trở về. Thế rồi Hân được đưa ra một trại an dưỡng phía Bắc. Sau một thời gian vừa điều trị vừa an dưỡng, Hân cầm theo quyết định phục viên trở về quê cùng chiếc nạng gỗ. Trên đường đi, Hân cứ mường tượng không biết mẹ đã yếu đến chừng nào, mẹ còn sống để đợi anh trở về không? Liên - vợ anh - sẽ vui mừng như thế nào khi anh còn sống; làng xóm chắc thay đổi nhiều sau ngần ấy năm anh xa quê..; Nhưng về đến đầu làng, Hân chững lại khi thấy xóm làng có phần đìu hiu, những mái nhà tranh như cũ mốc hơn xưa và đường làng vẫn quanh co lầy lội như ngày nào. Anh vội vã tìm về nhà cũ, một ngôi nhà tranh trống huyếch, vắng tanh, có một cháu bé đang lúi húi trong bếp.
Từ hôm Hân về, Liên như trẻ ra. Căn nhà nhỏ tấp nập khách ra vào; người ta đến mừng cho vợ chồng Hân, chia sẻ và động viên anh. Được mấy hôm sau, Liên hốt hoảng gọi Hân:
- Anh Hân, sao đến giờ này, cái Lan đi học chưa về?
- Chắc có việc ở trường nên nó về muộn thôi - Vừa vót nan, Hân vừa đáp.
Chờ đến xẩm tối, không thấy Lan về, Liên đạp xe xuống trường nhưng không có ai; Liên hỏi khắp bạn bè của Lan cũng không ai biết Lan đi đâu, vì họ thấy, sau khi tan học, Lan vẫn ra về bình thường như mọi ngày.
Một đêm, hai đêm rồi ba đêm trôi qua, cả hai vợ chồng trằn trọc, không biết có chuyện gì xảy ra mà không thấy Lan về. Một tối, như chợt nghĩ ra điều gì, Liên hỏi:
- Em ra đồng, ở nhà anh có nói nặng gì nó không?
- Sao em lại hỏi thế, có bao giờ anh nặng lời với nó đâu - Hân đáp
Suy nghĩ hồi lâu, Liên lại hỏi:
- Thế ở nhà anh có hỏi nó gì không?
- À, có hôm anh hỏi là anh em chú bác của con đâu cả mà không ai giúp con!
Nghe thấy thế, Liên lặng đi, không hỏi thêm gì nữa, cô lờ mờ đoán ra con bé đã nghĩ gì. Hôm sau, Liên tìm ra quê nội của Lan; thì ra cháu ở ngoài đó. Vừa thấy Liên, nó òa lên khóc rồi bỏ chạy. Bà bác họ của Lan than thở:
- Cô ạ. Ngoài này cũng chẳng còn ai, ngoài tôi. Nhà tôi thì gieo neo, lo ăn chưa đủ, mấy thằng con trai nghịch như quỷ sứ, cái Lan mà ra đây ở chắc lại thất học mất thôi..; Liên cố ở lại để nằn nì, nhưng Lan dứt khoát không chịu theo Liên về. Cực chẳng đã, Liên thui thủi gạt nước mắt ra về. Đi được mấy bước, Liên quay lại nhìn, thấy cái Lan đang dõi theo cô, khóc nức nở.
Về đến nhà, đến cuối buổi mới thấy chồng chống nạng lóc cóc vào nhà, Liên hỏi:
- Anh đi đâu về đấy?
Hân ngồi phịch xuống, than thở:
- Nói thế nào họ cũng không nghe; mấy ông ủy ban nói là giấy tờ của tôi không hợp pháp nên họ không cho nhập khẩu.
- Sao lại thế ạ, anh có quyết định phục viên đoàng hoàng cơ mà.
Hân chép miệng:
- Rõ khổ, mình chủ quan, không xem giấy tờ trước khi nhận. Được về là phấn khởi rồi, nên cứ thế cầm túi hồ sơ mà đi; đến khi xem lại thấy trại an dưỡng ghi tên mình là Hai; mình đã giải thích với các anh ấy khi lạc đơn vị do bị thương nặng, được bà con cứu chữa; lúc đó họ gọi theo tập quán trong ấy vì mình là con cả; rồi từ đó, gọi mãi thành quen; khi bị thương lần nữa, anh em chuyển đến trạm phẫu cũng báo là anh Hai; giấy tờ từ trạm phẫu chuyển ra Bắc an dưỡng cũng theo đó mà điền tên anh Hai. Nhưng các ông ở xã cứ khăng khăng: " Hai là Hai mà Hân là Hân"; có ông còn bảo: " Biết đâu ông đào ngũ rồi làm giấy tờ giả để về địa phương thì sao", nghe mà nhục hết chỗ nói.
Chuyện giấy tờ của Hân lan ra, khi Liên đi gặp các ông lãnh đạo từ xã đến huyện để báo cáo thanh minh thay chồng, nhưng đều không có kết quả; họ yêu cầu Hân phải vào đơn vị cũ xin lại giấy tờ rồi mới công nhận. Có người độc địa còn phán xanh rờn: " Biết đâu anh ta đã đầu hàng địch...". Thế là chế độ liệt sỹ của Hân đương nhiên bị cắt, nhưng chế độ thương binh lại không được thừa nhận, đến hộ khẩu làm người dân cũng không được chấp nhận.
Cực chẳng đã, Hân bàn với vợ rồi quyết một phen ngược dòng trở về đơn vị tìm lại tên cho mình. Anh tìm đến trại an dưỡng, đồng chí trại trưởng tỏ thái độ hết sức đồng cảm, nhưng chỉ dám ghi: " Kính gửi trạm phẫu thuật khu Bảy...chúng tôi có tiếp nhận anh Hai để chữa bệnh và điều dưỡng theo bệnh án thương binh...Kính đề nghị các đồng chí giúp đỡ ..;". Hân lại lóc cóc tàu xe vào phía Nam để tìm đến trạm phẫu khu Bảy, nhưng đơn vị này đã giải thể từ lâu. Hân đang loay hoay giữa thành phố đông nghẹt người và tàu xe, tiếng một anh xích lô hét toáng lên:
- Anh Hai, anh Hai à , có đúng anh Hai không?
Hân định thần, nhận ra Tấn, người cùng điều trị tại trạm phẫu khu Bảy dạo trước.
- Anh đi đâu vào đây?- Tấn hỏi
Hân ôm chầm lấy Tấn:
- Chà, may quá, ông còn sống hả, bây giờ thế nào?
- Anh hổng nhìn thấy sao? Tui chạy xích lô, không có nghề ngỗng gì, đói thì đầu gối phải bò thôi.
Nói rồi, Tân lôi Hân lên xích lô hối hả đưa Hân về nhà. Nói là nhà, nhưng thực ra là vài mảnh tôn che mái, xung quanh cũng là tôn ghép lại, đứng chông chênh bên trên con rạch đen ngòm.
Chiều hôm đó, Tấn kiếm vài quả xoài xanh, một ít rượu trắng để mừng đồng đội hội ngộ. Nghe Hân kể chuyện đi xin giấy tờ, Tân nổi đóa:
- Chu cha, Hân với Hai gì chẳng được; oánh nhau rần rần cần gì tên tuổi, miễn là xông lên quyết chiến, không ngán Mỹ là được chớ.
- Biết thế ông ạ, nhưng nay thời bình rồi, họ có lý của họ chứ, biết làm sao được.
Tân gầm gừ:
- Chẳng lý lót chi hết, sao lúc đánh nhau, người ta không vào chiến trường mà lý sự. Anh yên tâm, tôi làm nhân chứng sống cho anh. Nói rồi, Tân lấy cây viết ghi nghệch ngoạc lên giấy đại ý muốn nói chính mình đã từng chứng kiến Hân bị thương và cùng điều trị ở trạm phẫu..;
Mấy ngày sau, Tân chở Hân đi khắp nơi tìm gặp những người đã từng ở trạm phẫu ngày đó để xin xác nhận. Ai gặp Hân cũng mừng mừng tủi tủi, nhưng chỉ dám ghi nhận anh Hai từng điều trị và hoạt động ở trạm phẫu chứ không dám xác nhận tên Hân.
Không còn cách nào khác, Hân lại đi tìm anh em đơn vị cũ trước khi Hân bị thương khi chuyển vào trạm phẫu; nhưng tìm miết không gặp được ai.
Thấy không còn khả năng tìm kiếm, Hân trở lại thành phố ra ga mua vé tàu. Đang đứng, chợt một người đi lại:
- Xin lỗi, chú có phải chú Hai không?
Hân chưa kịp nhận ra thì người đó nói tiếp:
- Cháu là Tám, du kích ngày chú ở rừng đó.
Hân đã nhớ ra, Tám là một trong số anh em du kích gặp anh khi má Ba đang cưu mang anh. Hân vội hỏi:
- Thế mẹ con má Ba nay ở đâu, chú biết không?
- Dạ, ngày đó cháu lên chủ lực rồi đi luôn; trước giải phóng, nghe nói bả vẫn ở trỏng.
Chia tay Tám, Hân le lói hy vọng nên vội vã quay lại để tìm về khu vực trước đây. Rừng mênh mông, chồi lá đang vươn xanh ngút ngàn , những vết tích chiến tranh ác liệt ngày nào đã hầu như không còn. Hân đi hết nơi nọ đến nơi kia để tìm nhưng không ai biết gì về bà má và cô con gái đã cứu sống anh ngày trước. Đứng giữa rừng, nước mắt Hân trào ra, anh thầm thì: " Má ơi, con có tội với má và em Hai..;".
Không tìm được manh mối của đơn vị cũ, tiền đã cạn, Hân đành trở về mang theo những mảnh giấy của đồng đội cũ vẫn ghi tên anh là Hai.
Nghe tiếng lọc cọc ngoài sân, Lan chạy vội ra rồi ôm chầm lấy Hân, tiếng kêu tắc nghẹn:
- Bác ơi!
Hân ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì, nên bước vội vào nhà. Hân chết lặng trước di ảnh của Liên đặt trên bàn thờ nghi ngút khói; đôi mắt của Liên như nhìn thẳng vào Hân mà trách cứ. Lan nức nở: " Bác ơi, sao bác đi lâu thế, mãi không thấy bác về..;", Lan gầy rộc, khóc lóc, kể lể nghe nẫu ruột gan. Chả là trong những ngày Hân đi tìm đơn vị, thương Lan, Liên ra nơi Lan ở nhiều lần để thuyết phục cô trở về và cũng hỏi cho ra nhẽ vì sao bỗng dưng Lan bỏ đi không ở với mình nữa. Mấy hôm ở lại nhà bà bác của Lan, Liên mới được Lan thú thật là Lan tủi thân với cảnh ăn chực ở nhờ, nhất là khi thấy Hân chống nạng trở về, vốn đã khó khăn, nay Liên còn khó khăn hơn, nên Lan quyết định ra quê nội để ở. Trong một lần, từ nhà bác của Lan trở về, trời mưa rất to, không may bị tai nạn giao thông; Liên đã ra đi không lời trăng trối.
- Bác ơi, bác tha tội cho cháu, vì cháu mà dì Liên..; Nghe Lan khóc, Hân như xác không hồn, lẩy bẩy châm hương lên bàn thờ rồi lấy chiếc cặp cài tóc đặt trở lại trước ảnh của Liên như người tạ tội. Chiếc cặp tóc ngày cưới, anh cài lên mái tóc cho Liên; ngày nhận tin báo tử của anh, Liên đặt lên bàn thờ. Khi trở về, anh lấy cặp tóc cất giữ làm kỷ niệm; ai ngờ, có ngày anh lại phải để cặp tóc về nơi cũ trên bàn thờ.
Giữa bãi tha ma lạnh vắng, nấm mồ của Thanh lúp xúp cỏ mọc xanh rì, Lan đang thì thầm khóc trước mộ bố. Bên này, mồ của Liên còn nguyên màu đất mới, trong khói hương nghi ngút, Hân đứng lặng, trân trân trước mộ người vợ xấu số, không biết Lan đã trở lại bên cạnh. Cô quỳ sụp xuống: " Dì ơi, con có tội, dì tha tội cho con..;". Hân khẽ kéo tay Lan đứng dậy, nước mắt cô dàn dụa: " Bác ơi, bác cho con ở lại với bác, bác nhé..;". Nước mắt đắng ngắt lặng lẽ trào ra trên gò má khắc khổ của Hân. Hai bác cháu liêu xiêu dựa vào nhau trong gió đông lạnh buốt thổi hun hút trên cồn chiều./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.