Lam Kinh: "Từ chiều sâu quá khứ đến tương lai"
(TTV) - Di tích lịch sử Lam Kinh - Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV, nơi hội tụ những anh hùng hào kiệt khắp bốn phương chung sức, chung lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Trải qua nhiều đổi thay, hưng vong cùng vận nước, ngày nay, dáng vóc Lam Kinh của thế kỷ XV đã và đang dần được khôi phục lại, thể hiện sự trân trọng, tri ân, tôn vinh của hậu thế đối với di sản của cha ông.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi và bắt tay xây dựng triều đại Lê Sơ, với tấm lòng tôn kính tổ tiên, vua Lê đã cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm với quy mô to lớn ở đất Lam Sơn và coi đây là “Kinh đô” thứ hai của Nhà nước Đại Việt sau Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội). Vì lẽ đó, đương thời Lam Kinh trở thành vùng đất “căn bản” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi an táng, thờ phụng các vị vua và hoàng hậu triều Lê Sơ, cũng là nơi cử hành những nghi lễ mỗi khi vua Lê về bái yết sơn lăng.
Lam Kinh được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”. Phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng khiến nơi đây trở thành chốn linh sơn đắc địa.
Song trải qua những biến cố lịch sử cùng nắng núi mưa ngàn, sự bề thế, trang nghiêm của khu điện miếu Lam Kinh xưa gần như đã không còn.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hạng mục di tích tại Lam Kinh đã được nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng, dần tái hiện phần nào diện mạo ban đầu của Lam Kinh.
Bước khởi động ban đầu cho công cuộc tìm lại dáng dấp Lam Kinh xưa được bắt đầu từ năm 1962, với việc Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Cùng với việc vinh danh di sản, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, làm cơ sở cho việc bảo tồn và khôi phục lại diện mạo Lam Kinh.
Hơn 2 thập kỷ qua, hàng chục hạng mục công trình gồm các lăng mộ, nhà bia, Chính điện và các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên... đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng được huy động từ ngân sách và các nguồn xã hội.
Đặc biệt năm 2010, Chính điện Lam Kinh chính thức được khởi công bảo tồn, phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn với tổng diện tích hơn 1.600m2.
Chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc bằng gỗ phức tạp nhất, do đó, phải mất nhiều thời gian, công sức, tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, sản xuất các mẫu con giống, hoa văn trang trí và lựa chọn phương án thi công, đảm bảo đúng quy trình thi công thủ công truyền thống.
Đến nay chính điện đã chính thức hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan, chiêm bái. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thiện của một công trình mà lớn hơn là đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của Nhân dân và du khách.
Đến Lam Kinh hôm nay, du khách như được đắm mình trong một không gian nhuốm màu cổ xưa lịch sử. Thế nhưng, cổ không đi liền với cũ, mà ngược lại, Lam Kinh hấp dẫn, cuốn hút và khiến con người ta chìm đắm trong một không gian tuyệt vời của khối kiến trúc xanh tự nhiên, được dệt từ những vạt rừng già cùng dòng sông Ngọc. Bao bọc ở giữa là hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian mà ở đó sự hiện diện của chính điện Lam Kinh như tô điểm thêm cho sự bề thế, linh thiêng của chốn linh sơn đắc địa này.
Chính điện được bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn xây trên nền đất rộng, là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Đây là một trong những công trình mang đậm phong cách kiến trúc nhà Lê với kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê chạm nổi, chạm bong một. Mái lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung; trang trí mặt ngói hình hoa sen, trang trí diềm mái hoa văn lá đề bằng đất nung; ngói lót trang trí mặt trong hình chữ Thọ...
Chính điện Lam Kinh không chỉ bề thế và có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật mà còn nhiều hàm ý tốt đẹp - biểu tượng cho tài năng cùng đức độ của đức Lê Thái Tổ tỏa rạng thiên hạ, đề cao, tôn sùng đạo hiếu và đặc biệt là khát vọng vun đúc, kéo dài sự tốt lành cho vương triều và quốc gia Đại Việt.
Cùng với sự “hồi sinh” về diện mạo, trong những năm trở lại đây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch một cách lâu dài và bền vững cũng đang đặc biệt được quan tâm.
Bắt nhịp xu thế của cuộc cách mạng 4.0, hiện nay khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể.
Cùng với Thành nhà Hồ, Pù Luông, Am Tiên, Lam Kinh là một trong 4 địa điểm du lịch đầu tiên tại Thanh Hóa triển khai ứng dụng du lịch thông minh. Đây là giải pháp đang được thực hiện tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu số hóa di sản và đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của khách du lịch.
Theo đó, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng smarttravel là người dùng có thể tra cứu, nắm bắt tổng quan về di tích. Chỉ cần gõ tên điểm đến là sẽ được chỉ đường đến nơi. Chỉ cần nhấn lựa chọn hạng mục cần tìm hiểu chúng ta sẽ đọc được những lời giới thiệu khái quát nhất. Qua những thông tin được số hóa, khách du lịch cũng được nhìn ngắm công nghệ thực tế ảo và hình ảnh 360 độ chân thực về di tích ở các góc nhìn dù ở bất cứ nơi đâu.
Với Lam Kinh, vẫn còn không ít việc phải làm, nhiều hạng mục cần tiếp tục đầu tư và cả những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị khu di tích. Song, dáng vóc Lam Kinh của thế kỷ XV đã và đang dần “sống lại”, không chỉ ở hình hài vật chất mà quan trọng hơn chính là ở vị thế của nó trong dòng chảy văn hóa – tinh thần dân tộc. Đó cũng là minh chứng cho hướng tiếp cận và phát triển bền vững của hậu thế, khi biết đi bằng đôi chân, một đặt ở quá khứ – mà nền tảng là truyền thống lịch sử, văn hóa ngàn đời; và một đặt ở hiện tại, dựa trên những nguồn sức mạnh mới để vững tin bước đến tương lai.
Theo Phương Anh - Minh Quyên - Đức Tình
Chuyên mục Văn hóa nghệ thuật 18/5
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm
Chương trình văn nghệ chào mừng Thọ Xuân đón nhận Quyết định công nhận huyện Nông thôn mới nâng cao
Tối 24/11, tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng huyện đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa
Sáng 24/11, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh Thanh Hóa", với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và gần 60 doanh nghiệp lữ hành toàn quốc.
Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Thanh Hoá
Khoảng thời gian này, tỉnh Thanh Hoá liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Việc mời các đoàn Farmtrip từ trong Nam ngoài Bắc, và cả nước ngoài đến với xứ Thanh chính là cơ hội lớn để Thanh Hoá tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch thế mạnh, đồng thời kết nối các sản phẩm có yếu tố liên vùng, liên khu vực.
Phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO và cam kết của UBND Tỉnh Thanh Hoá, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ đã phối hợp với Viện khảo cổ học (Viện hàm lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội khảo cổ học Việt Nam đẩy mạnh hoạt động khảo cổ dưới lòng đất di sản, đồng thời tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu hiện vật, qua đó góp phần làm sâu sắc thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ.
Khai mạc triển lãm tranh, ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa
Sáng 23/11, tại Trường Đại học Hồng Đức, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa và Trường Đại học Hồng Đức phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm tranh, ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa năm 2024.
Phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ gắn với phát triển du lịch
Thời gian qua, trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch mang đến sức sống mới cho di sản.
Bảo tàng Thanh Hóa tọa đàm kỉ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Sáng 22/11, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tọa đàm kỷ niệm 19 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024) và tiếp nhận hiện vật hiến tặng.
Về Bỉm Sơn thăm động Cửa Buồng
Là di tích cấp quốc gia, danh thắng động Cửa Buồng nằm trên địa bàn phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), mang vẻ đẹp thiên tạo kỳ bí. Danh thắng còn gắn liền với hoạt động của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn trên đường hành quân thần tốc ra Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Khám phá vẻ đẹp của Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng
Bên cạnh các ngôi chùa cổ với hàng trăm năm tuổi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có không ít công trình tôn giáo được xây dựng mới khang trang, bề thế. Trong đó, không thể không nhắc tới một ngôi thiền viện có kiến trúc đẹp, hiện đại mà vẫn mang đậm chất chùa Việt - uy nghi, trang nghiêm và thanh tịnh. Đó là Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá.
Thành nhà Hồ miễn phí tham quan nhân Ngày di sản Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ miễn 100% phí trong ngày 23/11 cho du khách đến tham quan và trải nghiệm di sản Thành Nhà Hồ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.