Sắc màu văn hóa dân tộc Thái ở Lang Chánh
Châu Lang, tên gọi hành chính xưa của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa, Lang Chánh có diện tích tự nhiên 585,63 km²; dân số khoảng 53.600 người, gồm ba dân tộc chính là Thái, Mường và Kinh, trong đó người Thái chiếm khoảng 53%.
Theo các tài liệu cổ, người Thái tại Lang Chánh đã định cư từ lâu đời, có nguồn gốc từ Tây Bắc di cư xuống, từ Lào sang và sau này có thêm một bộ phận người Mường, người Kinh hòa nhập vào cộng đồng. Hiện nay, người Thái tập trung sinh sống chủ yếu tại các xã: Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú, Trí Nang, Tam Văn và Tân Phúc. Trước đây, các mường truyền thống của người Thái tại: Lang Chánh gồm Mường Ngày, Mường Đôn (nay thuộc xã Lâm Phú), Mường Giao Lão (nay thuộc các xã Giao An, Giao Thiện), Mường Đeng (nay thuộc các xã Yên Khương, Yên Thắng) và Mường Bỏ (nay thuộc xã Trí Nang).

Quá trình định cư lâu dài cùng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em, đã làm cho bản sắc văn hóa Thái ở Châu Lang trở nên đa dạng và có nhiều nét đặc trưng, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa các dân tộc xứ Thanh.
Hiện nay, đồng bào Thái ở Lang Chánh vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn cổ. Với kết cấu linh hoạt, cao ráo và thông thoáng, nhà sàn giúp con người thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, mang lại sự ấm cúng vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Nhà sàn ở Lang Chánh mang đặc trưng kiến trúc của dân tộc Thái đen, dễ nhận biết qua mái nhà có hình mai rùa và hai đầu mái vươn cao với chi tiết "khau cút" độc đáo. Theo truyền thuyết, từ thuở khai thiên lập địa, thần rùa ("Púa táu") đã dạy người Thái cách làm nhà theo hình dáng rùa đứng, giúp chống chọi với lũ lụt và thú dữ. Ngày nay, nhà sàn không chỉ là không gian sinh hoạt chung của gia đình, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, mà còn trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần quảng bá nét đẹp truyền thống của đồng bào Thái đến với du khách gần xa.

Chị Hà Thị Xum, bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Đến bây giờ gia đình tôi đã phát triển hơn nhờ làm du lịch. Gia đình chúng tôi đầu tư làm 2 cái nhà sàn và 2 cái nhà xây phục vụ khách du lịch. Gia đình mong muốn phát triển hơn để có thu nhập cao hơn".
Chị Lò Thị Tuyền, bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhà tôi hiện đang phục vụ dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ. Khách đến tham quan thì nhà tôi có phòng lớn cộng đồng và 5 phòng riêng cho hộ gia đình. Nhà cộng đồng thì có thể đón khoảng 40 lượt khách/ngày đêm".
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng được đồng bào Thái tại Lang Chánh gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Nhờ đó, những bộ trang phục truyền thống cùng các vật dụng sinh hoạt làm từ thổ cẩm vẫn hiện diện trong đời sống hàng ngày, trở thành nét đặc trưng văn hóa của người Thái. Phụ nữ Thái ở các bản làng của Lang Chánh thường diện trang phục rực rỡ, tinh tế, bao gồm áo, váy, thắt lưng, khăn cùng các loại trang sức bằng bạc như hoa tai, vòng cổ, vòng tay. Điểm nhấn đặc biệt trong trang phục truyền thống là chiếc khăn piêu, thường được các cô gái Thái thêu hoa văn ở hai đầu. Khi đội, họ quàng khăn qua trán rồi vắt chéo ra phía sau, thắt lại gọn gàng, tạo nên vẻ duyên dáng và thanh lịch.

Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, người Thái ở Lang Chánh còn lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, dân ca, dân vũ, hát khặp, múa xòe… Những nét văn hóa này không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú của đồng bào mà còn góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống dân tộc.
Tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, nơi có tới 97% dân số là người Thái, đồng bào vẫn gìn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống, cả vật thể lẫn phi vật thể. Bên cạnh việc bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng, người dân trong bản còn sáng tạo thêm những tiết mục văn nghệ dân gian kết hợp với yếu tố hiện đại, nhằm phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Thái mà còn tạo dấu ấn đặc biệt trong các lễ hội, sự kiện văn hóa quần chúng trong và ngoài huyện.

Chị Hà Thị Thuyên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa
Chị Hà Thị Thuyên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bản Năng Cát hiện đang có 3 đội văn nghệ, mỗi đội có khoảng 15 đến 20 thành viên. Mục đích của chúng tôi là để bảo tồn văn hóa của dân tộc Thái Đen ở đây, thứ hai là để phục vụ khách du lịch khi về thăm quan thác Ma Hao".
Những năm gần đây, Lang Chánh được biết đến là một trong những huyện miền núi tiên phong trong việc phục dựng và tổ chức định kỳ nhiều lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng, cũng như cộng đồng các dân tộc vùng cao Thanh Hóa nói chung. Một số lễ hội tiêu biểu có thể kể đến như Lễ hội dân gian Chá Mùn, Lễ hội Mường Đeng, Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Chùa Mèo… Đây không chỉ là những sự kiện mang ý nghĩa nhân văn, gắn với tín ngưỡng và đời sống tinh thần của đồng bào, mà còn là dịp để du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc miền sơn cước.

Hàng chục năm trước, do biến cố lịch sử, lễ hội Chá Mùn của dân tộc Thái dần bị mai một và lãng quên. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Nhà nước, năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Lang Chánh đã phục dựng thành công lễ hội này. Từ năm 2018 đến nay, lễ hội Chá Mùn được tổ chức định kỳ ở quy mô cấp xã nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian tốt đẹp của người Thái. Tháng 8/2024, lễ hội Chá Mùn chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của người Thái Đen ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh. Từ năm 2023, các nghi lễ của Chá Mùn đã được lồng ghép tổ chức trong Lễ hội Mường Đeng.
Chá Mùn gồm nhiều nghi lễ trang trọng và ý nghĩa, như mời Pó Then (vị thần tối cao theo quan niệm của người Thái) cùng linh hồn các thầy mo Mùn quá cố về dự hội, gọi vía người bệnh, đón khách quý về tham dự, cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian như trò chơi, trò diễn, và cuối cùng là nghi thức tiễn Pó Then cùng các linh hồn mo Mùn trở về Mường Trời. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội Chá Mùn còn là dịp để cộng đồng người Thái gắn kết, thể hiện tinh thần đoàn kết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đồng thời khích lệ bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ông Vi Văn Thưa, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Lễ hội Chá Mùn có ý nghĩa là cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, tăng gia sản xuất. Chúng tôi sẽ truyền lại lễ hội này cho con cháu mai sau".
Chị Lương Thị Quỳnh, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Bản thân em là người rất vui khi là con em Mường Đeng được tham gia lễ hội và quảng bá giá trị tốt đẹp của dân tộc Thái quê hương em đến mọi người".
Ông Lò Văn Thập, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Những điệu múa rất là đẹp. Đặc biệt các cô gái đã diễn tả các hoạt động cày cấy, canh tác của các ông, các bà ngày xưa như trồng lúa ngô trên nương. Múa quanh cây bông là để cảm ơn trời đất đã cho ta mùa màng tốt tươi, năng suất tốt, đời sống Nhân dân ngày càng phát triển".

Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng và độc đáo, Lang Chánh còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, cùng các di tích lịch sử gắn liền với những mốc son dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những địa danh như núi Chí Linh, thác Ma Hao, ruộng bậc thang bản Peo, bản Ngàm Pốc, đền thờ Lê Lợi, bản Năng Cát, Đỉnh Miêu Thiền Tự (tức chùa Mèo)… đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài tỉnh. Những địa danh này không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa vùng cao mà còn là tài nguyên du lịch có giá trị, góp phần tạo nên sự khác biệt và thế mạnh riêng cho du lịch Lang Chánh. Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa truyền thống được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vừa thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và quảng bá hình ảnh Lang Chánh đến với du khách muôn phương.

4 tháng, Thanh Hóa thu 8.390 tỷ từ hoạt động du lịch
Lũy kế 4 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hoá đã đón hơn 5,2 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu ước đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

Tối ngày 24/4, khai mạc Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2025
20h tối ngày 24/4, tại Khu du lịch biển Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn sẽ diễn ra khai mạc Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn với chủ đề "Nghi Sơn biển ngọc – Khát vọng vươn xa". Đây là sự kiện mở màn cho mùa du lịch biển Hải Hoà và hoà chung không khí lễ hội du lịch biển 2025 của Thanh Hoá, nhằm quảng bá, thu hút du khách đến với xứ Thanh.

Trẩy hội Đình Thi
Miền núi xứ Thanh có rất nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng về với huyện miền núi Như Xuân để tham dự Lễ hội Đình Thi - một lễ hội tiêu biểu của đồng bào Thổ Thanh Hóa.

Kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự cho khai mạc Lễ hội biển Sầm Sơn 2025
Chương trình khai mạc Lễ hội biển Sầm Sơn 2025 với chủ đề “Sầm Sơn – khát vọng tỏa sáng” sẽ được tổ chức vào tối ngày 26/4 tới đây. Chiều ngày 23/4, Thiếu tướng Trần Phú Hà - Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Công an tỉnh đã kiểm tra thực địa, chỉ đạo triển khai phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện này.

Tối 24/4 sẽ trao bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Quang Trung
Tối 24/4 tại Quảng trường Biển, Khu du lịch Biển Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn sẽ diễn ra lễ khai mạc Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2025 với chủ đề: Nghi Sơn biển ngọc- Khát vọng vươn xa. Trong khuôn khổ buổi lễ sẽ trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Quang Trung

Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn năm 2025 khai mạc vào tối 24/4
Theo UBND thị xã Nghi Sơn, Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2025 với chủ đề “Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa” dự kiến sẽ khai mạc vào lúc 20h00, ngày 24/4/2025 tại Quảng trường Biển, Khu du lịch Biển Hải Hòa với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch hấp dẫn.

Nghi Sơn sẵn sàng cho lễ hội du lịch biển 2025
Để chào đón mùa hè 2025, vào 20h ngày 24/4 tới đây tại sân khấu Quảng trường biển, Khu du lịch biển Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn sẽ diễn ra Lễ khai mạc lễ hội du lịch biển Nghi Sơn. Cùng với đó, hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương để phục vụ du khách.

Ra mắt Chi hội hát văn, hát chầu văn huyện Thiệu Hóa
Ngày 20/4, Lễ ra mắt Chi hội hát văn, hát chầu văn huyện Thiệu Hóa đã được tổ chức. Đây là Chi hội trực thuộc Câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa.

Chiếu phim lưu động về thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam
Tối ngày 20/4, Trung tâm Xúc tiến du lịch và văn hóa, điện ảnh tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Nông Cống tổ chức Chiếu phim lưu động chào mừng thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).

Có gì “hot” tại Lễ hội biển Sầm Sơn năm 2025?
Vào 20h ngày 26/4/2025, tại quảng trường biển thành phố Sầm Sơn sẽ diễn ra lễ khai mạc Lễ hội du lịch biển mang chủ đề “Sầm Sơn - Khát vọng tỏa sáng”. Sự kiện được tổ chức ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4, không chỉ mang đến một đêm hội nghệ thuật bùng nổ cảm xúc mà còn là nghi thức khai màn mùa du lịch hè sôi động tại phố biển năm nay.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.