Chuyện nơi phố nhỏ - Kỳ 7 | Đào Hữu Phương | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe Kỳ 7 - truyện dài “Chuyện nơi phố nhỏ” của nhà văn Đào Hữu Phương qua giọng đọc Huyền Linh.
***
Vừa về đến cơ quan, biết đội Cờ Đỏ đang họp bên câu lạc bộ, bác trưởng đồn rất mừng. Bác cất xe rồi sang ngay. Thấy cả bọn ngồi đông đủ quanh bàn bóng, bác dừng lại, mỉm cười âu yếm rồi cất giọng đầm ấm:
– Chào các cháu!
Bọn Quang giật mình quay ra. Nỗi vui mừng hiện rõ trên từng nét mặt. Chúng quây lấy bác.
– Bác ạ! Bác đã về!
– Ừ, bác mới về! Bác trưởng đồn cảm kích ngồi xuống ghế – Các cháu làm gì mà say sưa thế?
– Thưa bác, chúng cháu đang bàn chương trình sinh hoạt và công tác trong thời gian tới. Quang đưa tờ biên bản cho bác trưởng đồn. Bác xem xong rồi gật đầu nói:
– Tốt lắm! Ôn lại truyền thống vẻ vang của Đội, phát huy truyền thống ấy để vươn lên, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, giành những thắng lợi mới, đấy là một biện pháp giáo dục tư tưởng rất có hiệu quả. Bác nhiệt liệt hoan nghênh tất cả các cháu đã có tinh thần sốt sắng vì nhiệm vụ chung. Nhưng…bác trưởng đồn đặt tờ biên bản xuống, đưa mắt nhìn khắp lượt các đội viên, thấp giọng nói – Khó khăn không chỉ dừng lại thế này đâu các cháu ạ! Rồi đây nhiệm vụ của các cháu sẽ còn nặng nề và gian khổ rất nhiều…
– Thưa bác…Quang đỡ lời bác trưởng đồn – Chúng cháu vẫn luôn sẵn sàng chờ đón và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ khó khăn nào được giao ạ!
– Bác rất tin tưởng ở khả năng và nhiệt tình của các cháu! Bác trưởng đồn xúc động nói – Chính vì thế nên tại cuộc giao ban bàn về công tác phòng không, bác đã hứa trước các đồng chí trong ban lãnh đạo Ty Công an tỉnh là sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức, giúp đỡ nhân dân và các cơ quan Nhà nước trong phố Bái sơ tán hoàn toàn và triệt để theo lệnh của ủy ban hành chính tỉnh…
– Thưa bác…Hiền không giấu nổi xúc động, run run hỏi – Phố ta phải sơ tán hoàn toàn và triệt để ạ?
– Hoàn toàn, triệt để và lâu dài! Bác trưởng đồn xoa đầu Hiền, nói chậm rãi – Bác không nói chắc các cháu cũng đã rõ. Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, leo thang phá hoại miền Bắc, giặc Mỹ đã không từ một thủ đoạn dã man nào. Từ sau ngày mùng năm tháng tám năm sáu tư đến nay, chúng đã ném bom tàn phá rất nhiều những công trình thủy lợi, phố xá, làng mạc, trường học, bệnh viện…giết hại thường dân, trẻ em và người bệnh. Trong các cháu chắc chưa ai quên vụ máy bay ném bom phố Tứ Trụ. Đó là một ví dụ. Phố Bái của chúng ta nằm trong khu vực địa đầu hệ thống thủy nông Sông Chu, lại đông dân và có nhiều cơ sở kinh tế của Nhà nước. Chắc chắn thời gian tới chúng sẽ đánh và đánh ác liệt. Để đập tan âm mưu của chúng, quyết tâm bảo vệ đến cùng "yết hầu" kinh tế của tỉnh nhà, khu vực ta sẽ được tăng cường một hỏa lực phòng không đến mức cần thiết…Bác trưởng đồn dừng lại vì sau những phút im lặng, cả bọn đã rộ lên bàn tán khi được biết trên quê hương mình sẽ có thêm nhiều pháo. Thái khoa chân múa tay, cố diễn đạt để cả bọn có thể hình dung một trận địa pháo năm bảy li bắn bằng khí tài mà nó đã trông thấy ở Hàm Rồng…Đứa nào cũng tỏ ra phấn chấn. Bác trưởng đồn tiếp – Vì thế, để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và các cơ quan Nhà nước, Ủy ban hành chính tỉnh đã lệnh cho đồn và chính quyền địa phương gấp rút tổ chức cho nhân dân và các cơ quan sơ tán triệt để khỏi khu vực này. Trong thời gian chuẩn bị nơi ăn, ở, phải vận chuyển dần, tài sản của nhân dân và các cơ quan vẫn còn nằm lại trong phố. Ai sẽ là những người ở lại bảo vệ nếu không phải là các cháu? Vì thế nên từ đây nhiệm vụ của các cháu không dừng lại ở mức bình thường, mà sẽ thực sự trở thành một cuộc chiến đấu, gay go và ác liệt. Nó đòi hỏi các cháu phải dũng cảm, mỗi cháu phải là một chiến sĩ…
– Thưa bác! Thằng Ái phấn khởi hỏi – Thế là chúng cháu sẽ được phát súng ạ?
– Không đâu! Bác trưởng đồn xoa đầu Ái.
– Thế…Ái cụt hứng – Thưa bác, không có súng thì lấy gì để chiến đấu, không có súng sao gọi là chiến sĩ được ạ?
Cả phòng họp cười rộ lên. Thằng Bắc đứng dậy hỏi:
– Thưa bác, nếu tình hình chiến đấu xảy ra ác lệt, chúng cháu cũng được lên trận địa pháo tiếp đạn chứ ạ?
Bác trưởng đồn xoa đầu Bắc:
– Khi chiến sự xảy ra, các trận địa pháo đều đã có dân quân các đơn vị lên hợp đồng chiến đấu rồi. Bao giờ lúc tình hình rối ren cũng là thời cơ cho bọn xấu hoạt động. Chính những lúc ấy đòi hỏi sự có mặt của các cháu nhiều nhất. Bác nghĩ rằng lúc ấy các cháu cũng bám sát trận địa của mình, tức là đã hiệp đồng cùng các chú bộ đội, dân quân chiến đấu rồi đấy. Các cháu thấy có phải không?
– Phải ạ! Tất cả đồng thanh đáp.
***
Tấn râu nằm dài trên đi-văng, mắt hau háu nhìn những giọt cà phê đang tí tách rỏ xuống cái cốc thủy tinh cáu bẩn. Thi nhấc cái ấm con trên bếp dầu, mở nắp "phin" rót thêm nước sôi vào rồi kéo cái ghế, ngồi cạnh cửa.
– Mẹ kiếp! Tấn râu thở dài – Ba ngày liền, không có lấy một mống khách. Có dễ phải dời hàng xuống cuối làng Hữu Lễ làm thôi. Y chép miệng, nuốt nước miếng đánh ực. Cơn nghiện đang kéo đến – Không còn nổi một xu dính túi. Hừ! Hay là chú mày xuống quán bà Bầu mua chịu vài điếu Sầm Sơn đi.
– Chịu! Nợ bà ấy nhiều quá rồi. Ngại lắm! Thi rụt cổ, lắc đầu.
Tấn râu ngồi bật dậy, ra ngoài vươn vai ngáp. Bỗng y khẽ reo lên:
– Tốt lắm! Có tiền rồi!
Thi chạy ra. Phí dưới chùa quả là có một người đang dắt xe đạp đi lên. Bỗng Thi chau mày, thụt vội vào trong nhà.
– Mày làm gì mà như phải ma ấy?
– Em ra đằng sau tí…
– Tào tháo đuổi hả? Đi xong rồi vào trông phin cà phê nhé.
Thi không đáp. Nó khép cửa, kéo ghế ngồi vào một góc.
Bên ngoài, Tấn râu lôi hòm đồ nghề ra sửa soạn như vừa làm xong một việc gì đó. Cô giáo chủ nhiệm của Thi dắt xe vào.
– Anh xem hộ em cái ổ sau tí. Nó kẹt quá không đi được.
Tấn không ngẩng lên, cất giọng hạch:
– Chán em quá! Cả buổi đi đâu bây giờ mới đến? Anh đang dọn đồ, nghỉ để đi nấu cơm đây.
– Anh thông cảm, giúp em một lúc.
Tấn khệnh khạng đứng dậy:
– Hỏng ổ sau hả? Nào, ngửa ra!
Thi thấy mặt cô giáo bừng đỏ vì câu nói xỏ xiên của Tấn. Thấy khách hàng định dắt xe đi vì câu nói đểu cáng của mình, Tấn vội đổi giọng tử tế:
– Mà thôi, em để thế cũng được. Y nâng bánh sau lên khỏi mặt đất, quay ngược rồi phán – Mút côn rồi!
Tấn kéo lê hòm đồ nghề, lấy cờ lê và kìm vặn hai cái ê-cu ra, xem qua rồi thuận tay ném xuống đoạn hào trước mặt. Cô giáo Thi trố mắt hỏi:
– Sao lại vứt đi anh?
– Của nợ, không vứt để làm gì! Tấn lôi bánh sau ra, đặt xuống, tháo tung ổ bi, khẩy khẩy qua loa rồi cũng lẳng hết xuống hào.
Cô giáo Thi lại xuýt xoa:
– Ôi! Bi mới cả. Anh xem có phải hư không?
– Cô tiếc à? Tấn ngẩng lên, hỏi – Ai lắp cho cô đấy?
– Em vừa thay ở Tứ Trụ mấy hôm nay. Họ bảo bi Nhật mà!
– Nhật! Nhật cái con khỉ! Tấn làu bàu – Chúng nó bịp cô để lấy tiền chứ Nhật cái gì. Không thay đi, cả cái trục và cái nồi này cũng hỏng nốt. Tấn ngửa mặt, hau háu nhìn như soi vào ngực cô giáo rồi đổi giọng – Hay là…cứ để tạm thế mà đi?
– Thôi, thể công, anh thay giúp em đi! Cô giáo Thi nài nỉ.
Tấn lấy trong tủ đồ nghề ra một túi ni lon. Y nhón mấy viên bi, đưa lên sát mặt cô giáo Thi xắc xắc:
– Đây mới là bi Phù Tang! Em xem nó nhẵn bóng thế này kia mà.
Cô giáo Thi làm sao phân biệt được thật giả nên chỉ một mực nói như cầu khẩn:
– Em phải đi công tác luôn. Anh cố gắng lắp cho em thứ bi thật.
Loay hoay một lúc Tấn mới thay xong ổ bi. Y lắp bánh xe vào rồi lấy trong hòm đồ nghề ra hai con ê-cu, vừa vặn vừa nói:
– Ê-cu Thượng Hải thứ thiệt! Nhất em đấy nhé!
Rồi Tấn quẳng cờ lê xuống đất, đứng dậy, sỗ sàng hích cô giáo dạt ra, túm lấy yên xe, nâng bánh sau lên đạp thử, miệng liến thoắng:
– Em thấy chưa? Bây giờ thì có đi cả năm cũng không việc gì!
– Cảm ơn anh! Cô giáo Thi đỡ xe, dựng vào một góc rồi rụt rè hỏi – Hết bao nhiêu, em gửi tiền anh.
Tấn phủi tay, cau mặt tính rồi cười hì hì:
– Người khác thì đúng hai mươi lăm đồng. Nhưng em thì anh lấy hữu nghị hai chục thôi!
Cô giáo Thi ngỡ ngàng trước cái giá quá đắt, những vẫn mở ví, trả tiền rồi chào Tấn, dắt xe đi.
Tấn nhét tiền vào túi áo, ném mấy thứ đồ nghề vào hòm rồi hể hả cất tiếng hỏi:
– Mày đã vào chưa đấy?
Thi đẩy cửa, lầm lì bước ra. Tấn cười hả hê:
– Hai tờ đỏ nhé! Hừ, đang bí bỗng vớ được món khách hời. Lại có tièn tiêu rồi! Y giục Thi – Làm gì mà đứng ngây ra thế? Chú xuống hào nhặt tất cả các thứ anh vừa ném xuống lên đây.
– Đồ rởm, nhặt lên làm gì?
– Chú mày quê lắm! Tấn cười, chế diễu – Toàn đồ ngoại cả đấy!
– Đồ ngoại! Sao lại vứt của người ta đi?
– Không làm thế lấy gì thay cho người khác? Tấn đập mạnh vào vai Thi – Ăn là ăn ở đó, hiểu không?
Thi trừng mắt nhìn Tấn:
– Anh…dã man lắm!
– Sao! Tấn ngạc nhiên, cau mặt hỏi – Chú chửi anh đấy à?
– Tôi không chửi! Nhưng mà…anh vô lương tâm lắm! Anh có biết người vừa đến sửa xe ấy là ai không? Cô giáo chủ nhiệm của tôi đấy! Hai mươi đồng trong túi anh là nửa tháng lương của cô ấy. Đã vậy anh còn buông những lời dung tục, đểu cáng…
Nghe Thi nói, Tấn há miệng đứng như trời trồng, rồi giậm chân kêu:
– Trời đất! Chuyện lớn rồi! Tại sao mày không nói từ đầu?
– Tôi đã phải giấu mặt đi. Bà ấy mà biết tôi ở đây thì còn ra cái gì!
Tấn ngồi phịch xuống đất, thở dài:
– Đến chú mày cũng còn nghĩ về anh như vậy huống chi người khác! Tấn uể oải đứng dậy, rút cả hai tờ mười đồng dúi vào tay Thi – Cầm lấy! Xuống quán bà Bầu mua một gói Sầm Sơn, một gói kẹo lạc về liên hoan. Chỗ còn lại lúc nào gặp cô giáo chú trả lại hộ anh. Trước khi chia tay anh muốn chú rõ anh là người thế nào.
Thấy Thi cứ đứng trơ như phỗng, Tấn giục:
– Đi đi! Để cả đấy, anh làm cho.
Thi lấy xe, phóng đi. Lúc sau trở về, nó ném gói kẹo và bao thuốc lá ra bàn rồi trả lại chỗ tiền thừa cho Tấn:
– Anh cầm lấy. Bảo tôi đem tiền trả lại cho bà ấy khác gì lạy ông tôi ở bụi này!
– Ừ! Phải đấy! Tấn gật đầu. Y nhét tiền vào túi, vỗ về Thi – Được rồi! Chú yên tâm. Sẽ có cơ hội anh giúp lại cô giáo chú.
Tấn rót cà phê ra hai cái cốc rồi bỏ thêm vào cốc của Thi một thìa đường. Y rút thuốc lá, quẹt diêm châm lửa hút. Vừa ngả người nằm xuống đi-văng, y đã lồm cồm ngồi dậy, mở ngăn kéo, lôi ra một cuốn an-bom cũ kỹ, đẩy lại trước mặt Thi:
– Chú xem đi! Tấn vừa đặt cái thân hình hộ pháp xuống đi-văng vừa ngán ngẩm nói – Cuộc đời anh…tất cả chỉ có thế!
Thi tò mò dở ra. Cuốn an-bom chỉ có độc một cái ảnh rộng hơn lòng bàn tay, dán ngay trang đầu. Tấm ảnh chụp hai mẹ con. Thi dễ dàng nhận ra đứa trẻ với đôi mắt xếch.
– Ảnh anh hồi nhỏ đây à?
– Anh và bà bô đấy! Tấn gật đầu.
Thi xem kỹ, thấy trên vai người mẹ có hình một bàn tay. Nó hỏi:
– Thế còn ai đây?
– Là cái lão mà anh phải gọi là bố đấy!
– Sao anh lại cắt đi?
– Đó là một câu chuyện dài…Tấn ngồi dậy, với cốc cà phê nhấp một ngụm, rít thêm một hơi thuốc rồi lại lười nhác ngả người xuống đi-văng, thong thả nhả ra từng đụn khói hình tròn, mắt mơ màng nhìn lên trần nhà như muốn tìm lại cái quá khứ "huy hoàng" của mình trong lớp vôi ve đã ngã màu cháo lòng loang lổ ấy…
Thi bó gối, ngồi thu lu bên cốc cà phê sánh đặc, im lặng lắng nghe những lời thì thào của Tấn như đang vọng về từ cõi hư vô…
***
Tấn trở mình, tỉnh dậy sau một giấc ngủ say. Nó lắng tai nghe. Trong buồng bố mẹ nó đang thì thào to nhỏ:
– "Ý cô định thế nào?" Bố nó hỏi.
– "Tùy anh! Tôi thì sao cũng được." Tiếng mẹ nó thủng thẳng – "Về quê, gần bố mẹ, anh em. Còn ở đây buôn bán thuận tiện, sống cũng thoải mái."
– "Lạ thật!" Bố nó cười gằn – "Người nhà quê ra thành thị người ta thích ở lại đã đành. Đằng này cô là dân thành phố, tản cư về cái phố nhỏ miền sơn cước này sống tạm qua buổi loạn lạc, giờ lại muốn sinh cơ lập nghiệp ở đây luôn thì thật khó hiểu." Im lặng. Sau tiếng xòe của que diêm, bố nó tiếp bằng cái giọng diễu cợt – "Sống mà không hưởng lạc thì có ngồi trên đống vàng cũng như là không thôi! Mà hưởng lạc thì ở đây có gì nào? Bói không có lấy một rạp chiếu bóng, vài quán phở lèo tèo…Không có điện. Mùa hè quạt rã ray. Muốn một cốc nước đá, một que kem cũng không có…thiếu đủ thứ!"
– "Cả của lạ nữa chứ gì?"
– "Cô không phải nói!" Bố nó nổi khùng lên – "Tôi là tôi quyết về đấy!"
À! Thì ra bố mẹ nó đang bàn chuyện về quê. Tấn cảm thấy người nóng ran. Về quê! Thế thì còn gì thú bằng! Mấy năm nay, tết và hè nào Tấn cũng được theo bố mẹ về Nam Định thăm ông bà ngoại. Đó là một ngôi nhà hai tầng giữa
trung tâm thành phố. Ngày nào mà Tấn chả cùng cậu nó vào cái rạp chiếu bóng có mái vòm làm từ thời Pháp xem phim. Ít khi nó mua vé ngồi với bọn trẻ cùng tuổi ở mấy hàng ghế sát màn ảnh, mà thường ngồi ghế có bọc nhung ở gác trên. Xem phim xong, bao giờ hai cậu cháu cũng đưa nhau đến mấy cái quán của người Tàu ăn hủ tiếu hoặc mỳ vằn thắn. Bánh ngọt thì đủ thứ. Thứ nào cũng ngon và hấp dẫn. Mùa hè không gì khoái bằng ăn kem và uống nước chanh đá… Buổi trưa Tấn hay một mình tha thẩn trong chợ Rồng. Cái chợ có nền xây cao ráo, có mái che, vừa rộng vừa thoáng mát, mưa gió vẫn ngồi họp được. Mỗi lần như thế nó lại đứng lì hàng buổi xem những chiếc độc bình, những bộ ấm chén lạ mắt có hàng trăm năm tuổi của một ông già bán đồ cổ người Hoa.
Sau mỗi kỳ nghỉ ở thành Nam, Tấn lại về phố huyện đi học như thường lệ.
Không ai sướng bằng nó. Tiền ăn, tiền trọ mẹ nó đã trả trước cho bà chủ nhà đủ chín tháng. Đi về mẹ nó đã nhờ ông tài Tam, chủ xe An Mỹ, chuyên chạy tuyến phố Bái – Thị xã, tuần hai lần, sáng thứ hai chở nó đi, chiều thứ bảy đón nó về. Tấn khoái ngồi xe với ông tài già vui tính này không chỉ vì xe ông tốt nhất trong các nhà xe chuyên chở khách ở phố Bái mà vì mỗi lần lên xe nó lại được thưởng thức một bữa no cười vì những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh của ông. Một lần, vừa dừng xe, mở cửa cho nó lên, ông bỗng hốt hoảng:
– "Chết cha rồi! Thằng này, sao bây giờ mày vẫn còn ở đây?"
Tấn lo lắng hỏi:
– "Có chuyện gì thế ông?"
– "Bố mẹ mày bỏ nhà đi cả rồi!"
– "Lâu chưa ông? Vì sao?" Tấn run lập cập, hỏi.
– "Từ thứ ba! Chắc cũng vì tiền…"
Tấn ngồi không yên. Nó nôn nóng và thấp thỏm lo lắng suốt chặng đường…Xe vừa dừng bánh, Tấn đã nhào về nhà… Bố mẹ nó và bà ở đang ăn cơm. Thế này là thế nào? Tấn vừa mừng vừa khó hiểu. Nó liền xộc một mạch đến nhà ông tài già chất vấn:
– "Ông! Sao ông lại bảo bố mẹ cháu vì tiền đã bỏ đi?"
– "Thằng này…ông tài già cười hì hì – Tao nói không đúng à? Bố mày lên Khao mua thuốc phiện, mẹ mày xuồng thị xã cất hàng xén…đi buôn không phải vì tiền còn vì cái gì?"
Ông vừa nói vừa khịt khịt cái mũi khoắm, làm Tấn chẳng những không thể giận ông mà còn suýt phải lăn ra cười.
Thường mỗi lần về mẹ nó lại cho một món tiền để tiêu vặt. Tiếng là tiền tiêu vặt, nhưng thực ra số tiền ấy đủ cho nó và con trai bà chủ nhà ngày hai lần vào quán ăn phở. Hôm nào có bài toán khó nó lại bỏ tiền thuê mấy đứa học giỏi làm rồi đi chơi, đến lớp mới chép lại. Sống thoải mái như vậy nên rất ít khi Tấn nhớ nhà. Về nhà, có một điều khiến nó ngại, ấy là bộ mặt lúc nào cũng cau có, luôn quát tháo, chửi tục của bố nó. Nhưng hôm nay không hiểu sao mới thứ sáu Tấn đã thấy nóng ruột và nhớ nhà ghê gớm. Nó bỏ buổi học, ra đường đón xe.
Khác với mọi lần, vừa trông thấy nó, ông tài già đã vội dừng xe, nhảy xuống, vừa đỡ nó lên, vừa nói"
– "Tội nghiệp mày!"
Tấn không hề để ý đến giọng nói và vẻ mặt xúc động của ông tài già. Dọc đường, qua cái nhìn và những cử chỉ chăm sóc ân cần của ông, nó mới linh cảm có chuyện gì đó đã xảy ra…
Cửa nhà khóa chặt. Tấn bổ ra chợ, tìm mãi mới thấy u già. Bà ở nhìn thấy nó bỗng òa lên khóc. Nó nôn nóng hỏi:
– "Có chuyện gì vậy u?"
– "Ai tin cậu biết mà về sớm thế?"
– "Có ai tin đâu! Thấy nóng ruột là cháu về. Mà chuyện gì thế? Bố mẹ cháu đâu?" Tấn hỏi xoắn xuýt.
– "Cậu cứ về nhà đã. Ở đây nói không tiện."
Tấn theo bà ở về nhà. Bà mở cửa, lại tủ lấy một phong bì thư đưa cho Tấn:
– "Ông bà đi Nam tối hôm thứ tư rồi. Đây là thư bà gửi cậu."
– "Đi Nam à?" Tấn giật lấy phong thư, tấm tức – "Mới hôm nào còn bàn chuyện về quê kia mà?"
– "Tôi cũng không rõ!" Bà ở lau nước mắt – "Bà dặn tất cả bà viết trong thư. Cậu đọc xem."
Tấn xé phong bì, lấy thư ra, đọc ngấu nghiến:
– "Con trai yêu quí của mẹ!
Con hãy tha thứ cho mẹ vì sự ra đi vội vàng, để lại mình con bơ vơ nơi đất khách quê người.
Con ơi, có một sự thật cay đắng mà mẹ tưởng suốt đời mẹ giấu được con. Nhưng đến nước này mẹ đành phải cho con biết để con hiểu cho nỗi lòng của mẹ: Bố con vì chơi bời trác táng quá nên đã tuyệt đường con cái. Con là con riêng của mẹ. Chấc bây giờ con hiểu vì sao ông ấy hay đánh đập, mắng mỏ con và mẹ phải tìm cách gửi con đi học xa rồi chứ?
Tuần trước ông ấy có bàn việc chuyển về Nam Định. Mẹ đã ưng thuận. Nhưng hôm con đi học thì có mấy người bạn của ông ấy đến chợi. Họ bàn bạc và quyết định đi Nam. Đi ngay để phố xá và nhà chức trách không biết. Ông ấy cấm mẹ không cho con đi theo, thậm chí không được tin cho con biết. Mẹ không còn cách nào là viết lại mấy dòng này cho con. Mong con hãy tha thứ cho mẹ.
Ở trong tủ mẹ để phần con một cái bánh chưng. Con lấy chìa khóa như u già mở, đem xuống, cắt ra mà ăn rồi nhờ ông tài Tam đưa xuống thị xã, lấy vé tàu về Nam Định mà ở với ông bà ngoại. Nhân bánh mẹ gói đủ hai mươi miếng đấy!"
Tấn gạt nước mắt, hỏi bà ở:
– "Mẹ cháu có còn dặn gì nữa không?"
Bà ở lật đật vào trong buồng, lấy đưa cho Tấn một tập giấy bạc:
– "Còn chỗ tiền này và một tấm ảnh bà để trong cuốn an-bum."
Tấn lại bàn, mở ngăn kéo, lôi ra cuốn an-bum. Bên trong duy nhất chỉ có một tấm ảnh nó và bố mẹ chụp ở thành Nam hồi tết. Tấn cáu tiết, tìm kéo cắt phăng phần ảnh gã đàn ông mà lâu nay nó vẫn gọi bằng bố ném xuống nền nhà rồi lấy chìa khóa mở tủ, tìm bánh ăn.
Bà ở nhìn Tấn bóc bánh, biết nó đói, liền nói:
"Cậu ăn tạm mấy miếng. Để tôi đi mua cho tô phở."
Tấn vừa bóc bánh vừa nghĩ ngợi : "Không biết mẹ mình gói bằng nhân gì mà dặn kỹ số lượng thế không biết." Nó lấy dao, cắt đôi cái bánh ra. Bổng nghe tiếng lạo xạo. Tấn ngờ ngợ. Nó bẻ đôi cái bánh và suýt rú lên kinh ngạc: "Vàng!" Tấn run run lôi từ trong ruột bánh ra xấp vàng lá đủ hai mươi miếng. Đây là loại vàng mẹ nó thường dùng để thanh toán tiền mua thuốc phiện với mấy ông người Lào mà nó đã nhiều lần trông thấy. Nó lấy cái thư gói lại rồi nhét vào túi áo ngực. Cái đói cồn cào biến đi đâu mất. Tấn kháo mấy miếng quanh cái bánh rồi vứt xuống nền nhà cho con chó…
…Ném mẩu thuốc xuống gầm bàn, hai tay vuốt mặt, Tấn bật ngồi dậy, bàng hoàng như vừa qua một cơn ác mộng.
– Rồi sau đó anh có về Nam Định không? Thi nhìn Tấn, hỏi.
– Về làm đếch gì! Năm trăm đồng bạc, hai mươi lá vàng, đồ dùng sang trọng đầy nhà, chú bảo làm gì mà không sống được. Vả lại sau đó anh nghe tin gia đình ông bà ngoại anh ngoài ấy cũng lên Hải Phòng tếch đi Nam cả rồi. Thế là từ đó anh sống tự lập. Chú mày thấy đó…Tấn ngán ngẩm, đảo mắt một vòng quanh mấy gian nhà trống trải – Bán hết! Vàng, tủ, sa lông…Tất cả bây giờ chỉ còn lại cái giường để nằm và cái đi-văng khốn nạn này…
Thi nhìn kỹ cái đi-văng. Nó cáu bẩn và gớm giếc quá. Nếu không biết câu chuyện về đời tư của Tấn làm sao Thi có thể tưởng tượng nổi chủ của nó là một gia đình giàu có và chính nó đã một thời được lau chùi, giữ gìn cẩn thận…Bất giác, Thi nhìn Tấn thở dài, thông cảm./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.