Longform
img

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII

Sáng ngày 12/7, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm ý kiến phát biểu, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và các đại biểu tham dự kỳ họp; đồng thời, báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2023. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh;

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu tham dự kỳ họp;

Kính thưa toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

Trước hết, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các cử tri trong tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đã phát biểu ý kiến về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và gửi ý kiến, kiến nghị tới kỳ họp. Đây là những ý kiến, kiến nghị rất xác đáng, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu, của cử tri và Nhân dân trong toàn tỉnh, tất cả vì sự phát triển của tỉnh ta.

Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Trong đó, có nhiều vấn đề đã và đang được triển khai thực hiện từng bước thực hiện có hiệu quả; nhưng cũng có những vấn đề cần phải được tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.

Sau đây, tôi xin phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến phát biểu, kiến nghị của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các cử tri và các đại biểu tham dự kỳ họp; đồng thời, báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2023.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 1.

Toàn cảnh kỳ họp

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH VÀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM; NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023

Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi đến các vị đại biểu tham dự Kỳ họp đã đánh giá rất cụ thể, chi tiết về những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Qua phát biểu, các đại biểu đều cơ bản đồng tình, thống nhất cao với báo cáo và đã phân tích, làm rõ hơn. Tôi xin phép không nhắc lại mà chỉ xin nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:

1. Về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm

Sáu tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến hầu hết các quốc gia, trong đó có nước ta, tỉnh ta; nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bị sụt giảm; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hàng nghìn lao động; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn phải khắc phục trong nhiều năm tới.

Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực ngay từ đầu năm với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung khắc phục những hạn chế, bám sát thực tiễn; cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, nên kinh tế - xã hội của tỉnh ta giữ được ổn định và tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được bảo đảm; nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được tháo gỡ, giải quyết, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Những kết quả đó là rất quan trọng, tạo động lực, nền tảng để chúng ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023; đồng thời, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được như đã báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, với tinh thần thẳng thẳn, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân tích, đánh giá và xác định 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn 7 nhóm hạn chế, yếu kém, đã được nêu rất cụ thể, chi tiết theo từng lĩnh vực như trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh và các hạn chế, yếu kém mà các đại biểu đã phát biểu bổ sung, phân tích.

Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém đã nêu, trong đó phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, đơn vị chủ trì thực hiện, phân công lãnh đạo ngành, đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện, xác định rõ thời gian hoàn thành việc khắc phục hạn chế, yếu kém. Đồng thời, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, địa phương, đơn vị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành như sau:

Một là, tranh thủ tối đa sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự đồng tình, ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra.

Hai là, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; vừa quan tâm đến các vấn đề chiến lược, dài hạn, vừa quan tâm đến các công việc trước mắt, cụ thể, nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, sát tình hình thực tế và theo đuổi công việc đến cùng.

Ba là, theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những khó khăn, thách thức; đồng thời, khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các yếu tố thuận lợi, khắc phục hạn chế, yếu kém để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bốn là, tập trung hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và phân bổ nguồn lực hợp lý.

2. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, xác định những nhiệm vụ còn lại và dự báo những thuận lợi, khó khăn trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công rất cụ thể trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để tập trung triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã quyết nghị thông qua.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 3.

Các đại biểu dự hội nghị.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023

Kiên trì phương châm mà UBND tỉnh đã đề ra năm 2023: "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu quả"; Trong 6 tháng cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, Chỉ đạo rà soát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện của từng chỉ tiêu, từng sản phẩm, từng ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm, làm rõ những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân của các chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch; trên cơ sở đó, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung chỉ đạo thực hiện, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, bảo đảm sát với tình hình thực tế, có tính phấn đấu cao, khả thi trong tổ chức thực hiện; rà soát, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các chương trình trọng tâm, khâu đột phá, đảm bảo sát đúng với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tập trung chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Hai là, Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; trước mắt, cần khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa; quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn và tại các huyện, thị xã, thành phố, làm cơ sở để thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị.

Ba là, Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Tập trung tháo gỡ khó khăn để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành sản xuất thép, xi măng, may mặc, giày da; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ để dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn. Tiếp tục khai thác hiệu quả du lịch biển năm 2023. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Bốn là, Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém để duy trì các chỉ số thành phần có thứ hạng cao và nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, phòng cháy, chữa cháy; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, hấp dẫn, nhằm thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Năm là, Chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, về khan hiếm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp. Thường xuyên rà soát, kịp thời cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, giải ngân nhanh. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thu ngân sách nhà nước; trọng tâm là rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ các nguồn thu; khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng thuế; phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất. Chú trọng thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu mới. Thực hiện điều hành chi ngân sách nhà nước theo sát dự toán được giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và cân đối ngân sách các cấp; tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để dành nguồn lực chi đầu tư phát triển và thực hiện các cơ chế, chính sách.

Sáu là, Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Tăng cường công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó hiệu quả với các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, việc làm để có phương án hỗ trợ kịp thời, khắc phục tình trạng thiếu lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội và tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Bảy là, Chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Đẩy nhanh tiến độ tổ chức đấu giá các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các khu du lịch biển, khu chôn lấp chất thải… kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tám là, Chỉ đạo tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai; trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xắp sếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Củng cố hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão; xây dựng và triển khai phương án phòng, chống thiên tai, bão lũ trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, kịp thời khắc phục sự cố, hậu quả thiên tai khi có tình huống xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, tai nạn, sự cố gây ra.

Chín là, Chỉ đạo tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; quyết liệt công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, không để tội phạm gia tăng; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống cháy nổ. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra; đồng thời, khẩn trương rà soát các chủ trương, quyết định đã ban hành; trường hợp phát hiện có sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật, không đúng Quy chế làm việc phải kịp thời khắc phục, bổ sung, sửa đổi, thậm chí phải hủy bỏ để đảm bảo mọi công việc phải được chỉ đạo, giải quyết theo đúng Quy chế làm việc, tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc, được cử tri và Nhân dân quan tâm ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh trật tự.

Mười là, Làm tốt công tác chính trị tư tưởng; chỉ đạo giữ gìn tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân không chấp hành quy định, không đáp ứng được yêu cầu, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đối với cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại đối với cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu, vi phạm đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ và các chỉ tiêu được giao.

III. NHÓM VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TỜ TRÌNH CỦA UBND TỈNH

Tại kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh có 21 Tờ trình đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết.

Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh nhận thấy, các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao và không có ý kiến, kiến nghị đối với các tờ trình. Ủy ban nhân dân tỉnh xin tiếp thu và thống nhất cao với các Báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với các tờ trình và dự thảo nghị quyết.

Kính đề nghị Chủ tọa kỳ họp xem xét, thông qua các Nghị quyết về các nội dung do Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp này. Ngay sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ ban hành các văn bản theo thẩm quyền và tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, sớm đưa các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuộc sống.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 5.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.

IV. NHÓM CÁC Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ CÁC ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH ĐÃ QUAN TÂM, GỬI ĐẾN KỲ HỌP

Theo kết quả tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh tại Thông báo số 183/TB-MTTQ-UB ngày 07/7/2023, có 107 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã quan tâm thảo luận, gửi đến kỳ họp này và đã được Ủy ban MTTQ tỉnh phân loại thành 05 nhóm ý kiến, kiến nghị, cụ thể: (1) Về cơ chế, chính sách; (2) Về kinh tế - ngân sách; (3) Về văn hóa - xã hội; (4) Về tư pháp; (5) Về an ninh, quốc phòng và một số vấn đề khác.

Đây là những ý kiến, kiến nghị rất chính đáng nhằm giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra, vừa đảm bảo thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, vừa đảm bảo phục vụ tốt hơn đời sống và sinh hoạt của Nhân dân. Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng cảm ơn và xin tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và cử tri có liên quan đến các lĩnh vực nêu trên.

- Đối với nhóm ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc chậm triển khai thực hiện của các dự án đã được giao đất, cho thuê đất; việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; về tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh; và việc hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên và học sinh tại 74 xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021 - 2025: Các ý kiến, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực, vấn đề nêu trên đã được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề mà các đại biểu, cử tri quan tâm, chất vấn.

- Đối với nhóm ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ quy định hiện hành của pháp luật, khẩn trương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, giải quyết triệt để các vấn đề mà các đại biểu, cử tri quan tâm, chất vấn.

- Đối với nhóm ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết và tham mưu giải quyết của UBND tỉnh, sau kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, tập trung nghiên cứu, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và khả năng nguồn lực của tỉnh để giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân theo thứ tự ưu tiên. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp này tại kỳ họp tiếp theo của Hội đồng nhân dân tỉnh.

V. NHÓM CÁC VẤN ĐỀ MÀ CÁC ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH VÀ CÁC ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐÃ PHÁT BIỂU TẠI KỲ HỌP THỨ 14 HĐND TỈNH, THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Theo kết quả tổng hợp của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, có 18 đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại Kỳ họp, trong đó có 14 đại biểu có kiến nghị, với tổng số 46 nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết và tham mưu giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1. Đại biểu Lê Minh Nghĩa (Tổ đại biểu huyện Thiệu Hóa).

2. Đại biểu Ngô Đình Hùng (Tổ đại biểu huyện Triệu Sơn).

3. Đại biểu Cao Văn Cường (Tổ đại biểu huyện Thường Xuân) có 01 kiến nghị, gồm:

Để khai thác hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tỉnh có văn bản báo cáo với Trung ương để xin hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tỉnh bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư quan tâm đến khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét theo quy định.

4. Đại biểu Hoàng Thanh Sơn (Tổ đại biểu huyện Như Thanh).

5. Đại biểu Nguyễn Quốc Tiến (Tổ đại biểu huyện Nông Cống) có 06 kiến nghị, gồm:

(1) Chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ hạng thấp nên đề nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp quyết liệt hơn trong việc nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, thu hút đầu tư nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể nhằm duy trì, cải thiện và nâng cao thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 năm 2023.

(2) Các sở, ngành trong thực hiện nhiệm vụ vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; vẫn còn trên chuyển dưới không chuyển; lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở quyết liệt; tuy nhiên, năng lực, tránh nhiệm, một số vấn đề khác của cán bộ cấp dưới chưa tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng nêu trên; đặc biệt là Chỉ thị số 10 ngày 29/5/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; theo đó, trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chủ động điều chuyển, thay thế theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị.

 (3) Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, đề nghị tỉnh bố trí nguồn lực, có cơ chế ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp này để có nguồn lực đầu tư, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Ngày 11/10/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 121 về một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026; theo đó, chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với diện tích đã được nhà nước cho thuê đất, đủ điều kiện đưa các dự án thứ cấp vào hoạt động thì được hỗ trợ một lần kinh phí để đầu tư các hạng mục: San lấp mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của cụm công nghiệp (mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với cụm công nghiệp thuộc địa bàn các huyện 30a (riêng huyện Mường Lát hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha); 0,7 tỷ đồng/ha đối với cụm công nghiệp thuộc các huyện miền núi còn lại và các cụm công nghiệp của các huyện 30a có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh; 0,5 tỷ đồng/ha đối với các cụm công nghiệp thuộc các huyện đồng bằng và các huyện ven biển). Do đó, đề nghị đại biểu nghiên cứu để thực hiện.

(4) Đề nghị tỉnh xác định giá đất san lấp hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng phải quản lý được giá đất để đưa về 3 mức giá trùng nhau: công khai, thực tế, quyết toán (vai trò công an, quản lý thị trường), để doanh nghiệp triển khai thi công thuận lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Thời gian quan, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định số 18 ngày 11/5/2023 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị số 07 ngày 17/4/2023, Công văn số 5856 ngày 27/4/2023, Công văn số 7114 ngày 24/5/2023 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát về giá, chống thất thu thuế trong hoạt động khoáng sản và tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc xác định và kê khai giá thuộc trách nhiệm (bắt buộc) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đất san lấp, cát, đá xây dựng thông thường đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 15 Thông tư 56 ngày 28/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 233 ngày 11/11/2016).

Các sở, ngành (Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) đã tổ chức thanh tra, kiểm tra giá VLXD trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm việc công khai, niêm yết giá và giá bán thực tế); đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng quy định về xác định và niêm yết công khai giá bán VLXD (cát, đá, đất).

Tại Công văn số 5856 ngày 27/4/2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo "chủ đầu tư tham khảo công bố thông tin giá VLXD tại các mỏ đất, đá, cát do Liên Sở Xây dựng - Tài chính công bố; thông tin các mỏ VLXD được cấp phép do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp; giá VLXD tại các tỉnh lân cận và hướng dẫn tại Điểm a, khoản 1.2.1, mục I, Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư số 11 ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, để xác định giá xây dựng công trình theo đúng quy định hiện hành". Do đó, việc xác định giá đất đắp nền cho từng dự án cụ thể do các chủ đầu tư xác định để đảm bảo giá xây dựng công trình (trong đó có giá đất) sát với giá thị trường.

Việc thanh quyết toán giá xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10 ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 99 ngày 11/11/2021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; theo đó giá VLXD (trong đó có giá đất) được tính đúng, tính đủ phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng và mặt bằng giá thị trường.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kê khai, niêm yết giá, giá bán thực tế không đúng với giá niêm yết.

(5) Huyện Nông Cống có nhiều dự án lớn đang triển khai; là vùng nguyên liệu khai thác đá, đất; vấn đề an toàn giao thông, chất lượng đường giao thông, môi trường trên địa bàn rất khó khăn, đến nay tuyến cao tốc đã thi công cơ bản, huyện còn 1 tuyến tỉnh lộ 525 từ thị trấn Nông Cống - Nghi Sơn Sao Vàng qua xã Minh Nghĩa, Minh Khôi (thi công dự án cao tốc, Vạn Thiện Bến En) xuống cấp nghiêm trọng, chưa có trong kế hoạch hoàn trả, đề nghị HĐND, UBND tỉnh sớm có kế hoạch hoàn trả.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

- Đối với việc hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa nói chung và qua địa phận huyện Nông Cống nói riêng, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải cùng các địa phương phối hợp với các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải và các nhà thầu thi công dự án thực hiện rà soát, kiểm tra hiện trường, ký biên bản thỏa thuận sử dụng và cam kết sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường theo quy mô hiện trạng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành rà soát thực tế ngoài hiện trường và nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải phương án xử lý hoàn trả đối với các tuyến đường trên địa bàn huyện Nông Cống và cam kết hoàn thành trước 30/8/2023.

- Đối với tuyến Đường tỉnh 525: Trong năm 2022 - 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện sửa chữa nền mặt đường đoạn trên tuyến Đường tỉnh 525 (bố trí kinh phí là 6,3 tỷ đồng), dự kiến trong kế hoạch sửa chữa định kỳ năm 2024 là 8,3 tỷ đồng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Nông Cống phối hợp với Ban Quản lý dự án - Bộ Giao thông vận tải để thực hiện sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường bị ảnh hưởng của việc thi công đường bộ cao tốc; đồng thời, tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ trên tuyến đường để kịp thời khắc phục các hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, cân đối ngân sách, tham mưu báo cáo UBND tỉnh, cấp thẩm quyền để bố trí kinh phí nâng cấp cải tạo khi có nguồn lực.

(6) Nhà máy nước Thăng Thọ chưa được triển khai, đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm quan tâm giải quyết vấn đề nước sạch.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Ngày 30/6/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 9257 giao UBND huyện Nông Cống chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng môi trường đô thị Việt Nam, Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa - Chi nhánh cấp nước Nông Cống và các tổ chức, cá nhân liên quan để xây dựng phương án cấp nước tạm thời cho các hộ dân thuộc phạm vi cấp nước của dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống đảm bảo quy định của pháp luật, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 12/7/2023. Đến ngày 30/9/2023, trường hợp dự án chưa hoàn thành, đi vào hoạt động, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nông Cống và các đơn vị liên quan, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án nêu trên của Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng môi trường đô thị Việt Nam; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định.

Các đại biểu dự hội nghị.

6. Đại biểu Mai Xuân Bình (Tổ đại biểu huyện Thiệu Hóa) có 01 kiến nghị, gồm:

Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân cấp việc quản lý các chương trình để việc triển khai được thuận lợi, cụ thể như việc trước đây danh mục chương trình MTQG phải trình HĐND tỉnh, tuy nhiên thực tế có nhiều công trình phải điều chỉnh, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, trong đó quy định trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh căn cứ quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình HĐND cùng cấp quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư công, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 5 năm của chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; nếu phân cấp được thì các huyện sẽ chủ động điều chỉnh danh mục, phù hợp tình hình thực tế các huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 9359 ngày 03/7/2023 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện Nghị định số 38 ngày 24/6/2023 của Chính phủ, đảm bảo theo quy định.

7. Đại biểu Phạm Kim Tân (Tổ đại biểu thị xã Bỉm Sơn) có 01 kiến nghị, gồm:

Về xây dựng các chương trình, đề án của tỉnh: (i) Cần phải quy định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công, giao nhiệm vụ nhưng chậm trễ chuẩn bị và trình duyệt các chương trình, đề án của tỉnh; (ii) Tăng cường chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh và thẩm quyền quyết định của HĐND nhằm cung cấp thông tin, luận cứ cho việc quyết định, góp phần khắc phục các hạn chế; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án theo kế hoạch đã đề ra và nhất là triển khai thực hiện sau khi đã phê duyệt; (iv) Cần khắc phục tình trạng chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần, không bố trí kinh phí thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng các chương trình, đề án đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục tại Quy chế làm việc của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án sau khi được ban hành.

8. Đại biểu Lê Văn Châu (Tổ đại biểu huyện Quan Sơn) có 07 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về phát triển thanh niên Thanh Hoá giai đoạn 2023 - 2030 theo đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 76 ngày 15/6/2023. Đồng thời, trên cơ sở Nghị quyết được ban hành, nhất là 06 mục tiêu và 20 chỉ tiêu thành phần, kính đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan có cơ chế cụ thể để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện; ban hành chương trình, đề án nhằm phát triển toàn diện lực lượng thanh niên cũng như phát huy vai trò của thanh niên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm sóc sức khỏe, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho thanh niên; định hướng và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án về thanh niên trên thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Sau khi nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định, đảm bảo sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

(2) Hiện nay, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu vực đặc thù, khu vực miền núi đang thiếu rất nhiều thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh. Vì vậy, đề nghị tỉnh quan tâm tạo cơ chế để xây dựng các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi được học tập, vui chơi, giải trí và phát triển toàn diện; quan tâm đầu tư nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp nhằm hỗ trợ nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 696 ngày 09/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 4791 ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển thể dục thể thao của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 4794 ngày 31/12/2022 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, các nội dung kiến nghị của đại biểu sẽ từng bước được xem xét, giải quyết trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án nêu trên.

(3) Đề nghị tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí, phương tiện làm việc cho các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Ngày 27/5/2023, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 206 báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập, trang bị phương tiện làm việc và hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do còn một số nội dung liên quan đến mục tiêu phát triển các tổ chức đoàn thể và hiệu quả của chính sách cần phải được nghiên cứu, làm rõ thêm, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng làm rõ thêm về vấn đề này. Sau khi các nội dung trên được làm rõ, UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét theo quy định.

(4) Hiện nay, hệ thống chính sách việc làm đã tương đối đồng bộ, tuy nhiên còn thiếu các chính sách riêng cho thanh niên, nhất là nhóm thanh niên đặc thù, yếu thế. Đề nghị tỉnh rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác đào tạo và dạy nghề; rà soát, chỉnh sửa danh mục ngành, nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề; triển khai cơ chế hợp tác giữa trường Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu với các tổ chức kinh tế; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện các nội dung trên theo quy định.

(5) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đây là điều kiện thuận lợi cho thanh niên và công tác thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; tuy nhiên, thanh niên cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thanh niên khu vực miền núi, như: an toàn thông tin trên không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ sở hạ tầng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát triển đồng bộ, các thiết bị công nghệ số còn thiếu và yếu, mạng internet không ổn định, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận internet, học tập trực tuyến và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Để giải quyết những khó khăn trên, đề nghị tỉnh cần tổ chức các sàn giao dịch công nghệ, tăng cường kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp trẻ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ số; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số về lĩnh vực công nghệ.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó sẽ xem xét, ưu tiên thực hiện các nội dung như kiến nghị của đại biểu nêu trên theo quy định.

(6) Trên cơ sở đề xuất của 03 cơ quan: Tỉnh đoàn - Hội Nông dân - Hội Cựu Chiến binh tỉnh, ngày 13/4/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 226/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án Phòng họp trực tuyến chung Cơ quan Hội Cựu Chiến binh - Hội Nông dân - Tỉnh đoàn; ngày 28/12/2022, UBND tỉnh có Quyết định số 4718/QĐ-UBND về phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Phòng họp trực tuyến chung Cơ quan Hội Cựu Chiến binh - Hội Nông dân - Tỉnh đoàn; giao cho Tỉnh đoàn là chủ đầu tư; tổng mức đầu tư trên 4,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 02 năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện; kính đề nghị UBND quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

(7) Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường tuần tra biên giới đến cột mốc H5 thuộc địa bàn (từ thị trấn đi qua xã Tam Lư vào xã Tam Thanh); tuyến đường này nay đã xuống cấp, rất khó khăn cho lưu thông hàng hóa và các phương tiện trọng tải lớn không vào được.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

UBND tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu đầu tư nâng cấp tuyến đường nêu trên khi có điều kiện về nguồn vốn.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 7.

Các đại biểu dự hội nghị.

9. Đại biểu Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đại biểu mời).

10. Đại biểu Cầm Bá Lâm (Tổ đại biểu huyện Thường Xuân) có 01 kiến nghị, gồm:

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Thường Xuân hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9678/UBND-NN ngày 07/7/2023 (thời hạn xong trước ngày 20/7/2023).

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Tại Thông báo số 71 ngày 17/5/2023 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi tiếp, làm việc với Tập đoàn TH và nghe đề xuất dự án nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, trong đó, giao UBND huyện Thường Xuân cập nhật nhu cầu sử dụng đất của 04 dự án do Tập đoàn TH đề xuất. Nhưng đến nay, huyện Thường Xuân chưa cập nhật hoặc có cập nhật nhưng không đầy đủ. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thường Xuân để hướng dẫn rà soát, cập nhật, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023, huyện Thường Xuân đảm bảo theo quy định.

11. Đại biểu Cao Tiến Đoan (Tổ đại biểu thành phố Sầm Sơn) có 03 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, loại bỏ các quy định không còn phù hợp; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; không bố trí những cán bộ có hành vi đùn đẩy, né tránh công việc, trình độ yếu kém vào các vị trí đầu mối giải quyết công việc; có những giải pháp mang tính đột phá và vận dụng tối đa các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

- Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đã trình HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết nhằm định hướng thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm tối đa thời gian xử lý các thủ tục hành chính; ban hành chính sách giảm 30% mức thu phí, lệ phí đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; nhân rộng mô hình "Chính quyền thân thiện, Vì nhân dân phục vụ"; ban hành và thực hiện Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DCCI). Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ tổ chức tiếp doanh nghiệp hàng tháng để tiếp nhận và xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

- Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 29/5/2023 về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Công văn số 3915 ngày 27/3/2023 chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

(2) Đề nghị lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời gian nộp lãi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhất là sớm triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đã được Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết số 50 ngày 08/4/2023 và Nghị quyết số 59 ngày 24/3/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Nghị định số 31 ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư số 02 ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; UBND tỉnh đã giao NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước gói 40.000 tỷ đồng.

Mặc dù, đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước gói 40.000 tỷ đồng nêu trên, tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp do nhiều nguyên nhân khách quan. Trong thời gian tới, đề nghị NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng:

- Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, phù hợp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam. 

- Tiếp tục triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02 của Thống đốc NHNN Việt Nam.

(3) Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đang xảy ra tình trạng giao cho quá nhiều sở, ngành chủ trì tham mưu giải quyết cùng một vụ việc dẫn đến chồng chéo, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành thủ tục dự án. Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ giao cho một đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành để tổng hợp ý kiến tham mưu, nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc mà không lặp đi, lặp lại.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Theo quy định hiện hành của pháp luật, một dự án đầu tư phải thực hiện nhiều hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, sử dụng đất, bảo vệ môi trường, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường/cấp giấy phép bảo vệ môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế và mỗi thủ tục hành chính mà nhà đầu tư phải thực hiện do một sở, ngành chủ trì tham mưu theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cơ quan chủ trì phải lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét sự phù hợp với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khác để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết đúng quy định. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như Công văn số 9393 ngày 29/6/2022 về việc thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chỉ thị số 10 ngày 29/5/2023 về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 8.

12. Đại biểu Lê Trọng Thụ (Tổ đại biểu huyện Hoằng Hóa) có 02 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số biện pháp góp phần khai thông thị trường bất động sản, tăng nguồn thu tiền sử dụng đất cho NSNN như sau: (i) Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành kịp thời có hướng dẫn quy định về trình tự, thủ tục xác định lại giá đất khởi điểm; (ii) Trong phương pháp định giá quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn thời gian khảo sát, thu thập thông tin của các thửa đất so sánh trong khoảng thời gian phù hợp để việc xác định lại giá khởi điểm đảm bảo nguyên tắc sát với giá thị trường; (iii) Chỉ đạo thực hiện việc cân đối nguồn thu, sắp xếp nhiệm vụ chi để bố trí hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố kinh phí chi trả thuê tư vấn định giá đất.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

- Về trình tự, thủ tục xác định lại giá đất khởi điểm của UBND huyện Đông Sơn tương tự như nội dung vướng mắc của UBND huyện Thọ Xuân; theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính có Công văn số 3708 ngày 29/6/2023 hướng dẫn thực hiện trình tự, thủ tục xác định lại giá khởi điểm thực hiện như quy định đối với việc xác định giá khởi điểm lần đầu theo quy định tại Thông tư số 28 ngày 06/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Luật đất đai 2013 và Nghị định số 123 ngày 14/11/2017 của Chính phủ.

- Về hướng dẫn thời gian khảo sát, thu thập thông tin của các thửa đất nêu trên đã được quy định cụ thể tại mục a khoản 1 Điều 116 Luật đất đai năm 2013 và điểm b, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 36 ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; do đó, đề nghị UBND huyện Đông Sơn nghiên cứu các quy định nêu trên để tổ chức thực hiện.

- Về kinh phí chi trả thuê tư vấn định giá đất: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 9882 ngày 11/7/2023 giao Sở Tài chính chủ trì, có văn bản hướng dẫn, trả lời cụ thể, để UBND thành phố Sầm Sơn và UBND các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện (trước ngày 20/7/2023). Đề nghị UBND huyện Đông Sơn trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tài chính, tổ chức thực hiện theo quy định.

(2) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa dự án Nhà máy rác Đông Nam đi vào hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện nay, dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn tại xã Đông Nam đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng nhà máy, lắp đặt hoàn chỉnh các dây chuyền tiếp nhận, sơ chế, phân loại, xử lý, đốt rác, sản xuất phân vi sinh và công trình phụ trợ (riêng hạng mục hố chôn rác trơ hoàn thành 90% khối lượng). Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghệ môi trường Ecotech đã thực hiện vận hành liên động và thử tải đồng bộ dây chuyền xử lý rác thải vào tháng 12 năm 2022 theo cam kết với UBND tỉnh. Hiện tại, Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghệ môi trường Ecotech đang phối hợp đơn vị tư vấn để lập hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường cho dự án để được vận hành thử nghiệm; Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; dự kiến nhà máy đi vào hoạt động chính thức trong quý III năm 2023.

13. Đại biểu Trịnh Xuân Thúy (Tổ đại biểu huyện Yên Định) có 03 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế để ổn định tình hình, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để khắc phục các hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là thành lập 05 Tổ Công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đơn vị; đồng thời, có Quyết định số 2137 ngày 20/6/2023 phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu về giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung trên, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, yếu kém được chỉ ra trong 6 tháng đầu năm để tổ chức triển khai thực hiện, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém này.

(2) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh việc hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng dự án Nước sạch khu vực Kiểu, tại xã Yên Phong, góp phần đảm bảo tiêu chí nước sạch để Yên Định hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch tỉnh giao.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Ngày 18/4/2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1281 gia hạn lần cuối cùng thời gian hoàn thành hồ sơ cho thuê đất dự án Nhà máy nước sạch khu vực Kiểu cho Công ty cổ phần môi trường, sinh vật cảnh và rau má Xứ Thanh đến ngày 30/9/2023; trong đó đã yêu cầu Công ty khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục và tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan, phối hợp, hướng dẫn Công ty thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư đảm bảo theo quy định. Do đó, đề nghị UBND huyện Yên Định phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ tại quyết định nêu trên.

(3) Yên Định về đích nông thôn mới đầu tiên, qua nhiều năm đến nay tiêu chí hạ tầng không giữ được, để đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao thì nhu cầu đầu tư lớn, trong khi khai thác quỹ đất khó khăn, đề nghị tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ để huyện về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 185 về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 (được điều chỉnh, bổ sung tại Nghị quyết số 01 ngày 24/3/2023); theo đó, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được hỗ trợ 10 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Yên Định tập trung huy động các nguồn lực để sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao để được hưởng chính sách của tỉnh.

14. Đại biểu Bùi Huy Toàn (Tổ đại biểu huyện Ngọc Lặc) có 06 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm nội dung liên quan đến vụ việc người dân thôn 5, 6 xã Lam Sơn không thống nhất việc giao đất của Công ty Lam Sơn, kéo dài nhiều năm.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Vụ việc một số công dân thôn 5, thôn 6, xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc đề nghị bàn giao phần diện tích đất còn lại các hộ đang sử dụng cho UBND xã Lam Sơn quản lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 4 năm 2023 và chỉ đạo UBND huyện Ngọc Lặc, Công ty TNHH Hai thành viên Lam Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết vụ việc.

Do vị trí, địa điểm các hộ dân đề nghị được bàn giao cho UBND cấp xã và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nằm rải rác, trải dài, cần xác định cụ thể ranh giới. Vì vậy UBND tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xác minh, tham mưu giải quyết đảm bảo theo quy định.

(2) 03 dự án trụ sở Công an xã đến nay chưa có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng của UBND tỉnh, nên chưa có cơ sở trích đo phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Việc đầu tư 03 dự án trụ sở Công an xã là công trình đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, được quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công (chấp thuận địa điểm đồng thời với quyết định chủ trương đầu tư). Do đó, đề nghị UBND huyện Ngọc Lặc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn huyện Ngọc Lặc thực hiện đảm bảo theo quy định.

 (3) Đối với tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, đề nghị tỉnh, Trung ương có hướng dẫn quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung đối với các xã miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện dự thảo và đang xin ý kiến các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung đối với các xã miền núi cho phù hợp với tình hình thực tế ở các xã thuộc khu vực miền núi. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh, UBND tỉnh sẽ giao các ngành hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

(4) UBND huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với Công ty giày HongFU lựa chọn địa điểm đầu tư dự án, phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất. 150 hộ trong diện giải phóng mặt bằng đã đồng ý bồi thường, thu hồi đất; đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện dự án nêu trên.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

UBND tỉnh đã nhận được Văn bản ngày 28/6/2023 của Tập đoàn HongFu về việc đề xuất hỗ trợ giải quyết một số vấn đề của các dự án, trong đó có dự án tại địa bàn huyện Ngọc Lặc. Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (cơ quan được Chủ tịch UBND tỉnh giao làm đầu mối hỗ trợ Tập đoàn HongFu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh) cùng với các các đơn vị chức năng có liên quan, nghiên cứu, xem xét cụ thể các nội dung để hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn, cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để triển khai dự án theo quy định.

(5) Sông Âm chảy qua 3 xã Ngọc Lặc có trình trạng ô nhiễm, các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều lần, sau mỗi cơn mưa có nước đục bốc mùi, gây chết cá nuôi lồng của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế để có biện pháp giải quyết tình trạng nêu trên, đảm bảo theo quy định trong thời gian sớm nhất.

(6) Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thi đấu thể thao huyện theo Nghị quyết số 256 ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về việc quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; UBND huyện Ngọc Lặc đã có Tờ trỉnh số 108 ngày 17/5/2023 báo cáo UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện nay, do nguồn vốn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên chưa có điều kiện để xem xét, hỗ trợ đầu tư công trình nêu trên theo đề nghị của UBND huyện Ngọc Lặc; UBND tỉnh ghi nhận đề xuất của huyện Ngọc Lặc và sẽ giao các sở, ngành liên quan tham mưu cân đối, bố trí kinh phí để hỗ trợ huyện Ngọc Lặc khi có điều kiện về nguồn vốn.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 9.

15. Đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Tổ đại biểu huyện Hậu Lộc) có 04 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cho huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Ngày 10/7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Hậu Lộc; hiện tại, Văn phòng UBND tỉnh đang thẩm tra, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

(2) Theo phân khai chỉ tiêu đất lúa, từ nay đến 2030, huyện Hậu Lộc chỉ còn lại 03 ha đất lúa được chuyển đổi để thực hiện các công trình dự án. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo với Trung ương xem xét, phân bổ thêm chỉ tiêu đất lúa được chuyển đổi để thực hiện các công trình, dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Đây là khó khăn chung của các địa phương trong cả nước; hiện tại, UBND tỉnh đã có Công văn số 6886 ngày 19/5/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu sử dụng đất của tỉnh, trong đó đề nghị giảm thêm chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2030 là 8.300 ha để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất khác 8.300 ha. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành tham mưu, giải quyết đề nghị của các địa phương theo quy định.

(3) Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16 ngày 20/4/2023 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc bồi thường bằng đất cần có hướng dẫn cụ thể hơn, tránh trường hợp mỗi địa phương có cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến có sự so sánh của người dân khi được đền bù và rủi ro về pháp lý cho cán bộ thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Pháp luật về đất đai đã quy định rất cụ thể việc bồi thường về đất ở khi Nhà nước thu hồi đất (tại các Điều 74, Điều 75, Điều 79 Luật Đất đai và tại Nghị định số 47 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, trả lời UBND các huyện về việc thực hiện bồi thường bằng đất ở tái định cư khi Nhà nước thu hồi một phần đất ở của hộ gia đình, cá nhân mà phần diện tích đất ở còn lại đủ điều kiện để ở.

Việc quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn các huyện để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và việc giao đất ở tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Đề nghị UBND huyện Hậu Lộc nghiên cứu thực hiện, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

(4) Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học; việc tuyển dụng khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng. Đề nghị tỉnh, các cơ sở giáo dục bậc đại học có chính sách thu hút sinh viên để đào tạo, khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện tại, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3171 ngày 19/8/2021 và Quyết định số 3048 ngày 12/9/2022 giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116 của Chính phủ trong năm 2021 và năm 2022, với tổng số gần 3.000 sinh viên, trong đó có 701 chỉ tiêu ngành giáo dục Tiểu học. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chi cho số sinh viên đã giao nhiệm vụ đào tạo khá lớn, trong khi ngân sách tỉnh chưa tự cân đối được, nên hiện nay UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ kinh phí để chi trả học phí, sinh hoạt phí cho số sinh viên đã giao nhiệm vụ đào tạo và số sinh viên sẽ giao nhiệm vụ đào tạo trong các năm tiếp theo.

Ngoài ra, Trường Đại học Hồng Đức cũng đã có chính sách thu hút học sinh như: Miễn 100% học phí kỳ 1 đối với sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 25,5; giảm 50% học phí cho sinh viên có điểm trúng tuyển từ 22,5 đến dưới 25,5 và miễn tiền ở ký túc xá cho sinh viên ngoại tỉnh.

 16. Đại biểu Nguyễn Văn Thành (Tổ đại biểu thị xã Nghi Sơn) có 03 kiến nghị, gồm:

(1) Đề nghị làm việc với các hãng hàng không mở thêm đường bay đi - đến các tỉnh phía Nam, có cơ chế chính sách hỗ trợ ban đầu khôi phục các đường bay.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

- Về việc mở, khai thác các đường bay tại Cảng hàng không Thọ Xuân: Kể từ khi được khai thác hàng không dân dụng từ tháng 2/2013, Cảng hàng không Thọ Xuân đã khai thác 09 đường bay nội địa và thực hiện một số chuyến bay charter quốc tế; hiện nay, chỉ còn khai thác 02 đường bay (Thanh Hóa - Hồ Chí Minh và Thanh Hóa - Phú Quốc); UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác các đường bay; ký biên bản hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026 với Vietnam Airlines, trong đó, đề nghị Vietnam Airlines khôi phục lại các đường bay nội địa; nghiên cứu mở mới một số đường bay quốc tế kết nối Thanh Hóa với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thanh Hóa - Trung Quốc…

- Về chính sách hỗ trợ các hãng hàng không: HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 125 ngày 13/12/2018 ban hành chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06 ngày 18/3/2019; trong đó hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/đường bay quốc tế, 06 tỷ đồng/đường bay nội địa. Theo đó, UBND tỉnh đã thực hiện hỗ trợ một số đường bay mới như Thanh Hóa - Nha Trang, Cần Thơ (kinh phí 12 tỷ đồng).

(2) Hiện nay trên địa bàn thị xã Nghi Sơn được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thương mại dịch vụ thấp hơn nhiều so với diện tích đất thực hiện các dự án thương mại dịch vụ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (thiếu 264,33 ha). Do đó, đề nghị UBND tỉnh:

- Rà soát lại chỉ tiêu đất thương mại dịch vụ đã được phân bổ cho các đơn vị, để đánh giá và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thương mại dịch vụ cho phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của từng địa phương.

- Tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ tăng chỉ tiêu sử dụng đất thương mại dịch vụ đối với địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung và Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 05/8/2021 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Nội dung này trùng với kiến nghị của đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Tổ đại biểu huyện Hậu Lộc) và đã được trả lời như trên.

(3) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng triển khai thực hiện các giải pháp phân loại, phân nhóm, làm rõ những doanh nghiệp chỉ đầu tư xong để bán lại dự án với những chủ đầu tư có năng lực để tránh việc chiếm dụng nhiều quỹ đất, nhiều dự án được quy hoạch nhưng không thực hiện gây lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện tại, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án vi phạm, kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất để tạo quỹ đất thu hút các dự án, nhà đầu tư mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.

17. Đại biểu Lê Hữu Quyền (Tổ đại biểu huyện Nông Cống) có 03 kiến nghị, gồm:

(1) Chính sách vay vốn tín dụng cho đồng bào dân tộc miền núi thuộc Chương trình phát triển kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đến nay tỉnh chưa rà soát được danh sách thụ hưởng nên chưa triển khai được chính sách, đề nghị tỉnh chỉ đạo quyết liệt nội dung này (năm 2022 tỉnh đã phải trả về ngân sách Trung ương 230 tỷ không giải ngân được).

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04 ngày 23/02/2023 về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, nên mới có cơ sở xác định được đối tượng vay vốn.

Do đó, sau khi có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khẩn trương rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách và tham mưu ban hành định mức đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân vùng dân tốc thiểu số và miền núi, làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách theo quy định.

(2) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án khuyến khích xuất khẩu lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Hiện nay, việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp đồng đang được thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 90 ngày 18/01/2022 về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; số 1719 ngày 14/10/2021 về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (như: Hỗ trợ tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động; một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng được hỗ trợ).

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 118 ngày 08/3/2023 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 107 ngày 05/5/2023 để thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư; trong đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, đây là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới (như: Hỗ trợ bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, lao động sinh sống tại các xã thuộc huyện nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động sát với nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước...). Do đó, đề nghị các địa phương nghiên cứu thực hiện theo quy định.

(3) Đề nghị tỉnh có chính sách tín dụng đối với các vùng khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao các ngành chức năng nghiên cứu tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định hiện hành của pháp luật và phù hợp với điều kiện về khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh.

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII - Ảnh 10.

18. Đại biểu Trịnh Thị Hoa (Tổ đại biểu thành phố Thanh Hóa) có 05 kiến nghị, gồm:

(1) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021- 2030". Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân; trong quá trình thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338 phê duyệt Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, chỉ tiêu giao cho tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 hoàn thành 13.700 căn (2022 - 2025 là 6.300 căn; 2026 - 2030 là 7.400 căn).

Ngày 13/4/2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án đã phê duyệt, đã ban hành Thông báo số 46/TB-UBND ngày 14/4/2023 và Công văn số 6367/UBND-CN ngày 11/5/2023; trong đó tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch (xây dựng, đất đai, đầu tư,…), bố trí đầy đủ quỹ đất đảm bảo về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; rà soát, tạo thuận lợi thực hiện thủ tục hành chính về lựa chọn chủ đầu tư và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư, người mua nhà vay tín dụng.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo hoàn thiện Kế hoạch để ban hành, triển khai thực hiện; đồng thời, giao Sở Xây dựng lấy ý kiến của Liên đoàn Lao động tỉnh vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (hoàn thành trước ngày 25/7/2023). Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phải phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động tỉnh đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu và đáp ứng các thiết chế công đoàn theo quy định.

(2) Đề nghị tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao Chỉ số PCI: (1) Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của PCI; (2) Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; (3) Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các đơn vị trong giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp; (4) Tiếp tục thực hiện tốt Đề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; (5) Hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò trong triển khai khảo sát điều tra (PCI/ DDCI); tăng cường nắm bắt tình hình để tham mưu, phản biện kịp thời, phát huy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện.

(3) Đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản dôi dư, nhất là tài sản dôi dư sau sáp nhập các đơn vị các đơn vị hành chính và sắp xếp các đơn vị công lập.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

Tại Thông báo số 16 ngày 17/2/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý của Sở Tài chính; chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương, đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất dôi dư (có phân loại và tham mưu thứ tự ưu tiên xử lý), đảo đảm phù hợp với các quy định mới và Kết luận số 48 ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; tổ chức thẩm định phương án đề xuất xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư của các đơn vị, đảm bảo theo quy định.

(4) Vấn đề định mức biên chế giáo viên/lớp, hiện nay tỉnh ta đang thực hiện theo Quyết định số 3185 ngày 23/8/2016 và Quyết định số 3465/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 02 Quyết định này có những vấn đề bất cập về định mức giáo viên/lớp tại các Quyết định trên của tỉnh thấp hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, trước mắt năm học 2023- 2024 đề nghị tỉnh tạm giao định biên cho khối giáo dục theo Thông tư liên tịch số 06 ngày 16/3/2015 và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho khối Mần non; theo Thông tư số 16 ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho khối Giáo dục phổ thông để tháo gỡ khó khăn thiếu giáo viên cho ngành giáo dục.

Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Nội dung này đã được đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

(5) Đề nghị UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành tiến hành rà soát phân loại các doanh nghiệp thật sự khó khăn và các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ đọng BHXH, BHYT, để có biện pháp xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời:

UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện nội dung kiến nghị nêu trên.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận