Xuân về trẩy hội làng Phú Khê
Với mỗi người dân Việt Nam, mùa xuân là mùa lễ hội. Các lễ hội này có vai trò gắn kết cộng đồng cư dân trong một làng, xã, thôn, bản. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngày nay, những lễ hội truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy và trở thành những “báu vật” giữa nhịp sống hiện đại.
Tự bao đời nay, với người dân làng Phú Khê, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, lễ hội Kỳ phúc, hay thường được gọi là "hội làng" vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân trên mảnh đất này. Khi tiếng trống hội rộn ràng từ đình trên xuống xóm dưới, người dân làng Phú Khê lại nô nức tụ hội về ngôi đình làng cổ linh thiêng để dự hội, để tìm về với cội nguồn dân tộc.

Đình Phú Khê được xây dựng vào thời Vua Lý Thánh Tông, được người dân Phú Trừng Trang (nay là làng Phú Khê) xây dựng để thờ hai người con trai là Chu Minh và Chu Tuấn. Tương truyền, xưa kia, khi trên đường cùng cha hành hương đến ngôi chùa cổ Bảo Phúc ở Phú Trừng Trang lễ Phật, gần đến nơi thì cơn hồng thủy dâng cao, nhấn chìm tất cả. Điều lạ kỳ là sau khi cơn hồng thủy rút, người dân Phú Trừng Trang thấy có hai người đàn ông nổi trên mặt nước, dáng ngồi bồng bềnh như đức phật, trôi theo hướng về chùa Bảo Phúc. Cho là sự lạ nên Nhân dân đã cùng nhau chôn cất, đắp mộ, tu lễ dâng hương thờ tự. Một năm sau đó vua Lý Thánh Tông đánh giặc qua làng được hai cậu hiển linh giúp vua đánh thắng giặc. Vua nhớ ơn nên cho tu sửa đình khang trang hơn đề phụng thờ. Kể từ đó, những giai thoại huyền tích về ngôi đền linh thiêng cứ được người dân làng Phú Khê truyền tai nhau và kể mãi qua bao thế hệ. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nhận định về ngôi đình này: "Đình ta nay nức tiếng cõi Thanh, danh lừng đất Phú".

Đình Phú Khê được thiết kế theo kiểu chữ nhị gồm 2 tòa là đại bái và hậu cung. Đến nay, đình vẫn giữ được kiểu kiến trúc, nghệ thuật và vật liệu truyền thống, với những mảng chạm khắc độc đáo. Đình Phú Khê cũng là nơi còn lưu giữ được hệ thống di vật khá đầy đủ như: Kiệu bát cống, kiệu long đình, long ngai, bài vị, bát bửu, hoành phi câu đối, sắc phong.... và nhiều đồ thờ được sơn son thếp vàng rực rỡ. Trải qua bao thăng trầm thời gian, ngôi đình làng cổ hàng trăm năm tuổi vẫn sừng sững hiên ngang như chứng nhân của lịch sử, ghi dấu từng bước phát triển của làng xã. Lễ hội Kỳ phúc làng Phú Khê được tổ chức tại khu vực đình làng từ ngày 16 đến 20/2 âm lịch hàng năm là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ công đức của các vị Thành hoàng làng cùng các bậc tiền nhân, gửi gắm những mong cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi sự hanh thông, thuận lợi…

Lễ hội diễn ra với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các hoạt động chính là rước cỗ mặn, rước cỗ chay, lễ tế nam giao cung đình, lế tế nữ quan, lễ tế của các dòng họ trong làng ngay tại đình làng. Chủ tế được lựa chọn phải là những người có uy tín, có nhiều đóng góp cho làng, xã. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các thôn trong làng lần lượt chuẩn bị mâm lễ, rước cỗ lên đình để dâng cúng các vị thần linh. Tất cả các nghi thức đều diễn ra vô cùng trang nghiêm và chỉn chu; được người dân nơi đây gìn giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, nơi Nhân dân trong xã Hoằng Phú tỏ lòng ngưỡng vọng tổ tiên, cùng với đó là cầu mong những điều tốt đẹp trong tương lai.
Phần Hội của Lễ hội Kỳ phúc làng Phú Khê xã Hoằng Phú được diễn ra với những hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, những trò chơi trò diễn dân gian truyền thống như: kéo co, nấu cơm thi, bắt chạch trong vại nước, bịt mắt bắt vịt, cờ người, đánh đu, giải bóng chuyền hơi, giao lưu văn nghệ…. Đặc biệt, hội thi nấu cơm tái hiện lại đời sống lao động của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước luôn là hoạt động thu hút rất đông khán giả hào hứng theo dõi và cổ vũ.

5 thôn tham gia thi tài sẽ được chia làm 5 đội, mỗi đội được phát một túi thóc nếp và một con gà. Nhiệm vụ của mỗi đội sẽ phải hoàn thiện một đĩa xôi và gà thật đẹp mắt và ngon miệng. Các thành viên trong các đội chơi nhanh tay giã gạo, sàng sẩy sao cho nếp thật trắng, sạch mà không bị nát, xôi nấu lên mới thơm ngon và đạt yêu cầu. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thật hiếm để có thể thấy lại được hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn bên chiếc cối giã gạo. Kí ức về những ngày gian khó vất vả như ùa về. Bao nhọc nhằn, bao giọt mồ hôi đã rơi để đổi lại những hạt gạo trắng ngần nuôi sống cả gia đình. Công đoạn nổi lửa nấu cơm nếp cũng thật sự là một thử thách khi một người chơi phải gánh nồi cơm trên vai, người còn lại vừa cầm theo bó củi, vừa phải di chuyển vòng quanh sân, canh làm sao cho lửa vừa đủ để chín được cơm mà không bị cháy. Người thi phải vừa khéo léo, vừa tập trung chú ý để giữ cho ngọn lửa luôn kề sát đáy nồi và khi cơm sôi, phải nhanh tay dùng đũa bếp để khuấy cơm. Cơm đã cạn nước thì phải bớt lửa ở đáy nồi. Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa người nấu cơm và người cầm củi là vô cùng quan trọng.

Cuộc thi diễn ra trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng vẫn đủ sức để giữ chân hàng trăm khán giả nán lại tới cùng. Càng về sau, tiếng trống thúc giục càng dồn dập, tiếng hò reo cổ vũ cũng náo nhiệt hơn…. Có thể nói, nếu chỉ nghe kể về trò chơi nấu cơm thi mà không trực tiếp tham dự hay chứng kiến thì khó có thể thấy được từng công đoạn và sự hấp dẫn của trò chơi dân gian độc đáo này. Xôi và gà của đội nào dẻo, thơm nhất, chín đều sẽ giành giải nhất của làng. Hội thi nấu cơm đã thực sự mang lại nhiều niềm vui, sự háo hức cùng tình cảm gắn kết trong cộng đồng làng xã.
Bà Nguyễn Thị Thoa, thôn Phú Thượng 2, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi tham gia hội thi nấu cơm đây là lần thứ 10, tôi rất phấn khởi".
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Tại làng Phú Khê ngày nay, rất nhiều đặc sản, nét văn hóa truyền thống vẫn còn được người dân địa phương lưu giữ và lưu truyền cho thế hệ con cháu như: Trống hội cung đình, các món ăn ngon như xôi vò, bánh răng bừa, chè lam, bánh nhãn, kẹo lạc.

Ngày Xuân trẩy hội làng Phú Khê, du khách không chỉ cảm nhận được sự thanh bình của một miền quê trù phú, sự mến khách của người dân nơi đây mà còn có thể cảm nhận được tinh thần cố kết của một cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, từ đó nỗ lực cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật... những giá trị tinh thần, vật chất còn lưu giữ lại, đình Phú Khê được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
" Nhắn ai đã đến Phú Khê
Chè lam bánh nhãn khi về nhớ mua
Hồn thiêng Phú quý quê tôi
Nghìn năm có lẽ vọng về hôm nay"

Chương trình nghệ thuật quần chúng và chiếu phim lưu động tại huyện Thường Xuân
Trung tâm xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa vừa tổ chức Chương trình nghệ thuật quần chúng và chiếu phim lưu động chào mừng thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025) tại huyện Thường Xuân.

Hải Tiến sẵn sàng cho mùa du lịch biển năm 2025
Để đón mùa cao điểm du lịch biển năm 2025, thời điểm này, trên địa bàn Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tổ chức đoàn thể đang khẩn trương hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, cảnh quan môi trường biển để phục vụ du khách.

Vang vọng Chí Linh Sơn
Huyện miền núi Lang Chánh không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với đỉnh Pù Rinh hùng vĩ cùng dòng thác Ma Hao tuyệt đẹp, mà còn là vùng đất gắn liền với câu chuyện lịch sử hào hùng về người anh hùng dân tộc Lê Lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Đây cũng là nơi quần cư, sinh sống của 3 dân tộc lớn: Thái, Mường và Kinh với những nét đẹp văn hóa riêng biệt. Chính nhờ những yếu tố nổi trội cả về thiên nhiên và con người, những năm qua, Lang Chánh đã và đang "chuyển mình" trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong hành trình khám phá xứ Thanh.

Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm
Tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust (Anh) đánh giá Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm tại Việt Nam.

Bông hoa của đại ngàn
Những năm gần đây, Thạch Lâm đã trở thành địa chỉ được ghi dấu trên bản đồ du lịch cộng đồng của tỉnh Thanh Hoá. Để có những đổi mới trong cách làm du lịch nhằm thu hút du khách, những người trẻ ở xã Thạch Lâm đóng vai trò tiên phong. Một trong số đó là cô gái Mường Bùi Thị Nga - người mang khát vọng khai phá tiềm năng du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới cho người dân bản địa. Giữa núi rừng đại ngàn, Nga như bông hoa nhỏ, kiên cường mà rực rỡ vươn lên với khát vọng thoát nghèo.

Loạt video clip quảng bá du lịch Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G
Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã cho ra mắt 3 video clip quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Các điểm du lịch cộng đồng sẵn sàng đón khách dịp lễ 30/4 - 1/5
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Đây là thời gian cao điểm để các địa phương đón lượng lớn du khách và mở đầu cho mùa du lịch hè 2025. Đến thời điểm này, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để đón tiếp và phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

Công bố quy hoạch khu di tích Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu
Chiều ngày 14/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên) giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất cổ Thủy Chú
Sáng 12/4, Hội khoa học và lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Thủy Chú, nay là thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, khảo cổ, dân tộc học trong và ngoài tỉnh.

Cần xung lực mới để khu di tích Đền Nưa - Am Tiên phát triển đột phá
"Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và thiếu tính bền vững” - đó là thực trạng đáng buồn của khu di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên) kể từ khi được chính thức công nhận là di tích cấp Quốc gia đến nay. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đã đến lúc cần định vị lại giá trị của khu vực này trong dòng chảy văn hóa truyền thống và xu thế hiện đại, nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá, đặc biệt là khắc phục hạn chế về cơ chế quản lý lỏng lẻo, cơ sở vật chất nghèo nàn và sự thiếu hụt giáo dục di sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.