ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 17/05/2023 15:35

Truyện ngắn "Máu rừng" | Mai Hương | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Máu rừng” qua giọng đọc của Huyền Linh.

Dòng suối Khao bắt nguồn từ bên kia biên giới, sang đến đất ta thì hòa thêm những mạch ngầm của dãy Pom Huôi hùng vĩ, chảy qua sườn núi Pù Hua bỗng gặp những tảng đá lớn chắn ngang. Ngọn nước kiêu hùng bay vọt lên không trung tạo thành dòng thác mờ mịt hơi sương, vẽ nên những ánh cầu vồng lấp lánh dưới mặt trời, rồi ào ạt đổ xuống chân núi, trải thành mặt hồ bao la thăm thẳm. Trước kia, những hộ dân ở rải rác trên các sườn núi cao, đốt rừng làm rẫy. Sau này, được chính quyền vận động, bà con quy tụ thành bản nhỏ ở mỏm núi thấp gần suối Khao, đặt tên là bản Pù Hua. Vùng đất làm nương rẫy trước kia, mỗi trận mưa lớn lại sạt trượt từng mảng, trông như những vết thương lở loét trên cơ thể người mẹ núi. Giúp dân định cư xong rồi, nhưng khôi phục lại rừng phòng hộ là một việc nan giải. Lực lượng biên phòng, kiểm lâm hàng ngày đến từng hộ dân tuyên truyền trồng cây gây rừng, cấm khai thác gỗ lậu, cấm săn bắt động vật quý hiếm.

Lâu A Pó và Sùng Thao Lênh cùng độ tuổi, lớn lên ở chòm bản Pù Hua. Pó to vậm săn chắc, có biệt tài bắn nỏ, không biết đã có bao nhiêu chim thú bị bắn hạ một khi mũi tên của hắn bay đi. Lênh thì không khỏe và bạo như bạn, nhưng chăm chỉ học hành. Trong khi Lênh gạo đùm củi vác ra phố huyện theo học phổ thông thì Pó sớm bỏ học, chỉ đến lớp 8 là cái chữ không chui vào đầu hắn được nữa. Cuối tuần, Lênh rời trường về bản, hai đứa lại rủ nhau đi rừng. Pó xông xáo, ra suối chẳng mấy chốc mà đầy giỏ cua cá, lên núi là có mật ong, trứng kiến và nhiều thứ "lộc rừng" khác. Lênh thì chẳng bao giờ "thu hoạch" được gì ngoài mấy thứ rau dại, nấm, măng. Hết ngày, hai đứa lại về tắm dưới dòng thác mát lạnh, rồi chia đôi những món quà thiên nhiên ban tặng, mang về làm bữa ngon cho gia đình.

Pó và Lênh thân nhau, nhưng lại cùng thích một đứa con gái, là Xúa. Đang tuổi nụ tuổi hoa, Xúa khiến cả hai chàng trai thầm thương trộm nhớ bởi vẻ dịu hiền, làn da trắng hồng, mái tóc kẹp hờ sau lưng như kiểu con gái dưới xuôi. Xúa mười bốn tuổi, cảnh nhà mẹ góa con côi nhưng rất ham học. Xúa ước sau này được làm cô giáo, nên dù nhà nghèo vẫn gắng đến trường. Lác đác trong bản đã có những bé gái mười ba, mười bốn tuổi được dạm hỏi, có đứa đã lấy chồng. Xúa không thích lấy chồng sớm.

Ngày xuân, bọn trẻ mới lớn rủ nhau ra bãi cỏ ở chân thác tung còn, thổi kèn lá. Hôm ấy, Pó bắt gặp ánh mắt Lênh đăm đắm dõi theo Xúa. Trong lòng Pó trào lên một cảm giác thật khó chịu. Pó lo sợ Lênh sẽ bắt Xúa làm vợ trước mình. Là bạn thân, hai đứa có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ, nhưng trong chuyện tình cảm, Pó không thể nhường.

Hôm ấy mặt trăng lóng lánh như chiếc đĩa vàng vừa nhô lên khỏi khe núi, Pó men theo lối mòn sang nhà Xúa, định bụng rủ Xúa ra thác ngắm trăng. Đi tới cây lát cổ thụ, Pó thấy Lênh khệ nệ ôm một chồng sách, cũng rẽ vào nhà Xúa. Sau đó, hai người ngồi chụm đầu dưới bóng đèn bên ô cửa sổ, Lênh say sưa giảng bài cho Xúa. Ngực Pó như có một cục gì đó đè xuống. Tự dưng Pó thấy ghét Lênh. Hắn quyết định, bằng mọi giá phải bắt bằng được Xúa làm vợ.

*

Mùa hè qua, Lênh lên thành phố học đại học. Xúa ngày nào cũng vượt cung đường thật xa, về tận trung tâm xã để học năm cuối trung học cơ sở. Xúa vắng nhà, Pó tranh thủ sang giúp mế Xúa nhiều việc.

Một hôm cuối tuần, nhà Xúa có khách, là bố con người cậu họ ở bản bên sang chơi. Sau buổi đó, mế bắt Xúa bỏ học lấy chồng. Hóa ra mế muốn gả Xúa cho người cậu họ. Đang là họ hàng, làm vợ chồng sao được?! Xúa đã được cô giáo giảng về hôn nhân cận huyết, nên nhất quyết không chịu. Mế bảo: "Mày không lấy cậu làm chồng, thì mày lấy ai để có được con trâu mộng trả cho nhà cậu. Khi xưa nhà cậu cho vay để làm đám ma bố mày, giờ chưa trả được. Trâu mẹ đẻ trâu con từng ấy năm đến giờ cũng thành một đàn rồi!" - Bố mất do bị rắn độc cắn lúc chị em nhà Xúa còn bé tẹo. Cái nghèo cứ ghì chặt, bao năm rồi mà mế vẫn chưa trả được con trâu cho nhà cậu. Xúa bảo: "Chết cũng không thể lấy cậu họ làm chồng, để Xúa đi làm thuê lấy tiền mua trâu trả cho cậu".

Pó ngẫu nhiên đi qua chái nhà, nghe được hết câu chuyện của mế con Xúa. Từ hôm ấy, Pó càng chăm chỉ sang giúp mế Xúa xay ngô, cõng nước. Một hôm hắn đánh bạo nói: "Mế cho tôi lấy Xúa, tôi giúp mế mua đền con trâu mộng cho nhà cậu!". "Mày nói thật đấy chứ?".  "Thật". "Nhưng nhà mày cũng nghèo như nhà mế mà!".

Pó đi đâu đó một tháng rồi về, mang sang nhà Xúa tệp tiền. "Mế mua con trâu trả cho người ta". Mế Xúa hốt hoảng: "Mày lấy đâu ra thế?", "Đi làm thuê cho lão Cụa!". "Chết! Mày đi phá rừng à? Lão Cụa là lâm tặc đấy!", "Bên kia biên giới, người ta không cấm phá rừng".

Pó khỏe, thạo rừng, rất được việc. Lão Cụa sẵn sàng trả trước cả năm tiền công để giữ chân gã "chúa sơn lâm" này. Bên ta cấm khai thác, kiểm lâm và biên phòng tuần tra ngặt, lão Cụa thuê bọn trai tráng sang bên kia biên giới. Dãy Pom Huôi là cái bờ giậu của hai nước, rừng liền một dải, nhưng bên này mình cấm ngặt, bên kia thoải mái khai thác, bán mua. Ngược dòng suối Khao là sang nước bạn, chỉ mất hơn một ngày, thợ chuyên đi rừng mới biết đường. Còn qua cửa khẩu thì xa lắc, đi xe khách phải đổi chuyến mấy lần.

Mế bị ốm, Xúa nghỉ học chăm mế. Mế khỏi, Xúa muốn đi học tiếp để thi lên trung học phổ thông, về phố huyện học giống Lênh trước đây. Nhưng nhà không còn gạo, Xúa phải đi làm giúp mế nuôi em. Đành buông xuôi việc học, Xúa nghĩ ước mơ làm cô giáo tắt rụi rồi. Mế thì đã lấy tiền của Pó mua con trâu trả cho cậu họ. Không nợ con trâu nhà này thì nợ con trâu nhà khác, cũng thế mà thôi. Chưa kịp lớn, Xúa đã phải làm việc quần quật trên nương. Muốn trả lại tiền cho Pó, nhưng cố mãi vẫn thiếu trước hụt sau.

Xúa đủ mười lăm tuổi. Mế giục ngày giục đêm, bắt Xúa lấy Pó làm chồng. Nhưng mế không biết rằng Xúa đã thương Lênh rồi, hai người hẹn nhau khi nào Lênh học xong đại học, Xúa đủ mười tám tuổi thì sẽ thành đôi, nên không thể nhận lời Pó được nữa.

*

Xúa mất tích sau những tiếng kêu cứu thất thanh. Khi đi một mình từ trên nương về bản lúc chập choạng tối, Xúa bị hai gã đàn ông bắt cóc. Dân bản nghe rõ tiếng kêu cứu nhưng không ai đuổi kịp. Đêm ấy, cả bản Pù Hua đốt đuốc hừng hực đi tìm người. Tiếng hú vang khắp đèo, khắp núi.

Pó cầm cây nỏ và ống tên vọt qua đỉnh thác, băng vào rừng. Nhiều lần đi săn, hắn phát hiện trong lõi rừng Pom Huôi có một cái hang. Theo dấu vết để lại, hắn biết cứ vài tháng lại có một tốp người đến ăn ở trong hang rồi đi. Hắn đoán là bọn người vượt biên, mang hàng lậu hoặc buôn ma túy.

Pó lần mò giữa rừng già tối tăm, bên trên, ánh trăng le lói qua các kẽ lá. Dân Pù Hua ít ai vào sâu lõi rừng được như Pó. Cửa hang đã ở kia, nằm cheo leo phía trên vạt đá tai mèo lởm chởm. Hắn bước nhẹ như một con báo hoa rình mồi. Vạt đá này cây cối không mọc được, ánh trăng chiếu xuống tạo một khoảng sáng tự nhiên. Pó nhảy từng bước ngắn qua các mỏm đá tai mèo rồi dừng lại quan sát. Bên trong có một đống lửa gần tàn. Hai gã đàn ông ngáy pho pho bên đống vỏ lon bia nằm lăn lóc. Một người bị trói ngồi tựa vách đá gần đó, chính là Xúa! Pó kéo dây cung. Phặp! Phặp! Hai mũi tên lao ra, cắm thẳng vào đùi hai gã đàn ông trong nháy mắt. Chúng bật dậy, rú lên, ôm vết thương lăn lộn. Nhanh như cắt, Pó xốc tới, cứa đứt dây trói cho Xúa, vác lên vai, chạy như bay ra khỏi cửa hang, nhanh chóng lẩn vào bóng đêm rừng già. Đằng sau, những tiếng súng chát chúa vang lên.

Pó đưa được Xúa về, thoát khỏi tay bọn bắt cóc người qua biên giới. Pó trở thành anh hùng trong mắt dân bản Pù Hua. Ai cũng bảo: Đứa con gái nào mà lấy được thằng Pó, là có phúc lớn!

Xúa nợ Pó không chỉ con trâu mộng, mà nợ cả một mạng người rồi. Lần này thì Xúa không còn lý do gì để cãi lời mẹ và từ chối Pó. Bạn cùng tuổi với Xúa, có đứa đã con bồng con bế, nên mế càng sốt ruột. Xúa nghĩ, thân mình như cái cối xay ngô bằng đá nặng trịch ở chái nhà kia, thớt trên thớt dưới bị đóng chặt vào nhau bằng một lõi gỗ cứng như thép, buộc với cái cần kéo và sợi dây thừng treo trên kèo nhà. Cả một đời cái cối đá cứ nặng nhọc xoay tròn, xoay tròn, hết mùa ngô này đến mùa ngô khác, dù có tìm mọi cách cũng không thể vằng ra khỏi những thứ ghì níu, giằng buộc quanh mình. Số trời đã định, dù muốn làm khác cũng không được. Xúa phải từ bỏ ước mơ học lên cao để làm cô giáo, không được quyền thương người mình thương. Xúa đành quên đi lời hẹn với Lênh, lầm lũi bước qua tuổi hoa tuổi nụ.

*

Lênh về bản thì Xúa đã canh lửa trong bếp nhà Pó, đeo xà tích bạc mế Pó sắm cho. Lênh khóc một mình trên đỉnh thác Pù Hua, nước mắt rơi xuống va vào đá, hòa vào sóng, rồi chảy lặng lặng vào lòng hồ xanh ngắt.

Lênh làm việc cho một dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc của Sở Nông nghiệp. Hàng ngày, Lênh cặm cụi trộn đất, gieo hạt, trồng những cây lát vào bầu, để mùa xuân mang lên các sườn đồi. Lênh đến từng gia đình trong bản, vận động nhiều người dân cùng làm, ai tham gia trồng rừng đều được chia tiền, phát gạo.

Xúa cũng muốn theo mọi người đi trồng cây để nhà có thêm gạo, nhưng Pó cấm tiệt. Pó sợ hai người gặp nhau, ánh mắt của Lênh lại đăm đắm nhìn Xúa như trước. Mế Xúa ốm, Lênh hái lá thuốc trên rừng mang cho, Pó cũng thấy tức trong bụng. Có lần Xúa ra suối giặt giũ, lúc nghỉ tay ngồi trên tảng đá, lơ đễnh đưa mắt nhìn về phía con dốc nơi có nhà Lênh ở đó. Pó chợt nổi cơn ghen, gây sự quát ầm lên làm Xúa ngơ ngác chả hiểu vì sao.

Qua mùa xuân, những vết lở loét trên ngực núi Pom Huôi dần xanh trở lại. Những vạt lát hoa trổ ngọn non bấn trên các sườn đồi vây quanh Pù Hua. Ngoài vận động dân trồng rừng, Lênh còn gánh vác thêm nhiều việc xã hội, giúp bộ đội biên phòng và chính quyền xã giữ gìn an ninh trật tự vùng biên. Lênh biết thỉnh thoảng Pó vẫn vào rừng đi săn, nên đến nhà vận động Pó giao nộp súng kíp cho chính quyền. Pó không nghe. Pó và Lênh vốn là bạn thân, từng chia nhau vắt xôi, củ sắn, giúp nhau mọi việc lớn bé trong nhà, giờ tự nhiên Pó trở nên lạnh nhạt với Lênh. Dù Xúa đã làm vợ Pó, nào còn tơ tưởng gì nữa, vậy mà Pó vẫn không bằng lòng, cứ ghen bóng, ghen gió.

Kiểm lâm phát hiện một con voọc xám bị bắn chết, kẻ đi săn đã kịp "bỏ của chạy lấy người". Lực lượng chức năng đi rà soát từng hộ dân ở bản Pù Hua. Pó bị tịch thu ba khẩu súng kíp tự chế giấu trên sàn gác. Trong bản ai mà chả biết Pó có súng săn, nhưng hắn cứ nhất nhất cho rằng chính Lênh là người "chỉ điểm".

Vài hôm sau, toàn bộ số cây giống trong vườn ươm của Lênh bị chặt nát. Biết bao tiền của Nhà nước và mồ hôi nước mắt của Lênh, của bà con dân bản ở đó. Lênh không thể đoán biết ai làm hại mình, vì từ trước tới nay Lênh chỉ giúp người, có gây thù chuốc oán với ai đâu! Suốt một năm đó, Lênh bạc mặt làm lại vườn ươm, gây lại giống để kịp trồng vào mùa xuân.

*

Dãy núi Pom Huôi trước kia khô trắng do đốt rừng làm rẫy, nay đã khoác lên màu áo xanh của những vạt rừng non. Con người cũng như cây cối, đều thay đổi theo thời gian. Lênh đã tìm được người vợ tốt cho mình, sinh con đẻ cái như bao trai gái khác của bản. Dù Lênh đã lấy vợ, thế nhưng chẳng hiểu sao, Pó vẫn không thôi được tính ghen bóng ghen gió, lúc nào cũng lo sợ giữa vợ mình với Lênh "có chuyện gì đó".

Pó lại theo lão Cụa đi khai thác rừng bên kia biên giới. Để Xúa ở nhà hắn không yên tâm, nên bắt đi theo. Mế Xúa ốm đau quặt quẹo, các em lớn lên đã đi làm ăn xa, lấy ai chăm mế hàng ngày. Hai vợ chồng cãi nhau. Pó gằn giọng: "Mày đòi ở nhà để tư tình với thằng Lênh à?". Mế nghe được, liền dọa rằng nếu Xúa không theo chồng thì mế ăn lá ngón mà chết. Xúa gạt nước mắt theo Lênh sang bên kia biên giới.

Pó được lão Cụa giao chỉ huy nhóm thợ vào rừng khai thác gỗ, còn Xúa ở nhà nấu cơm cho thợ. Lão Cụa trả lương cao, Pó mang tiền về cất được nhà to nhất bản cho bố mế mình, lấy nhiều thuốc tốt cho mế vợ chữa bệnh. Thế nhưng đã mấy năm trôi qua, Xúa như cái cây không quả, cứ đậu thai lại sẩy, không hiểu do ở nơi rừng thiêng nước độc hay do lấy chồng khi còn quá non nớt. Mười lăm tuổi đã làm đàn bà, cơ thể chưa kịp hoàn thiện phải sớm thực hiện chức năng sinh sản. Tuổi xuân của Xúa cứ thế héo mòn trong những tháng ngày hết bụng mang dạ chửa rồi lại sa sẩy.

Pó đưa vợ đến thầy lang Lùng gần đó chữa hiếm muộn, uống thuốc được năm tháng rồi. Nhiều người được thầy chữa cho thành công, không còn bị gọi là "cây độc không quả" nữa. Mấy hôm nay Xúa thấy trong người lạ lạ. Thầy lang Lùng bắt mạch rồi cười cười bảo: "Pó à, mày gieo cái hạt trong bụng vợ mày, giờ mọc mầm rồi, mà nghe chừng là con trai đấy!". Pó ra thị trấn mua sữa và nhiều thức ngon cho vợ tẩm bổ.

Lão Cụa giục Pó đưa hết bọn thợ vào rừng khai thác nhanh cho đủ khối lượng hàng, kẻo mưa xuống. Pó định bụng làm hết tháng sẽ xin nghỉ, đưa vợ về nhà dưỡng thai. Hắn dặn vợ chịu khó ăn uống giữ gìn sức khỏe, rồi đi.

Pó đi được vài ngày thì trời đổ mưa. Không ngờ năm nay mùa mưa bắt đầu sớm thế, lại kéo dài suốt mấy ngày. Vậy mà xưởng vẫn có khách hẹn đến xem hàng. Lão Cụa kêu Xúa làm thịt gà, chuẩn bị rượu ngon. Xúa mệt nhưng vẫn gắng sức làm.

Chuyến này khai thác khá nhiều cây to. Pó cho thợ xẻ thành từng khối, đánh dấu số lượng bằng những vạch sơn đỏ, tập kết gần bờ suối, chờ xe vận chuyển dần. Bình thường cứ nhá nhem tối là Pó theo xe gỗ về đến xưởng. Nhưng mưa giăng tứ phía, xe không vào được, đi bộ cũng khá nguy hiểm. Pó và anh em thợ phải ở lại lán giữa rừng mấy ngày rồi.

Đánh bài mãi phát chán, Pó ngả lưng xuống liếp nứa. Vừa chợp mắt, Pó gặp một giấc mơ quái đản. Hắn thấy mình cùng anh em thợ cưa một cây cổ thụ thật lớn, thân cứng như thép, lưỡi cưa cứ chạm vào là bật văng ra. Có tiếng nói từ ngọn cây vọng xuống: "Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá", cùng giọng cười ngạo nghễ vang lên như thách thức. Mọi người sợ run lên, riêng Pó không sợ. Trong đám thợ, hắn to khỏe, dũng mãnh nhất. Rừng già hai bên biên giới đều như khu vườn, mảnh nương nhà Pó. Bao nhiêu cây to đều đổ gục dưới cánh tay chắc vậm của Pó, bao nhiêu chim thú chỉ là trò chơi dưới cánh nỏ của Pó. Chưa có cây cổ thụ nào khiến hắn bất lực, dù địa hình khai thác hiểm trở đến mấy. Tiếng tăm của hắn lan khắp vùng biên giới Pom Huôi, bao nhiêu thợ rừng nước bạn cũng phải nể phục. Đứng trước cây cổ thụ ma quái, ánh mắt các bạn thợ nhìn Pó chờ đợi. Máu trong người hắn sôi lên đầy hãnh diện. Hắn bước đến, lách một đường cưa vào cái ụ lớn nhất trên thân cây. Với những người thạo rừng, chỉ cần nhìn cái ụ là biết tuổi đời của cây. Cây càng nhiều ụ, tuổi đời càng cao. Ngắm kỹ từng cái ụ, hắn biết, đây chính là "cụ" cây ngàn năm tuổi. Hắn cảm nhận một lực lớn từ thân cây muốn đẩy bật lưỡi cưa ra, nhưng đôi tay hắn ghì chặt với tất cả sức mạnh của mình. Hắn xẻo dần, xẻo dần, mỗi cái ụ bị cắt đi lại khiến cây rũ xuống, lá rụng rào rào. Hắn khoái trá phát hiện ra một bí mật: những cái ụ chính là nơi ẩn chứa tinh lực của cái cây ma quái này, chỉ cần cắt bỏ chúng, cây sẽ mất dần sức mạnh. Cái ụ cuối cùng bị cắt bỏ, ngọn cây phát ra những tiếng rên rỉ thoi thóp. Hắn bắt đầu đưa lưỡi cưa vào thân gỗ chính của cây. Cây cổ thụ bỗng trở nên đỏ lòm như khối thép lớn trong lò nung, tán lá rung giật, rít lên như có bão. Cái cây như gã khổng lồ đang vận hết sức lực để chống chọi lại đường cưa sắc lẻm, mang sức mạnh "hung thần" của Pó. Rồi cây nghiêng dần, nghiêng dần và đổ rập xuống, tạo nên tiếng động trời long đất lở. Từ chỗ gốc cụt bỗng vọt ra một dòng nước đỏ lòm, tanh mùi máu tươi, xối xả tuôn thành thác, nhanh chóng dâng lên ngực, lên cổ Pó. Ngộp thở trong dòng thác máu ấy, hắn và bọn thợ la hét, quẫy đạp, cố hết sức bình sinh để không bị hút vào cái phễu máu đỏ lòm đang quay tít…

Pó giật mình choàng tỉnh. Hóa ra nước mưa từ tấm tăng che chỗ dột bất ngờ dốc vào mặt, làm hắn sặc và ngộp thở. Vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cơn ác mộng, hắn bật dậy, vớ điếu cày rít một hơi để bình tĩnh lại. Ngoài trời mưa đã tạnh, bóng nắng le lói. Bọn bạn thợ lăn ra ngủ mỗi đứa một góc. Pó chợt thấy nóng ruột và nhớ vợ kinh khủng, bèn quyết định cắt rừng về thăm vợ. Hắn tính, nếu đi nhanh thì chắc nửa đêm cũng về đến xưởng gỗ.

*

Xúa soạn mâm xong, lão Cụa bảo: "Khách chút nữa mới đến. Thôi cho mày nghỉ, sáng mai dọn dẹp sau!". Xúa về phòng riêng, treo ngọn đèn bão lên vách, rồi ngả lưng xuống phản, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ mệt mỏi.

Chừng quá nửa đêm, Xúa giật mình tỉnh giấc. Có một vật gì đó đang đè lên thân thể Xúa. Mùi da thịt đàn ông lẫn mùi rượu và thuốc phiện phả vào mũi nồng nặc, cùng những tiếng cười khả ố khiến Xúa tỉnh hẳn. Trong ánh sáng đèn từ vách cao hắt xuống, Xúa hoảng hồn nhận ra lão Cụa cùng hai tên đàn ông khác đang đè nghiến mình xuống. Xúa vùng vẫy la hét, nhưng tay chân đã bị ghì chặt. Chúng cười sằng sặc, thay nhau làm cái việc khốn nạn trên thân thể người đàn bà đang mang thai. Giữa nơi hoang vắng, cách xa khu dân cư, Xúa không tài nào chống cự, kêu cứu cũng chẳng ai nghe. Thân thể Xúa như bị xé ra từng mảnh khi bị cả ba gã đàn ông vày vò, giày xéo. Trong cơn đau đớn đến tan nát tim gan, Xúa cảm nhận một dòng chảy nóng hổi trào ra từ cửa mình, rồi mê man bất tỉnh…

Pó phăm phăm đi bộ xuyên rừng suốt mấy tiếng đồng hồ. Không hiểu sao, bụng dạ hắn như bị cả đàn kiến lửa châm chích. Về đến xưởng lúc trăng đã chếch qua đầu núi, Pó gọi vợ không thấy động tĩnh gì, bèn đẩy cửa bước vào. Dưới ánh đèn pin, Pó rụng rời khi thấy Xúa nằm bất động, máu loang trên tấm phản gỗ. Pó hoảng hốt lay gọi, cơ thể vợ hắn mềm như cọng bún. Pó cõng vợ vượt qua lối mòn trơn trượt sang nhà thầy lang Lùng cách đó một con đèo.

Xúa tỉnh dậy trong căn phòng đầy hơi thuốc của thầy lang Lùng. Nhìn thấy chồng, hai giọt nước từ khóe mắt Xúa lăn xuống môi mặn đắng. Thầy lang Lùng bảo, chậm chút nữa Xúa sẽ mất mạng, dấu vết trên thân thể Xúa là một vụ hiếp dâm tàn bạo, chứ không phải băng huyết do thai sản. Hai mắt Pó đỏ ngầu.

Tay cầm cái phảng dài có lưỡi sắc lẹm, Pó lồng lên như con thú bị thương, xồng xộc lao tìm khắp các phòng ốc, lán trại. Lão Cụa mất tăm mất dạng. Pó điên khùng phá nát hết tất cả đồ đạc, máy móc trong xưởng gỗ. Đêm qua, lão Cụa và bầy bạn chó dái đã giết chết đứa con còn chưa đủ hình hài của Pó và bỏ trốn. Nếu Pó không về kịp thì vợ hắn cũng đã chết rồi.

Để Xúa tĩnh dưỡng đủ ba ngày, Pó xin thêm mấy thang thuốc rồi đưa vợ về quê. Món nợ máu của lão Cụa, Pó tính sổ sau.

Dòng thác Pù Hua hiện lên dưới nắng lấp lánh cầu vồng. Nhưng… quang cảnh bản làng tan hoang với những đống đổ nát! Một trận đại hồng thủy đã kéo sập, cuốn trôi hàng chục nóc nhà nơi đây. Pó lao lên phía trước, Xúa lập cập bám theo chồng. Ngôi nhà Pó mới dựng cho bố mế năm ngoái, nay chỉ còn trơ vài gốc cột. Nhìn ra xung quanh, những cột kèo, chăn chiếu, quần áo lẫn lộn với củi rều. Pó giật mình: có cả những súc gỗ lớn được đánh số bằng sơn đỏ. Không khó để nhận ra, đây chính là những súc gỗ mà hắn và đội thợ đã khai thác, cắt xẻ ở cánh rừng bên kia biên giới, xếp thành đống bên bờ suối. Những vết sơn do chính tay Pó vạch vào, không lẫn vào đâu được. Vạt rừng tập kết gỗ ấy chính là nơi bắt nguồn của dòng suối Khao ở bên kia biên giới.

Tiếng bước chân, tiếng người lao xao sau lưng. Vợ chồng Pó quay lại, nhận ra những gương mặt xóm giềng, nhưng không thấy bóng dáng người thân của mình đâu. Pó và Xúa bật hỏi rối rít: "Bố tôi đâu, mế tôi đâu, các em tôi đâu?". Chỉ có những ánh mắt đỏ quạch, rưng rưng... Pó quỵ xuống, Xúa ngất xỉu trong vòng tay những người dân bản Pù Hua còn sống sót sau lũ dữ.

Trên đỉnh thác, có một người ngồi đờ đẫn. Đó chính là Lênh. Mọi người bảo, cả nhà Lênh cũng đã bị lũ cuốn trôi mất tích. Chỉ mỗi Lênh thoát nạn vì đêm ngủ ở lán canh vườn ươm.

Đây là cơn lũ chưa từng thấy trong lịch sử hàng trăm năm qua. Mưa rừng cuốn theo cây cối, củi gỗ từ thượng nguồn suối Khao bên kia biên giới về đây, đến đỉnh thác Pù Hua thì giăng mắc vào các kẽ đá, vô tình tạo thành một con đập ngăn nước. Dòng chảy bị chặn lại, cứ thế dâng lên cao, tạo thành một túi nước khổng lồ. Gần sáng, dân bản nghe một tiếng nổ lớn như bom dội, làm rung chuyển cả mặt đất, rồi tiếng nước ầm ào gào rú. Đó chính là lúc con đập trên đỉnh thác vỡ ra, đổ ập xuống. Nhiều người còn đang ngủ, bật dậy bàng hoàng. Hàng trăm nóc nhà, hàng chục người bị cuốn trôi trong chốc lát. Tiếng gào thét, la khóc vang động núi rừng.

Pó chợt nhớ đến cơn ác mộng buổi trưa hôm ấy, hóa ra đó lại là điềm báo dữ đến với hắn. Suốt mấy năm qua, chính tay hắn đã đốn hạ biết bao cây cổ thụ đầu nguồn. Và cũng chính tay hắn chặt phá hết vườn ươm cây giống của Lênh. Hắn phá rừng già, phá cây non. Hắn đã gây thù chuốc oán với rừng. Chính hắn, không ai khác, đã khiến rừng đổ máu, làm cho cả nhà hắn cùng hàng chục người dân Pù Hua phải chết oan. Và nữa, không chỉ theo lâm tặc làm lâm tặc, hắn còn đưa vợ con mình vào móng vuốt của lão Cụa, tên quỷ già dâm dê tàn ác.

Vài ngày sau, dân Pù Hua nhận thêm một tin dữ: có ba cái xác đàn ông đầy máu me nằm rải rác trong rừng sâu, thuộc khu vực biên giới hai nước. Trên ngực các nạn nhân còn cắm những mũi tên xuyên thẳng từ trước ra sau. Tại hiện trường vẫn còn chiếc nỏ và ống tên mà thợ săn thú rừng thường dùng. Cơ quan chức năng xác định: một trong ba cái xác ấy là lão Cụa người bản Pù Hua, hai cái xác kia là người xứ lạ. Nhưng thật kỳ quặc, ngoài vết thương chí mạng trên ngực, cả hai người ấy đều có vết sẹo trên đùi, nghi là dấu vết từng bị tên nỏ bắn vào. Sau đó, người ta lại phát hiện thêm xác một người đàn ông nữa dựa vào gốc cây cổ thụ, bàn tay phải nắm chặt con dao găm, cổ tay trái có một vết cắt, máu chảy ra tưới đẫm vùng đất xung quanh. Đó chính là Lâu A Pó. Có lẽ Pó đã lấy máu mình để trả nợ cho rừng.

*

Mười năm sau cơn lũ dữ.

Bản Pù Hua đã được xây dựng lại trên một khu đất mới với những ngôi nhà khang trang, trở thành bản du lịch cộng đồng. Xa xa, dòng thác Pù Hua như dải lụa trắng, mềm mại chảy trôi về phía mặt hồ mênh mang xanh thẳm. Một ngôi nhà nhỏ nằm cô liêu ở sườn núi bên kia suối, phía trên đỉnh thác, cách biệt với khu dân cư. Ở đó có bóng một người đàn bà ngồi thêu hoa lên những tấm khăn thổ cẩm. Người ta bảo, những bộ váy áo đẹp nhất của Pù Hua đều do tay người ấy làm ra. Nhiều du khách tò mò, hỏi đường lên đó để check in cảnh đẹp và gặp gỡ "nghệ nhân thổ cẩm", nhưng thường bị dân bản ngăn lại,vì vượt qua đỉnh thác khá nguy hiểm. Người ta đồn rằng, người đàn bà chủ nhân ngôi nhà ấy vốn không bình thường, luôn sợ sệt, lẩn tránh khi gặp người lạ, nếu nhìn thấy đàn ông, sẽ la hét hoảng loạn và chạy trốn.

Ở bản Pù Hua, duy nhất một người đàn ông thỉnh thoảng vẫn theo lối mòn ngang qua ngôi nhà ấy, đi về phía đỉnh Pom Huôi nơi có cột mốc biên giới. Dọn dẹp cây cỏ quanh cột mốc xong, lúc về, ông thường cõng thêm bó củi hoặc ít măng rừng, để trước hiên nhà và lặng lẽ ra về.

Một buổi sáng, có đôi trai gái về thăm bản Pù Hua. Họ ghé thăm quầy hàng thổ cẩm, chọn cho mình bộ trang phục ưng ý nhất và hỏi thăm người bán rằng ai làm ra chúng. Cũng như bao vị khách đến đây, họ được nghe kể về người đàn bà "không bình thường" ở ngôi nhà trên đỉnh thác kia. Ngắm kỹ từng đường kim mũi chỉ, từng nét hoa văn trên bộ váy áo mình đang mặc thử, cô gái quả quyết, người làm ra nó không chỉ "không bình thường", mà phải gọi là rất mực tài hoa. Đôi trai gái quyết định vượt qua đỉnh thác để gặp bằng được nghệ nhân thổ cẩm kia. Nhìn từ xa, họ vẫn thấy bóng người đàn bà ngồi trước sân thêu thùa, nhưng lên đến nơi, ngôi nhà đóng cửa im ỉm, tịnh không một bóng người. Xung quanh nhà là cả một "vườn hoa" thổ cẩm, với những tấm váy xòe như đàn bướm rừng giăng kín bờ giậu, còn trên sào phơi, những cuộn chỉ màu, những tấm khăn thêu rạng rỡ khoe sắc… Giữa rừng thổ cẩm muôn hồng nghìn tía rạng ngời trong nắng, cô gái điệu đà tạo dáng để chàng trai chụp ảnh. Họ đã có những bức ảnh kỷ niệm thật ý nghĩa trong chuyến đi du lịch hưởng tuần trăng mật của mình. Đôi trai gái cứ hồn nhiên tình tứ bên nhau như thế, mà không biết rằng bên trong cánh cửa im ỉm đóng kia, vẫn có một đôi mắt đang dõi theo họ.

Mùa xuân sang, bản Pù Hua mở hội. Tiếng cồng chiêng vang động núi rừng. Trẻ già nao nức, ai nấy đều chọn cho mình những trang phục đẹp nhất, lũ lượt kéo nhau về phía bãi cỏ rộng bên bờ suối dưới chân thác nước. Hội xuân cũng là dịp để trai gái trao duyên, bắt vợ bắt chồng, nên đôi nên lứa…

Trong bản có duy nhất một người đàn ông không đi hội. Sáng sớm, ông vượt qua đỉnh thác, rẽ lối mòn lên đỉnh núi Pom Huôi. Lúc về ngang qua ngôi nhà, ông đặt cái gùi trước mái hiên, trong đó có nhiều rau rừng và một chùm hoa lau tim tím. Chợt có tiếng cửa mở, một cô gái đẹp từ trong nhà bước ra, khoác váy áo mới, đội khăn thêu mới, trên vai là chiếc gùi xinh xắn chứa đầy thổ cẩm. Người đàn ông ngỡ ngàng. Cô gái mỉm cười: "Lênh à, đưa Xúa đi hội với! Xúa muốn tặng tất cả số khăn thêu này cho những cô gái bắt chồng trong mùa xuân năm nay!".


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận