ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 18/02/2023 16:50

[Podcast] Truyện ngắn "Tiếng gọi mùa Xuân" | Từ Nguyên Tĩnh

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Tiếng gọi mùa xuân” được trích trong tập truyện “Chuyện tình bỏ quên” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua giọng đọc của Huyền Linh.

Ai trong hoàn cảnh của tôi, chắc cũng không giữ được bình tĩnh. Thà như chiến đấu ở tận miền Nam xa xôi không về được để cưới vợ, cũng đành

một lẽ. Nhưng tôi ở Hàm Rồng, bảo có lý gì mà để lỡ. Cách nhà theo đường chim bay, chỉ hơn mười cây số.

Mấy hôm trước, Lành lên trận địa khoe:

- Anh không phải chuẩn bị gì cả, về là cưới thôi.

- Em nói thế mà nghe được à, cưới xin dù là chiến tranh đi nữa, lẽ nào mình em phải lo mọi bề.

- Anh cũng đừng ngại ngần chi cả. Đằng nào thì chúng mình cũng tự nguyện đến với nhau cơ mà.

- Để mình em lo liệu, khó coi lắm.

- Em và bên nhà đã sắm mọi thứ rồi. Hoàn cảnh anh, chỉ có mẹ già, ai nỡ trách anh đâu!

*

Chuyện giữa tôi và Lành cũng thật bất ngờ. Đơn vị tôi thành lập "cụm cơ động giả chiến" vào núi Chẹt, đón máy bay bay thấp. Đinh ninh thế nào cũng tranh thủ về thăm mẹ được tí chút, nhà tôi ở gần đó mà lại. Trong đám người ra đắp công sự giúp bộ đội, ai ngờ lại gặp Lành. Tôi không nhận ra Lành mới chán chứ. Cái cô gái có nụ cười lấp lánh kia, sao cứ dõi theo từng bước chân của tôi thế. Không nhịn được mới thưa thốt.

- Em... gái ơi! Có nhận ra người quen không đấy! Cũng là nói hú họ chứ làm gì biết em là ai.

- Ôi... Anh Thoảng... anh không nhận ra em sao?

- Em là...

- Vâng! Con gái cô giáo Lanh, mà anh quên rồi ư?

- Chết thật... Anh học với cô giáo Lanh năm lớp bốn, rồi cô chuyển đi trường khác... Tôi thú nhận.

- Thế mà em biết anh đấy!

Lành kể rất nhiều chuyện, rằng cái tội tôi đá bóng trong sân trường, vỡ cả bộ ấm chén nhà trường mới được phát thưởng. Cô giáo Lanh (mẹ em đấy) bắt anh đứng úp mặt vào bảng. Em rủ mấy đứa bạn con giáo viên đến xem đến là vui. Chỉ suýt nữa tôi buột miệng ra nói: A!... có phải mấy đứa hỉ mũi không sạch, nay đã lớn chừng này. Đoán được ý nghĩ lếu láo của tôi, Lành nói luôn. Em muốn vào đại học, nhưng thương mẹ phải chăm các em nhỏ, nên đi học mấy tháng về làm cô giáo, dạy ở xã cũng tiện anh ạ!

Tôi thật bất ngờ trước sự xuất hiện của Lành, nhưng làm sao lại ngượng mới được chứ. Ít ra cũng mấy tuổi quân rồi. Có ngán gì máy bay đâu. Phải tỏ ra chững chạc của anh lính Hàm Rồng chứ.

- Anh nhập ngũ là về Hàm Rồng bắn máy bay luôn. Tôi khoe.

- Chắc anh bận chiến đấu, không mấy về thăm nhà... nên em ít gặp anh.

- Anh không ngờ lại kéo pháo về núi Chẹt, phục kích bắn máy bay bay thấp.

- Có hôm bọn em đi hái củi trên núi Chẹt, tưởng là lấy đòn gánh cũng chọc được máy bay đấy. Cứ tiếc, nếu mà có khẩu súng trường trong tay thì đã bắn rơi được máy bay Mỹ rồi.

Biết được hoàn cảnh nhà tôi, sau khi lát xong cỏ ngụy trang bờ công sự, trung đội trưởng nói đùa:

- Cô giáo Lành này...

- Dạ, có điều chi thủ trưởng cứ nói! Lành nhanh nhẩu trả lời.

- Tôi nhờ cô dẫn cậu ấy về "bú mẹ" hết đêm nay có được không!

- Thủ trưởng cứ nói đùa, em đâu còn hơi sữa nữa! Tôi trả lời ngượng ngập.

- Biết đâu, cô Lành nhỉ!

*

Đêm ở quê nhà thật dễ chịu. Đêm nay, may mắn nhất trong đời tôi. Tôi nói thế không ngoa một chút nào. Đi đánh giặc mà đặt trận địa ngay trên quê nhà, lại gặp được Lành. Tôi chưa thể biết được điều gì sảy ra, nhưng khấp khoải niềm hy vọng. Mẹ không ngờ tôi được về, lại dẫn theo một cô gái. Mẹ lúng túng đến buồn cười.

- Con đào đâu ra cô gái... thế hở con.

- Con bắt được trên đường về, mẹ ạ!

- Anh thật là... Lành đấm yêu vào vai tôi.

- Có thật không con... Mẹ hỏi dồn, tôi hiểu được lòng mẹ, mong có nàng dâu trong lúc tôi đi xa. Tôi nói đùa.

- Thật chứ mẹ! Cô gái xinh đẹp về với con rồi đấy thôi!

- Không phải đâu bác ạ! Con là Lành con cô giáo Lanh dạy anh Thoảng đấy!

- Thế cũng tốt... cô giáo! Mẹ tôi vui mừng đỡ lời.

Một tuần lễ ở trận địa nơi quê nhà kể cũng thật là lạ. Máy bay như bị vía của chúng tôi mà không hề bay thấp. Tôi có một tuần hẹn hò cùng Lành. Những đêm

bình yên ở quê nhà thật là dễ chịu. Tôi ăn qua loa cơm chiều, rồi ngồi chờ màn đêm buông xuống. Tôi mong đừng có báo động để tranh thủ ra cây gạo đầu làng đón Lành. Tôi không tin tưởng lắm về khiếu ăn nói của mình, nhưng không hiểu sao lại nói ra được những lời mộc mạc, chân thành. Đó là sau này em mới nói cho tôi biết, thực tình thì tôi run lắm. Tôi thấy Lành thật trong sáng. Không dám cả cầm tay em, sợ đụng đến dễ làm vỡ đi sự thiêng liêng mà cả hai đứa tôn thờ.

- Em ạ!... Cũng là dịp may!

- Anh bảo sao cơ! Lành hồi hộp hỏi lại tôi.

- Dịp may hiếm có... Anh không ngờ lại gặp được em.

- Anh nói điêu... nếu không gặp em, chả lẽ anh không chuyện trò với cô gái nào hay sao?

- Anh không nói thế... Thật mừng, vì em còn nhớ đến anh.

- Có biết... em không nhận ra anh nữa...

- Thì anh sẽ nhận ra em thôi.

- Còn lâu nhá! Anh bảo học với mẹ em từ năm lớp bốn cơ mà!

- Nhìn kỹ thì nhận ra ngay... em có nét gì đó giống cô giáo Lanh lắm.

- Bây giờ anh mới nói thế. Chứ lúc đó em chờ để anh gọi trước mà không thấy.

- Em cũng thông cảm cho anh... Ở nơi đông người, mà gặp người con gái đẹp như em, cứ xoắn xuýt lấy liệu có được hay không?

- Anh cứ nói điêu... Lỡ có người khác họ bắt chuyện với em... Rồi em "bơ" anh đi, không chuyện trò với anh nữa thì sao nào.

Thú thật, nghe Lành nói thế tôi cũng buồn lắm. Nhưng chả lẽ lại thú nhận cái điều không có thật đó.

-Không đời nào! Cái duyên số nó bày đặt mất rồi.

Những ngày sau đó thật đặc biệt. Tôi nói đặc biệt bởi chưa từng bị ai làm cho mình phải quyến luyến, mất ngủ như thế. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng đón máy bay lợi dụng núi Chẹt, bay thấp vào đánh lén Hàm Rồng, cũng không bận bịu gì. Cũng có thể tôi được chiếu cố, lấy cớ chuyện trò với Lành. Hầu như những người lính cũng "tâm lý" chào hỏi qua loa, rồi lảng đi nơi khác để mặc tôi và Lành trò chuyện. Nhưng tôi biết, tai họ lắng nghe xem có động cựa gì không. Lúc Lành ra về, họ quây lấy tôi, quan sát tôi như người ở hành tinh khác tới.

- Có bắt được "mục tiêu" không?

- Sao không nói thẳng ra, có hơn không?

- Lúc không có em thì nói hươu nói vượn, gặp rồi thì không mở được miệng ra.

- Cũng không thể vội vàng hấp tấp được... Có cậu còn khịt khịt cái mũi, ra điều xem có mùi vị gì vương vấn nơi người tôi không.

Ai cũng trông cho đơn vị ở đây lâu hơn. Không phải chỉ riêng tôi mà các cô gái gánh nước chè xanh, hoa quả ra thăm trận địa. Tiếng hò ở đâu từ lũy tre làng cất lên thật cảm động.

Đến đây thì ở lại đây

Bao giờ bén rễ, xanh cây mới về

Tiếng hò đáp lại của chàng lính pháo thủ: Anh về chưa được mà về

Bức thư chưa gửi lời thề chưa trao

Mẹ tôi rơm rớm nước mắt, nói với Lành:

- Mẹ mà được con làm dâu thì quý hóa lắm!

*

Đơn vị tôi được lệnh hành quân rời núi Chẹt. Tôi không kịp về nhà chia tay mẹ và Lành. Em thổn thức, rất lo anh hành quân vào phương Nam. Lúc này có nhiều đơn vị pháo vào Nam lắm. Họ cũng dừng chân một hai hôm ở đây hoặc phà Ghép để nghi binh địch. Mẹ anh tìm đến trường, ôm lấy em mà khóc.

- Con ơi! Thoảng nó ra đi từ lúc nào, không về chào mẹ. Nó có nói được lời nào với con không?

- Không mẹ ạ! Nhưng để con đi tìm thử xem! Nói cho mẹ yên lòng, chứ biết anh hành quân vào Nam hay ra Bắc mà tìm.

Ai mách bảo mà em đạp xe ra Hàm Rồng chứ. Em hỏi ai mà biết, đại đội 2 của anh trên đồi Yên Ngựa. Em bảo, sẽ đi khắp các trận địa Hàm Rồng để tìm, không tin là mọi người không biết đại đội anh đâu. Tôi bảo lỡ như không gặp được tôi, mấy chú gà nhép em sẽ phải mang về chứ. Lành bảo, sẽ tặng cho đơn vị cuối cùng, để các anh ấy chăm sóc, sau nó lớn lên, gáy cho trận địa thêm gần gũi với làng quê.

Một buổi trưa, chúng tôi vừa choảng nhau một trận với máy bay Mỹ xong. Hố bom đỏ lòm còn nham nhở lối đi lên trận địa. Mọi người đang chăm chú vào thông nòng cho pháo. Tiếng của cậu lính đứng cảnh giới máy bay làm mọi người giật mình.

- Chú ý! Mục tiêu xuất hiện từ hướng 12!

Tôi đang định hô to: - Báo động cấp 1.

- Mục tiêu đang lên dốc trận địa! Tiếng cậu lính cảnh giới tếu.

Chúng tôi chạy dồn về lối lên trận địa. Thấy một thiếu nữ đang khó nhọc đẩy xe đạp lên trận địa. Tôi không tin được vào mắt mình nữa. Có phải Lành của tôi không. Tại sao em biết trận địa của tôi về đây mà lên tìm. Không nói không rằng, tôi chạy xuống cầm lấy ghi đông xe đạp đẩy lên trận địa trước sự ngạc nhiên của mọi người. Cánh lính thì mừng lắm, nhìn thấy em đèo theo cả một đàn gà nhép. Không để cho mọi người hỏi, Lành mau mắn giải thích.

- Em đi khắp các trận địa, có nòng pháo chìa ra khỏi công sự là vào tìm.

- Nếu không tìm thấy các anh thì sao? Một cậu lém lỉnh hỏi lại.

- Thì em vào Nam để tìm... để các anh nuôi những chú gà này, nó gáy cho vui.

- Ừ nhỉ! Hoan hô cô giáo Lành!

Đàn gà em mang ra trận địa Hàm Rồng tặng khẩu đội tôi, bắt đầu cho việc thi đua nuôi gà ở các khẩu đội. Các nhà báo viết: trận địa có tiếng gà, tôi nói đùa cùng Lành, em là chính trị viên của các anh rồi đấy. Tôi và Lành đã đến với nhau tự nhiên như thế đấy. Có cậu còn trêu: Tình yêu bắt đầu từ tiếng gà. Tôi nói đùa cùng Lành, sau này hết chiến tranh anh sẽ có một đề nghị, không gọi là núi Chẹt nữa, mà gọi ngọn núi của tình yêu có được không em! Em dụi mái tóc mượt mà vào ngực tôi, mắt rớm lệ đầy hạnh phúc.

- Em mong đến tết, anh về... chúng mình sẽ tổ chức đám cưới anh nhé.

Tôi đinh ninh, tết này chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới. Không ít cậu ở đơn vị tôi cũng tổ chức đám cưới vào dịp tết mà. Ác liệt như ở chiến trường mà còn có lệnh ngừng bắn để người dân vùng giáp gianh được đi lại thăm thú nhau nữa là.

Tôi đã báo cáo đơn vị, xin phép được về cưới vào dịp tết này. Hoàn cảnh của tôi ai mà không biết, cảnh mẹ góa con côi. Mấy chàng lính của khẩu đội lại khấn thầm, ước gì đơn vị mình cơ động vào núi Chẹt phục kích máy bay bay thấp nhỉ. Chúng ta sẽ dựng một lán ngay sát trận địa làm đám cưới cho thằng Thoảng, chỉ có nhất. Có cậu còn nói tếu, kể mà cho phép, cả khẩu đội chạy bộ, về cưới xong đưa cô dâu ra trận địa này luôn, có phải là tiện không nào?

Tôi chờ đợi từng ngày, được cắt phép về quê cưới vợ. Nếu tôi không về kịp sẽ lỡ mọi chuyện. Sự chuẩn bị của nhà Lành, rồi điều tiếng mà em phải gánh chịu. Ai bảo, lập chập vội vàng làm chi để em phải dở dang, đám cưới không tổ chức được.

Tôi cùng khẩu đội trang trí cho căn hầm giả chiến. Giấy màu thì được đơn vị phát, giấy bạc loại ra từ vỏ bao thuốc lá được cắt làm dây xúc xích căng lên cành đào chặt bên giếng Tiên. Những chùm hoa trang kim làm bằng nhiễu của máy bay thả xuống hòng ngăn

chặn ra đa của ta. Tờ báo liếp, mỗi người đều viết một bài. Hay dở gì cũng được, người có văn hóa cao hơn, thạo về thơ phú thì sửa thêm vần điệu cho trơn tru dễ đọc. Hiểu được tâm trạng của tôi hay sao mà có đến hai ba tay viết về "đám cưới mùa xuân" thật cảm động.

Mùa xuân về, em ra ngõ

Đón anh vào cùng đám cưới Mùa Xuân Dù còn chiến tranh  nhưng tình yêu của chúng mình Ta làm nên đám cưới

Chiến tranh để lại một bên Nhưng tình yêu còn gần hơn...

Tôi cũng phải viết ra điều gì đó chứ. Tôi rất sợ, có lẽ mọi người cũng hiểu điều đó. Cái riêng tư, không được làm mất đi lập trường của người cầm súng.

Hoàng hôn, núi Chẹt xa xa/Chiều ơi! Dừng lại cho ta nhắn cùng/ Dù cho xa cách ngàn trùng/Anh đây quyết chẳng thay lòng với em/ Chiều ơi! Dừng lại quê nhà/Cho ta gửi đến người mà ta yêu...

Sau này đọc lại những câu này, tôi không tin nổi đó là sáng tác của người lính.

*

Tiếng pháo đì đùng ở các làng xa dội về thật sốt ruột. Tiếng động cơ ì ầm xa gần, tiếng kẻng báo động, chúng tôi chạy về vị trí chiến đấu. Mới vừa kéo đạn nạp vào buồng đạn đã có lệnh về cấp hai. Một vài tiếng cáu bẳn của cậu nào đó:

- Cái đồ mất dạy... có vào thì đánh nhau một trận cho xong chuyện, thật khó chịu.

Lẽ nào chỉ mình tôi chịu xui xẻo. Năm nào đơn vị chả có một cậu nào đó đi phép về quê cưới vợ. Lúc mới sảy ra chiến tranh, ai cũng khư khư với ý chí, chờ đến ngày Thống Nhất mới về cưới vợ. Chả thế chúng tôi đã nói: Đứng trên núi Ngọc ta thề/ Đánh tan giặc Mỹ mới về cưới em. Nhưng đánh Mỹ có phải một ngày hai ngày mới nói thế. Chúng tôi không thể vì chiến tranh mà không mở trái tim ra đón tình yêu thiêng liêng đôi lứa được. Đám cưới người lính với cô dân quân lên trận địa tải thương, tiếp đạn. Cũng do tình kết nghĩa quân dân mà nẩy nở tình yêu đôi lứa. Chuyện Lành lên thăm trận địa ai mà không biết. Em làm cho không khí của khẩu đội tôi ấm cúng lên. Cũng từ chuyện "đàn gà khẩu đội" có khi bàn tán, chuyện tếu hết cả một phiên trực ban. Tệ thật mấy cậu nói làm Lành núp ở đâu lại nghe được, rằng mai kia hai đứa bay cũng phải cho ra đời một đàn gà nhép để đánh Mỹ chứ.

Tôi oán thằng địch, tại làm sao mà tết năm nay nó lại quần đảo không chịu để yên cho tôi về phép chứ. Tôi oán ông Cành, chính trị viên đại đội này. Chả có lý,

ông không trình bày cùng trung đoàn trường hợp của tôi, mấy bước chân về núi Chẹt là cưới vợ. Biết được sự nóng lòng của tôi mà khẩu đội trưởng cũng đập cán cờ vào vai vỗ về. Cứ kiên nhẫn mà chờ đợi xem sao, cấm cậu có ý nghĩ lếu láo đấy nhé. Là Thế này. Mấy đứa bạn cùng quê bàn với tôi rồi. Nếu không được đi phép, ngày cưới sẽ mượn chiếc xe đạp của tiếp phẩm đại đội, bí mật lai tôi về. Tổ chức đám cưới xong sẽ đạp xe về đơn vị, miễn là không để lộ ra cho đại đội biết. Thằng nào hớt lẻo cái mồm sẽ trị cho ra bã theo luật chiến tranh. Không thèm chuyện trò một năm cho bõ ghét. Nhưng nếu lộ ra, tôi sẽ mang tiếng là "đảo ngũ", có đáng phải trả giá thế không. Hôm Lành đem gà nhép lên trận địa, người thì khen, tấm lòng của "hậu phương đối với tiền tuyến" nhưng ông Cành, chính trị viên đại đội, có vẻ ác cảm, nói bóng gió rằng, trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không thể ích kỷ, đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của tập thể được. Có cậu nổi đóa lên, ông ấy cưới vợ thì được, còn người lính có quan hệ không được hay sao. Ông Cành, có vẻ không thích tôi thì phải. Nhưng tại sao lại không thích mới được chứ. Chuyện tôi và Lành, nó đến một cách tự nhiên, có làm gì ảnh hưởng đến chiến đấu đâu. Hay tôi nhạy cảm mà nghĩ quá lên đó thôi. Nhưng nếu tôi mà bỏ trận địa, về có mặt làm lễ thành hôn, lúc đó sảy ra sự kiện gì, địch vào đánh trận địa chẳng hạn, thì tội của tôi sẽ to lắm.

Anh đã rời vị trí chiến đấu. Mọi cố gắng phấn đấu của tôi sẽ đi tong. Nhưng nếu không về thì Lành sẽ làm sao đây, đám cưới mà chú rể lại vắng mặt.

Tôi rất hoang mang, có thể để tuột mất hạnh phúc mà một đời khó tìm lại được. Tôi muốn vùi đầu vào chăn, dấu đi những giọt nước mắt xót xa, hèn kém của mình. Tôi đã khóc vì không biết thổ lộ nỗi thất vọng của mình với ai, họ có thông cảm cho tôi không hay lại lên án, tôi là kẻ ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, trong lúc còn bao nhiêu người phải xa nhà, đối mặt với cái chết. Tôi không biện minh với những sự hy sinh cao thượng đó, họ ở mặt trận cách quê nhà hàng ngàn cây số. Tôi chỉ cách quê nhà chục cây số, đã chuẩn bị mọi thứ, chỉ chờ tôi về là mọi việc sẽ xong xuôi. Tôi có phải lên đường đi chiến đấu ở chiến trường xa, sẽ có em bên mẹ già, bớt đi cô đơn và hiu quạnh. Bên ngoài tiếng rì rầm của xe pháo qua cầu Hàm Rồng hành quân vào phương Nam. Những binh đoàn nối đuôi nhau, được hành quân giữa ban ngày, vẫy chào những trận địa pháo giữ nhịp cầu Hàm Rồng anh hùng. Có tiếng hò đâu đó từ con thuyền ở bến sông Mã:

Anh đi đánh giặc nơi xa Ruộng vườn năm tấn quê nhà có em

Tôi đã đếm từng ngày, chờ đợi phút giây về làm lễ cưới. Nhưng chỉ tuyệt vọng, tại sao lại đối xử với tôi

như thế chứ. Ngay cả ông Cành, chính trị viên đại đội, không nói với tôi một tiếng, dù là lý do gì đi nữa. Năm nào vào dịp tết này chúng tôi chả đón tàu xe, người hành quân rầm rập vào Nam. Dù phải trực chiến chúng tôi vẫn đón khách từ hậu phương tới, thăm chồng con, và cả dân quân lên đón tết cùng bộ đội.

Mệt mỏi và căng thẳng, uất ức làm tôi đã thiếp đi lúc nào không biết. Mấy cậu đồng hương lay tôi dậy, giọng gắt gỏng:

- Đến nước này mà còn ngủ được thì chịu cho mày đấy!

- Có ngủ được đã là phúc... mệt quá tao nằm thiếp đi...

- Dạy mau... nửa tiếng là về... cho có mặt... rồi quay về đơn vị cũng kịp đón giao thừa...

- Tùy các cậu! Tôi hoang mang trả lời mấy cậu bạn.

*

Ngồi trên gác ba ga đèo hàng để bạn chở về nhà mà tôi không yên lòng. Lỡ như đêm nay có nhiệm vụ gì hệ trọng, cơ động đi bảo vệ cho các đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu thì sao. Hoặc máy bay địch vào đánh đêm mà không có mặt, tôi sẽ là kẻ thoái thác nhiệm vụ. Cái tiếng xấu "đào ngũ", tôi biết nói sao đây. Chắc Lành và gia đình em cũng không muốn có chàng rể lại mang điều tiếng ấy. Nhảy khỏi xe chạy một mạch lên trận địa, gặp ngay ông Cành cùng trực ban, đang soi đèn pin ở sườn dốc như tìm kiếm xem có cặp đôi nào đang tranh thủ lúc "giao thừa" to nhỏ với nhau không. Thấy tôi ông Cành, tỏ ra thân thiện:

- Các cậu chuẩn bị tiết mục đón giao thừa đến đâu rồi?

- Chúng tôi chuẩn bị cũng hòm hòm rồi! Tôi trả lời vẻ rất dửng dưng. Tại sao lại tỏ ra vui mừng vì mình đã vượt qua sự yếu đuối, mềm lòng. Tôi chạy một mạch về hầm pháo. Mấy cậu lính cùng khẩu đội báo tin. Hình như có ai vừa hỏi đến cậu. Tôi nói cùng khẩu đội trưởng.

- Hôm nay, anh đừng cắt gác cho mọi người làm gì.

- Sao lại thế! Cậu cũng cần phải nghỉ ngơi chứ!

- Em không tài nào ngủ được... Chắc đêm nay Lành và cả nhà em đang bấn lên về chuyện cưới xin cho mà xem.

- Cái thằng... không cưới lúc này thì cưới lúc khác... đừng có nghĩ ngợi quá đi.

Tôi kéo mọi người vào tập tiết mục văn nghệ. Tôi hát đi hát lại bài hát đã thuộc lòng. Nói đúng hơn là tôi gào lên mới phải. Cả khẩu đội, chắc là chiều tôi mà ai nấy đều hát rất say sưa. Họ muốn đôn tôi lên trong sự

chát chúa mà tôi đang gào lên đầy vẻ thất vọng, chán chường. Tôi biết cả khẩu đội sẵn sàng chiến đấu thay cho tôi về để cưới vợ. Ai cũng thương tôi, nhưng quyền hạn của họ chỉ đến thế, chiến tranh vẫn là chiến tranh kia mà.

Đêm đó tôi đã tình nguyện gác cho mọi người. Nhưng không hiểu thế nào sáng mai tỉnh dậy lại thấy mình đắp chăn nằm trong màn. Thì ra hôm qua, đồng đội chờ cho tôi ngủ gà ngủ gật khi gác đã khiêng đặt vào trong màn. Họng khô rát, có lẽ vì hát như gào tối qua. Chắc không ai nhận ra tôi, nước mắt chảy tràn ra mặt.

Dù ngày lễ hay tết, chúng tôi đều không bỏ thói quen "làm công tác chuẩn bị trước là đánh thắng địch 50%".

Tôi đang cùng đồng đội thông nòng, thì tiếng của cậu lính cảnh giới gào lên:

- Đồng đội ơi! Có ai như cô giáo Lành đang lên trận địa đây này!

- Cái thằng sao nói đùa độc thế!

*

Lành òa khóc, ôm lấy tôi. Em nói không ra lời: - Em lại tưởng không bao giờ gặp được anh!

- Thì anh đang ở trước mặt em đây!

Lành kể cho mọi người nghe. Rằng đến giờ cưới rồi mà không thấy tôi về. Nhiều người bàn, nên hủy đám cưới đi thôi. Nhưng em nói với mẹ, rằng con và anh Thoảng đã nhất quyết lấy nhau. May quá, em tìm thấy chiếc áo của anh để lại ở nhà và cả tấm ảnh chụp với nhau hôm đi phố huyện. Em đã ôm áo và ảnh thay cho anh đấy. Tôi không dám hỏi Lành, lỡ như anh hy sinh thì sao?


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận