ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 18/04/2023 08:34

Truyện ngắn "Cô giáo dạy môn Sinh" | Trần Đoan Trang | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Cô giáo dạy môn Sinh” của tác giả Trần Đoan Trang qua giọng đọc của Huyền Linh.

Tôi tên là Hùng, con trai một nhà nông nghèo ở vùng đồi đất cằn pha sỏi dăm màu nâu xỉn. Cái giàu nhất của quê tôi có lẽ chỉ là những lối mòn chằng chịt len lỏi giữa những đồi sim, mua mọc hoang, thân cành khẳng khiu, quả thì bé tí hin, và ăn vào đâu, họng bị chát ngít đến đó. Mãi năm đầu cấp 3, tôi mới được sắm một chiếc xe đạp địa hình do lúc nông nhàn cha tôi đi làm phụ hồ ngoài thị trấn huyện mà có. Mỗi ngày đến trường, đạp xe đi về gần hai mươi cây số trên con đường liên xã lạo xạo sỏi vụn và bụi đỏ quạch, tôi nung nấu quyết tâm, sau này phải cố trở thành một nhà thổ nhưỡng học tài năng, hay một kỹ sư thủy lợi thật giỏi để cải tạo vùng đất quê nhà thành ruộng vườn phì nhiêu có thể trồng được lúa cao sản, rau màu và cây ăn quả lưu niên cho thu hoạch bốn mùa. Nhưng rồi, một lần mẹ tôi đau ruột thừa phải cấp cứu, suýt nguy tính mạng, tôi lại thấy mình cần phải trở thành một bác sĩ giỏi, không những thế còn phải đủ lực mở được một phòng khám tại chính quê. Ước mong đó của tôi như càng được chắp cánh khi tôi đọc sách, thấy kể có một vị tiến sĩ người Đức tên là An-bớt Svay-dơ (Albert Schweitzer). Ông này tuy đã ở tuổi ngoài bảy mươi mà vẫn nộp đơn thi vào trường Y để ba năm sau đó có được tấm bằng bác sĩ. Ông đã bán hết gia sản cùng người vợ đi mở bệnh viện tận châu Phi, chữa bệnh cho dân nước Ga Bông, cứu được hàng chục ngàn người dân nước đó. Tôi vô cùng thần tượng vợ chồng vị tiến sỹ - bác sĩ có một không hai An-bớt Svay-zơ và cứ tự động viên rằng, người ta hơn bảy mươi tuổi còn dám dấn thân, mình mới mười sáu, mười bảy tuổi đang chuẩn bị vào đời, tại sao lại không dám nuôi một hoài bão lớn?

Thế nên tôi thấy phải học môn sinh học cho giỏi. Sang năm lớp 11 tôi càng tập trung cao độ cho môn học này. Ngoài mục đích đã "nung nấu", tôi cố học giỏi còn vì rất thần tượng cô giáo dạy sinh kiêm chủ nhiệm lớp. Cô tôi tên là Từ Thị Thanh Liêm. Ở trường học trò gọi là cô Thanh Liêm để phân biệt với cô giáo dạy văn, Ngọc Liêm; còn các thầy cô thì hay gọi là cô Liêm sinh. Cô Thanh Liêm mới ngoài hai mươi tuổi, nghe nói ra trường dạy ở quê được gần ba năm thì tình nguyện chuyển lên miền núi, dạy ở trường tôi. Cô rất xinh đẹp, xinh đẹp vẻ khỏe mạnh, duyên dáng, tự nhiên chứ chẳng thấy có trang điểm gì, nụ cười của cô đầy sức lôi cuốn nhưng vẻ mặt lại nghiêm nghị một cách khác thường. Cô tôi còn giỏi tiếng Anh, bằng chứng là tôi thường thấy thầy Lê Bo, thạc sĩ, chủ nhiệm bộ môn sinh - thể (sinh học và thể dục) hỏi cô về từ mới tiếng Anh và nhờ cô phát âm mẫu, đặt câu hỏi mẫu.

Cách dạy môn sinh của cô Thanh Liêm thiên về thực hành với tỷ lệ 20/80, nghĩa là thời gian học lý thuyết 20%, số còn lại là thực hành; thực hành ngay tại lớp học hoặc ra vườn trường. Cô cũng hay mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa cho học trò bằng những câu chuyện sinh học thuộc loại bổ ích và lý thú. Cùng với đó, cô dạy thêm kỹ năng cho những ai thích thú việc chế biến các món ăn, làm bánh, cắm hoa. Nhiều bạn nữ trong lớp gọi cô là mẹ, là má, xưng con… Được là học trò môn sinh của cô Thanh Liêm, tôi còn rất lấy làm sung sướng là không phải học thêm. Khi có một bạn nào đó trong lớp "đòi" cô dạy thêm kiến thức cho môn sinh học như một số môn học khác thì cô vui vẻ trả lời, mọi kiến thức đủ để đi thi đúng với chương trình học, cô đã dạy đầy đủ trong bài giảng, còn kiến thức cần cập nhật cho khỏi bị lạc hậu với sinh học hiện đại thì cô cũng đã kết hợp trong phần cuối của các tiết học.

Là chủ nhiệm lớp cô luôn thân mật, gần gũi học trò. Chỉ trong một tháng rưỡi đầu năm học cô đã đến thăm từng nhà học sinh trong lớp. Mẹ tôi kể, hôm họp phụ huynh, cô nhận xét kỹ lưỡng về từng mặt của học trò, dù hơn kém có khác nhau nhưng đứa nào cũng được cô dành cho một lời động viên khiến các bà mẹ đi họp đều có chút vinh dự đã đẻ được con khôn... Riêng tôi được cô khen là một học trò nhanh nhẹn hay đặt ra những câu hỏi nghịch lý, tuy bị bạn bè trong lớp gọi là "Hùng hay cãi, Hùng phổi bò" nhưng đó không phải là sự cãi hỗn hào, bốc đồng mà là thể hiện sự ham tìm tòi hiểu biết kiến thức. Tôi thần tượng cô Thanh Liêm còn vì một lẽ nữa là cô được thầy thạc sỹ Lê Bo đặc biệt quý trọng. Hai người đi bên nhau đẹp đôi như một cặp minh tinh màn bạc của phim thời thượng Hàn Quốc. Ở trường tôi, mỗi khi có sự kiện gì lớn thì hai thầy cô là một cặp MC hoàn hảo. Ngay từ đầu học cấp 3, tôi đã có lúc tự vênh mặt vì được thầy Lê Bo khen là có năng khiếu thể thao. Tôi không phải loại cao to và có cặp giò dài nhưng với môn chạy thể dục, dù cự ly ngắn hay dài, tôi đều về đích sớm nhất. Quý tôi nên thầy Lê Bo hay truyền cho tôi bí kíp để có bộ giò kiểu đùi ếch và bộ ngực như ức chim bồ câu. Mỗi lần như thế tôi nghe như nuốt từng lời vì thầy có một body lý tưởng khó mà chê được ở điểm nào. Body thầy tôi hoành tráng đến mức, trong một tiết học về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, tôi thắc mắc hỏi cô giáo dạy văn, Ngọc Liêm về nhân vật Từ Hải, rằng làm sao mà thân thể con người ta có thể đạt tới: "Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao"?  Mười thước cao là bao nhiêu mét?".  Cô giáo dạy văn giải thích, đó là cách miêu tả ước lệ của nhà thơ trong thi ca cổ, còn ở ngoài đời, người có dáng vóc như thầy Bo trường ta cũng có thể là một Từ Hải tái thế, một người có "lưng mười thước cao"

Không những là một thanh niên đẹp trai, thầy Lê Bo còn khá biết ăn chơi, tài tử ga lăng. Thầy thường cưỡi "con" Suzuky hai ống xả màu huyết dụ, vai đeo chếch khẩu súng thể thao nòng dài lên huyện miền núi phía trên có rừng rậm để đi săn vào các ngày nghỉ. Trong không gian của một ngôi trường miền cao, tọa chênh vênh ở vùng bán sơn địa có con suối cạn cũng nghèo nguồn nước; đi xuống đi lên, đi vào đi ra toàn leo dốc, xuống dốc thì một người như thầy Lê Bo thật sự là của hiếm; cô giáo dạy môn sinh đẹp cỡ hoa khôi như cô Thanh Liêm lại càng là của hiếm. Từ hôm nghe tôi kể về cái đầm hoang cách làng tôi hai cây số về phía dưới có nhiều loại cò, vạc, bồ nông, chim cốc… trú ngụ, thầy Lê Bo chuyển địa bàn đi săn về phía đó. Có hôm thầy mang cả một chùm đến bảy, tám chú bồ nông vừa bắn được vào nhà tôi, nhờ mẹ tôi làm món để cùng cha tôi nhắm với rượu sim hạ thổ gia truyền. Đương nhiên là trong các bữa nhậu như thế, tôi trở thành một tiểu bảo nhanh chân nhanh tay, được việc và càng lúc càng đáng mặt một đệ tử đúng nghĩa với người thầy mà tôi kính phục, thần tượng.

Do vậy, tôi rất lấy làm bực tức khi có người nào trong trường nói mỉa rằng, thầy tôi chỉ là một thạc sĩ ném lựu đạn gỗ. Đã có lần, vì không thể đừng được, tôi hỏi thẳng thầy Lê Bo, tại sao thầy lại bị cái danh xưng cực kỳ mạt sát ấy. Thầy tôi chẳng hề tỏ ra phật ý mà còn cười lớn rồi kể hết với thằng đệ tử hiếu kỳ là tôi rằng, ban đầu thầy chỉ tốt nghiệp cao đẳng thể thao với bài thi tốt nghiệp về cách làm sao ném lựu đạn gỗ cho xa và trúng đích trăm phần trăm. Ra trường, thầy xin lên dạy ở vùng cao miền núi. Gặp lúc thiếu giáo viên môn thể dục cho hệ phổ thông trung học nên thầy được điều về dạy ở trường tôi. Sau đó, thầy phải mất năm năm, hai năm học đại học tại chức, ba năm làm học viên cao học và bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sỹ mà thầy nâng cao về cách thức làm sao để ném lựu đạn gỗ và các vật thể ném khác cho xa và trúng đích. Vì thế, những kẻ hẹp hòi, tầm nhìn chỉ mức ếch ngồi đáy giếng đã gọi thầy là thạc sĩ ném lựu đạn gỗ. Kể xong thầy lại cười lớn, thoải mái nói:

- Thầy theo cách sống KMN, tức là kệ mẹ nó. Cờ bạc ăn nhau về cuối, sắp tới thầy sẽ nghiên cứu đề tài: Cách nuôi cá trê trong bể cảnh, không ăn cả năm vẫn sống khỏe. Thầy quyết tâm phải trở thành một chuyên gia sinh học để không bị cô chủ nhiệm của Hùng coi thường đấy.

Tôi khẳng định: 

- Em thấy là cô Thanh Liêm luôn kính trọng và tình cảm với thầy.Thầy Lê Bo lắc đầu rồi nói vẻ trải lòng:

- Hùng chưa biết đâu, thầy yêu cô chủ nhiệm cậu nhiều lắm nhưng chỉ là tình yêu đơn phương từ phía thầy thôi. Thầy bị số tử vi cô đơn.

Nghe giọng tâm tư của thầy Lê Bo, tôi thưa tiếp: 

- Em thấy thầy cô đẹp đôi nhất trường ta đấy ạ! Em cũng thấy cô Thanh Liêm có vẻ quý thầy mà.

Sở dĩ tôi phải nói ra câu đó là vì, những hôm trời mưa rét bất thường, hay bị hỏng xe, phải ở lại trường, tôi được thầy Bo cho ăn, cho ngủ ở phòng thầy. Mỗi lần như thế, sáng ra, tôi thấy thầy đã dậy từ lúc nào, tay xách hai thùng nước từ suối lên đổ vào cái phuy trước cửa phòng cô, rồi thầy còn tưới cây, tưới hoa trong cái sân nhỏ mà cô tôi chăm còn hơn cả chăm con mọn. Có lần, tôi bắt gặp cô Thanh Liêm nói lời biết ơn thầy Bo, còn ánh mắt thầy thì nhìn cô thật xao xuyến, thật hút hồn…

Nghe tôi nói thế, giọng thầy Bo bỗng bùi ngùi: 

- Cô Thanh Liêm chưa có tình cảm gì với thầy đâu, Hùng ạ. Thầy đã theo đuổi bằng hết cách rồi, từ tâm hồn lãng mạn đủ thứ mây vàng, mây trắng, mây xanh lẫn vận dụng cơ bắp xách nước, trồng cây, dọi mái nhà, sửa cột cổng… nhưng cô chủ nhiệm xinh đẹp của cậu vẫn "trơ như đá, vững như đồng!". Tuần tới thầy phải dùng một kế thật cao tay và cần Hùng cùng phụ huynh dưới quê hợp sức thực hiện thì may ra mới có thể hàng phục được thần tượng đẳng cấp năm-bờ-oăn (number one) này….

Thầy Lê Bo vừa nói đến đó thì thấy ở dãy nhà cho giáo viên nữ, cô Thanh Liêm xách chiếc xô xuống lối mòn đi ra suối. Thầy liền cầm lấy cái ô lao như tên bắn đến chỗ cô. Thầy che ô cho cô, ra hiệu cho cô vào nhà cho mát, rồi thầy xách đôi thùng đội nắng đi xuống khe lấy nước. Chỉ dăm phút sau, tôi thấy lực sĩ, thạc sĩ ném lựu đạn gỗ Lê Bo, hai tay xách hai thùng nước đầy sánh cả ra ngoài, tươi cười về chỗ phòng cô Thanh Liêm…

*

Cái kế hay mà thầy Lê Bo cần tôi và phụ huynh tôi hợp tác thực hiện là vào một ngày chủ nhật, thầy đã mời được cô Thanh Liêm lên xe… Suzuky về quê tôi đi bắn chim. Trước đó vài ngày, thầy đã một mình đến nhà tôi, tiền trạm. Thầy nói cách thức đón khách quý như thế nào và nhờ riêng mẹ tôi cách vun vào cho tình yêu của thầy cô như thế nào. Do cô Thanh Liêm cũng đã vài lần đến thăm nhà tôi nên cô và mẹ tôi quý nhau lắm. Hai người thường nói chuyện hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán. Thế nên, trong buổi thầy Lê Bo đi tiền trạm, mẹ tôi tự tin, coi việc vun vào đã coi như xong rồi và bà nói để thầy hoàn toàn yên lòng bằng câu:

- Phụ nữ người ta làm điệu, làm kiêu tí tẹo để lấy lệ thôi thầy giáo ạ. Chứ người như thầy dù đến công chúa, tiểu thư cũng phải xiêu lòng đấy ạ! Cứ vững tâm lên thầy giáo nhé! 

Thầy tôi cười lớn: 

- Vâng, xin cảm ơn bác gái! Nghe bác gái nói mà cháu mát từng khúc ruột!Hôm thầy Lê Bo đưa cô Thanh Liêm về nhà tôi, mẹ tôi, sau khi trò chuyện thân thiết cùng cô thì hai người ra vườn trồng mấy khóm hoa mẫu đơn đại đóa chịu được hạn do cô mới gây giống bằng cách chiết ghép, mang biếu. Cha tôi và tôi thì lên "con" Suzuky của thầy Bo đi bắn chim ở đồng làng dưới.Cuộc đi bắn chim hôm đó thắng lớn. Thầy Bo bắn đâu trúng đấy. Tôi gọi thầy là nhà đại thiện xạ, và nịnh thêm, nếu có dịp, thầy phải đi thi bắn súng thể thao cấp quốc gia thì mới xứng tầm. Nói thế rồi, tôi xun xoe tiếp: 

- Cô Thanh Liêm mà tận mắt trông thấy phong cách đại thiện xạ của thầy thì cô sẽ choáng ngợp, sẽ còn thần tượng thầy nhiều hơn nữa!

Thầy cũng bốc:

 - Nếu hôm nay có cô Thanh Liêm đi cùng, thầy còn hạ thêm được mươi chú vạc nữa!Đoàn đi săn chúng tôi hồ hởi về nhà với một tải chim nặng đến gần chục ký. Khi tôi lôi đám chim vạc "chiến lợi phẩm", con đã chết con còn ngắc ngoải trong máu đỏ lòm từ cái tải da rắn bỏ ra sân thì cô giáo tôi tái mặt đi, vội đưa tay chen ngực rồi đổ xuống người mẹ tôi.

Cả nhà tôi cùng thầy Lê Bo cuống quýt đưa cô vào nhà để sơ cứu. Một lúc sau cô tỉnh lại nhưng kêu mệt và xinphép cha mẹ tôi, gọi taxi về trường.Thầy Lê Bo đòi cách mấy cô cũng không cho thầy chở cô bằng xe Suzuky hoặc ngồi cùng taxi… tháp tùng theo cô.

Buổi liên hoan để mừng thắng lợi chuyến đi săn trở nên gượng gạo, buồn chán. Khi thầy Lê Bo hỏi mẹ tôi đã "khai thác" được gì trong việc thực hiện kế lớn của thầy về chuyện tình yêu của thầy với cô thì mẹ tôi phải thú thật là cô Thanh Liêm chưa có ý lấy chồng.

Nghe đến đó, thầy Lê Bo bỗng gằn giọng lên đầy vẻ bất cần: 

Vậy KMN đi bác gái ơi! Cháu mời bác giai, mời hai bác ta cạn chén! KMN đi!Trong lúc thầy Bo và cha tôi cạch li với nhau, mẹ ghé tai tôi hỏi

- Thầy giáo con nói ka-mờ-nờ là có nghĩa gì?

Tôi cũng ghé tai mẹ đáp cực nhỏ:

 - Là kệ mẹ nó, mẹ ạ. Thầy giáo chắc đang tức khí lắm, mẹ đừng nói thêm gì nữa nhé!

Bữa nhậu đó thầy Lê Bo uống nhiều và say lắm. Thầy ngủ mê mệt từ quá trưa đến tám giờ tối mới dậy và đòi chạy Suzuky về trường. Sợ thầy rủi ro dọc đường, cha mẹ tôi phải cử tôi đi theo thầy.

Hai thầy trò về đến trường thì thầy Bo mang thịt vạc nướng và bánh đa vừng đến phòng cô Thanh Liêm phần cô nhưng cô kêu vừa mới ăn xong và ôm chăn gối sang phòng một cô giáo trẻ khác ngủ nhờ.

Thầy Bo chán chường về phòng mình nhậu tiếp và nghêu ngao hát rồi hét ầm ĩ cả lên. Bảo vệ nhà trường vào khuyên can mãi thầy mới chịu đi ngủ. Sáng hôm sau mãi chín giờ thầy mới dậy. Đó là lần đầu khi ở lại trường, tôi không thấy lực sĩ thể thao Lê Bo mang đôi thùng đi xách nước về đổ vào cái phuy trước nhà cô giáo dạy môn sinh, xinh đẹp của trường tôi.

*

Một lần trong tiết học môn sinh, cô Thanh Liêm giảng mở rộng về một loại hoóc môn mới có tên gọi là Auxin, hồi đó loại hoóc môn này nghe còn lạ tai và chưa có trong sách giáo khoa. Là đứa trò hay tò mò nghĩ ngợi, tôi đứng lên hỏi cô, hiện tại trong sinh học đã có loại hoóc môn đó chưa? Cô tôi bảo, đã có nhưng chưa được đề cập đến cơ chế tác động và tính ứng dụng trong thực tế. Tôi hỏi thêm như kiểu gạ để cô nói rõ hơn nữa và khẳng định là nó có thật chưa hay mới chỉ là dạng còn nghiên cứu tìm kiếm? Cô tôi chưa kịp trả lời thì trống vang hết tiết học. Cô hứa sẽ trở lại đề tài vào một dịp, có thể. Vẫn chưa thỏa sự hoài nghi, tôi đem suy nghĩ của mình hỏi thầy thạc sĩ, tổ trưởng bộ môn Lê Bo. Thầy lắc đầu bảo, chưa hề nghe thấy nhưng để tôi tin hơn, thầy giới thiệu tôi đến hỏi một cô giáo khác có thâm niên dạy môn sinh lâu năm nhất của trường. Cô giáo này nghiêm nghị, bảo tôi, em cứ học các hoóc môn thông dụng trong sách giáo khoa đi, những thứ còn ở chân trời, góc bể hỏi vội, học vội làm gì?

Tôi tưởng sự việc chỉ dừng ở đó và tôi sẽ được giải thích rõ hơn khi có dịp như cô Thanh Liêm đã hứa. Nhưng rồi ngay sau đó, có tin đồn, cô chủ nhiệm chúng tôi làm hoang tưởng học trò bằng những kiến thức không có trong chương trình học. Tôi được thầy tổ trưởng sinh thể, Lê Bo gọi lên viết bản tường trình. Thầy cũng hỏi rất kỹ xem, mỗi lần cô về nhà tôi, cha mẹ tôi có biếu xén cô thứ gì không. Tôi thưa với thầy rằng, có lần mẹ tôi biếu cô một con gà mái để cô mang về cho nó đẻ trứng gây giống nhưng cô từ chối, chỉ nhờ mẹ tôi dẫn ra đồi đào hai cây sim dại mang về. Thầy bảo, thế là có chứng cứ rồi, cứ viết tình tiết ấy cho thật hay vào bản tường trình. Ít hôm sau lại có tin, cô Thanh Liêm đang phải làm bản kiểm điểm về việc nhận quà biếu của phụ huynh và đem kiến thức hoang tưởng ra mời các học trò có thiên hướng về học thêm môn sinh học.

Tôi nghĩ đó là tin đồn láo với cô tôi, tôi tìm đến cô để hỏi nhưng cô có việc gia đình đã xin về quê ít ngày từ hôm trước. Khi tuần mới bắt đầu, cô tôi vẫn dạy tiết học môn sinh một cách say sưa như mọi lần nhưng không có phần mở rộng. Khi tôi xin phép được gặp cô vào cuối buổi học thì cô đồng ý. Đúng hẹn, tôi đến phòng cô thì thấy ở hiên có một số cây đã được chiết ghép và che bạt chống nắng.

Tôi thưa với cô về tin đồn và bản tường trình thầy Lê Bo yêu cầu tôi viết. Cô buồn buồn nói: 

- Cô cũng phải làm bản kiểm điểm nhưng sự việc không phải như tin đồn đâu. Hôm nay cô chỉ muốn nói riêng với Hùng là có loại hoóc môn AIA. Cô dừng và lấy ra một tập giấy A4, rồi tiếp: "Đây là luận án tiến sĩ về nguồn gốc - cơ chế tác động và ứng dụng AIA vào khoa học đời sống. Trong luận án có viết về sự tách chiết AIA từ đỉnh chồi và từ một số loại hạt đang nảy mầm; Sau đó chuyển hóa thành chế phẩm kích thích sự ra rễ trong nhân giống vô tính. Cô dịch sắp xong rồi, rất thú vị. Cô mời em ra đây chúng ta cùng xem!".

Tôi đứng lên ra hiên, nơi có những cành giâm.

Cô chỉ vào chúng giải thích cho tôi: 

- Đây là cách cô đã ứng dụng phương pháp giâm cành hồng quế với hai thí nghiệm trong cùng một thời gian là bốn tuần. Cụ thể, thí nghiệm 1, cành hồng trước khi đem giâm đã được ngâm vào dung dịch nghiền từ mầm thóc và mầm lạc. Tiếp đến thí nghiệm 2 là giâm cành không có chồi và không xử lý dung dịch…

Theo phản xạ, tôi nhìn ngay vào bộ rễ của chúng, hai tai tôi nóng ran vì nhìn thấy thí nghiệm 1 số lượng rễ của cành giâm nhiều gấp khoảng mười lần so với thí nghiệm 2.

Được tận tai nghe mắt thấy các kết quả thí nghiệm của cô, tôi đã biết thế nào là tác động của loại hoóc môn AIA và kết quả sinh trưởng của nó. Tôi phấn chấn hỏi cô:

- Cô ơi, lúc nào cô dịch xong thì cho em đọc ghé bản luận án tiến sĩ cô đang có được không ạ!

Cô cười gật đầu nhưng khuyên tôi:

 - Em theo học ngành y thì phải cố học tiếng Anh cho giỏi, thời đại bây giờ làm khoa học, nhất là y học nếu không vững tiếng Anh thì khó mà đi xa, nếu như không muốn nói là có trường hợp bị mù chữ trong khoa học

Tôi gạ hỏi cô có phải thầy Lê Bo đang làm khó cho cô không thì cô khẽ thở dài bảo "kệ thầy ấy, Hùng ạ, mẹ em đã nói với cô, cây ngay không sợ chết đứng, thực thà là cha quỷ quái rồi mà".

Tôi không thể kệ thầy Lê Bo, vài lần tôi đã đến phòng thầy "đòi chất vấn" nhưng thấy thầy khi thì uống rượu mắt đỏ đòng đọc, khi thì cắm cúi viết gì đó, gằn giọng đuổi tôi ra.

Rồi một tin sét đánh đối với trường tôi, thầy Lê Bo bị công an triệu tập vì có đơn phụ huynh tố giác về chuyện thầy đi dạy thêm thể hình dưới huyện đã quyến rũ nữ sinh đang tuổi mười sáu để quan hệ không trong sáng.

Thần tượng thầy Lê Bo trong tôi sụp đổ, còn mẹ tôi khi biết tin này đã khen cô giáo dạy môn sinh của tôi rằng:

- Cô giáo Liêm thật biết nhìn người!

*

Tôi đã thi vào một trường đại học Y của thủ đô và khi ra trường với điểm số hạng giỏi đủ để được một bệnh viện có tiếng ở miền Trung nhận vào làm việc mà không phải chạy chọt cửa nào. Chỉ sau năm, sáu năm, tôi đã thành bác sĩ chuyên khoa cấp 2, được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa Ngoại trẻ nhất của viện.

Trong chuyên môn, mỗi khi có một ca bệnh nặng cần phải quyết định phương án cứu chữa cuối cùng, bao giờ tôi cũng đặt ra một câu hỏi nghịch lý để còn có thêm hướng giải quyết nào không?

Một lần bệnh viện nhận một bệnh nhân nhí, mới tám tuổi, là con gái cưng của một đại gia đến khám trong tình trạng thỉnh thoảng đau quặn nhẹ vùng bụng trái và đầy hơi, ăn vào khó tiêu, đi ra táo bón. Đại gia đó đề nghị đích danh bác sĩ khám cho cô bé là tôi. Khi tôi siêu âm ổ bụng bệnh nhân thì phát hiện có tổn thương dạng u hoặc polip trên thành đại tràng góc lách. Tôi tư vấn cho người nhà bệnh nhân đưa cháu bé ra một bệnh viện chuyên khoa về Nhi ngoài Hà Nội khám và điều trị sớm. Hôm sau, người nhà cháu bé từ Hà Nội gọi về, bảo rằng, các bác sĩ kiểm tra cả siêu âm lẫn cắt lớp vi tính đều không phát hiện có tổn thương bất thường nào trên thành đại tràng. Tôi có nhờ quay lại video phim cắt lớp vi tính. Xem kỹ clip, tôi khoanh tròn vị trí có u trên phim để nhờ các bác sĩ khám ngoài đó xem lại. Tuy nhiên, họ vẫn khẳng định không có u và không đồng ý cho nội soi mà giải thích để gia đình đại gia đưa bệnh nhân về nhà. Tôi phải nhờ một người bạn làm trong bệnh viện đó tác động thì bệnh nhân mới được cho thực hiện nội soi. Cuối cùng thì cũng xác định có polip đại tràng ở góc lách và bệnh nhân được cắt polip bằng phẫu thuật nội soi. 

Khi cháu bé khỏe mạnh trở lại và ra viện, vị đại gia đến nhà riêng tạ tôi bằng một lời mời mà thoạt đầu tôi tưởng mình bị nghe nhầm. Đó là ông muốn đầu tư cho tôi mở một phòng khám tân tiến. Tôi chộp ngay lấy cơ hội đó để thực hiện hoài bão năm mười bảy tuổi của mình: Mở tại quê một phòng khám, chữa bệnh.

Cũng xin nói thêm, quê tôi giờ đây đã hết nghèo, hai con đường, một tỉnh lộ và một quốc lộ mới chạy qua quê tôi theo hình dấu nhân đã biến vùng sim mua mọc nhọc nhằn dưới sỏi dăm, đất đỏ thành một thị trấn tương đối sầm uất. Ông đại gia đi thực địa để khẳng định bước chốt, có thể đầu tư mở phòng khám ở đấy hay không đã luôn miệng khen tôi, biết đón đầu một cơ hội lớn, vì cái phòng khám sắp mở sẽ là một bệnh viện tương lai khi quê tôi được nâng cấp lên thị xã trung tâm vùng phía tây của tỉnh.

*

Tôi chuẩn bị khai trương phòng khám thì nhận được tin vui, trước dịp ngày Nhà giáo 20-11, cô chủ nhiệm cũ Từ Thị Thanh Liêm của tôi sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ sinh học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tôi liền đầu trò một nhóm gần hai chục đứa là học sinh hồi cô tôi chủ nhiệm ra Hà Nội làm "cổ động viên" cho cô và đặt tiệc chúc mừng cô thành tiến sĩ sinh học.Cô tôi bảo vệ luận án khá thành công! Trong bữa tiệc tại một nhà hàng lớn của thủ đô, tôi bỗng nhận ra trên gương mặt xinh đẹp, viên mãn hạnh phúc của cô thỉnh thoảng lại xuất hiện một khoảnh khắc ngơ ngơ, ngác ngác rất lạ. Có thể cô đang bị một căn bệnh… Tôi không dám nghĩ tiếp để buổi liên hoan trọn vẹn niềm vui nghiệp học của cô.

Cuối buổi liên hoan, tôi có lời mời cùng đề nghị là, trong chương trình khai trương phòng khám ở quê tôi, tôi xin phép được khám miễn phí cho cô chủ nhiệm và các bạn học có mặt để lấy sự may mắn hanh thông và cũng là dịp tri ân thầy cô, bạn bè một thời hàn vi chưa xa. Mọi người vỗ tay rầm rầm để "tạ" lời mời của tôi. Tuy thế do công việc, hôm khai trương chỉ có cô tôi và năm bạn nhận lời mời đến khám.

Khi khám cho cô giáo Thanh Liêm, tôi cho chụp cắt lớp não thì phát hiện trong thùy não trái của cô có một khoảng không mờ mờ đường kính chừng tám, chín milimet. Thôi rồi, linh cảm hôm liên hoan mừng cô ở Hà Nội của tôi đã đúng. Bị một khoảng không trong não kiểu thế này, người bệnh sẽ hay bị mất tri giác trong tích tắc, càng về sau, triệu chứng đó càng dày hơn, lâu hơn dẫn đến mất trí nhớ cục bộ và sớm lú lẫn khi về già.

Nguyên nhân của căn bệnh này là do những sang chấn thần kinh cực đoan. Nghĩ thế, tôi thấy mình chính là một nguyên nhân gây ra sang chấn bất ngờ cho cô. Nếu như tôi không đưa thầy Lê Bo đi bắn chim, mang về cả một bị vạc sành đầy máu me ngày ấy; nếu như tôi không tò mò đến cùng khiến cô phải mất nhiều thời gian cho loại hoóc môn AIA ngày đó, liệu cô có bị sang chấn lưu lại trong bộ não một khoảng không tác hại này không?. Tôi sẽ nhận lỗi với cô bằng kiến thức môn sinh học và chữa bằng được căn bệnh có cái khoảng không tai ác ấy trong đầu cô. Tôi hứa là tôi sẽ làm được, vì như cô tôi đã dạy, không có điều gì người ta không biết, có điều chưa kịp biết mà thôi.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận