Bản hoà tấu nơi đại ngàn
Đến với các bản người Thái ở xứ Thanh, nơi nào có nhà sàn, có khăn piêu, áo cóm là ở đó có văn nghệ bản Mường… Hãy một lần ghé thăm các bản của đồng bào Thái để được đắm mình trong những bản hoà tấu mang đậm bản sắc âm nhạc dân gian Thái, chứa đựng trong đó tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân nơi này.
Khi đến thăm những bản dân tộc Thái, đầu tiên du khách sẽ được bà con chào đón bằng những điệu khua luống rộn ràng. Đây được xem là một thể loại âm nhạc độc đáo của người Thái, thường được sử dụng trong mỗi dịp lễ Tết hay ngày vui của bản.
Theo lời của những bậc cao niên, khua luống cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, có từ thời rất xa xưa, bắt nguồn từ một sinh hoạt quen thuộc trong đời sống là giã gạo. Hễ là người Thái, biết cầm chày giã gạo thì đều biết khua luống, đặc biệt là các cô gái.

Trước kia, dưới gầm mỗi ngôi nhà sàn của người Thái đều có một chiếc luống dùng để giã gạo. Vào mỗi sớm mai, khi trời còn chưa tỏ, người phụ nữ đã phải thức dậy, bắt đầu những công việc của mình. Gia đình nào đông người thì sẽ có 2 đến 3 người phụ nữ cùng giã gạo, tiếng chày nâng lên hạ xuống nhịp nhàng, tạo nên những thanh âm rộn ràng nghe rất vui tai. Nhưng cũng có những gia đình neo người, chỉ có một người phụ nữ bên luống giã gạo, tiếng chày va vào thành luống lúc này lại tạo nên âm thanh nghe trầm đục, khoan thai… Cứ thế, qua thời gian, khua luống đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thân thuộc của các bản làng người Thái.
Bà Ngân Thị Chìm, bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa chia sẻ: "Ngày xưa các bà các mẹ làm việc quần quật cả ngày. Sáng giã gạo, tối giã sắn. Mỗi khi nghỉ ngơi, các bà lại cùng nhau khua luống tạo nên những giai điệu vui nhộn nhằm xua đi những mệt mỏi. Dần dần, từ những giai điệu mộc mạc ấy thành những bài khua luống được nhiều người yêu thích".

Có thể thấy, quá trình sống, lao động và sáng tạo, chiếc luống dùng để giã gạo dần trở thành một loại nhạc cụ, và cùng với nó là một hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian độc đáo gắn liền với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân. Luống không còn thuần túy là công cụ lao động, mà đã trở thành một nhạc cụ truyền thống của người Thái.
Tham gia khua luống thường là phụ nữ và số người biểu diễn bắt buộc là số lẻ: 5, 7, 9, 11. Đây là những con số, theo quan niệm người dân chính là biểu trưng cho sự may mắn. Để thực hiện các động tác khua luống, thường có một người đứng đầu luống cầm chày giã nhịp, còn những người khác thì khua. Khi có nhiều người cùng đứng giã chung một cối gạo thì mọi người phải biết cách giữ đều nhịp, tránh cho chày va đập vào nhau. Cứ thế qua thời gian, người phụ nữ Thái khua chày thành điệu, thành bài, trở thành nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên là bàn chân muốn bước, cái bụng muốn theo đến nơi có lễ hội, có những trò vui chơi... Tuy âm thanh của điệu khua luống không ngân nga, bổng trầm như những loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nó lại gắn kết mọi người với nhau thành một khối thống nhất.

Ông Cao Bằng Nghĩa, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
Ông Cao Bằng Nghĩa, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết: "Cho đến bây giờ chúng ta rất ngưỡng mộ khả năng diễn xuất của các bà, các chị trong trò diễn xướng khua luống. Các điệu khua luống của dân tộc Thái không có tiết tấu hay giai điệu luyến láy như các nhạc cụ của dân tộc khác, nhưng các giai điệu của khua luống như một thứ keo kết dính giữa tình cảm con người với con người. Khi mình đang ngồi ở một nơi nào đó trên nhà hay đang làm việc ở trên nương, nhưng khi nghe tiếng khua luống ở đâu đó bà con thấy lòng thổn thức, họ mong mau chóng xong công việc để trở về được tham gia chương trình khua luống đó. Và giai điệu khua luống mang tính liên kết giữa con người với con người, họ cầu mong tiếng khua luống vang mãi trong tâm khảm của họ, mong cho mọi người luôn mạnh khỏe hơn, vui vẻ hơn và có một cuộc sống ấm no hơn".
Trong bản hoà tấu của làn điệu khua luống không thể thiếu dàn cồng chiêng. Chiêng tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; luống là tượng trưng cho sông nước. Tiếng trống, chiêng, khua luống vang lên hòa quyện với nhau tạo thành một bản hợp xướng sôi động để mọi người cùng quây quần ca hát, nhảy múa.
Theo quan niệm của dân tộc Thái, tiếng cồng chiêng là tiếng của lòng người. Đồng bào Thái thường dùng nhạc cụ này trong nhiều nghi thức, lễ hội, hay trong công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc. Đồng bào quan niệm rằng, tiếng vang của cồng, chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời đất, thánh thần, tổ tiên; giao tiếp giữa người với người, cầu mong cho nhân khang vật thịnh. Trong cuộc sống của người Thái, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần, vật chất của con người, mà còn là một "linh vật" biểu tượng cho sự ấm no, hạnh phúc bền vững. Vì lẽ đó, cồng, chiêng được người Thái xem xét rất cẩn thận khi mua. Đa số những cồng, chiêng hiện có đều do ông cha từ thời xa xưa để lại.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào Thái cũng dùng tiếng cồng, chiêng để ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, nói lên khát vọng của con người trong cuộc sống. Mỗi dàn nhạc cồng, chiêng của người Thái chỉ có 4 chiếc, tượng trưng cho 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; 4 chiếc được đặt tên lần lượt là Cồng mẹ (chiếc lớn nhất), Cồng chị, Cồng em, Cồng út; hoặc cũng có thể gọi là Cồng anh, Cồng em…
Cách đánh cồng, chiêng của người Thái cũng tương đối đơn giản, chỉ cần lắng nghe tập trung một chút là có thể đánh được. Khi đánh thì dùng dùi gõ vào, sao cho khớp với tiếng của trống và tiếng của khua luống hay sạp, tạo nên một giai điệu hòa âm nhộn nhịp, vui tươi. Thông thường những bộ cồng chiêng tốt là không có vết lõm nào trên bề mặt, núm chiêng cao và nhỏ. Đặc biệt, là khi đánh vào chiêng, âm thanh sẽ ngân dài, trầm bổng hơn, làm cho người nghe thấy phấn khởi.
Anh Vi Văn Đức, bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa cho biết: "Ngay từ nhỏ tôi đã thấy các ông bà biểu diễn cồng chiêng trong các ngày lễ, ngày hội nên năm 10 tuổi tôi đã biết sử dụng. Chiêng to nhất thì được gọi là anh cả, sau đó cứ lần lượt anh hai, anh ba, em út, thể hiện sự đoàn kết giữa các anh em với nhau. Bốn chiếc chiêng có các âm sắc khác nhau, nhưng nếu ta đánh một chuỗi liên tục thì không hay. Khi ta đánh chiêng 1-3, rồi chiêng 2-4 thì sẽ hay hơn, tạo thành chuỗi âm nhạc".
Trong nghệ thuật dân gian, đồng bào Thái có nhiều loại hình diễn xướng khá đặc sắc, điển hình nhất là điệu múa sạp. Khi đến bản Thái, sau những cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân tình, thì bà con sẽ khéo léo đưa du khách hòa nhịp với cộng đồng nơi đây trong cái nắm tay đoàn kết và bước nhảy rộn ràng của điệu múa sạp…

Để chuẩn bị cho buổi múa sạp, người tham gia thường chia làm hai tốp: một tốp đập sạp và một tốp nhảy sạp. Người ta cũng có thể luân phiên nhau múa hoặc đập sạp. Những người đập sạp phải rất đều tay, tốc độ ban đầu chậm rãi nhưng sau có thể nâng dần lên, khiến các bước nhảy khó dần và cũng hấp dẫn, cuốn hút hơn. Người nhảy sạp phải chứng tỏ được sự khéo léo của mình, theo đúng và kịp tiết tấu của người đập sạp. Nhanh quá hoặc chậm quá đều không được vì chân sẽ vấp vào sạp. Người ta không quy định có bao nhiêu người đập sạp và bao nhiêu người nhảy sạp, càng đông càng vui, nhất là với những người nhảy sạp.
Theo thời gian, nhiều điệu múa dân gian bị mai một, thất truyền, nhưng riêng múa sạp, do đặc tính cộng đồng, nên vẫn tồn tại. Không những thế, múa sạp còn được nâng cao hơn về tính nghệ thuật, giúp cho đời sống của đồng bào vùng cao thêm phong phú.
Ngày nay, dẫu tiếp nhận nhiều loại hình văn hóa đa dạng, nhưng với đồng bào Thái, tình yêu nguồn cội vẫn là dòng chảy trong tâm hồn mỗi người. Âm thanh của cồng chiêng, khua luống hay nhảy sạp là những bản hoà tấu của đại ngàn hùng vĩ, là ngôn ngữ giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên; góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Khu di tích lăng mộ vua Lê Dụ Tông – công trình kiến trúc tinh xảo
Dụ Tông Hòa Hoàng Đế là vị vua thứ 21 của vương triều Lê. Đời vua trị vì, đất nước tương đối thái bình, các hình phạt được giảm nhẹ, nhiều kỳ thi võ được tổ chức.

Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, dữ liệu tổng hợp từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu.

Đề nghị tăng cường bảo vệ các lăng mộ vua chúa
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị tăng cường bảo vệ các khu lăng mộ vua chúa sau sự việc lăng một vua Lê Túc Tông bị xâm hại

Người phụ nữ giữ lửa văn hóa Thái ở vùng cao Thường Xuân
Tại bản Bèn, thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), tiếng khung cửi rộn ràng trong một không gian nhỏ ấm áp, nơi những người phụ nữ Thái cần mẫn bên khung dệt, trao truyền từng nét hoa văn thổ cẩm, như kể lại câu chuyện bản làng bằng sắc màu những sợi chỉ. Đó là Tổ dệt thổ cẩm truyền thống mang tên “Táy Dó”, thành quả từ sự đồng lòng của cả cộng đồng, và đặc biệt là tâm huyết của người sáng lập. Đó là chị Vi Thị Luyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lẹ - người đã âm thầm “giữ lửa” cho nghề xưa giữa cuộc sống hiện đại.

Chốn thơ mộng giữa lòng Hao Hao
Nằm nép mình bên hồ Hao Hao rộng lớn, hiền hoà, quanh năm xanh biếc một màu, không bao giờ vơi cạn, khu du lịch sinh thái Hao Hao Green Pine Hill là một điểm đến mới tại thị xã Nghi Sơn.

Việt Nam có 2 địa điểm lọt danh sách điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025
Theo Danh sách do Tạp chí Time Out của Anh vừa công bố, Việt Nam có hai điểm đến du lịch là Hà Giang và Hội An lọt vào top 44 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025, được đánh giá bởi những du khách giàu kinh nghiệm.

Những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Dao
Giữa nhịp sống hiện đại, vẫn có những con người lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ trang phục đến tiếng nói, chữ viết. Đó là cộng đồng người Dao tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Họ đang góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa đang đứng trước không ít thử thách.

Cả nước đón 10,5 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa) cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ từ ngày 30/4 đến ngày 4/5, ngành Du lịch cả nước ước phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách có lưu trú.

Thành Nhà Hồ - giữ gìn “bức thông điệp” văn hóa cho muôn đời
Thành nhà Hồ - công trình kiến trúc đá cổ, một kiệt tác thể hiện tài năng, trí tuệ siêu phàm của người Việt, chứa đựng biết bao điều bí ẩn và những huyền tích. Không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, Thành nhà Hồ còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho bản sắc văn hóa và tinh hoa trí tuệ người Việt trên “bản đồ văn hóa” nhân loại. Để rồi, qua mỗi thế hệ, cùng với sự ngưỡng vọng và tinh thần ngợi ca, là câu chuyện về trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản ấy cho muôn đời...

Huyện Hoằng Hóa tăng cường quảng bá du lịch qua các nền tảng số
Huyện Hoằng Hóa vừa đưa vào hoạt động website Du lịch Hoằng Hoá - Thanh Hoá tại địa chỉ https://dulichhoanghoa.vn đem lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp, người dân và du khách.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.