Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 10/07/2025 15:16

Chuyện nơi phố nhỏ - Kỳ 5 | Đào Hữu Phương | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe Kỳ 5 - truyện dài “Chuyện nơi phố nhỏ” của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc Huyền Linh.

Chủ nhật, cả ngày xoay trần đào hầm tránh máy bay, Thi mệt lử. Buổi tối, học bài xong, nó lên giường nằm, lát sau đã mơ màng thiếp đi…

Giấc mơ đưa Thi trở về sân vận động. Trận bóng đá giữa hai đội thiếu niên phố Bái và thị trấn Thọ Xuân đang ở vào giai đoạn quyết liệt. Hà vừa ghi bàn thắng thứ hai cho đội Cờ Đỏ. Tỉ số đã được san bằng. Nhưng kìa…Hà không nhấc nổi chân nữa. Gót chân phải của Hà đỏ lòm máu. Thi ân hận vì cú đệm gót hiểm độc của mình đã gây hậu quả tai hại. Không kìm nổi lòng mình, vừa cảm phục, vừa thương bạn, người Thi cứ sởn gai ốc lên. Nó hối hận, ôm đầu gục xuống hai đầu gối…

Những đợt tấn công mới của đội Cờ Đỏ lại liên tiếp vây hãm khung thành đội bóng phố huỵện…

Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai Thi. Tiếng anh phụ trách trìu mến:

– "Em Thi…"

– "Anh…" Thi ngẩng lên, bối rối.

– "Em thấy các bạn đá thế nào?"

– "Thưa anh…"

– " Hiệp một em có ra xem không?"

Thi khẽ lắc đầu.

– "Lúc ấy các bạn đá vất vả lắm, bóng chỉ nằm ở phần sân của ta thôi" Anh Lân nói, mắt vẫn nhìn ra ngoài sân – "Bây giờ các bạn ấy đã giành lại thế chủ động rồi. Căn bản là tất cả đều có tinh thần dũng cảm, luôn giữ vững đội hình và tăng cường lối chơi đồng đội…"

– "Vâng!" Thi đáp khẽ. Nó cứ tưởng rồi anh phụ trách sẽ hỏi nó vì sao không đá và phê cho nó một trận. Nhưng không, anh chỉ tỏ ra tiếc vì thiếu nó trong đội hình…

– "Nếu như trận này em cũng có mặt thì anh tin rằng tỉ số bây giờ không phải là hai đều nữa…

"Thưa anh!" Thi buồn bã lắc đầu – "Cứ đà này dù không có em, các bạn ấy vẫn ghi thêm được bàn thắng!" Nó nhìn ra sân – "Các bạn ấy càng đá càng hay. Duy có Hùng, cậu ấy yếu quá…Hàng tiền đạo của mình lại thiếu cú sút quyết định…Gía như em…" Hai môi Thi mím lại – "Anh! Em kiêu kỳ và ích kỉ quá. Có lẽ sau trận này…" Giọng Thi đột ngột trở nên lo lắng – " Có lẽ sau trận này các bạn sẽ gạt tên em khỏi danh sách đội bóng mất. Bây giờ thì chắc là họ không cần đến em nữa rồi!"

– "Sao em lại nghĩ thế?" Anh phụ trách thân mật quàng tay qua vai nó – "Em đã nhận ra khuyết điểm của mình, thế là tốt rồi. Các bạn không bao giờ bỏ rơi em, ngược lại rất cần đến sự có mặt của em, ngay cả bây giờ…"

– " Ngay cả bây giờ?" Thi không tin ở tai mình nữa – "Thật thế hở anh?"

– "Ừ!" Anh phụ trách gật đầu – "Đây là một trận đấu quan trọng. Nó quyết định cả một quá trình luyện tập của các em. Em hãy đứng dậy, chuẩn bị thay áo đi…" Anh gọi Hiền đến và lấy đưa cho nó cái áo số chín. Anh giục – "Nhanh lên, còn mười phút nữa thôi. Các bạn vẫn chờ em đấy!"

Thi vội vã đến lúng túng. Cầm cái áo từ tay Hiền, nó xúc động nhìn trân trân cái số chín. Số áo chỉ dành riêng cho trung phong. Đúng là các cậu ấy vẫn chờ mình! Phải mất một lúc lâu Thi mới mặc xong áo. Anh Lân gọi Hà, Quang và Hùng đến…Đội Cờ Đỏ thay người.

Hùng rất phấn khởi vì được nghỉ. Cánh anh em Thân, Ái, Bắc Sơn, Tô, Độ…đều rất mừng khi biết Thi đã có mặt. Anh Lân dặn ba đứa:

– Các em hãy hiệp đồng chặt chẽ, cùng các bạn cố gắng giành lấy phần thắng trong những phút cuối này.

– Thưa anh, chúng em sẽ cố gắng! Quang, Hà, Thi bắt tay nhau, tỏ ý quyết tâm.

Còi nổi. Trận đấu lại tiếp tục.

Khán giả ồn lên khi thấy Thi xuất hiện trên sân cỏ. Mấy ông nhóc thì khoái ra mặt. Chúng vỗ tay reo ầm ĩ:

– Hoan hô! Trung phong Thi xuất trận rồi!

Càng về những phút cuối, trận đấu càng sôi nổi, quyết liệt. Hai đội thay nhau mở những đợt tấn công dồn dập vào khung thành đối phương…

Thi đã đón được bóng. Thi "rê"? Không! Thi bật nhẹ sang góc phải cho Hà. Hà lướt qua số bốn đội bạn…

– Hà, "bấm gáy" cho mình! Tuệ vỗ tay, la…

Hà bật sâu bóng xuống góc trái. Tuệ đuổi theo…

– Binh! Tuệ vút một quả, bóng là sát ngang khu cầu môn. Thủ thành đội bạn lao ra đón bắt…Nhưng…những tiếng reo hò bỗng nổi lên như sấm khi Thi từ chấm phạt đền, lao xuống như một mũi tên, phi thân đánh đầu vào quả bóng…Qủa bóng vút vào lưới…

Còi thắng điểm nổi lên. Pháo tay rôm rả nổ vòng quanh sân vận động…

`Những tràng pháo ấy kéo dài, tưởng như không bao giờ dứt.

Lại một hồi còi nữa. Trận đấu kết thúc.

Đồng đội quây quanh Thi, công kênh ra giữa sân. Cả lũ nhóc cũng xúm lại. Chúng nó hò nhau, tung Thi lên mấy lần đến xóc đau cả bụng. Thi la oai oái:

– "Thôi thôi! Chết mất các cậu ơi!"

Rồi, trong phút trang nghiêm, phấn khởi, giữa vòng người của gần ba mươi cầu thủ hai đội và trước những cặp mắt cả ngàn khán giả, Hà cởi băng đội trưởng đến bên Thi, trịnh trọng:

– "Từ hôm nay cậu lại là thủ quân của đội!"

– "Mình ấy à?" Thi ngạc nhiên – "Mình, mình…không xứng đáng!"

– "Không! Cậu rất xứng đáng!" Quang trang nghiêm nói.

Anh Lân đến bên Thi, đỡ cái băng đỏ trên tay Hà, trịnh trọng đeo vào cổ tay nó:

– "Em nhận lấy! Được đồng đội tin tưởng là em đã đủ tiêu chuẩn, xứng đáng là một thủ quân rồi!"

Thi bỗng thấy người nóng ran. Cảm động và hối hận, nó lúng búng cảm ơn anh phụ trách rồi chạy đến, ôm chầm lấy Hà và Quang, run run nói:

– "Các cậu, tha lỗi…mình…mình…" Mắt Thi nhòa đi…

***

Thi bừng tỉnh. Cái cảm giác lành lạnh của giọt nước mắt chảy vào mang tai làm nó tỉnh hẳn. Nhưng…kỳ lạ thay, hình như những tiếng reo hò, cỗ vũ của đám đông khán giả vẫn còn vang vọng đâu đây. Thi định thần. Nó tụt khỏi giừơng, mở cửa, chạy ra đường. Trăng sáng dìu dịu. Gió nhè nhẹ thổi. Thi có cảm giác như cả trời sao đang bơi trong mây bạc. Bỗng Thi nhìn thấy trong bếp có ánh lửa. Thi hốt hoảng chạy vào. Bố nó đang lúi húi chở lửa.

– Mày dậy rồi đấy à? Mơ màng cái gì mà la hét ầm ĩ thế? Lại bóng ban phải không?

– Vâng! Thi đến bên cái soong nước to đang sôi sùng sục hỏi – Bố nấu nước làm gì thế?

– Nấu cho dân quân! Hôm nay tất cả đi làm công sự pháo bên đồi Đén. Các chú ấy không cho bố đi. Xin mãi mới được cái việc này…

– Thế à bố? Thi reo lên. Nó chợt hiểu cái âm thanh ồn ào kia không phải là tiếng reo hò, cỗ vũ của khán giả, mà là tiếng cười nói của dân quân làm công sự pháo ở trên đồi Đén vọng xuống.

Bố Thi vò chè, cho vào soong:

– Lúc nãy thằng Hà sang đây. Hôm nay tất cả đội Cờ Đỏ đều đi làm trên ấy. Bố nó múc nước vào thùng, rồi như chợt nhớ ra, bố nó bảo – À, mà hình như có cả tiếng thằng Tấn gọi mày…

– Anh ấy đi đâu mấy tuần nay kia mà bố!

– Dễ mới về.

Thi tìm đòn gánh và móc xích. Bố Thi lấy mấy cái ca nhỏ bỏ vào túi xách:

– Con gánh lên rồi hỏi các chú ấy có cần nữa thì về nhanh bảo bố.

Thi quảy gánh nước lên cầu rồi rẽ sang con đường lên đồi Đén. Càng đến gần, tiếng cười nói và tiếng cuốc xẻng đào đất nghe càng rõ…Leo hết con đường dốc, Thi nhận ngay ra cái không khí lao động khẩn trương như một công trường lớn. Người ở đâu ra mà đông thế. Khắp đỉnh đồi nơi nào cũng có người. Tiếng cuốc xẻng đào đất, tiêng cưa đục cùng với tiếng cười nói vang vọng cả một vùng…

Ngay ụ pháo đầu tiên, cánh Quang, Hà…đánh trần đang cuốc đất. Đất đồi sim vừa rắn vừa lắm đá nên mỗi nhát cuốc bập xuống lại có nhiều tia lửa nhỏ tóe lên. Thái nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, vừa xoa vừa nói:

– Các cậu ạ! Mình sống ở đây đã lâu mà giờ mới hiểu hết nghĩa đen tên của quả đồi này đấy.

– Đúng thế! Tô cười hề hề – Khó làm thật! Nhưng cũng phải cố lên các cậu ạ. Đồi Đén này thuộc loại "cao điểm" lợi hại nhất khu vực ta đấy. Pháo mình mà về đây thì cứ gọi là đến cái nào rụng cái ấy.

– Cậu cứ như một nhà quân sự không bằng! Hà nói.

– Cậu quên rồi à? Tô chống xẻng, bô bô – Ở đây hồi 1952, bộ đội mình chỉ có một khẩu pháo với mấy cây súng trường cũng làm cho lũ "Hen-cát" bở vía kinh hồn đấy thôi! Chúng nó phải mất hàng trăm tấn bom mới phá nổi ba răng đập là gì?

Thái cười:

– Cậu làm như hồi ấy cậu đã lớn lắm rồi không bằng.

– Thì cậu bảo năm nay bọn mình mười lăm. Vị chi hồi ấy…ờ nhỉ…Tô gãi tai…Cả bọn cười vang.

Thi tìm được một khoảng đất bằng, đặt gánh nước xuống. Thái trông thấy reo lên:

– Có nước rồi, các cậu ơi! Hoan hô cậu Thi!

Cả bọn xúm đến. Hiền đỡ mấy cái ca. Nó nhìn Thi, nói khẽ:

– Cảm ơn bạn!

Thi ngượng nghịu lần ra một chỗ vắng…

Một bàn tay đập mạnh vào vai Thi. Nó giật mình quay lại.

– Anh Tấn!

Tấn râu cất giọng ồm ồm, sặc mùi thuốc lá:

– Chú mình dạo này tiến bộ quá! Chà, mới xa nhau có mấy tuần…

– Lâu nay anh đi đâu?

Tấn rút thuốc lá, bật diêm châm lửa hút rồi trả lời lấp lửng:

– Xuất ngoại…

– Anh bảo sao?

– Ra nước ngoài! Tấn râu rít mạnh một hơi thuốc, ngửa mặt thả khói rồi nhìn Thi, thấp giọng thì thào – Anh sang Tàu!

– Nghĩa là…Thi kinh ngạc nhìn Tấn – Vượt biên à?

– Đúng vậy! Tấn râu ghé sát tai Thi, vẻ quan trọng – Đi có mục đích đấy! Một chuyến đi mạo hiểm nhưng vô cùng bổ ích vì biết được nhiều điều mới lạ…Tấn râu lẩm bẩm như nói một mình – Đáng sợ thật!

– Anh bảo sợ cái gì? Bị bộ đội biên phòng truy đuổi à?

Tấn râu lắc đầu:

– Sợ cái khác kia! Hì hì! Điều ấy…nói ra chưa chắc chú mày đã tin. Tấn râu nhìn quanh, không thấy ai, nó kéo đầu Thi lại, khẽ thì thào – Chú mày có biết tình hình Trung Quốc hiện nay ra sao không?

Thi trố mắt nhìn Tấn, ngạc nhiên vì không hiểu nó định nói gì. Tấn lại ghé sát tai Thi, nói nhỏ:

– Loạn to rồi em ạ!

– Anh nói gì lạ thế? Thi đẩy Tấn ra, kinh ngạc hỏi.

– Đấy! Tấn cười hì hì – Biết ngay mà! Nói ra chưa chắc chú mày đã tin. Tấn ném mẩu thuốc xuống đất, lẩm bẩm – Mà phải đấy. Vạ tay không hay vạ miệng. Nói cho chú mày biết, nhỡ chú mày bép xép với ai anh lại rũ tù…Thôi, đếch dại!

Tấn râu rút thêm một điếu thuốc, quẹt diêm, châm lửa. Nó cố ghìm để không nói ra những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến theo mấy thằng bạn ở Đồng Đăng vượt biên sang Trung Quốc. Trước mắt nó lúc này vẫn còn hiện lên, rõ mồn một, cảnh những "Hồng vệ binh" ngực đeo huy hiệu Mao chủ tịch, một tay dơ cao quyển sách bìa đỏ, một tay cầm gậy, rượt đuổi người trên đường phố, miệng hô "Tả! Tả!"…Thật là rùng rợn và khó tin. Tấn phát mạnh vào vai Thi:

– Phải đấy! Những chuyện như thế chú mày cũng không nên biết làm gì. Rồi như sực nhớ ra, Tấn rút trên túi áo ngực ra một cây bút, nắp vàng chóe, dúi vào tay Thi – Cầm lấy! Anh tặng chú!

Thi sung sướng giơ tay đón món quà hậu hĩ của Tấn. Còn chưa biết nói gì để cảm ơn thì Tấn râu đã tiếp:

– Đục nước béo cò! Mấy thằng bạn anh chúng nó đã nghiệm rằng chỗ nào có chiến sự là chỗ ấy dễ làm ăn. Vì thế anh lại về phố Bái này. Trước mắt cần phải tỏ ra mình tích cực để khỏi bị liệt vào danh sách các đối tượng bị nghi vấn.

Cho nên, mặc dù mới về lúc chiều, anh vẫn lao vào tham gia công tác ngay. Tấn bỗng đổi giọng nghiêm túc – Thi ạ! Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân! Chiến tranh…sống chết từng ngày. Anh muốn từ nay chúng mình sẽ kết nghĩa anh em, cùng nhau chung sức, hợp tác làm ăn. Chú thấy thế nào?

Thi giật mình trước đề nghị bất ngờ của Tân. Cái bút Kim tinh suýt tuột khỏi tay nó.

– Chú mày sợ à? Hay là…anh không xứng đáng?

Thi đã bình tĩnh trở lại. Nó thừa biết "kết nghĩa" anh em và "hợp tác" làm ăn với Tấn râu rồi sẽ phải sống như thế nào…Nhưng rồi…Thi nhìn sang vạt đồi bên cạnh, nơi các đội viên Cờ Đỏ đang quây quần bên thùng nước, vừa uống vừa chuyện trò vui vẻ, nó bỗng nhận thấy tình cảm giữa nó với Hà và lớp bạn cùng tuổi trong phố đã có một khoảng cách khó có thể gần lại. Bất giác, Thi nhìn Tấn, gật đầu.

Về sáng, công việc đã hoàn thành. Khu trận địa mới với những ụ pháo nổi cao và những dãy hào giao thông nối nhau, đan khắp mặt đồi. Đất đỏ phơi mình dưới ánh trăng đạm bạc. Vượt lên, cao hơn những lùm sim, mua là những dãy lán nhỏ lợp tranh săng…

Từ phía xa bỗng nổi lên tiếng động cơ êm ru…Thấp thoáng trong con đường xuyên rừng lim, những vệt sáng mờ mờ đã xuất hiện. Đoàn xe quân sự bật đèn gầm, vượt dốc, nối nhau tiến vào thị trấn…

Mọi người dồn cả lên thành công sự. Đoàn xe đang qua cầu…

– Các cậu, xem kìa. Pháo mình! Tô reo lên.

– Đúng pháo mình rồi! Các đội viên Cờ Đỏ tụt khỏi thành công sự, chạy ùa cả xuống chân đồi. Thi cũng cắm cổ chạy theo.

Chiếc xe đầu tiên đã đến đầu dốc. Từ trên ca bin một chú bộ đội mở cửa nhảy xuống. Chú đến bên bác trưởng đồn. Hai người nắm chặt tay nhau. Thi bỗng thấy ngờ ngợ. Cái giọng miền Nam…sao nghe quen quá. A, phải rồi! Thi khẽ reo lên. Chú bộ đội đã đến bên nó:

– Thi! Cháu không nhận ra chú à?

– Ôi! Chú Đồng! Thi ôm chầm lấy chú bộ đội. Chú đi đâu?

– Chú dề đây cùng đơn dị.

– Sao? Thi ngạc nhiên – Chú chuyển sang bộ đội cao xạ rồi ạ?

– Rồi! Sau lần gặp cháu là chú chuyển sang luôn.

– Thế chú có đánh trận mùng ba mùng bốn tháng tư không?

– Có chứ! Chú Đồng gỡ chiếc máy bay duya-ra đeo trên ngực đưa cho Thi – Chú tặng cháu. Qùa ba, bốn tháng tư đây.

– Cảm ơn chú!

Các đội viên Cờ Đỏ cùng xúm vào ngắm nghía chiếc máy bay nhỏ xíu, gọt bằng duya-ra trên tay Thi. Hiền hỏi:

– Sao nó đẹp và hiền thế này chú? Mỗi lần bay qua đây, cháu thấy nó mốc meo và hung dữ lắm kia mà!

– Ấy! Chú Đồng xoa đầu Hiền – Không phải "Ép" của Mỹ đâu. "Míc" của không quân ta đấy!

– Ồ! Máy bay của ta! Áí chen vào – Loại này hôm mùng ba mùng bốn tháng tư cũng xuất kích phải không chú?

Chú Đồng gật đầu.

– Tuyệt quá! Tô vân vê cái máy bay, miệng xuýt xoa – Trông hiền thế mà vẫn quật được thần sấm. Không quân mình anh hùng thật!

Chú Đồng gài cái máy bay lên ngực áo Thi, rồi đột ngột, chú hỏi nó:

– Tình hình cháu thế nào rồi?

– Dạ…Thi lúng túng không biết trả lời thế nào – Dạ, cháu vẫn…

Đôi mắt chú Đồng khẽ nhíu lại, vẻ không vui. Thi bỗng thấy ân hận.

Chú Đồng trèo lên ca bin. Đoàn xe lại nổ máy, kéo pháo lên trận địa.

Dưới phố, gà các nhà đua nhau cất tiếng gáy.

***

Hoa phượng bắt đầu nở rộ. Những chùm hoa đỏ xòe cánh che lấp cả màu xanh của lá cành. Từ trên cao nhìn xuống, phố Bái như mới dựng rất nhiều những chiếc ô khổng lồ màu đỏ. Những ngày căng thẳng và hồi hộp qua đi. Mùa hè đã thực sự đến với các đội viên Cờ Đỏ sau kỳ thi cuối cấp.

Nhưng Bái không còn cái vẻ ồn ào của những ngày hòa bình nữa. Từ hơn một tháng nay, mảnh đất nhỏ bên bờ sông Chu này đã thực sự bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bây giờ, giờ "cao điểm" không còn quy định bốn tiếng vào buổi trưa nữa. Suốt ngày, chợt cái lại báo động. Bến xe khách đã chuyển xuống cuối làng Hữu Lê. Khoảng sân trống vắng, lắng buồn càng như rộng thêm ra. Và đường phố không còn những sáng, những chiều xe khách bóp còi chạy qua nữa…

Cả nước có chiến tranh. Thanh niên thị trấn lần lượt lên đường tòng quân và đi thanh niên xung phong. Anh Lân cũng vừa nhập ngũ từ hai tuần trước. Khó khăn đầu tiên đã đến với đội.

Anh phụ trách đi rồi, làm sao bây giờ để trong điều kiện tự quản vẫn đoàn kết nội bộ và hoàn thành những nhiệm vụ được giao? Câu hỏi ấy đã làm Quang băn khoăn từ sau ngày thi tốt nghiệp đến giờ. Có lúc Quang nghĩ, đội mà không có phụ trách thì có khác gì chiếc xe không có người lái. Nó sẽ nằm lì một chỗ. Không có lãnh đạo tất cả sẽ ì ra, rồi mỗi người một phách và be bét hết. Nhưng…lẽ nào lại như vậy được? Đọc báo Đội, Quang thấy ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh chỉ cần vài người họp thành một nhóm cũng làm tốt công tác bảo vệ trị an và giúp các chú bộ đội bắn máy bay Mỹ…Huống chi đội mình bây giờ đã có một tổ chức chặt chẽ, lại được bác trưởng đồn và chú Đồng luôn quan tâm, săn sóc, lẽ nào đành chịu bó tay vì mỗi việc vắng anh phụ trách?

***

Mặt trời lên khỏi đỉnh núi Trẩu. Những người phải gánh đồ giúp gia đình đi xa nhất như anh em Thân Ái cũng đã về. Không ai nói gì. Tất cả lặng lẽ ngồi quây quần quanh gốc phượng trước đồn công an….

Hùng đang vẽ. Trước mặt Hùng, cành phượng rũ sát mái tranh Bưu Điện đỏ rực hoa. Hùng làm việc say sưa trong cái nhìn im lặng và trìu mến của đồng đội. Bức vẽ của Hùng có sức cuốn hút kỳ lạ. Ký ức của những ngày hè thanh bình bồi hồi đến với các đội viên. Những trận đấu bóng sôi nổi, những chiều vùng vẫy thỏa thuê trong làn nước mát, những trưa nắng đứng dưới tán cây phượng lấy nhị hoa chơi "chọi gà"…Tất cả những cảnh ấy, bây giờ…đâu còn nữa. Đường phố vắng lặng như dài ra trước những dãy nhà cửa cài kín mít.

Bỗng Quang hỏi Hùng:

– Hùng này, hình như năm ngoái, năm kia cậu cũng vẽ hoa phượng rồi thì phải?

– Ừ! Hùng dừng tay – Từ ngày biết cầm cây cọ đến giờ, hè nào mình cũng vẽ hoa phượng. Có điều là mọi năm thì được ngồi cả trên đập vẽ, còn năm nay có lẽ chỉ được vẽ ở đây thôi. Các cậu biết đấy, chiến tranh!

– Ừ! Quang gật đầu – Chiến tranh!

– Mình yêu hoa phượng lắm, Quang ạ! Hùng thủ thỉ – Này, các cậu xem, màu đỏ của nó có giống màu khăn quàng của chúng mình không? Không khác một tí nào nhỉ. Nhiều lúc mình tưởng như khăn quàng được dệt bằng thứ sợi rút ra từ những cánh hoa này vậy. Còn cái này nữa – Hùng rút ra hai cái nhị, ngoắc lại với nhau – Các cậu bảo nó giống cái gì nào?

– Cậu muốn nhắc lại cái cảnh chơi chọi gà hồi mấy năm trước chứ gì? Mấy đứa hỏi.

– Mình thấy nó giống những chiếc nan hoa xe đạp! Độ thật thà nhận xét.

Hùng lắc đầu, cười:

– Không phải! Nó giống những nốt nhạc thì đúng hơn. Đây! Hùng lấy từ sau giá vẽ ra một tờ báo – Các cậu xem, nó có giống những nốt nhạc không nào?

– Ừ nhỉ, giống thật! Quang vỡ lẽ – Cách so sánh của cậu thật là tuyệt!

Tô cười:

– Vậy mà cậu Độ lại ví nó như những chiếc nan hoa xe đạp!

Cả bọn vui vẻ cười vang.

– Các cậu còn nhớ Nguyễn Bá Ngọc không? Hùng đột ngột hỏi.

– Nguyễn Bá Ngọc? Còn nhớ chứ! Quang ngạc nhiên – Sao cậu lại hỏi như vậy?

-À…Hùng như người tỉnh mộng. Nó lật trang báo có in bản nhạc, mắt nhìn như dán vào khoảng không trước mặt – Mình rất yêu hoa phượng, Quang ạ. Thấy hoa phượng mình nghĩ ngay đến nhạc. Nghĩ đến nhạc mình lại không quên được bài hát này. Và…Hùng quay nhìn các bạn – Có lẽ trong chúng ta không ai là không tiếc thương và cảm phục người bạn nhỏ của mình. Nhìn xuống trang báo, Hùng tiếp, giọng nó bây giờ như chứa đựng một cái gì hối tiếc – Các cậu này, tại sao trường ta hồi ấy không có ai viết thư cho gia đình bác Bôi (1) nhỉ? Thiếu nhi các nơi trong nước xa thế mà họ còn viết được, huống chi mình chỉ cách Quảng Trung có một ngày thư…

– Ừ! Quang gật đầu – Khuyết điểm này là tại ban chỉ huy liên đội, trong đó có cả phần chúng ta.

Hùng ngước nhìn lên cành phượng – Người ta bảo Quảng Trung nhiều dừa lắm. Không biết ở đấy có phượng vĩ không? Nếu có thì hè này cậu ấy không còn được đứng dưới bóng cây mà ngắm hoa như chúng mình nữa. Còn dòng sông Yên? Chắc có lẽ nó nhỏ và ngắn hơn sông Chu của chúng ta nhiều, các cậu nhỉ…

– Có lẽ thế! Quang gật đầu – Vì trên bản đồ mình không thấy ghi tên nó.

– Nhưng bây giờ thì nó có tên trên bản đồ rồi. Và bên cạnh tên dòng sông Yên là tên bạn Ngọc…

Mắt Quang ngời lên. Lúc ấy cây đàn Hùng để cạnh giá vẽ bị động mạnh, khẽ rung lên một âm thanh trầm nhẹ. Hùng ôm nó vào lòng, bật thử mấy dây…Như những tia nắng vàng ấm áp, tiếng đàn thánh thót êm vui, lưu luyến giờ lâu quanh gốc phượng rồi tản ra, hút xa trên đường phố vắng…Hùng cất giọng, khe khẽ hát:

– "Ai qua bến Ghép, có nghe

dòng sông Yên

chiều nay dâng sóng

kể chuyện rằng:

Nguyễn Bá Ngọc

người thiếu niên rất anh hùng

đã vì bạn mà hy sinh…" (2)

Bài hát như đang dẫn các đội viên về với sông Yên, bến Ghép. Về với miền quê, nơi có những hàng dừa xanh, tươi mát, nơi đã sinh ra Nguyễn Bá Ngọc và chiến công của người anh hùng nhỏ tuổi.

Mãi khi mặt trời lên cao, nắng đổ nóng mặt đường Quang mới đứng dậy nói với cả bọn:

– Muộn rồi, ta vào họp thôi các cậu ạ!


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận