Ngôi đền cổ nơi vùng biển Hải Tiến
Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa mang trong mình vẻ đẹp hấp dẫn với biển xanh, cát trắng và thiên nhiên trù phú. Trong hành trình khám phá bãi biển xinh đẹp này, du khách không chỉ được thư giãn giữa làn nước trong mát mà còn có cơ hội khám phá nhiều khu du lịch tâm linh, các di tích, danh lam, thắng cảnh mang đậm bản sắc của vùng đất và con người Hoằng Hóa.
Cách biển Hải Tiến không xa, với lối kiến trúc độc đáo, cùng vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm… Đền thờ Tô Hiến Thành, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách khi về với vùng biển xứ Thanh.
Giữa không gian thanh tịnh của ngôi đền, những cây cổ thụ đang vào mùa trổ hoa rực rỡ, tỏa ra thứ hương thơm dìu dịu, thơm ngát, lan tỏa khắp khoảng sân rợp bóng mát….
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền thờ Tô Hiến Thành tọa lạc trên khu đất rộng gần 10.000 m2, cách biển Hải Tiến chừng 800m, thuộc địa phận Tiền thôn, xã Hà Lộ xưa, nay là xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Từ bao đời nay, Nhân dân địa phương thường quen gọi với nhiều cái tên khác nhau như Nghè Hà Lộ, đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành hay đền thờ Sát Hải Đại Vương. Hiện nay, đền đang lưu giữ 26 đạo sắc phong của các triều đại.
Sử sách ghi lại, Tô Hiến Thành là một bậc đại thần dưới triều Lý (thế kỷ XII), có tài trị nước, thẳng thắn, cương trực và biết dùng người. Không chỉ là một danh tướng, ông còn chú trọng văn hóa và sùng mộ Nho học. Tô Hiến Thành là người làng Hạ Mỗ - Xã Hạ Mỗ, nay thuộc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Sự nghiệp làm tướng võ của Tô Hiến Thành chủ yếu là dưới thời trị vì của vua Lý Anh Tông. Tiếp nối gương của Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Tô Hiến Thành đã cùng vua Lý Anh Tông đi dẹp loạn các nơi, mở mang bờ cõi thêm về phía Tây Bắc, chống Chân Lạp xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành, làm cho vị thế của quốc gia Đại Việt dưới thời vua Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh với các nước lân bang, buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164.
Sự nghiệp làm quan văn của ông cũng hiển hách không kém, nhưng phần lớn công lao lại tập trung ở giai đoạn sau này, khi ông trở thành đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý. Ông là người có công lớn trong việc tổ chức khai hoang lấn biển ở các vùng ven biển thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa ngày nay. Nhớ ơn và cảm phục tài đức của ông, Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ, trong đó đền thờ ở Tiền Thôn, xã Hoằng Tiến ngày nay là một trong những ngôi đền có quy mô lớn và bề thế. Người dân Hoằng Tiến đã tôn ông làm Thành hoàng làng và gọi ông là Đức Thánh Cả hay Sát Hải Đại Vương.
Thủ từ Bùi Trí Đương, năm nay 79 tuổi, đã coi ngôi đền này là nơi chốn đi về suốt 10 năm qua. Ngày qua ngày, ông tận tụy với công việc dầu đèn, nhang khói, phục vụ bà con trong vùng và du khách thập phương đến thăm quan, vãn cảnh, chiêm bái.
Trải qua bao biến thiên của thời gian, một số hạng mục công trình cũng bị xuống cấp. Tuy nhiên, những năm qua, đền thờ Tô Hiến Thành đã được Nhân dân địa phương và con em xa quê tôn tạo lại khang trang hơn, đồng thời vẫn giữ được nguyên bản vẻ đẹp kiến trúc vốn có.
Bên cạnh ngôi đền rêu phong cổ kính, khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền thờ Tô Hiến Thành còn xây dựng thêm các hạng mục để phối thờ như Đức Thánh Mẫu, ban thờ Phật, cổng đá, cầu đá…. Sừng sững nơi sân đền là pho tượng Thái Úy Tô Hiến Thành được tạc bằng đá xanh nguyên khối, toát lên vẻ oai phong, uyên bác của một danh sĩ văn võ toàn tài.
Cứ vào những ngày đầu tháng 2 âm lịch, Nhân dân xã Hoằng Tiến và du khách thập phương lại hân hoan phấn khởi, náo nức chuẩn bị Lễ hội kỳ phúc truyền thống lớn nhất trong năm diễn ra tại đền thờ Tô Hiến Thành, địa danh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1997. Đây không chỉ là dịp để Nhân dân địa phương thể hiện tấm lòng thành kính, ghi nhớ công ơn của bậc hiền tài Tô Hiến Thành đã có công mở cõi, giúp dân dẹp giặc ngoại xâm, mà còn tái hiện nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống, cũng như ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương của người dân trên mảnh đất này. Sau phần nghi lễ tế thần, rước kiệu là phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, như: đánh đu, chơi bài điếm, thi gói bánh chưng, cờ tướng, đi cầu khỉ và nhiều trò chơi thú vị khác, thu hút đông đảo Nhân dân trong xã và khách thập phương tham gia.
Những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đang đẩy mạnh xúc tiến các tour, tuyến du lịch, kết nối biển Hải Tiến với các khu di tích, văn hóa tâm linh trên địa bàn, từ đó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch. Chính vì thế, đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành giờ đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương, mà còn trở thành điểm dừng chân đầy an yên, bình dị khi du khách về với biển Hải Tiến của xứ Thanh.
Kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Chiều 30/10, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị đánh giá tiềm năng du lịch Thanh Hoá, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp hội viên và gần 30 doanh nghiệp lữ hành đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Bình yên tại thiên đường nghỉ dưỡng LAMORI
LAMORI Resort & Spa nằm cách cảng hàng không Thọ Xuân 11km, cách Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh 2km. Với vị trí thuận lợi, LAMORI dễ dàng kết nối với nhiều điểm tham quan nổi tiếng của huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa, tạo điều kiện cho du khách khám phá trọn vẹn hành trình di sản và vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
Định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ là một trong những động lực phát triển du lịch
Theo Quyết định số 509 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố, đến năm 2030, tỉnh Thanh Hoá cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam.
Ra mắt công trình số hóa Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường
Sáng ngày 27/10, tại Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tổ chức chương trình ra mắt công trình số hóa Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường.
Tọa đàm Thực hành tín ngưỡng hầu đồng bản sắc văn hóa xứ Thanh xưa và nay
Ngày 27/10, Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa truyền thống Việt Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ hát văn tỉnh Thanh Hóa tổ chức tọa đàm về nghi lễ, trang phục, hát văn trong thực hành tín ngưỡng hầu đồng của xứ Thanh xưa và nay.
Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản ở Thanh Hoá
Thời gian qua công tác bảo vệ cây cổ thụ và bảo tồn cây di sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được các ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân quan tâm thực hiện nghiêm túc, từ đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường và góp phần phát triển du lịch.
Tỉnh Thanh Hoá đón gần 14,7 triệu lượt khách du lịch
10 tháng năm 2024, tỉnh Thanh Hoá đã đón gần 14,7 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu du lịch đạt hơn 32.440 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Các điểm du lịch văn hoá tâm linh hút khách dịp cuối năm
Xác định dịp cuối năm luôn hút khách đến với các điểm du lịch văn hoá tâm linh, nên các địa phương trong tỉnh đã rất chủ động trong công tác đón tiếp, đảm bảo chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại mỗi điểm đến.
Nghĩa tình thầy trò học sinh miền Nam
Trong hành trang kí ức của hơn 3 vạn học sinh miền Nam trên đất Bắc luôn có phần kí ức đặc biệt thiêng liêng về cô thầy. Những năm tháng dài xa quê nhà, người thân, đối với các học sinh Miền Nam, các thầy giáo cô giáo chính là những người đã thay cha, thay mẹ chở che, nuôi dưỡng, dạy dỗ họ trưởng thành nên người. 70 năm đã trôi qua, dù giờ đây mái tóc cả thầy và trò học sinh Miền Nam đã điểm sương, song nghĩa tình luôn đậm sâu và mãi rưng rưng khi nhắc nhớ đến.
Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh
Ngày 23/10, tại thành phố Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã tổ chức hội nghị gặp mặt cộng tác viên năm 2024. Đây là hoạt động thường niên của tạp chí nhằm đánh giá kết quả của một năm cũng như tri ân lực lượng cộng tác viên trong và ngoài tỉnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.