ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 22/11/2023 16:27

Truyện ngắn "Gặp lại người cùng binh trạm" | Nguyễn Huy Súc | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Gặp lại người cùng binh trạm" của tác giả Nguyễn Huy Súc qua giọng đọc Huyền Linh.

1 . Chiếc xe Toyota mầu đen ra khỏi làng. Ông Lâm ngả người về phía sau cho thoải mái. Cậu lái xe mặt còn non choẹt hỏi ông Lâm:

- Thưa ông, ông vào đợt này lâu không? Ngày nào ông về, ông gọi cho con để con lên đón?

- Ông đi dăm bữa, nửa tháng. Viếng mộ ông Toàn ở nghĩa trang và thăm ông bà Liễn. Mấy năm nay không vào được, nóng ruột quá – ông Lâm vừa trả lời vừa lim dim đôi mắt.

Bà Lâm mất đã bốn năm nay. Một mình ông sống trong căn nhà hai tầng nằm giữa khu vườn cây trái quanh năm xanh tốt. Từ ngày nghỉ hưu, ông mới có thời gian lập lại những kỹ thuật lai tạo, công việc ông đã trực tiếp làm khi ông chưa bước lên vị trí lãnh đạo. Một phần tư quãng đời hoạt động chuyên môn về sau này, ông là Viện trưởng một Viện Lúa thuộc Bộ nông nghiệp. Ông đi nhiều nước, về nhiều địa phương. Công việc chính của Viện là bảo tồn các nguồn gene, chọn lọc, tạo ra những giống lúa chịu được úng hạn, chống được sâu rầy, đạt năng suất cao mà vẫn bảo toàn tính sinh thái, thích hợp với đồng ruộng ở mỗi vùng miền. Bây giờ, nhiều hôm chiều xuống, nhìn con đường vòng quanh ao trước nhà, không còn thấy bóng dáng bà đứng ngắm những bông hoa sặc sỡ nhiều mầu ông lai tạo ra, thì một nỗi trống vắng, lạnh lẽo ập đến khiến ông đã buồn lại thêm buồn.

Thứ Bảy, Chủ nhật con cháu của ông trên thành phố về. Đứa bíu vai, đứa ôm cổ... Vui quá là vui! Nhưng rồi chiều xuống bố mẹ nào con nấy lại lên ô tô trở lại thành phố. Các cháu của ông, nhỏ thì đang học trường chuyên lớp chọn; lớn thì đứa Hà nội, đứa du học tận mãi Paris. Vì tương lai của con cháu, ông cho rằng mình chịu sự trống vắng, lạnh lẽo nhiều khi còn là một phần của hạnh phúc chứ đâu hẳn chỉ là số phận. Tuần vừa rồi, người em ruột vợ ông cùng anh con cả của ông ngồi cho đến khuya mới thủ thỉ với ông: "Hai cậu cháu em xin truyền đạt lại ý kiến của vợ chồng em, của các dì, các cháu, là muốn anh xem xem, anh nên có một người phụ nữ để gần gũi, chăm sóc lẫn nhau khi các con anh vắng nhà!". Ông Lâm thở dài: "Anh cám ơn cậu mợ, các dì, các con đã nghĩ đến cuộc sống hiện nay của anh. Nhưng cậu mợ, các con cũng cần phải nghĩ lại, anh đã sắp vào ngưỡng thất thập rồi, đưa một người đàn bà về sống với nhau đâu phải chuyện đơn giản. Biết là trống vắng, lạnh lẽo đấy, nhưng khó khăn gì thì chịu một bề cho xong". Anh con cả nghe ông nói vậy, liền tiến thêm bước nữa: "Bố cứ nói thế, chứ như ông Dần, năm bà ấy qui tiên, ông ấy đã hơn bảy mươi rồi mà còn cưới bà Đạm đó thôi. Ở Nga, mỗi năm có tới mười lăm, hai mươi phần trăm những người trên bảy chục cưới nhau đó là gì?". Ông Lâm lắng giọng: "Ở Nga khác. Ta khác! Thôi, chuyển chuyện khác đi. Chuyện này chấm dứt ở đây nhé. Thằng Phúc lâu nay học hành ra sao? Hai, ba tháng rồi không về?". "Cháu đang trong giai đoạn hoàn thành luận văn. Đề tài của cháu là một nhánh đề tài cấp nhà nước của Giáo sư Viện trưởng. Cháu đã được Giáo sư định hướng ngay từ khi vào nghiên cứu". "Vẫn biết là thế. Chiết tách, thu gom, bảo quản tế bào gốc phục vụ cấy ghép tủy cho những người bị bệnh máu ác tính. Hiện nay người ta còn áp dụng điều trị một số bệnh khác. Khó. Cần phải tận tâm, tận lực. Không biết khi đã trở thành tiến sĩ rồi có làm nên cơm cháo gì không, hay lại xếp luận văn vào tủ.". Ông Lâm thở dài. Con ông lại tiếp: "Không đến nỗi thế đâu bố ạ. Trung tâm của cháu vừa rồi được Tỉnh cho nâng cấp thành Bệnh viện chuyên khoa. Cơ sở được mở rộng. Cán bộ được bổ sung. Máy móc, y dụng cụ được trang bị thêm, hoàn thiện cho kịp với yêu cầu phát triển của một bệnh viện chuyên điều trị bệnh tế bào máu và cơ quan tạo máu, mà bố!"...

Xe của ông Lâm đến sân bay nhà ga đã cho hành khách vào cửa lên máy bay. Ông Lâm được cô tiếp viên dẫn lại số ghế ghi trên vé. Cạnh ghế của ông là một người đàn bà đã đến trước. Bà ta đang nói chuyện với một thanh niên trẻ. Hình như họ đang trao đổi một vấn đề gì đó về học thuật nên cả hai có vẻ say sưa với những lập luận của mình. Một lát sau, người đàn bà quay lại phía ông Lâm. Ông Lâm nói với người bạn đồng hành:

- Xin lỗi, tôi có làm phiền bà và cậu đây không?

Người đàn bà nhìn chằm chằm vào ông Lâm, cứ như trên mặt ông có vết nhọ. Phải đến một phút trôi qua, bà không chớp mắt làm ông phát ngượng. Nhưng cũng vì cái nhìn ấy đã khơi dậy trong ông khuôn mặt, nhất là cái nốt ruồi ở đuôi mắt trái, của một người con gái đã nằm sâu trong ký ức ông từ mấy chục năm qua. Đầu óc ông quay cuồng. Mặt ông tai tái. Môi ông run run. Hai hàm răng va vào nhau lập cập. Bỗng người đàn bà kêu lên:

- Ủa, Hai Tân! Có phải Hai Tân đó không? Có phải anh đó không?

Phải đến một phút sau, ông mới nói được ra lời:

- Út Phượng! Út Phượng phải không? Hai Tân đây! Ông đưa hai bàn tay ra đón lấy hai bàn tay Út Phượng. Cả hai nước mắt dàn dụa. Chàng thanh niên vừa nói chuyện với bà giờ thần người ra. Nét mặt anh ta có vẻ đổi sắc. Và, khi hai người bạn già định thần lại, anh mới dám hỏi nhỏ bà:

- Thưa Giáo sư, có phải đây là người mà Giáo sư kể khi tầu ta qua cầu Hàm Rồng không ạ?

- Đúng rồi! Hồi đó, ông Hai chỉ nói là quê ông Hai ở Thanh Hóa.

- Trời, hai ngày sau khi ở binh trạm ra đi, tôi nghe người ta nói là binh trạm bị B52 rải thảm, các chiến sĩ của ta ở binh trạm đã hy sinh hết - Ông Tâm vừa thở gấp vừa nói - Chết hết. Chết không còn một ai!

- Chết gần hết- bà Út thở dài- Tám Chấn, Bảy Trương, Út Thơm, Út Hiền. Chỉ còn sống sót có Hai Toán và Tư Quý. Khi tìm thấy, Hai Toán mất một chân phải, một tay trái, giờ Hai Toán ở Bến Tre. Tư Quý mất một chân, một miểng bom găm vào cột sống thắt lưng làm liệt tủy. Bây giờ Tư Quý đang nằm ở Viện điều dưỡng Chín.

- Thế là bom thằng Mỹ nó trừ Út?

- Sau hôm anh Hai đi, em được chú Tám Chấn cử dẫn đoàn cán bộ mới vô về Long Khánh. Bốn ngày sau trở về binh trạm mới hay sự tình. Lại nghe nói Hai Tân và Ba Tiếp xuống gần tới điểm hẹn thì bị bọn chúng tập kích bắn chết cả hai. Trời, khi đó em tưởng như chết đi được!... Rồi binh trạm được tổ chức lại. Bộ máy được bổ sung để hoạt động phục vụ cho tổng tiến công.

- Đúng. Tôi và Ba Tiếp xuống gần đến điểm hẹn thì bị chúng đón lõng. Chúng có tới cả đại đội. Còn mình chỉ có hai anh em, lại bất ngờ. Chúng bắt, tra hỏi suốt một đêm một ngày không moi được tin gì ở bọn tôi. Tối hôm sau, chúng đưa cả hai lên xe, trói giằng lại với nhau. Xe đi được khoảng mươi phút, chúng lại đưa thêm người lên xe. Cả đàn ông đàn bà chật ních một xe. Rồi xe gầm rú nhào đi. Khoảng gần một giờ chi đó thì xe dừng lại. Chúng đẩy tất cả xuống xe. Rồi chỉ nghe súng nổ loạn xạ. Trời đất như đổ sập xuống. Những xác người ngã đổ đè lên người mình mỗi lúc một nặng. Chẳng còn biết gì nữa. Khi tỉnh lại mới biết mình đang được một cơ sở của ta cứu chữa. Họ kể đã tìm thấy hai người còn sống trong đống thi thể anh em mình, một trong hai người đó là tôi.

Những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt da mồi của bà Út. Hai mắt ông Lâm cũng nhòe đi, mũi cay xè. Bà Út đưa miếng khăn giấy lên thấm nước mắt, nước mũi cho ông Lâm.

- Sau ngày thống nhất, Út được sang Cuba học nghề thầy thuốc.

Bà Út Phượng mới nói đến đấy đã nghe tiếng phát thanh viên nhắc các hành khách cài chặt dây an toàn lại để máy bay cất cánh...

2. Đêm hôm đó, Út Phượng trở lại binh trạm sau chuyến hướng dẫn một đơn vị từ ngoài Bắc mới vô xuống đồng bằng và truyền lệnh của Tám Chấn để Hai Tân về binh trạm nhận nhiệm vụ mới. Họ biết nhau từ mấy tháng trước, khi Hai Tân chuyển về binh trạm. Út Phượng nhớ nhất Hai Tân ở chỗ anh hát hay và sáng dạ. Tuy mới vô mà Hai Tân đã thuộc nhiều bài vọng cổ và nói giọng Nam Bộ ngọt lừ. Nếu không biết trước, không ai biết Hai Tân là người gốc Bắc. Còn Út Phượng, một cô gái có làn da trắng mịn, người dong dỏng cao, nhanh nhẹn, vui tính và còn sở hữu một giọng hát hay làm làm xao xuyến nhiều chàng trai, cô gái từng qua binh trạm. Mọi người thường gọi cô với cái tên thân mật là con chim sơn ca của binh trạm.

Hai người qua được dốc Ba Bò thì trời vừa sáng. Đang là vùng nhiều đồn bốt địch nên họ buộc phải rẽ lên núi tìm đến cái hang mà đã có lần Út Phượng từng trú chân chờ đêm xuống mới được đi tiếp. Càng vào sâu trong hang càng nhiều ngách. Nhá nhem và se lạnh. Hai người đều đã thấm mệt vì qua một chặng đường dài không nghỉ. Không ai chuyện trò gì. Họ ngồi tựa lưng vào vách đá. Nhắm mắt. Thiu thiu. Khi đã đỡ mệt, Út Phượng mở vắt cơm ra hai người vừa ăn vừa thủ thỉ trò chuyện. Ăn uống xong, Hai Tân nói Út Phượng ngủ đi để lấy sức tối còn đi. Hai Tân thức để cảnh giới. Mặc dù đã ở sâu trong hang, nhưng cảnh giác vẫn không thừa. Út Phượng không chịu, nói là giành cho Hai Tân ngủ lấy sức để còn nhận nhiệm vụ mới. Hai người cứ nhường nhau, phần vì chân tay hết rã rời, lại vừa ăn nên hai người đều thấy khỏe ra. Út Phượng hỏi:

- Ở ngoo...ải, anh Hai có gần Hà Nội không?

Hai Tân buột miệng:

- Quê anh ở Thanh Hóa, nhưng khi nhập ngũ anh đang học ở Hà Nội nên rành Thủ đô lắm - Nói rồi Hai Tân mới thấy chột dạ vì nhớ lại lời cấp trên quán triệt - Hai Tân hỏi lại Út Phượng:

- Thế Út lên xanh được mấy năm rồi?

- Hai năm lận. Con trai, con gái trường Út bỏ học lên xanh theo cách mạng nhiều dữ. Hòa bình rồi học tiếp, phải không anh Hai?

- Ừ, ở ngoo...ải bọn anh cũng dzậy. Năm đó, trường Nông nghiệp của anh, con trai, con gái nhập ngũ cả trăm.

- Ủa, anh Hai học Nông nghiệp hả? Sau này hết chiến tranh về xây dựng cho nhiều đồng lúa ta. Nếu ở lại trong ni, anh Hai xuống Đồng Tháp Mười giúp bà con mình trồng lúa càng dzui, hè!

Hai người cứ rì rầm, rì rầm hết chuyện này đến chuyện khác. Họ xích lại gần nhau, tựa vào nhau từ khi nào không biết. Rồi Út Phượng như lọt thỏm vào lòng Hai Tân. Hai Tân kéo hai miếng vải dù của mình và của Út Phượng lại thành một tấm chung, làm anh và Út Phượng thấy người ấm ran. Có lúc, Út thiu thiu trong vòng tay của Hai. Khi bừng tỉnh, cô ngước mắt lên nhìn nét mặt anh trong khoảng tranh tối tranh sáng. Cô đưa bàn tay mềm vuốt nhẹ lên mặt anh.....Cô dụi khuôn mặt mình vào ngực anh....

- Tối rồi. Đi thôi. Con chim sơn ca của anh!

Ba ngày sau, Hai Tân và Út Phượng về đến binh trạm.

Hai Tân vào gặp Tám Chấn thì Ba Tiếp đã ngồi chờ sẵn. Nhận nhiệm vụ xong, Hai Tân cùng anh em ăn cơm chiều. Họ nói với nhau bao chuyện cho bõ những ngày xa cách. Người còn. Người mất. Người mới bổ sung. Binh trạm làm công việc đón đưa, hướng dẫn các đơn vị vào các vùng, tiễn đồng chí mình trở ra, như một guồng máy không bao giờ nghỉ.

Tối được một lúc thì Hai Tân lên đường. Út Phượng tiễn Hai Tân đến bờ suối. Khi nhận chiếc gùi từ tay Út, Hai Tân dúi vào tay cô một phong giấy nhỏ. Khi trở lại binh trạm, Út mở phong giấy ra thì mới biết Hai Tân gửi lại cho cô tấm hình của anh. Tấm hình chỉ bằng cái móng tay. Cô áp tấm hình của Hai Tân lên ngực mình và tự nhiên ngực cô như nghẹn lại, hai mắt cô nhòe đi. Những giọt nước mắt nong nóng cứ thế chảy xuống hai gò má. Cô như muốn phóng theo Hai Tân để nói với anh một điều gì đó, người con trai cô đã gửi gắm và dâng hiến cả cuộc đời mình...

Hai tháng sau, kể từ ngày biết tin Hai Tân hy sinh, tình hình chiến sự thay đổi quá nhanh. Binh trạm như một guồng máy quay gấp cho kịp phục vụ đợt tổng tiến công. Út Phượng thấy trong người có những thay đổi kỳ lạ: hai bầu vú ngày càng căng to và núm vú thâm và đau, thèm chua và có hôm mới ngửi thấy mùi cơm cô đã buồn ói. Những thay đổi đó báo cho cô biết cô sắp được làm mẹ!..

Nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khẩn trương. Ngày cáo chung của Mỹ ngụy đã đến. Út Phượng cuốn hút vào những việc cần phải làm. Rồi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước thống nhất một nhà. Cái sinh linh nhỏ bé trong người Út Phượng lớn dần. Út Phượng chủ động lên trình bầy quan hệ giữa mình và Hai Tân với thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng bảo Út cứ yên tâm, để ông xin ý kiến của cấp trên. Một thời gian sau, Út Phượng được thông báo: Cấp trên cho cô lên bệnh xá sư đoàn nghỉ chờ đẻ, hoặc có thể về gia đình, nếu cô muốn. Còn việc cô đề nghị cho biết rõ quê quán, lai lịch của Hai Tân thì khó. Do đặc thù nhiệm vụ, Hai Tân phải đổi tên, đổi họ, đổi phiên hiệu đơn vị nhiều lần nên phải chờ bộ phận bảo giải mã. Một công việc khá phức tạp, không phải ngày một ngày hai mà làm được. Phải chờ!

Sinh con trai đầy năm, Út Phượng được gọi trở lại đơn vị. Rồi đơn vị cử cô lên Sài Gòn học tiếp, chuẩn bị cho du học ở nước ngoài. Thời gian trên thành phố, cô vừa phải học cho hoàn chỉnh chương trình phổ thông vừa phải học tiếng để đi Cuba.

Út Phượng tốt nghiệp bác sỹ ở tuổi ba hai. Cô được phân công về làm công tác giảng dạy ở trường đại học Y-Dược thành phố Hồ Chí Minh. Công việc lại đưa cô vào một guồng quay mới. Sáng ở bệnh viện hướng dẫn sinh viên thực hành lâm sàng. Chiều giảng bài ở trường. Tối bảo ban con học. Khi con ngủ, cô lại vùi đầu vào những trang sách. Có một đồng nghiệp muốn cùng cô đi đến hôn nhân. Út Phượng cám ơn và nói với anh ta: "Đời của Út như thế cũng đã toại nguyện. Út có chồng là Hai Tân đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp vệ quốc và để lại cho Út một đứa con. Xin hãy để Út ở vậy. Thờ chồng. Nuôi con.".

Rồi Út Phượng được nhà trường cử sang Pháp làm nghiên cứu sinh. Năm Út hoàn thành luận án tiến sĩ, cô đã ở tuổi 40

3. Ông Lâm, bà Út Phượng và người thư ký của bà Út ra khỏi sân bay thì trời đã sang chiều. Con trai bà Út đưa bà lại xe. Cháu ông Lâm cũng đưa ông lại xe đỗ cách xe của bà Út một đoạn. Ông Lâm đang định lại tạm biệt bà Út trước khi lên xe của đứa cháu thì bà Út đã dẫn một chàng trai cao to, khuôn mặt trắng trẻo còn dấu viền xanh, vết tích của bộ râu quai nón vừa mới cạo. Bà Út giới thiệu với ông Lâm:

- Đây là con trai em. Nó tên là Thanh Hoa, như em đã nói với anh Hai khi hồi.

Thanh Hoa lễ phép đưa hai tay ra bắt tay ông Lâm, giọng Nam Bộ nhỏ nhẹ:

- Con xin chào ông!

Bà Út hồi hộp khi Thanh Hoa và ông Lâm nắm tay nhau. Mũi bà cay cay. Mắt bà rơm rớm nước. Bà quay nhìn sang phía khác. Bà chưa đủ bình tĩnh nhìn thấy cảnh hai người không biết mình là hai bố con. Nhưng rồi bà cũng trấn tĩnh lại được. Bà quay lại nói với ông Lâm:

- Mẹ con em mời anh Hai qua nhà em nghỉ chân một lát, cũng trên đường anh Hai về mà.

Ông Lâm nói với người cháu:

- Bác cháu ta rẽ qua nhà bà Út một lát.

Xe của ông Lâm chạy sau xe bà Út Phượng. Người cháu hỏi ông Lâm một hồi về chuyện quê, chuyện nhà rồi liếc nhìn ông Lâm, giọng anh nhỏ lại:

- Dạ thưa, bác có biết Bà Út từ trước?

- Thời đánh Mỹ, bác và bà Út cùng đơn vị- Ông Lâm thở dài- Mấy chục năm rồi, từ hồi còn chưa có các cháu. Người này cứ tưởng người kia đã chết. Sáng nay lên máy bay, gặp lại nhau, người này mới biết người kia vẫn còn sống.

- Trời! Cháu ông Lâm la lên.

Hai chiếc xe đã vào trong khuôn viên căn nhà của Giáo sư Huỳnh Kim Phượng

tọa lạc. Con dâu và hai đứa cháu bà Út ra tận cửa xe đón bà. Bà giới thiệu với con dâu và các cháu:

- Đây là ông Hai Tân, người cùng đơn vị với má từ hồi còn trên xanh.

Người con trai bà Út mời ông Lâm vào nhà. Bà Út đi đến bàn thờ hạ tấm hình ba anh nằm xuống. Anh con trai thấy vậy, liền dùng miếng vải mềm lau nhẹ lên mặt kiếng tấm hình. Anh vừa dựng tấm hình lên và ngắm sửa lại cho ngay ngắn, thì má anh lại hạ tấm hình ba anh nằm xuống. Anh nhìn má, hối hận vì sự bất cẩn của vợ chồng mình. Đã như một thường lệ, mỗi lần đi xa về, việc đầu tiên má anh làm là đến trước bàn thờ thắp cho ba anh một nén nhang. Hôm nay, anh không hiểu vì sao lại có chuyện như vậy. Anh nhìn má. Đôi mắt má rơm rớm. Anh đã nhận ra điều bất thường từ khuôn mặt của má. Anh không nói gì thêm, theo má trở lại bàn với khách.

Ông Lâm nhìn tấm hình trên bàn thờ nhà bà Út. Ông thấy lạnh sống lưng khi nhận ra tấm hình đó chính là hình của mình thời còn trai trẻ. Người ông chao đảo như đang đứng trên chiếc thuyền giữa biển khơi muôn ngàn sóng gió. Ông vịn lấy thành ghế rồi từ từ ngồi xuống. Người con dâu bà Út nh́ìn khuôn mặt ông thẫn thờ, tai tái, cô liền nâng ly nước lại đặt vào tay ông :

- Dạ thưa, ông uống ly nước ấm này cho đỡ mệt. Chắc là lâu ngày ông không đi tầu xe xa!

Ông Lâm đỡ lấy ly nước :

- Cám ơn con. Không sao, một chút là đỡ ngay thôi. Già rồi mà!

Ông Lâm tựa lưng vào đệm ghế, đưa mắt nhìn lên trần nhà. Chiếc quạt trần cũ quay chậm chạp như thong thả đưa dẫn ông Lâm vào những bối rối mới... Mọi chuyện từ khi ông và Bà Út chia tay ở binh trạm ấy, ông đã kể hết cho bà nghe khi ngồi trên máy bay rồi. Bà Út cũng đã kể cho ông nghe về cuộc sống của bà sau chiến tranh. Nhưng lúc này, tấm hình thời trai trẻ của ông trên bàn thờ và cảnh tượng vừa xảy ra giữa hai má con bà Út Phượng làm ông suy nghĩ lại lời bà Út kể trên máy bay. Sao lại thế? Hay là Út Phượng...?

Ông Lâm đang miên man với những câu hỏi ông tự đặt ra và tự lý giải thì bà Út nói với ông Lâm:

- Bây giờ mời anh Hai và cháu dùng cơm với mẹ con em. Ngày mai em có lịch ngồi hội đồng cho một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án. Ngày mốt, em, vợ chồng Thanh Hoa cùng các cháu sẽ xuống thăm gia đình cháu đây, rồi cùng anh Hai ta đi viếng nghĩa trang xong, ta đi thăm Hai Toán và Tư Quý.

Ông Lâm không nói được gì thêm. Ông đứng lên cùng bà Út sang phòng ăn.

Cơm nước xong, bác cháu ông Lâm xin bà Út ra về. Khi tiễn ông Lâm ra xe, Bà Út nói với ông Lâm:

- Tháng sau, em sẽ bàn giao công việc quản lý khoa cho người khác. Theo quy định, em còn làm công tác giảng dạy và cố vấn thêm năm năm nữa. Sau khi bàn giao công tác quản lý, nhà trường bố trí cho em đi du lịch ở Pháp và mấy nước châu Âu. Nhưng bây giờ thì em sẽ xin với Giáo sư Hiệu trưởng cho em thay đổi lộ trình kỳ nghỉ này. Em, vợ chồng Thanh Hoa và các cháu sẽ về Thanh Hóa thăm anh Hai và gia đình ngoài nớ.

Ông Lâm nhìn Bà Út. Hai mắt ông cay sè, ngực ông nặng trĩu như có vật gì đè lên làm ông nghèn nghẹn. Ông bắt chặt tay bà Út, vợ chồng Thanh Hoa, ôm hôn thằng cháu rồi ông bế con nhỏ cháu lên. Bỗng từ hai khóe mắt ông, những giọt nước mắt trào ra chảy xuống đôi má bầu bỉnh của nhỏ cháu. Nhỏ cháu nhìn ông, hỏi:

- Ông ơi, sao ông lại khóc nhè? Bộ ông hổng sợ cô giáo rầy hả ông?

- Hạt bụi nó bay vào mắt ông đấy. Cháu của ông ở la...ại ngo...an nhé...é!

- Tuần mô cháu cũng được cô giáo thưởng phiếu bé ngoan mà ông!

- Cháu của ông ngo...an và giỏi lá...ắm...!

Bà Út đưa tay đỡ lấy nhỏ cháu từ tay ông Lâm. Hai mắt bà cũng dàn dụa. Bà ghì chặt nhỏ cháu vào ngực mình. Nhỏ cháu nhìn lên mặt bà, hỏi:

- Ủa mắt nội cũng bị bụi bay vzô hở nội?

- Ừ, mắt nội cũng bị bụi bay vzô...!

Xe từ từ lăn bánh đưa ông Lâm ra khỏi khuôn viên nhà bà Út Phượng. Đèn đường đã bật sáng. Thành phố bừng lên muôn hồng ngàn tía, đủ các loại đèn. Trong lòng ông Lâm xôn xao với những suy nghĩ của một con người đã từng trải qua trận mạc và giông bão của cuộc đời. Cho dù tình yêu mãi mãi vẫn là bất tử, không có giới hạn về tuổi tác. Đây lại là mối tình đầu của một người con gái - con chim sơn ca của binh trạm, thời chiến tranh còn lại trong ông. Phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Xử sự sao cho phù hợp với tiếng gọi của con tim, của đạo lý? Khó thật! Nhưng không phải là không làm được. Đó là việc nên làm và phải làm./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận