Người thầy đặc biệt
Thầy Nguyễn Ngọc Ký là người thầy đặc biệt nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Lần đầu tiên về học trường năng khiếu của huyện (vào năm tôi học lớp 4), gặp thầy Ký, tôi ngỡ ngàng như gặp một người thầy vừa bước ra từ trang sách, từ truyện cổ tích.
Những năm lớp 1, lớp 2, tôi đã được đọc sách và nghe kể về thầy. Tôi nghĩ thầy ở đâu xa xôi lắm, nào ngờ thầy ở ngay đấy, cùng quê hương mình, và từ nay sẽ là thầy giáo dạy Văn của mình, ở ngôi trường nhỏ bé trong một thị trấn nhỏ bé.
Tên thầy Ký đã gắn liền với ngôi trường của tôi khi đó, là nơi tập trung những học sinh giỏi của huyện. Chúng tôi đều xa nhà, học và ngủ tại trường. Mỗi tuần được cha mẹ đón về một lần vào chủ nhật. Tiền và gạo thì cha mẹ đóng góp để các cô cấp dưỡng nấu cho ăn hàng ngày. Thầy Ký cũng có một căn phòng nhỏ ở trường. Thầy cũng ăn cơm "nhà bếp" như học trò chúng tôi. Có thầy Ký, những đêm xa nhà của bọn trẻ chúng tôi như yên tâm hơn.
Phòng của thầy sát vách với lớp học, cũng là nơi ăn ngủ của bọn trẻ chúng tôi. Mỗi tối, trong ánh đèn dầu, trong tiếng dế kêu, trong tiếng lá rơi, gió thổi ngoài sân trường, trong ánh sao mờ tỏ xa xa trên bầu trời, chúng tôi ngồi nghe thầy kể chuyện và đọc thơ. Thầy chính là người đã sáng tạo ra hình thức đọc thơ diễn cảm kèm theo động tác, một kiểu trình diễn thơ rất hấp dẫn bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ.
Vào nhưng giờ giảng Văn, thầy khuyến khích chúng tôi lên đứng trước bục giảng, biểu diễn bài thơ mình yêu thích bằng cả giọng đọc truyền cảm kết hợp với những động tác cơ thể. Thầy thường ngồi dưới say sưa nhìn theo các học trò. Gương mặt thầy lấp lánh niềm vui. Đôi mắt thầy nhìn chúng tôi bao giờ cũng đầy khích lệ.
Toa lét của nhà trường thường xa lớp học. Gọi là toa lét cho sang, chứ khu vệ sinh ấy nằm ở một nơi mà muốn đến "giải quyết nhu cầu khó nói" ấy, chúng tôi phải đi một đoạn khá dài, hai bên là cỏ mọc rậm rì. Ban ngày thì không vấn đề gì, chứ ban đêm thì mấy đứa có "mót" mấy cũng dúm lại vì sợ. Phòng thầy Ký ở cạnh phòng bọn con gái chúng tôi, và nửa đêm chúng tôi gọi: "Thầy ơi thầy dẫn bọn em đi vệ sinh" là chuyện bình thường.
Thầy trở dậy, lạch cạch mở cửa phòng rồi đi ra đứng dưới mái hiên lớp học, đợi mấy đứa con nít mở cửa túa ra. Rồi thầy đi trước, cả bọn xúm xít phía sau. Đến gần nhà vệ sinh, thầy đứng lại, bảo các con vào đi, có thầy đứng đây rồi, không sợ gì hết. Cả bọn rón rén vào, rồi trở ra, lại lũn cũn đi theo thầy về lớp học. Thầy lại đứng ngoài đợi cho đến khi tất cả đã vào phòng, nhắc các con chốt cửa cẩn thận rồi thầy mới trở về phòng mình.
Có một thời chúng tôi đã đi học như vậy. Thời đó tuy nghèo nhưng đẹp vô cùng. Trong ký ức chúng tôi, thầy Ký giống một người cha. Thầy ân cần với tất cả, và luôn luôn mỉm cười, không bao giờ cáu giận. Những bài giảng Văn của thầy luôn vượt ra ngoài sách giáo khoa, mang chúng tôi đến những chân trời rộng mở hơn, bao la hơn.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bên người vợ luôn hết lòng chăm sóc sức khỏe cho thầy. |
Không có đôi tay, nhưng thầy đã sử dụng đôi chân khéo léo đến độ, đôi khi đôi tay bình thường của chúng ta cũng không thể làm được những việc "siêu" đến vậy. Lần đầu xem thầy múc nước vào chậu, dùng chân vò khăn mặt và "trải" chiếc khăn mặt lên lòng bàn chân rồi cúi xuống rửa mặt, chúng tôi đã ngạc nhiên vô cùng.
Thầy khéo léo gấp chăn, gấp màn. Chiếc giường của thầy lúc nào cũng ngăn nắp. Thầy còn hướng dẫn bọn trẻ con chúng tôi làm thế nào cho các mép chăn, màn vuông vắn nhất. Khi thầy ngồi viết, đôi chân của thầy như một ảo thuật gia, biến hóa sinh động với những con chữ thẳng hàng ngay ngắn.
20-11 năm ấy, chúng tôi đạp xe đến nhà thầy và chứng kiến đôi chân "siêu việt" của thầy thành thạo những việc khó gấp nhiều lần. Thầy ngồi trên chiếc ghế nhỏ, dùng hai bàn chân thái bèo nấu cám cho lợn. Những năm đó làng quê tôi ai cũng nghèo. Các thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp vẫn thường xuyên tăng gia nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Nhà thầy Ký cũng phải nuôi thêm lợn, gà, để có đủ tiền nuôi các con của thầy cô ăn học. Trên cái bếp than hồng rực lửa, nồi cám rất to đang sôi.
Thầy đứng thăng bằng trên một chân, còn chân kia thì nhịp nhàng quấy cám cho chín đều. Rồi thầy đun nước pha trà cho các học trò uống. Thầy có thể dùng bàn chân với những ngón chân cực kỳ khéo léo, kẹp chiếc quai ấm nước đang sôi, rót nhẹ nhàng vào cái phích nước mà không bị té ra ngoài một giọt nào. Chúng tôi ngắm thầy làm các công việc nhà thành thạo trong sự tò mò và thán phục. Chúng tôi thêm yêu quý và tự hào về thầy giáo của mình hơn từ những chi tiết như vậy.
Ở tuổi ngoài 70, thầy tôi, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Những tâm hồn dấu yêu" kể về cuộc đời đi dạy học của mình. Thầy Ký đã viết cuốn sách này trong hồi ức mạnh mẽ về những người thân yêu, về những người thầy đã gặp, đã thân thiết hay chỉ thoáng qua nhưng để lại những ấn tượng sâu sắc.
Đó là người mẹ hiền đã khuất bóng khi thầy Ký còn rất trẻ, mới bước chân vào cổng trường đại học. Năm tháng trôi qua, nhưng ký ức tuổi thơ vẫn ấm áp, nóng hổi như buổi nào cậu bé Ký áp đầu vào ngực mẹ. Đó là người cha yêu thương con hết mực, hy sinh cả cuộc đời mình vì các con.
Đó là ký ức cảm động về lần được gặp Bác Hồ, hay cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng với đó là những kỷ niệm không thể phai mờ về những người thầy có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký như GS. Hoàng Như Mai, GS. Nguyễn Khắc Viện, thầy Châu…
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thời trẻ. |
Và cả ký ức về những con người bình thường mà thầy Ký đã gặp trong cuộc đời đi dạy học như ông Rao, bà Kếu, ông Tặng, cô giáo Nguyễn Thị Tình 7 lần đoạt giải thưởng Lê Quý Đôn, em học sinh Nguyễn Quang Thạnh nhặt được của rơi trả người đánh mất… Mỗi trang sách giản dị hé mở cho người đọc một câu chuyện cuộc đời thấm đẫm tính nhân văn. Với trái tim nhân hậu, thầy Nguyễn Ngọc Ký luôn nhìn thấy trong sâu thẳm mỗi một con người bình dị mình gặp trên đường đời ẩn chứa một viên ngọc quý.
Rồi bằng ngòi bút của mình, thầy Ký muốn mang ánh sáng đó đến với mọi người, để cuộc đời trở nên đáng yêu, đáng tin hơn, đẹp đẽ hơn. Bạn đọc cũng sẽ tìm thấy trong cuốn sách nhỏ những trang đặc biệt về đời riêng của thầy Ký. Là tình yêu sâu nặng thầy dành cho người vợ hiền đã khuất. Những kỷ niệm, những trang nhật ký thời trẻ khiến chúng ta thêm khâm phục một người con gái đã vì tình yêu mà bước qua mọi định kiến, dị nghị, ngăn cản của gia đình, bạn bè, làng xóm để đến với một người con trai mang một cơ thể không lành lặn.
Những trang sách cũng kể thêm cho chúng ta về người đàn bà thứ 2 của thầy Ký, người mà hôm nay đang kiên cường ở bên thầy, cùng thầy chống chọi với bệnh tật bằng một sự hy sinh vô bờ bến. Chúng ta chắc chắn sẽ học được nhiều điều qua những câu chuyện xúc động có thật đó, để mỗi khi bi quan nản lòng có thể tự động viên mình đứng dậy.
Cuộc đời của thầy Nguyễn Ngọc Ký có thể nói như một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, lay động trái tim người đọc. Thầy đã chọn giáo dục là con đường để theo suốt cuộc đời. Bao lớp học trò đã trưởng thành dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của thầy. Không nói ra nhưng chắc chắn rằng mỗi người học trò như tôi, đã từng học thầy Ký đều biết rằng, có một mầm cây tử tế, nhân văn đã được trồng trong tâm hồn mình bởi thầy, và rất nhiều thầy cô giáo khác nữa.
Thầy đã truyền cảm hứng cho chúng tôi về lòng say mê cái đẹp. Thầy đã tiếp lửa cho chúng tôi thêm nghị lực để mỗi khi gặp nghịch cảnh mình có thể vượt lên trên. Tình yêu với các thế hệ học trò của thầy có thể tìm thấy trong hầu hết các cuốn sách thầy đã viết. Thầy là một nhà giáo dục luôn đặt tình yêu thương con trẻ lên hàng đầu, lấy tình yêu thương làm kim chỉ nam cho mỗi hoạt động sư phạm của mình.
Sức khỏe của thầy Nguyễn Ngọc Ký những năm gần đây không được tốt. Tuổi cao, cộng với nhiều thứ bệnh tấn công khiến thầy hay phải nhập viện, nhưng cứ khi nào khỏe một chút, thầy lại hào hứng đến với học trò. Hàng trăm buổi nói chuyện của thầy Ký đã thổi một nguồn động viên cho hàng triệu học trò khắp cả nước.
Thầy dạy các kỹ năng cho các em, nhưng cao hơn cả là lan tỏa một tình yêu thương đến với các em, điều mà trong giáo dục hiện đại hôm nay, ở đâu đó, lúc nào đó đang bị vơi hụt dần. Trong tinh thần của thầy Nguyễn Ngọc Ký, gốc rễ của giáo dục luôn luôn phải là tình thương. Mọi phương pháp chỉ có thể có hiệu quả khi tình thương của người thầy phải đủ lớn, đủ sâu sắc.
Trong sâu thẳm trái tim một người học trò, tôi mong ước sao thầy của tôi, thầy Nguyễn Ngọc Ký sẽ được mạnh khỏe hơn mỗi ngày. Thầy sẽ tiếp tục đến với những ngôi trường, những em nhỏ để cùng các em thắp lên ngọn lửa của sự hiếu học, của yêu thương vô bờ bến. Cùng với đó là sẽ tiếp tục được đọc những trang sách của thầy. Những trang sách chắt chiu từ cuộc đời một người thầy nhiều mất mát, nhưng cũng nhiều niềm vui và hạnh phúc...
Bình Nguyên Trang/CAND
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hội thi học sinh với kỹ năng phòng ngừa và kiểm soát trầm cảm học đường năm 2025
Trong các ngày từ 19 -21/5, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Như Xuân tổ chức Hội thi “Học sinh với kỹ năng phòng ngừa và kiểm soát trầm cảm học đường năm 2025” tại 8 trường học trên địa bàn huyện.

Sẵn sàng tâm lý, kỹ năng cho trẻ mầm non vào lớp 1
Để chuẩn bị tốt tâm lý, kỹ năng cho trẻ bước vào lớp 1, nhiều trường mầm non trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị kỹ năng, qua đó, giúp các em tự tin khi bước lên bậc tiểu học.

Hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025. Theo đó, đối với tất cả thí sinh (bao gồm cả thí sinh được xét tuyển thẳng) phải thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tại địa chỉ: http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn hoặc gián tiếp thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chọn nguyện vọng phù hợp – Giảm áp lực thi vào lớp 10
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn là một trong những thời điểm căng thẳng nhất với học sinh lớp 9. Không chỉ là cuộc đua về kiến thức, đây còn là bài toán tâm lý, là bước ngoặt đầu tiên trong hành trình chọn hướng đi phù hợp cho tương lai. Hiện nay, các trường THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực triển khai ôn tập cho học sinh và tư vấn chọn nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp, giúp các em tự tin hơn khi bước vào kỳ thi.

Rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu
Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản gửi các địa phương về thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức đang công tác trong ngành giáo dục.

Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10 THPT diễn ra an toàn, đúng quy định
Sáng ngày 15/5, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 tổ chức hội nghị quán triệt, thống nhất, phân công nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng, Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh các kỳ thi chủ trì hội nghị.

Thanh Hoá sẽ hoàn thành tuyển sinh đầu cấp trước ngày 30/6
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền, để việc tuyển sinh đầu cấp bảo đảm tiến độ, chất lượng, không gây ảnh hưởng đến học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản đề nghị các địa phương và yêu cầu các nhà trường hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp trước ngày 30/6, sớm hơn 1 tháng so với mọi năm.

Dự kiến tăng phụ cấp giáo viên mầm non lên 45 - 80%
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Trường Đại học Hồng Đức đón nhận Huân chương Hữu Nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Chiều ngày 14/5, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và đồng chí Khăm Pheng Xay Sổm Pheng, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn đã tới dự lễ trao tặng Huân chương của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng trường Đại học Hồng Đức. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, lãnh đạo các ban, sở, ngành 2 tỉnh và cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Hồng Đức.

Thanh Hóa: Hơn 43 nghìn học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10, bậc THPT
Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, hơn 43 nghìn học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp lên bậc THPT. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi này đang được các đơn vị, địa phương và các nhà trường gấp rút thực hiện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.