Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng theo tôi, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất bởi chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông là sự kết hợp của cả nội dung và công nghệ, mà cả hai điều này đều liên quan mật thiết tới con người. Các cơ quan báo chí cần xác định rõ ràng rằng, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng phải vào cuộc. Bởi vì, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Và để làm được điều đó, cần có sự tham gia của tất cả các bộ phận trong một cơ quan báo chí.
Đối với các cơ quan báo chí hiện nay, để chuyển đổi số thành công cần phải có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để người làm báo, phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng định hướng phát triển mà cơ quan mong muốn.
Là cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, nhiều năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đang từng bước xây dựng hình ảnh một TTV năng động, hội nhập với báo chí truyền thông trong khu vực và cả nước. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá là đài địa phương duy nhất trong cả nước có 4 loại hình truyền thông, gồm: phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm và tổ chức sự kiện. Những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa luôn nỗ lực đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của khán thính giả.
Chúng tôi đang từng bước thích ứng với xu thế chuyển đổi số bằng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái TTV với sóng phát thanh FM 92,3 MHz và kênh truyền hình TTV làm trung tâm, song hành cùng Ứng dụng Truyền hình Thanh Hóa, Trang thông tin điện tử, các hạ tầng truyền dẫn mới và mạng xã hội với tiêu chí: Chính thống - Nhanh nhạy để đưa thương hiệu TTV ngày càng được công chúng yêu mến, lựa chọn với phương châm "Ở đâu có khán giả, ở đó có TTV".
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, năm 2022, chúng tôi đã hợp tác với các công ty về Internet nhằm phát triển nội dung số để nâng cấp trang thông tin điện tử https://truyenhinhthanhhoa.vn với giao diện hiện đại, thân thiện với người dùng, quy trình xuất bản tối ưu, dung lượng lớn, giúp khán thính giả xem truyền hình, nghe phát thanh và đọc tin tức trên nhiều thiết bị.
Trang thông tin điện tử của Đài đăng lại các tác phẩm phát thanh, truyền hình bằng hình thức đa phương tiện, đặc biệt có các dạng bài Infographics, E-Magazine, Longform, Podcast... mang lại những trải nghiệm mới hấp dẫn cho khán thính giả, độc giả của TTV. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã phát triển Ứng dụng "Truyền hình Thanh Hóa" tương thích với mọi loại điện thoại thông minh, máy tính bảng và tivi thông minh với nội dung đa dạng, được cập nhật mới mỗi ngày. Khán thính giả có thể xem truyền hình, nghe phát thanh trực tiếp và xem lại, nghe lại các chương trình yêu thích ngay trên điện thoại, đồng thời nhận thông báo khi có tin mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư, phát triển các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtuber, TikTok… phù hợp với xu thế hiện nay.
Hiện nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa cơ bản có đủ hệ sinh thái truyền thông, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số của Đài trong thời gian tới.
Xu hướng chuyển đổi số đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là với các cơ quan báo chí địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Khi thực hiện chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí, phải tự chủ tài chính trong điều kiện cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao.
Ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội, từ đó nguồn thu quảng cáo giảm do khó khăn của nền kinh tế và sự dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới.
Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tốt, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác…) để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Trong đó, điều kiện tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ còn nhiều hạn chế. Bối cảnh đó đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương phải có chiến lược cụ thể, chủ động triển khai các biện pháp để thay đổi nhận thức, thay đổi cách tiếp cận, quy trình làm việc, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo về chuyển đổi số báo chí.
Trong quá trình chuyển đổi số, khó khăn chủ yếu của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa là kinh phí, con người và thiết bị, đó là hiện nay Đài Thanh Hóa đã phải tự chủ về kinh phí chi thường xuyên trong khi nguồn thu quảng cáo giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới không có kinh phí để đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ, hiện đại.
Nguồn nhân lực tuy đông về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế, thiếu các vị trí nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ phóng viên có kỹ năng làm các sản phẩm digital. Chính vì vậy, phải cần có thời gian để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.