ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 09/05/2023 16:01

Truyện ngắn: "Sự tích một câu hò" | Từ Nguyên Tĩnh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Sự tích một câu hò” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua giọng đọc của Thùy Dung.

Trong nhóm sinh viên năm thứ ba, khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về Thanh thực tập lần này, chỉ có tôi là con gái. Các bạn gái của tôi phần lớn chọn khoá luận về văn học hiện đại hoặc văn học nước ngoài. Tôi chọn khoá luận về văn học dân gian, mấy đứa bạn thân nó trêu:

- Hâm đấy, làm khoá luận rồi sang năm phải làm luận văn thì ai cho chuyển!

- Nó muốn làm bà cụ già "dân gian" đấy mà...

Tôi nghĩ khác. Tôi thầm ao ước sau này có dịp làm một "nhà sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian", đi từ Nam ra Bắc sưu tầm những câu ca cũ và mới, gắn bó với những cuộc đời, đã bị thời gian lãng quên, nỗi tâm tình còn gửi lại trọn vẹn trong câu ca dân gian.

Đi ngược quốc lộ số 1, cách thị xã Thanh Hoá năm cây số, tôi về Hàm Rồng - Đông Sơn. Cái địa danh mà trong chiến tranh chống lại sự oanh tạc của giặc Mỹ, hầu như ngày nào người ta cũng nhắc đến. Chiến tranh qua rồi, nó lại ẩn mình vào những núi đá thâm nghiêm như ngàn xưa vốn có. Không khó khăn gì, tôi cũng đến được Hàm Rồng.

Hàm Rồng đây rồi. Nhìn nhịp sừng sững, bắc qua sông Mã, tôi muốn nói bao điều với quá khứ. Rằng những ai đó ơi! Tại sao thế? Lại chọn núi sông này để gửi gắm ước mơ bay lên trời xanh. Tại sao, các vua chúa, anh hùng, tài tử gia nhân... từ trời cao giáng thế lại chọn nơi đây soi bóng cùng sông Mã? Tại sao vậy thi sĩ Tản Đà, một người ngông cuối cùng của thế kỷ rong chơi, đến đây phải thốt lên: Ai xui ta đến Hàm Rồng? Chính vì câu thơ ngông của thi sĩ mà đứa con gái hậu sinh này dấn bước tới đây... Ai xui người lính soi bóng cùng pháo trên đồi cao, thả ước mơ vào vũ trụ? Muốn làm một điều gì mà bất lực trước thiên nhiên và mây trời Hàm Rồng. Sự hùng vĩ của núi Rồng, núi Ngọc và dòng sông Mã, nhịp cầu đã vượt lên trên cảm xúc của tôi. Tôi muốn làm vài ba câu thơ, nhưng trái tim của cô gái dễ xúc động lần này cũng bất lực.

Tôi vào làng Đông Sơn. Những mái nhà bạc phếch gắn vào vách núi nhìn xa như những chiếc lá khổng lồ, dát lên trên một nền xanh là đồng ruộng và núi đá như một bức tranh thiên nhiên khảm bằng bạc. Không biết ai đã ví von dòng sông như dải lụa ở nơi đây, với Hàm Rồng thì thật đúng, đứng ở trên núi mà ngắm, từ ngã ba Giàng về Hàm Rồng, dòng sông uốn lượn như một dải lụa xanh, đứng bên phía Bắc, từ làng Yên Vực mà ngắm lúc mặt trời gác trên núi Tiên, chẳng khác chi con Rồng đang nằm yên, để rồi bừng thức phun lửa lên trời cao.

Tôi gặp anh trưởng ban văn hoá Đông Sơn, còn rất trẻ. Nói chuyện với tôi vẻ ngượng ngùng của chàng trai vừa lớn, chưa vợ. Anh có cái tên ngồ ngộ - Mền. Mền cười, bắt tay hơi lúng túng:

- Đông Sơn, xưa nay có nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ đã về, chị là người đầu tiên đi sưu tầm văn học dân gian về đây, thật vinh dự quá!

- Anh biểu dương em rồi đấy! Tôi rất vui, muốn xóa đi sự lúng túng, vì chúng tôi còn rất trẻ.

- Xin lỗi chị Thùy Dung nhé, tôi phụ trách văn hoá nhưng mới lớn lên. Đi bộ đội trở về, trên giao chả lẽ không nhận.

Tôi nhìn anh với con mắt cảm thông. Điều làm tôi vui là gianh giới của một cô gái Thủ đô với anh đã dần được xóa nhòa. Tôi và anh đi từ trụ sở về nhà. Đường làng lát đá. Anh chỉ cho tôi dãy núi Rồng hàng trăm ngọn, ví von đọc cho tôi nghe về một câu ca dao cũ:

Chín mươi chín ngọn bên sông/ Còn ngọn núi Nít đằng đông chưa về.

Anh giải thích cho tôi nghe về dãy núi con Rồng, về núi Ngọc. Núi Ngọc còn có cái tên là núi Nít, sự côi cút nằm bên bờ bắc sông Mã. Nhìn xa, dãy núi tít tắp uốn lượn như con rồng chạm khắc trên nền trời xanh. Tôi nghĩ vẩn vơ về một thời xa xưa, thuở hồng hoang, con rồng từ phía rừng xanh đuổi theo để đớp lấy hòn ngọc nhưng chưa kịp đớp thì bị sông Mã ngăn lại, năm tháng đổi thay thành những ngọn núi mang đầy chất huyền thoại.

- Thôi được! Mời chị về nhà tôi nghỉ vậy! - Anh nói làm tôi dứt đoạn suy nghĩ. Tôi nhìn anh không chớp. Anh đỏ mặt thanh minh: - Tuy phụ trách văn hoá nhưng biết ít hơn chị gái của tôi. Chị Thược từng trải, tham gia chiến đấu ở Hàm Rồng liên tục từ khi có chiến tranh phá hoại. Chị ấy biết nhiều chuyện đấy.

Ngôi nhà của anh nép mình vào vách núi. Phía trước là những cây dừa nghiêng mình soi bóng xuống dòng mương xanh biếc. Núi vây bọc lấy cánh đồng. Ở giữa cánh đồng nổi lên một núi đất, trên có mặt bằng đá. Mền đưa tay chỉ cho tôi và nói: - Đó là mặt Bàn Bạc, án ngữ hướng làng tôi. Làng tôi có văn chỉ án ngữ ở phía Bắc nên không phát quan văn, quan văn đã về Hoằng Hoá mất rồi, đó là đất Trạng Quỳnh ở xã Hoằng Lộc...

Từ trong nhà đi ra là một người phụ nữ tuổi chưa đến bốn mươi. Dáng chị, còn trẻ hơn tuổi. Mái tóc đen, gọn ghẽ với chiếc áo may tay rất khéo. Mền giới thiệu tôi cùng chị:

- Chị Thược ơi! Em xin giới thiệu cùng chị đây là chị Thuỳ Dung, sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp về quê ta sưu tầm văn học dân gian và chiến tranh đấy.

- Chào chị! Chị quan tâm đến Đông Sơn - Hàm Rồng, quý hoá quá! Tiếng cười của chị làm tôi yên tâm, mặc dù lời chào có vẻ là xã giao. Tôi nói cùng chị với giọng tin cần!

- Em còn ít tuổi, chị cứ gọi em là em cho tiện.

Chị nói như nạt Mền: - Cậu vớ vẩn lắm, làm Trưởng Ban văn hoá mà không lo chu đáo, về Hà Nội chị Dung cười chết.

- Chị hiểu nhiều hơn em, có gì chị kể cho chị Thùy Dung nghe về quê ta... Mền nói với chị Thược. Chị Thược giãy nẩy:

- Đấy cậu lại đẩy trách nhiệm cho chị rồi.

Thấy tôi chăm chú nhìn, chị Thược nói: "Không lo, các cụ sẽ kể cho nghe".

Chị rót nước mời tôi. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm chị. Thật là lạ, ở Khu tư, nắng lửa như vậy mà chị Thược có làn da trắng mịn, mà rất hiếm gặp ở thời buổi phấn sáp tràn lan. Đôi mắt gợi cảm, chắc ngày xưa ánh lên sự tinh nghịch thì nay lắng lại dưới đáy một nỗi buồn trầm sâu. Chị Thược bắt gặp cái nhìn của tôi vội nói:

- Ở thật lâu lâu vào, thế nào Dung cũng tìm thấy cái hay!

- Em cũng mong được chị và anh Mền giúp!

Ở trường, nghe bạn bè nói Đông Sơn là "kho" chứa đựng về bao chuyện ly kỳ. Gặp Đông Sơn đây rồi, liệu có ghi nhận được gì không?.

*

Người già làng Đông Sơn không đông, xuất đinh phát triển khép kín trong hai cây đầu làng. Ngày xưa, không ai dám làm nhà ra phía ngoài vì sợ "ngài" bắt tội. Ngựa thờ kia cũng là của "ngài", sắc chỉ, cờ quạt kia cũng là của "ngài". Cái thuở mới bắt đầu kháng chiến chống quân Minh, trong một lần đánh trận, "ngài" bị giặc chặt mất đầu, "ngài" không chịu để cho giặc lấy xác. Một tay cầm lấy đầu của mình phi ngựa. "Ngài" phi ngựa đến làng Đông Sơn này gặp một bà cụ già bán quán nước, "ngài" hỏi:

- Bà già... Xưa nay, bà có thấy ai cụt đầu mà vẫn phi ngựa được không?

- Không ạ! - Bà hàng nước trả lời.

"Ngài" ném phịch cái đầu xuống đất và phi ngựa vào hang đá, lấy đá chèn cửa hang, cái đầu của ngài mối đùn cao thành gò đống. "Ngài" nằm trên một phiến đá to ở giữa hang như một chiếc giường khổng lồ. Sau này thực dân Pháp bắt phu vào hang lấy phân dơi, phu đã tìm ra bộ xương của "ngài", "ngài" cao tới hơn hai mét, phải mấy người đội mới nổi. Tụi Pháp đã đưa bộ xương của "ngài" về nước. Còn dân ở đây đã lập đền để thờ "ngài".

Đó là một đêm tháng ba ngồi ở sân nhà Mền, tôi được anh kể lại với một giọng thành kính. Chị Thược ngồi im lặng, lắng nghe chăm chú, trăng từ phía Lạch Trường chậm chạp bò lên. Lạch Trường như con thằn lằn nằm ngủ bám vào thân cây. Trăng lên, dãy núi Rồng xao động, núi đá xích lại gần tôi như một tượng đài khổng lồ đang giơ tay hái lấy vầng trăng. Làng Đông Sơn nằm đó, ánh sáng điện tràn ra từ những căn nhà, mang vẻ ly kỳ huyền diệu. Tôi nằm thao thức. Mảnh đất này đây là cái nôi của một nền văn minh. Trống đồng làng Đông Sơn, những câu ca cổ xưa. Những câu chuyện ban ngày được nghe kể đi vào giấc ngủ của tôi chập chờn...

*

Chị Thược đưa tôi lên "cao điểm anh hùng" chị kể cho tôi nghe về một anh hùng của Hàm Rồng đã ngã xuống, các anh đã ngự trên lưng rồng mười năm. Mười năm giá rét, nóng nực. Mười năm "tắm gội" bom  đạn kẻ thù. Mồ anh nằm đó, đầu quay về hướng cầu, trên bia mộ ghi đậm dòng chữ:

"Nguyễn Đắc sinh ngày 15- 12 - 1945 Hy sinh ngày 3 - 9 - 1967

                        Nhịp cầu là trái tim tôi

                       Niềm tin ba mốt triệu người Việt Nam".

Chị đứng lặng đi, mắt long lanh, ngực phập phồng. Tôi không dám hỏi chị nhiều, câu ca dao ghi nơi bia mộ làm tim tôi nghèn nghẹn. Một hồi còi tàu dóng dả. Con tàu vun vút lao qua cầu Hàm Rồng. Những làng xa như dâng lên cao.

Một giọng nói từ sâu lắng, khác hẳn với giọng nói của chị cất lên làm tôi giật mình:

- Ngày chiến tranh phá hoại, ở đây thèm được nhìn thấy một đoàn tàu đi ban ngày qua cầu Hàm Rồng. Tất cả mọi sinh hoạt đều chuyển về ban đêm. Các anh chiến đấu ở Hàm Rồng khao khát được nhìn nhịp cầu vì núi Mắt Rồng che nhịp cầu. Một xô nước cũng đủ tắm giặt một bộ quần áo, gian khổ hy sinh từng giờ, từng phút. Nhưng ở cao điểm này, các anh sống lạc quan, yêu đời. Có lần phái đoàn Cu Ba đến thăm trận địa Hàm Rồng đã ca ngợi: "Nếu không có những khẩu pháo thì trận địa này là một công viên".

Màu hoa hẹn giờ nở đỏ rực trên nấm mộ như niềm tin của người đã ngã xuống gửi lại. Tôi không nói được lời nào. Bởi nói ra tôi sẽ thành vô duyên như một người không biết gì chỉ chờ cho người ta kể ra rồi nhắc lại, mà vô hồn, không có sự xúc động con tim. Tôi chờ đợi, lâu cũng được, kể về người anh hùng và câu ca này. Chị vẫn lặng im không nói gì. Tôi gặp gỡ các mẹ, các chị làng Đông Sơn là những người vượt đạn bom lên trận địa. Người mẹ nào đã đi đôi giày của anh bộ đội tặng. Anh lo xa cho mẹ đấy, sợ mẹ xéo phải mảnh bom mà không lên được đồi cao cùng các con. Mẹ, người nghệ sĩ, mà trời sinh ra giành cho lúc này, đã cất lên câu hò, mà mẹ không còn được sức thiếu nữ thủa nào:

Đường đi xeo xéo là na Đường về mẹ Tự Hạc Oa có gần

Tôi ghi ghi chép chép. Số trang ghi chép cũng đã dài, nhưng tôi vẫn băn khoăn về câu ca dao, về cuộc đời của người ngã xuống. Thời gian thấm thoát trôi mau. Tôi hỏi Mền: - Anh có kể lại câu ca dao ghi trên bia mộ hôm nọ chị Thược đưa em lên được không?. Mền không nói gì. Có lẽ tôi sẽ về trường, với những gì ghi chép được cũng không lo bày biện, có bài nộp thày. Nhưng trong lòng thấy bất an, như nợ một điều gì. Không biết nữa. Nếu nói ra được thì không day dứt, âu lo.

Vào một buổi chiều tôi cùng Mền đang trò chuyện, thì Mền nhìn ra ngõ và reo lên:

- Anh Sang và cháu Đắc về kia rồi! Mền vội vàng ra bế lấy cháu bé.

- Chào chú ạ! - Tôi nhanh nhẩu chào một quân nhân mang quân hàm đại uý, có mái tóc lấm tấm bạc mà Mền vừa gọi tên là Sang.

- Vâng, chào cô!

- Xin giới thiệu với anh Sang, cô Dung ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về sưu tầm văn học dân gian ở quê mình. Còn anh Sang là chồng chị Thược tôi.

Chị Thược từ trong bếp chạy ra, không nói không rằng ôm lấy cu Đắc hôn chùn chụt. Hôn chán, chị Thược trách chồng đem con đi lâu, ở nhà nóng ruột quá. Chị Thược làm cơm đón bố con cu Đắc và liên hoan cô Dung hết đợt công tác về Hà Nội. Chị nói thế và giục Mền vào xóm xem nhà ông Kén có làm thịt dê, đánh đụng một chân chứ ngả ra làm thịt một chú dê lấy ai mà ăn. Anh Sang nói đùa, biết thế này anh dẫn mấy bạn về làm một cuộc nhậu.

Tôi cũng vào bếp xem đỡ được gì phụ giúp chị Thược làm cơm. Chuyện trò làm quen cùng anh Sang, chồng của chị.

- Chú ở Hà Nội ạ! - Tôi hỏi.

- Ừ, mình cũng được gọi là "dân Hà thành", gần Trường Đại học Tổng hợp đấy!

- Đơn vị của chú đóng quân ở đường Tàu Bay ạ?

- Về ngoài đó, có dịp đến "Vi la" chỗ mình chơi!

- Thuỳ Dung đang buồn là chưa kịp tìm hiểu hết mọi câu chuyện ở Hàm Rồng anh Sang ạ! - Mền gợi ý, chị Thược lườm Mền. Anh Sang cười hóm hỉnh:

- Sưu tầm văn học dân gian là một công việc lý thú đấy!

- Nhưng bọn cháu biết ít quá! - Tôi gợi chuyện. Anh Sang im lặng. Lúc ăn cơm, tôi trở nên ít nói hơn. Anh Sang trêu tôi chắc là nhớ Hà Nội nên buồn, chị Thược gắp thức ăn cho tôi, có lúc chị nói như dỗi, rằng: "Không biết khi nào rồi cô Dung quay lại Đông Sơn - Hàm Rồng để ăn cơm với cà dầm tương"...

- Chị nói thế! Biết đâu em làm luận văn, lại quay về Đông Sơn - Hàm Rồng, phiền anh chị và anh Mền.

Tôi rời Đông Sơn - Hàm Rồng với bao buồn vui bâng khuâng lạ lùng, như thể còn thiếu một điều gì. Mới hôm qua, làng Đông Sơn còn xa lạ. Hôm nay, Đông Sơn gần gũi, lưu luyến làm tôi băn khoăn thao thức. Tư liệu cho khóa luận chắc là không thiếu, nhưng còn cuộc đời của người nằm dưới mồ và câu ca dao khắc trên phần mộ, ai đã khắc lên đó? Tôi hỏi Mền, anh lắc đầu, không muốn kể cho tôi, chắc thế. Tôi định kiếm cớ, lúc chị Thược ngồi một mình hỏi xem sao.

Chị Thược dường như lẫn tránh câu chuyện mà tôi muốn hỏi. Bây giờ thì tôi ra ga, lên tàu về Hà Nội. Bụng bảo dạ, có nhiều điều còn tiếc hơn thế nữa nhưng ta có làm được gì đâu. Số phận biết bao người nằm im lìm trên nghĩa trang Hàm Rồng, biết bao là sự tích, cuộc đời, lấy ai mà kể lại. Nhiều khi chỉ được nghe người nói như thế đọc được tài liệu đâu đó, vô hồn.

*

- Chị Thuỳ Dung ơi! - Đây cơ mà - Tôi nghe gọi tên mình, nhưng không có người quen ở Thanh Hoá. Rõ ràng có người gọi tên tôi mà. Tôi nhìn ra phía cửa vào ga. Mền và anh Sang đang vội vàng chạy tìm tôi. Tiếng phát thanh viên báo, còn năm phút nữa là tàu chạy. Anh Sang nói lại, chị Thược bảo anh và Mền ra gọi tôi ở lại thêm một ngày nữa. Chậm mất một ngày nhưng biết đâu tôi sẽ tìm được điều gì. Không thể khước từ.. Từ ga về nhà chị Thược, tôi còn hồi hộp lo lắng hơn lúc bắt đầu dừng ở Quốc lộ số 1, hỏi thăm đường vào Đông Sơn.

Chị Thược bảo, gọi Thùy Dung ở lại thêm một hôm, không biết có chịu được hay lại nhớ Hà Nội mà trách chị thì tội nghiệp.

- Đâu có, em cũng muốn ở lại vì trăng ở đây có cái gì đó quyến rũ lắm chị ạ!

- Thật không? Hay tụi mình lên đồi cao đi!

Đêm ấy, chúng tôi trèo lên mái nhà của Hàm Rồng để hóng mát. Trận địa này, cao nhất của dãy núi con rồng. Ngày xưa, khi chiến bộ đội ta đã khắc vào đồi hai chữ "Quyết thắng" to đậm mà tầu bè từ ngoài biển xa cũng đọc được. Bây giờ, là đài truyền hình của tỉnh Thanh Hoá. Cây cột ăng ten vút tận lưng chừng trời. Ngồi ở đây chúng tôi đón vầng trăng mọc lên từ phía Lạch Trường. Dãy núi Lạch Trường lấp loáng như một con cá khổng lồ từ mép nước nhô lên. Vầng trăng được sóng biển tung lên tỏa ra một vầng sáng chan hòa, màu bạc lấp lánh làm cho cảm giác thật khó tả. Anh Sang lấy thuốc ra hút, lịch sự mời tôi và Mến cùng hút. Như tiếng dội từ xa xôi, giọng nói của anh, có chút gì rất khó tả. Nó không phải hoàn toàn là buồn, nói là vui thì không đúng một tí nào.

Đêm tháng Năm, chúng tôi cơ động về trận địa Đình Hương, pháo của chúng tôi kéo vào trận địa. Ở trận địa này khói đạn, khói bom còn khét lẹt, cùng với gió tây nam đốt cháy những tàu dừa nguỵ trang khô khốc. Đêm ấy nóng nực và bồi hồi, cũng trăng sáng như đêm nay. Nhưng có khác, trận địa bị che khuất bởi "mái nhà Hàm Rồng". Không ngủ được. Chúng tôi là lính mới vào trận. Trời Hàm Rồng im ắng và xanh cao. Một tiếng hò đâu đấy vẳng lại, cùng ngồi nghe với tôi có Đắc, cậu Tình, cậu Tở. Như một sự câu thúc từ bên trong. Đắc dũng mãnh hò đáp lại tiếng hò của người con gái. Tiếng hò kéo người con gái đó lại gần. Có lúc, chúng tôi hồi hộp vì giọng của người con gái im bặt. Một tiếng cười khúc khích vẳng lại:

- Trận địa này, các cậu ạ!

- Mới về mà!

- Từ phía Bắc sang phải không?

Thời ấy, dân quân tự vệ và bộ đội hiệp đồng cùng nhau hồn nhiên lắm. Tiếng súng là mệnh lệnh gọi nhau ra trận địa. Nhiều lúc sợ dân bị thương vong không cần thiết "đuổi khéo" mà không nổi nên mới sinh ra chuyện hiệp đồng với đơn vị này thì lên còn đơn vị khác thì thôi. Nhưng ai ngăn được tình cảm của quân dân nào? Các cô gái không lên trận địa. Tiếng súng đã gọi họ trở về vị trí hiệp đồng chiến đấu.

Sáng ngày sau, chúng tôi nổ súng. Trận này hạ tại trận một máy bay giặc Mỹ. Cũng trong trận này khẩu đội trưởng Nguyễn Đắc bị thương. Anh nhất quyết không rời trận địa. Nhưng vì vết thương khá nặng anh phải về tuyến sau. Đêm ấy chúng tôi lại ngồi trên mâm pháo trực ban. Nghe giọng hò của người con gái đó, chúng tôi hò đáp lại. Thiếu Nguyễn Đắc "vua hò" của khẩu đội nên cuộc hò "đối đáp" đành dở dang. Mấy cậu trong khẩu đội ra vẻ lo lắng:

- Nguy cơ, mất bạn hò đến nơi các cậu ạ!

- Thử xem nào? Nói thế, hò không khó nhưng phải biết lấy hơi và biết dừng lại mới trúng được chỗ, không ngang phè, nhạt nhẽo. Mấy cậu tranh thủ lên quân y xem cái tay Đắc này lành da chưa. Vài tháng sau, Đắc trở lại khẩu đội. Đắc vừa nói vừa cười khà khà:

- Bom đạn của quân thù cũng phải tránh mình thôi!

Chúng tôi chuyển trận địa về sát cầu Hàm Rồng, vì đảm bảo bí mật nên không kịp chào những người thân. Đêm ấy, khi nghe tiếng hò quen thuộc từ núi đá, mấy cậu cay cú định đáp lại, nhưng Đắc đã kịp giơ tay khoát lia lịa. Tôi nhìn Đắc, ngực anh phập phồng chuyển động, vì đảm bảo bí mật cho trận đánh anh đành nuốt câu hò vào lòng ngực của mình.

Trận chiến đấu đầu tiên ở trận địa sát mố cầu Hàm Rồng vô cùng ác liệt, máy bay địch đánh vào trận địa chúng tôi năm đợt. Khẩu đội bị thương ba người. Đắc lại bị thương "sơ sơ" theo cách nói của anh, nhất quyết không đi viện, còn Tình và Nghi được đưa về tuyến sau. Khẩu đội tôi được bổ sung hai dân quân, cô Thược và cô Hạnh. Chúng tôi nháy mắt với nhau "vớ bở" rồi các cậu ạ. Hai cô gái Đông Sơn này, không lạ, vẫn hò ngang ngửa, lắm lúc bắt bí cả Đắc, không kịp vận ra lời. Mấy cậu đi viện dặn chúng tôi ở lại bắn rơi nhiều máy bay trả thù cho các cậu ấy. Và cậu Tình còn khôi hài "trả thù" cho cái nợ hôm nào. Thược và Hạnh định chạy trốn, nhưng là con số biên chế của khẩu đội nên phải ở lại. Đắc hướng dẫn cho hai dân quân một cách tỉ mỉ từng động tác làm pháo thủ. Đêm ấy họ không giao chiến bằng câu hò. Nhưng ánh mắt của hai người, chúng tôi thấy một cái gì đó, rất mơ hồ, vừa mới có mà không diễn đạt được thành lời.

Sang ngừng kể, ngồi im lặng hồi lâu. Anh lấy thuốc ra hút. Bật lửa châm thuốc nhưng luống cuống châm không nổi. Từ phía cầu Hàm Rồng một tiếng hò lay động cả lòng đêm. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của chị Thược in hình dòng sông Mã xanh biếc, lung linh... Mền cất tiếng nói nghe tưởng chừng như của ai đó, không phải từ lồng ngực mà từ trong lòng đất.

- Bây giờ... những câu hò đối đáp như ngày xưa hiếm lắm!

- Thế thanh niên ở đây họ thích nhạc gì hở anh Mền? Tôi hỏi, mong dịu bớt đi ký ức căng thẳng mà có lẽ, chị Thược và anh Sang cùng có chung điều gì đó khó nói.

- Họ thích nhạc rock, hát như gào làm vỡ tai người nghe... Mền tỏ ra buồn thật sự.

Chúng tôi ở lỳ trên trận địa "ba cây thông" hàng chục năm trời. Người Đông Sơn gắn bó như ruột thịt, có tiếng súng nổ là các mẹ, các chị đã có mặt. Lúc ấy cậu Mền còn rất bé, làm liên lạc cho trận địa chúng tôi. Bị bom vùi mấy lần đấy nhưng Mền nhất quyết xin được chiến đấu cùng bộ đội. Chúng tôi đón chờ những đám cưới. Tôi biết, Thược và Đắc yêu nhau. Họ yêu nhau từ tiếng hò "xa xôi", vì tiếng hò mà" xích lại cho gần". Thược mua gà lên trận địa cho chúng tôi nuôi, để "đánh thức mấy chàng trai hay dậy muộn". Để "nó gáy cho vui", Thược ít nói, tình yêu "không lời" mà...

Đó là ngày không thể nào quên trong cuộc đời của chúng tôi. Địch cho nhiều tốp máy bay vào đánh phá cầu Hàm Rồng. Ăn cơm sáng, nhưng chưa kịp nuốt trôi bát cơm. Luôn ăn sáng no, vì nếu địch đến đánh, cả ngày có sức mà chịu đựng. Bầu trời ong ong tai tái, nhìn mục tiêu rất khó, nước mắt cứ chảy ra, khi nghe tiếng động cơ rít, bom cũng nổ cùng một lúc. Đắc hét lớn:

- Bắt chiếc F4 bổ nhào! Bắn!

Tôi và cả khẩu đội hô "tiêu" nhanh, gọn. Đạn của chúng tôi bay lên cùng lúc với bom giặc. Có quả nổ ngay trên lưng chừng trời. Bờ công sự như đưa võng, tôi ở trên cao nên phát hiện ra anh bị thương. Để trấn tĩnh cho khẩu đội, anh nhắc nhỏ:

- Phải nghe lệnh tôi, dù hy sinh cũng quyết không rời vị trí.

- Anh Đắc! - Tôi khẽ gọi.

- Đồng chí Sang, tập trung vào nhiệm vụ!

Nhìn thấy anh dựa lưng vào bờ công sự, tôi từ pháo lao xuống xé ngay áo băng cho anh. Nỗi đau từ anh truyền sang tôi. Anh nhìn, muốn thu lại cây cỏ, khẩu pháo, đồng đội vào ánh mắt. Cái nhìn sợ lắm, như dâng lên sự núi tiếc, không làm sao mà chịu được.

Theo hướng cờ của Đắc chỉ, chúng tôi đón từ thượng nguồn sông Mã chiếc máy bay đang vút lên cao muốn hất bom, rồi lao ra biển xa.. Trận địa chìm trong khói bom. Thược và các cô gái Đông Sơn lao vào bờ công sự. Giọng Thược thất thanh:

- Anh Đắc! Anh Đắc!

Đắc dựa lưng vào bờ công sự, tay chỉ lên trời xanh. Nhanh như chớp Thược cầm lấy cờ chỉ cho chúng tôi tên kẻ cướp đang bổ nhào. Xong loạt đạn chúng tôi từ pháo lao về phía Đắc. Chúng tôi băng bó vết thương cho anh. Khuôn mặt anh trắng bệch. Thược thổn thức:

- Anh Đắc ơi! Anh Đắc!...

Đắc mấp máy đôi môi... Chúng tôi lại gần. Tay Đắc nắm lấy bàn tay run run của Thược, giọng thều thào:

- Thược... Thược em!...

Nước mắt chảy tràn trong hố mắt. Chúng tôi khóc. Không thể ngờ được, Đắc còn cố gắng vận ra câu hò, khó khăn lắm chúng tôi mới nghe được lời anh nói.

Nhịp cầu là trái tim tôi

Niềm tin ba mốt triệu người Việt Nam

Anh bảo chúng tôi hò đi. Mồ của anh nằm trên điểm cao anh hùng. Đầu quay về hướng cầu. Đêm ngày nghe khúc nhạc của dòng sông Mã tấu lên. Chúng tôi đem câu hò của anh vào Nam ra Bắc. Tiếng hò của anh nhắc chúng tôi sống xứng đáng hơn.

Ánh trăng như ngưng đọng lại trong ánh mắt chị Thược.

- Ta về đi anh, kẻo con mong...

Chị Thược giục chồng, Mền và tôi ra về. Đường từ trận địa "mái nhà Hàm Rồng" về Đông Sơn không xa, nhưng tôi đi như trôi bồng bềnh trong sóng biển. Tôi cũng không tiện hỏi thêm, có phải cu Đắc là tên mà hai người đặt để kỹ niệm về một giọng hò đã lặn vào trong núi sông Hàm Rồng.

Tôi trở về Hà Nội chậm một ngày. Đem theo một tâm trạng vui buồn man mác./.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận