ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 01/01/2024 16:27

Truyện ngắn "Ông ngoại" | Bùi Hữu Thược | TTV Podcast

Giọng đọc: Huyền Linh

Bây giờ ông tôi đã chín mươi. Ông được nhận Kỷ niệm chương 60 năm tuổi Đảng đúng vào ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cả cuộc đời ông tham gia chống Pháp rồi chống Mỹ, lăn lộn với đời vào sinh ra tử không một dòng nhật ký, không kể lại gì, không cần ai biết về mình.

Sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ ông phục viên. Ông về với mấy đám ruộng ghềnh và con trâu già, tối ngày cày cuốc lầm lũi. Người ta thì vui vì chiến thắng, còn ông tôi dường như chưa có Điện Biên Phủ bao giờ. Bà tôi ngày ấy lại càng thầm lặng vì bà là người bị quy là con địa chủ cường hào ác bá trong làng. Bà đẹp và đoan trang như một đóa hoa lan giữa rừng, gần ba mươi tuổi mà chưa có chàng trai nào dám rước. Bà buồn, đôi mắt xanh càng xanh. Phải mất hơn năm trời sau khi ông phục viên, cụ tôi thuyết phục ông tôi mới đồng ý cưới bà, vì hai cụ thân sinh ông và bà ngày trước là bạn đi bè sông Mực đã ngỏ lời khi nào con cái lớn sẽ gả bán cho nhau, tuy bà tôi hơn ông tôi ba tuổi. Ai cũng nghĩ ông bà tôi sẽ khó hạnh phúc vì cuộc hôn nhân như có phần gượng ép, nhưng như trời xui đất khiến, lúc đầu khó là thế mà sau ông bà yêu thương nhau không tình nào bì kịp. Mười năm đầu, ông bà sinh năm cô gái, mẹ tôi con đầu. Đến năm thứ mười ba bà tôi ốm với chứng đau bụng kinh niên. Bà đẹp cao sang là thế mà ốm vài tháng đã vàng xanh như tàu cải úa, gầy rộc, đen đúa. Ông một mình lặn lội cày cuốc chăm vợ nuôi con. Ông thường nhường nhịn bà từ việc lớn đến việc bé. Công việc dù khó khăn gian khổ mấy ông vẫn không một tiếng kêu ca phàn nàn. Lúc ấy ông mới bốn mươi, da đen, mặt hốc hác, mắt trũng sâu, nhìn ông như ông già bảy mươi tuổi. Ngoài bốn mươi ông tôi lại tái ngũ đánh Mỹ. Ngày đi ông không nói gì, nhìn vợ con trong lòng thương lắm, ông chớp chớp đôi mắt ngấn nước rồi khoác chiếc ba lô cũ lên đường. Mẹ tôi kể: Ngày ông ở chiến trường, Bà ốm, công điểm theo hợp tác không có, cả nhà đói lắm. Mấy chị em ở nhà không có gì ăn, sang hàng xóm đến bữa ăn không chịu về cứ ngồi nhìn. Thấy đói hàng xóm mỗi nhà cho ăn một bữa. Ông lăn lộn với bom đạn vào sinh ra tử suốt mười năm khắp các chiến trường miền Nam. Thống nhất đất nước ông về, người gầy đen nhẻm, nhỏ thó, chân đi khập khễnh, chỉ thấy đôi mắt và cái quân hàm trung úy của ông là nổi nhất. Ông lại cày cuốc nuôi các con cùng bà. Không một lời kể lể, không ai biết ông đã đi đến đâu, làm gì, ở đâu. Chỉ thấy ông đầu tắt mặt tối bán lưng cho trời, bán mặt cho đất với đàn con đến tuổi ăn, tuổi học. Ông về bà vui được  một thời gianlại ốm nhiều, đi viện khám phát hiện bệnh sỏi mật, bảy năm phải mổ hai lần. Ông lặn lội hết viện này đến viện khác chăm bà. Thế rồi mẹ tôi và các dì cũng lớn. Ông bà nuôi các con đều học hết cấp ba, mỗi cô kiếmđược một ông chồng đều to khỏe, chăm chỉ, cày cuốc đều giỏi. Nhiều lúc vui, đông đủ cả nhà, ông nói: "Con gái nhà này giỏi lừa thật, toàn lấy được thằng to khỏe đẹp trai chăm cày cuốc". Rồi bà tôi ốm nặng, đi khắp các viện không khỏi, mất ở tuổi tám mươi. Con gái lấy chồng theo chồng. Ông tôi ở một mình. Sau năm năm bà đi, ông ốm. Ông đau tức ngực, sốt cao kéod ài, người bảo ông lao lực, người bảo ông ung thư phổi, người bảo ông bị chất độc da cam và sức ép nhiều nên thế.

Bố mẹ tôi đã yếu không đi được. Tôi và dì út theo xe 115 đưa ông đến Bạch Mai vì điều trị lâu ở bệnh viện đa khoa tỉnh không thuyên giảm. Bệnh viện Bạch Mai lớn nhất nước. Tôi đến viện không biết mô tê đúng như người rừng xuống chợ, mà có lẽ chẳng ai biết hết được cái bệnh viện này, nó như một mê hồn trận. May bố tôi quen biết cô bác sĩ Xuân, gọi điện trước nên cô Xuân giúp làm thủ tục cho ông vào viện. Tôi mỏi rời chân theo cô hết phòng này đến phòng khác để làm thủ tục nhập viện cho ông, khoảng bốn tiếng đồng hồ thì xong. Ông được xếp vào C4 - viện Tim mạch thuộc bệnh viện Bạch Mai. Tôi mừng quá, chạy mượn mãi mới được cái xe đẩy đưa ông lên tầng 3. Ông tôi đã 82 tuổi đi đường xa mệt, khó thở, sốt cao, tức ngực, vào đến viện ông xanh dãi. Mỗi lần thở ông phải gồng mình lên co rúm lại giống cái áo giặt bị vắt nước. Tôi thầm nghĩ: Nhập viện được cho ông là may rồi. Nghe nhiều người nói đội ngũ thầy thuốc ở đây giỏi nhất nước, cầu trời khấn Phật cho ông khỏi bệnh. 

Tôi biết có nhiều người ăn chực nằm chờ nhiều ngày ở đây vẫn chưa làm đủ được thủ tục nhập viện. Tôi yên tâm hơn khi có loa gọi xếp ông vào phòng G. Tôi và dì mừng trong bụng, vội vã đẩy xe len lỏi qua dòng người chen chúc đưa ông đến phòng G. Phòng G chưa đầy 9 mét vuông, chỉ có hai cái giường một nhưng đã có mười ba bệnh nhân. Ông tôi là người thứ mười bốn. Ba ông con chỉ được ngó cái biển phòng G chứ không len được vào trong. Ông đau vật vã ngoài hành lang chật chội. Tôi vội lại phòng trực gọi bác sĩ:

- Xin bác sĩ xem giùm, ông em vừa được bố trí ở phòng G nhưng ông em đau khó thở quá! 

Một bác sĩ đeo tên Trần Đức khoảng ngoài ba mươi tuổi, tóc hớt cua, đeo ở cổ lủng lẳng ống nghe thủng thẳng tiến lại phía ông. Bác sĩ hất hàm dằn giọng:

- Ông đi bệnh viện lần thứ mấy, nói mau?

Ông tôi đau ấp úng:

- Lần… đầu… tới đây… bác sĩ ạ.

- Ông đau ở đâu? Lâu chưa? Uống thuốc gì rồi?

- Sao ông không chịu nói? Ông biết ai đang hỏi ông không? - Bác sĩ Trần Đức rít lên.

Dì tôi vội đỡ lời:

- Thưa bác sĩ, ông đau trong ngực.

Dì tôi chưa kịp nói hết câu, tay bác sĩ đã chặn lại:

- Có hỏi chị đâu mà chị nói? Tôi hỏi ông này cơ mà. - Tay bác sĩ chỉ vào mặt ông đang tái mét.

Dì tôi mặt đỏ lựng, tôi biết dì tôi đang uất trong cổ họng. Bác sĩ quay ngoắt bỏ đi. 

Ông tôi quằn quại đau đớn. Người và tay chân ông co giật liên hồi. Miệng ông méo xệch. Dì tôi lại chạy vào phòng trực, khoảng hơn mười phút có một y tá đến tiêm cho ông tôi một mũi thuốc giảm đau. Thấy ông đau quá, nguy kịch, y tá vào phòng trực nói gì không rõ với nhóm trực, sau đó có một bác sĩ nữ tiến lại nắn nắn tay ông. Dì tôi bảo:

- Phòng G chật quá ông không thể vào phòng được bác sĩ ạ.

Bác sĩ nói ngay:

- Chị cho ông vào phòng K theo yêu cầu đi, giá 750 ngàn đồng một bệnh nhân mỗi ngày thôi.

Dì tôi biết phòng G là phòng phổ thông duy nhất không mất tiền của khoa này. Dì tôi thấy "đắng" thế là mỗi ngày mất hai tạ thóc nhưng phải đồng ý vào phòng K, nếu không ông tôi sẽ phải ở hành lang lộn xộn này, không biết sống chết ra sao. Vào phòng K đã có năm người, ông tôi là người thứ sáu. Phòng K mỗi bệnh nhân một giường, có quạt treo tường. Khoa tim mạch này có chừng 5 phòng theo yêu cầu, mỗi phòng có 6 giường, có mỗi phòng G là phòng phổ thông, bệnh nhân nào mới vào khoa cũng được chỉ định vào phòng G. Gia đình nào có điều kiện thì xin sang những phòng theo yêu cầu. Mười ba bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn phải ở lại phòng G, thực chất là lăn lóc quanh cái phòng gay cấn ấy. 

Hơn 10 ngày ở khoa Tim mạch hết tiêm lại truyền kháng sinh liều cao, bệnh ông tôi không đỡ, vẫn sốt cao, lại thêm tràn dịch tim phổi. Bác sĩ trưởng khoa bảo cho ông đi chụp động mạch vành. Tôi và dì đưa ông đi, họ gọi tôi vào phòng chụp, cho tôi xem hình ảnh động mạch vành của ông trên màn hình. Tôi chẳng biết mô tê khi nhìn mấy thứ loằng ngoằng trên màn vi tính. Bác sĩ soi cho ông nói sao tôi cũng dạ vâng. Rồi họ bảo phải đặt stent cho ông vì mạch vành của ông xơ cứng thoái hóa nhiều đoạn, nếu để tình trạng này ông sẽ chết "bất đắc kỳ tử". Bác sĩ soi cho ông nói:

- Ông cần đặt 4 cái stent tổng hết 180 triệu. Bệnh viện sẽ khuyến mại vì ông là thương binh, có nhiều năm tuổi Đảng 30 triệu, chỉ cần gia đình lo gấp 150 triệu.

Tôi không hiểu sao đang sốt cao tràn dịch màng tim phổi lại đặt stent mạch vành? Soi xong, các bác sĩ săn đón lắm, nhất là bác sĩ trực tiếp điều trị, vài chục phút lại đến giục gia đình đặt stent cho ông không ông chết.

Nhà ông tôi bán hết không nổi mười triệu bạc, con cháu ông đang thất nghiệp lo ăn từng bữa lấy đâu 150 triệu đặt stent? Ông thấy các bác sĩ giục nhiều, ông bảo:

- Ông già nhiều tuổi nhất nhì xóm, được đến đây là ông toại nguyện rồi, nhà mình có tiền đâu cháu?

Không thuyết phục ông tôi đặt stent được, hôm sau khoa Tim mạch thông báo ông bị bệnh phổi nguy kịch cho chuyển lên khoa Hô hấp ở tầng 6 nhà E gấp. Tôi và dì lại cầm hồ sơ lọc cọc len lỏi đẩy xe cho ông lên khoa Hô hấp. Ông sốt, người rét, co quắp run bần bật, huyết áp tụt. Vào khoa ông được nằm giường cấp cứu. Giường ông có ít người bệnh nhất trong phòng nhưng đã có 4 người. Trên chiếc giường một ấy đã có hai người đàn ông bệnh nặng đang truyền dịch nằm ngược chiều nhau, mỗi người đều có ống thở gắn ở mũi. Họ tương đối to béo, dưới gầm giường có hai người nữa, một nam và một nữ. Ông là người thứ ba nhờ tiêu chuẩn cấp cứu được nằm lên giường để truyền dịch gấp. Nói nằm lên giường nhưng thực tế ông nằm trên mỗi thanh sắt vài phân cạnh giường, một nửa người của ông chìa ra hẳn ngoài giường. Dì và tôi phải đứng cạnh giữ cho ông khỏi rớt. Ông người đã bé nằm bên bệnh nhân to lớn trông ông lại càng bé. Tuy rất đau, khó thở nhưng ông vẫn lo người bệnh nằm cạnh phật ý, cứ hơi chạm vào người nằm bên ông lại dịch ra. Ông cứ đung đưa trên cái cạnh giường sắt, tôi cảm giác như ông đang làm xiếc kiểu "trứng để đầu gậy".

Hộ lý chưa kịp xử lý kỹ thuật gì, bác sĩ mới sờ nắn qua loa. Tôi đang định lấy khăn thấm thấm vào những giọt mồ hôi trên trán ông thì nghe tiếng loa gọi giật:

- Người nhà bệnh nhân Y giường số 5 phòng 606 lên phòng bác sĩ phó trưởng khoa có việc.

Tôi vội vàng nói dì tôi giữ cái chân ông kẻo ông rơi xuống nền. Tôi vội lách các bệnh nhân đang nằm dưới đất sang phòng bác sĩ phó trưởng khoa. Trước mặt tôi một người phụ nữ béo, tóc cắt ngang cằm, trạc năm mươi tuổi mặc blu trắng đang ngồi lướt điện thoại. Tôi nhanh nhảu hơi cúi người, chắp tay phía trước:

- Em chào bác sĩ.

Bác sĩ không nhìn tôi, hỏi lại:

- Chị cần gì?

- Dạ, em là người nhà bệnh nhân Y phòng 606 ạ.

Bác sĩ vẫn lướt điện thoại, liền nói:

- Ông nhà chị nguy lắm, không được lâu nữa đâu, tim phổi rò rỉ hỏng hết cả, tôi báo cho chị biết nếu ông nhà chị có chết đừng đổ lỗi cho chúng tôi.

Chưa nói xong bác sĩ đẩy tờ giấy và cây bút bi "xẹt" một cái lại trước mặt tôi.

- Chị viết đi! Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Giấy cam đoan, nội dung viết rõ, nếu ông Y chết không được bắt đền khoa chúng tôi…

Tôi liền nói:

- Thưa bác sĩ, ông em vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến có bao giờ sợ chết đâu? Có bao giờ bắt đền Đảng, Nhà nước đâu bác sĩ, mong bác sĩ hiểu cho!

- Không! Đây là nguyên tắc, chị cứ viết cho tôi.

Tôi buộc phải cầm cây bút viết đúng nội dung như bác sĩ phó khoa yêu cầu mà tim tôi như rỉ máu. Nghe đâu cũng bệnh viện này có bác sĩ ra mở mỹ viện, mổ cho bệnh nhân không may chết mang xác vứt xuống sông. Gia đình nạn nhân thuê câu rà vớt nhiều ngày hiện chưa tìm thấy xác, báo chí đang đưa ầm ĩ. Chắc vì lẽ đó các bác sĩ bắt người nhà bệnh nhân phải cam đoan để khỏi gánh trách nhiệm. 

Ông nằm trên chiếc thanh sắt như thế trong hơn 3 giờ để truyền hết hai chai nước 0,5 lít. Truyền nước xong tôi khẽ vén chiếc áo ông lên, một vết hằn lõm sâu của cái cạnh giường như một rãnh đục tím đen vào tấm thân gầy guộc. Ông vẫn không một lời kêu ca hoặc một tiếng rên rỉ. Truyền xong chai nước bác sĩ giục dì và tôi phải đỡ ông nằm xuống nền nhà lạnh nhớp nháp, ông vẫn sốt cao thở gấp. 

Sáu giờ chiều ca trực mới bắt đầu, tôi vừa đi làm thủ tục mấy xét nghiệm cho ông về ngồi bệt xuống đất cạnh ông, nhìn ông xanh ngắt, hơi thở rất nhỏ và khó. Nhìn hai mắt ông trũng sâu mà ngực tôi đau nhói. Ba đêm không ngủ mắt tôi hai mí nặng như đeo đá cứ muốn cụp lại. Tôi đang lơ mơ lại có tiếng đàn bà the thé gọi giật:

- Người nhà bệnh nhân Y giường số 5 phòng 606 lên phòng bác sĩ trực có việc. 

Tôi mừng nghĩ ông được nhận thuốc gì đây? Vừa bước vào phòng một bác sĩ nam khoảng 40 tuổi nói ngay:

- Chị viết cho tôi cam đoan nếu ông Y chết người nhà không bắt đền ca trực, viết đi!

Tôi vội nói:

- Thưa bác sĩ, em vừa viết cam kết cho bác sĩ Phó trưởng khoa ban nãy, mong bác sĩ xem lại.

- Không! Chị cứ viết cho tôi, vì bệnh ông nhà chị quá tệ, khoa Tim mạch thấy ông nặng đã đẩy cho khoa Hô hấp, chúng tôi đâu là cái bị rác cho các người?

Tôi lại viết, trong cổ họng nghèn nghẹn. Tôi lại nghĩ, sao ngày trước ông khoác ba lô lên đường vào trận nhẹ nhàng không giao giá trách nhiệm về vợ con mình và cả sinh mạng của mình cho ai mà bây giờ bác sĩ cứu người lại sợ trách nhiệm thế?

Bệnh nhân ngày càng đông, người trên giường, người dưới đất, tiếng rên, tiếng la, mùi thuốc,  ùi hơi thở trong các lá phổi bệnh tật hắt ra ngột ngạt. Sau ca trực ấy vào đầu ca trực sau dì tôi lại phải viết cam kết vẫn một nội dung, ông tôi chết khoa Hô hấp không phải chịu trách nhiệm.

Ba ngày đầu ở khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai đúng 72 tiếng tôi phải viết 5 lần, dì tôi viết 4 lần tổng cộng 9 lần cam kết, vị chi đúng 8 tiếng một cam kết, với cùng nội dung: Ông tôi chết gia đình không được bắt đền người trực và khoa. Tôi và dì cố giấu, nhưng ông tôi nghe bác sĩ nói loáng thoáng về cam kết. Ông thều thào khẽ dặn dì:

- Bố… già… rồi, bệnh lại nặng, nếu bố có chết ở đây đừng làm khó dễ cho ai.

Hôm đó là ngày thứ bảy ở bệnh viện, mắt tôi đỏ ngầu vì mất ngủ, ông vẫn đau và sốt cao, bác sĩ vừa tiêm một ống thuốc ngủ, ông nằm lim dim tôi mới có dịp ra ban công ngó nghiêng.

Chao ôi! Hà Nội nhiều nhà to quá! Cao thấp nhấp nhô nhiều cái chọc trời, tôi phải ngửa cổ nhìn mới thấy những tầng trên, nhưng sao hầu hết đều bỏ hoang chưa người sử dụng? Sao cả nước có một bệnh viện Bạch Mai lớn nhất thì chật chội khốn khổ thế này, còn hàng trăm ngôi nhà cao tầng kia vẫn tối om bỏ không? Sao Nhà nước không đưa bớt một vài khoa của bệnh viện này sang những nhà còn bỏ không kia?

Ông tôi ở 14 ngày ở viện Tim mạch, lên viện Phổi ở tiếp 16 ngày vẫn đau và sốt 39-41 độ không dứt. Ngoài tôi và dì út, các chú dì và các em tôi ra Hà Nội thay nhau trực chăm ông, ai cũng tận tình cố chăm mong cho ông mau khỏe. Ông đẻ toàn con gái nên lúc chưa ốm ông vẫn đùa: "Tao sẽ sướng đến lúc chết, còn mấy thằng đẻ con trai chết rồi mới sướng."

Một hôm ông thều thào bảo tôi:

- Cho ông về thôi cháu ạ. Con cháu chăm ông rứa là ông toại nguyện rồi, ở nhà ông có bà con hàng xóm, không lo mô. Đừng để như bà nhờ bệnh viện mãi cũng không sống được. 

Tôi biết là ông muốn được chết ở nhà. Bà phó trưởng khoa Phổi thấy ông không thuyên giảm càng có vẻ nóng ruột chỉ sợ ông chết tại khoa của bà, vì bà xem hồ sơ thấy ông nhiều tuổi Đảng, sợ con cháu ông có vai vế, mấy lần bà gọi tôi rồi dì lên nói:

- Chị đưa ông nhà chị về không ông sẽ chết tại đây đấy, chết ở bệnh viện không tốt cho con cháu làm ăn thăng tiến đâu! Nhà muốn hậu vận tốt phải đưa ông về. 

Cả nhà tôi như người mất phương hướng không biết cậy vào ai. Bố mẹ tôi và các chú dì tham khảo một số người có kinh nghiệm. Người thì bảo: "Còn nước còn tát", người thì bảo: "Đi bệnh viện thế là hết cách rồi". Cả nhà quyết định, thôi đành đưa ông về! 

Rất may, hôm ông nghe được về, ông rất vui và khỏe lên, vì ông rất mong được về chết tại quê. Hôm về có xe 115, chủ xe là người quen của chú rể lấy dì thứ hai ra tận viện đón ông, đi cùng có một y tá và một bác sĩ chú dì tôi nhờ. Nhưng khi xe đến cổng bảo vệ không cho vào. Đội bảo vệ bệnh viện tuyên bố xe các tỉnh không được phép chở bệnh nhân về, phải là xe bệnh viện Bạch Mai mới được phép đưa bệnh nhân về. Tôi biết không chỉ ông tôi mà tất cả các bệnh nhân khi đến bệnh viện có thể xe các địa phương đưa đến, còn khi về không thể không thuê xe của dịch vụ bệnh viện này với giá đắt hơn thị trường khá nhiều.

Trên đường về có ê kíp y tế nhà đưa ra nên việc truyền thuốc, hút dịch trong phổi cho ông khá chu đáo. Rất may với quãng đường hơn trăm cây số về đến nhà ông vẫn còn sống. Trước khi ông tôi về, bố mẹ tôi cùng các chú dì đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ: chè thuốc, khăn áo kể cả hòm ván, phần đất để ông nằm và đã mời cả đội kèn trống. Mẹ tôi và mấy dì lo thêm vài thứ chu đáo cho việc hậu sự, người ta bảo nghĩa tử là nghĩa tận. Bà con nghe nói đến thăm, nhìn ông ai cũng ái ngại. Mấy ngày đầu về phải thường xuyên hút dịch tràn màng tim và phổi cho ông. Mấy chú rể tôi thì đi hỏi hết thầy này thầy khác tìm thuốc. Ông T. y sĩ trạm trưởng trạm xá xã là cháu ông, ông quý như con luôn bên cạnh ông ngày đêm, mấy tiếng lại chọc chiếc kim dài hút dịch tràn màng tim màng phổi cho ông một lần. 

Tình cờ một hôm chú rể út nghe người mách có bà M. ở Bến Dâu có thuốc nam chữa khỏi tràn dịch màng phổi. Chú tìm mua. Ông uống có hai thang thuốc lá thì khỏi hẳn, không còn đau, sốt. Dịch không còn phải hút, hơn tuần tim phổi ông chụp lại sáng trong. Mấy năm nay ông khỏe hẳn không có biểu hiện gì bệnh tật trở lại.

Con cháu đứa nào lo phận đứa ấy. Nhà tôi đang phải thuê trọ không nói, các dì đều có nhà mời ông về ở. Ông không đi với đứa nào, vẫn ở một mình với con chó vàng trong ngôi nhà nhỏ mái đã xập xệ, tường lở loét ông bà làm từ những năm mới hòa bình. Con vàng khôn lắm, nó biết đâu là gà nhà đâu là gà hàng xóm để đuổi. Khi chuông điện thoại "cục gạch" của ông reo, nó sợ ông không biết để nghe, nó sủa inh để báo ông biết. May mà có con chó ông cũng đỡ buồn. Cả làng chỉ mỗi nhà ông chưa lát gạch hoa, các chú rể xin ông sửa sang lại. Ông bảo:

- Chỉ cần không dột là được rồi, ông có sống lâu nữa đâu mà sửa cho lãng phí. Các anh chị nên để tiền mua sách vở quần áo cho các con đi học. Ngày xưa ông chui lủi ở rừng làm gì có nhà?

Xóm tôi đã có đường lớn, có nhà văn hóa, có thư viện… đầy đủ các tiêu chí nông thôn mới. Ông tôi khỏe là nhờ có bà con lối xóm, có đường bê tông cho ông tôi đi bộ, đạp xe với chiếc xe đạp có từ ngày giải phóng miền Nam; có thư viện cho ông đọc sách báo và vui khỏe nhất là có sân nhà văn hóa rộng sát cạnh nhà ông, làm sân bóng chuyền hơi cho cả xóm mỗi chiều. Ông còn chơi được mươi phút bóng chuyền hơi với bọn trẻ, có lần ông đạp xe đạp thăm em ruột ông ốm yếu, cả đi và về gần năm chục cây số mặc dù đầu gối ông đau đi hơi khập khễnh. Tôi lại nghĩ, sao ở xóm tôi vẫn có nhiều người chết tuổi chưa bằng ông? 

Có lẽ ông khỏe và sống lâu hơn vì tôi biết ông không tham riêng cho mình cái gì, không bao giờ nghĩ xấu, giận hờn, ghét bỏ ai. Tôi thỉnh thoảng về thăm ông. Vườn ông có nhiều dừa, chuối, ổi, khế... Tôi ăn no rồi mới nhớ hỏi ông:

- Ông ơi! Ông có sợ đi viện không?

Ông bảo tôi:

- Sợ chi cháu! Ông chỉ sợ con cháu vất vả thôi! Ông già phải ốm, ai cũng rứa cả. Bệnh viện là nơi dành cho người ốm, cũng là nơi sinh nhai của y bác sĩ, họ chỉ loanh quanh mấy bệnh nhân và mấy viên thuốc thôi, họ không có nhiều dự án này, dự án nọ. Mình phải biết các thầy thuốc cũng phải lo cơm áo gạo tiền, nên khó làm đúng bổn phận người thầy thuốc khi vợ con đang đói khổ .

Kinh tế thị trường lại định hướng xã hội chủ nghĩa kiểu công bộc hóa giàu chủ nhân lo đi cửa sau thì bệnh viện cũng như mọi ngành tất phải có thêm u bướu thôi. Mai kia ông có ốm cháu nói với các chú dì không phải đưa ông đi viện nữa để cho ông chết nhanh sẽ thanh thản, đừng bắt ông lâu chết.

- Ngày xưa ông đi bộ đội đánh nhau mười mấy năm sao ông không kể chi cho bọn cháu nghe?

- Đánh nhau có chi mà kể cháu? Con ngườ chửi bới nhau bằng mồm, bằng loa, bằng giấy bút, bằng phim ảnh… đã khổ lắm rồi, đi chém giết nhau, phanh thây xẻ thịt nhau rồi rêu rao tự hào nhờ việc đó thì thật là khủng khiếp, Các cháu bây giờ cần nhân hòa, không cần biết nhiều chuyện ngày xưa cũ kỹ của ông. Ông có kể các cháu cũng đừng nghe, tin dễ u não. 

Tôi lại đùa ông:

- Ông già thế sao không chết đi để bọn cháu chia cái nhà này?

- Ừ đúng rồi, thần Chết đi mô mà lại cứ quên ông để con cháu phải chờ? Nhà đất này tính cũng được hơn mười triệu cơ đấy. Ông chết mẹ cháu và các dì mỗi đứa chắc được hai đến ba triệu. Mai ông chia trước mỗi đứa ba triệu là tiền làng xóm trước phúng viếng bà và tiền trợ cấp thương tật ông tiết kiệm. Ông chết nhà đất này khó chia, có chia con cháu cũng không thể giàu tiền giàu của, có khi mất đoàn kết. Ông chỉ mong con cháu ông giàu nhân phẩm. Ông sẽ trả đất này cho xã để mở rộng thêm sân nhà văn hóa. Riêng con chó vàng ông cho cháu vì cháu yêu ông nhất.

Tác giả: Nhà văn Bùi Hữu Thược


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận