Cứ mỗi lần về quê, đi qua cái cổng làng, tôi có cảm tưởng đang từ một giới hạn này sang một giới hạn khác. Bao nhiêu phàm trần, dung tục, bao nhiêu xô bồ, xô bíu, bon chen, lọc lừa, giả dối, đố kị... bị cổng làng, như cái màng lọc ngăn lại phía ngoài để lòng thanh thản khi cầm nén nhang thắp lên bàn thờ tiên tổ. Một cảm giác yên bình, đầm ấm, an toàn hơn mọi lời chúc tụng tràn ngập cõi lòng. Hệt như một con tàu bao năm tháng lênh đênh trên đại dương bao la sóng gió trăm ngàn nguy hiểm luôn rình rập đâu đó, đá ngầm, vực xoáy, giông tố nay về đến cổng làng là cập bến an toàn. Ngay từ những ngày chưa xa quê, tôi đã có trong mình cảm giác ấy. Cứ mỗi bận đi xa, khi trở về, còn cách xa làng dăm ba cây số vẫn cứ nghển cổ lên mà nhìn về phía làng. Chỉ cần trông thấy ngọn đa, ngọn đề là đôi chân bước líu vào nhau. Sắp đến làng rồi! Trong lòng tôi reo lên. Cứ ngỡ đó là tình cảm nông nỗi của tuổi trẻ thơ ngây, bồng bột. Ai ngờ càng lớn lên, càng từng trải, càng nhiều biến cố trong cuộc đời thì hình ảnh làng, tình cảm làng càng da diết, càng mãnh liệt. Mỗi bước gần tới cổng làng là mỗi bước bồi hồi, rân rân trong da thịt.
Khi cổng làng hiện ra, tự nhiên tôi lặng người đi. Ngước nhìn dòng chữ: "Thọ Lộc kính chào quý khách" lòng rưng rưng như gió, như sóng dạt dào vỗ về. Tôi không phải là khách. Tôi là đứa con của làng. Tôi là nhúm nhau, nhúm ruột của làng. Mẹ ru tôi bằng thổ âm làng năm chua mười mặn, trộn mười phương không lẫn lộn phương nào. Mẹ mớm tôi ca dao tục ngữ kết tinh từ mồ hôi nước mắt và xương máu của làng. Tuổi thơ tôi tẩm ướp trong phong tục, tập quán, nết ăn, nết ở của làng. Sau này tôi hiểu đó là gừng cay muối mặn, đó là nguồn sông lạch bể, là gốc cội tâm linh của một đời người. Nó dồn tụ trong hơi thở của tôi, trong giấc mơ tôi, hình ảnh nghị lực, khát vọng, khí phách của đời tôi. Để bây giờ đứng trước cổng làng tất cả từ trong ký ức ùa ra. Kỷ vật đời người như than lửa bùng lên soi ngời năm tháng thời gian. Những tiếng bi bô đầu tiên, những năm tháng lăn lộn, bươn trải mưu sinh hiện lên tươi rói. Nó ngưng kết lại thành những giọt rượu tinh khiết, trong suốt. Tự nhiên, từ cổ họng tôi toả ra một mùi thơm ngây ngất. Nắng từ lòng dạ bừng lên, mở mãi, mở mãi vào chỗ vô cùng vô tận của êm dịu và hạnh phúc.
Đã có rất nhiều định nghĩa về làng. Hình như nhà thơ, nhà văn nào cũng có định nghĩa về làng, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Nhưng tôi chưa thấy ai định nghĩa Cổng làng. Mấy chục năm cầm bút, tôi cũng chưa từng định nghĩa thế nào là Cổng làng. Có thể tôi chưa đủ tầm để khái quát. Có thể tôi đã có sẵn nó trong máu thịt thiêng liêng, mộng mị nên chưa bao giờ nghĩ đến thứ định nghĩa, phơi làng trên những con chữ. Tôi cũng không cắt nghĩa được vì sao mình yêu làng đến thế. Làng tôi cũng có người leo lên chức trọng quyền cao bằng cách lấp đá cửa hang Thạch Sanh. Làng tôi cũng có người leo lên ngôi mệnh phụ bằng cách dụ Tấm chăn trâu đồng xa; Làng tôi cũng có người trả nỗi uất ức bằng cách lừa Cám trèo cau; Cũng có người mang cơn khát Thị Màu. Có người thành Phật bằng nỗi đau Thị Kính. Làng cũng có mẹ Đốp dám bốc lời miệng quan bỏ vào trong váy. Làng cũng có cái chân thày Đề. Làng cũng có cái gầm giường cô Hến. Làng cũng có đồng hào có ma dưới chân quan Phụ Mẫu. Ánh mắt, nụ cười trai gái làng tôi cũng có rất nhiều lông ngỗng của nàng Mỵ Châu rắc cho Trọng Thủy. Nhưng đại đa số phụ nữ làng tôi hiền thục, khéo léo như nàng Ba Châu Long trong Lưu Bình Dương Lễ, hiếu nghĩa như nàng Thoại Khanh (trong Thoại Khanh Châu Tuấn). Người mẹ nào của làng tôi cũng là một Bà Chúa Kho. Rất ít người từ quả thị bước ra. Ngón chân ngón tay ai cũng chai sạn sần sùi như củ dong củ nghệ mọc xuyên qua tổ kiến lửa, những vết sẹo không còn chỗ để dày thêm nữa. Đã có lúc làng tôi phải đi bằng cách đi của Sọ Dừa. Đã có lúc làng tôi phải sống trong nỗi sợ hãi bần cùng của Chử Đồng Tử vùi mình xuống cát. Đã có lúc làng tôi phải tự kiếm một con đường đi đến tương lai như Mai An Tiêm lúc bơ vơ nơi hoang đảo. Nhưng làng tôi không thụ động ngồi chờ gió lên đưa thuyền về xuôi như câu hát của nhạc sĩ Xuân Giao. Tiếng dô khoan dô huầy vang lên từ con dao cái rựa; vang lên từ thói quen ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng. Chủ động và sáng tạo là tính cách của người làng.tôi. Ngựa Gióng của làng là giọt mồ hôi phi nước đại vào thiên tai địch họa, vào rủi may số phận đời người. Ngựa Gióng của làng là lưỡi cuốc lưỡi cày, vượt qua văn tự bán chó, bán con của chị Dậu với nhà Nghị Quế.
Có lẽ vì thế mà chúng tôi mới có cơ hội được nghe người chăn vịt nói về vịt cả ngày không chán; được nghe người buôn trâu, buôn bò nói về trâu, về bò cả ngày không chán; được nghe người kéo te kéo tép nói về tôm tép, cá mắm cả ngày không chán.
Chỉ biết rằng, bao giờ cũng vậy, dù đi Nam đi Bắc cứ nghĩ đến cái cổng làng, về đến cổng làng là lập tức chạm vào hồn làng. Tất cả hiện lên. Bao nhiêu cái khuất lấp bởi miếng cơm manh áo hiện lên. Bao nhiêu cái khuất lấp vì phù hoa sương khói hiện lên.
Lòng tôi lại thơm lừng mùi hương quế toả ra từ câu ca dao vút lên từ điệu hò đối đáp giao duyên giữa trai làng Thọ Lộc quê tôi với các cô gái làng Tu Mục có tâm hồn lộng gió sông Mã. Những chiếc ghế mây những rừng cỏ may, những cầu dải yếm, những chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen, những trăm chắp nghìn nối... thấm vào máu tôi, sáng lung linh trong tâm trí tôi từ dạo ấy. Lòng tôi bắt rễ vào nhiễu điều phủ lấy giá gương, bắt rễ vào bầu ơi thương lấy bí cùng, bắt rễ vào lá lành đùm lá rách ăm ắp tình làng nghĩa xóm. Rồi tiếng nhạc hồ, nhạc líu, tiếng mõ, song loan, tiếng pheng la, trống chàu lúc nào cũng âm vang, vọng dội trong nhịp đập con tim. Những đêm trăng sáng vằng vặc đi bắt bọ vừng, đá bóng bưởi mở ra.
Những buổi trưa đi chặt tre về nhổ mạ mở ra. Những tiếng cối, tiếng chày giã hồng non, cạy non, nâu non lấy nước phết vào diều sáo mở ra. Những đêm cầm gốc tre rực sáng lân tinh vung chạy khắp đường trên ngõ dưới mở ra.
Tất cả như trăm nghìn con mắt hiện về từ sâu thẳm nhìn xoáy vào sự sững sờ, xúc động của tôi và lấp lánh sáng. Sóng từ mặt hồ mênh mông vỗ ì oạp vào tôi . Làng tôi được thiên nhiên ban tặng một hồ lớn chạy từ Yên Thọ qua Yên Bái đến Yên Trường. Đây là một khúc sông Mã sau khi được nhà Trần nắn dòng để lại. Người ta gọi là Cựu Mã Giang. Phần lớn gọi hồ theo tên xã là hồ Yên Trung. Trẻ làng tôi biết bơi, biết lặn đều nhờ hồ ấy. Ngày xưa, vịt trời, le le, mòng két, bồ nông bay về từng bầy, từng bầy đông đúc. Trăn, rắn, kỳ đà, rùa, ba ba nhiều vô kể. Động trời, tôm nổi vạ đặc vào bờ. Cả làng, cả xã ùa ra vớt tôm nổi. Có nhà được hàng yến, hàng tạ. Rồi cá nổi. Nhiều nhất là cá mè. Tưởng như ngồi cầm cá xếp lại cũng không nhiều như thế. Cá mè, cá trắm nặng hàng yến. Có con bốn, năm chục cân. Mùa đánh cá, làng, xã thuê thợ kéo lưới Sầm Sơn lên. Mỗi mẻ lưới sáu, bảy tấn cá. Từng đoàn xe bò, từng đoàn xe đạp thồ, từng đoàn người gồng gáng chở cá qua cổng làng. Cá đi nhập cho cửa hàng thực phẩm huyện. Cá đi đổi lân, đổi đạm. Cá đi các huyện miền núi đổi luồng đổi gỗ. Cá đi đổi xi măng, sắt thép. Cá đến với các trại ăn dưỡng của bộ đội thương binh. Cứ đứng ở cổng làng là biết cá đi mãi đâu.
Cổng làng vẫn bờ tre, chứng nhân của bao mùa lụt, bão, xoáy lốc, vòi rồng. Mới chớm mùa mưa, lớp măng vòi đầu tiên vượt khỏi sự che chở của mẹ, vươn bật, xìa ra hệt như những ngọn cần câu vắt vẻo, đong đưa. Không có con cá nào mắc vào những vẻo măng mềm mại như phết một lớp bột ngô vàng nhạt ấy. Chỉ có hoàng hôn mắc vào đó. Chỉ có ráng vàng, ráng đỏ, trai ăn mặt trời mắc vào đó. Chỉ có ánh trăng màu mật ong nuôi dưỡng tiếng cười nơi sân đình dâng đầy lên tuổi, chạy vào không gian, thời gian mắc vào đó. Sao trời mắc vào đó. Lần gỡ từng sợi tơ của chiếc kén vô thanh, vô sắc ấy, tôi bỗng chạm vào cái hào hùng, bi tráng của làng, chạm vào nụ cười và nước mắt của làng. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và hai mươi năm đánh Mỹ, giấc ngủ làng tôi để phía cổng làng. Ánh mắt làng tôi nhìn về phía cổng làng. Những giấc mơ hướng về phía cổng làng. Hơn một trăm cuộc tiễn đưa những người thân ra trận, không có cuộc tiễn đưa nào không đi qua cổng làng. Hàng trăm lần tiễn đưa thanh niên xung phong, những người đi dân công hoả tuyến cũng qua cổng làng. Hơn hai mươi lần đón giấy báo tử cũng qua chính cổng làng. Rước bằng vẻ vang, bằng gia đình liệt sỹ, bằng công nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng qua cổng làng. Không chỉ có thế, cổng làng còn chứng kiến dân làng đón bao nhiêu đoàn bộ đội về đây. Hết đại đội này đến đại đội khác. Hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác. Ăn dưỡng có. Luyện tập chiến đấu có. Thu dung có. Có khi số bộ đội nhiều gấp đôi, gấp ba nhân khẩu trong nhà, trong làng. Làng chằng chịt hầm hào. Đồng bái, phía trước, phía sau chằng chịt ụ súng. Những trung đội dân quân, tiểu đội dân quân của làng được thành lập. Những người đóng vai Lê Lợi, Quang Trung đóng Thuý Kiều, Thuý Vân, đóng Trưng Trắc, Trưng Nhị mang tiếng hát tuồng hát chèo của làng ra trận và ngồi trên ụ súng, ụ pháo trực chiến. Bốn phía làng bốn trạm gác phòng không. Hễ máy bay địch xuất hiện là tiếng kẻng, tiếng tù và vang lên giục giã. Không tên việt gian gián điệp nào qua được cổng làng. Trong những ngày ác liệt nhất, Thọ Lộc quê tôi còn đón hàng trăm học sinh K8 từ Quảng Bình, Quảng Trị về nuôi. Rồi bao nhiêu gia đình từ Hải Thanh, Tĩnh Gia được cấp trên đưa lên sơ tán. Chưa bao giờ khẩu hiệu đánh Mỹ lại cụ thể, lại đi vào ý thức làng tôi mãnh liệt thế.
Ai cũng nhắc nhau: "Bỏ sót một quả bông là bỏ sót một cuộn băng gửi ra tiền tuyến". Hay: "Ăn một củ lạc là ăn một chiếc đinh bu loong , ăn một viên đạn tiêu diệt kẻ thù".
Không hiểu sao làng chúng tôi giàu tiếng hát thế.
Già hát. Trẻ hát. Hội nông dân tập thể hát. Hội cựu chiến binh hát. Hội người cao tuổi hát. Hội phụ nữ hát. Hội con một bề cũng tập hát. Rồi Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, rồi từng xóm, từng xóm... Tiếng hát cứ âm vang rạo rực hàng tháng trời trước khi bước vào ngày hội.
Trong buổi toạ đàm gặp mặt những người con xa quê, tôi không rõ có bao nhiêu ý kiến. Nhưng ai cũng toàn tâm, toàn ý cho quê hương. Có người nói, làng Thọ Lộc bây giờ mới khai trương làng Văn hoá là chậm, là muộn. Cả miền Bắc đã biết đến Thọ Lộc từ những năm 62, 63. Nhà trẻ nổi tiếng miền Bắc. Bông nổi tiếng miền Bắc. Hết đoàn xe này đến đoàn xe khác về thăm. Làng phải được công nhận làng Văn hoá cách đây ba, bốn chục năm rồi mới phải.
Có người cho rằng, việc làng cần làm ngay bây giờ là đề nghị cấp trên cho xây dựng lại hai đền thờ thờ Lý Thường Kiệt. Hai cái đền to đẹp linh thiêng như thế, tự nhiên bảo phá đi lấy gỗ làm trường. Giờ lại bắt dân làng làm tờ trình xem có thật không. Theo Địa chí huyện Yên Định(NXB KH – XH Hà Nội.2010), làng tôi còn giữ được 4 sắc phong thời vua Khải Định và vua Thành Thái. Trong bốn sắc phong thì ba sắc phong liên quan đến Lý Thường Kiệt, một sắc phong liên quan đến thần Cảo Sơn.
Sắc phong1: "Sắc phong cho Lý Thường Kiệt cùng vợ ở Yên Trung (dịch nghĩa) : Sắc co thôn Điền (Điền thôn là tên làng Đen xưa, làng Thọ Lộc nay. NMK), xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa theo như lệ trước phụng thờ bậc thần trước đây được nguyên tặng là bậc tôn thần: triều nhà Lý, giữ hàm chức Thái Bảo Việt quốc công tên là Lý Thường Kiệt với các mỹ tự được ban Dực bảo, Trung hưng, Linh phù,, đã có công giúp nước, hộ dân, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. gạp các kỳ tiết lễ đội ơn ban cấp sắc phong cho phép phụng thơ. Nay vừa đúng vua 40 tuổi làm lễ khánh tiết vâng mang chiếu báu ơn sâu lễ rộng thăng lên một bậc lại gia tặng thêm mỹ tự: Trác vĩ thượng đẳng thần. Đặc biệt cho phép phụng thơ, dùng theo lễ quốc khánh mà phương pháp tế tự dõi theo phép điển xưa. Vâng sắc.
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)".
Sắc 2 (dịch nghĩa): "Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa theo như lệ trước phụng thơ bà họ Tạ, tên hiệu là Thuần Khanh, là vợ của của quan Thái Bảo triều Lý, được ban tước Việt quốc công (Lý Thường kiệt) với các mỹ tự Dực bảo, Trung hưng, Linh phù, Đã có công giúp nước, hộ dân, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. gạp các kỳ tiết lễ đội ơn ban cấp sắc phong cho phép phụng thơ. Nay vừa đúng vua 40 tuổi làm lễ khánh tiết vâng mang chiếu báu ơn sâu lễ rộng thăng lên một bậc lại gia tặng thêm mỹ tự: Trác vĩ thượng đẳng thần. Đặc biệt cho phép phụng thơ, dùng theo lễ quốc khánh mà phương pháp tế tự dõi theo phép điển xưa. Vâng sắc.
Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1925)".
Sắc phong 3(dịch nghĩa): "Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phụng thờ chính phu nhân Đặng Thị Thuần khanh là vợ của Thái Bảo Việt quốc công Lý Thường kiệt triều nhà Lý, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. Tới nay vua đội ơn nối trải mệnh sáng đất nước, nhớ về công lao của thần trước đây, gia phong thêm mỹ tự là bậc thần Dực bảo Trung hưng Linh phù. Cho phép phụng thờ theo từng năm để thần ngầm giúp bảo hộ dân ta. Vâng sắc.
Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1918)".
Sắc phong 4 (dịch nghĩa): "Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phụng thờ bậc tôn thần Thái úy Cảo Sơn, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. Từ trước tới nay chưa được vinh dự ban sắc, tới nayvua đội ơn nối trải mệnh sáng đất nước, nhớ về công lao của thần trước đây, gia phong thêm mỹ tự là bậc thần Dực bảo Trung hưng Linh phù. Cho phép phụng thờ theo từng năm để thần ngầm giúp bảo hộ dân ta. Vâng sắc.
Ngày 20 tháng 5 niên hiệu Thành Thái thứ 19 (1907)"
Ngày xưa, làng tôi còn có đền thờ Trương Quốc Hoa. Ông sinh ở làng, làm đến chức quan Thượng Thư, phò Lê diệc Mạc. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê vào năm 1527, Nguyễn Kim cùng Trịnh Kiểm đưa vua Lê chạy về đóng đô tại vùng Xuân Trường - Vạn Lại (Thọ Lập – Xuân Châu huyện Thọ Xuân bây giờ), ông đã đem quân về dựng phòng tuyến ngay tại làng. Chỗ ông nhốt voi bây giờ gọi là Tàu Voi. Chỗ ông nhốt ngựa gọi là Mã Gia. Chỗ quân sỹ luyện cung tên gọi là Trường Bắn. Chỗ ông xây chùa gọi là Nền Chùa. Màu da của ông thành tên gọi cho làng, đó là làng Đen.
Có lẽ vì thế nên người làng tôi dù làm ông to bà lớn ở đâu, khi về đến cổng làng, ngước nhìn lên thấy hai chữ Thọ Lộc lập tức phải nghĩ ngay đến mình vẫn là con cháu của làng, là thần dân của làng, là giọt máu được nuôi dưỡng bằng sinh khí của làng. Họ trút bỏ được những khoảng u tối nặng nhọc không dễ giải tỏa nơi công đường công sở để trở về đời thường dân dã. Không ai cao ngạo trước cổng làng. Họ hít thở lại cái bầu không khí trong lành mát ngọt từ thuở lọt lòng. Họ nhận lại những kỷ niệm thiêng liêng của một đời người. Họ hiểu trong cổng làng là Gia phả của dòng họ. Trong cổng làng là Tổ tiên dòng họ. Trong cổng làng là nơi khởi nguồn cho tâm hồn họ đơm hoa kết trái. Dù bụi bặm đến đâu họ cũng nghĩ phải lọc mình thanh sạch tinh khiết để trở về cái thánh thiện của hồn làng…
Nâng vụn đất đặt vào lòng bàn tay soi thấy bao nhiêu thứ rễ chằng chịt trong nhau, lấp lánh trong nhau, sáng như trán người láng bóng mồ hôi. Rễ lồng trong rễ. Lá lồng trong lá. Cây tựa vào cây. Cành đan trong cành. Thế mà không chiếc rễ nào tìm cách gạt bỏ nhau. Không cành cây tán lá nào chối bỏ nhau. Hoa nào cũng được thơm theo cách của riêng mình. Quả nào cũng được chín theo cách của riêng mình. Hương vườn da diết ở đó. Hương quê da diết ở đó. Cây sâu, cây gãy nương tựa vào nhau. Cây lớn cây bé vươn cành tỏa tàn vào nhau. Trường ca "Làng Thọ Lộc" của tôi hình thành trong triết lý ấy. Lòng dạ tôi cứ tự nhiên ngân lên: "Lạ thay cái đất làng mình/ Bỏ quên sợi tóc cũng thành ca dao!/ Lá răm lả yếm cầu ao/ Trai làng chạm phải say bao nhiêu đời!/ Sần sùi một chiếc bình vôi/ Suối nguồn hiện đến xa xôi ông bà!/ Đùa nhau mai thuổng quét nhà/ Bỗng nghe đất nước tù và chuyển rung !/ Thổi bong bóng kết làm rồng/ Nhói đau buốt tận thiên cung Ngọc Hoàng!/ Nhổ cây rau má cổng làng/ Bao nhiêu lọng tía, tàn vàng lung lay!/ Quần nâu cởi vắt đáp cày/ Thế mà vững chãi thành này lũy kia!/ Lọt sàng hạt gạo xuống nia/ Bao nhiêu sông biển không chia hết tình!/ Lạ thay cái đất làng mình/ Kẽo kà kẽo kẹt mà thành nghìn năm!/ Người thành danh, kẻ lỗi lầm/ Không ai lạnh lẽo trong tâm hồn làng/ Vườn mình rụng chiếc lá vàng/ Cứ lo giông bão ập sang vườn người/ Sân đình chèo bội í ơi/ Mà bền gốc rễ vào nơi bàn thờ/ Quanh năm chỉ ruộng với bờ/ Vẫn tường tận hết tỏ mờ trăng sao/ Rít chung một điếu thuốc lào/ Bao nhiêu dòng họ bện vào thành quê/ Bỏ vò bông cải bông kê/ Trăm năm chẳng sợ chiêm khê mùa trầm/ Khói hương mùng một hôm rằm/ Lòng người thanh thản thành tâm thánh thần/ Bàn tay mưa nắng chai sần/ Mồ hôi kết tụ đồng gần đồng xa/ Kết thành cổ tích dân ca/ Cái nơm cái giậm úp qua bầu trời/ Gió sương lăn hết cõi người/ Khi đứng với bụt khi ngồi với ma/ Xin làng giờ được mở ra/ Muôn sau được thấy ông cha nghìn đời/ Khói hương xin đặt vào lời/ Ai người Thọ Lộc về soi hồn làng".
Những vụn đất làng đã nuôi bao nhiêu cây đa, cây đề thành đại thụ. Tôi như con chim không chỉ ăn một quả khế của làng, mà uống nước làng, lớn bằng cơm gạo làng, khi bay đi mang cả tiếng hót đi theo. Hôm nay đem mấy chục đầu sách về mừng làng khai trương làng Văn hoá, tôi không dám nghĩ đó là tài năng. Đó là hoa của làng, là quả của làng, là hương của làng chín nơi đất khách, ủ hồn vào con chữ mà gửi lòng về. Đứng trước cổng làng rưng rưng tôi đọc lại mấy câu thơ trong bài "Dấu quê", một bài thơ được Nhà xuất bản giáo dục đưa vào chương trình Sách giáo khoa, giảng dạy ở lớp Bảy, THCS từ đầu thế kỷ XXI:
Hồn như hạt cải hạt kê
Gieo đi trăm nẻo lại về làng xanh.
Câu thơ lạc chốn đô thành
Xin về ngọt với đất lành, làng ơi!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.