ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng: Chàng Thạch Sanh của xiếc Việt

NSƯT Tống Toàn Thắng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm khi "bạn diễn" của anh là những chú trăn khổng lồ, nặng khoảng 90kg...

03/09/2018 15:48

27 năm biểu diễn xiếc trăn, ấy vậy mà tiết mục của nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn khiến khán giả bị thu hút, hồi hộp dõi theo. Cũng 27 năm ấy, anh đã đặt chân tới nhiều mảnh đất trên thế giới nhưng vẫn chọn trở về Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả quê nhà. Và thế hệ nghệ sĩ xiếc trẻ hiện nay coi anh là người truyền cảm hứng...

Nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng.
Nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng.

Sân khấu xiếc là cả cuộc đời tôi

Con trăn khổng lồ cuộn mình, trườn bò, quấn lấy nghệ sĩ Tống Toàn Thắng. Với thân hình lực lưỡng, động tác khéo léo, uyển chuyển, anh phối hợp với “bạn diễn” tạo nên màn biểu diễn đặc biệt hấp dẫn. Trên khán đài, khán giả hồi hộp dõi theo từng chuyển động. Khi tiết mục kết thúc, khán giả vỡ òa cảm xúc. Những tràng pháo tay kéo dài không ngớt...

Sau buổi diễn ấy, tôi gặp lại nghệ sĩ Tống Toàn Thắng trong một buổi anh dàn dựng chương trình xiếc mới. Người nghệ sĩ cơ bắp cuồn cuộn nhìn tôi cười rạng rỡ: Nói về xiếc, tôi có thể nói cả ngày.

Tống Toàn Thắng là nghệ sĩ xiếc trăn đầu tiên ở Việt Nam. Người hâm mộ gọi anh bằng cái tên trìu mến: Chàng Thạch Sanh. Dành nhiều giải thưởng trong các liên hoan xiếc quốc tế, hình ảnh anh ghi dấu ấn và gắn với nhiều thế hệ khán giả, thế nhưng sau mỗi buổi diễn, anh chưa bao giờ hài lòng với tiết mục của mình. “Phải sáng tạo, làm mới mình trong từng buổi diễn”, anh luôn tâm niệm. Phải chăng, đó là bí quyết để mỗi đêm diễn, tiết mục của anh được khán giả mong chờ.

Ngần ấy năm gắn mình với nghệ thuật xiếc, vinh quang nhiều nhưng phía sau sân khấu, anh nếm trải bao vất vả, hiểm nguy của người nghệ sĩ xiếc. “Tôi mặc nhiên đón nhận điều đó mà chẳng nản lòng, chùn bước, bởi với tôi, xiếc là cả cuộc đời”, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng trải lòng.

Năm 1978, chàng trai người Hà Nội Tống Toàn Thắng bước vào trường xiếc. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời anh. “Hồi nhỏ, nhìn những diễn viên xiếc trên sân khấu, tôi ngưỡng mộ và thấy họ thật phi thường. Thế là tôi ấp ủ mơ ước trở thành diễn viên xiếc dù không phải con nhà nòi”, anh tâm sự. Sau bao ngày thuyết phục bố mẹ đồng ý cho theo nghề, anh được bố mẹ chấp thuận và đưa vào sống ở tập thể trong trường xiếc tại Mai Dịch. Khi ấy, anh vừa tròn 11 tuổi.

Năm 1983, anh ra trường và về Liên đoàn Xiếc Việt Nam cống hiến. Ngày ấy, khó khăn, áp lực từ mọi phía bủa vây khiến anh tưởng chừng phải dang dở giấc mơ cuộc đời. Anh nhớ lại: “Năm 1988, cuộc sống khó khăn, những người bạn diễn cùng tôi phải bỏ ra ngoài kiếm sống. Tôi vẫn một mình lặng lẽ luyện tập ròng rã hàng năm trời, mong có ngày được biểu diễn trên sân khấu. Vượt qua giai đoạn kịch trần của sự khó khăn đó, tôi đã lấy lại được thăng bằng và trưởng thành. Năm 1990, tôi tập tiết mục xiếc trăn và trở thành người nghệ sĩ xiếc trăn đầu tiên ở Việt Nam”.

Xiếc là nghề đặc thù, nghề lấy sự nguy hiểm để mang đến những trải nghiệm cho khán giả. Là người trong nghề, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng hiểu có những đánh đổi là quá đắt. “Khi diễn ở Mỹ, tôi chứng kiến một người bạn người Anh bị hổ ngoặm không khác nào một con chuột. Sau 2 tháng chữa trị, cậu ấy xuất viện và phải ngồi xe lăn cả đời. Đó là sự nghiệt ngã của nghề, nhưng đam mê đã giúp người nghệ sĩ vượt qua và đạt tới những khoảnh khắc thăng hoa”, anh chia sẻ.

Vẹn nguyên một tình yêu với xiếc

Làm xiếc đã là nguy hiểm, với nghệ sĩ xiếc thú thì sự nguy hiểm đó còn nhân đôi. “Nếu xiếc người tập khoảng 4 tiếng, thì tập với các bạn thú phải cộng thêm 2, 3 tiếng để tiếp cận, chăm sóc, hiểu trạng thái tâm lý của “bạn diễn” rồi mới đưa ra phương pháp tập luyện, bài diễn phù hợp”, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cho hay.

NSƯT Tống Toàn Thắng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm khi “bạn diễn” của anh là những chú trăn khổng lồ, nặng khoảng 90kg, đủ sức quật chết một con bò khỏe mạnh. Mỗi vết sẹo trên cơ thể anh, theo lời anh nói, là tai nạn nghề nghiệp nhưng vô cùng ý nghĩa bởi gợi nhớ kỷ niệm trong từng lần biểu diễn.

Anh kể: “Trong cuộc đời biểu diễn, tôi suýt chết 4 lần. Năm 1996, ở Đài Loan, trước giờ biểu diễn thì vô tình chân tôi bị đau. Sợ bị nghỉ diễn, tôi đã xoa dầu và băng lại, che vết thương để biểu diễn. Nhưng khi ra sân khấu, con trăn phát hiện mùi dầu lạ nên thay đổi trạng thái. Tôi vừa đưa tay vào bắt thì bị “bạn diễn” cắn ngập tay, đúng động mạch, máu phun đầy người. Tôi chỉ chịu đựng được khoảng 30 giây rồi ngất đi. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất cho đến nay, tiết mục của tôi không hoàn thành. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm: Không được cố diễn khi chưa chuẩn bị sẵn sàng về cơ thể, sức khỏe”.

Bao năm làm nghề, anh đã biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1992, tại Vũ Hán, Trung Quốc, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng đoạt 2 giải: Giải khán giả ưa thích nhất và Giải tiết mục đặc biệt: Trích đoạn Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa. Năm 1997, anh được đoàn xiếc lớn của Mỹ mời sang biểu diễn trong hơn 2 năm ở 41 tiểu bang của Mỹ, tổng cộng gần 1.000 buổi diễn.

“Chính thời gian này làm thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận của tôi với nghệ thuật xiếc, là tiền đề để tôi nảy ý tưởng mang màu sắc mới cho xiếc Việt Nam, nâng tầm nghệ thuật của xiếc. Năm 2007, tôi đi học đạo diễn sân khấu, viết kịch bản và dàn dựng các tiết mục xiếc có nội dung, cốt truyện mang đậm nét văn hóa dân tộc. Đây cũng là xu hướng xiếc của quốc tế”, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Tận tâm với nghề, NSƯT Tống Toàn Thắng còn dành thời gian để đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ. “Để gìn giữ, phát triển nghề thì phải có lớp kế cận. Muốn vậy, mình phải đồng hành để phát huy tài năng của họ”, anh tâm niệm. Quan sát cách anh chỉ dẫn mới hay, anh không chỉ truyền dạy về kỹ thuật xiếc, mà còn truyền cả cảm hứng, động lực, niềm tự hào về xiếc cho mỗi nghệ sĩ trẻ.

Bằng cách sống gần gũi, thân tình, anh đã có nhiều cách giúp nghệ sĩ trẻ phát huy hết khả năng. Diễn viên xiếc Lê Cẩm Ly, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Đối với diễn viên trẻ, chú truyền kinh nghiệm, chỉ bảo cặn kẽ từng chi tiết, cả cảm giác, cảm nhận để chúng tôi làm tốt động tác. Khi chúng tôi mới về làm, chưa có lương thì chú nhận thêm những show nhỏ lẻ bên ngoài giúp chúng tôi có thêm thu nhập để trụ lại, cống hiến cho nghề”.

NSƯT Tống Toàn Thắng trải lòng: “Chỉ cần tôi còn đủ khả năng cống hiến cho khán giả và khán giả còn muốn xem tôi biểu diễn thì tôi sẽ tiếp tục diễn với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết của mình. Trong tôi, vẫn vẹn nguyên một tình yêu với xiếc”.

Theo Ngọc Vũ/Báo VOV

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Người phụ nữ giữ lửa văn hóa Thái ở vùng cao Thường Xuân

Người phụ nữ giữ lửa văn hóa Thái ở vùng cao Thường Xuân

17:04 , 08/05/2025

Tại bản Bèn, thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), tiếng khung cửi rộn ràng trong một không gian nhỏ ấm áp, nơi những người phụ nữ Thái cần mẫn bên khung dệt, trao truyền từng nét hoa văn thổ cẩm, như kể lại câu chuyện bản làng bằng sắc màu những sợi chỉ. Đó là Tổ dệt thổ cẩm truyền thống mang tên “Táy Dó”, thành quả từ sự đồng lòng của cả cộng đồng, và đặc biệt là tâm huyết của người sáng lập. Đó là chị Vi Thị Luyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lẹ - người đã âm thầm “giữ lửa” cho nghề xưa giữa cuộc sống hiện đại.

Chốn thơ mộng giữa lòng Hao Hao

Chốn thơ mộng giữa lòng Hao Hao

17:00 , 08/05/2025

Nằm nép mình bên hồ Hao Hao rộng lớn, hiền hoà, quanh năm xanh biếc một màu, không bao giờ vơi cạn, khu du lịch sinh thái Hao Hao Green Pine Hill là một điểm đến mới tại thị xã Nghi Sơn.

Việt Nam có 2 địa điểm lọt danh sách điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025

Việt Nam có 2 địa điểm lọt danh sách điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025

07:36 , 08/05/2025

Theo Danh sách do Tạp chí Time Out của Anh vừa công bố, Việt Nam có hai điểm đến du lịch là Hà Giang và Hội An lọt vào top 44 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025, được đánh giá bởi những du khách giàu kinh nghiệm.

Những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Dao

Những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Dao

20:07 , 07/05/2025

Giữa nhịp sống hiện đại, vẫn có những con người lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ trang phục đến tiếng nói, chữ viết. Đó là cộng đồng người Dao tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Họ đang góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa đang đứng trước không ít thử thách.

Cả nước đón 10,5 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Cả nước đón 10,5 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

14:29 , 06/05/2025

Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa) cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ từ ngày 30/4 đến ngày 4/5, ngành Du lịch cả nước ước phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách có lưu trú.

Thành Nhà Hồ - giữ gìn “bức thông điệp” văn hóa cho muôn đời

Thành Nhà Hồ - giữ gìn “bức thông điệp” văn hóa cho muôn đời

14:17 , 05/05/2025

Thành nhà Hồ - công trình kiến trúc đá cổ, một kiệt tác thể hiện tài năng, trí tuệ siêu phàm của người Việt, chứa đựng biết bao điều bí ẩn và những huyền tích. Không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, Thành nhà Hồ còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho bản sắc văn hóa và tinh hoa trí tuệ người Việt trên “bản đồ văn hóa” nhân loại. Để rồi, qua mỗi thế hệ, cùng với sự ngưỡng vọng và tinh thần ngợi ca, là câu chuyện về trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản ấy cho muôn đời...

Huyện Hoằng Hóa tăng cường quảng bá du lịch qua các nền tảng số

Huyện Hoằng Hóa tăng cường quảng bá du lịch qua các nền tảng số

20:22 , 04/05/2025

Huyện Hoằng Hóa vừa đưa vào hoạt động website Du lịch Hoằng Hoá - Thanh Hoá tại địa chỉ https://dulichhoanghoa.vn đem lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp, người dân và du khách.

Thành phố Sầm Sơn  đảm bảo an toàn cho du khách.

Thành phố Sầm Sơn đảm bảo an toàn cho du khách.

20:05 , 04/05/2025

Đô thị du lịch biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá hấp dẫn du khách không chỉ bởi bãi biển đẹp, cơ sở hạ tầng hiện đại, sản phẩm, dịch vụ đa dạng… mà còn bởi môi trường du lịch ngày càng an toàn, thân thiện. Cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng chức năng đã và đang không ngừng nỗ lực vì một Sầm Sơn ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách.

Chiều ngang qua phố

Chiều ngang qua phố

15:08 , 04/05/2025

Có một mùa hạ rất xanh, trong lành nơi ánh mắt. Đó là những buổi chiều mùa hạ về ngang qua thành phố mà nắng chưa đủ gắt gỏng, và mưa cũng chẳng thể dữ dội, ồn ào… Mỗi con đường, góc phố nơi đây đều mang những nét đẹp rất riêng của chiều tháng 5 yên lành, dịu mát.

Tăng cường quản lý thị trường tại các khu du lịch biển

Tăng cường quản lý thị trường tại các khu du lịch biển

20:27 , 03/05/2025

Thanh Hoá đang bước vào cao điểm mùa du lịch biển 2025, kéo theo đó là nhu cầu mua sắm, sử dụng các dịch vụ, hàng hoá tại các khu, điểm du lịch tăng cao. Nhằm tạo dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thị trường, bình ổn giá, ngăn chặn các hành vi chèo kéo, ép khách.