Cái tên Khúc Phụ từ đâu mà có, giờ không ai còn nhớ rõ, chỉ nghe những bậc cao niên trong vùng kể lại, nghề làm nước mắm Khúc Phụ ra đời từ cuối thế kỷ 17 do cụ Cao Văn Điển mang tới. Là một thương nhân buôn bán nước mắm, nhận thấy vùng biển này có nguồn cá dồi dào, làm ra nước mắm ngon, ông liền đưa cả gia đình đến đây để muối cá, làm nước mắm, rồi từ đó mà hình thành nên làng nghề hàng trăm năm tuổi này.
Trong tiết trời lành lạnh của những ngày mùa đông, đi dọc những con đường nhỏ quanh co trong khu dân cư thôn Bắc Sơn, thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, ai ai cũng có thể cảm nhận được mùi hương đặc trưng của nước mắm Khúc Phụ. Ở đây có hàng trăm hộ gia đình làm nghề nước mắm truyền thống, trong đó, hộ gia đình cô Liên Tuân cũng có tới 4 thế hệ làm nghề.
Hàng trăm năm nay, người dân làng nghề nước mắm ở xã Hoằng Phụ, Huyện Hoằng Hóa đã không ngừng nuôi dưỡng và dành trọn tâm huyết để làm ra thứ "mỹ vị" dân gian độc đáo này. Với hình thức sản xuất truyền thống, quy trình chế biến cũng như chọn nguyên liệu chặt chẽ, đã giúp nước mắm Khúc Phụ nức tiếng gần xa về độ ngon và cả độ an toàn. Nguyên liệu làm nước mắm thường là các loại cá cơm, cá nục còn tươi rói, tròn chắc... Cá sau khi tuyển chọn kĩ lưỡng thì được trộn đều cùng muối biển theo tỷ lệ 3 cá – 1 muối, rồi ủ chượp trong các chum, vại hoặc bể lớn trong khoảng từ 18 – 24 tháng. "Nắng thì mở, mưa thì đậy". Công đoạn đảo chượp hàng ngày dưới thời tiết nắng nóng chính là khâu vất vả nhất, đã lấy đi biết bao giọt mồ hôi của người làm mắm.
Đặc biệt, nước mắm Khúc Phụ không dùng bất kỳ chất điều vị hay bảo quản nào, mà chỉ tận dụng sự tinh khiết của nguyên liệu cá và muối, cùng với đó là kinh nghiệm, bí quyết gia truyền được tích lũy qua nhiều thế hệ. Bởi thế, thành phẩm làm ra vô cùng đậm đà, thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nồng nhiệt đón nhận, đã một lần thưởng thức là sẽ nhớ mãi không quên.
Nước mắm có lẽ là thức gia vị quá đỗi quen thuộc trong đời sống ẩm thực của người dân Việt Nam, nhưng có lẽ ít ai biết được để làm ra những giọt nước mắm cốt truyền thống dậy mùi và đậm đà như vậy, người dân nơi đây cũng đã phải bỏ ra không ít thời gian và tâm sức.
Anh Nguyễn Văn Kiên là con trai thứ 3 của bà Nguyễn Thị Liên, người sẽ nối nghiệp gia đình tiếp tục công việc làm mắm truyền thống. Có cánh tay phụ tá đắc lực của con trai, bà Liên cũng đã vơi bớt đi phần nào nỗi cực nhọc, vất cả mà yên tâm an hưởng tuổi già. Mọi công việc của cơ sở sản xuất giờ đây đã có anh thay mẹ gánh vác.
Để có thể nâng cao chất lượng và giúp nước mắm Hoằng Phụ đến gần hơn với người tiêu dùng, các cơ sở ở làng nghề mắm Khúc Phụ đã không ngừng cải tiến sản xuất, đổi mới tư duy kinh doanh và nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Rất nhiều thương hiệu nước mắm của làng nghề đã được xây dựng và đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 5 sao với cải tiến mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc… nhằm tạo uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng gần xa.
Đã từng có khoảng thời gian, nghề mắm gia truyền Khúc Phụ có nguy cơ bị mai một và quên lãng, nhưng có lẽ, chính tình yêu với biển, với nghề truyền thống của những người dân nơi đây đã vực dậy cả một làng nghề.
Dưới mái nhà nhỏ nơi làng biển yên bình, có 4 thế hệ cùng chung sống. Chẳng biết tự bao giờ, vị mặn mòi của biển đã ngấm vào máu thịt của họ, rồi cứ thế, họ lặng lẽ chắt chiu từng giọt biển cho đời và giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Bữa cơm gia đình đầm ấm khiến cho chúng tôi như thấy không khí mùa xuân - mùa của đoàn viên, sum họp đang tới thật gần. Dù là mâm cơm với dưa cà đạm bạc hay có bao nhiêu món sơn hào hải vị đi chăng nữa, bát nước mắm cốt thơm ngon, đậm đà vẫn được đặt trang trọng ở vị trí chính giữa. Những giọt nước mắm thấm đượm tình quê dường như đã gắn kết tất cả các thành viên trong gia đình, gắn kết tình làng nghĩa xóm, để rồi chẳng ai bảo ai, họ lại tiếp tục dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để gắn bó và gìn giữ lấy nghề truyền thống của quê hương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.