Phát triển du lịch khu vực miền núi - tạo sinh kế bền vững cho người dân
Khu vực miền núi Thanh Hóa có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và giàu bản sắc văn hóa là tiềm năng phát triển du lịch. Mười năm trở lại đây, các huyện miền núi cũng đã ban hành các chương trình, nghị quyết ưu tiên phát triển du lịch phục vụ phát triển kinh tế và tạo sinh kế xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Với tài nguyên thiên nhiên là quần thể thác Mây đẹp, hùng vĩ và hệ thống sông suối nhỏ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thạch Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định chương trình trọng tâm là bảo tồn bản sắc, cảnh quan văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Xã đã tạo điều kiện cho người dân kinh doanh dịch vụ du lịch liên quan đến quần thể thác Mây như: dịch vụ lưu trú, du lịch bên suối, giới thiệu các nông sản địa phương…vv. Đến nay xã Thạch Lâm có trên 100 hộ tham gia làm du lịch. Xã đã ra khỏi danh sách những xã đặc biệt khó khăn. Những thành quả đó khẳng định hướng đi đúng của xã trong phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế- xã hội. Anh Nguyễn Văn Nguyện, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành cho biết: "Trước kia vợ chồng thu nhập hàng tháng cũng chỉ có dăm ba triệu thôi. Từ khi về khu thác Mây này phát triển thì cũng làm ra 5 -7 triệu/tháng/người. Chi phí đủ trang trải cuộc sống". Ông Bùi Văn Năng, Phó Ban Quản lý điểm du lịch Thác Mây, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành cũng cho biết thêm: "Nhận thấy lợi thế của địa bàn xã, lãnh đạo Đảng uỷ, Ủy ban Nhân dân xã đã có nhiều chương trình, kế hoạch; đặc biệt là Nghị quyết Đảng bộ xã, hàng năm có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Xem đây là một trong những nội dung trọng tâm, mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương".

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2021 huyện Thạch Thành đã ban hành Chương trình phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025. Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cũng như tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hóa được chú trọng thực hiện. Các loại hình và dịch vụ du lịch đa dạng hơn. Từ năm 2021 đến nay huyện Thạch Thành ước đón được trên 175.000 lượt khách du lịch, đạt trên 53% mục tiêu nghị quyết, tổng doanh thu du lịch ước đạt 116 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.900 lượt người. Ông Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành cho biết: "Nghị quyết Đại hội huyện đã xác định kinh tế du lịch là nhiệm vụ trọng tâm nên ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển như kêu gọi thu hút đầu tư, đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho người dân chúng tôi đã phối hợp với ngành văn hóa mở các lớp tập huấn du lịch, trong lớp tập huấn này có nhiều vấn đề thiết thực giúp người dân nâng cao kĩ năng du lịch".
Xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh là địa phương có cảnh quan thiên nhiên đẹp và giàu bản sắc văn hóa. Tuy nhiên du lịch nơi đây chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Do đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Thắng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng tâm. Một trong những hành động cụ thể là xã đã tổ chức thành công lễ hội Mường Đeng để quảng bá du lịch.

Tại lễ hội này, nhiều trò chơi, trò diễn truyền thống của dân tộc Thái như trích đoạn tục lệ Chá Mùn đồng bào Thái, hát múa cồng chiêng được phục dựng, phát huy. Xã cũng tạo điều kiện cho một số thôn bản và các gia đình xây dựng các điểm check-in bán vé phục vụ du khách để có nguồn thu. Ông Lương Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền người dân phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sau khi lễ hội được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia sẽ tạo tiền đề quan trọng để địa phương phát triển du lịch, tạo ra điều kiện sinh kế cho địa phương. Là nền tảng để mở rộng dịch vụ du lịch".
Mặc dù là huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế về du lịch, nhưng Lang Chánh vẫn chưa khai thác hiệu quả phục vụ phát triển. Ngày 6/5/2021 Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết 06 về "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 hình thành rõ nét, đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế của địa phương, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.

Đến nay, huyện Lang Chánh đã hoàn thành quy hoạch một số điểm du lịch trọng điểm, đầu tư hạng tầng du lịch; hỗ trợ, hướng dẫn một số xã phát triển du lịch cộng đồng. Ông Lữ Đức Chung, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Lang Chánh cho biết: trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch, tập trung đầu tư các điểm du lịch trọng điểm trong đó có các dịch vụ lưu trú, tạo điều kiện để người dân tham gia phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Với những nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều điểm du lịch ở khu vực miền núi đã từng bước mở rộng về quy mô vói các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút du khách. Từ năm 2020 đến nay, nhiều huyện miền núi đều đạt kết quả tích cực về thu hút khách du lịch. Huyện Bá Thước thu hút được trên 240.000 lượt khách, đạt trên 60% mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025; huyện Quan Sơn thu hút được 40.000 lượt khách, vượt trên 300 % so với mục tiêu; huyện Quan Hóa thu hút trên 31,2 nghìn lượt khách, đạt trên 278 % mục tiêu nhiệm kỳ. Du lịch không chỉ góp phần tăng nguồn lực cho các huyện miền núi mà còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia kinh doanh du lịch. Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân cho biết: "Xác định kinh tế du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn do đó chúng tôi đã có những xúc tiến, kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt Thường Xuân có vùng cây di sản độc đáo trên độ cao 1000m rất mát mẻ trong lành, người dân gìn giữ rất tốt, tới đây huyện sẽ mở tuyến du lịch đưa khách lên đây".

Bên cạnh những kết quả rõ nét từ phát triển du lịch, việc phát triển du lịch tại các huyện miền núi cũng bộc lộ một số hạn chế như: sản phẩm du lịch còn nghèo; nhân lực tham gia hoạt động du lịch chưa được đào tạo, nên kỹ năng giao tiếp, ứng xử chưa cao...Với đặc trưng địa hình đồi núi chia cắt, việc phát triển du lịch ồ ạt, không tuân thủ quy hoạch có nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và vấn đề đảm bảo an toàn.
11 huyện miền núi Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em sinh sống không chỉ có tiềm năng về tự nhiên mà còn có một kho tàng văn hóa phong phú giàu bản sắc. Nếu được đầu tư, quy hoạch và quản lý tốt, du lịch sẽ thật sự là chìa khóa mở ra cơ hội giúp người dân miền núi giảm nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, để làm được điều này, các địa phương miền núi rất cần sự quan tâm của các Sở, ban ngành trong việc hỗ trợ lập quy hoạch, dự án xây dựng điểm du lịch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia dịch vụ du lịch …Và điều đặc biệt quan trọng là khai thác nhưng không làm biến đổi, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và môi trường. Bởi đó chính là nét đặc trưng của du lịch miền núi.

Chờ đón Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 với cuộc tranh tài của các đội đến từ 10 nước
Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2025 sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến 12/7, với chủ đề “Đà Nẵng - Kỷ Nguyên Mới” với cuộc tranh tài của các đội đến từ 10 nước.

Độc đáo ngôi Nghè cổ Nguyệt Viên
Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn hàng chục ngôi Nghè cổ kính, có giá trị lịch sử và văn hóa. Trong đó, Nghè Nguyệt Viên ở Làng Nguyệt Viên phường Hoằng Quang, thành phố Thanh Hoá là một trong những ngôi Nghè cổ, có giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, được bảo tồn, gìn giữ khá nguyên vẹn sau hơn 400 năm khởi dựng.

Tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát"
Tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa vừa mở lớp tập huấn "Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông huyện Mường Lát" năm 2025.

Về làng cổ Tường Vân
Nằm bên dòng sông Cầu Chày, làng Tường Vân xã Định Thành, huyện Yên Định có lịch sử lập làng và phát triển cách đây hàng nghìn năm. Ngôi làng này cũng là quê hương của hai anh em Tiến sĩ họ Khương nổi danh trong lịch sử: Khương Công Phụ và Khương Công Phục.

Tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường
Trung tâm Văn hóa điện ảnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thạch Thành vừa tổ chức 2 lớp tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mường và biên đạo, dàn dựng các tiết mục văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lâm.

Sẵn sàng cho Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian năm 2025
Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân năm 2025 được tổ chức theo hình thức đại tế 5 năm 1 lần. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/2/2025 (tức ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực phong phú, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái và Thổ. Hiện nay, huyện Như Xuân đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lễ hội.

Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Ngày 17/2 (tức ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ), UBND thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn tổ chức Lễ hội rước kiệu truyền thống Đền Nưa - Am Tiên Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Trung Quốc miễn thị thực cho khách Việt đến Tây Song Bản Nạp
Trung Quốc sẽ miễn thị thực cho đoàn du lịch từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đến thăm Tây Song Bản Nạp - một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - nếu du lịch trong vòng tối đa 6 ngày.

Mùa du lịch văn hóa
Với sự đa dạng về văn hóa và thiên nhiên, du lịch văn hóa xứ Thanh đang là “điểm hẹn mùa xuân” hấp dẫn du khách gần xa. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 675 nghìn lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình du lịch này.

Về nơi cửa biển
Với hơn 102km đường bờ biển, từ lâu, tỉnh Thanh Hóa lưu dấu ấn đậm nét của các cửa biển lớn…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.