Người họa sĩ đam mê với sắc màu dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nông thôn thuộc xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, dù gia đình không có ai theo ngành mỹ thuật, thế nhưng, bởi yêu sắc màu và cây cọ vẽ, họa sĩ Hoàng Trọng Tuyển đã quyết tâm theo đuổi niềm đam mê hội họa. Anh học Đại học Mỹ thuật Huế, Khoa Mỹ thuật ứng dụng, chuyên ngành trang trí truyền thống, tốt nghiệp ra trường năm 2015. Sau ít năm làm việc tại Huế, anh trở về quê hương mở xưởng sáng tác của riêng mình. Anh thể hiện tác phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau, và mới đây, anh đã làm nhiều người ngạc nhiên, thích thú khi lựa chọn những mâm gỗ xưa để tôn vinh vẻ đẹp văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi về thăm xưởng tranh của Hoàng Trọng Tuyển vào trung tuần tháng 7, khi làng quê nhỏ này vừa được tưới tắm một cơn mưa mát lành. Xưởng vẽ của anh nằm khiêm tốn trong khuôn viên gia đình nhưng có không ít vị khách gần xa, yêu mỹ thuật và mến mộ tài năng của anh mà tìm tới.
Hoàng Trọng Tuyển sinh năm 1985, anh thường lấy nghệ danh là Hoàng Tuyển. Anh sáng tác trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, acrilic… Đề tài các sáng tác của anh tương đối đa dạng. Anh thường vẽ hoa quả, tĩnh vật, linh vật, chân dung, thư họa, thư pháp… Các tác phẩm của anh thường thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.
Đặc biệt, sau hơn 5 năm ấp ủ, kiên trì tìm tòi, sáng tạo, Hoàng Tuyển đã tạo được dấu ấn của riêng mình khi thực hiện thành công những bộ tranh về chân dung con người 54 dân tộc Việt Nam trên những chiếc mâm gỗ xưa, được nhiều người ưa thích.
Ý tưởng đưa hội họa lên những chiếc mâm gỗ xưa của Hoàng Tuyển xuất phát từ một sự tình cờ. Vào năm 2019, khi đi tham quan các gian hàng cổ, anh nhìn thấy chiếc mâm gỗ cũ phai màu bị quên lãng. Trong sự phát triển của đời sống, người ta đã thay thế những chiếc mâm gỗ bằng các loại mâm đồng, nhôm, inoc, nhựa... Tiếc nuối những vật dụng cũ kỹ, mộc mạc, đầy hoài niệm của người Việt, Hoàng Tuyển bắt đầu thu thập các mâm gỗ trong dân gian và quyết tâm biến những chiếc mâm gỗ vô tri, hằn vết tích của thời gian trở nên sống động, tươi mới bằng cây cọ vẽ của mình. Đầu tiên, anh vẽ hoa, tĩnh vật trên mâm gỗ, sau đó anh nảy sinh ý tưởng vẽ chân dung con người. Anh đã thực hiện thành công bộ tranh chân dung phụ nữ 54 dân tộc Việt Nam, ngay sau khi hoàn thiện đã có người tìm mua. Sau đó, anh tiếp tục vẽ chân dung 54 cụ già dân tộc.
Loạt chân dung con người vẽ trên mâm gỗ xưa được Hoàng Tuyển thực hiện gần đây với mong muốn lan tỏa đến công chúng vẻ đẹp văn hóa của 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S. Về đề tài này, trong hội họa, nhiếp ảnh không phải là mới, song việc tỉ mỉ chắt lọc, chuyển tải những sắc thái riêng về nhân chủng học, đặc điểm trang phục của mỗi dân tộc lên các mâm gỗ tròn xưa cũ lại là một ý tưởng sáng tạo mới lạ, độc đáo. Những tác phẩm hội họa ấy gợi lên nhiều ký ức đẹp, và góp phần lưu giữ, lan tỏa nét đẹp truyền thống đặc trưng của các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tuyển chỉ mất hơn 3 tháng để tập trung vẽ 54 chân dung. Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực, anh phải dành không ít thời gian đi nhiều nơi, quan sát cuộc sống sinh hoạt, tìm hiểu đặc trưng văn hóa của đồng bào. Đồng thời, anh tìm sự trợ giúp của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, các nhiếp ảnh gia để thu thập chất liệu, tư liệu liên quan. Đặc biệt, để thể hiện thành công các tác phẩm, anh phải nghiên cứu kỹ đặc trưng trang phục và đặc điểm nhân chủng học của từng tộc người.
Ông Lê Việt Dũng, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đặc trưng từng dân tộc thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của họa sỹ Hoàng Tuyển. Cụ thể như về trang phục, về gương mặt, làn da, ánh mắt... Họa sỹ đã rất dày công nghiên cứu".
Hầu hết những mâm gỗ mà Hoàng Tuyển sưu tầm đã in dấu thời gian, có những chiếc bị nứt vỡ, sứt sẹo… Song, anh cho biết, chính điều đó đã làm nên sự khác lạ, nhân lên giá trị của tác phẩm. Mâm gỗ cũ được Hoàng Tuyển làm sạch, sau đó xử lý các vết nứt toác, mài nhẵn để việc lên màu được chuẩn và bền. Với ưu điểm bám dính tốt, thân thiện với môi trường, chất liệu màu Acrylic được Hoàng Tuyển lựa chọn để vẽ lên bề mặt gỗ. Tông vàng trầm, nâu tối ảnh hưởng từ sơn mài được anh sử dụng nhiều để thể hiện làn da trải qua gió sương và dấu vết thời gian trên gương mặt mỗi cụ già. Các bức chân dung đều được anh nhấn đường viền, như ánh mặt trời tạo ven trên mái tóc, gương mặt, giúp chủ thể nổi bật và tỏa sáng trên nền gỗ trầm tối.
Qua gần 5 năm thể nghiệm trên những mâm gỗ xưa, họa sĩ Hoàng Tuyển đã tạo được dấu ấn riêng trong sự nghiệp hội họa của mình. Những tác phẩm mâm gỗ của anh có giá dao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng, đã được nhiều người sưu tầm và đem trưng bày ở những không gian hoài cổ, tạo sự gần gũi, thân thiện.
Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, mọi chất liệu, mọi đề tài không bao giờ là cũ, mà điều cốt lõi nằm ở sự nỗ lực và tài năng của mỗi người. Tác phẩm có được công chúng đón nhận và đánh giá cao hay không, phụ thuộc vào cách nghệ sĩ "thổi hồn" vào đó, tự làm mới mình cũng như mở lối đi riêng cho những sáng tác cá nhân. Và, vẫn xoay quanh đề tài về sắc màu văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, tới đây, họa sĩ Hoàng Tuyển lại ấp ủ dự định về những sáng tác mới.
Sự độc đáo trong cách thể hiện và những thông điệp mà tác phẩm chuyển tải đã giúp họa sĩ Hoàng Tuyển đạt được thành công trong thể nghiệm mới của bản thân. Bằng niềm đam mê sắc màu các dân tộc, yêu vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của đồng bào, và có ý thức tôn vinh các giá trị truyền thống, tin tưởng rằng Hoàng Tuyển sẽ có nhiều sáng tác mới với những giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc.
Ngành du lịch hưởng lợi sau 1 năm nới rộng chính sách visa
Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã nới lỏng chính sách thị thực dành cho du khách quốc tế với thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày nâng lên 90 ngày với số lần nhập cảnh, xuất cảnh không giới hạn. Công dân 13 nước được Việt Nam miễn thị thực sẽ tăng thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày. Qua một năm triển khai, chính sách visa đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng ngành du lịch của Việt Nam.
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Vĩnh Lộc
Hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2/9 của người dân cả nước, ngày 2/9, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc đã tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, con em xa quê và du khách.
Các khu du lịch biển thu hút đông khách dịp lễ
Trong dịp nghỉ lễ này, thời tiết nắng nhẹ, khá thuận lợi cho các hoạt động vui chơi giải trí tại các khu du lịch. Các khu du lịch biển vẫn là điểm đến thu hút đông đảo du khách.
Sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thành đồng loạt tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, trải nghiệm.
Kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống Âm nhạc Việt Nam
Sáng ngày 1/9, Ban âm nhạc - Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa đã phối hợp với Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Thanh Hóa tổ chức chương trình ca nhạc “Khát vọng Xứ Thanh” kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống âm nhạc Việt Nam (03/09/2010 - 03/09/2024).
Thanh Hóa: Các khu điểm du lịch thu hút khách
Hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thanh Hóa thu hút rất nhiều Nhân dân và du khách. Các khu điểm du lịch có các dịch vụ vui chơi, giải trí, lượng khách càng lớn hơn.
Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung - Điểm tham quan dịp nghỉ lễ 2/9
Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV, Bắc miền Trung lần thứ 29 đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm – Hội chợ - Quảng cáo, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Đây là một điểm đến trong dịp nghỉ lễ 2/9.
Phát huy vai trò của Nhân dân trong gìn giữ văn hóa truyền thống
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu cư dân sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 600.000 người, gồm các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ mú… Những năm qua, việc bảo tồn truyền thống văn hóa tốt đẹp, quý giá của các dân tộc đã được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên ngành tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Vai trò của chính đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc tham gia bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã được phát huy.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám
Tối 30/8, tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ và trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc về Thiệu Hoá
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tối ngày 30/8, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Thiệu Hóa 1930-2020” và tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc về Thiệu Hóa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.