ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Xăng giảm giá, hàng hóa vẫn đứng yên

Chỉ khi nào có áp lực của thị trường, không giảm giá không bán được hàng thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá.

04/08/2022 14:27

Xăng giảm giá, hàng hóa vẫn đứng yên - Ảnh 1.

Xăng dầu giảm giá, người dân đang nóng lòng chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ

Xăng dầu đã có 4 kỳ liên tiếp được điều chỉnh giảm giá bán, từ trên 33.000 đồng/lít về sát mốc 24.600 đồng/lít. Thế nhưng, mặt bằng giá cả hàng hóa hiện chưa giảm như kỳ vọng của người dân.

Hàng hóa thiết yếu vẫn đắt đỏ

Lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống là một trong những nhóm hàng chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI và cũng là nhóm tăng giá mạnh nhất thời gian qua, chỉ sau nhóm giao thông vận tải.

Thế nhưng, đến kỳ giảm giá thứ 4 của xăng dầu, nhóm hàng thiết yếu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trứng gia cầm, loại thực phẩm bình dân và phổ biến nhất trong bữa ăn của người lao động là một ví dụ.

Chị Trần Thị Thảo, công nhân trong Khu Công nghiệp Cát Lái (TP. Thủ Đức, TPHCM) ghé vào một cửa hàng tiện lợi Co.op Food gần nhà rồi trở ra tay không. Một vỉ 10 trứng gà vẫn 30.000 đồng, nên chị qua tạp hóa kế bên mong tiết kiệm chút ít. "Cũng 30.000 đồng/vỉ. Sao mà đắt quá, tạp hóa luôn bán rẻ hơn siêu thị 2.000-3.000 đồng/vỉ mà giờ ngang nhau. Trước khi có COVID-19 thì tạp hóa chỉ bán giá 22.000 đồng/vỉ, nhưng lâu nay họ bảo xăng lên giá thì họ tăng giá bán. Mình nghĩ siêu thị có bình ổn chắc sẽ giảm giá bán sau mấy đợt giảm giá xăng dầu, vậy mà nay vẫn chưa thấy tác động gì", chị Thảo chia sẻ.

Lý giải việc này, một đơn vị cung ứng trứng gia cầm lớn tại thị trường TPHCM cho biết, xăng dầu đã giảm giá mạnh, nhưng chưa đủ tác động đến mặt hàng trứng gia cầm. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Quận 12, TPHCM) cho biết, giá xăng dầu giảm mạnh nhưng không đủ bù cho chi phí thức ăn chăn nuôi. Các nhà cung cấp lấy lý do đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng xung đột Ukraine nên liên tục báo tăng giá thức ăn chăn nuôi. So với cùng kỳ năm 2021, các trang trại chăn nuôi đối tác của Vĩnh Thành Đạt đã gánh thêm 50% giá thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, ông Thiện nói rằng, nếu không có trợ giá từ chương trình bình ổn của thành phố thì mặt hàng trứng gia cầm thực tế sẽ cao hơn hiện nay khá nhiều.

Không công bằng với người tiêu dùng

Hàng hóa thiết lập giá mới theo quy luật cung cầu, nhưng việc các đầu mối dựa vào lý do đứt gãy chuỗi cung ứng để liên tục tăng giá liệu có công bằng với người tiêu dùng?

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), đóng tại quận Bình Tân (TPHCM) không đồng thuận với lý do này. Minh chứng từ ABC Bakery, ông Lực cho biết, những nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh là bột mì và bơ đều nhập khẩu hoàn toàn, nhưng không có tình trạng mỗi ngày một giá. "Mình ký hợp đồng ít nhất 6 tháng thì nhà nhập khẩu đã đưa bột mì về kho đủ cho mình sản xuất trong thời gian đó. Cho nên nói đứt gãy nguồn cung, nói ảnh hưởng xung đột mà tăng giá là hành vi lợi dụng tình hình tạo khan hiếm ảo để tăng giá", ông Kao Siêu Lực thậm chí còn gọi đó là hành vi gian thương, không công bằng với người tiêu dùng.

"Chúng tôi gần như độc quyền cung cấp hamburger cho các hệ thống thức ăn nhanh trên địa bàn thành phố. Với lợi thế này, chúng tôi hoàn toàn có thể tăng giá bán với lý do nguyên liệu nhập khẩu tăng giá. Nhưng mình không thoải mái khi lợi dụng tình hình như thế", ông Lực chia sẻ và khẳng định, nông sản nguyên liệu nhập khẩu nếu có ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine thì phải đến chu kỳ tháng 10 tới đây mới tác động đến doanh nghiệp của ông. Tín hiệu tích cực là thời điểm này việc thông thương hàng hóa, nhất là một số mặt hàng quan trọng như nông sản, khí đốt, phân bón… giữa Nga, Uknaine và thị trường thế giới đã được nối lại.

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing, có thể chấp nhận việc các nhà sản xuất, kinh doanh tính toán cho những bước chu kỳ dài trước những biến động giá cả toàn cầu. Thế nhưng, về tâm lý, khi nhà sản xuất đang hưởng một mặt bằng giá bán có lợi thì rất khó tự giác giảm giá.

Ông Nguyễn Văn Hiến giải thích, theo quy luật cung-cầu, khi giá nguyên nhiên liệu tăng cao sẽ tác động đến rất nhiều mặt hàng tăng theo. Cộng với tác động từ chính truyền thông về áp lực chi phí tăng do giá xăng dầu đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất có điều kiện tăng giá. Điều này khiến người tiêu dùng dễ chấp nhận việc hàng hóa tăng giá, hình thành mặt bằng giá mới.

Mặt bằng giá mới ổn định nghĩa là có sự cân bằng thị trường. Bây giờ yếu tố đầu vào dù giảm giá sâu thì người sản xuất kinh doanh chưa cần phải giảm ngay giá bán, bởi giảm giá sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp. Do vậy, chỉ khi nào có áp lực của thị trường, không giảm giá không bán được hàng thì doanh nghiệp cung cấp mới điều chỉnh giá.

Cần vai trò dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp lớn

Với các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị công cung cấp hàng hóa, dịch vụ như giáo dục, dịch vụ y tế, điện... thì Chính phủ yêu cầu giữ giá, không tăng giá trong thời điểm nhạy cảm. Theo ông Nguyễn Văn Hiến điều này rất quan trọng, tránh tình trạng "tát nước theo mưa", làm cho mặt bằng giá cả cộng hưởng tăng lên.

Tuy nhiên, đối với nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, để kiểm soát giá cả, cần thông qua những doanh nghiệp đầu mối lớn có khả năng dẫn dắt thị trường.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, nhiều nhà sản xuất, phân phối có ảnh hưởng lớn trên thị trường đều cho biết đã và đang có kế hoạch nhằm hạ nhiệt giá cả, nhất là với nhóm mặt hàng thiết yếu liên quan đến bữa ăn của người dân.

Chỉ chiếm khoảng 8-15% đối với mặt hàng thịt chế biến và tươi sống nhưng Phó Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Đăng Phú cho hay, tại các hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các nhà cung cấp khác thường căn cứ vào mức giá bán lẻ của Vissan để điều chỉnh giá bán.

Do giá lợn hơi cùng các chi phí đầu vào của chăn nuôi tăng trong một thời gian, nên liên Sở Tài chính-Công Thương TPHCM quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ chương trình bình ổn. Đáng tiếc, việc điều chỉnh tăng giá lại đúng vào thời điểm xăng dầu có kỳ điều chỉnh giảm sâu hồi tháng 7 vừa qua khiến người tiêu dùng không cảm nhận được tác động của giá xăng dầu lên giá thịt lợn.

Nhưng theo ông Phú, những giải pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ để kiểm soát giá cả hàng hóa vừa qua là rất kịp thời. Mặc dù vậy, để tác động lên thị trường sẽ cần có độ trễ nhất định và tùy theo mặt hàng. Đây sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp giảm giá thành ngay từ đầu vào và chắc chắn giá cả thị trường sẽ hạ nhiệt trong những ngày tới.

Trước áp lực tăng giá từ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+) có chính sách riêng để kìm giá. Bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ khẳng định, một số mặt hàng tươi sống như thịt lợn trong hệ thống này đang có giá cạnh tranh, thấp hơn chợ truyền thống, thậm chí, một số loại rau xanh và trái cây nội địa giá còn thấp hơn cùng thời điểm năm 2021.

Theo bà Hợp, WinCommerce đang cố gắng kìm giá với nhóm sản phẩm, mặt hàng chủ động nguồn cung, còn những nhóm hàng hóa phụ thuộc vào các nhà cung ứng, đơn vị sản xuất khác thì vẫn phải trông đợi vào sự hợp tác giữa các bên để kiểm soát giá cả ở mức hợp lý cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc hệ thống bán lẻ Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, việc điều chỉnh giảm giá hàng hóa đang có diễn biến tích cực. Điển hình là nhóm mặt hàng tươi sống tại siêu thị bắt đầu giảm giá, chỉ trừ một số loại củ, rau lá, thủy sản bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu trong những ngày qua. Song song đó, các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng cũng rục rịch điều chỉnh giảm giá do có độ trễ đặc trưng của từng ngành hàng.

Saigon Co.op đang phối hợp với các nhà cung cấp lên kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô. Mức dự trữ cho 3 tháng của các nhóm hàng này bình quân khoảng 80-100 tấn mỗi siêu thị, mức giảm giá dự kiến từ 10-50%.

Đến trung tuần tháng 9, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng sẽ chốt lượng hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng trước, trong và sau tết. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, hàng bình ổn giá và các mặt hàng đặc trưng tết.

Băng Tâm

Nguồn: baochinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Xuất khẩu cà phê cần tuân thủ quy định của EU về phát triển bền vững

Xuất khẩu cà phê cần tuân thủ quy định của EU về phát triển bền vững

19:36 , 05/09/2023

Giá cà phê xuất khẩu được dự báo sẽ còn duy trì đà tăng cao. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với ngành cà phê trong phát triển bền vững.

Giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp, RON95 sắp chạm 25.000 đồng/lít

Giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp, RON95 sắp chạm 25.000 đồng/lít

14:56 , 05/09/2023

Giá xăng dầu ngày 5/9 được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh từ 15h theo hướng đồng loạt tăng, trong đó dầu hoả có mức tăng mạnh nhất.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục

08:21 , 05/09/2023

Giá gạo tại các nước xuất khẩu gồm Thái Lan và Việt Nam đã tăng liên tiếp từ ngày 20/7 khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, và tiếp tục lập kỷ lục mới trong những ngày cuối tháng 8 đến nay.

Kích cầu tiêu dùng hàng hoá dịp nghỉ lễ

Kích cầu tiêu dùng hàng hoá dịp nghỉ lễ

18:30 , 01/09/2023

Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tập trung triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu, tăng sức mua hàng hoá trên thị trường.

Giá lợn hơi tăng ổn định, người chăn nuôi yên tâm sản xuất

Giá lợn hơi tăng ổn định, người chăn nuôi yên tâm sản xuất

08:29 , 31/08/2023

Từ giữa tháng 5 đến nay, giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại, bình quân từ 64 nghìn đồng trở lên và được đánh giá là mức tăng cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Với mức giá này, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại quy mô lớn, hợp tác xã đã có lãi sau thời gian dài phải bù lỗ.

Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp gỗ xuất khẩu

Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp gỗ xuất khẩu

08:19 , 31/08/2023

Xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm có nhiều tín hiệu tích cực, không ít doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại và tăng 50% so với đầu năm.

Doanh nghiệp thép gặp khó khăn trong tiêu thụ

Doanh nghiệp thép gặp khó khăn trong tiêu thụ

08:11 , 31/08/2023

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép vừa phải giảm giá bán lần thứ 18 do nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này vẫn rất thấp. Theo nhận định, các doanh nghiệp thép vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn cho đến quý cuối năm.

Giá xăng tiếp tục tăng, vượt 24.000 đồng/lít

Giá xăng tiếp tục tăng, vượt 24.000 đồng/lít

16:06 , 21/08/2023

Giá xăng dầu hôm nay (21/8) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh từ 15h, trong đó giá dầu giảm nhẹ còn giá xăng tiếp tục tăng. Giá xăng E5 vượt 23.000 đồng/lít và xăng RON95 là 24.600 đồng/lít.

Thanh Hóa ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường cung ứng gạo

Thanh Hóa ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường cung ứng gạo

08:20 , 21/08/2023

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai công tác bình ổn thị trường thóc, gạo trên địa bàn.

Phát triển nuôi thủy sản trên biển

Phát triển nuôi thủy sản trên biển

08:58 , 20/08/2023

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích nuôi thủy sản trên biển khoảng 85.000 ha, mới chỉ chiếm hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương.