Thủ tướng: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, chúng ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc gặp mặt được tổ chức để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thư gửi tới giới Công Thương Việt Nam (ngày 13/10/1945) nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới Công Thương đối với nền kinh tế quốc gia: "Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…".
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam (theo Quyết định số 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ngày 20/9/2004), với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho Nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay của nước ta (với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả), chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.
"Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Gợi ý một số nội dung thảo luận, Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng; đưa ra các góp ý để đã làm tốt rồi còn làm tốt hơn nữa, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rồi đóng góp nhiều hơn nữa, đặc biệt là góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.
Đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh, một số đã vươn tầm quốc tế
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân và các đại biểu đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sát thực tế và mang tính xây dựng.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trình ban hành thông báo kết luận của Hội nghị, nhằm kịp thời xử lý, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, giao các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho đất nước và cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Đánh giá về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm thiết thực, kịp thời, cả trước mắt và lâu dài với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Từ Đại hội lần thứ IX, Đảng đã đề cập đến vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó nhấn mạnh: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Chính phủ luôn bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng tiến bộ, đóng góp cho đất nước, cho nhân dân.
Thủ tướng nêu một số điểm sáng cho thấy sự phát triển, vươn mình mạnh mẽ và đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Thứ nhất, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004-2023) đã đạt hơn 1,88 triệu, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Số doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng đầu năm 2024 là trên 110.000, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 sẽ vượt con số 159.000 của năm 2023, là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt con số 2,1 triệu. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1000 dân năm 2023.
Thứ hai, các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia, như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyền đổi xanh, chuyên đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Thứ ba, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.
Thứ tư, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, các doanh nghiệp, doanh nhân đã thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật.
Thứ sáu, trong năm 2024 có nhiều khó khăn, thách thức (do hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19; cạnh tranh chiến lược, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên toàn cầu; thiên tai, biến khổi khí hậu), các doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết vừa qua, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở 26 tỉnh, thành phố từ phía Bắc trở ra. "Chúng ta rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng nói.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.
Nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã làm là có hiệu quả
Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng
Thứ tư, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Thứ năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.
Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.
"Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong.
Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…)
Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm đủ năng lượng, cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển).
Thứ tư, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.
Thứ năm, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không bỏ ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
"Với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hãy: "Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển", "cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào"", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, đạt được mục tiêu như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Mai Xuân Liêm dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Bá Thước
Chiều ngày 5/11, đồng chí Mai Xuân Liêm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh đã đến dự, chung vui với bà con Nhân dân thôn Ngọc Sinh, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Cùng dự có lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh và huyện Bá Thước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Đức Giang tiếp xúc cử tri huyện Hậu Lộc
Ngày 5/11, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh gồm các đại biểu: Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh; Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hậu Lộc đã tiếp xúc cử tri 4 xã: Xuân Lộc, Hòa Lộc, Thuần Lộc và Mỹ Lộc.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Mai Xuân Liêm tiếp xúc cử tri huyện Quan Hoá
Ngày 5/11, tại xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, Tổ đại biểu HĐND tỉnh gồm các đại biểu: Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Hóa đã tiếp xúc cử tri huyện Quan Hóa.
Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cẩm Thủy
Ngày 5/11, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh gồm các đại biểu: Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Lê Văn Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Thủy; Triệu Thị Quý, nhân viên Phòng khám Đa khoa Giang Sơn đã tiếp xúc cử tri huyện Cẩm Thủy.
Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Quảng Xương
Ngày 5/11, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh gồm các đại biểu: Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh; Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương; Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Quảng Xương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh tiếp xúc cử tri thành phố Sầm Sơn
Sáng ngày 5/11, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh gồm các đại biểu: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sầm Sơn; Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tiếp xúc cử tri thành phố Sầm Sơn trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVIII. Tham gia buổi tiếp xúc có đại diện Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn.
Thị xã Nghi Sơn triển khai Đề án xây dựng xã, phường không ma túy
Chiều ngày 4/11, UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức hội nghị triển khai Đề án xây dựng "Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma tuý, giai đoạn 2024 - 2025" trên địa bàn thị xã.
Như Xuân tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt
Sáng ngày 5/11, Huyện ủy Như Xuân tổ chức hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt toàn huyện, lần 2 năm 2024. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 17 điểm cầu trên địa bàn huyện với gần 1000 cán bộ tham gia học tập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc
Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; đồng thời tham dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11.
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Như Xuân
Chiều ngày 4/11, tổ đại biểu HĐND tỉnh gồm các ông: Trần Mạnh Long, Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Tuý, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã có buổi tiếp xúc cử tri các xã Thanh Lâm, Thanh Phong, Thanh Hoà, huyện Như Xuân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.