ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 09/10/2023 14:43

Truyện ngắn "Con tắc kè mùa đông" | Trần Thị Ngọc Lan | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Con tắc kè mùa đông" của Nhà văn Trần Thị Ngọc Lan qua giọng đọc Thùy Dung.

Mười giờ đêm. Ðiện thoại trong phòng bỗng réo vang. Hơi ngạc nhiên. Thủy vội đứng dậy khỏi chiếc bàn đang bề bộn giấy tờ sổ sách, bước nhanh tới chiếc máy điện thoại đặt cạnh cửa sổ.

Một làn gió cuối thu se lạnh phả vào đủ để Thủy kịp cảm thấy. Cô khẽ rùng mình, cúi xuống nhấc chiếc máy điện thoại lên. Mẹ cô sửng sốt. Bà mới kịp nói "Thủy ơi" thì đã khóc òa lên, chiếc máy rung rung phát những tiếng rè rè hòa lẫn với tiếng khóc cố nén của mẹ. "Bố con mất rồi!" - đột ngột mẹ nói nhanh. Thủy như người chết đứng, miệng ú ớ, ngã dựa vào tường, tai áp chặt ống nghe. Loáng thoáng đầu dây bên kia, tiếng một người đàn ông nào đó hét to vào máy, nhưng trong chốc lát, Thủy không còn nghe rõ được nữa, tay cô buông xuôi, chiếc ống nghe rơi độp trên nền gạch hoa. Cô lùi lại, lùi lại và nằm vật xuống giường. Người đầu tiên cô nhớ đến là chồng. Anh ấy đâu, sao anh ấy chưa về, lúc này cô thèm được vùi mặt vào ngực anh để khóc. Cô cô đơn biết bao, mất mát biết bao, sự tổn thất của người đàn bà hai mươi lăm tuổi! Chồng cô khỏe mạnh và đẹp trai biết bao, kiêu hãnh và giỏi giang biết bao, cô không có gì ân hận cả. Ðược rồi, được rồi, cô sẽ chờ, cô chờ... Nằm một mình trong đớn đau. Cha cô vừa mất. Không gì an ủi và bù đắp cõi lòng trống vắng của cô. Cô thiếp đi trong cơn đau tê lịm, kinh hãi, sự xuất hiện của ý nghĩ và cô chìm vào cõi mông lung mù mịt... Ðiện càng ngày càng sáng trong căn phòng yên tĩnh. Ðêm lùi dần vào khuya đã khá lâu, cô bất giác cựa mình mở mắt. Chồng cô đã về từ khi nào, vòng tay ôm thân mình cô, đôi mắt nhắm kín, hơi thở đều đều, bình yên, đã chìm sâu vào giấc ngủ. Cái tin khủng khiếp nhói dậy trong trí óc cô, cô ghì lấy chồng và òa lên thảm thiết. Anh chồm dậy, đầy lo âu, tưởng cô gặp cơn ác mộng trong khi ngủ.

Làng Dom, quê Thủy là một làng trung du nghèo khó, một tỉnh lẻ cách thành phố này 300 cây số. Ðất đá ong bốn mùa quặn khô. Mùa hạ có nhiều sấm sét và bão giông bất chợt, mùa đông dày đặc những luồng giá buốt, hắt hiu. Trồng sắn thì đắng, trồng mía thì ngọt. Thủy xa quê từ năm mười tám tuổi, về thủ đô mưu sinh lập nghiệp, bắt đầu bằng nghề thu mua giấy lộn, sau này lấy chồng thì học nghề gõ vi tính để soạn thảo văn bản và photocopy giấy tờ sổ sách cho khách hàng. Lạy giời, cần cù cũng đủ nuôi thân. Mỗi năm hai vợ chồng về quê một lần vào dịp tết, còn thì bận bịu mưu sinh. Hình bóng làng Dom ẩn hiện trong ký ức cô, lúc đông vui, trìu mến, lúc lại xơ xác, cực nghèo. Cơn giông tháng bảy ngập phăng cánh đồng, lũ tôm cá nổi nênh giữa mùa nước đục. Hàng trăm con nòng nọc nối đuôi nhau bơi theo gầu nước nấu canh. Mẹ cất gánh khoai úng lên vai, bước trầy bước trụt giữa con đường sóng trâu, suýt ngã. Ngày nghe con gái bảo sẽ lấy chồng ở thành phố, cha mẹ mừng ứa nước mắt. Cái ký ức về số kiếp cực nghèo lại đeo đẳng bám vào hăm dọa. Nói chung, Thủy rất buồn, nhưng không có gì ân hận về quãng đời đã qua...

Vợ chồng Thủy về đến nơi thì xóm làng đã quàn ông cụ vào áo quan. Trời đất thoắt nóng nhưng rồi lại mưa thối đất, nên người thân của người quá cố cũng không câu nệ gì. Miễn là gọn gàng, sạch sẽ, để cụ đi thanh thản. Vuốt mắt đã có người anh cả ở bên kia sông về. Thủy là út. Hai cụ chỉ có hai mụn con, đủ nếp tẻ, may còn chưa sứt mẻ, tuy anh trai và Thủy có mấy lần chết hụt. Lúc rơi xuống sông, lúc ngã vào bếp, khi bị bạo bệnh, tuổi thơ kinh hãi bởi rủi ro và tai họa khôn lường. Anh Trung khóc bố: "Sao bố nỡ bỏ làng bỏ nước mà đi? Bao giờ thì các con mới được đi theo bố!"... Thủy gào lên: "Bố ơi, bố sống khôn thác thiêng về phù hộ cho con cháu tai qua nạn khỏi!". Anh cả giật lùi, khóc nấc. Chồng Thủy và chị dâu rước khung ảnh còn Thủy dìu mẹ bấu víu vào quan tài chao đảo ngả nghiêng. Cái huyệt mới đào còn xâm xấp mưa đêm. Ðất đỏ vàng. Chung quanh bao nhiêu là mồ mả, cỏ cây. Mẹ ngã ngất như người bị chém ngang lưng. Ruột đứt từng khúc. Chồng Thủy quỳ xin nước mắt chứa chan, thành kính. Ngày đó, Thủy thầm vĩnh biệt người cha. Không thể nào khác được.

Mẹ Thủy, một người đàn bà sống bằng nội tâm, biết nén chịu những buồn vui trong tâm can, chỉ thể hiện ra ngoài bằng những nụ cười và ánh mắt trung tính, đặc biệt là bà luôn quý mến mọi người. Mãi sau này Thủy mới nghe những người hàng xóm kể những chuyện về bà mà cô không ngờ tới. Khi đau đớn trong lòng, mẹ thường khóc ở một chỗ nào không ai biết, khi ăn uống cực khổ, mẹ thường giấu kín bữa ăn không cho ai hay. Trong các cuộc cãi cọ với làng xóm, mẹ bao giờ cũng là người lép vế, nước mắt chảy ròng ròng và cay cực chấp nhận sự thua thiệt. Những đức tính ấy hẳn đã có từ ngày xưa nơi mẹ nhưng vì Thủy không để ý nên không nhận ra. Khi biết được Thủy bật khóc như một đứa con tội lỗi. Mẹ là thế, thật khác cô. Khi đau đớn oan ức, cô chỉ muốn gào thét và nương dựa vào một ai đó. Chồng Thủy là chỗ dựa mà Thủy đã yên chí gửi gắm và ngơi nghỉ. Bố cô qua đời, sự mất mát lan tỏa trong gia đình cô. Chồng cô dịu dàng và nương nhẹ làm Thủy ngập tràn một tình cảm biết ơn... Từ biệt mẹ ngày đó, đúng một năm sau, vào dịp giỗ bố, vợ chồng Thủy lại trở về quê. Mẹ Thủy lúc này sức đã yếu hơn. Thủy ôm lấy mẹ mà nước mắt giàn giụa. Một năm qua cô đã học tập mẹ, lúc đau đớn cô không gào lên nữa, dẫu đó là một thử thách khắc nghiệt nhất đời cô. Chỉ có mẹ cô mới đủ sức mạnh khiến cô thăng bằng và hồi sinh được sau những hẫng hụt cuộc đời.

Ðêm sau ngày giỗ bố, chồng Thủy ngủ ở gian ngoài, còn Thủy nằm bên mẹ tỉ tê trò chuyện. Thời tiết chớm đông lành lạnh, gió lùa vào khe cửa ghê ghê. Ruộng đồng im ắng, không nghe một tiếng côn trùng. Thủy ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ, quên dư âm đau xót của tuổi ấu thơ, cảm giác mà cô thường tìm về bên chiếc giường của mẹ. Bỗng từ nơi nào xa lắm vọng lại tiếng "tắc kè... tắc... tắc kè!" làm Thủy bừng dậy và toát mồ hôi. Cái âm thanh này đã lâu lắm cô không hề nghe thấy. Mặc dù trong thời niên thiếu, đã đôi lần cô nghe tiếng tắc kè kêu trong khoảng rừng sâu, chỉ có điều cô chưa bao giờ nhìn thấy con tắc kè. Tiếng kêu từ nóc nhà phả xuống gian phòng những âm thanh đều đặn và thảm thiết. Người mẹ tỉnh ngủ từ bao giờ. Mẹ mở mắt nhìn lên trần và nói:

- Con đừng sợ. Ðây là con tắc kè to đẹp và rất hiền lành, nó không quấy phá gì đâu. Nó tới ở đây đã gần một năm rồi. Từ khi bố con đi được mười hai ngày. Ðêm thứ mười ba lần đầu tiên nghe tiếng nó kêu, mẹ sợ sởn cả gai ốc, cứ thấy rờn rợn thế nào, sau đó thì quen dần, thậm chí vắng nó mẹ không chịu nổi, cảm thấy nhớ nó và lo nó bị ai bắt mất. Nhưng rất lạ, nó thường xuyên trở về. Mỗi lần đi vắng chỉ có một hai hôm. Hình như nó có duyên nợ gì với mẹ...

Thủy nhổm dậy, tròn xoe mắt:

- Thật ư mẹ, hay là bố?

Mẹ ngắt lời Thủy:

- Con đừng hỏi thế! Âm dương cách trở, biết thế nào mà nói. Nhưng mẹ vẫn tin có một nhân duyên gì đó đã đem lại niềm vui và sự vững vàng cho mẹ. Từ lâu con tắc kè đã như người trong nhà ta, có bố con chứng giám. Con thử nghĩ xem, cũng lạ chứ, sao nhiều nhà trong xóm nó không ở, lại ở đúng nhà ta? Dù thời tiết thế nào, nóng lạnh hay nắng mưa nó vẫn không đi, thậm chí có một lần mẹ lỡ phun thuốc diệt muỗi trong nhà mà nó chỉ bò lên cao tận nóc chứ không phản ứng gay gắt gì. Nhưng sau lần đó, mẹ không làm thế nữa, sợ nó dị ứng, bỏ đi. Nó không làm phiền gì mẹ, tự đi kiếm ăn và tự tìm về ngủ. Nó đi ăn vào chập tối, cứ lạch bạch, lạch bạch từ góc vườn này sang góc vườn khác... Ðồ ăn là giun dế, mối, kiến, hoặc hoa quả khô. Mẹ đã gắn bó với nó rồi, vắng nó nhiều khi mẹ không chịu nổi...

Thủy lo lắng hỏi:

- Nó chạy chậm thế, lỡ ai đó bắt nó thì sao... Con tắc kè ngâm rượu là một vị thuốc hiếm quý lắm.

- Không lo đâu con - Mẹ bảo - Ai nỡ bắt nó, xóm này ai chả biết chuyện con tắc kè nhà mình. Nhưng cu cậu cũng nhanh lắm đấy nhé, vừa thấy kêu ở đầu làng, thoắt cái đã thấy kêu xuống cuối làng. Nó lại thường đi kiếm ăn lúc chập tối làm kẻ xấu khó phát hiện. Vả lại, nếu nó có bỏ cái nhà này mà đi thì cũng là ý bề trên, nó đến rồi nó đi, cái gì của tự nhiên trả về cho tự nhiên, mẹ cũng thấy thanh thản. Nó có ở với mẹ ngày nào thì mẹ còn yêu quý và lo lắng cho nó!

- Con chưa bao giờ trông thấy con tắc kè, hình dạng nó như thế nào hả mẹ?

Mẹ ngồi dậy, nhìn Thủy chăm chú, hơi mỉm cười rồi điềm tĩnh bảo:

- Con có muốn trông thấy nó không? Con đi theo mẹ... Suỵt! Cẩn thận vào. Nhẹ nhàng thôi!

Mẹ cúi xuống xách chiếc đèn ắc-quy, vặn lên mức sáng nhất, rồi nhẹ nhàng bước tới góc buồng, nơi phát tiếng tắc kè khi nãy. Bây giờ tất cả đã lặng im. Mẹ một tay dắt Thủy, chốc chốc ngoái lại đằng sau nhìn cô bằng ánh mắt buồn vui lẫn lộn. Thủy đã tỉnh táo, hồi hộp đi theo. Tới cạnh bồ lúa, mẹ dừng lại, cô cũng dừng lại. Mẹ ngẩng đầu rất cao, mắt sáng rực ngước lên vì kèo, búi tóc muối tiêu lúc lắc, phất phơ, trán mẹ lấm tấm mồ hôi. Chiếc đèn của mẹ dựng đứng lên, tạo một luồng ánh sáng bất động trên trần nhà, Thủy nhìn vào tâm điểm đèn chiếu của mẹ. Cô thật ngỡ ngàng trước những gì trông thấy. Ðó là một con tắc kè to bằng cái bắp ngô, người bè bè, vân hoa rất đẹp, xen kẽ đen và trắng, đuôi thon thon, nhỏ đều và kết thúc bằng một chấm hoa đen. Bốn chân của nó rất đều, xòe ra hết cỡ, bám chặt vào thân cây gỗ rất nhẵn, sắc rõ như nét vẽ. Hai mắt nó mở tròn xoe, nhìn khắp không gian bao la, nhìn xuống hai người đàn bà như ngạc nhiên, như bình thản, nhìn vào bóng đêm mông lung, diệu vợi. Thủy cứ nhìn như bị thôi miên vào đôi mắt đó! Lần đầu tiên cô cảm thấy sự vui sướng kỳ diệu khi biết hy vọng vào sự giao cảm với những sinh linh bé nhỏ trên đời. Chú tắc kè nằm im rồi chú bò đi chậm chạp, thong dong theo chiều dọc của khúc gỗ, tới mép tường, bò dán cơ thể lên tường và dừng lại im lặng bất động như một miếng bìa. Mẹ Thủy đã khóc khi trở lại giường... Mẹ kể, có lần anh cả của Thủy về nhà say rượu vác gậy xua đuổi chú tắc kè, xua đuổi mấy lần, mẹ buồn lắm nhưng may là con vật có tình nên vẫn không bỏ đi.

... Ðêm ấy, Thủy còn thao thức rất lâu, sau đó thiếp đi, nhưng ấn tượng về con tắc kè trong đêm thì không hề phai nhạt.

Hôm sau, mẹ và Thủy bận bịu từ tinh mơ cho đến trưa cật. Ngày mai vợ chồng Thủy lên đường về thành phố. Chồng Thủy tay xách ná đi bắn chim trên đồi cùng với người em họ của cô, hưởng cái thú vui mà người thành phố ít có khi nào được biết. Khi từ biệt mẹ, cô dặn mẹ gắng giữ gìn sức khỏe. Bóng mẹ mờ dần sau chiếc xe sang trọng của vợ chồng cô, hòa tan vào bóng chiều tĩnh lặng.

Vài tiếng đồng hồ sau, khi trở về thành phố, chồng Thủy trịnh trọng và hoan hỉ đặt lên bàn một lọ rượu thuốc. Anh ta cười: "Lựa thời cơ mãi mới bẫy được của bà già con vật quý ngâm thuốc". Thủy nhìn kỹ: con tắc kè hoa nằm duỗi dài bất động lửng lơ trong bình... Mẹ ơi! Hình bóng người mẹ già nua, liêu xiêu trên bậu cửa và cô quạnh trong căn nhà bốn gian không người thân thích làm cô chồm lên... Chiếc bình rượu lăn xuống nền nhà bóng lộn vỡ toang, lênh láng.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận