ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 02/02/2024 17:00

Truyện ký "Dì tôi" - Đăng Văn | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ký "Dì tôi" của tác giả Đăng Văn qua giọng đọc Thùy Dung.

Dì Ba lấy chồng về làng Nội Xá cách quê mẹ đẻ vài cây số. Người làng Nội Xá ngày ấy đa phần cày cuốc mưu sinh dọc theo bờ tả ngạn sông Tuần. Vào thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, thường xảy ra tai hoạ vỡ đê, lụt lội tràn lan, rau màu đã đến ngày thu hoạch bị nước cuốn phăng, nghèo đói vì thế mà đeo bám triền miên.

Những năm đầu cấp I, trường tôi học ở cạnh nhà dì. Sau buổi học thi thoảng tôi thường rủ vài đứa bạn đến thăm dì. Dì tôi rất tâm lý, biết chúng tôi muốn gì trong khu vườn đầy hoa quả phía sau nhà. Dì cho vào vườn trèo thoả thích, chỉ dặn là trèo cây phải cẩn thận. Mấy đứa chúng tôi lập tức biến ra phía sau khu vườn ríu rít tiếng chim chào mào và sáo sậu. Được trèo leo, bứt hái, khi ra, đứa nào cũng nhét đầy túi quần toàn ổi, đào mận, xanh niễng, ăn đến căng bụng.

Câu chuyện về dì tôi được kể lại rằng: Khi ấy ông bà ngoại của tôi lần lượt sinh ra bốn chị em gái chỉ cách nhau hai tuổi. Dì là thứ ba sau mẹ nên chúng tôi gọi là dì Ba. Lần mang thai thứ năm, bà ngoại đi chợ xa lúc trở dạ không kịp về, phải chạy vội về nhà bố mẹ đẻ, nhưng khổ thay vì tục lệ kiêng cữ thời đó quá hà khắc, nên bố mẹ đẻ đành phải quây tấm cót, trải tấm nong lót chiếu ra góc vườn để cho con gái mình sinh nở, bà sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, nhưng việc đỡ đẻ bất cẩn nên không may bị chết non. Bà ngoại sau đó buồn phiền phát bệnh hậu sản rồi mất, để lại cho ông ngoại cảnh gà trống nuôi con. Lúc đó dì Ba mới tám tuổi, dì út chỉ sáu tuổi. Bà cố nội thương con thương cháu đem hai chị về nuôi. Bác cả (quê tôi gọi bằng dì) và mẹ tôi, bà tập cho đi chợ, biết buôn bán, biết mua chín bán mười. Vì vậy sau này cả đời dì cả và mẹ tôi chỉ sinh sống bằng nghề chợ búa đến tận khi lưng còng gối mỏi mới thôi. Còn dì Ba, dì Tư được cố ngoại thương tình đem về nuôi, tuổi thơ của dì Ba được bên ngoại hết sức nuông chiều, dì không phải lao động nặng, cũng không phải sớm hôm với công việc đồng áng. Đến năm lên mười sáu tuổi dì Ba nằng nặc đòi về quê để được sống bên người cha và các chị gái. Mười bảy tuổi, dì Ba trở thành một thiếu nữ xinh đẹp cả người lẫn nết na, lại giỏi về nữ công gia chánh. Khi ấy có người làm mối đến nhà để dạm hỏi, phía thông gia chàng rể là con trai một gia đình bề thế ở làng dưới, người đó còn kém dì Ba đến hai tuổi. Ông ngoại nghĩ; Gả con cho một gia đình môn đăng hậu đối, rồi đây con gái mình cũng sẽ được hưởng phú quý, bèn ưng thuận liền. Rồi dì Ba cũng nghe theo, thế là cuộc hôn nhân diễn ra trong niềm vui khôn tả của hai họ và dân làng.

Nhà chồng dì thuộc diện giàu có nhất nhì trong làng. Đến khi diễn ra cuộc cải cách ruộng đất, nhà bị quy thành phần địa chủ, tài sản bị tịch thu bằng sạch. Cụ Bạ Toản, bố chồng cũng từ đó mắc phải căn bệnh trầm cảm, cả ngày ngồi một chỗ, đôi mắt vô hồn nhìn lờ đờ như một pho tượng sống. Vài năm sau cụ trở bệnh, rồi rời bỏ cõi trần để về phía Tây thiên cực lạc. Dì Ba không thạo nghề chợ búa buôn bán như các chị gái, mà chỉ thạo với việc nữ công gia chánh. Từ khi gia đình nhà chồng bị thất cơ, dì mới biết cầm đến cái liềm cái cuốc để làm ruộng.

Phải năm mất mùa, đầu làng đến cuối xã, người dân rủ nhau đi ăn xin, mong chỉ kiếm được miếng ăn để sống qua ngày. Nhà dì cũng lâm cảnh ăn củ nâu củ chuối, rau má rau lang thay cơm. Nhà tôi khi đó cũng chẳng dư giả gì nhưng cũng chia sẻ với gia đình dì. Tôi nhớ có lần nhà tôi nấu cháo mẹ san sẻ rồi sai anh tôi mang xuống cho dì. Thương em, thương cháu, cha tôi cho gọi dì lên, trước là hết lời động viên, sau rồi cho dì số tiền đủ mua vài ba yến gạo, giúp đỡ mẹ con dì lúc hàn vi. Dì cầm được tiền mừng rơn, nước mắt lã chã rơi vì cảm động. Dì vội vàng lội bộ sang bên sông, đến chợ Tào đong ngay yến gạo về cứu đói. Trên đường về với niềm vui khôn tả khi nghĩ đến bữa chiều, các con của dì sẽ được bưng trên tay bát cháo trắng. Khi phải lội qua sông Tuần, đến đoạn giữa sông bất ngờ dì vấp, té ngã vì một hòn đá rêu trơn, tuột tay, thúng gạo đội trên đầu đổ ụp xuống dòng nước. Dì tuyệt vọng nhìn chiếc thúng bị lật úp, những hạt gạo lúng liếng mờ dần mờ dần trôi theo dòng nước. Dì bật khóc thảm thiết. Thấy vậy, cha tôi lần nữa lại động viên dì, cho lại số tiền mua gạo bằng trước đó.

Gái đầu lòng của dì Ba là cô Thu, Thu dáng người thon thả, cười rất tươi, mái tóc đen óng mượt dài sát gót. Tôi nhớ hình ảnh cứ mỗi lần gội đầu cô Thu thường đứng lên chiếc chõng tre, cho mái tóc buông xõa xuống tận miệng chậu, dì thường dạy con gái: Con ơi, là phụ nữ phải đoan trang hiền thục, ngoài nết na thùy mỵ lời ăn tiếng nói con nhớ phải nhỏ nhẹ, lấy chữ "Công, dung, ngôn, hạnh" là khuôn vàng thước ngọc. Rồi dì giải thích cặn cẽ bốn chữ trong cái mà được đúc kết là khuôn vàng. Đến tuổi trưởng thành, cô Thu đã có nhiều chàng trai tới ngấp nghé và nhận được rất nhiều thư tỏ tình. Có lá nhận qua bờ rào dâm bụt, lại có lá thư gửi từ trong tuyến lửa gửi ra, được ông bưu tá mang đến tận nhà. Chiến dịch đi đắp ụ pháo cùng thanh niên làng trên, cô Thu đã lọt vào mắt xanh của một chàng trai tài hoa. Bị anh ta làm cho ngất ngây say đắm. Chàng hát hay đàn giỏi, là hạt nhân trong đội văn nghệ của toàn xã.

Trước ngày con gái xuất giá về nhà chồng, cả đêm dì thao thức, thủ thỉ căn dặn con gái: Khi về làm dâu nhà người, con phải đặc biệt kính trọng nhà chồng, chồng của con nếu mà nghèo hèn hay hung hãn con chớ vội bực tức con nhé. Với mẹ chồng nếu có lời lẽ làm phật ý con cũng chớ có hận lòng, dẫu cho không đúng cũng cố mà nhẫn nhịn. Nói năng con nhớ phải chậm rãi chớ có nói bừa nghe con! Cô Thu nghe mẹ dặn, chỉ biết ôm mẹ rồi khóc thút thít. Rồi một ngày đẹp trời cô Thu nhẹ gót theo đoàn rước dâu về nhà chồng ở trên làng Phượng, ngôi làng đã từng gắn với tuổi thơ của mẹ Thu.

Chiến tranh ập đến, giặc Mỹ đã đem bom đánh phá miền Bắc, làng Phượng nằm giáp cầu Hàm Rồng cây cầu quan trọng của huyết mạch giao thông, đây cũng là mục tiêu đánh phá cả ngày lẫn đêm của máy bay giặc Mỹ, nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào Nam. Có vụ bom Mỹ rải thảm ngay xóm trên của làng, giết hại hàng chục người già và trẻ em. Cả xóm trắng màu khăn tang. Tiếng khóc ai oán thật não nùng. Cũng vào năm đó trên bến sông Tuần, khi hoa cải bên bờ bung nở, trông xa như tấm thảm với hai màu vàng trắng. Đoàn thuyền vận tải của xã bắt đầu giăng buồm rời bến, mang theo vợ chồng cô Thu cùng số hộ trong làng ngược dòng sông Mã đi xây dựng kinh tế trên phía vùng sơn cước…

Chú Tân là trai cưng của dì Ba, tuổi Mậu Tý (1948), Tân có vầng trán cao, toát lên vẻ thông minh, lanh lợi. Từ năm cấp Hai đến cấp Ba, Tân luôn là nhân tố xuất sắc trong tốp đầu về môn Toán của nhà trường. Mỗi lần đem thi báo tường, chú là chủ bút thường đoạt giải nhất hoặc giải đặc biệt mang vinh dự về cho lớp. Mỗi lần nhắc về đứa con trai của mình, dì thường kể: Ngày cụ Bạ Toản là ông nội Tân còn sống, khi tra sách phong thủy chấm lá số tử vi cụ nói: "Thằng ni rồi coi! Nếu trời cho mằn người, tương lai hắn mằn ra cơm áo gạo tiền đấy, số hấn đi ra đàng thường hay được quý nhân phù trợ, đường tềnh duyên (tình duyên) thuận lắm, rồi đây sẽ lấy được gái đoan trang hiền thục, con nhà khá giả". Vì thế dì Ba luôn tự hào và hy vọng về tương lai huy hoàng của đứa con trai yêu của mình.

Dù không qua trường lớp mỹ thuật, nhưng Tân vẽ cực đẹp, bởi một năng khiếu thiên bẩm. Tiếng tăm về chàng họa sỹ nổi lên rầm rầm cứ thế lan ra toàn xã. Trong nhà, trên bức tường long cốt, Tân vẽ những bức tranh tứ quý Xuân - Hạ - Thu - Đông theo thể tranh dân gian Hàng Trống nhìn thật vui mắt. Đầu hè là bức tranh đồng quê có cổng làng rêu phong cổ kính, bên cây đa giếng nước với mấy chú mộc đồng trên lưng trâu đang đủng đỉnh về làng, đối diện là bức tranh sơn thủy, một ngã ba sông, mờ xa là dải núi trải dài nhấp nhô uốn lượn, mấy con thuyền có cánh buồm nâu no gió. Hôm gặp Tân chỗ giếng làng, đồng chí Bí thư Chi đoàn hết lời động viên Tân, rồi khẳng định: "Đồng chí Tân đảm nhận công tác tuyên truyền Văn hóa, bằng những bức tranh cổ động cũng là hành động yêu nước, khi bàn tay cầm bút vẽ trên bờ trường của đồng chí cũng như đồng chí đang cầm cây súng trên mặt trận chống quân thù".

Những ngày tiếp đó, sau lời động viên Tân bắt tay vào vẽ tranh cổ động trên các bức tường. Tranh vẽ mấy khẩu pháo cao xạ 57 ly đang nả đạn vào chiếc máy bay thần sấm Mỹ. Chiếc máy bay bốc cháy, đầu cắm thẳng xuống mặt đất. Lại có bức biếm họa vẽ Tổng thống Mỹ đang cưỡi trên một quả bom, mũi quặp xuống hệt mỏ diều hâu, mặt xanh như mặt quỷ…

Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt. Đồng chí xã đội trưởng Nguyễn Viết Dân một hôm đầu đội chiếc mũ sắt, chân đeo dép cao su bốn quai, vai đeo lủng lẳng chiếc xắc cốt tài liệu, đi chiếc xe đạp cà tàng đến gặp Trung đội trưởng dân quân Nội Xá. Ông yêu cầu tập hợp dân quân để phổ biến kế hoạch đặc biệt. Phút chốc sau tiếng kẻng hiệu lệnh, đã thấy xuất hiện các anh chị dân quân đầu đội mũ rơm, lưng đeo vòng lá ngụy trang, vai mang súng trường, người không súng thì mang cây gậy tre dài quá đầu người, đầu gậy quấn một đoạn dây thừng dự phòng để được bắt trói phi công nhảy dù. Giọng đồng chí xã đội Dân vang lên lúc trầm lúc bổng lúc dõng dạc: "Thưa các đồng chí! Xã đội ta vừa nhận công văn khẩn của Huyện đội, công văn thông báo các ngày tới là ngày cao điểm đánh phá của máy bay Mỹ, chúng ta cần có kế hoạch hợp đồng tác chiến giữa dân quân địa phương xã ta, sẽ sát cánh cùng đại đội pháo cao xạ 57 ly Đồng Đá, khẩu đội 37 ly phía Bãi Khô. Các trung đội dân quân trong xã kịp thời tổ chức phân công trực chiến 24/24 giờ, cương quyết không để bị bất ngờ khi máy bay Mỹ ập tới. Trong tư thế nghiêm trang, chất giọng dõng dạc ông Dân đọc tờ Quyết định của Huyện đội về việc kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Tân vào tổ Quân báo thuộc dân quân của xã và nhấn mạnh: Với trung đội ta đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trong. Ông nhiệt liệt biểu dương những tấm gương điển hình của đoàn viên thanh niên về phong trào "Ba sẵn sàng" cùng toàn thể chị em phụ nữ làng Nội Xá làm tốt phong trào "Ba đảm đang" hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. Cả trung đội được dịp vỗ tay rầm rập.

Một sáng nơi đồng quê yên bình, bỗng hiệu lệnh báo động, tiếp theo là tiếng còi rú vang lên kéo dài từ phía trận địa pháo cao xạ Đồng Đá, rồi tiếng kẻng báo động của dân quân Nội Xá thông báo có máy bay Mỹ sẽ ập đến. Điểm hỏa đầu tiên là tiếng súng từ pháo cao xạ 37 ly của khẩu đội bên phía Bãi Khô, tiếp theo đến các tiếng nổ đanh thép, giòn dã từ các khẩu pháo 57 ly từ phía trận địa Đồng Đá, rồi tiếng súng trung liên, súng trường của dân quân địa phương. Tiếng gầm rú của máy bay tầm thấp, âm thanh rít lên như xé toạc bầu trời. Loạt bom đầu tiên từ trên trời ném xuống làm rung chuyển mặt đất, những cột khói đen ngòm kéo theo bùn đất tung lên không trung. Khói bom, khói súng đạn đặc quánh bỗng chốc bao trùm cả một vùng rộng lớn. Có tin khẩn cấp báo về, một khẩu đội pháo cao xạ 57 ly Đồng Đá bị trúng bom địch, đã có hy sinh và thương vong. Nhận được lệnh chiến đấu, chú Tân lập tức vác cây súng trường xông thẳng ra phía trận địa để chi viện cho bộ đội. Khi đến rìa làng phát hiện thêm một chiếc máy bay từ trên độ cao đang bổ nhào xuống cắt bom. Lập tức Tân dương súng, ngắm trúng vào đầu chiếc thần sấm đang bổ nhào bóp cò. Cùng giây phút đó hàng loạt bom bi, bom dứa đồng loạt trút xuống ngay chỗ chiến hào Tân đứng. Một tiếng nổ chát chúa của quả bom bi mẹ, rồi tiếp đó là hàng trăm quả bom bi con bung ra. Chú Tân bị trúng bom, ngã gục ngay bờ công sự, cây súng trường rơi xuống lòng hào, máu từ trong tai, trong lồng ngực trào ra, ướt đẫm chiếc áo màu xanh công nhân, trên nắp túi áo ngực trái là chiếc huy hiệu đoàn viên, phía trong túi áo là thư tình của người yêu có lẽ chú Tân vẫn chưa kịp đọc, phần trên của bức thư ấy đã nhuộm đỏ máu tươi. Chú Tân đã anh dũng hy sinh, hôm ấy là một ngày chớm thu năm 1968, khi vừa tròn hai mươi tuổi. Chú được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sỹ. Tập thể đoàn viên thanh niên, dân quân địa phương đã phát động phong trào "Học tập tấm gương chiến đấu dũng cảm quên mình của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tân".

Cũng từ ngày ấy, thương nhớ khôn nguôi người con trai độc nhất đã hy sinh, dì tôi bỏ ăn, bỏ làm, mỗi ngày một hao mòn héo hon, người dì queo quắt. Dì bị dính căn bệnh viêm phổi, có những đợt ho liên khúc, ho rũ rượi, ho đến khi toàn thân người dì mềm nhũn như con cá khoai trông thật tội nghiệp. Thương dì, con gái, con rể, các cháu hết lòng tận tâm chạy chữa, đi khắp nơi trong nam ngoài bắc, đem về các loại thuốc đông tây nam bắc đủ cả, nhưng tất cả đều vô vọng với căn bệnh quái ác của dì.

Lại nói lão chồng của dì, một năm lão chỉ vài lần đáo qua nhà. Lão có thân hình cao to, sức khỏe nổi trội, có thể cặp nách cả hai bao xi măng chạy băng băng một lèo mà không thèm nghỉ. Từ năm người cha bỏ về trời, kinh tế gia đình dì mỗi ngày một khánh kiệt. Vào một hôm, đợi lúc nửa đêm, lão dắt trộm con bò, một tài sản quý giá nhất còn lại trong nhà rồi bí mật đem bán cho lò mổ trong thị xã, khi có số tiền dắt túi cũng từ ngày đó lão trở thành kẻ lang bạt kỳ hồ, hết miền cao đến miền thấp, hết miền trong ra miền ngoài. Lão tham gia vào các sòng bạc, những cuộc chơi đỏ đen. Khi cuộc chơi cháy túi tàn canh, thấm thía phận bèo dạt mây trôi, lão vay mượn cả lọc lừa rồi lấy nghề chạy xe ngựa nuôi thân, tháng ngày nhong nhong trên các xa lộ. Cứ mỗi lần lão mò về nhà lại sinh tình tắc tệ, rượu uống thật say rồi giở trò đánh đập dì Ba rất dã man. Dì bị lão hành hạ với những trận đòn đau đớn, có lần dì bị lão ta dùng cả đòn gánh để phang dì, có trận lão đánh dì đến ngất xỉu. Dì sập xuống thật thê lương.

Từ ngày chú Tân hy sinh dì Ba vẫn âm thầm sống cảnh đơn thân, nhưng vẫn chưa chấm dứt sự hành xử đau đớn của lão chồng tệ bạc, độc ác vô nhân tính. Lão dã tâm phản bội tình nghĩa phu thê tay ấp má kề kể cả tình phụ tử. Khi lão ta lấy được bà vợ hai trên tận huyện Vĩnh Thạch, mấy năm liền gặp cảnh vợ ốm con đau không làm ra đồng tiền, nhân cơ hội sau ngày chú Tân mất lão đã ngang nhiên đem vợ con mụ hai về làng, rồi đoạt trắng ngôi nhà của dì đang ở.

Đắng lòng với số phận, dì tôi bỏ lại phía sau tất cả. Năm đó dì đi chỉ mang vài bộ quần áo và tấm di ảnh của chú Tân (Liệt sỹ Nguyễn Văn Tân), người con trai độc nhất, ngược miền núi dì lên ở với gia đình con gái, cùng bầy cháu ngoại. Dì Ba cũng từ đó âm thầm sống tiếp phần còn lại của nỗi đau nhân thế. Từng ngày dài đằng đẵng, những đêm thâu lạnh lùng, dì vẫn tiếp tục chống chọi sự hành hạ của cơn ho dai dẳng ập đến.

Cho đến một ngày, tại chốn sơn cùng thủy tận, nơi có bóng hình dì tôi neo đậu, từng đợt gió lạnh tràn về rét như cắt da, mưa phùn đầy trời, hạt mưa li ti như bụi phấn rắc trắng xóa xuống trần gian, trên một cành cây đại thụ đầu làng chỉ còn sót lại chiếc lá vàng cuối cùng, sau làn gió nhè nhẹ chiếc lá đã lìa khỏi cành rồi rơi về phía gốc. Dì Ba, người em gái thứ ba của mẹ tôi, một người khổ hạnh, một đời mang nỗi đau của nhân thế cũng đã trút hơi thở cuối cùng sau cơn ho dữ dội. Dì đã trở về miền cát bụi vào ngày đầu tháng Hai năm Ất Sửu, thọ Bảy mốt tuổi…


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận